Hắn biết là hắn chưa say, không say, và có muốn cũng chẳng thể nào say được. Đơn giản chỉ vì hắn lấy đâu ra đủ tiền để say. Bà chủ mà hắn quen đã tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi thấy hắn xuất hiện. Lần nào cũng vậy hắn chỉ mua có nghìn rưởi, trong khi nhẽ ra phải hai nghìn mới đủ một cốc rượu Vân chính cống. Rót vơi thì không được, mà đầy thì...
Khó chịu là thế, nhưng biết làm thế nào khi hắn bao giờ cũng chỉ có nghìn rưởi trong túi. Thôi thì vua thua... thằng cùn.
Hôm nay cũng thế, hắn ngồi từ lúc chưa đứng bóng cho đến tận lúc mặt trời ngả về tây, cũng chỉ với một... cốc rượu vơi. Được cái may là quán chẳng bao giờ đông người. Họa hoằn lắm mới có mấy bố xe ôm ghé vào rít thuốc lào sòng sọc, đợi một cuốc khách bất chợt.
Riêng hắn chẳng đợi ai cả. Với một nghìn rưởi, hắn đã có thể qua gần cả buổi chiều trong cái xó tối quen thuộc để... chẳng nghĩ gì hết. Nhưng hôm nay thì khác, hắn phải nghĩ, và nhục nhất là lại phải nghĩ làm thế nào để kiếm ra tiền. Trời ạ!
Vợ hắn, người đàn bà mà chính hắn cũng không hiểu nên thương hay giận ấy bỗng dưng lên cơn, sáng đưa cho hắn 20 nghìn, bảo đi mua cho mấy đứa trẻ dăm cuốn vở, chuẩn bị ngày khai giảng. Ôi, sách với vở, cả đời hắn đã lận đận long đong vì nó đến nỗi bây giờ cứ thấy ai bàn chuyện chữ nghĩa là hắn lại thấy hãi. Nhưng dù vậy thì hắn cũng không thể ngăn không cho con mình đi học. Dẫu cho hắn ghét sách vở chữ nghĩa đến đâu chăng nữa thì con hắn vẫn cứ phải đến trường, vẫn cứ phải đi học, dù chỉ để mai này lại long đong, khốn khổ như hắn. Nghĩ thế nên định phản đối, hắn lại thôi, lẳng lặng cầm tiền, xoa đầu bọn nhỏ, bước ra khỏi nhà.
Mấy đứa buôn sách phố LTK rặt một bọn khốn nạn. Ai ngờ già đời như hắn còn bị chúng lừa. Chen chân vào được cửa hàng mắt hắn hoa lên vì các loại vở mầu sắc sặc sỡ đủ kiểu bìa Khủng long, Tiểu Yến Tử, Thủy thủ Mặt trăng... Đúng là vở ra vở, đẹp nõn nà, chẳng bù cho những ngày đi học của hắn, viết trên đủ loại giấy đen xì, trơ lỳ các thớ sợi dọc ngang chằng chịt. "Bọn trẻ bây giờ sướng thật" - vừa nghĩ thế, hắn vừa chìa ra 20 nghìn và giật mình khi biết được với số tiền "còm" đó hắn chỉ mua được chưa đầy chục cuốn vở. Trời hỡi! Ba đứa nhỏ nhà hắn sẽ chia làm sao mấy cuốn vở đẹp như mơ kia. Khẽ khàng bên tai hắn, một mụ nạ dòng lên giọng sành sỏi: "Này, bố có thu nhập bạc triệu hãy sờ đến mấy thứ hàng mã ấy. Ra đây tôi bán cho mấy thếp giấy. Giá rẻ giật mình. Có nghìn rưởi một thếp. Con của bố vừa viết vừa gấp tàu bay cả năm trời chưa chắc đã hết". Đầu óc hắn phác rất nhanh một con tính, 20 nghìn được 12 tập, còn thừa 2 nghìn, làm cốc rượu trắng làng Vân đầy có ngọn, chứ không thèm vơi như mọi hôm cho con mụ chủ trắng mắt ra. Hắn đồng ý ngay và cùng mụ lách ra khỏi cửa hàng. Chẳng biết ma xui quỷ khiến làm sao, mụ nói đưa tiền để mụ đi lấy giấy, thế là hắn đưa, và cứ thế nhìn mụ mất hút trong đám đông, rồi đứng chờ như một thằng dở hơi.
Khi biết chắc mình bị lừa, hắn cũng chẳng buồn kiếm tìm, cứ thế bỏ đi lặng lẽ. Bàn chân đưa hắn đến cái quán quen thuộc này lúc nào chẳng rõ, để bây giờ hắn ngồi đây nhìn phố phường, người ngợm qua lại và thỉnh thoảng lại thấy nhói đau ở nơi ngực khi nghĩ đến việc đào đâu ra 20 nghìn.
Hà Nội đã vào thu, những cơn mưa cuối mùa phần nào làm dịu đi cái nóng dai dẳng cả tháng trời nên người ngợm đổ ra đường đến là đông, với bộ mặt phởn phơ sung mãn. Cái sự thèm được như người này, người kia đã lâu chẳng còn ý nghĩa gì với hắn. Hắn đã kiệt sức, đã buông xuôi, đã câm lặng, và nói theo kiểu mấy thằng lẩm cẩm ưa triết lý thì hắn coi như đã không tồn tại với bất kỳ lý do nào trên cõi đời này.
Vậy mà hắn mới ngoài 40 tuổi, và không chỉ thế, hắn còn biết là mình không đến nỗi xoàng về mặt hình thức, với một khuôn mặt có thể coi là đẹp trai, một vóc dáng có thể gọi là nho nhã, dù các thứ đắp trên người khó có thể gọi là quần áo.
Bây giờ nhìn hắn, ngay cả những thằng bạn học thân nhất ngày xưa cũng khó lòng nhận ra. Chính hắn hầu như cũng chẳng còn nhớ mình đã từng có một thời sinh viên đẹp đẽ, học ở một trường đại học nhiều người mơ không nổi, cũng đã từng khao khát được dâng hiến, được sáng tạo, từng ôm ấp bao giấc mộng vinh quang và sang giàu.
Thời gian như nước qua kẽ tay, dẫu tay bẩn hay sạch đi chăng nữa, để giờ này hắn ngồi đây với một cốc rượu vơi và nỗi lo không có 20 nghìn mua cho con mấy cuốn vở. Một câu thơ thuở sinh viên xa lơ xa lắc chợt lọt vào đầu hắn:
Tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu
Mẹ hiền từ, cha lại quá thanh cao
Vốn liếng thi ca dồi dào của hắn giờ chỉ còn lại có "nhõn" hai câu không đầu, không đuôi ấy - hai câu thơ bao giờ với hắn cũng đúng đến đáng sợ. Suốt từ khi biết nghĩ, hắn thường xuyên gặp chuyện vui xẻo và mỗi lần như thế mẹ hắn chỉ biết khóc, còn cha hắn thì nhìn hắn với vẻ khinh bỉ không thèm che giấu. Hắn không biết do đâu và từ khi nào hắn luôn là cái gai trong mắt ông bố và nỗi đau đớn của bà mẹ. Mù mờ trong tâm trí hắn, loáng thoáng vài ba lần nghe các cuộc cãi vã giữa hai người, hắn cảm giác về một dòng máu khác đang chảy trong người hắn - đã biến hắn thành kẻ xa lạ ngay chính giữa gia đình mình.
Mười năm, sau khi hết bom đạn, thì hắn trúng tuyển một trường đại học xa thành phố đến cả trăm cây số. Không một xu dính túi, và cũng không một lời từ biệt, hắn dửng dưng chia tay mọi người trong nhà và cắn răng nhập trường. Những bữa cơm sinh viên đạm bạc luôn làm cho dạ dày hắn sôi réo. Đầy mặc cảm, hắn tránh xa bọn bạn cùng lớp hợm hĩnh, tìm cách đánh lừa cái đói thường trực bằng những tô canh lõng bõng và bình nước lã lúc nào cũng vơi. Bản chất của thiên tài là cô độc. Hắn thuộc lòng câu nói đó và càng tìm cách rút sâu vào cái vỏ ốc kiêu hãnh của riêng mình. Hắn học không đến nỗi xoàng và bề ngoài cũng đủ gây hấp dẫn cho vài cô bé cùng lớp. Song cứ mỗi lần có ai đó định làm thân với hắn thì hắn lại làm cho họ cụt hứng bởi những câu hỏi cộc lốc với vẻ bất cần. Cứ thế, hắn là một hiện tượng lạ lùng ngay trong chính lớp học của mình - một kẻ điên khùng đầy ảo tưởng...
Mặc kệ mọi lời đàm tiếu, hắn cứ sống theo ý hắn và mơ một ngày không xa khi đã giàu có, đã nổi tiếng, hắn sẽ bắt tất cả những kẻ ngu ngốc kia quỳ dưới chân mình...
Một bữa, vì mải chúi mũi vào đống bài tập, hắn đến nhà ăn quá muộn. Nhìn căn nhà vắng lặng trong màn đêm, hắn đã định quay ra, bụng nhủ thầm, vậy là lại một đêm khốn khổ vì các dạ dày rỗng. Bỗng cái lò than sau bếp đột ngột đỏ lửa, và tiếng đàn bà khe khẽ bên tai: "Ngồi vào bàn đi, tôi mang phần cơm ra cho. Sao đi ăn muộn thế?". Hắn sững sờ đến nỗi không thể cất lên câu trả lời. Khối băng giá cô đơn hắn gìn giữ bao lâu có nguy cơ tan rã. Sống mũi hắn chợt cay sè. Có thể chỉ tý nữa thôi, hắn sẽ khóc.
Chưa bao giờ trong đời sinh viên, hay khi còn ở nhà, hắn được ăn một bữa ngon đến thế. Bữa cơm đạm bạc thường ngày hôm ấy với hắn còn hơn cả một đại tiệc. Hắn cắm mặt ăn không một lời. Chỉ trong chớp mắt, ngay cả chút cặn của bát canh cũng đã sạch nhẵn. Thật nhẹ nhàng, chị nuôi đẩy đến trước mặt hắn một cái đĩa trên đựng một tảng cháy vàng ươm. Hắn ngước nhìn như dò hỏi và nhận thấy một cái gật đầu nhẹ. Tiếng cháy vỡ giòn tan trong miệng làm hắn bối rối. Người đàn bà ý tứ đứng dậy đi ra phía lò than rót cho hắn một bát nước vối xúc miệng. Cái dạ dày được thỏa mãn đã thôi sôi réo. Trước khi ra về hắn muốn nói một lời cảm ơn mà không biết bắt đầu bằng cách nào. Màn đêm ngoài kia tối đen và ẩm ướt hệt như cặp mắt người đàn bà đang nhìn hắn. Cảm giác khó chịu lại chợt đến, sống mũi bỗng cay xộc lên mỗi lúc một dữ dội, hắn vụt chạy như một thằng điên để chặn lại tiếng òa khóc như đang muốn vỡ ra nơi lồng ngực.
Từ hôm đó, dù hắn về muộn tới đâu đi nữa, người chị nuôi ấy vẫn chờ với một suất ăn được để phần thật chu đáo và đĩa cháy như ngày càng lớn hơn, thậm chí đôi khi còn được cầu kỳ đảo qua tí mỡ vừa thơm vừa giòn. Chẳng biết từ bao giờ hắn mê cái món cháy rán và mong cho trời mau tối để được gặp người chị nuôi có đôi mắt âm u ẩm ướt. Sau mỗi bữa ăn hắn không còn cái cảm giác khó chịu và cũng không bỏ chạy như buổi đầu tiên nữa, nhưng cũng chẳng biết nói gì với người đàn bà lạ lùng kia. Cái dạ dày được thỏa mãn thì lại đến cái đầu chẳng chịu yên cho. Bao câu hỏi ngọ nguậy trong đầu làm hắn mỗi lúc một thêm khó chịu, nhất là khi những tiếng xì xào bắt đầu.
Không rõ từ đâu, chuyện những miếng cháy đã lọt ra ngoài. Cái lũ hợm hĩnh trong lớp nhìn hắn với vẻ tò mò pha chút giễu cợt. Trong trường bọn ác khẩu truyền tai nhau "thiên tình sử" nơi nhà bếp về "mối tình qua đĩa cháy cơm" và thêm thắt vào đó đủ chuyện tởm lợm. Hắn cố lờ đi, cố quên đi, thì những lời thì thào càng làm hắn bực bội.
Sau một bữa ăn cố tình đi muộn, hắn đẩy đĩa cháy sang một bên, bối rối một chút rồi nhìn thẳng vào mắt chị nuôi cất giọng thật khô khan: "Vì sao chị lại tốt với tôi như vậy?". Có lẽ vì bất ngờ khi thấy "cóc mở miệng" nên người đàn bà im lặng ngước nhìn hắn như dò hỏi. Chao ôi, sao hắn lại ghét cái cặp mắt ẩm ướt và đen như đêm không sao ấy đến thế. Tránh cặp mắt u ẩn, hắn gằn giọng: "Tại sao chị lại để phần cơm, lấy thêm cháy cho tôi? Chị cần gì ở tôi?". Người đàn bà như chợt hiểu, lặng một lát và bỗng dưng bật cười. Tiếng cười vô cớ xé tan màn đêm ẩm ướt ngột ngạt càng làm hắn thêm cáu bẳn. Đột ngột chị ta thôi cười, nhìn hắn thật chăm chú như thầm đánh giá liệu cái đứa trẻ quen vênh váo và cô độc kia có hiểu nổi những điều mình sắp nói ra hay không, rồi bất giác thở dài buông một câu thật gọn lỏn: "Chẳng cần gì cả!".
Sau đó là im lặng. Họ chẳng biết nói gì với nhau thêm nữa. Sự im lặng khó chịu đến nỗi cái dạ dày của hắn lại sôi lên ùng ục. Và hắn, như không còn biết liêm sỉ, cắm đầu vào đĩa cháy, ăn cho đến hạt cuối cùng.
Sau cái tối đáng xấu hổ ấy, người chị nuôi vẫn để phần cơm cho hắn thật chu đáo. Đĩa cháy đầy đặn bây giờ lúc nào cũng được rán giòn kèm theo những miếng tóp mỡ thơm phưng phức. Họ không nhắc lại chuyện cũ. Còn hắn, nghiễm nhiên coi như mình có quyền được hưởng tất cả sự phục vụ chu đáo đó, bình thản đến, bình thản tận hưởng cái vị giòn tan của cơm cháy cùng những miếng tóp mỡ vừa béo bùi, vừa thơm ngậy.
Cho đến một hôm, sau đợt thực tập dài ngày trở về, dẫu hắn tự dối mình rằng hắn rửng dưng với hết thảy mọi thứ trên đời thì lòng hắn, óc hắn vẫn cứ thấp thỏm mong ngóng, sao cho trời nhanh tối. Nơi đáy balô kia, có một vật mà để có thể mua được nó, hắn đã phải lấy hết can đảm trở đi, trở lại cái cửa hàng đó ngót nghét 10 lần. Đó là một chiếc khăn san mầu ghi nhạt điểm chút vẩy vàng kim tuyến, vừa đủ để ôm trọn bộ tóc đen dày của cái người có đôi mắt ẩm ướt đến khó chịu - một món quà được coi là ý nghĩa nhất vào thời điểm ấy. Hắn đã mua nó bằng tất cả số tiền có trong túi. Mua mà không hiểu vì sao mình lại làm như thế, với một cảm giác thật mơ hồ và sự tự giễu một cách dữ tợn, kèm theo cả nỗi căm ghét chính mình.
Giờ đây, với món quà kỳ cục đó trong tay, hắn bước chân vào gian bếp tối. Có vẻ như chẳng có ai, chẳng có gì chờ hắn. Chiếc lò than lạnh ngắt, cái bàn mọi khi vẫn để phần cơm cho hắn trống trơn, xung quanh vắng lặng đến độ hắn nghe rõ tiếng thở của chính mình. Hắn không chờ đợi một sự đón tiếp như thế. Món quà trên tay hắn cũng không thể chịu sự bẽ bàng như vậy. Máu nóng đã giần giật trong đầu và thay vì quay ra, hắn lao thẳng vào phía trong gian bếp tối. Chân hắn vấp phải cạnh giường đau điếng. Người hắn bổ nhào vào đống chăn chiếu làm bật lên những tiếng kêu thảng thốt. Hắn tái mặt vì sợ, rúm người lại trong cảm giác tội lỗi. Thời gian tưởng như đã ngừng hẳn từ giây đó. Rất gần bên hắn tiếng đập gấp gáp của một con tim đang sợ hãi trong bộ ngực phập phồng mỗi lúc mỗi nhanh hơn, nóng bỏng như lò than hồng. Bàn tay hắn chạm vào một khuôn mặt nhòe nước mắt, và bằng một động tác thật bản năng của thằng đàn ông hắn khẽ khàng lau khô nó trong tê tái, cứ như tất cả nước mắt đàn bà trên đời đều tập trung ở đó, và đều lần lượt theo những ngón tay nhẹ nhàng ngấm sâu vào trái tim lạnh lẽo của hắn, làm nó tan nát.
Hắn bật lên một ngọn lửa trong tiếng thất thanh của người chị nuôi. ánh sáng vừa lóe lên đã tắt phụt làm hắn bối rối. Quay sang người đàn bà, hắn bực bôi: "Tại sao?". Chị nuôi nghẹn ngào: "Sợ... bỏ chạy mất". "Ai cơ?". Hắn chưa bao giờ biết sợ, dù rằng đã không ít lần bỏ chạy. "Tôi muốn cho chị xem một thứ" - hắn vừa nói vừa vụt dậy, đi tìm một ngọn đèn dầu, rồi trải rộng tấm khăn san ra trước ngọn đèn vừa được thắp sáng và cố lấy giọng thật dửng dưng: "Cho chị đấy". Chị nuôi bật khóc, khóc tức tưởi, khóc thật sự, khóc như mưa như gió, làm hắn sau phút ngơ ngác chuyển sang sợ hãi đến thắt ruột. Hắn vốn không chịu được nước mắt. Ngày trước, mỗi lần như thế, hắn lại bỏ đi, đi thật nhanh như trốn chạy. Lần này hắn không bỏ chạy, mà đứng đó như một thằng ngốc nhìn chị nuôi khóc, khóc mãi và chẳng làm gì để khuyên giải cả. Hắn cứ chờ cho đến khi chị ta ngừng khóc, ngước nhìn hắn bằng cặp mắt sung húp, rồi bất chợt quyết liệt giật tung chiếc khăn nãy giờ vẫn úp chụp lên đầu, để hở ra một mảng tóc đã bị cắt nát đến nham nhở. Hắn ngã quỵ như vừa bị một cú đấm. Mắt trân trối nhìn vào mớ tóc chẳng còn ra hình thù gì và trong lòng vang lên những tiếng gào thét vô nghĩa.
Bây giờ thì hắn đã hiểu những tiếng xì xào sau lưng và các ánh mắt bí hiểm khi hắn trở về. Hắn mới chỉ đi vắng có 10 ngày, kẻ khốn nạn nào đó đã đến đây, đã làm ra tất cả tội ác này, kẻ nào?
Người đàn bà mắt mờ ướt, cầm lên chiếc khăn san, mỉm nụ cười héo hắt rồi kể cho hắn nghe câu chuyện đời mình. Người ấy đã tới đây, cái kẻ khốn nạn mà lẽ ra chị phải lấy làm chồng đã tìm được chị, và chính nó đã làm nên tất cả tội ác ghê tởm này khi chị kiên quyết không trở về. Nó gọt tóc rồi bôi vôi và kéo chị đi khắp trường, trước sự chứng kiến dửng dưng của bao người. Nó đấm đá một cách không thương tiếc vào bất kỳ chỗ nào trên người chị, cho mãi đến khi chị ngất xỉu và ném chị vào gian bếp tối với lời đe dọa sẽ trở lại...
Hắn lặng câm nghe chị kể mà lòng sôi réo sự thù hận, ý muốn chém giết một ai đó, cho thỏa mãn cái nỗi bị lăng nhục, bị hành hạ. Mỗi lời, không chỉ là nhát dao cứa nát thói sĩ diện vênh váo mà hắn vẫn giữ rịt như một thứ tài sản vô giá của riêng mình, mà còn là những giọt trong mát tẩy rửa tâm hồn cô độc của hắn. Bất giác hắn thấy mình đã ôm gọn người đàn bà trong tay từ khi nào, siết chặt vào lòng đến độ chị phải kêu lên vì đau đớn. Hắn thực sự thấy mình là một thằng đàn ông trong thiên chức bảo vệ cho một người đàn bà, và chợt nhận ra trên mái tóc nham nhở kia, cái hương bồ kết dịu nhẹ mà mẹ hắn thường xuyên có, để nỗi nhớ chợt tới làm con mắt cay sè...
Từ cái đêm đáng nhớ ấy, người chị nuôi mỗi ngày như đẹp hơn, mái tóc xanh trở lại và dài nhanh đến bất ngờ, còn đôi mắt ẩm ướt và đen như đêm thì cứ lóng lánh niềm hạnh phúc được chờ đợi...
Rồi việc gì phải đến, đã đến. Khi cái bụng lùm lùm của người đàn bà không còn giấu nổi ai nữa, thì nhà trường đành phải vào cuộc. Mặc cho mọi chuyện đã rõ mười mươi, chị nuôi khăng khăng không chịu khai ra cha đứa trẻ là ai, và cam phận nhận án kỷ luật. Trước khi được gọi lên nhận giấy thôi việc, chị nói với hắn đừng bận tâm gì cả, cứ tập trung vào học để thi tốt nghiệp bởi chỉ còn mấy tháng nữa hắn sẽ ra trường. Một thằng đàn ông khốn nạn nào khác có thể mừng rơn vì sự an bài ấy, chứ hắn thì không. Hắn đâu phải là một thằng Sở Khanh dù còn lâu mới làm được như Từ Hải. Hắn chỉ không quen chịu ơn ai bao giờ và đặc biệt là cố để mình đừng khốn nạn quá mà thôi.
Khi người đàn bà bụng mang dạ chửa bước vào phòng tổ chức để nhận tấm giấy thôi việc thì hắn cũng xuất hiện với chiếc balô gói ghém mọi tài sản và một lá đơn xin thôi học. Hắn nhận mọi trách nhiệm về mình trước cặp mắt sững lặng của người đàn bà, cặp mắt không còn âm u mà lóng lánh những giọt nước trong veo của sương đêm đang chầm chậm rơi trên gò má. Cảm giác lâu lắm lại chợt tới, sống mũi lại cay xộc lên một cách khó chịu làm hắn rùng mình và bỗng gắt lên một cách vô cớ: "Khóc lóc cái gì, đi thôi chứ".
... Thoắt cái đã gần 15 năm, 15 năm trôi dạt và băm bổ kiếm sống. Ngày trở về thành phố, mặc cho mẹ hắn khóc sưng cả mắt, hắn vẫn kiên quyết kiếm một túp lều nơi chân bãi rác xóm Liều đưa vợ về tá túc. Ba đứa con của hắn đã lần lượt ra đời tại chân bãi rác ấy và lớn lên cùng lũ trẻ bụi bặm.
Vợ hắn - người đàn bà định mệnh có đôi mắt ẩm ướt như sương đêm - đã cùng hắn đi suốt quãng đường khổ ải. Mở một quán nước nhỏ nơi đầu ngõ, chị cặm cụi kiếm từng hào nuôi chồng và con, quần quật từ tinh mơ cho đến tối sậm, không một lời oán thán. Còn hắn, với cái lối cao ngạo chưa bỏ được, ngày lại ngày rạc cẳng trên những nẻo đường cát bụi mà chẳng tìm ra được việc gì đáng làm. Của đáng tội, cũng có lần hắn kiếm được việc làm tương đối ổn định khi mấy thằng bạn học chung lớp ngày xưa giờ đã thành chủ thầu xây dựng nhờ đứng ra trông coi các công trình. Qua được cái nhà thứ nhất trót lọt, mang về cho vợ được ít tiền mua sắm cho lũ trẻ con được cái ti-vi "còm" để khỏi xem nhờ hàng xóm, đến cái nhà thứ hai thì xảy ra chuyện.
Theo thiết kế mà hắn phải trông vào đó để quản cho đúng kỹ thuật thì số thép mà nhà thầu mang đến vừa thiếu lại vừa sai chủng loại. Hắn kiên quyết không nhận và cho thợ nghỉ việc đợi đến khi thép đủ, thép đúng mới làm. Nghe tin, thằng bạn thân tức tốc lao đến, lệnh cho hắn cứ thế mà thi công. Một cuộc tranh cãi quyết liệt nổ ra. Thằng bạn cười vào mũi hắn mà rằng: "Đến bao giờ mày mới bớt sĩ vớ sĩ vẩn để khôn lên được. Làm như mày thì bọn tao ăn cám à. Phàm cái nghề này không cấu đuôi thì cũng véo đầu, rút ruột. Có thằng nào thầu xây dựng mà không phải qua các mánh lới ấy". Không tranh luận, hắn lẳng lặng ra về và cạch mặt thằng bạn lừa đảo. Dẫu đói, dẫu nghèo, hắn cũng không thể ăn cắp, và càng không thể đểu cáng. Ăn bớt, ăn xén, ăn bẩn ở đâu không biết chứ trong cái nghề này thì ngoài sự đểu cáng ra đó còn là tội ác nữa - và kèm theo đó là đi tù như bỡn. Dẫu hắn không nuôi nổi vợ con thì cũng không thể xa lũ con của hắn được. Chúng nó cần đến hắn, dù với ý nghĩa rất tượng trưng thôi thì cũng là cần.
Thế là hắn lại thất nghiệp, lại chơi dài với những suy nghĩ thật viển vông của một kẻ "chân không đến đất, cật không đến giời". Vợ hắn sợ hắn nằm nhà mãi sinh bệnh, nhờ hết người nọ đến người kia tìm việc hộ. Biết chuyện, máu sĩ diện nổi lên đùng đùng, hắn cấm chị không được làm việc ấy và giận dữ bỏ đi khi thấy chị dân dấn nước mắt.
Mẹ hắn thi thoảng lại tìm tới giúi cho mấy đứa cháu khi gói kẹo, khi cân đường. Biết chuyện hắn cũng cấm không cho bọn trẻ con nhận, dù biết làm thế sẽ khiến bà tủi thân nhiều lắm.
Như một ông vua trong cái vương quốc tồi tàn và bé nhỏ của riêng mình, hắn cai trị các thần dân theo một phương pháp đầy khắc kỷ. Tự hành mình một cách triệt để đó chính là sự phản kháng duy nhất hắn dùng đối phó lại cuộc đời... Vợ hắn và con hắn sợ hắn một phép. Khi có mặt ông chủ, căn nhà nơm nớp đến nghẹt thở...
Tai họa đầu tiên giáng xuống vương quốc của hắn là việc bỏ nhà đi bụi của thằng con lớn. Sau một đêm rồi hai đêm cu cậu không về nhà, vợ hắn bỏ mặc mấy cha con, cùng cái quán tồi tàn, sục đi các ngả tìm con. Nhà cửa lặng ngắt, mấy đứa bé khóc như ri vì đói, vì thiếu mẹ, làm hắn bối rối. Cực chẳng đã, hắn phải nhờ đến mẹ hắn qua trông giúp mấy đứa nhỏ, và bổ nhào đi tìm con. Khi lôi được thằng cu lớn về nhà, cũng là lúc cái vương quốc của hắn vỡ ra từng mảnh. Vợ hắn vừa khóc vừa trách hắn là kẻ vô tình, tàn nhẫn. Mẹ hắn cũng chan chứa nước mắt than vãn về cái sự cứng rắn đến lạnh lùng của hắn. Việc thằng cu lớn bỏ đi bụi đã làm mọi người sợ hãi. Tiếp tục ở lại cái xóm Liều này tức là tiếp tục chấp nhận sự lớn lên trong hư đốn của lũ trẻ sau đi bụi có thể sẽ còn là trộm cắp, cướp giật, đĩ điếm và nghiện hút.
Mặc kệ vị quốc vương khốn khổ đang rũ xuống như cái bao tải rách, hai người đàn bà quyết định dời nhà ngay càng sớm càng tốt. Với số tiền để dành ít ỏi của vợ, cộng thêm sự trợ giúp của mẹ hắn, và khoản bán cái túp lều rách ở xóm Liều, vừa đủ tậu một căn hộ tận tầng 5 của một khu tập thể. Được cái, vợ hắn có thể tận dụng ngay gầm cầu thang chung để tiếp tục cái quán nước còi cọc của mình cho sự mưu sinh.
Hắn dửng dưng chứng kiến sự trao đổi của mẹ và vợ, dửng dưng nghe kể về cái nơi mình sẽ dọn đến, rồi lại dửng dưng theo vợ và con về tá túc trên tầng 5 lộng gió.
Sau những ngày vất vả đó là khoảng thời gian bình yên. Những đứa trẻ lớn lên, ngoan ngoãn và học giỏi. Chúng biết thân phận con nhà nghèo của mình, mà cắm đầu vào học, và giúp đỡ mẹ, không hề đua đòi. Vợ hắn gầy rộc đi để chỉ còn lại đôi mắt to đến hết cỡ và vẫn đầy ẩm ướt như hồi nào. Còn hắn, chẳng biết nên buồn hay nên vui với việc ngày ngày ghé cái quán quen thuộc với một nghìn rưởi trong túi làm một cốc rượu nhạt.
... Đã lâu lắm hắn mới có dịp nhìn lại kỹ đến thế về tất cả những gì của cuộc đời mình trong từng ấy năm. Trời đã sẩm tối từ khi nào với những tia chớp thỉnh thoảng lại lóe lên rạch ngang bầu trời báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Bà chủ quán ý chừng như sốt ruột về sự gan lì của vị khách khó chịu, cố tình khua động mọi thứ, chán rồi lại đem tiền ra đếm. Ôi! Tiền, cái thứ làm người đời cứ sục lên trong cuộc đua tranh kiếm tìm, cũng là thứ mà bây giờ hắn cần và hắn phải có. Một tiếng sét thật lớn làm giật nảy người cứ như có ai chợt đọc được suy nghĩ đen tối vừa thoáng qua trong đầu hắn. Mưa ào xuống, mỗi lúc mỗi dữ dội. Mưa kiểu này còn lâu mới tạnh. Quán vắng tanh càng làm tăng thêm vẻ lạnh lẽo tối tăm. Nếu bây giờ hắn cướp lấy túi tiền của bà chủ quán kia sau khi đã dùng cái ghế to và nặng này đập vào đầu bà, chắc sẽ chẳng có ai hay.
Tội ác đôi khi được bắt đầu chỉ bằng những ý nghĩ vu vơ như thế. Bóng tối mỗi lúc một trùm lên cái quán vắng vẻ, càng làm cho ý nghĩ man rợ kia thêm có lý. Để có tiền, có 20 nghìn, hắn có dám làm cái điều mà bao năm trời nay hắn không bao giờ dám nghĩ đến? Người đàn bà kia sẽ chết sau cú đánh tàn nhẫn của hắn mà chẳng kịp kêu lấy một lời, và dù có kêu thì cũng chẳng ai có thể nghe thấy trong cơn mưa ồn ã này. Cái túi tiền căng phồng ấy thừa đủ để hắn mua cho con cả đống vở bìa Khủng long. Thủy thủ Mặt Trăng sặc sỡ, đẹp như mơ. Thậm chí, còn thừa để đưa cho vợ mua sắm thêm một vài thứ cho căn phòng trống huếch của gia đình...
Bà chủ quán hồn nhiên đến độ không hề biết người ngồi trước mặt mình đang ôm chứa những toan tính kinh khủng đến nhường nào. Có lẽ ngày hôm nay với bà là một ngày đẹp, bởi thế tự nhiên bà nổi hứng ngân nga mấy câu hát từ thuở nảo thuở nào: "Còn duyên ý a, kẻ đón người đưa. Hết duyên ý a... đi sớm về trưa mặc lòng".
Có thật là hắn đã hết duyên với cuộc đời này và trở thành vật thừa, đồ phế thải ngay trong chính gia đình mình. Câu hát lạnh buốt đến độ làm hắn tỉnh cả rượu. Hắn còn trẻ mà, tuổi đời mới ngoài 40 đã lấy gì làm già. Hắn cũng còn khỏe nữa, hai tay hai xô nước từ tầng một lên tầng năm mà có bao giờ phải nghỉ đâu. Vậy thì hắn còn phải sống, phải vật lộn để tồn tại với đời.
Bàn tay thò ra ngoài mưa đã ướt đẫm từ bao giờ, hắn rút phắt lại quyết liệt xoa thật mạnh lên khuôn mặt nóng bừng như xóa hết những dấu vết tội lỗi vừa thoáng qua. Người đàn bà kia chắc không thể ngờ rằng chính câu hát bất chợt đã cứu chị thoát hiểm. Mưa đã dịu cơn với những tiếng ầm ì xa dần. Bất chợt hắn nghe tiếng ai gọi tên mình từ rất xa thật da diết. Tiếng gọi ấy có thật, đang dần gần lại chứ không phải do hắn tưởng tượng. Tiếng gọi ngỡ như đứt ruột, thương đến phát khóc lên được. Hắn bật dậy... lao bổ ra cửa và nhìn sâu vào trong đêm nhạt nhòa.
Vợ hắn đang tới gần...