Từ bến xe phố huyện trung du, ngược triền đê sông Thương nửa ngày đường đến vùng đồi Trại Dẻ. Ngày ấy tôi đến đây dạy lớp 4 trường làng. Học trò toàn những đứa lộc ngộc lớn gần bằng tôi. Trường dựng trên triền đồi xanh biếc đó đây um tùm cổ thụ, mái lợp nứa dây leo phủ dày nở hoa dại sặc sỡ, mùa chim "gọi bạn" về đậu ríu ran đùa giỡn với lũ trẻ, dưới lớp "đọc văn" sang sảng thì trên nóc chúng hót líu lo. Có lần tôi bắt gặp một con "họa mi" khác thường nhại tiếng trẻ con học bài làm cả lớp cười ngặt nghẽo.
Chớm lạnh, khi núi đồi ngập chìm trong sương trắng ban mai và vàng rực trong nắng hanh chiều là lúc đến mùa dẻ rụng. Hạt dẻ nâu bóng như hạt cườm nứt khỏi vỏ gai rơi lẫn dưới gốc cỏ xanh. Nắng hanh già vỏ gai nứt lách tách râm ran. Tôi thích lang thang dưới các tàng dẻ cổ thụ, chìa tay hứng hạt dẻ rơi. Hoàng hôn, sương núi tím lạnh, nhóm một đống than hồng, bốc hạt dẻ ném vào, dẻ chín nổ lụp bụp bắn tung tóe. Hạt dẻ đầu mùa tan trên đầu lưỡi thơm ngon khác lạ.
Tôi đã ở đây, một mùa dẻ rụng. Ngày lên lớp, đêm về bên cửa sổ, chấm bài xong, tôi ngồi tự học tiếng Nga. Học cắm học cúi, như nuốt lấy từng chữ. Phát âm chắc sai toét nhưng từ ngữ thì nhớ như biên.
Những cô gái Trại Dẻ đẹp hơn con gái đồng chiêm chân tay dầm bùn quê tôi. Đồi cỏ sạch tinh. Chân tay các cô nuột nà trắng nõn. Đồng bằng làng cổ chật chội, lề thói khuôn phép. Trại Dẻ đất mới con người chạy nhảy giữa đồi rừng mênh mang, tính tình cũng phóng khoáng tự do. Các cô chả e dè như con gái dưới xuôi. Các cô không biết làm duyên làm dáng, chỉ có sự hồn nhiên, ngây ngô, tình thật...
Con sông Thương thượng nguồn có bãi cát sạch, núi lượn sát sông. Nước êm đềm xanh biếc. Chiều hè, các cô gái Trại Dẻ rủ nhau ra tắm, bơi lội vẫy vùng. Tôi còn biết tắm ở đâu ngoài bãi cát này. Đầu tiên tôi tắm xa xa, bơi vẩn vơ một mình như con cá vàng lượn lờ. Các cô gọi:
- Thầy giáo ơi, bơi lại gần đây.
Hì, thế mới thích chứ. Họ hồn nhiên lắm mà.
- Thầy giáo mặt búng ra sữa chúng mày ạ.
- Láo, gọi là thầy giáo trẻ chứ lị.
- Còn bú tí mẹ chả trẻ thì già với ai! Tiếng cười của các cô vang cả bờ sông.
Các cô tắm cởi trần, bơi nguẩn ngoang lặn hụp như đàn ngỗng trắng. Tôi ngây dại cả người, mon men lại gần.
- Thầy giáo bơi thi với chúng em nào. Các cô rủ. Tôi bị vây trong đội hình. Hai ba nào, cả đoàn lao đi, vẫy nước tì tùm, cười nắc nẻ. Tôi phải vượt lên trước cho đáng mặt nam nhi. Nhưng các cô lại kéo lại. Thi với cử thế đấy. Ba bốn cô ôm ghì lấy cổ tôi. Đôi tay trần và đôi vú áp chặt. Mục đích ghìm lại. Tôi giẫy ra hụp túp xuống, như tàu ngầm lao qua sườn các cô để nhô lên ở phía đích. Đời nào con giai lại chịu thua con gái. Các cô tru tréo:
- Không kể hụp ngầm. Thầy giáo ăn gian...
Các cô quây tròn túm lấy tôi dìm xuống cho uống nước sằng sặc. Không sao trồi lên được. Húc đầu chỗ nào cũng chạm ngực các cô.
Bơi thi thế kể cũng khoái. Chả biết có bể bơi quốc tế nào vậy không...
Tôi không muốn rời Trại Dẻ tý nào. Ty giáo dục mấy lần định cho tôi về tỉnh, bồi dưỡng sư phạm cho "trưởng thành".
Tôi không muốn "trưởng thành", cứ muốn là "trẻ con" mãi cơ...
Mùa xuân, các cô gái Trại Dẻ hay rủ tôi vào rừng hái măng hái nấm, nhặt trám. Đi từ sáng tinh mơ, cả ngày lang thang trong rừng. Trưa, ăn cơm nắm với thịt thỏ rừng bắt được tại chỗ, uống nước trong ống mai non mát lịm.
Hình như tất cả các cô đều yêu mến tôi. Nhưng tôi phải tìm một "đối tượng tìm hiểu" chứ. Chỉ được yêu một người thôi chứ. Cô nào cũng đẹp. Biết chọn ai. Tôi nhắm mắt "thiên địa vận", chọn bừa một người. Cô Ban. Buổi đi rừng hôm ấy, tôi rủ Ban ra chỗ vắng bên bờ suối. Tôi ôm Ban hôn. Định hôn xong rồi thì nói: "Từ nay em là người yêu chính thức của anh". Nhưng chưa kịp mở mồm đã thấy cây lá rẽ rào rào, các cô khác ào đến đầy vẻ giận dỗi, lườm nguýt. Một cô thô bạo kéo thẳng cánh Ban ra xa, không cho đứng gần tôi. Suốt từ đấy, buổi đi hái măng không khí nặng như chì, chẳng vui tý nào. Ban bị canh chừng không cho bén mảng đến gần tôi. Không làm sao tiếp cận được Ban. Tôi nản quá, phải hỏi thật:
- Thế các cô cho tôi yêu ai?
- Chẳng được yêu ai cả. - Các cô không úp mở.
Thế mới lạ chứ. Xem ra con gái Trại Dẻ xứ rừng còn ngô nghê lắm, chả biết thế nào là tình yêu, còn trẻ con cả lũ, chỉ được cái nở nang, lớn xác.
Còn tôi ở đồng bằng nên khôn hơn nhiều. Phải dạy cho họ biết thế nào là tình yêu. Tôi quyết định chọn cô khác: cô Thanh. Kế hoạch: Rủ một mình Thanh vào rừng. Trại Dẻ có con thác nhỏ, nước bụi mờ. Tôi với Thanh sẽ cởi quần áo đứng cho dòng thác bụi chảy xuống người. Rồi té nước, đùa giỡn nhau. Chỉ mình tôi với Thanh và con thác, thế thôi.
Hò hẹn chuẩn bị sắm nắm từ hôm trước, sáng sau, đúng hẹn ra ngã ba đợi. 7 giờ sáng, Thanh xuất hiện. Tôi mừng rỡ chạy lại. Nhưng kìa, từ sau bụi cây, cả chục cô mặt sưng mày sỉa bước ra theo.
- Sao họ biết kế hoạch riêng của anh và em? - Tôi hỏi Thanh.
- Em bảo, - Thanh hồn nhiên trả lời.
Thế này thì còn ăn thua gì nữa. Kế hoạch tình yêu của tôi đành "phá sản" vậy thôi...
Chiến tranh nổ ra. Máy bay địch bay qua bay lên trên đầu gầm rú ghê sợ. Tiếng bom ở xa âm âm vọng về lan trên mặt sông êm ả. Người ta phát hiện ra tôi "đọc báo tiếng Nga làu làu" nên gọi về sân bay quân sự, cho mặc áo lính, làm chân phiên dịch.
Chiến tranh không phải trò đùa. Tôi đành phải ra đi. Hôm chia tay, con gái Trại Dẻ lẽo đẽo đi tiễn cả chục cây số không rời. Lúc xuống đò từ biệt, chúng khóc, khóc òa như trẻ con chứ không phải khóc kiểu "giấu lệ vào trong" khi tiễn người ra trận.
Tôi mặc áo lính vài năm. Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. áo lính đẫm mồ hôi, đất và mầu. Rồi tôi được cử đi nước ngoài để chuẩn bị cho ngày hòa bình. Tôi lao vào học khoa học. Đánh nhau cái chết kề bên còn được, chứ học thì khó gì. Tôi đạt đủ bằng cấp học vị cao rồi về nước. Vừa trực tiếp nghiên cứu khoa học, vừa làm viện trưởng một cơ quan khoa học. Công việc bận mê tơi. Cái bận nữa không kém là lấy vợ, đẻ con, nuôi con ăn học, làm nhà dựng cửa.
Những thập niên bận rộn cứ bay vèo như lá vàng qua cửa sổ. Thoắt cái kinh hãi tôi thấy mình tóc đã pha sương. Rồi một hôm "hợp đồng cuộc đời nhiệm sở" đã hết, vụ tổ chức cán bộ gọi lên thông báo quyết định về hưu. Tôi bàng hoàng. Tôi giận hờn với cấp trên. Đấy, rời tôi ra xem cơ quan sẽ như thế nào. Tôi thắc mắc là tại sao đời lại bỏ phí chất xám đến như thế. Cầm quyết định về hưu, không nghỉ lấy một ngày, tôi lao vào một đề tài công nghệ, rồi gạ làm thuê cho công ty trách nhiệm hữu hạn, cho viện nghiên cứu, dạy thuê cho trường đại học v.v... Tôi làm để cho mọi người biết năng lực của tôi là thế nào!
Nhưng chỉ được một, hai năm, cảm giác mệt mỏi hững hờ xâm chiếm lúc nào không biết.
Một buổi, ngồi soạn lại đống an bum kỷ niệm, vẫn vứt hàng đống trong tủ. Tuyết trắng, lá phong vàng, chàng sinh viên trẻ trung áo khoác bùng nhùng trước cổng trường Đại học Lômônôxốp. Tôi đấy. Đại hội, ông viện trưởng trang nghiêm đọc báo cáo trước dàn micrô tua tủa. Nụ cười, cái bắt tay, cốc rượu sóng sánh trong các buổi hội thảo khoa học quốc tế. Tôi đấy. Và tôi trong muôn vạn bức ảnh với bối cảnh đền đài, danh lam sau lưng...
Tôi bồi hồi nhớ lại từng đoạn đời mình. Không có tấm ảnh nào về những ngày ở Trại Dẻ. Nhưng một dòng sông trong vắt chợt dào dạt reo vang lên trong ký ức làm tôi ngẩn ngơ.
Sáng hôm sau buộc ba lô vào xe máy, tôi lên đường. Từ bến xe phố huyện trung du, tôi đi vào quá khứ. Con sông ngày xưa, tưởng như bây giờ bớt xanh trong hơn. Và không thấy long lanh. Triền đồi Trại Dẻ vẫn dịu dàng ăn lan ra bờ sông, với bãi cát trắng, nhưng bãi cát cũng thấy không lấp lánh. Tôi đứng ngắm dòng sông trong nắng chiều vàng. Đó đây cũng thấy bóng các cô gái ra tắm. Nhưng tất cả lặng lẽ. Tôi quyết định cởi quần áo dìm mình trong kỷ niệm. Chả ai thèm để ý. Chả ai thèm gọi.
Lên bờ, tôi tìm cách bắt chuyện một cô gái ra sông gánh nước.
- Quê mình giờ còn nhiều cây Dẻ không?
- Còn chứ. Ông muốn mua hạt dẻ phải đợi đến đầu đông.
- Cô có biết bà Ban, bà Thanh làng này?
- Không biết.
Cô gái quẩy gánh đi. Tôi đứng vẩn vơ.
Cuối chiều, mọi người đi làm đồng về. Những người đàn bà gầy gò, chân lấm bùn, quần đen vo quá gối, mặt mũi xạm nắng gió khắc khổ. Họ đưa những cặp mắt tò mò nhìn tôi. Trong đám kia có ai là Ban, là Thanh, là những cô gái lớn xác ngây ngô hồn nhiên, xinh đẹp thuở nào. Làm sao họ nhận ra tôi. Cũng như tôi không nhận ra họ nữa.
Tôi đến trường tiểu học Trại Dẻ nghỉ trọ qua đêm. Sáng hôm sau lại ra cổng làng ngắm những người đàn bà đi làm. Nhất định trong đó phải có một trong những cô gái ngày xưa từng ôm chặt lấy tôi trong cánh tay nõn nà không cho tôi vượt lên trong cuộc thi bơi, và lấy ngực mình đè đầu tôi xuống cho uống nước sằng sặc, rồi cười vang.
Tôi có nên vào làng, hỏi thăm từng nhà, từng người, hỏi thăm bà Ban, bà Thanh, nói chuyện ngày xưa. Không! Không nên! Để làm gì? Thời gian đã đi qua không bao giờ trở lại. Đời người ta, tuổi trẻ tươi non, ngây thơ trong trẻo, chỉ có một lần, như ánh sao băng, vụt qua rồi mất.
Tôi đề nghị ông Hiệu trưởng trường tiểu học cho tôi lên lớp một bài Tập đọc lớp 4. Ông trịnh trọng giới thiệu đủ chức vụ, học hàm học vị của tôi, làm lũ trẻ háo hức. Nhưng rồi chúng cũng nhanh chóng thất vọng thấy giọng đọc khàn rè của tôi, không trong trẻo náo nức như giọng thầy giáo trẻ của chúng. Tôi lắng nghe, cũng có tiếng chim trên mái lớp, nhưng không thấy hay như ngày xưa. Không có tiếng họa mi nhại tiếng bài đọc.
Buổi cuối cùng ở Trại Dẻ, tôi quyết định vào rừng hái măng, hái nấm. Rủ mãi chỉ được ông hiệu trưởng cùng đi. Hái nhặt qua loa, lúc về say nắng. Măng và nấm nấu lên ăn cũng thấy bình thường không ngon như ngày trước.
Nhưng thôi thế là tôi đã trở về dòng sông ngọn nguồn trong vắt của đời tôi. Làm sao sống lại nguyên vẹn những gì của ngày hôm qua... Sáng hôm sau, tôi lên xe về thành phố. Dòng sông từ ấy trong tâm khảm mãi reo vang...