hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1136.htm

Trần Tấn Quang Huy

Tuổi thơ vạn dặm

Tôi choàng tỉnh, vùng ngồi dậy trong nỗi sợ hãi kinh hoàng, mồ hôi rịn ra ở chân tóc, ướt đầm trán và chảy ròng ròng xuống ngực. Miệng tôi đắng ngắt, hơi thở khô, nóng, đặc nghẹt thán khí. Tôi chợt nhận ra căn phòng mình ở nóng như một chiếc hầm phòng không. Chắc là tôi đã quên mở cửa sổ và ngủ thiếp đi ngay từ khi ở bệnh viện trở về. Thật là một giấc mơ kinh hoàng! Tôi mò mẫm về phía công tắc đèn. "Tách". Mẹ kiếp! Lại mất điện. Tôi lần đến bên cửa sổ, bật chốt và xô mạnh. Cùng với chút ánh sáng mờ mờ, một luồng khí đêm dìu dịu ùa vào phòng. Trời còn trăng nhưng đầy mây. Những đám mây đen mỏng, loãng, bay vùn vụt phía dưới, lúc lúc lại che lấp vầng trăng, làm cho luồng sáng của nó trở nên kỳ dị. Trước mắt tôi, chiếc cửa sổ của căn nhà đối diện mở toang, phía bên trong là một khoảng không tăm tối. Dưới sân kia, một chiếc giát giường cũ nát ai đó vứt giữa lối đi, trên một vũng nước lênh láng ánh trăng. Tôi cố hít thật sâu làn khí đêm mát mẻ và định thần lại. Phải, có lẽ nỗi ám ảnh đã sinh ra từ cái thông báo của Bộ Y tế gởi các bệnh viện "Một căn bệnh lạ mới xuất hiện, nguyên nhân chưa xác định. Bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp kèm những cơn co giật. Tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở trẻ em". (Ghi chú: Cần làm công tác thống kê gửi lên Bộ). Một thông báo tệ hại, tôi tự nhủ, một thông báo không đúng lúc!...

Nó là sinh vật duy nhất trong căn buồng đó. Căn buồng tầng hai, rộng 16 mét vuông, có hai cửa sổ, một cửa chính lúc nào cũng đóng. Phía gần mép cửa là một lỗ thủng có thể nhòm ra ngoài. Nguyên trước ở đó là một ổ khóa, nay đã hỏng. Một cửa sổ không có chấn song, nửa dưới che bằng cái giát giường cũ. Không khí buổi chiều mùa hè thường ùa vào phòng qua phần trên của ô cửa sổ, ngàn ngạt mùi lá sấu khô. Căn phòng rất tối, vì trước khi đi làm, mẹ nó đã cẩn thận cắt cầu dao điện đóng ở một nơi rất cao trên tường. Nhưng ngồi lâu nhìn mọi vật cũng rõ.

Nó ngồi trong những luồng sáng xuyên qua khe hẹp của những chiếc nan giát giường chơi tỷ mẩn một mình. Đồ chơi gồm vài chiếc bút bi hết mực, thước kẻ, tẩy, một chiếc thìa con, những viên thuốc bọc đường. Tóm lại, bất kỳ thứ gì mà nó mò được. Đối với nó, chúng trở thành người, ngựa và thuyền. Hai thứ sau này, nó cũng chỉ được nhìn có một lần trong cuốn sách mà ngày xưa bố nó mang về, rồi sau mẹ nó xé ra bọc thuốc lá. Thỉnh thoảng, nó ngước nhìn lên phần trên ô cửa sổ. Trong khoảng trời xanh bằng nửa cái chăn dạ, vài ba cánh diều trắng nhỏ xíu chấp chới bay. Một mảnh trăng non mỏng và trong như thể sắp tan vào trong lòng trời xanh thẳm. Chơi chán nó lê lại gần cửa chính, ghé mắt nhòm qua lỗ thủng và đợi. Ngoài kia là ban công, cũng là lối đi, phía dưới là ngõ, bể nước và nhà xí tập thể. Nó đã vào đó một lần, hồi còn rất bé. Mẹ đau bụng bế nó vào theo. Trong ấy tối, hôi hám có những bậc leo lên rất cao. Trên mảnh tường sau lưng, gián đậu đặc như một tấm thảm, râu khua liên hồi thành những tiếng sột soạt. Rất nhiều lần trong những giấc ngủ sau này, nó lại gặp tiếng khua râu của đàn gián.

Đợi mãi, vẫn chẳng có ai về, nó bèn lấy bọn thuyền và ngựa luồn qua lỗ thủng thả ra ngoài. Có lần, lúc bố mẹ nó còn ở chung một nhà, mẹ nó nhìn thấy mắng: "Ngu thế. Vứt hết lấy gì mà chơi!". Bố nó đi sau, nhặt hết lại, mang vào nhà bảo: "Không phải, chắc con nó muốn ra ngoài". Mẹ nó bĩu môi: "Hấp, giống bố như lột". Nói xong, nhìn bố nó cười.

Mẹ là thợ may ở xí nghiệp giày da xuất khẩu. Bố nó làm gì không biết, thấy hay viết lách. Ai hỏi, mẹ nó bảo: "Vô công rồi nghề". Khi chập chững biết đi, nó thấy trong căn phòng xảy ra một cuộc cách mạng nhỏ. Giường được tháo ra xếp ngoài ban công. Bố nó lại làm mấy chiếc giá gỗ đóng vào tường, để cả gương, lược, bát, đĩa, dao, phích vào đó. Mẹ nó ngồi dưới đất, tay giữ chặt nó, ngước lên bảo: "Cao nữa vào". Bố nó lấy một cái giường, đóng đinh bốn góc che nửa dưới cửa sổ. "Thay cho hoa sắt, vừa khéo". - Bố nó nghiêng đầu cười.

Mẹ nó làm ca sáng, dậy rất sớm, bắc bếp, thổi cơm cho vào cặp lồng rồi vội vã đi. Bố nó dậy sau, rửa mặt cho nó rồi lấy cơm nhai nát, đút cho nó ăn. Nó ăn chậm cơm ngậm ư ứ trong mồm. Miệng bố nó hè ra theo nhịp từng thìa cơm. Bố nó giục: "Nhanh lên con, chậm giờ bố rồi". Nó không nuốt, mắt nhìn ra cửa. Bố bế nó xuống đầu đường. Sáng nào ở đó cũng có một ông béo dắt hai con béc giê ra ỉa. Hai con chó giỡn nhau lăn cả xuống cống. Ông béo luôn miệng gọi: "Vích, vích!". Được ra ngoài nhìn thấy chó, tự nhiên nó ăn nhanh hơn...

Buổi chiều mẹ nó về. Nó đang đứng giạng chân cái co, cái duỗi. Bố nó vỗ tay reo: "Mẹ xem, con bắt chước khéo chưa kìa!". Mẹ nó khoặm mặt: "Bố con ra ngoài tưởng học khôn được gì, hóa ra... hay hớm nhỉ?". Nói xong vứt xoạch cái túi xách vào góc nhà. Mặt mẹ nó nằng nặng. Lát sau, cô Thu ngó vào hỏi: "Về rồi à?". Cô Thu làm công nhân nhà máy thuốc lá, cạnh xí nghiệp mẹ nó. Cô ở cùng khu tập thể, hơn tuổi mẹ nhưng chưa có chồng. Hồi trẻ, cô là thanh niên xung phong. Cô cũng làm ca, lúc rỗi vẫn sang nhà nó chơi, thường nằm lăn ra sàn, gác hai chân lên tường, ôm nó vào lòng và kể chuyện. Chuyện cô Thu chẳng có đầu cuối gì nhưng đều buồn cười. Ví dụ: cô kể "Ngày xưa ở Trường Sơn tiểu đội cô mười người, sau chết ba còn bảy. Ban ngày san đường, đếm bom, đêm vào hàng ngủ. Có những cô, cứ tối lại vạch tí nhau ra sờ..." Mẹ nó bảo: "Khiếp quá! Chị kể những chuyện ấy, nó bé đã hiểu gì?". Nó chẳng hiểu gì thật, nhưng nó thấy quý cô Thu. Giọng cô khàn khàn... Mẹ nó thẫn thờ: "Chị Thu ơi! Bọn em sắp thất nghiệp rồi! Giày xuất sang Tây không hiểu sao bị trả về hết. Cuối tháng này nghỉ việc". Cô Thu vênh mặt, giọng bất cần: "Sợ quái gì, không xuất giày thì xuất người, thân ai nấy lo. Đời mà! Cuối năm tao đi Liên Xô". Mẹ nó khẩn khoản: "Chị cho em theo với!". Cô Thu bảo: "Được thôi! Nhưng cô hỏi thử chú ấy xem". Mẹ nó đáp: "Nhà em kể gì!".

Cuối năm ấy mẹ nó cùng cô Thu đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Nhà còn lại hai bố con. Nó bị nhốt nhiều hơn, bố nó suốt ngày đi đâu đó. Thỉnh thoảng mẹ nó viết thư về, đựng trong những chiếc phong bì thơm và đẹp. Bố nó đọc cho nghe. Nó không hiểu mấy, chỉ lõm bõm mấy chữ "xa xa... lạnh lắm...". Cuối mỗi bức thư bao giờ cũng có câu: "Bồng ở nhà với bố ngoan con nhé! Bao giờ mẹ về sẽ có nhiều quà dành riêng cho con...". Nó chỉ vào những dấu đen trên phong bì hỏi: "Đây là gì hả bố?". "Là chữ - A đây, chữ O đây, đây là số 1, 2, 3, 4...". Bố dạy nó đếm đến mười.

Khi bố đi vắng, nó ngồi một mình mang đồ chơi ra đếm "một này, hai này, thuyền này, ngựa này...". Số đồ chơi ít ỏi chẳng bao giờ đếm được đến mười. Tất cả đã bị nó bắt làm tù binh. Bố nó vẫn chưa về, nó bò ra cửa, nhòm qua lỗ thủng. Đầu tiên, nó thấy khoảng ban công hẹp và mát. Một con gián to tướng đang làm cuộc du hành thảnh thơi theo chiều dọc ban công, hai chiếc râu khẽ gật gù. Dưới ngõ chang chang nắng và vắng vẻ lạ lùng. Ngoài phố vọng vào tiếng rao: "Ai kê... ê". Nghe rất xa  xôi. Có tiếng ai đó sập mạnh cửa, rồi yên lặng hoàn toàn. Bố vẫn chưa về. Nó lấy đống đồ chơi thả dần ra ngoài "bốn, ba, hai, một...". Trong lòng bàn tay nhỏ xíu của nó là một khoảng trống không. Nó quay vào căn phòng tối tăm và mát mẻ, chỉ có tiếng đồng hồ đang rắc vào khoảng vắng từng hạt thời gian. Nó nhúng bàn tay vào vết ánh sáng xiên qua cửa sổ. Một thẻo nắng mỏng và nhẹ rưng rưng đọng trong lòng bàn tay nó. Bóng của bàn tay in trên nền nhà thành hình chiếc lá. Trong luồng sáng cơ man là những hạt bụi đang nhảy múa. Nó lẩm bẩm đếm "Một này, hai này... mười này". Vẫn còn cơ man là bụi... Đúng lúc ấy bố nó về, mặt hây đỏ, dáng đi hoạt bát hơn mọi khi. Thấy nó quỳ bên những luồng sáng, môi mấp máy như người đang cầu nguyện bèn hỏi: "Bồng làm gì thế con?", nó đáp "Con đang đếm nhiều quá..." "Đếm bụi à?". "Vâng" - Nó vẫn không ngoái đầu lại, "Đếm bụi, đếm bụi...", bố nó ngân nga, trên môi đọng một nụ cười ngô nghê "cát bụi lại về cát bụi. Kể làm gì, kể làm gì!". Rồi bố nó đặt một thếp giấy mới vào bàn, lục lọi rất lâu để tìm một chiếc bút bi còn mực và ngồi viết. Nó bò quanh rồi áp má vào chân bố. ống chân bố gầy và dài, lưa thưa mấy sợi lông đen. Nó áp môi vào thấy ram ráp, dễ chịu. Nếu mẹ nó trông thấy, chắc phải rên lên "Ghê tởm!". Bố nó thò tay trái xuống se sẽ xoa đầu nó. Bàn tay thoang thoảng mùi mực. Nó mong bố viết cho xong, nhưng hầu như chẳng bao giờ nó đợi được. Nó thường thiếp đi trong gầm bàn, đầu tựa vào chân bố. Đôi lúc bố nó đột nhiên ngừng viết, quẳng bút, cúi xuống bế thốc nó lên cao quá đầu. Nó cười thét lên vì thích thú và hãi hùng. Trên cao nó nhìn qua phần trên ô cửa sổ, thấy phố xá với dòng người đi lại bất tận. Nó giật áo bố "Bố hát đi!". "ừ, hát!". Rồi hai bố con cùng hát bài của nó. Hát rằng:

"Bé bé Bồng xinh

Hai mà phình phình

Mẹ đi cất vó

Bố con ngồi chầu.

Mẹ mang con bống

Cho bé Bồng chơi

Bao giờ bống lớn

Bé Bồng thả bống ra sông

Bồng Bồng Bồng Bang..."

Rồi bố lấy chiếu, trải lên sàn, tắt đèn. Hai bố con nằm cạnh nhau, xung quanh là bóng tối đầy bí hiểm và thú vị. Bố nó bắt đầu kể "Ngày xửa, ngày xưa... có một câu bé ở vương quốc xa lạ được bà tiên tặng cho một đôi hài bảy dặm...". Nó thiêm thiếp ngủ. Nó mơ thấy một đàn cò trắng, chân con nào cũng đeo một đôi hài nhỏ xíu đang vỗ cánh bay qua sông về phía mặt trời rực đỏ...

Mấy tháng sau, mẹ đột ngột về, không báo trước, đầu phi dê, son phấn nhưng trông mệt mỏi như vừa đi gánh nước, gương mặt động vẻ ngơ ngác hốt hoảng. Mẹ nó lục tìm trong túi du lịch lấy cái gói nhỏ, trong bọc kẹo và táo cho nó ăn. Cô Thu đi qua, ngó vào hỏi: "Ơ, về rồi à?". "Vâng". Rồi mẹ nó kể lể: "Bọn nó tống dân lao động lên máy bay bằng dùi cui. Sân bay Mát lộn xộn kinh khủng. Em may về được, bọn bạn rớt lại hết nhưng đồ đạc chẳng còn gì, đến quà cho con cũng chẳng có. Em phải gói bữa sáng trên máy bay làm quà cho con". Cô Thu nhăn mặt: "Tháng trước bảo về với chị lại không nghe". Mẹ nó thở dài: "Em cứ nghĩ: Thôi, cố được tý nào hay tý ấy, không ngờ tay trắng lại hoàn trắng tay". Cô Thu chép miệng: "Rõ chán thân cò lặn lội bờ sông, tép riu chẳng được, tay không mà về". Nói rồi tụt xoạt cái quần nó xuống để xi đái. Bố nó lẩm bẩm: "Cái cò đi đón cơn giông, hạt mưa sắc sắc không không địu về...". Cô Thu vỗ vai mẹ nó: "Chú ấy nói phải đấy! Tiếc làm gì em ơi! Bây giờ đã tay không mình phải nhanh nhẹn sắc sảo như dao pha mới được. Mai ra phố Nguyễn Công Trứ đánh quả thuốc lá với chị".

Mẹ nó đi với cô Thu được một dạo, hôm nào cũng từ sáng tới khuya, đêm về lại ngồi đếm tiền, người rạc đi, mũi nhọn ra. Mẹ nó làm đầu mới, mua một chiếc nhẫn vàng đeo vào ngón giữa nhưng người lúc nào cũng nhớm nhớp mồ hôi. Mẹ mua cho nó một bộ quần áo mới, bắt mặc thử ngay rồi ngắm và khen: "Đồ xịn có khác!". Bố nó đi về như một chiếc bóng. Cứ thế được nửa năm, mọi sự tưởng như không có gì thay đổi. Một tối, bố nó lấy quần áo, bỏ vào túi dết rồi kéo nó vào lòng, vuốt tóc nó, dặn dò: "Bồng này, bố sắp phải đi xa, đi rất xa. Con sẽ trở thành người đàn ông của gia đình, cố ngoan và nhớ giúp mẹ nhé!". "Cốt nhất phải biết sống một mình con ạ, đấy là vì nỗi cô đơn đàn ông, cái đó con chưa hiểu. Phụ nữ chỉ cô đơn khi không có tình yêu, còn lại là những buồn lo thường nhật, nó đánh hỏng nỗi cô đơn. Cả điều ấy nữa, con cũng chưa hiểu được". Bố nâng cằm nó lên, nhìn sâu vào mắt nó và nói: "Bố đi, nhé!".

Như linh cảm thấy điều chẳng lành, một nỗi hãi hùng tê buốt ùa vào lòng nó, nó òa khóc, níu lấy chân bố, nức nở: "Bố đừng đi!". "ừ". Giọng bố nó nghèn nghẹn. Bố nó thẫn thờ xếp túi vào góc nhà, cởi quần áo rồi lấy hai chiếc màn ra mắc. Bố gọi nó vào và ôm lấy nó. Nó thiếp vào một giấc ngủ trập trùng...

Sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy, bố nó đã đi rồi. Nó không khóc cũng chẳng hỏi gì mẹ, chỉ lén nhìn ra cửa. Nó biết, bố nó sẽ chẳng bao giờ về nữa...

Nhưng bố nó lại về, đi cùng một cô. Đầu cô ấy cũng phi dê. Nó ngó xuống dưới ngõ, thấy cô ngồi ghếch lên yên xe đạp, thỉnh thoảng lại liếc lên trên nhà rồi rút thuốc lá ra hút. Mẹ nó dằn giọng: "Lần sau về, anh đừng có mà rước đồ ấy theo!". Bố nó bảo: "Đừng, em!". Bố bóc kẹo cho nó ăn, kẹo đắng ngăn ngắt...

Rồi mẹ nó đi nhiều hơn, tối về, không thấy ngồi đếm tiền, đôi khi lại hay lẩm bẩm một mình. Có sáng tỉnh dậy nó thấy một người đàn ông đứng giữa nhà tập thể dục. Bụng ông béo. Ông ta cúi gập người, ghé sát mặt nó, mắt lăn tăn cười, mấy sợi lông tơ lún phún quanh mép giật giật. " Thế nào, cậu cả, dậy rồi à?". Nó né người tránh xa khuôn mặt ấy rồi lùi lũi đi ra đống đồ chơi những chiếc bút cũ thả qua lỗ cửa. Người đàn ông gật gù khen: "Thằng này khá! Bé đã có cốt cách, còn tiến xa!". Mẹ nó đang ghé sát gương, tay tháo những chiếc lô nhôm cuộn tóc, ngoái lại: "Hâm thì có!". Người đàn ông nháy mắt: "Đêm qua cu cậu ngủ say ghê!". Mẹ nó đỏ mặt.

Đã lâu rồi người đàn ông không thấy lại. Những đêm mất điện, mẹ nó không ngủ, trăn trở quạt luôn tay rồi sờ soạng lau mồ hôi cho nó, chốc chốc lại thở dài.

Buổi tối, cô Thu sang nhà. Cô vừa gội đầu xong, đứng trước gương soi, nét mặt có vẻ tức giận. Cô Thu bảo mẹ nó: "Tao vừa tống khứ lão già nhà tao đi rồi!". "Sao thế chị?". Mẹ nó hỏi. Cô Thu kể: "Thằng bạn lão đến chơi, lão đi vắng còn tao đang gội đầu. Thằng cha sấn đến giở giọng ỡm ờ. Tao lộn tiết, văng luôn. "Này, đừng có thấy hiền mà bành đít thổi sáo!". Vừa lúc ấy lão về, đã không nói gì lại nhăn răng ra cười. Rồi khúc  khích kéo nhau đi như hai thằng cu rủ nhau đi nhà thổ".

- Thì em đã bảo chị, cái cánh "già nhân ngãi non vợ chồng" rồi cũng chẳng ra sao.

Cô Thu nhìn mẹ nó rất lâu, ngao ngán:

- ừ, nhưng vợ chồng như vợ chồng cô thì... còn thằng cha vẫn đến đây sao rồi, lâu tôi không gặp?

- Biến rồi, vợ dọa đưa ra tổ chức!

- Đời mà - Cô Thu cười, giọng cười the thé trong cổ.

- Với lại em cũng chả thiết - giọng mẹ nó rầu rầu. Có lẽ đợt này em thôi không đi thuốc lá nữa chị ạ. Cá nó đuổi đêm, đuổi ngày, được đồng nào cống nó hết. Em định làm chõ xôi, luộc thêm mấy bắp ngô bán buổi sáng, mẹ con nhặt nhạnh nuôi nhau.

- Có mà bán cho ma! Cô xem cái phố này có mồm nào là mồm ăn xôi, ăn ngô của cô không? Bây giờ không phải ăn cơm thì người ta ăn phở. Không khéo rồi lại "buôn kẹo bán đường". Đời nghiệt lắm em ơi! Cô Thu lại the thé cười, cười xong thì lau nước mắt.

Bố nó lại đến, đến một mình. Cửa khóa, mẹ nó đi đong gạo chưa về. Trời mưa to quá, gió hắt những hạt mưa ướt át lẫn với lá rụng qua ô cửa sổ vào nhà. Từ lỗ khóa, nó thấy bố đứng chờ bên ngoài, người ướt sũng, nước từ ống quần chảy xuống đọng thành vũng trên sàn gỗ. Bố nó hỏi: "Nhà có dột không con?". Nó đáp "Có, vẫn hai chỗ ấy, con hứng chậu vào rồi". Bố nó bảo: "Cửa sổ con đóng chưa?". Nó thì thào: "Chưa, hay con bắc ghế trèo lên đóng nhé". Bố nó hoảng hốt "Đừng", rồi bố nó quỳ xuống ghé mắt vào lỗ thủng. Bố nó bảo: "Con đứng xa xa ra, bố nhìn con không rõ". Nó dịch ra xa phía gần cửa sổ. Bố nó nhìn rất lâu rồi lẩm bẩm: "Tối quá". Nó thấy mắt bố hoe hoe đỏ. Khi bố nó đi rồi, nó lại gần áp mãi môi vào lỗ thủng, nước dãi chảy ướt đầm cửa. Mẹ nó về bắt gặp, gắt: "Có điên không thì bảo". "Bố về", giọng nó nghẹn ngào. Mẹ nó không đáp lẳng lặng vào nhà, lát sau lén thở dài. Tối hôm ấy mẹ nó giặt lâu hơn mọi ngày, thỉnh thoảng mẹ lại lấy mu bàn tay quệt mắt. Lúc mẹ lên, nó vội nằm xuống chiếu, giả vờ ngủ. Mẹ sờ người nó khắp lượt rồi thì thầm giọng như ngạt mũi: "Con tôi đầm đìa mồ hôi thế này". Rồi mẹ nó khẽ nằm xuống cạnh, nhè nhẹ quạt. Má mẹ áp vào trán nó, nước mắt mẹ ấm ấm. Nó chợt thấy mặn mặn ở môi. Trái tim nhỏ bé như muốn vỡ tung vì một cảm xúc mà nó không hiểu nổi, vừa ngọt ngào, vừa cay đắng...

Hôm nay bố nó lại tới. Bố mang cho nó một đôi giày trắng rất đẹp. Nó hỏi: "Bố ơi, đây có phải đôi hài bảy dặm không hả bố?"."ừ". Bố nó đáp "Với những đứa bé ngoan, trong giấc ngủ đôi giày này sẽ biến thành đôi hài bảy dặm và đưa nó vào xứ sở của những giấc mơ...". Mẹ nó bảo khẽ: "Anh chỉ giỏi nhồi nhét vào đầu con những điều viển vông!". Mặt bố nó bối rối như người có lỗi. Tự nhiên nó cảm thấy xấu hổ và trở nên ít nói. Nó ngồi lẳng lặng mân mê đôi giày. Mẹ nó mắng: "Thằng này lắm chứng lạ, suốt ngày luôn mồm nhắc bố, thế mà khi gặp lại im như thóc...". Bên ngoài cửa sổ, mây đen kéo về cuồn cuộn.

Bây giờ gian phòng lại vắng tênh. Nó ngồi bên đôi giày và nhìn ra ngoài. Mẹ nó đi đâu đó lâu lắm. Trời vừa mưa xong. Dạo này rất hay mưa về chiều và khi tạnh, trên ô vuông cửa sổ bầu trời bao giờ cũng xao xuyến một mầu xanh tha thiết lạ lùng. Nó đợi mãi, đợi mãi... mà màn đêm vẫn chưa buông xuống. Ngoài kia là khoảng không vời vợi. Nó kéo đôi giày lại gần và xỏ vào hai chân. Đôi giày vừa như in. Những bước chân của nó thật nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như có cánh. Nó bắc chiếc ghế đẩu mà bố thường ngồi viết vào sát cửa sổ rồi trèo lên và ngó ra ngoài. Từng làn gió mát mơn man tóc nó. Những đám lá cây đọng mướt nước mưa khẽ ru trong gió. Mảng tường ngôi nhà đối diện bừng trong ánh chiều hồng rực. Trên bầu trời xanh thăm thẳm, một đàn cò trắng nối đuôi nhau bay miết về phương xa. Nó đu lên chiếc giát giường rồi nhoài hẳn người ra ngoài và cảm thấy chiếc giát giường phập phồng bay như một cánh buồm lớn, và nó đã bước cái bước đầu tiên bằng đôi chân bé bỏng của nó vào khoảng thinh không bao la mà nó chưa hề biết...

Tôi làm nghề thầy thuốc, sống cô độc trong một căn hộ tầng hai. Những buổi sáng sớm từ sau phiên trực về nhà, tôi thường đứng bên cửa sổ cố hít thở một chút khí trời và lơ đãng ngó sang ngôi nhà trước mặt với chiếc cửa sổ quái dị che bằng một cái giát giường cũ. Trong khi làm động tác thư giãn, tôi cố đoán xem ai là người đang sống trong căn nhà đó.

Và một buổi sáng âm u, những giọt mưa lâm thâm và giá lạnh báo hiệu mùa thu đến sớm, tôi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà đi sau chiếc quan tài trắng, nhỏ từ ngôi nhà đi ra. Họ không mặc đồ tang, quần áo nhàu nát. Người đàn bà rũ rượi hai bàn tay bám riết lấy chiếc quan tài, kéo lết theo cỗ xe tang. Người đàn ông cao gầy đi bên cạnh với những bước chân của kẻ mộng du. Tôi nhìn mãi theo bóng họ xuôi về cuối con đường cho đến khi màn mưa thu xóa nhòa tất cả...

Đêm ấy một cơn ác mộng ập về. Tôi nhìn thấy mình đứng bên một con đường đất heo hút trong buổi chiều ảm đạm. Tôi không biết tôi là ai, sao tôi lại đứng nơi đây? Xung quanh tôi hưu quạnh, không một bóng người, hai bên đường là những thửa ruộng vừa gặt xâm xấp nước lẫn với chân rạ lởm chởm. Phía xa, những chú diều hâu to lớn lạ lùng, lượn vòng, chốc chốc lại sà xuống mặt ruộng. Chúng giang rộng đôi cánh và khỏa xuống nước. Máu dính từ những đôi cánh của chúng tan ra như những đám khói nhỏ và loang mãi ra xa...

Tôi bỗng giật mình nhận ra, phía cuối con đường xuất hiện một đoàn người mặc đồ tang bằng vải xô gai trắng đẩy những chiếc xe goòng, trông như những chiếc xe đổ rác. Họ đi nối đuôi nhau thành một dòng im lặng. Trên mỗi xe đều đặt một chiếc quan tài nhỏ mầu trắng. Tia sáng buổi chiều còn sót lại hừng lên rọi vào đoàn người làm tôi thấy rõ những khuôn mặt của họ. Những khuôn mặt khủng khiếp. Phía dưới chiếc mũ bằng vải xô lòa xòa, thay cho mặt mũi là những múi thịt láng bóng ứ đỏ tật nguyền.

Trong không gian, cùng với tiếng rít não nề của gió, thoảng qua tiếng thì thào điều khiển của đoàn người như phát ra từ một cái miệng mà không có chiếc răng nào còn nguyên vẹn: "Đưa chúng vào khu E"...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com