Ánh trăng hình như không chiếu được vào đây. Những ô cầu thang mục ọp ẹp cứ hun hút, hun hút mãi lên cao, áp sát các bức tường ẩm mốc xám xịt. Trước cửa một gian nhà vung vãi các loại dép nhựa, dép Lào, dép da lẫn những xô chậu để ngổn ngang. Thanh cố lê chân về phía nhà mình. Không ngó vào các nhà đồng nghiệp, nhưng dường như cô vẫn thấy các loại bảng quảng cáo ố vàng, cáu bẩn với những hàng chữ nghệch ngoạc mang đầy vẻ vụng trộm: "Dạy thêm tiếng Anh", "Nhận dạy kèm toán, lý các tối hai, tư, sáu, chủ nhật", "Nhận luyện thi môn văn"... lại có một dòng người lừng lững cứ thế ùn lên.
- Nhiều giáo viên như bà xây nhà lầu tậu Dream từ dạy thêm. Khiếp! thiên hạ hái ra tiền dễ như hái lộc xuân. Chà - chồng chậc lưỡi - Nhà này chỉ mong khoét rộng cái cửa cho ánh trăng lọt vào cũng không xong.
Thanh bước ra cửa, câu nói của chồng làm cô xót xa. Cái cửa nhỏ tí này ánh trăng không bao giờ bén mảng. Đã bao lâu rồi cô không trở lại thói quen khi xưa: "Tắt hết đèn để trăng ào qua cửa sổ tỏa thứ ánh sáng huyền ảo mơ mộng vào nhà. Cô lại chơi trò nu na nu nống với con Mi Mi ba tuổi hoặc nằm khềnh trên chiếu đắm mình trong ánh trăng huyền diệu kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Từ ngày Thanh chuyển lên thị xã, trăng trở nên xa vời. Trong ký ức của cô một nẻo đất huyện bình yên, trước sân là vạt ngô, vạt sắn xanh biếc ướt đầm ánh trăng chỉ còn là hình ảnh mù mờ trong kỷ niệm, là cái dòng chữ, là địa danh xa xôi ghi trong lý lịch.
Thanh vốn ở dưới huyện. Vào năm học 1993-1994 cô mới xin lên được thị xã. Nhà trường bố trí cho cô ở gian nhà tập thể trong cùng - một dịp may hiếm có vì bây giờ không có chuyện Nhà nước lo chỗ ở cho cán bộ công nhân viên. Tuy ọp ẹp xấu xí nhưng có chỗ chui ra chui vào vẫn hơn. Mọi người bảo ráng dạy thêm mấy năm rồi "phắn". "Phắn " đâu chưa thấy, mọi người vẫn chốt ở đây. Những lúc hết giờ làm việc khu nhà tập thể như một cái bị bóng căng phồng nhồi nhét toàn người là người. Nhà nào cũng giống nhà nào, một khoảng trống con con kê mấy bộ bàn ghế, bọn trẻ ngồi rúm rụm bên nhau chen vai huých tay khuýnh khoáng như các đấu sĩ. Các nhà đều ở trong tình trạng mái liền mái, vách kề vách, một tiếng động nhỏ bên kia bên này cũng nghe thấy. Hồi đầu mở lớp dạy thêm nhà nào cũng nhìn nhau ngại ngùng dường như không muốn dồn thêm nữa. Mùi mồ hôi hâm hấp và tiếng quạt máy quạt suốt ngày lạch phạch, xè xè... Nhưng rồi cuộc sống cuốn đi như thác lũ, nhưng rồi phụ huynh đến, học trò xin, giá gạo lại tăng... lúc đầu còn rụt rè sau thì ào ào bung ra chẳng ngại ngần gì nữa. Kiếm được nhiều trò, bố trí được nhiều tua là mở mày mở mặt. Chỉ có Thanh ngài ngại. Hình ảnh bọn trẻ suốt ngày cúi rạp trên bàn cứ làm cô áy náy sao đấy.
Rồi thằng bé xuất hiện. Nó bước vào nhà như đem theo ánh trăng tỏa sáng căn nhà chật chội, buổi tối càng thấy thêm chật chội. Thứ gì trên người nó cũng mới mẻ và như phát ra ánh hào quang của sự giàu có. Giày Nike chính hiệu. Cặp sách ngoại đẹp, bền, chắc, áo quần bằng vải đắt tiền và tỏa mùi xà phòng thơm hảo hạng. Chồng Thanh cười rạng rỡ, niềm vui tỏa sáng trong ánh mắt khóe môi của anh. Anh thầm thì "cá sộp". Bố thằng bé, người đàn ông bụng phệ, phương phi béo tốt bước từ chiếc xe Dream xuống vừa dắt thằng bé vừa xách theo một bì ni lông rất to đựng những trái cam Mỹ vẫn vàng óng ở trong giỏ chợ các bà sang trọng những trái cam Thanh chưa ăn bao giờ. Vừa vào đến cửa ông ta đã ào ào như gió cuốn:
- Tôi biết chị là cô giáo giỏi có nhiều kinh nghiệm. Con trai tôi chuẩn bị vào lớp một. Tôi muốn nó được kèm cặp ngay từ đầu. Tiền bạc không thành vấn đề. Tôi bao luôn cả tua. Tôi muốn chị dạy cháu từ bảy giờ đến chín giờ tối. Chỉ giờ ấy mà thôi. Ông ta quay đầu lại: "Thành Danh chào cô đi". Cậu bé vòng tay trước ngực cúi rạp mình kiểu cách không giống một đứa bé tí nào. Ông ta thao thao một bài giáo dục luân lý, đạo đức nữa cho con trai rồi đút những ngón tay nần nẫn vào túi rút ra một tệp bạc mới cứng. Ông chấm ngón tay trỏ lên miệng và bắt đầu đếm. Sau đó trịnh trọng để tiền lên bàn. Sự hào phóng lẫn vẻ đương nhiên của ông ta làm Thanh thấy lòng tự trọng bị thương tổn. Cả căn nhà tăm tối của cô dường như đối lập với hai con người được phát quang bằng tiền. Một sự buồn bã không hiểu nổi cứ bám mãi, day dứt mãi trong cô. Nhưng nằm mơ Thanh cũng không thể nghĩ rằng có được món tiền hơn cả suất tháng lương bằng cách dễ dàng như thế, kèm cặp một đứa bé! Một đứa bé đáng kể gì với hàng trăm học sinh cô đã dạy. Cô ngồi bên này bàn dịu dàng nhấp từng ngụm nước nhìn thằng bé đứng bên kia bàn miết mãi vào thanh gỗ mọt ăn hõm từng chỗ. Một tay nó giữ khư khư cái túi. Đôi mắt tròn to trên gương mặt bầu bầu, hai má phúng phính. Nó hẳn là một cậu bé nhanh nhạy nếu không có nước da xanh và vẻ mệt mỏi lồ lộ ở cái nhìn. Giọng nói ồm ồm của người đàn ông dứt Thanh ra khỏi mạch suy nghĩ.
- Đây là ai? Người đàn ông cúi xuống thằng bé và chỉ vào Thanh - Đây là người mẹ thứ hai của con, rõ chưa? Cô giáo như mẹ hiền - Ông ta ngẩng lên: "Có gì không phải chị thông cảm. Trăm sự nhờ chị. Vợ chồng tôi rất bận". Người đàn ông biến ra cửa nhanh như lúc ông ta đến. Thanh cảm giác cậu bé khẽ thở phào, người nó chùng xuống, các cơ bắp thả lỏng. Nó sung sướng nhìn ra ngoài lan can và lặng lẽ nép vào vách tường. Tiễn người đàn ông xuống cầu thang, Thanh quay vào vẫn thấy thằng bé đứng im ở tư thế cũ. Cô gọi: "Vào nhà đi Danh. Sao lại đứng mãi thế, mỏi chân đấy". Thanh gọi đến lần thứ hai, thứ ba nó vẫn không nhúc nhích! Cô đến gần! Trời ơi, nó đang ngủ! Tiếng kêu giật giọng của Thanh làm cho nó choàng tỉnh và đánh thức luôn cả sự tò mò của những đứa trẻ đang học trong các phòng khác. Chúng ùa ra đứng vòng trong vòng ngoài, còn thằng bé ngơ ngác như từ ngoài hành tinh rớt xuống. Nó dụi mắt thẫn thờ nhìn xung quanh. Mi Mi chạy ra hét toáng lên: "Lêu lêu lêu, ngủ đứng", "Lêu, lêu, lêu, ngủ đứng".
Thằng bé ngồi vào bàn, tay cầm cái bút chì rất chặt, nhưng mắt cứ liếc liếc vào góc đồ chơi của Mi Mi. Con bé say sưa chơi đồ hàng rồi lại chơi trò búp bê ngủ, rồi đặt thỏ và rùa mỗi con một góc để nó kể chuyện cổ tích cho nghe. Thằng Danh luôn để ý cái thế giới nhỏ nhắn xinh tươi ấy, có bao nhiêu trò chơi và ý tưởng nảy sinh trong đầu nó. Sự thoải mái và say mê của con bé làm thằng Danh phát thèm. Từ trước tới giờ bố toàn bắt nó ngồi vào bàn như đóng đinh một chỗ. Nó ước gì được chạy về phía đó.
"Nhìn đi đâu đấy? Sao em không viết chữ nào" - Thanh cầm lấy tay thằng bé khoanh những vòng tròn trên giấy. Cô quát con Mi Mi mang đồ chơi đi chỗ khác. Lúc quay lại Thanh thấy thằng bé đang chống cằm ngủ.
Con Mi Mi chơi lò cò dưới gốc cây trứng cá gặp ông bố bụng phệ cưỡi xe Dream, nó hét toáng lên: "Bác Hoàng, bác Hoàng". "Gì?". "Anh Danh ngủ đứng đấy, ngồi cũng ngủ". Người đàn ông nhíu mày: "Sao?. "Anh ấy ngủ suốt ngày như con mèo Ni Na nhà cháu". Trong đầu óc người đàn ông như có tiếng sấm nổ ầm ầm. Không được. Thế là hư hỏng. Làm sao chiều chuộng nó thế được. Ông quay về tìm cây roi vót bốn cạnh sắc nhọn vụt vào mông thằng bé. "Mày có muốn nên người không mà không chịu học với hành?" Thằng bé lặng lẽ khóc, nước mắt rơi từng giọt, từng giọt. "Tao và mẹ mày còn đi buôn bán. Tuần sau trở về không tiến bộ được mày chết với tao". Chủ nhật người đàn ông đến nhà Thanh mang theo cái roi có bốn cạnh và chỉ cho Thanh thấy cái mông đít lằn đỏ những đường ngang đường dọc "Chết - Thanh kêu lên - Bác làm gì thế". "Phải nghiêm khắc như thế nó mới nên người cô ạ". Trước khi ra cửa ông vẫn vung vẩy cái roi và khăng khăng bảo: "Phải nghiêm khắc thế nó mới nên người". Thanh thấy không vui. Cô kéo Danh đi trong sự hậm hực. Những dấu roi đỏ hiện lên trong lòng cô nhức buốt.
Bảy ngày trôi qua, thằng bé vẫn không sao nhớ được chữ o, chữ ô, chữ ơ. Để tránh phân tán tư tưởng, Thanh đã cấm con Mi Mi không được lôi đồ chơi ra phá những lúc Danh có mặt. Nhưng Thanh vừa rời ra khỏi bàn là đôi mắt tròn đen của nó buồn bã nhìn qua cửa đến khoảng không bao la buồn thăm thẳm. Nó nhìn những ngôi sao lấp lánh và nó thấy trên trời một vầng trăng sáng rỡ treo lơ lửng. Nó ngửi thấy hơi sương ẩm ướt và không khí mát dịu. Nó nghe thấy tiếng côn trùng ri ri đâu đây. Nó muốn đi ra ngoài hành lang xuống các bậc thang ẩm mục và chui nhủi dưới những vòm lá đen sẫm. "Nhìn đi đâu đấy? Viết đi em - Thanh kéo thằng bé ra khỏi sự mơ mộng - Nếu không có sự nhắc nhở này chắc thằng bé chưa thôi nghĩ ngợi. Nó ngẩn mặt ra nhìn những con chữ nhằng nhịt đáng ghét. Các con chữ như đá cuội lổn nhổn, nó không sao sắp xếp được vào đầu. "Chữ này là chữ gì?". Thanh chỉ vào hình tròn to tướng: "Nào cháu nhắc lại theo cô nhé", Thanh kiên trì giải thích "O thì tròn này, ô cũng là chữ o nhưng có thêm cái mũ. cũng thế, nó cũng là chữ o có thêm cái móc câu". Vô ích, như nước đổ lá khoai. "Nào, cháu đọc đi, O". Thằng bé nghiêng nghiêng cái tai rất to như vẻ chăm chú nghe, mắt nó chớp chớp "O tròn như quả trứng gà". "Trứng gà là cái gì ạ". Con Mi Mi đang xếp đồ chơi trong góc giường thò đầu ra cười khanh khách: "Trứng gà là con gà đẻ ra đó. Thế mà cũng không biết. Con còn giỏi hơn, mẹ hả". Thằng bé đỏ mặt. "Thôi nào Mi Mi, Thanh quát - Bạn ấy ở trong biệt thự, không nuôi gà. Bạn ấy không biết con gà cũng như con chưa biết con hổ vậy con rõ chưa?". Thanh quay sang: "Gà là con vật có hai chân, con gà trống thì gáy ò, ó, o... khi trời sắp sáng. Con gà mái thì cục ta cục tác mỗi khi đẻ ra một quả trứng cho chúng ta ăn. Em có biết không?. Thằng bé lắc đầu, mặt nó thuỗn ra như lúc giật mình thoát khỏi giấc ngủ. Thanh nghĩ cô chẳng có cớ gì để la mắng nó. Ba năm lên thị xã cô chỉ nghe tiếng các loại xe máy rú ga đinh tai nhức óc. Tiếng gà trở nên xa vời, bảng lảng trong nỗi nhớ quay quắt nao lòng. Thanh xuống bếp lấy cho thằng Danh xem quả trứng. Nó mân mê mãi như cầm một vật lạ trên tay. Vừa lúc ấy chuông đồng hồ điểm chín tiếng và cái mặt sắt của ông xe thồ ló vào "Hôm nay thứ bảy anh cho cháu chơi thêm lúc nữa". "Không được, tôi phải chở cháu đến nhà văn hóa cho kịp giờ học oọc gan". "Học đàn oọc gan?". Không để ý vẻ hoảng hốt đến sững sờ của Thanh người lái xe ôm hào hứng nói: Buổi sáng từ bảy giờ đến mười một giờ học ở trường. Buổi chiều từ một giờ đến ba giờ học tiếng Anh, từ ba giờ đến năm giờ học võ Tây Kon Đô, tối bảy giờ đến chín giờ học vần, từ chín giờ đến mười giờ học đàn hoặc vẽ. Cứ giờ giấc như thế mà đưa đón cậu. Cô cứ hình dung nếu tôi không thực hiện đúng như lời ông chủ đã căn dặn, tôi mất việc như chơi. Nào thôi đi - Người lái xe ôm tóm lấy tay Danh kéo xềnh xệch ra xe.
Biết Danh phải học rất nhiều, Thanh không nỡ thúc giục bắt ép nó phải nhớ cho bằng được các con chữ. Nó ngồi ở bàn mà mắt cứ nhìn ra khoảng không mông lung bên ngoài. Có lẽ thằng bé còn sợ trận đòn nên nó không dám ngó nhiều về đống đồ chơi. Nó nép mình lại, càng ngày càng lặng lẽ hơn. Một buổi tối người lái xe vừa nổ máy lao đi thì Thanh cầm lấy tay thằng bé. Nó co rúm người vì sợ. "Nào đi với cô. Hôm nay cô cho con đi chơi thoải mái với cô và em Mi Mi". Nó ngước đôi mắt tròn to sợ sệt. "Không được mách ba cháu"... Thằng bé ngồi sau xe lọc cọc sướng rơn vì niềm hạnh phúc bất ngờ. Thanh dẫn chúng đến công viên. ở đấy là không gian thoáng mát, những mảnh cỏ vuông vắn xanh tươi, những bóng cây trầm mặc bí ẩn. Thằng bé nói cười luôn miệng, chạy nhảy khắp chốn. Thanh đố nó nhận biết các chữ cái trên bảng hiệu các tấm băng rôn. Danh lưỡng lự một lúc và trả lời vanh vách như thể xưa nay chưa từng có sự nhầm lẫn o với ô, ô với ơ. Cô ơi, cô nhìn kìa, thằng bé kêu to - trăng đấy! O tròn như mặt trăng! O tròn như mặt trăng. Nó nhẩy cẫng lên, khuôn mặt thằng bé bừng sáng. Lúc này Thanh mới nhận thấy tất cả không gian đều tràn ngập ánh trăng loáng ướt, mát dịu. Bỗng đôi mắt to đen của thằng bé tối sầm lại, mặt xịu xuống như bánh mỳ nhúng nước: "Cô đừng mách với ba con. Cô nhé". Thanh khẽ kéo thằng bé ấp đầu nó vào vai, vỗ về: "Đừng sợ. Ngày mai cô cho con nghỉ luôn. Con không phải học thêm khổ sở như thế cũng vẫn học được chương trình như các bạn - Cô sẽ nói ba con cho con đi chơi nhiều hơn". "Thật không cô?". Thằng bé bật ra câu hỏi, mắt nó chan chứa hy vọng và cũng đầy lo âu.
Thanh cố lê chân về phía nhà mình. Cái hành lang hai mét cứ dài ra, dài ra vô tận. Dòng người vẫn ùn lên, bấu víu, chen chúc xung quanh. Lớp lớp gương mặt phiền muộn mỏi mệt chất chật không gian. Thanh cố mỉm cười, động viên trêu chọc họ nhưng không một ai nhếch mép cười. Họ nhao nhao hỏi:
- Con tôi có trở thành bác sĩ không?
- Trong tương lai em tôi phải là danh họa.
- Tôi muốn cháu trở thành thương gia.
- Thế còn những đứa trẻ, chúng muốn gì đã chứ! Thế còn những đứa trẻ? Trước khi là gì thì nó phải là đứa trẻ đã chứ? Thanh ráng sức gào lên.
Thanh choàng tỉnh, trong căn phòng yên tĩnh không có tiếng động. Thằng bé vừa bước vào cúi gầm mặt và đứng sững lại như bị hóa đá. Người đàn ông thì lù lù như một đống thịt đồ sộ biết di động, tay ông cầm sẵn cái roi có bốn cạnh sắc nhọn. "Nó không chịu đi học thêm. Ai dạy mày lười nhác thế hử!". Có tiếng vun vút của loại gỗ dẻo dai thít vào da thịt. "Ông làm cái gì vậy?". Người đàn ông ngượng ngập: "Tôi không dạy nó lười nhác như thế. Vợ chồng tôi cũng không ai lười nhác. Chẳng qua nó còn nhỏ ham chơi. Cô thông cảm". "Ô hay bác nói cái gì vậy - Thanh xẵng giọng - "Cứ để nó vừa học vừa chơi như mọi đứa trẻ khác. Tôi thấy không nên...". "Tôi muốn con tôi được kèm cặp ngay từ đầu. Nó có khả năng trở thành vĩ nhân". - Người đàn ông rít lên và gườm gườm nhìn đứa con trai "Mày muốn làm người hùng hay đi quét rác, hả thằng kia". Bàn tay giơ lên cao vút xuống. ánh mắt thằng bé làm ai nhìn thấy cũng phải rùng mình xót xa. Thanh túm chặt lấy tay người đàn ông. "Tôi xin ông. Hãy để cho nó yên". "Tôi có tiền, cô không phải gia sư của tôi". Người đàn ông rít lên và đùng đùng kéo con đi ra cửa... Thanh quay ngoắt lại, mặt cô tái xanh và dữ tợn: "Ông là kẻ dã man. Ông biết gì về con trẻ...".
"Khờ quá" - Tiếng người chồng vang lên - Tiền đến túi còn vứt. Rồi ối kẻ đớp lấy. Nhà này chỉ mong khoét rộng cái cửa cho ánh trăng lọt vào cũng không xong.
Thanh đứng dựa vào lan can nhìn theo bóng thằng bé xa hút dần. Trước mặt cô là khoảng không bao la. Phía chân trời mặt trăng đang dùng dằng tách khỏi mặt đất.