- Này, sao biến đi đâu suốt tuần qua đấy? Có một lão người Việt trong đoàn tua-rít là người quen cũ nhờ mình điện cho cậu suốt tuần qua. Mai lão bay rồi.
- Tối nay lão muốn xem Hà Nội by-night hả? Cám ơn bạn đã kiếm việc cho mình?
- Vô tư đi!... Mà này, lão ấy dạy chúng mình hồi trung học đấy. Tình cờ vớ được mình, lão mừng quá? Đến Quyn hôteo nhá. Hỏi khách phòng 41.
- Rồi! Quyn hôteo. Đoàn tua-rít của Công ty AITC... Lại một cái tên viết tắt. Rõ khỉ. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Trước đây, thời thanh niên của Cẩm, chỉ toàn thấy xưng lên nào là công nhân, bần cố. Còn bây giờ thì đâu cũng thấy nào là Queen, Prince, nào là Hoàng gia, nào là Công ty... ít nhất là trên các biển hàng... May quá, con bạn lắm mối nó lại giới thiệu Cẩm một buổi lấp chỗ trống cho nó trong dịch vụ với đoàn tham quan của một công ty viễn thông siêu quốc gia. Nó còn trẻ, ở đâu cũng dễ được mướn, đâu có như Cẩm.
Ngồi chờ trong phòng tiếp tân của khách sạn, như đóng lại với thế giới bên ngoài. Ngoài kia là cái nóng hầm hập, bã người, bụi, ầm ĩ. Nơi đây là mùi thơm được hãm lại trong phòng có điều hòa nhiệt độ.
- Ma-đam?...
Cẩm giật mình quay lại. Khách đã đứng trước mặt chị.
- Xin lỗi...
Một giọng Bắc lơ lớ Sài Gòn, ấm áp. Nhưng Cẩm vẫn đứng ngây ra trước mặt khách: thế đấy, chính là anh ta? Già đi, đẫy ra, không còn ánh sáng ngời ngời của tuổi trẻ trên gương mặt, nhưng vẫn là Hiệp. Và không cao lớn như trong ký ức của Cẩm. Một con người không có gì đặc biệt. Vẫn mái tóc chải cẩn thận lật ra đằng sau, đường mày nở nang, miệng hơi rộng, dưới đường mày ngang tàng đôi mắt nâu khiến cái nhìn dịu lại. Một con người không có gì đặc biệt, Cẩm đã nghĩ như vậy ngay lần gặp đầu tiên, thời tóc xõa ngang vai. Cố định thần lại, Cẩm lẳng lặng chìa tấm danh thiếp. Vừa liếc nhìn cái tên, khách ngước cặp mắt nâu mở to nhìn lên. Sau lưng anh, sau lớp cửa toàn bằng kính thay thế nửa trên bức tường, Hà Nội đã lên đèn, những biển quảng cáo bắt đầu nhấp nhánh.
Nơi ấy, dọc theo bờ con sông đào, những con đom đóm đã bắt đầu thắp lên ánh sáng trong buổi chiều xanh thẫm. Mặc bộ đồ vải nâu mới, Hiệp đi tìm cái quán có ghi biển "Phở chua". Từ nội thành ra, anh được lệnh phải chờ ở đây một thời gian và tìm chỗ ở như trong thư hướng dẫn. Bờ sông đã vắng ngắt, một cô bé như mọc lên từ bụi cây sát mép nước, tay kéo chiếc quần đen ướt che quá ngực chỉ lộ bờ vai nhô lên đang chạy ngược về phía anh, vừa chạy vừa khóc sướt mướt, mắt đảo nhìn các bụi cây bên bờ sông. Người lạ khiến cô chững lại, cố kéo cạp quần lên cao hơn nữa, tay quệt nước mắt, nhưng từ mái tóc ướt nước vẫn chảy ròng ròng. Nó chỉ là một cô bé choai choai, anh lại đang bí nên cứ giữ nó lại: "Quán Phở chua ở đâu em?" Cô lúc lắc đầu, ra hiệu chạy theo mình. Tới quán, anh mới đoán ra là cô đi tắm với các bạn, bọn bạn đã giấu hết quần áo. Từ sau lần vải ướt của chiếc quần đen, hai núm vú nhô lên như hai chũm cau. Điều đó, sau này, Hiệp mới nhớ lại . Lúc ấy anh chỉ thấy đôi vai gầy của cô gái đang nổi da gà, bởi trời rét đậm.
Trong khi chờ ra đi, anh đã dạy ở cái trường tản cư ấy bao lâu? Làng trồng cam giấy, những mảnh vườn thời ấy còn rất rộng và hào phóng, giữa màu xanh lục trái cam giấy màu xanh vàng chuyển sang đỏ ối. Có lẽ anh đã ở đó qua một mùa cam. Quán "Phở chua" ở ngay sát khu vườn ký túc xá nữ sinh. Phần đông là dân tản cư, các cô xinh như mộng. Sáng sớm, các cô chạy vòng tròn quanh sân rộng, tập thể dục. Hôm đó, họ vừa chạy vừa nhìn mặt nhau, cô nào cũng phá lên cười rũ rượi. Cuối cùng, họ mới phát hiện ra là tất cả đã bị vẽ râu lên mặt. Râu được bôi bằng một thứ nhọ "đặc sản" của địa phương, rất khó chùi. Tối hôm qua họ đã ăn cam giấy thoải mái bên ngọn đèn dầu. Vỏ cam ấy hơ lên đèn sinh ra một lớp muội, bóp vỏ cho dầu ứa ra quện vào muội quệt lên mép, rửa hàng tiếng không sạch mà xà phòng bấy giờ thuộc loại xa xỉ phẩm. Hôm qua con Cẩm thức khuya nhất để gạo bài thầy Hiệp, đến giờ vẫn chưa thấy ra sân. Rõ ràng nó đã lợi dụng cơ hội để trả thù vụ bị giấu quần áo hồi nọ. Một cô cố nín cười tay lăm lăm miếng vỏ cam đen bóng nhẫy, quay vào trong nhà quả nhiên thấy Cẩm đang lăn ra ngủ.
Sau đó, Cẩm đi muộn một mình tới lớp, đã quá giờ, cả lớp ngồi im phăng phắc. Vùng kháng chiến chống Pháp, học sinh vẫn gọi thầy cô giáo trẻ bằng anh, chị. Hiệp nổi tiếng là mặt lạnh như tiền, tất cả nữ sinh đều mê thầy, kể cả hoa khôi của trường, vì thầy trẻ, thầy dạy hay, với lại điều quan trọng nhất là thầy không hề nhìn một nữ sinh nào thế mới chết chứ? Nghe đâu thầy đã có vợ, vợ ở "trong thành" (bấy giờ có nghĩa là bỏ vùng kháng chiến, vào Hà Nội). Lần này thì dứt khoát thầy Hiệp phải nhìn thấy cái mặt mình ? Cẩm điềm nhiên tiến đến bàn thầy, xin phép vào lớp, thầy cau mặt nhìn lên, bỗng phá lên cười như điên. Chưa ai từng được thấy thầy cười như vậy, thường cùng lắm chỉ nhếch mép. Cẩm nghệt mặt quay về phía các bạn, cả lớp lại cũng tự nhiên cười phá ra, một trận cười rung cả mái đình.
Sau vụ quệt râu ấy, bọn con gái cám ơn Cẩm vì đã khiến chúng được thấy thầy cười. Đối với Cẩm, vậy là cả hai lần giáp mặt đều không thành công, cô không còn dám gắng làm cho Hiệp để ý tới một lần nào nữa. Thuộc loại bé nhất lớp, Cẩm học không giỏi, mà lại chẳng phải loại xinh đẹp trong đám nữ sinh. Hoa khôi của lớp thầy còn chả nhìn nữa là? Vả lại, để làm gì? Anh ấy đã có vợ rồi, ở lớp Cẩm ngồi ngước mắt nhìn thầy, chữ nghĩa lọt vào đâu không biết.
Cuộc kháng chiến sắp kết thúc, nhưng những người ở ngôi trường của làng cam đỏ ối ấy không ai biết. Họ đang mải lao vào một đợt "cải tạo học tập". Có nghĩa là không phải đi học, hàng ngày tụ tập nhau ở bìa rừng, tự kiểm điểm. Không có lỗi tức là không "thành khẩn". Tiếng khóc, tiếng hô khẩu hiệu râm ran dưới các gốc cây. Cẩm cũng phải nghĩ ra một tội. Tội là: cô yêu thày Hiệp. Trời ơi, trò yêu thày! Mà thầy thì lại đã có vợ rồi chứ, sao lại có thể như thế. Cô bị mang ra "kiểm điểm điển hình". Bí thư Đoàn hô to: "Lãng mạn là tự sát!" Tất cả đều hô theo hai chữ cuối . "Tự sát! Tự sát!".
Hiệp đi qua con đường ven rừng khi những tiếng hô "tự sát" vang lên mà không hiểu ra làm sao. Đêm nay, anh phải ra đi. Anh chờ cho đám học sinh tản về các nhà. May quá, không hiểu sao Cẩm lại ra về có một mình. Cô nhìn thấy anh từ lớp sương mù ven sông bước tới, như trong một giấc mơ. Anh lẳng lặng đặt vào bàn tay nóng hổi của cô gái một cuốn sổ. Không thể cưỡng lại sức hút của cái nhìn, cô ngả vào hai cánh tay anh, lần đầu tiên cảm thấy vừa yếu đuối vừa mãnh liệt, bất chấp tất cả, người cô căng ra sẵn sàng đi đến tận cùng của những cảm giác mới thức dậy ở người thiếu nữ. Cặp môi nóng hổi lắp bắp điều gì không rõ. Hiệp gần như rứt ra khỏi vòng tay cô gái. Bên dòng Nông Giang, ánh trăng lạnh buốt, tinh khiết. Đom đóm lập lòe, xa xa, những cây đèn chai của đám người đi học lớp đêm đang tiến lại gần.
Về nhà, khi các bạn đã ngủ yên, Cẩm rút cuốn sổ dưới gối ra. Chỉ là những bài hát chép tay. Không một dòng chữ yêu đương. Nhưng Cẩm chỉ muốn thức các bạn dậy, hét vào tai chúng nó: "Anh ấy chỉ nhìn thấy một mình tao! Tao có một bí mật ghê gớm!" Bí mật gì? Rút cục chỉ là mấy bài hát... Thời ấy, những bài hát Liên Xô đang thịnh hành. "Trong đêm tối, kìa đom đóm bay về đâu..." Hiệp đã ra đi, mà cũng không nói cho Cẩm biết anh đi đâu. Chỉ mấy tháng sau, hòa bình lập lại...
Người ta nói rằng Hiệp trở về Hà Nội với vợ. Nhưng Cẩm biết anh ấy chưa có vợ. Không một lời hứa hẹn. Cái nhìn cuối cùng, những cảm giác đêm ấy đã nuôi sống cảm giác và trái tim Cẩm trong nhiều năm, nhất là cái năm tai họa sau đó.
Bởi lẽ không hiểu sao, trong hai năm cuối chiến tranh khi tản cư về quê, bố mẹ Cẩm đã kịp lãnh lấy phần ruộng hương hỏa quê nhà. Tất nhiên họ không thể cày cấy và đã kịp trở thành địa chủ. Trong những đêm đèn măng sông thắp sáng trưng tại đấu trường, có lúc trong giây lát, Cẩm lén lút nhắm mắt, tưởng tượng lại cái giờ phút ấy bên dòng sông để quên đi nỗi sợ hãi. Lúc đón đứa cháu đỏ hỏn như con chuột đang khát sữa từ tay người chị, Cẩm cũng mường tượng lại giây phút ấy, để đỡ đau đớn khi thấy chị rên rỉ, run lên vì lạnh.
Tất cả đã qua đi, thời gian đã hàn gắn lại, gia đình Cẩm đã qua cơn hoạn nạn. Nhưng khi Cẩm có thể trở về Hà Nội tìm tới địa chỉ của Hiệp, thì người ta nói khách trọ đã ra đi. Từ chiếc loa trên cột đèn, giọng hát mang âm sắc Nam Bộ nũng nịu của nữ ca sĩ Khánh Vân- bấy giờ chưa bị điên- đang lan tỏa mãnh liệt: "...Diệt hết chiến tranh tàn phá- Vượt qua bao nhiêu giông tố và thương đau..."
Cuộc chiến tranh thứ hai tới khi Cẩm đã trở thành nữ y tá. Không một nhịp sống nào đơn điệu hơn thế. Cho đến một đêm, Cẩm trực ở phòng một thương binh băng kín cả hai mắt. Anh phải nằm bất động thêm một ngày, sáng mai mới cắt chỉ. Đèn thời chiến tù mù, Cẩm không nhìn rõ mặt. Chắc là loại bệnh nhân đặc biệt, anh được ở một mình một phòng. Nghe anh nói, Cẩm giật mình, nhưng khi xem biển ghi tên bệnh nhân, một cái tên lạ hoắc. Giữa đêm, máy bay địch tới bắn phá bên sông. Sau khi cáng bệnh nhân ra cái hầm lộ thiên chật chội vì anh không thể xuống hố cá nhân, Cẩm ngồi áp sát người thương binh. Trong một phút đèn dù, ánh thăng thiên của tên lửa cùng rực sáng, Cẩm bàng hoàng nhìn mặt người thương binh, rồi kêu lên: "Anh Hiệp!"... Đêm đó đối với họ là một đêm trắng.
Suốt đêm họ có đủ lý do để không trở về phòng bệnh. Chốc chốc, bầu trời lại lóe lên những ánh xanh lằng nhằng, những đường tên lửa đỏ rực. Mùi cỏ mọc trên mái hầm nổi đắp bằng đất thịt thơm ngai ngái. Những chiếc lá cây bạch đàn bị chà xát dưới cơ thể nóng hổi tỏa hương. Ven sông, một người đánh dậm bất chấp bom tọa độ vẫn ung dung ngâm mình dưới nước. Hẳn chàng đánh dậm phải tranh thủ vì đêm nay nhiều tôm cá đi ăn mồi. Đêm hôm ấy Cẩm chỉ muốn tháo dải băng mắt ra để được cảm nhận cái nhìn âu yếm của Hiệp.
Đó là năm Mỹ bắt đầu đánh phá miền bắc. Mười năm trôi qua kể từ ngày xa nhau lần thứ nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng Cẩm không thể quên giọng nói trầm trầm và ấm áp của Hiệp. Trong tiếng Bắc, đã pha đôi chút âm sắc giọng nam, anh nói rằng chuyến này anh sẽ đi học xa, rất xa. Chuyện đã đến nước này, anh và Cẩm sẽ đành xin cưới trước khi đi. Đêm ấy, Cẩm quên rằng mình đã có một người chồng chưa cưới rồi, còn Hiệp thì không biết chuyện đó. Chiều hôm sau, không rõ vì lẽ gì, người ta chuyển người thương binh đi ngay. Mãi tới lúc xe chuyển bánh, Cẩm mới rời được phòng mổ hấp tấp chạy ra. Cẩm chỉ muốn được thấy cái nhìn của Hiệp. Ghé sát người thương binh, Cẩm cảm nhận cái nhìn ve vuốt trong đôi mắt nâu và tiếng thì thầm nóng bỏng bên má: "Thế là anh đã được nhìn rõ em trước khi đi".
Rất lâu sau đó, vào những đêm Cẩm có thể có những giây phút cho riêng mình, chị ngồi nhìn cái hầm nổi lợp tre pheo đỡ hai mái đất cỏ phủ kín, giống như một túp lều con, mái màu xanh lá cây. Đó là "phòng hạnh phúc" của bệnh viện đặc biệt dành cho mình và anh ấy. Bệnh viện cũng có "phòng hạnh phúc" ở khu nhà khách, nhưng họ đã chẳng cần phải tới đó. Cái hầm nổi mái xanh lục in trên nền dòng sông nước khi trong vắt, khi đỏ ngầu.
Số phận hình như thích lặp lại một số ngẫu nhiên. Lần này, cơ quan Cẩm cũng qua một đợt chỉnh huấn. Nhưng Cẩm đâu còn có thể xưng tội một cách đơn giản như lần trước. Trong một ngày, ý nghĩ của Cẩm cứ phút chốc lại thay đổi: lúc thì lo nếu nhỡ có con thì sao, lúc thì lại ước ao mãnh liệt việc đó xảy ra.
Nhưng có một người mà Cẩm quyết định phải "thành khẩn". Đó là người chồng sắp cưới của Cẩm. Bối rối, Cẩm thú nhận rằng mình đã chung sống với một người, trước khi gặp anh. Anh ta tái mặt, lặng đi một lát rồi gầm lên: "Với thằng nào? Thằng chủ nhiệm khoa hay thằng hộ lý? Trực đêm với nhau hả?" Câu hỏi lặp đi lặp lại là: "Thằng nào?". Sợ hãi, Cẩm đâm ra rối trí. Nhưng rồi chị cũng tìm ra câu trả lời. Đó là một anh lái xe đường trường, nay đã đi Lào.
Bệnh viện chuyển trở về Hà Nội, Cẩm đành mất việc, chị không thể sống cùng cơ quan với cái kẻ nay gần như căm hờn chị. Cẩm còn ở lại cái làng đó rất lâu. Một lần, có người ở cơ quan cũ mang tới một lá thư gửi cho Cẩm theo địa chỉ quân bưu của bệnh viện. Thư gửi trước đó đã mấy năm trời. Hiệp nói anh được ra đi trên máy bay của "Ông anh Hai"- bấy giờ là Trung Quốc. Chuyến bay có các cô chiêu đãi viên trước giờ cất cánh cầm cuốn sổ đỏ giơ lên, đồng thanh đọc Mao - tuyển như đọc kinh. Rằng anh sẽ đi qua Phnom Pênh, ra chợ ai cũng chào anh là ông chủ, mời mua hàng. Người cầm thư là một người mà thời ấy lý lịch thường được chú thêm một mục: "Cán bộ miền Nam". Đi đâu, anh ta cũng đeo theo một cái radio Orion xách tay cực nhỏ, như một dấu hiệu của sự cô đơn. Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân, cái radio lầm rầm nói chuyện với anh mỗi khi không có ai nói chuyện. Anh cán bộ miền Nam không đòi hỏi nhiều, không lục vấn Cẩm về chuyện đã qua, như một vài anh chàng đã toan "tìm hiểu" chị.
Trên dòng sông, thời gian vẫn dệt hai mầu xanh lơ và đỏ phù sa tùy theo mùa nước. Chỉ có người đánh dậm năm xưa bên bờ sông không còn thấy nữa. Đêm tháng Năm năm 75, phía Hà Nội rực sáng ánh pháo bông. Anh cán bộ miền Nam trở về thăm chị, nói rằng đã tìm được việc cho chị ở Hà Nội. Nhưng hòa bình đã nhóm lên một tia hy vọng, dù chị đã ở tuổi "băm"... mà không còn phải là "hăm"... nữa. Một ngày nào đó, chị cầm một mảnh báo gói hàng, vô tình lướt mắt trên mục nhắn tin: "Con tên là Anastasia Policelle, tìm mẹ là Nguyễn Thị Cúc, trước 1958 ở Phú Nhuận, Sài Gòn... Chồng tên là Nguyễn Công Hiệp Paul, tìm vợ tên là Trần Tú Cẩm, năm 1964 là nữ y tá ở bệnh viện..." Hiệp Paul? Chị biết rõ vì sao tên anh phải kèm theo chữ đó. May mà mẩu báo vẫn còn dòng chữ ghi ngày tháng. Một lát, Cẩm mới hiểu ra đó là ngày hôm nay, nhưng của hai năm trước, năm 1978. Cẩm vẫn tìm đến địa chỉ trong mục nhắn tin. Ngôi nhà của người bà con Hiệp ở Sài Gòn đã bán cho người khách chủ cũ đã di tản. Cẩm nhận lời lấy anh cán bộ miền Nam, cái đài Orion bấy giờ mới chịu rời khỏi vai anh.
Cô chiêu đãi viên của khách sạn cố thắng cơn ngáp vặt, bật ti vi. Quảng cáo đã phát đến mục: "Anh ấy là ai? Anh ấy là con người văn minh - Anh ấy dùng bao cao su OK"...
Đoàn xe xích lô do Cẩm điều đến đang chờ trước cửa, khách ở các phòng đã lục tục kéo xuống. Cẩm phải ra cửa, mấy người khách đang ra hiệu xì xồ với mấy tay xích lô. Khách muốn đạp xích lô. Một đoàn vui vẻ hò hét rối rít nhảy lên yên, các bác xích lô nhe răng cười, ngồi lên ghế. Còn một chú thanh niên mặc bộ đồ ka-ki vẫn chờ Hiệp. Hiệp ra hiệu gọi thêm một xe nữa.
Hiệp lấy trong ví ra tấm ảnh của vợ và con gái. Anh không dám đặt câu hỏi mà ban đầu anh muốn hỏi: Cẩm có hạnh phúc không? Chữ đó quá to tát, anh có cảm giác nếu nói lên, nghe sẽ rất lạ tai. Còn Cẩm lại đang nghĩ: hẳn người đàn bà trong ảnh kia biết thế nào là hạnh phúc.
- Năm năm nữa, xong việc, anh sẽ về. Anh cũng đến lúc nghỉ rồi.
- Năm năm nữa? Năm hai nghìn...
- ừ, sao mà nghe xa thế. Năm hai nghìn.
- Nơi ấy có còn cam giấy không?
Cẩm hiểu ngay là Hiệp muốn nói đến nơi nào. Như những người già, họ lần ngược lên nơi xa xăm nhất của ký ức.
- Không ạ. Thứ đó ít năng suất.
- Thế còn nhiều đom đóm không?
- Cũng không còn... Có lẽ vì thuốc trừ sâu. Toàn nhà mái bằng ven sông.
Xe dừng trước cửa ngôi nhà của Cẩm, ngôi nhà thụt sâu trong ngõ, họ dừng lại giây lát. Anh chìa bàn tay, những móng tay cắt vuông vức, quen thuộc, nóng hổi. Anh liếc nhanh về phía khung cửa sổ. Sau lần kính, chỉ thấy khung ánh sáng ấm áp tỏa ra từ cây đèn bàn của một ngôi nhà đóng kín lại đối với Hiệp.