Phải nói rằng hồi ấy cơ quan tôi trong tình trạng đấu đá triền miên, phe cánh, ê kíp, thủ đoạn, tranh giành ác liệt thì "tháo công" về hưu hàng loạt là cứu cánh cho những người đã hết chịu nổi như tôi. Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác sung sướng của mình khi cầm trên tay tờ quyết định về... "đuổi gà cho vợ", một niềm sung sướng như người được giải thoát.
Nhưng thực tình hưu đúng một năm thì buồn, buồn lắm, buồn không tả được. Tóc mới đốm bạc. Bắp chân, bắp tay còn mạnh mẽ. Con cái phương trưởng. Việc nhà vợ quán xuyến. Tôi chẳng có việc gì để làm, chẳng có chuyện gì để lo, luôn cảm thấy mình là người thừa, chẳng cần cho ai. Thừa đúng ở độ tuổi chín cho công việc. Ngoại ngữ đầy người, bằng cấp cao, kinh nghiệm công tác tích lũy bấy nhiêu năm bỗng đứng ra lề nhìn dòng đời trôi chảy?
Bởi thế có người bạn rủ đi đánh chắn tôi mừng rỡ nhận lời ngay.
Chắn góp 5 ngàn một hội, ù xuông lấy về một ngàn. Tôi mỉm cười nghĩ chắn kiểu này đánh đến Tết cũng không hết tiền. Tuy khắp hàng quán, ngõ hẻm, đầu đường chỗ nào cũng lô đề, tá lả, xì tẩy, binh xập xám... nhưng chắn cạ kiểu tôi đâu có là cờ bạc, nó chỉ là phương tiện tiêu sầu.
Trên chiếu chắn tôi là người ít tuổi nhất. Cùng chơi có vị tổng giám đốc "về vườn" ngồi chéo cánh. Tay trên, tay dưới là hai cựu viện trưởng. Bạn tôi chầu rìa, vị nào vắng mặt thì thế chân. Quan sát vẻ đĩnh đạc, phương phi của các thành viên hội bí tứ, nhìn những bao Malboro, 555 và những cái máy lửa manhêtô đen bóng đặt kề bên đùi nung núc của các vị tôi thầm hiểu ở mỗi con người kia là cả một bầu tâm sự.
Mới đến chơi được mươi ngày, chưa đủ độ để dốc bầu tâm sự thì ông chủ chắn bảo ông có chỗ chơi chắn tử tế lịch sự muốn giới thiệu tôi qua đó bởi ông nhận định tôi cũng là người lịch sự tử tế. Nghe ông nói tôi chợt hiểu từ hôm mình đến đây hội bí tứ luôn thừa một chân.
Sáng hôm sau, vừa đặt chân vào nhà ông tôi đã thấy có một người đàn bà ngồi đợi. Ông giới thiệu chúng tôi với nhau rồi bảo nếu tôi không đổi ý thì cô Xuân đây sẽ đưa tôi tới đấy. Tôi ý tứ quan sát thiếu phụ trạc tứ tuần, y phục toàn đồ xịn, những búp tóc uốn điện xõa trên vai, lông mày xăm, lông mi vút cong, đôi môi đỏ mọng, dáng vẻ mỡ màng... lòng thầm hỏi thế là thế nào.
Thấy tôi băn khoăn thiếu phụ nói:
- Mời ông tới nhà. Tôi với bác Dần đây chỗ họ hàng thân thuộc mới cậy nhờ giới thiệu.
Tôi miễn cưỡng đạp theo cái Dream II mầu mận. Hết một đại lộ, rẽ qua một phố nhỏ, đột ngột ngoặt vào ngõ. Chiếc Dream dừng trước cổng tòa nhà bốn tầng mặt tiền ốp đá, có tường bao quanh. Thiếu phụ bấm chuông. Một con bé trạc mười hai tuổi lập bập chạy qua cái sân rộng ra mở cổng. Tôi ngần ngừ định khóa xe. Tính tôi chu đáo cẩn thận, vả lại cái Diamant xanh ngọc là kỷ vật tôi đã mang từ Berlin về nhân chuyến đi dự hội nghị khoa học quốc tế. Thiếu phụ cười bảo xe để trong sân việc gì phải khóa.
Tôi hổn hển theo sau thiếu phụ lên tuốt tầng ba. Bước vào căn phòng mát rượi, tôi thấy chính giữa phòng có ba cái nệm mút dày cỡ một mét nổi bật lên, trên đó một ông già to lớn, tóc râu như cước chăm chú vào những quân bài xòe như cái quạt trên tay.
- Thưa ba, có người rồi ạ.
Ông già ngửng đầu chăm chú ngó mặt tôi.
- Được... Thầy ngồi! Bài đã chia.
Thiếu phụ khép nép lui ra, khép cửa lại. Tôi ngập ngừng hỏi:
- Những người khác đâu thưa cụ?
Ông già nhướn đôi lông mày trắng, rồi như hiểu ra ông phẩy tay nói sõng:
- Bí nhị!
Tôi ngớ ra rồi bỗng hiểu không có tôi ông vẫn chơi chắn một mình.
Con bé bưng vào một cái khay khảm trai trên có cỗ chắn mầu đỏ chia năm phần. Nó lễ phép hạ khay từ tốn thu những quân bài trên nệm bỏ vào cái khay khác y hệt cái khay này rồi lễ phép lui ra.
Tôi lơ đãng lên bài và quan sát ông già. Bộ quần áo tơ tằm vàng óng rộng thùng thình. Dưới ánh đèn pha lê da mặt, da cổ hồng rực. Đôi tai rất to, dái tai xệ. Cánh mũi nở, sống mũi thẳng. Cái cằm vuông. Cái mồm rộng. Hai hàm răng trắng bóng... Phong độ thế này ai dám đoán ông đã chín mươi.
- A... tứ vạn. Xuông! - Ông hạ bài.
Tôi vơ quân bỏ vào khay, đặt cỗ chắn mầu vàng đã chia lên đệm. Ông vật quân bắt cái.
- Nhất ngũ. Thầy ra tiền!
- Bao nhiêu thưa cụ? - Tôi ngơ ngác nhìn ông.
- Lần đầu tương kiến. Ván xuông, thầy ra bốn ngàn.
Tôi móc ví, thoáng bực. Tưởng chắn cạ thế nào, trần xì chỉ mình với lão. Nể ông Dần, nể thiếu phụ mình đến đây. Nể mái tóc, chòm râu mình cầm bài xã giao, còn lão đánh thật. Mỗi lần ù lão thích thú cười rung tranh treo tường. Quân rơi đúng cửa lão reo bạch thủ trì, mặt đỏ rực, mắt long lanh, hai bàn tay liên hồi vỗ đùi bồm bộp.
Thua mãi tiền đâu trả? Mà đời có ăn có trả. Tôi đâu thuộc loại ai tát vào má này thì chìa má kia ra. Kẻ nào tát tôi thì tôi tát lại, có điều không bao giờ tát trước, đối với đời thế là quá lịch sự. Tôi chăm chú ù cho lão biết tay.
Bí nhị đến 4 giờ chiều tôi cáo lui. Từ đây đạp về phải 40 phút, giờ tan tầm dễ phải hơn một tiếng. Trong toa-let tôi tranh thủ kiểm tiền, chua chát than thầm: mất toi hai chục ngàn!
Thiếu phụ đón tôi ở chân cầu thang, đưa tôi ra phòng khách, chỉ chiếc salon mời tôi ngồi. Con bé đặt trước mặt tôi một ly cà-phê bốc khói. Thiếu phụ từ tốn hỏi:
- Thưa anh... Hôm nay được thua thế nào ạ?
Tôi hơi chững trước kiểu xưng hô thay đổi? Tôi bảo thua được nói làm gì, cầm bài cho cụ nhà vui thôi. Miệng thì nói thế chứ bụng thầm nghĩ với kiểu đánh thẳng thừng của lão mình cứ xã giao "kính lão đắc thọ" thì có ngày phải bán Diamant.
- Xin anh cho biết hôm nay anh thua bao nhiêu ạ?
Tôi lặng lẽ nhìn ly cà-phê, vờ kiểm tiền.
- ít thôi... Hai chục bạc.
- Thưa anh, thế này, em xin chịu hai chục ngàn đó. Anh đến thế này là quý hóa. Thú thực...
Vừa nói thiếu phụ vừa đặt tờ hai chục ngàn vào phong bì.
Bù lỗ thì cứ đưa việc quái gì phải phong bì diệu vợi... Tôi nghĩ thế, nhưng thoáng chút nghi ngờ tôi tạt xe vào lề đường lôi cái phong bì ra. ồ, tờ hai chục ngàn là tiền đền bù, còn tờ năm chục ngàn là tiền gì? Cô Xuân nhầm. Mai mình sẽ trả lại. Tới gần nhà tôi mới nghĩ ra, đó là tiền công. Tiền trả công một ngày đánh chắn! Tiền công mua vui cho lão già!
Tối, mắt tôi chăm chăm nhìn màn ảnh tivi mà đầu óc tôi bay tận nơi nào. "Sáng mai anh tới chứ ạ? Ba em đợi...". Tôi cố hiểu ý tứ trong lời nói ngọt ngào...
Sáng hôm sau tôi háo hức trở lại tòa nhà đó. Cô Xuân đi vắng.
Lão già đón tôi bằng câu:
- Sao thầy đi làm muộn thế?
Tôi kinh ngạc nhìn lão, cứ ngỡ mình nghe lầm. Tôi vừa đặt đít xuống nệm con bé đã bưng khay vào.
Trong lúc xòe bài tôi thầm tự hỏi thế là mình không phải do buồn mà đi chơi chắn tiêu sầu? Mình đi làm? Mình đã chấp nhận? Nhưng làm gì! A... đúng rồi, mình đến đây đánh chắn thuê cho lão già khỏi phải đánh chắn một mình. Chỉ những thằng lẩn thẩn mới đánh chắn một mình. Chơi một mình thì chán nên lão thuê mình. Chả thế cái kim đồng hồ kia xoay đến con số 4 là mình được trả công năm chục ngàn. Chắn chơi đã lâu, từ những ngày còn trẻ, từ những ngày còn đi làm nhưng chỉ chơi cò con cho vui, có bao giờ tôi thắng năm chục ngàn, ở đây thua bao nhiêu không thành vấn đề, cứ 4 giờ chiều một tờ năm chục ngàn không nếp gấp ép trong cái phong bì thoảng mùi thơm quý phái từ bàn tay ngọc ngà có những ngón đeo nhẫn kim cương từ tốn trao cho tôi.
Đã thế thì thắng làm quái gì cho mệt. Tôi nghĩ. Cứ thua cho lão sướng. Tôi thua liền liền. Ngày thứ nhất bốn chục, ngày thứ hai sáu chục, ngày thứ ba một trăm... Mỗi ngày thua mỗi nhiều hơn. Ngày nào cũng như ngày nào đúng 4 giờ chiều tôi ngồi trước ly cà-phê ngọt ngào kiểm tiền, thông báo kết quả một ngày "làm việc", nhận tiền đền bù kèm theo cái phong bì năm chục ngàn thơm phức.
Ngẫm ra đời cũng lắm chuyện lạ!
Trên đường đạp về tôi thường không quên tạt vào hàng bánh. Vợ tôi thích của ngọt, từng một thời nổi danh là "người đàn bà ngọt ngào" với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Điều thần kỳ là "người đàn bà ngọt ngào" của tôi không biết bằng phép mầu nào mà vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể tuyên bố chính xác trong ví của tôi có bao nhiêu tiền. Điều thần kỳ nữa, cả đời tôi đang chức cũng như lúc về hưu cái ví da tuyệt đẹp của tôi chẳng bao giờ được quyền đựng một lượng tài sản quá giá trị hai trăm ngàn đồng. Một khi vượt quá ngưỡng đó thì "người đàn bà ngọt ngào" lại kịp thời và... ý nhị mở "van an toàn" để độ căng của nó luôn ở mức... an tâm... Chắc độ này luôn phải "mở van" nên nàng lo lắng hỏi sao lắm tiền thế? Tiền đâu mà lắm? Tôi ngắc ngứ. Nhưng cái nhìn không ngọt ngào kia buộc tôi phải giải thích: "Anh trúng xổ số". "Độc đắc à? "Không, giải bét". "Ngày nào cũng trúng giải bét à?" Tôi ậm ừ: "ừ... ngày nào cũng trúng hai số đuôi".
Thấm thoắt một mùa hè, một mùa thu đã qua.
Như một viên chức thực thụ, đúng 9 giờ sáng tôi xòe ván bài đầu tiên, đúng 4 giờ 10 phút chiều tôi rời tòa biệt thự im lìm và bí ẩn. Là người làm thuê cũng như những người làm thuê khác tôi luôn có ý thức làm vui lòng chủ bằng cách vờ thua hoặc ít hoặc nhiều cho chủ khoái. Nhưng cô Xuân không bằng lòng, cô bảo:
- Thi đấu mà đối phương sẵn sàng thua thì chán chết. Phải thắng! Anh thắng càng lớn càng tốt!
Tôi ngây ra. Hay cô ấy phải bù lỗ nhiều quá? Như đọc được ý nghĩa của tôi cô bảo không phải thế, nhưng nhất thiết đã chơi là phải thắng. Tôi vừa leo cầu thang vừa lẩm bẩm: Lại thế nữa! Nhưng đã vậy...
Tôi đánh thật sự, đánh thẳng tay. Trận đấu trở nên căng thẳng và hấp dẫnb.
Nâng ly cà-phê tôi thông báo:
- Hôm nay tôi thắng tám chục ngàn. Tôi xin gửi lại cô...
- ấy - Cô Xuân bật lên như phải bỏng - Anh cầm lấy. Nếu anh thua thì em chi bù. Còn nếu thắng thì đó là tiền của anh.
Tôi ngớ ra.
Cô nhìn tôi mỉm cười.
- Anh cứ đì thật lực vào! Càng thắng nhiều càng tốt!
- Vậy thế này - Tôi nói sau một lúc băn khoăn - Hôm nào tôi thắng thì thôi, khỏi phong bì.
- Không, thưa anh. Cái phong bao bé nhỏ này chỉ là chút hàm ơn của em. Có chuyện chi mà anh phải nghĩ ngợi.
Vừa nói cô vừa đưa cái phong bì quen thuộc cho tôi.
Tôi thắng liền một tuần lễ, ngày sau thắng nhiều hơn ngày trước. Lão già điên tiết nhưng không sao xoay được tình thế. Công bằng mà nói lão nhiều thủ đoạn nhưng bí nhị, bỏ ra hai bài, đánh tù mù cao mấy lão cũng chẳng biết đường nào mà tính. Gặp cầu đỏ tôi ù những ván cước sắc bạch định, tám đỏ... làm lão chóng mặt. Mắt lão long lên. Răng nghiến kèn kẹt. Đôi vai voi đỏ rực. Mồ hôi cổ ròng ròng... Lão buộc tôi vừa ăn vừa đánh. Đến giờ tôi về lão vẫn ép đánh thêm mấy ván.
Tôi ca cẩm cụ nhà bắt đánh rốn, về muộn, bà xã cằn nhằn rách việc. Cô Xuân đề nghị tôi thu xếp việc nhà (nào tôi có việc gì!) ở lại chơi đến 7 giờ, cô chuẩn bị luôn cơm chiều cho tôi ở đây. Tôi giãy nảy chối từ. Ngày nào cũng 8 tiếng chắn là quá thể rồi, bọn cờ bạc chuyên nghiệp cũng chẳng ngồi được như vậy. Nhưng cô Xuân nằn nì quá thể. Nể quá và xét thấy về đúng giờ cao điểm, sớm lại hóa muộn, tôi đồng ý mỗi ngày ở lại thêm một tiếng.
Từ đó trong cái phong bì cuối ngày có thêm mười ngàn tươi rói! Tờ năm chục ngàn là tiền công "8 giờ vàng ngọc", tờ mười ngàn là tiền trả thêm giờ!
Lão kiên quyết không bốn - hai mà mười - năm (Tức là xuông mười ngàn, dịch năm ngàn). Tôi kêu bí nhị nhanh như tàu lượn, mười - năm to lắm, đem ngày vài triệu đi tong. Giằng co bất phân thắng bại, cuối cùng tôi và lão thỏa thuận mức sáu - ba. Biết chuyện, cô Xuân bảo đánh to thì đánh to, có sao mà sợ. Nghe cô nói tôi mới nhớ mình có mất gì đâu mà không dám đánh to. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy được mình ăn, thua cô ấy chịu, nếu chiều ý lão thì hóa ra mình là thằng khôn lỏi à...
Từ hôm "người đàn bà ngọt ngào" chìa vào mũi tôi một tập năm chục ngàn mới cứng nàng moi từ ngăn tủ ra, tròn mắt đòi tôi giải thích thì tôi nảy sáng kiến không đem tiền về nhà nữa. Tiền công nhật, tiền thắng chắn được xếp vào ngăn kéo cô Xuân dành cho. Mỗi lần đem tiền về nhà hoặc mua cái nọ cái kia là một lần cơ cực vì phải tìm cách nói cho xuôi. Học hành thì giỏi giang. Công tác thì sáng tạo. Chỉ khoản nói dối vợ là... đặc cán mai! Trước sau chỉ một kiểu: Trúng xổ số! Nếu bảo đó là tiền thắng chắn thì không dám. Đức ông chồng tư cách thế mà nay thành trùm cờ bạc? Thắng nhiều thế thì tất cũng có ngày bán xe, bán nhà. Thói cờ bạc được thì ha há cười, tiêu bừa bãi. Tiền mồ hôi nước mắt đâu mà tiếc. Nhưng đời có luật bù trừ, có lúc cười thì cũng có lúc mếu. Nếu bảo ai cho thì thậm vô lý. Ai cho? Mình là quái gì mà người ta cho? Muốn được cho phải có quyền có chức. Về "đuổi gà cho vợ" quyền chức gì. Còn nói đó là tiền công đánh chắn thuê lại càng không dám. Chấp nhận cho đi chơi chắn với bè bạn là để đỡ thở dài sườn sượt chứ gia cảnh làm gì đến nỗi phải đánh chắn thuê. Như vậy rõ ràng nói thật cũng không được, phải nó dối. Đã vậy cứ đổ riệt cho "anh" xổ số. Sáng mua. Chiều đọ. Tối lĩnh thưởng. Không độc đắc nhưng hai số đuôi ngày nào cũng trúng! Thế là có giải pháp.
Tôi phàn nàn với cô Xuân mùa đông 5 giờ đã tối, trình cụ đánh đến 3 giờ thôi, nếu cụ ham quá thì thuê thêm một người nữa, chia hai ca hầu chắn cụ. Cô Xuân không bằng lòng. Cô động viên tôi cố gắng. Trong cái phong bì cuối ngày tờ mười ngàn mầu đỏ được thay bằng tờ hai mươi ngàn mầu xanh.
Tôi phân trần không phải tôi nài thêm tiền công, thực sự đạp về đến nhà, tắm táp, ăn uống xong là quá muộn. Cả ngày ngồi lì mỏi gãy cả lưng, lại đạp ngần ấy đường đất, đầu tỉnh cuối tỉnh, tôi hết hơi cứ nằm thườn thưỡn như vua ngọa triều.
Phàn nàn hôm trước, hôm sau mất luôn cái Diamant!
Tôi rối ruột. Xe để trong sân không cánh mà bay. Tường cao, cổng khóa làm sao mất ngon thế được? Con bé chia bài nhanh nhảu: "Cháu gọi xích lô đưa ông về". Cô Xuân mắng át đi, bình thản trao tôi chìa khóa và giấy tờ cái Dream mầu mận bảo đi tạm vừa hứa tìm lại cái Diamant cho tôi.
Tôi thẫn thờ tiếc kỷ vật đã gắn bó với tôi mười mấy năm trời. Sốt ruột vì mỗi ngày khả năng tìm lại được cái Diamant càng... mờ nhạt, nhưng hễ nhắc là cô Xuân lại... đánh trống lảng thành thử chính tôi lại thấy ngại không dám đụng đến chuyện mất xe. Về nhà vợ hỏi xe đâu, lại phải phịa: Cái Diamant xích líp long rão để ở nhà ông chủ chắn, ông ta cho mượn cái "giấc mơ" này đi về cho tiện...
Thấy tôi cỡi Dream bạn tôi reo:
- Cừ thật! Đang chức thì còng cọc đạp xe. Hưu thì chơi xịn. Các bố khôn thật!
Tôi không cãi, nhưng trong bụng bảo của mình cóc đâu mà khôn với dại. Mất béng cái Diamant đang nẫu cả ruột đây này... Vừa đi vừa nghĩ ngợi quệt ngay phải bà bánh đúc! Công an giao cảnh bắt trình giấy tờ. Tôi trình bày rằng xe tôi mượn... Đến khi xem giấy tờ xe chính đồng chí công an đó đưa vào tận mắt tôi mới ngây ra vì sự thần kỳ: tất cả đều tên tôi chính chủ, địa chỉ của tôi kể cả bằng lái!
Cô Xuân nghe chuyện tôi bị phạt nặng không phải vì đền nồi bánh đúc nóng đổ tung tóe mà vì tội... dối trá nhằm... chạy tội thì cười ngặt nghẽo. Hết cười thì cô lại dịu dàng nói nếu cô không lo chu đáo giấy tờ như thế bất chợt giao cảnh kiểm soát như hôm nay thì còn phiền phức hơn nhiều và coi như cô đền cái Diamant bằng cái Dream II, cô biết cái xe đạp là kỷ vật vô giá nhưng đã trót... mất, mong tôi vui lòng.
Tôi lôi tất cả tiền trong ngăn kéo ra đưa cho cô. Cô đếm. Đúng tám triệu. Cô đặt vào ngăn kéo khóa lại, đưa chìa cho tôi, mỉm cười nói:
- Mời anh dùng cà-phê rồi lên kẻo ba em chờ. Cái Dream thế là xong anh nhé.
Suốt buổi chắn tôi nghĩ rất lung. Xong thế nào được. Phải tìm cách trả tiền cho cô Xuân. Không trả được hết thì phải trả 8 triệu đó. Tôi loay hoay mấy ngày mới tìm ra cách. Đúng, tiền cha khác gì tiền con. Hôm nào tôi cũng cố ý thua vài trăm ngàn.
Thắng thì khó chứ thua khó gì. Bốc đúng con chờ tôi không ù mà bốc tiếp. Mới 5 chắn tôi đã hạ bài ù để được đền làng. Nhưng mẹo ấy không qua nổi mắt lão già. Lão gắt toáng lên:
- Thầy làm sao? Đầu óc để đâu? Hay chán chắn cạ hử?
Cô Xuân biết tôi cố tình thua nhằm trả tiền cái Dream liền tuyên bố cô bù tiền thua hai tuần qua theo đúng giao ước, cộng với tiền công, trong ngăn kéo không phải 8 mà đã là 9 triệu rưỡi. Tôi bảo cô xử như thế tôi không thể bình tâm cỡi cái Dream trên đường được. Cô Xuân hoảng, chấp nhận yêu cầu của tôi nhận 8 triệu nhưng giao hẹn từ nay lại theo thỏa thuận cũ.
Không thể kể với vợ, tôi đem chuyện kể với bạn. Bạn tôi ngớ ra cho là chuyện bịa. Tôi chìa giấy tờ cái "giấc mơ" ra làm bằng chứng. Bạn tôi xem đi xem lại các giấy tờ rồi nói:
- Thế là ông số hên. Cứ loay hoay sao chụp đơn từ, lý lịch, văn bằng gửi tứ tung ngũ tỏi công ty nọ công ty kia. Có được tiếp nhận thì thì giờ bó buộc, thu nhập cũng đến thế là cùng. Đằng này chơi mà ra tiền!
Mấy ngày sau bạn tôi lại bảo:
- Biết rồi! Hiện ối đứa giàu. Cánh đàn ông giàu thì nhà hàng, vườn mờ, sân trước sân sau... Nhưng ông xem, làm gì có nhà thổ đực. Bởi thế các mụ trọc phú bày chuyện gia sư, bảo vệ... Trá hình cả thôi. Này, hay cái con mụ Xuân của ông...
Tôi bác thẳng thừng. Cô Xuân đẹp người đẹp nết, đối với cha một điều thưa ba, hai điều thưa ba, đối với tôi nhũn nhặn, ý tứ, công trả sòng phẳng, tiền nong rõ ràng. Không thể gán động cơ xấu cho người ta...
Hơn tuần sau anh đón đường lôi tuột tôi vào quán.
- Nghĩ cũng đúng. Việc quái gì bận lòng. Này nhớ, chợ người, cửu vạn công ba chục. Gia sư tiếng anh tiếng em dưới một triệu chẳng chó nào nhận làm gia sư. Vậy ông, lương bậc tương đương vụ trưởng, tiếng Tây thông làu hơn tiếng ta, bằng phó tiến sĩ Viện Hàn lâm nước ngoài cấp, ngày cày 12 tiếng. Chúng nó trả cho ông ba bảy hai mốt, tháng hai triệu là phải quá.
Dốc cạn ly Tiger anh tiếp:
- Cái Dream. Thứ nhất đền ông cái kỷ vật vô giá. Thứ hai, nhà ông xa, có cái Dream khỏi còng lưng đạp mới đủ sức hầu chắn cụ. Đền cái Dream là phải đạo.
Chờ cho ý nghĩa của nhận định siêu đẳng đó ngấm vào cái đầu phó tiến sĩ của tôi, anh tiếp tục phán:
- Được ăn, thua không phải chịu cũng chẳng có gì lạ. Không quy ước thế có chó nó chơi với lão già. Có chăng chỉ bọn cờ bạc chính hiệu. Bọn ấy sểnh mắt cả tòa nhà cũng bốc hơi chứ đừng nói đồ đạc. Vía bố cũng chẳng dám thuê. Vớ được ông bọn chúng sướng tỉnh thần hồn.
Ngừng lấy hơi anh lại tiếp:
- Cờ bạc mức tiền càng cao càng kích thích. Lão thích tình cảm mạnh nên gò đánh to chứ tiền đối với lão là cái gì. Con gái lão cũng trên tiền. Điều ả muốn là chiều bố già. Xuông mười ngàn, dịch năm ngàn ông đã kêu toáng lên to quá. Mất quái gì mà kêu? Rõ ăn mày thương địa chủ! Tôi là ông tôi cho cha con nó ra bã. Đánh to, được bỏ túi, thua thiên hạ chịu. Thông minh, trạng thái tâm lý thoải mái, thắng là cái chắc. Bọn giàu sử dụng mình làm phương tiện mua vui thì mình sử dụng chúng làm phương tiện làm tiền, kém gì. Chín chục cái lá vàng rơi, chẳng dài dài được. Vài niên nữa là cù ngoẻo. Lúc đó túi ông nặng, bye bye, ông lên tầng cho bà ấy sướng.
Anh cúi sát bàn thì thầm như có điều bí mật lắm.
- Việc gì ông phải nói dối quanh. Ngần ấy tuổi bà xã nhà ông làm gì chẳng biết ở đời ối thằng giàu quẩng mỡ.
Rít một hơi dài, ngả lưng vào tựa ghế, phun khói lên trần, mắt lim dim mơ màng, anh nói điều sâu lắng:
- Quy luật ông ạ. Quy luật bù trừ. Ông nghĩ xem đúng không. Tích cóp lắm phá nhiều. Cha tích cóp thì con phá. Vợ chính chuyên thì chồng trai gái đĩ bợm. Nhưng tôi ngẫm lão trọc phú ấy khôn. Thỏa mãn cái thú cũng là một cách hưởng thụ, chả hơn ngoẻo củ tỏi tiền một đống để làm gì. Còn ông... - Anh quay nhìn tôi qua màn khói - Ông đang thực hiện một sứ mạng vĩ đại: lấy của thằng giàu bù đắp cho thằng nghèo. Ha... ha... các cuộc cách mạng chân chính cũng mục đích đó chứ cóc khô gì...
Nhiều lời nhưng "bố" này lấng khấng, tôi thầm nghĩ, bia nói chứ đâu phải "bố" nói, mà toàn lý lẽ không xác đáng.
Tôi gặp ông Dần. Ông Dần bảo họ hàng gì đâu, trước ông cũng bí nhị thuê cho lão già. Hễ không có người hầu chắn là lão lăn ra ốm... Lời giải thích có lý của ông không đủ sức thuyết phục tôi, vì thế tôi quyết định tìm nguyên do từ chính đương sự.
Tôi gợi chuyện. Xen giữa các ván tôi tỉ tê. Tôi tạo trạng thái cân sức cân tài cho lão phấn khích rồi nhân lúc lão vui vẻ, lúc giải lao ăn mì vằn thắn, uống ca-cao tôi lựa nêu câu hỏi. Lão lắng nghe. Lão lừ lừ nhìn. Rồi bảo:
- Thầy đến đánh chắn là đánh chắn. Ván trước thầy ù, thầy bắt cái. Thế là "Thối con chi chi!". Tôi buồn bã suốt cả tuần.
Đang tắc thì con bé chia bài chặn tôi trước buồng toa-lét.
- Ông muốn biết vì sao cháu giải thích cho.
Tôi mừng quá, vồ lấy vai nó:
- Cháu giải thích đi.
- Xuỵt... Cụ réo lên như ngỗng bây giờ - Nó thì thầm - Sáng mai cô chủ đi vắng, ông đến sơm sớm, cháu cho ông biết.
Hôm sau, đúng hẹn tôi có mặt. Con bé cầm chùm chìa khóa lắc lắc đi trước. Tôi nhẹ nhàng bám theo. Nó lần lượt mở các buồng ở tầng 2 rồi các buồng ở tầng 4. Tôi choáng ngợp trước các đồ cổ mỹ nghệ, trước tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Mỗi phòng là một viện bảo tàng thu nhỏ! Lão giàu thì tôi đã đoán nhưng như thế này thì ngoài sức tưởng tượng!
Trầm ngâm trước ly ca-phê đầu óc tôi miên man với cảnh giàu, cảnh nghèo...
Con bé thì thào:
- Tầng ba, tầng hầm mới là kho chính. Cháu không biết số khóa bí mật.
Theo lời nó thì cô Xuân là con gái của một con sen. Con sen chửa được nâng cấp thành bà Tư, nhưng thực chất chỉ để bịt tiếng và tránh đánh chửi ghen tuông tùm lum. Sau bà Tư lão còn có một loạt vợ chính thức và không chính thức. Con cái lão đứa nào cũng giàu có, ở Mỹ, ở úc, Canađa... Bề ngoài đứa nào cũng hiếu thảo, biết lão thiếu gì tiền nhưng vẫn gửi đôla về phụng dưỡng béo bổ, nhưng bên trong đứa nào cũng tranh thủ tình cảm của lão và ngầm xác định quyền thừa kế các kho báu.
Cô Xuân lớn lên trong nhà ngang cùng con cái người ăn người ở, nay cô giữ quyền quản lý mọi tài sản nhưng thực chất chẳng khác gì mấy con tô-tô to như lũ báo nuôi trong những cái chuồng sắt ở sau vườn building. Xinh đẹp, duyên dáng, lịch thiệp... một người đàn bà tuyệt vời nhưng bất cứ người đàn ông nào bén mảng cũng chỉ một, hai buổi là hết ý định trở lại tòa biệt thự. Cuộc đời cô bị cột chặt vào cái biệt thự bí ẩn và vào lão già quái đản. Lão ngồi một chỗ nhưng lão biết hết mọi hành vi của cô. Đi đâu, làm gì, có quan hệ với ai... không qua được mắt lão. Cô là thần giữ của, cô đang chết mòn trong cái tòa nhà "thanh bình" này... Ôi, nếu đủ tài tôi đã đưa lên màn ảnh một phim "chết mòn thời hiện đại!".
Ngẫm cái triết lý của bạn thấy cũng có lý. Tôi quyết cho lão ra bã. Lâu nay không Mười-năm mà Hai mươi - mười. Lão thua liên tục, thua không ngừng, ngày càng thua lớn. Cái đầu phó tiến sĩ của tôi kết hợp các mẹo bẩn chôn quân, nhòm nọc... học mót từ các thợ chắn bậc thầy làm sao lão thoát khỏi tay tôi.
Nhưng từ hôm "tham quan trộm" các kho báu, nghe chuyện con bé chia bài bỗng tôi hết hứng thú chiến thắng. Lại thấy càng thua lão càng "máu", càng khỏe, da dẻ càng hồng hào, đôi mắt đờ đẫn trở nên sống động. Đà này trăm tuổi lão vẫn chưa chết. Hóa ra tôi là kẻ tiếp tay làm hại cô Xuân? Như thế bao giờ cô thoát khỏi cái "nhà tù quý tộc" này? Sống trên tiền, ngồi trên núi của không phải của mình, sướng nỗi gì. Thà tay không, thà nghèo mà tự do vẫn hơn. Đúng rồi! Tôi vui mừng nhớ ra, không người hầu chắn cái mặt kia sẽ xạm đi, cái tai voi kia sẽ sệ xuống, cái bàn tay hộ pháp kia sẽ hết sinh lực. Lão sẽ lăn niềng niễng. Lão sẽ tỏi. Đúng, mình chấm dứt chắn công nhật cho lão đi đời.
Nghe xong bạn tôi kêu lên:
- Dở hơi! Ông không "oánh" thằng khác "oánh". Khối thằng bằng cấp kém gì ông vô công rồi nghề nhan nhản. Ông bỏ việc nó thuê đứa khác. Giải pháp của ông dở ẹt!
Đành vậy nhưng độ này giá buốt, mưa liên miên, đường nhớp nháp, đi về rất ngại. Ngán nhất là bạn chắn của tôi - Một cái xác chưa chôn. Một sinh vật hoàn toàn tách khỏi cuộc sống, tách khỏi cộng đồng. Lão không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài "cửu vạn", "bát sách", "chi chi". Không hiểu biết gì về xã hội. Không cảm nhận gì về sướng khổ. Không có khái niệm về thời gian. Suốt ngày xù xụ như con cóc trên tấm nệm dày trong căn phòng vuông vắn như cái quan tài có máy lạnh. Suốt ngày đắm chìm trong tiếng "tách bộp" của quân bài vật trên mặt nệm. Lão gò đánh to, thích ù to, thích thắng nhiều tiền nhưng bao nhiêu là nhiều và nhiều tiền để làm gì lão không biết. Lão là một thằng điên, một kẻ bệnh hoạn. Chơi với một kẻ như thế thích thú gì. Tôi đã chán ngấy. Cứ nhìn lão là lợm giọng. Chỉ vì cô Xuân, chỉ vì cư xử của cô, chỉ vì chưa tìm được giải pháp giải phóng một cuộc đời tù đày quí phái mà tôi còn chần chừ chưa chấm dứt chắn công nhật.
Một hôm tôi bị cảm không tới hầu chắn được. Sốt cao nhưng tôi vẫn phải ra trạm điện thoại gọi tới báo cáo. Mặc dầu vậy hôm sau vừa giáp mặt lão đã mắng té tát. Hơn nửa thế kỷ cuộc đời chưa bao giờ có ai mắng tôi ghê thế, kể cả cha tôi, kể cả các thủ trưởng rất hắc lúc cực kì giận dữ. Mắng liên tục. Mắng không ngừng. Không cho mở miệng. Mắng xong, lão thản nhiên ra lệnh:
- Thầy bắt cái.
Tôi không phải là kẻ bị tát vào má này thì chìa má kia ra, thế mà trước lão trọc phú này... Dù vẫn thầy... thầy... nhưng cơn giận bừng bừng của lão, cái giọng đầy quyền uy rồi thái độ đột nhiên bình thản của lão khiến tôi cảm nhận sâu sắc thân phận của kẻ làm thuê. Thì ra bất kỳ lĩnh vực nào kể cả chơi chắn kẻ làm thuê bao giờ cũng phải nhận phần cay đắng!
Với thời gian cơn giận tưởng nguôi ngoai thì bất ngờ bùng lên thành căm phẫn. Tôi từ tốn xin phép chủ nghỉ một ngày để giỗ bố. Họ hàng, bạn bè từ các nơi về, tôi không thể vắng mặt.
- Lui giỗ lại! - Lão quát.
Tôi nén lòng thưa ngày giỗ làm sao lui lại được.
- Sao không? Lão quát. Hàm răng giả văng xuống đệm - Ngày phải đến đây!
- Thưa cụ, không thể được.
- Ai cho phép? Ai trả tiền cho thầy?
Lão gầm lên, ném thẳng cỗ bài vào tôi.
Mắt tôi tóe lửa. Nếu không có chòm râu bạc và mái tóc tiên ông ngăn tôi lại thì cái mặt nhầy mỡ kia... Điều đau đớn tôi nhận ra: Tiền, một sự xúc phạm nhân phẩm ghê gớm!
Tôi lặng lẽ rời tòa biệt thự không lời từ biệt, bỏ lại "giấc mơ" màu mận chín với tất cả giấy tờ của nó và cái ngăn kéo đầy ắp tiền chắn công nhật tám tháng qua.