Chúng tôi yêu nhau từ lúc nào, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ rất rõ là anh đi bộ đội được một năm thì tôi cũng học xong lớp mười phổ thông. Anh về phép và bên nhà anh đặt lễ dạm hỏi. Mẹ tôi đem cau chia khắp làng. Đây là phong tục báo cho mọi gia đình biết, tôi chính thức là vợ chưa cưới của anh. Anh hẹn tôi cuối năm xin đi tranh thủ ít ngày, hai đứa sẽ làm lễ cưới.
Cưới. Cứ nghe đến ngày ấy lúc nào lòng tôi cũng xốn xang. Thế rồi cuối năm, tôi nhận được giấy báo nhập học của trường Đại học y. Tôi chưa kịp viết thư báo tin mừng thì đã thấy anh hăm hở khoác ba lô về phép. Tôi thầm nghĩ "Chắc anh đi tranh thủ về tổ chức cưới đây. Gì mà nóng vội thế không biết?". Và tôi phân vân: "Cưới rồi, liệu anh có để tôi theo học đại học nữa không?". Những vương vấn không đâu luôn ám ảnh tôi - một cô gái đang độ tuổi dậy thì. Ngay tối ấy, chúng tôi dẫn nhau đi chơi. Đêm thượng tuần, mảnh trăng khuyết treo lơ lửng trước mặt. Lúa mùa đã tỏa thơm mùi cốm man mác dễ chịu. Chúng tôi khoác tay nhau đi song đôi trên lối mòn của con đê thân thuộc. Tôi thấp thỏm, hồi hộp chờ đợi anh bàn ngày đăng ký kết hôn. Giống như tôi chờ đợi lời nói thốt lên từ đáy lòng anh ngày nào: "Vân, anh yêu em". Không, những điều tôi suy nghĩ chờ đợi đã ngược lại. Đang đi, anh dừng lại quay người ôm ghì tôi vào lòng. ánh trăng bàng bạc, khiến tôi không đọc nổi ánh mắt, nét mặt anh. Tôi vui sướng chiều anh. Hơi thở gấp gáp phả vào má tôi ấm áp, anh thủ thỉ:
- Vân. Vân. Em có thương anh không? Em có yêu anh không?
Câu hỏi làm tôi tự ái. Tôi vùng vằng định gỡ khỏi tay anh.
- Sao anh lại hỏi em câu đó?
Gió heo may của tiết cuối thu xoa trên làn da tôi mát dịu. Hai bàn tay anh vội áp vào hai má tôi.
- Anh hỏi thật đấy - Rồi anh bảo tôi ngồi trên con chạch đê, nhìn xuống cánh đồng. Một tay anh quàng qua vai tôi, một tay nắm lấy tay tôi để vào lòng mình. Anh nói tiếp - Đáng lẽ đợt này về anh chỉ bàn chuyện vui của hai đứa chúng ta. Chuyện ngày cưới... Nhưng - Tiếng anh ngập ngừng, tắc nghẹn -... Anh chỉ được vài ngày tranh thủ về thăm em. Đơn vị anh sẽ vào nam...
Anh nói chưa hết câu nhưng tôi không còn nghe gì được nữa, đầu óc choáng váng rã rời, tôi vội vàng ôm chặt lấy anh. Nước mắt cứ thế tuôn ra, không nói được một lời. Chiến tranh. Chiến tranh là gì? Chiến tranh như thế nào? Tôi làm sao hiểu sâu sắc tới ngọn ngành của nó để hình dung ra! Tôi chỉ hiểu, chúng tôi sắp phải biệt ly nhau và có thể anh ấy sẽ không về nữa... Anh gỡ tay tôi, lau nước mắt cho tôi. Anh khuyên tôi, căn dặn tôi đủ điều. Rồi anh âu yếm đặt lên môi tôi một nụ hôn. Nụ hôn ấy như đốt cháy thân thể tôi, cả tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại.
Anh trên đường hành quân vào nam. Tôi cũng trên đường vào trường đại học. Và từng ngày mong ngóng tin anh trong hy vọng mịt mờ.
Ra đi, anh hẹn tôi sẽ gửi thư về đều đặn. Vậy mà hơn một năm trôi qua, tôi cứ thắc thỏm mong chờ một cánh thư. Càng mong càng biệt vô âm tín. Cuối năm sau, tôi mới nhận được thư anh. Thư viết vội, lại bị dập xóa nhiều chỗ. Chỉ những câu thăm hỏi, dặn dò là còn nguyên. Tôi bắt đầu hiểu cái cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Tôi càng yêu và thương anh hơn. Đợi chờ, thời gian tưởng như vô tận. Tôi cũng thầm phục mẹ của anh. Chín năm đánh thằng Pháp, mẹ đằng đẵng chờ chồng, nuôi con. Ngày đình chiến, mẹ nhận được tin chồng đã hy sinh. Sự chờ đợi của mẹ không có thời hạn, không có ngày cuối cùng đã róc mòn hết tuổi xuân và cuộc đời mẹ. Mẹ giống như chiếc lá trên cành đang bị héo úa. Nhưng cũng còn may cho mẹ vì mẹ còn có một mụn con trai. Còn tôi? Nghĩ đến mẹ, ngẫm đến tôi, tôi thấy thương anh, nhớ anh đến da diết, bồn chồn. Không biết chiến tranh sẽ dẫn số phận mình tới đâu?
Sau tết Mậu Thân, thư từ trong gửi ra, ngoài gửi vào phần nào nhanh hơn và không bị tẩy xóa. Lần đầu, tôi nhận được lá thư anh còn trọn vẹn và mới hiểu cuộc sống thật ở chiến trường. Thư anh viết dài, nhưng tôi nhớ nhất đoạn anh viết về nỗi gian truân của người lính:
"ở mặt trận Bốn (Mật danh Tỉnh đội Quảng Đà), đơn vị anh đang sống những ngày cực kỳ căng thẳng. Nhiều người ngã xuống không phải vì bom đạn mà vì không còn gì để ăn. Chắc lúc này gặp anh, em không nhận ra anh nữa: đói gầy, hắc lào, sốt rét... Nhưng bọn anh vẫn ngày đêm "bám thắt lưng Mỹ mà đánh" đánh đến cùng. Giá như em được thấy... Nhưng không, anh sẽ chịu đựng được tất cả, sẽ vượt qua Vân ạ..."
Đọc thư anh, nghe anh nói tới gian khổ, lòng tôi tê dại và bất lực. Nước mắt tôi cứ ứa ra, ướt đầm cả khăn gối. Tôi chỉ mong chiến tranh sớm chấm dứt và anh còn sống trở về với tôi. Dù thân thể anh có bị tàn phế, tôi phải vất vả gấp nhiều lần, tôi vẫn vui vẻ sống với anh. Hoặc bây giờ, ngay bây giờ, anh về với tôi một ngày, dù chỉ một ngày thôi, san sẻ với tôi niềm thương, nỗi nhớ anh đang chồng chất trong lòng thì tôi sung sướng biết bao. Lắm lúc tôi nghĩ thà mình ở nhà quê quanh năm chấu mặt vào ruộng đồng hợp tác. Ngày tranh giành nhau công điểm, hạt thóc, củ khoai, đêm đến mệt lử, ngủ một giấc ngon lành có khi lại hay. Đằng này, tôi, một sinh viên đang độ tuổi xuân thì. Tình yêu và sức sống đang phát triển ở độ mãnh liệt. Hàng ngày, biết bao cảnh trớ trêu thường tình diễn ra trước mặt: Một người mẹ lai đứa con nhỏ; Một cặp tình nhân dắt nhau đi dạo mát vườn hoa... Tất cả, tất cả làm cho tôi thèm khát đến cháy lòng. Tôi thèm khát tiếng khóc trẻ thơ và nhịp thở con trẻ thơm thơm mùi sữa, khiến tôi ghen tị với họ. Tôi ghen tị với tất cả. Nhưng tôi vẫn kiềm chế nổi mình. Bởi trong tôi có anh. Tôi chờ anh. Tôi chờ đợi anh.
Lớp tôi làm đề án tốt nghiệp vừa xong thì có lệnh trên lấy một số bác sỹ mới ra trường, bổ sung vào chiến trường. Tôi lập tức viết đơn xin được đi và đem chuyện ấy kể lại với mẹ. Tôi ngỏ ý với mẹ, nhân cơ hội này tôi sẽ đến với anh, san sẻ với anh nỗi cô đơn, gian khổ. Mẹ giật mình như phải bỏng, mắng tôi:
- Con điên à! Chiến trường là nơi bom đạn, chết chóc. Đàn bà con gái, con chịu sao nổi?... Hơn nữa mẹ chỉ còn lại mình con, trông cậy vào con...
Tôi nói mãi mẹ xuôi lòng và bảo:
- Mẹ khổ mãi quen rồi. Mẹ sống ngày nào cầu mong các con sớm sum họp, đầm ấm là mẹ mừng.
Thể theo nguyện vọng, tôi được bổ sung vào nơi anh đang ngày đêm chiến đấu.
Đoàn vào đặc khu Quảng Đà vẻn vẹn có sáu người, tất cả là nữ, do bác sĩ Tiếp làm trưởng đoàn. Cuộc hành trình đầy gian lao vất vả. Lũ thư sinh chúng tôi cả đời quen ăn học, bỗng phải mang vác nặng, đi bộ trên ngàn cây số đường rừng, nhiều người méo mặt. Riêng tôi luôn mồm ca hát chuyện trò. Chị em khen tôi khỏe, vô tư. Vâng, tôi vô tư bởi tôi đang được đến gần anh. Động cơ ấy, các bạn trong đoàn không ai có. Trên đường hành quân, dù ở giữa đường hay vào trạm nghỉ, không ngày nào chúng tôi không gặp đoàn thương bệnh binh ở chiến trường ra. Gặp ai tôi cũng hỏi thăm, tôi có cảm tưởng như họ ở cùng đơn vị chiến đấu với anh, biết rất nhiều về anh.
Đi ròng rã gần ba tháng trời, chúng tôi đặt chân lên đồi Azin. Anh trạm trưởng người miền bắc nói với chúng tôi:
- Đây là đất Quảng Đà, nếu thuận lợi, đúng một tuần nữa các đồng chí vào tới địa điểm giao nhận quân.
Núi đồi Azin - Rừng Quảng Đà - Chúng tôi đang sống giữa thế giới tre, nứa, lồ ô. Núi chồng lên núi nối tiếp nhau chỉ toàn giống cây ấy. Thiên nhiên hay thật, đến cây cỏ cũng biết phân chia ranh giới để sống quần tụ với nhau thành rừng. Rừng nứa, rừng lim, rừng chò...
Từ trạm này, chúng tôi phải tự túc nấu ăn bằng lương thực, thực phẩm trên lưng mình. Chúng tôi phân công nhau đi kiếm củi, kiếm măng cải thiện. Măng ở đây giống như cái kho vô tận. Ngay khóm lồ ô đầu nhà: măng dài, măng ngắn, măng vừa nhú khỏi mặt đất đâm lên tua tủa. Bẹ măng người ta bóc vứt rải rác quanh gốc. Mắc xong võng, tôi chui ra khỏi lán. Đằng sau khóm lồ ô bên đường xuống suối, tôi thấy một anh thương binh, tay trái cụt gần tới nách đang ngồi run lập cập đun lửa. Chiếc ống ruốc treo trên hai cọc tre bắt chéo, thức ăn trong ống sôi sùng sục, nước trào cả ra ngoài. Thoáng nhìn từ phía sau cũng thấy anh gầy lắm, yếu lắm, tóc bạc, lưa thưa, nhìn rõ cả da đầu. Thức ăn chín, anh cầm cả que ngang nâng ống ruốc đứng lên một cách khó nhọc. Khi quay lui, bắt gặp cái nhìn của tôi, anh khựng lại, cánh tay còn lại bất ngờ rơi thõng. ống ruốc rớt xuống đổ tung toé, măng và những hạt ngô ninh lẫn rơi vãi. Anh vội vàng cúi xuống nhặt cái ống không và đi vào lán của mình. Tôi mang máng, bàng hoàng nhận ra anh. Tôi lao tới chỗ anh reo lên:
- Anh Phúc! Anh Phúc ơi! Em đây, Vân đây!
Anh im lặng bước thẳng làm tôi chưng hửng, hay tôi nhầm người này với người chồng chưa cưới của tôi. Nhưng linh tính báo cho tôi biết: Tôi không nhầm. Cái răng khểnh ở hàm trên bên trái của anh, có phải ai cũng có đâu. Tôi tất tả đuổi theo anh, gọi giật:
- Anh Phúc ơi, anh Phúc!
Anh thương binh vẫn im lặng run rẩy, yếu ớt bước đi. Khẩu phần bữa tối của anh đổ mất rồi. Tôi không có lỗi gì trong chuyện ấy, lẽ nào anh giận tôi? Tôi tiến sát để nhìn anh rõ thêm. Cái thật, cái giả lẫn lộn trong tôi. Càng nhìn, tôi càng thấy đúng là anh. Vậy tại sao anh lại im lặng. Vào lán, anh uể oải gieo mình xuống võng, phủ mảnh dù hoa lên người. Tôi nắm đầu võng lay lay:
- Anh Phúc ơi. Em đây. Vân của anh đây!
Anh nhắm mắt lại rồi kéo mảnh dù phủ kín mặt, giọng anh rời rã:
- Không phải Phúc đâu. Có lẽ cô nhầm.
Tôi ngỡ ngàng lúng túng, thầm nghĩ: "Có lẽ mình nhầm thật" và anh ta nói đúng: "ở đời thiếu gì người giống nhau". Nếu đúng, ít nhất anh phải tỏ thái độ, tìm cớ để chia ly, từ biệt nhau. Biểu hiện ấy ở anh không có. Tôi tự tin hơn.
Tôi về lán lục ba lô lấy tấm ảnh của anh ra ngắm nghía, so sánh rồi chìa cho chị Tiếp xem và hỏi:
- Chị Tiếp. Chị xem, đây có phải anh Phúc không?
Chị Tiếp cười sằng sặc, mắng tôi:
- Mày điên mất rồi Vân ạ. Mày mang ảnh người yêu mày ra rồi hỏi tao có giống người yêu mày không. Thế là thế nào? Không phải điên còn sao nữa.
Tôi nức nở nói với chị:
- Chị ơi, em hỏi như thế này. Đây là tấm ảnh anh Phúc, chồng chưa cưới của em. Có một anh thương binh nằm ở lán dưới kia rất giống anh. Em hỏi, nhưng anh ta bảo em nhầm. Bây giờ, chị đi với em xuống dưới đó. Chị nhìn người, nhìn ảnh, khách quan chị nói xem: Em nhầm hay anh ta giận gì em? Đi, chị đi với em...
Bữa cơm chiều đã dọn sẵn nhưng mọi người trong đoàn nghe tôi kể vậy đều như quên đói. Cơm xong, tôi tất tưởi kéo ào mọi người xuống lán dưới để xác minh giúp tôi. Trời tối lâu rồi. Trong lán có hai người, mỗi người mắc võng một góc. Anh thương binh ngồi trên võng, trước mặt anh cắm ngọn đèn bằng lọ dầu lau súng AK sáng leo lắt. Anh tì quyển sổ lên đùi, cánh tay phải còn lại đang run run viết cái gì đó. Chúng tôi rón rén đến bên, anh không biết.
Chị Tiếp vỗ tay hét toáng lên:
- Đúng rồi Vân ơi!
Anh thương binh giật nảy người, ngẩng lên nhìn trân trân bọn tôi. Tôi định nhào vào ôm lấy anh, thì anh đã tắt đèn, ngả người xuống võng, kéo mảnh dù phủ kín mặt rồi nói bâng quơ. "Sao lại như thế nhỉ"?
Chị Tiếp hắng giọng soi đèn pin vào người anh nói:
- Anh Phúc, chị em chúng tôi sang thăm anh đây.
- Các chị nhầm.
- Không. Anh đúng là Phúc, cô Vân lặn lội trèo đèo, vượt núi, đội bom từ miền bắc vào chiến trường tìm anh. Tại sao anh cố tình tránh mặt cô ấy?
- Tôi không có may mắn ấy.
Mảnh dù anh đắp vội, rơi một nửa xuống đất. Tôi vội vàng kéo lên gài quanh người anh. Hơi nóng trong người anh bốc ra hầm hập như lửa. Tôi vội kêu lên thảng thốt "Anh sốt quá". Rồi tôi sờ trán anh. Anh co tròn người. Hình như anh cố ghìm mình mà vẫn run bần bật. Tôi nhìn anh cố nén tiếng nấc, đầu óc như quay cuồng, nhói buốt. Chị Tiếp soi đèn sờ trán anh rồi nghiêm nét mặt bảo:
- Hiền về lục ba lô chị lấy hộp thuốc và dụng cụ sang đây - Rồi chị nói với tôi, giọng đầy lo ngại - Anh ấy sốt cao quá, làm sao bây giờ?
Tôi níu chặt đầu võng anh, nức nở. Người khách cùng lán với anh đã ngồi dậy từ lúc chúng tôi sang. Bằng giọng miền nam anh lên tiếng:
- Tui vừa nhập trạm chiều nay. Nghe nói ảnh đau nằm đây đã một tuần, nhưng đường giao liên đang bị bọn biệt kích bịt, chưa đi được. Lại ngặt nỗi y sĩ cung này vừa hy sinh nên anh ấy sốt mà đành ngó vậy. Mấy chị muốn rõ thì lên trạm hỏi, người ta nắm giấy tờ.
Hiền mang hộp thuốc sang. Chị Tiếp bảo tôi tiêm trợ lực cho anh. Vì tôi, chị sẽ lên gặp trạm trưởng hỏi xem hư thực ra sao.
Qua ánh đèn pin, tôi thấy anh quá mệt. Sắc thái trên khuôn mặt nhợt nhạt. Tôi lóng ngóng cầm bơm tiêm. Hiền vội giằng lấy làm thay. Tôi nắm tay anh bắt mạch. Người anh không sốt nữa. Nhưng mạch đập trầm, ấn sâu tay vẫn không thấy. Có lúc nhịp tim đập rộ lên trong khoảnh khắc và lại lắng xuống đột ngột. Ngoài vài ống kháng sinh để trợ lực ra, tụi tôi không còn thứ thuốc gì khác. Tôi như một người điên, hấp tấp vén tay áo bên tay còn lại của anh và giục Hiền tiêm. Đầu anh nghẹo sang bên. Hiền ấn mũi tiêm vào cánh tay, nhưng thuốc đã không chạy nữa. Mắt anh mở to, bất động như nhìn chằm chằm vào mặt tôi và bên hai khóe mắt ứa ra hai giọt nước. Như một kẻ hoảng loạn, tôi chụp lấy đầu anh gào lên, lay gọi: "Anh ấy. Không, không phải. Anh ấy...". Và tôi ngất xỉu trong nỗi đau giằng xé khắc khoải.
Người ta chôn cất anh như thế nào tôi không được biết. Ba ngày sau, tôi mới tỉnh hẳn. Tôi vẫn bàng hoàng như một giấc mơ không tin đấy là sự thật. Chị Tiếp bảo tôi:
- Chị lên hỏi trạm, người ta nói: theo giấy giới thiệu anh là Lê Văn Phúc - đại úy - Tiểu đoàn trưởng. Chị chạy như bay về báo tin thì anh Phúc đã chết và em thì ngất...
Chị đưa trả tôi lá thư anh viết dở hôm ấy. Lá thư làm cho tôi rụng rời chân tay. Đã hơn hai mươi năm trôi qua mà bây giờ hình ảnh anh, lá thư của anh vẫn như luôn luôn ẩn hiện chập chờn khắc khoải quanh tôi. Cứ nghĩ đến, lòng tôi lại đau quặn thắt, nước mắt tôi lại giàn giụa! Anh viết:
"Em Vân vô cùng yêu quý của anh!
Anh nhận ra em từ lúc em khoác ba lô vào trạm. Anh hồi hộp, sung sướng muốn nhảy bổ ra ôm lấy em mà reo mừng. Nhưng rồi anh quyết định phải tránh mặt em. Trong người còn rất nhiều mảnh đạn, anh sốt nặng quá, yếu quá, không đi được.
Anh biết làm thế nào khác? Hãy tha lỗi cho anh. Dù rằng lúc này anh có sai, xử sự không đúng với em. Gần sáu năm chiến đấu, anh đã dâng hiến một cánh tay, cả thịt xương và máu: Cái đó là lẽ thường của người lính và chẳng mầu mẽ gì với anh, với em. Nhưng Vân ơi, cái mất lớn nhất cho cả anh và em là cái để duy trì nòi giống trên cơ thể anh, để một người vợ được trọn vẹn hạnh phúc đã bị kẻ thù cướp mất. Trong trận đánh quyết tử để dứt điểm quận lỵ Thượng Đức vào đầu tháng 8 vừa rồi, khi anh dẫn các chiến sĩ xông lên dập khẩu đại liên cực nhanh thì một viên đạn... Bây giờ, nếu anh còn sống được và về sống với em thì cũng chỉ là một người thừa. Anh sẽ là kẻ làm tội đời một người con gái như em. Thôi thì phận anh, anh gánh. Em hy sinh vì anh như thế đã quá lớn lao rồi. Cầu mong khi chiến tranh kết thúc, em có được một hạnh phúc... một hạnh phúc bình yên".
Vâng, sau chiến tranh, dẫu đã quá thì con gái nhưng tôi vẫn có một tổ ấm gia đình hạnh phúc. Chồng tôi cũng là một người lính, rất mực yêu vợ, thương con. Trong cuộc sống thường ngày, chồng tôi đều cố sống cho tất cả mọi điều đều tốt đẹp.
Có lẽ anh ấy muốn làm dịu bớt đi phần nào nỗi đau của tôi cái ngày ở núi Azin.