Khương dốc bình rượu thuốc lên miệng cái chén mắt trâu. Chúng tôi cạn chén cay đắng cảm thấu lòng nhau. Tội nghiệp Khương, con mắt bị thương hấp háy, thân thể ngày càng còm rom, cái lưng còng xuống nhưng gương mặt lại như được tráng một lớp ánh sáng. Những khi Chi ngủ anh thường ngồi bên, mùa hè quạt mát, mùa đông ủ ấm. Buồn nhất là những ngày mưa rả rích. Giọt mưa trầm buồn rơi trên tán lá, gõ vào hồn người như đánh thức quá khứ. Người con gái ngồi dựa vào thành ghế hết nhìn sợi mưa dây dây lại tì tay lên má lắng nghe tiếng tí tách đều đều. Người đàn ông không bỏ sót một cử chỉ nào của người đàn bà. Anh lặng lẽ ngắm đôi má đọng lệ. Những trận mưa quen mưa lạ khiến lòng lâm thâm một nỗi nhớ. Trời tuôn lệ người sầu dâng, Khương không thể ngồi yên, anh với chiếc khăn quàng lên vai Chi. Cái cổ trắng ngần, lọn tóc sót lại sau những trận sốt kéo dài vẫn đủ gợi lại chút hình hài con gái ngày xưa. Hạnh phúc nhất là khi anh được gọi đúng tên mình. Và cũng chỉ lúc ấy Chi trở nên dễ thương như đứa em gái. Cô nũng nịu:
- Anh có cưới em không?
- Bao giờ em khỏi bệnh?
- Em có làm sao đâu?
- ừ, anh sẽ cưới, nhất định sẽ cưới.
- Cưới đi, hoa đấy.
Khương chìa tay đón những bông hồng bạch trên tay Chi, nâng niu như đón bó hoa cưới. Chi nép vào bên anh như cô dâu thật. Bỗng Chi cười khanh khách, cô ngó vào mặt Khương mắt long lên. Đã đến lúc Khương bị cào cấu cắn xé. Anh ngồi im lặng để Chi hành hạ. Cho đến khi vã mồ hôi ra cô loạng choạng lăn ra giường.
- Nước... nước cho em.
Chi nuốt ừng ực, tay run run, cái cốc rớt xuống nền gạch vỡ tan. Những mảnh thủy tinh long lanh như những giọt nước mắt. Chi co rúm người lại như người bị lên cơn sốt. Khương đau đớn như chính mình bị hành hình. Qua cơn đau cô gái ngồi chống cằm nhìn người đàn ông chăm chút những cây hoa. Những bông súng phô sắc tím. Chậu cúc trắng nền nã sao sinh nhiều mầu sắc. Cô gái chăm chú như chưa bao giờ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp giản dị mà cao sang của loài thu hoa. Gương mặt Chi dãn ra vẻ thanh thản như chưa hề trải qua sự vật vã đau đớn.
Bỗng tiếng trẻ hàng xóm khóc, Chi hoảng hốt nhìn Khương.
- Con ta đâu, anh?
Khương im lặng không biết nói sao. Tiếng khóc ré lên khiến anh muốn ngất xỉu.
- Con ta đâu? Con ta đâu?...
Câu hỏi dồn dập, đôi mắt khát khao cuồng nộ. Làm sao Chi còn được khả năng ấy. Tuổi tác tháng năm cuốn đi hy vọng của cô ư? Khương nhào tới ôm chặt lấy Chi vỗ về. Tiếng trẻ thét lên, Chi vùng dậy hét toáng lên: "Đồ ác quỷ. Mày giết con tao".
Chi chắp tay trước ngực nhìn chúng tôi cầu cứu: "Các anh ơi! Cứu con em đi, cứu con em đi" Khương co rúm lại trước trận đòn vô hình.
Đêm tháng bảy trời mưa sùi sụt, cơn bão xa rình rập đổ về. Vừa chợp mắt tôi nghe tiếng Khương gọi. Mở mắt ra thấy quần áo anh ướt sũng. Trên tay Khương là thân thể mềm oặt của Chi, tóc xõa nước. Tôi lao đến cùng Khương dốc ngược Chi lên rồi xoa bóp tim làm hô hấp nhân tạo. Khương kề gương mặt đẫm nước vào ngực Chi. Con mắt bị Khương bỗng rung lên chớp chớp. Khương quơ vội tấm chăn ủ cho Chi. Cô cựa mình quàng tay qua cổ anh thút thít: "Đừng bỏ em anh ơi!". Tôi quay mặt đi. Trời đã rạng hồng, ánh sáng tràn lên khu vườn vốn u tịch. Dưới mái hiên trong căn nhà nhỏ nép ở góc vườn, người con gái ngồi như một pho tượng. Sự im lặng chuẩn bị cho cơn cuồng nộ. Thứ nắng le lói mỏng manh buổi sớm sẽ thay thế bởi trận dông mưa. Vậy mà chiều nay khi tôi đang ngồi ngắm những chùm hoa sầu đông nhỏ xíu khẽ rung rinh trên mặt hồ thì Khương xuất hiện. Anh nhếch một nụ cười chào tôi.
Tôi pha trà tiếp nước mời bạn. Qua nét mặt tôi đoán Khương đang có chuyện muốn chia sẻ. Chắc là chuyện quan trọng. Tôi đưa mắt đón đợi, anh bạn vẫn từ tốn im lặng. Đằng sau vẻ trầm ngám ánh lên một lớp vượng khí. Khương cố giữ vẻ bình thường song lời nói vẫn toát lên sự nghiêm trang.
Đôi mắt tím tái vì sốt rét bỗng ửng hồng.
- Cậu biết có... Linh Chi...
- Linh Chi làm sao?
Tôi giật giọng. Thương lắc đầu:
- Cô ấy không làm sao cả.
- Thế có chuyện gì?
Thái độ thiếu kiên nhẫn của tôi khiến Khương lúng túng. Im lặng đến vài phút.
- Mình sẽ cưới Linh Chi.
Đây là lần đầu tiên Khương nói với tôi những lời trịnh trọng kiểu này.
- Cậu đã nghĩ kỹ chưa?
Khương lặng lẽ gật đầu. Thấy tôi có vẻ không đồng tình, Khương ném ra một cái nhìn lạnh lùng rồi bỏ đi. Khi anh đi rồi, quăng mình trên cái ghế bành, nghĩ lại tôi mới thấy mình thật là hồ đồ. Sao tôi lại có thể hỏi Khương một câu như vậy.
Linh Chi, Khương và tôi là bộ ba tướng sĩ tượng trong suốt thời gian cắp sách đến trường. Khương là tướng, Linh Chi là sĩ, tôi chỉ là tượng. Đúng như thế. Khương hơn tôi về mặt trí tuệ và cả tướng mạo. Linh Chi mảnh mai nhưng đầu óc hết chê. Tôi to béo nặng nề như một chú voi. "Trăm voi không được bát xáo", vậy mà cuộc đời tôi lại suôn sẻ dễ chịu còn hai người bạn của tôi long đong lật đật từ trẻ tới già.
Học giỏi nhất trường nhưng Khương lại xung phong nhập ngũ từ đầu cuộc chiến tranh. Ngày lên đường, tôi và tinh Chi tiễn Khương ra tận sân ga. Khi con tàu chuyển bánh Khương còn nhoài người ra cửa sổ. Linh Chi đứng chôn chân trên sân ga như một pho tượng, mắt dõi theo vòng khói trắng vắt ngang trời. Tôi giục Chi quay về, cô cúi mặt kéo chiếc khăn quàng chấm mắt. Chúng tôi đi bên nhau im lặng. Về gần đến cổng làng, tôi mới dám hỏi: "Sao Khương cứ một mực đi bộ đội". Chi thổn thức: "Nhà Khương đông anh em lại mồ côi mẹ từ nhỏ, ai cũng vất vả. Anh ấy đi để cho những đứa em được yên tâm học hành". Khương không những học giỏi mà còn khéo tay, việc gì cũng làm được, từ viết vẽ đến cày bừa cấy hái. Mỗi kỳ nghỉ hè anh lại xin đi làm phó nhỏ cho một cánh thợ. Ông phó cả bảo "thằng Khương như con dao phay pha". Gia đình Khương bị phá sản sau những cuộc loạn ly thay đổi. Bằng tuổi tôi Khương đã phải gánh vác công việc gia đình. Còn tôi đến cả bộ quần áo thay ra cũng có người giặt cho. Ba nhà gần nhau, sáng sáng chúng tôi dậy từ gà gáy lo cơm nước rồi rủ nhau đến trường. Thế mà Khương lại bỏ hai đứa chúng tôi bay nhảy một mình. Chưa hết, vài ba tháng sau khi Khương lên đường, Chi cũng trả giấy gọi vào đại học xin đi thanh niên xung phong. Bộ ba tướng sĩ tượng cọc cạch, tôi cũng định nhập ngũ. Cái thời đó lạ lắm anh nào không đui què mẻ sứt mà cứ ru rú ở xó nhà nó cứ làm sao ấy. Không trốn tránh mà vẫn xấu hổ. Đàn bà con gái còn kéo nhau đi nữa là mình, cái thằng đàn ông. Tôi hăng hái xin ý kiến bố mẹ. Hai ông bà đều lắc đầu. Mẹ tôi nước mắt ngắn, dài. Bố tôi bảo: "Nhà mình tam đại, không có lấy một mảnh đất cắm dùi, chẳng ai được học hành đỗ đạt. Nay có ruộng có vườn rồi còn phải có ông cử ông tú cho nó mở mặt mờ mày với thiên hạ".
Thời chiến tranh, những người ưu tú ra chiến trường hết, mấy anh còn lại vào trường này trường nọ thật dễ. Không phải thi, tôi được gọi thẳng vào trường sư phạm. Đến trường chỉ kiểm tra qua loa. Sức tôi học vào loại xoàng, nhưng mấy năm học ở nơi sơ tán qua đi cũng dễ dàng. Đang chuẩn bị vào kỳ thi tốt nghiệp bất ngờ tôi nhận được thư Khương gửi từ chiến trường về. Những nét chữ quen thuộc hiện trên trang giấy xé từ sổ tay ra, ngắn ngủi mà thân yêu quá. Tôi cầm lá thật đã quăn mép, nhòe mực khoe khắp bạn bè. Trong thư Khương kể, anh đã bị sứt mẻ chút ít nhưng vẫn còn đánh đấm được. Chuyện thật buồn cười. Khương khuyên tôi và Linh Chi nên kết thành bộ đôi tướng ông tướng bà.
Thì ra Khương vẫn chưa biết Linh Chi cũng đi mặt trận. Tội nghiệp, khi ra đi Chi cứ đinh ninh vào trong đó cô sẽ tìm được Khương. Chiến trường mở rộng, người người lớp lớp ra trận, gặp nhau đâu phải dễ dàng. Cuối thư Khương viết: "Các cậu ở nhà gắng học cho giỏi để sau này xây dựng đất nước''. Niềm tin tưởng và cả lời động viên của Khương đã giúp tôi đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp. Vận may lại đến với tôi một lần nữa. Ra trường tôi được về gần nhà công tác, xa bom đạn. Ngồi chưa ấm chỗ thấy bạn bè cùng học, một số được đi nước ngoài học tiếp, nổi máu sĩ tôi dùng sự quen biết của bố tôi với một ông bạn vốn là chiến sĩ tự vệ ngày xưa và bỏ ra một ít tiền lo lót kiếm cái giấy du học. Cũng không khó lắm quen biết lại có tiền. Tôi đường hoàng xách va ly lên máy bay. Sau bốn năm nhá ngoại ngữ một cách chật vật và bảo vệ một cái luận án chung chung ít tính khoa học nhưng cũng được cái bằng phó tiến sĩ ở Grudia. Dù sao cũng nhờ cái bằng "phun thuốc sâu" mà tôi được về công tác ở một cơ quan khoa học trung ương. Nhận công tác được vài tháng tôi cưới luôn một cô gái kém tôi chục tuổi. Cô là trưởng nữ của ông thủ trưởng cơ quan. Ba năm đôi, vợ tôi cho ra hai con vịt trời. Cuộc sống gia đình hòa thuận, ngày ngày cắp cặp đến cơ quan, lương lĩnh đều đều hằng tháng. Đến kỳ nghỉ hè vợ chồng con cái lại ghé xe ông nhạc đi nghỉ mát...
Chiến tranh kết thúc, thỉnh thoảng có dịp về làng tôi đều rẽ qua thăm ông già Tuân, bố Khương. "Con cái người ta về đông về tây, con mình vẫn bặt vô âm tín", nghe ông già phàn nàn tôi buồn đến nẫu ruột. Tìm đến nhà Linh Chi bà mẹ vừa nhìn thấy tôi đã bưng mặt khóc. "Phận sao bạc mấy con tôi, bạn bè cùng tuổi đã đâu vào đấy mà con thì biệt tăm". Không phải là người mau nước mắt, tôi cũng phải rút khăn. Thật vô lý, nếu cả hai đều hy sinh. Đầu xanh tuổi trẻ bao nhiêu mơ ước chưa thành. Trước mắt tôi người mẹ mái tóc bạc trắng, đôi mắt mờ lòa, mọi đường nét đều biểu hiện sự khổ đau vô vọng. Bà gợi tôi nhớ đến những nữ tu đơn độc. Ngày ngày mẹ đọc kinh cầu nguyện cho con gái. Những ngày thăm quê, tôi thường mất ngủ. Đêm dài mưa rơi đếm được từng giọt nỗi buồn thấm vào ruột gan. Từ đó tôi chỉ dám hỏi thăm tin tức hai người mà không dám bước đến khuôn viên, nơi mà thuở quần rách áo vá chúng tôi thường qua lại. Tôi sợ những giọt nước mắt trên hốc mắt hai người già. Hơn thế tôi sợ cả những lời khen tặng. Trong họ ngoài làng ai cũng bảo tôi là nhất. Đám bạn bè đổi ngôi cho tôi là tướng. Người độc mồm độc miệng còn gọi Khương là mã là tốt. Suốt đời trận mạc, chẳng biết lên tá lên tướng gì, hòa bình rồi vẫn lang bạt tận chân trời góc bể nào đó. Sau đó tôi được tin Khương bị thương nặng đã chuyển ra ngoài, đang học đại học trên cao nguyên. Tôi vui mừng đến phát điên lên vì cái tin đó. Khương mà học chắc là giỏi rồi: Bất ngờ vào một dịp hè hai đứa gặp nhau ở quê. Chúng tôi ôm nhau tay bắt mặt mừng. Tôi không thể không nhắc đến Chi. Khuôn mặt giãn ra vì vui sướng của Khương bỗng co lại như bị một ngọn roi nào đó. Dưới ngọn đèn dầu lật giở từng trang thư. Chẳng trang nào còn nguyên vẹn, lỗ chỗ vết mọt đục gián nhấm. Khuôn mặt đàn ông thấm nước ngẩng lên nhìn tôi: "Mình kiểm tra lại trí nhớ và muốn nhìn những hàng chữ của cô ấy. Bao nhiêu đêm mình mất ngủ chỉ vì trong lòng chỉ có Linh Chi...". Khương nhắm mắt lại, anh lẩm bẩm như người đọc kinh: "Cảm ơn Chúa đã cho em thương em nhớ một người. Người đó là anh. Và mãi mãi cũng chỉ đau khổ vì một người. Người đó là anh". Đó là một đêm tháng bảy, những giọt nước mắt của vợ chồng ngâu rả rích. Giọng Khương đều đều như những giọt mưa. Mình nhớ lắm cái tháng tư năm ấy, bao nhiêu trận mưa trong những cuộc hẹn hò. Có lần đúng lúc trời mưa to Chi rủ mình đi chơi. Mình ân hận vì đã khước từ. Lúc ấy mình lại thương Chi gầy yếu, làm sao chịu nổi những cơn mưa lạnh, rồi chính mình đã đội mưa một mình. Mưa thành kỷ niệm trong những ngày xa nhau. Cả trăm trận mưa mình gặp trên đường là cả trăm lần thương nhớ. Mưa lạnh buốt vì buồn, mưa nóng bỏng vì những giọt nước mắt. Hạt mưa nỗi nhớ đan xen...". Chúng tôi rủ nhau đến thăm lại khu vườn tuổi thơ nơi ba đứa đã lăn ra cỏ, đã trèo lên cây xua đàn chào mào đỏ chôn giành lấy những chùm quả ăn căng bụng. Khương thường vắt vẻo trên đỉnh ngọn hoàng lan kiếm hoa cho Linh Chi, thứ hoa mà cô thích. Gốc hoàng lan sù sì mốc trắng, hương hoàng lan quanh quẩn đâu đây. Thế mà chỉ còn hai thằng con trai, nói cho đúng hai thằng đàn ông tóc đã lốm đốm bạc. Cùng nghe sương rơi lá rụng, cùng nhớ một người con gái . Tôi không biết nói gì để Khương nguôi ngoai nỗi buồn, anh cũng không phải là con người thích nghe những lời an ủi. Một con người đầy bản lĩnh và trí tuệ đang ngồi trước mắt tôi, những sợi tóc bơ phờ còng queo chắc có nhiều sợi bạc vì Linh Chi. Cô ấy bây giờ ở đâu. Hỏi Khương anh chỉ lắc đầu. Mỗi năm ba tháng hè ba tháng anh lang thang tìm Chi khắp đó đây. Cô trôi dạt về đâu chẳng ai biết. Bao nhiêu của bấy nhiêu đường Khương cũng đi tìm người con gái tuổi thơ của mình. Chúng tôi kéo đến thăm mẹ Chi. Tôi lo ngại sẽ phải chứng kiến những giọt nước mắt. Thật bất ngờ, người mẹ ngoài bảy mươi tuổi ấy hình như đã cạn hết nước mắt buổi xế chiều. Nhận được thư của một người không quen báo tin Linh Chi đang sống ở một trại thần kinh miền đồi trung du nào đó hẹn khi nào khỏi bệnh cô mới trở về. Người mẹ mắt lòa chân chậm lại rạp mình trước bàn thờ Chúa. Trước khi chia tay với bà, Khương hứa sẽ tìm bằng được Chi. Bà mẹ gục vào vai Khương trút nốt những giọt nước mắt còn sót lại của tuổi già.
Cái viện khoa học của tôi rất ít việc làm vì những môn khoa học xã hội bị chi phối bởi nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị, kinh tế. Những điều đó đang có nhiều thay đổi. Có những điều đã chia tay với giáo lý cũ. Kiến thức mà tôi tiếp thu được trong quá trình học tập đã trở nên lạc hậu, dường như nó chẳng dính dáng gì đến đời sống đang diễn ra. Chính những ông thầy hướng dẫn chúng tôi đã ly khai những điều họ đưa ra trước đây. Số phận mớ kiến thức mà tôi học được chẳng khác gì những đồng xu lẻ vừa qua một cuộc đổi tiền. Không có việc làm nhưng tôi vẫn đến cơ quan đều đặn. Công việc trong ngày mở đầu bằng việc pha trà mời mọi người trong phòng. Tất cả đưa đẩy ấm trà bằng những chuyện thường ngày xảy ra ở khu tập thể hoặc gặp dọc đường. Chuyện vãn, chuyển sang đọc tin đọc báo. Gần đây tôi rất chú ý đến mục tin buồn xem chẳng may có ai quen biết hoặc nói dại có ông bạn đồng niên đồng tuế nào ra đi để kịp đến chia buồn. Trưa đến rủ nhau đi ăn cơm bụi rồi về nằm rãi thẻ trên những cái bàn đánh một giấc. Buổi chiều hết tuần trà chuyển sang mục văn hóa thể thao. Câu chuyện xoay quanh các cô hoa hậu hoặc những ngôi sao sân cỏ. Chờ hết giờ làm việc đạp xe đến quán bia hơi làm một vại với mấy củ lạc, sáu bảy giờ tối về nhà cơm nước với vợ con rồi nằm ghếch đùi trên sa lông xem ti vi . Nhiều hôm dở chừng đã díp mắt lại . Một hôm tôi đang mơ mơ ngủ bỗng giật bắn mình vì mục nhắn tìm đồng đội. Người nhắn tin là Khương, người cần tìm là Linh Chi. Thì ra Khương vẫn chưa tìm thấy Linh Chi.
Công việc của một cán bộ nghiên cứu lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, tôi tính làm một việc có ích bằng cuộc viễn du gọi là đi thực tế. Biết đâu chẳng tìm ra tung tích người bạn. Cũng phải thu xếp việc cơ quan, việc gia đình đến vài tuần lễ mới lên đường được. Trước khi đi xa tôi quyết định trở lại thăm quê để lấy địa chỉ của Khương và nắm thêm tin tức của Chi. Vừa đến đầu làng tôi đã thấy đám người xúm đen xúm đỏ quanh một người đàn bà gương mặt xanh xao hốc hác. Đúng rồi! Linh Chi, sao bạn nên nông nỗi này. Tôi chen đám đông lao đến nắm lấy cổ tay Chi.
"Chi ơi! Chi có nhận ra mình không?" Người đàn bà thoáng chút ngỡ ngàng rồi thở hổn hển.
- Tuyên... có phải Tuyên không?
- Còn nhận ra à. Mình là Tuyên đây.
Chi nhào đến úp mặt vào ngực tôi.
- Anh Khương hy sinh rồi phải không?
- Ai bảo Chi thế.
Tôi gắt gỏng cãi. Chi nhìn tôi đôi mắt đờ dại ngó nghiêng.
- Chi lầm rồi, Khương bị thương nặng nhưng nó đã đi khắp nước tìm Chi.
Cô à lên một tiếng kinh ngạc. Thực ra Khương đã tìm đến trại điều dưỡng và đưa Chi về đây cho mẹ cô nhưng mảnh bom bằng hạt đỗ găm trong đầu đã làm Chi không nhớ rõ mọi chuyện đến đầu đến vệ. Khương không có nhà. Anh đang chạy ngược chạy xuôi tìm thầy thuốc cho Chi.
Từ ngày Chi về, Khương thường qua lại nhà Chi lo cơm nước thuốc men cho cả hai mẹ con. Dân làng dò hỏi anh chỉ cười hóm hỉnh: "Tôi tuổi ngựa mà"'. Ai nhắc đến chuyện bỏ chức giảng viên đại học về dạy lớp ba lớp bốn cho đám trẻ thất học trong làng, Khương nói tỉnh khô: "Cũng là dạy học cả thôi".
Chuyện đến thế cũng là quá sức tưởng tượng của tôi và bạn bè. Ai ngờ Khương lại đến hỏi ý kiến tôi về cái chuyện tày đình kia. Không nghĩ đến tương lai của mình đã đành nhưng còn dòng họ nhà anh nữa chứ. Khương là con trai trưởng trong gia đình. Ai nối dõi tông đường "bất hiếu hữu tam" anh còn nhớ lời thầy dạy văn đã nói không. Linh Chi là người đàn bà tâm thần, vô sinh, nếu có cũng chỉ có thể cho ra đời những đứa con bất thành nhân dạng. Liệu hai người sẽ trụ với nhau được bao lâu trước miệng thế gian. Linh Chi lại là người tự trọng chắc gì cô đã chấp nhận cuộc hôn nhân nghĩa nặng hơn tình. Chi sẽ không muốn Khương phải hy sinh vì mình. Khuyên như thế nào cũng không phải, tôi chỉ còn biết dõi theo cuộc đời hai người xem kết cục ra sao.
Từ dạo hai người lấy nhau tôi năng về thăm quê hơn. Mỗi lần về quê tôi lại ghé thăm ngôi trường ba gian nép bên khu vườn tuổi thơ lắng nghe Khương giảng bài cho lũ trẻ. Dưới bóng hoàng lan học trò lúm năm tụm ba ê, a học bài. Đôi lần Khương còn đưa cả Linh Chi ra chơi với đám trẻ. Chi có vẻ vui hơn, dáng đi đỡ khập khiễng nhưng lại có vẻ nặng nề. Khuôn mặt hai người rạng rỡ niềm hạnh phúc. Chi giúp đỡ Khương phụ giảng cho đám trẻ. Cứ như họ đã đạt được mộng cưới ngày thơ. Đôi vợ chồng nhà giáo, một căn nhà nho nhỏ với vườn tược hoa trái. Tôi không ngờ cái vườn hoang ngày ấy giờ đã ngợp cỏ non. Những giò phong lan đủ loại bên những bông hồng khoe sắc: hồng Elizabeth đại đóa, hồng Boléro hoa văn chỗ đậm chỗ nhạt, rồi Ariana hoa dày khóe như được bàn tay nghệ sĩ lạo bằng bột. Một mầu hồng ấm áp rộ lên. Cạnh đó chiếc đĩa sứ mỏng mảnh chất men cả ngàn năm đang đỡ cây tiểu mai chỉ thấp tày gang mà có cả mấy chục tuổi. Chưa hết, góc vườn kia trong những chậu sứ đại, những bông súng kiều diễm đang phô sắc tím thủy chung dưới những chùm ánh sáng. Những bông cúc vàng, trắng phơn phớt tím tỏa hương nhẹ nhàng bên khóm trúc quan tử. Rồi còn cả những lồng chim to nhỏ treo dưới cành cây. Phải có một tâm hồn nghệ sĩ giản mộc đến hoang dã mới tạo nên cái khuôn viên đầy danh họa quý tiểu này. Bên con đường nhỏ lát sỏi rợp bóng cây là những cái ghế mây nhỏ cho đám trẻ ngồi học. Lũ trẻ đang ngồi xệp trên vạt cỏ nghe Linh Chi kể chuyện. Ai đã trả lại nụ cười tuổi thơ cho cô. Cảnh vật tự nhiên và con người như níu lấy chân tôi. Khương bưng ra một khay trà đặt lên chiếc bàn kê ở góc vườn. Nâng chén trà ướp sen trên tay nhấp một ngụm rồi ngả lưng trên chiếc ghế mây đột nhiên tôi lại nghĩ đến mình. Gần đây tôi hay tự vấn. Người ta bảo đó là biểu hiện của bệnh già. Làm sao không nghĩ ngợi được. Mang tiếng là một anh phó tiến sĩ mà chưa có một công ích gì đẻ ra từ cái học vị ấy. Ngay cả việc phụng dưỡng bố mẹ già cũng phó mặc cho ông anh mới học hết lớp ba. Mỗi năm ông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có dăm bảy tạ thóc, vài lứa lợn lấy tiền gạo nuôi dưỡng bố mẹ, cúng giỗ ông bà. Vậy mà tôi vẫn được mọi người kính trọng được coi là thành đạt, là người làm vẻ vang cho họ hàng làng nước. Đôi khi mọi người còn đưa tôi ra để chứng minh cho sự kém cỏi của ông anh vì anh tôi là phó thường dân. Chỉ có tôi biết, tôi là kẻ vô tích sự không làm được việc gì có ích so với ông anh chứ đừng nói so với Khương với Chi và bao nhiêu người khác. Thế mà tôi vẫn được coi là tướng còn họ là sĩ là tượng thậm chí là mã là tốt. Thảm hại cho cái nhìn trọng danh khinh thực.
Chuyện thật buồn, một hôm tôi nhận được tin Linh Chi đã bỏ đi mất tích. Càng thương Chi tôi càng giận Khương. Anh đã làm gì để Chi phải bỏ nhà đi. Tôi nghĩ đến những lý do dẫn đến chuyện này. Nguyên nhân nào thì Khương cũng có lỗi. Đã có lúc tôi nghĩ những lời khuyên của mình là sai khi thấy hai người hạnh phúc. Sao cơ sự lại ra thế này. Tôi bổ về quê tìm Khương. Anh đã đóng cửa trường cho bọn trẻ nghỉ học để đi tìm Chi. Buổi chiều, Khương tả tơi trong bộ quần áo lính và chiếc xe đạp cà tàng trở về. Tôi rơm rớm nước mắt nhìn anh:
- Khương ơi! Đã tìm thấy Chi chưa?
Khương im lặng như một pho tượng. Anh nắm tay tôi.
- Yên tâm đi, lưu lạc cả mười năm chiến tranh chúng mình còn tìm thấy nhau nữa là...
Đời bạn lôi đa đoan lắm nẻo. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nát lòng. Vậy mà Khương vẫn như cây tùng cây bách đầy cường lực . Anh cứ đi theo con đường của mình. Con đường sống thực sự trong cõi Người chứ không chịu tẻ nhạt trong sự tồn tại.
- Linh Chi bị tâm thần nặng hơn à?
Tôi hỏi.
- Không, Chi tỉnh táo hoàn toàn rồi.
- Thế thì cậu đã làm gì để Chi phải bỏ đi.
Tôi nghiêm giọng trách cứ. Khương cúi đầu như để lục vấn xem mình có lỗi gì. Bối rối trước những câu trả lời của Khương nhưng tôi vẫn tin ở bạn mình. Sẽ bất nhẫn nếu cứ căn vặn Khương, tôi đã kiềm chế để khỏi thốt ra những lời dại dột như lần trước. Đôi mắt Khương đã nói tất cả. Anh rất yêu Chi kể cả chuyện cô bỏ đi không nói năng gì. Khương nhìn tôi.
- Mình sẽ đi tìm cô ấy suốt đời, không có ai thay thế được Chi. Với lại còn đứa con của chúng mình.
- Chi có mang?
Tôi kinh ngạc, vừa mừng vừa lo cho bạn.
- Liệu đấy có phải là nguyên nhân để Chi bỏ đi.
- Mình cũng nghĩ như vậy nên cả tháng nay đều tìm đến các bệnh viện, các trạm y tế tìm cô ấy.
- Không được đâu, ở những vùng nông thôn hẻo lánh thiếu gì các bà đỡ.
Chúng tôi chia tay sau một đêm thức trắng nghe mưa rơi. Lại vẫn chỉ hai người đàn ông thêm những cánh hoa héo rũ. Sau cả tháng trời không thấy tung tích Chi tôi mệt mỏi quay về. Vừa nhìn thấy tôi Khương đã ào đến nắm lấy tay tôi báo tin:
- Cậu đi được vài ngày thì Chi ôm về cho mình một thằng cu - ánh mắt Khương bừng lên niềm sung sướng hạnh phúc, giọng anh líu ríu.
Chi im lặng ra đi, khi nghĩ đến một đứa trẻ mình đầy lông lá, có cổ mà không có đầu hoặc thiếu chân, thiếu tay. Chi không muốn chất thêm gánh nặng lên vai Khương và cũng không muốn gia đình anh rơi vào một hoàn cảnh khó xử.
- Thế là cậu có một hoàng tử nối dõi rồi nhé.
- Có lẽ được như thế Chi mới quay về, nếu không...
Khương bỏ dở câu nói: Tôi xúc động đón đứa bé từ tay người mẹ và hôn lên trán nó. Chú bé bụ bẫm gương mặt sáng sủa, chân tay dài rộng.
Linh Chi ngắm nhìn đứa con không biết chán. Cô nói với tôi:
- Em phải cảm ơn Chúa, Chúa đã ban cho vợ chồng em thằng bé - Linh Chi đón con và hôn tới tấp lên má lên mặt.
Tôi bâng khuâng nhìn vợ chồng Khương. Đời tôi ít có được niềm vui như thế. Mọi chuyện đến với tôi quá dễ dàng. Chắc Khương không biết tôi đang nghĩ gì. Sau bao năm lăn lộn với chiến tranh và cuộc sống, hai người vẫn là tướng là sĩ còn tôi vẫn là tượng trong cái bộ ba tướng sĩ tượng chứ không như những điều người đời chỉ thấy bằng mắt.