hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1064.htm

Đặng Ái

Huyền thoại dốc ba cây sến (Phần cuối)

Ngày...

Dạo này tôi ít có dịp gặp em. Chẳng phải vì em hoặc tôi bận quá, mà vì em e dè lo sợ. Tôi cũng không phải là kẻ nhiều can đảm để vượt qua một hàng rào vô hình nào đó. Tôi lười viết nhật ký. Cuộc sống phẳng lặng bình thường cũng chẳng biết viết gì. Chẳng lẽ ngày nào cũng viết nhớ và mong em!... Tuy nhiên con đường cứ mỗi ngày một dài rộng ra...

Ngày...

Ban chỉ huy đội quyết định làm một cuộc liên hoan rôm rả nhân sơ kết sáu tháng đầu năm. Mấy cô gái đi đào măng, hái rau tàu bay, chuẩn bị cho bữa nấu. Các cô  đi từ sáng tinh mơ. Nhưng chả lẽ liên hoan toàn rau. Ông Lan quyết định cho chú vện cái vinh dự làm vật hiến tế. Ngày tôi mới đến chú ta chỉ bằng con chồn, bây giờ đã lớn phổng, nặng gần chục ký. Anh Rộc lừa chú ta vào trong nhà, ném cho một nắm cơm nguội, rồi trong khi mải mê ăn, không ngờ vực gì, anh bổ nhào từ trên giường xuống, chẹn ngay lấy cổ nó bằng đôi tay rắn như sắt. Con vật lè lưỡi ra, thở ằng ặc. Chân nó quài tung tóe, đuôi quất tít mù, vãi cả phân ra. Nhưng vô hiệu. Một người nữa giúp anh Rộc trói gô nó lại, quẳng ra giữa sân bếp.

Nó nằm đó, quằn quại, rên ư ử... Anh Rộc mài dao, liếc cho mũi sắc như nước, dư dứ trước mũi con vện:

- Chú mày thông cảm nhá! Ai cũng có công đóng góp cho con đường, lẽ nào chú mày lại không, khó coi lắm. Thôi, tao sẽ hóa kiếp cho chú mày, lần sau đừng làm kiếp chó nữa!

Mắt con vện vằn lên những tia giận dữ. Nó hiểu cái gì sẽ đến nên nó càng rên, càng vật mình dữ dội. Sợ nó vật mình nhiều tuột dây trói, anh Rộc treo ngược nó lên ngay cái cọc giữa sân. Tí nữa cứ thế mà chọc tiết cũng tiện.

Khoảng tám giờ, Don và các cô gái hái rau về ném bịch những củ măng, những bó rau tàu bay xuống sân. Don vuốt mồ hôi nhoẻn cười:

- Măng non lắm các anh ạ!

Chợt nhìn thấy con vện bị treo, cô rú lên:

- Trời ơi, các anh sao lại...

Anh Rộc bảo:

- Cô sợ hả? Sợ thì đừng ăn nhá! Sống trên đời miếng dồi...

- Thôi đi! Các anh bắt đôi gà kia kìa!

- ối dà! Đôi gà của cô, để làm món phụ! Hàng đống người mà...

- Thì sang bản Lào mua...

- Vẽ chuyện! Cứ mộc tồn là đắc sách!

Dường như nghe thấu câu chuyện, con vện ngước nhìn Don, mắt nó long lanh đầy nước, vẻ cầu khẩn. Don không đành lòng nhìn con vật, cô quay đi. Nhưng con vật lại rên ư ử. Tiếng rên của nó như đầy trách móc...

Thế rồi vào lúc bất ngờ nhất, tự dưng con vện sủa hộc lên và lao vút vào rừng. Bên cạnh cây cột treo nó, Don cầm một con dao bài đứng ngây người: cô đã cắt dây trói con chó. Mọi người cụt hứng. Nước đã bắc rồi, dao đã mài rồi, nhất là đã dọn miếng rồi... Anh Rộc là người cáu nhất:

- Mày điên à, con kia!

Don không trả lời, cô lẳng lặng vào bếp gọt măng. Để không khí khỏi căng thẳng và để mọi người khỏi rầy la Don, cũng để có cái ăn, tôi nói:

- Con Vện khôn thế, ăn thịt phí lắm. Nên để nó trông nhà. Để tôi sang bản Lào xem có thịt lợn hoặc gà kiếm một tí!

Không còn cách nào khác, mọi người đành để tôi đi.

Mãi đến bốn giờ chiều tôi mới về, mang theo một tảng thịt. Mọi người đã đói mờ cả mắt, nhưng cuối cùng, đến tối vẫn có thể nâng cốc vui vẻ, thậm chí đội văn nghệ còn biểu diễn phục vụ!

ngày...

Chúng tôi được lệnh chuẩn bị về K.42 dự sơ kết toàn công trường. Trong mấy ngày liền, tôi phải làm báo cáo cho đội. Mọi lần ông Lan rất khốn khổ vì chuyện này. Ông trình độ văn hóa thấp, chữ lại nguều ngoào. Vì thế lần này ông bồi dưỡng tôi đến nơi đến chốn. Bữa nào tôi cũng hơn mọi người mấy miếng bầu lào xào bằng hai ngón tay. Hôm nay chúng tôi lại tóm được một con chuột. Không có lá chanh, Don vào rừng hai lá bưởi dại ướp thịt. Được con chuột này phải nói là công con vện. Nó được phần thưởng rất xứng đáng, cả cái thủ và cái đuôi. Sau hôm thoát chết vọt vào rừng, ai cũng tưởng là nó không về nữa. Nhưng hình như nó không quen sống lang thang ngoài rừng với bầy thú hoang, nên nó lại mò về. Song nó chỉ thập thò xa xa, hễ thấy bóng người là ngoắt đuôi chạy. Nó gầy rộc đi, lông lá bờm xờm, rách nát. Don mang cơm đi tìm con vện, hú gọi khắp nơi. Lạ thay con chó không sợ Don, thấy cô thậm chí nó còn vẫy đuôi. Nó ăn cơm nhưng không chịu về. Tôi nói với Don: "Chó là con vật thông minh, biết tiếng người. Don gặp nó hãy nói với nó những lời âu yếm, hứa với nó là không cho phép ai ăn thịt nó hoặc đối xử tồi tệ với nó, nhất định nó sẽ về!". Tôi nói vậy thôi chứ không chắc. Nhưng con vện về thật. Nó len lén theo sau chân Don, nhìn trộm mọi người rồi lẩn vào chỗ nó ở xó bếp. Sau đó thì mọi chuyện trở lại bình thường, chỉ có điều nó không chơi với anh Rộc. Thấy anh là nó ngoắt đi. Đúng thôi, làm sao lại có thể thân thiện với kẻ đã mài dao định chọc tiết mình. Nó thân nhất Don. Trong tầm hồn nó - cứ tạm gọi như thế - Don là vị ân nhân của nó, không bao giờ nó quên được.

Ông Lan và tôi về dự sơ kết. Nhân dịp này Don cũng về thanh toán và xin thêm thực phẩm. Ngày mai chúng tôi đi. Đội văn nghệ sẽ đi sau...

Ngày....

Năm giờ sáng chúng tôi đã lên đường, ngôi sao mai còn le lói đầu núi. Tôi và ông Lan mỗi người một gậy chống, một gói ni lông gói vài cái quần áo, đồ dùng lặt vặt, buộc sau lưng và một nắm cơm độn sắn. Don không dùng gậy. Đêm qua cô đã thức nắm cơm cho cả đoàn.

Chúng tôi đi được dăm cây số thì sương mù ào xuống, lạnh và bịt bùng. Cứ hết đợt này đến đợt sương khác mỗi lúc càng dày hơn. Mặt đường chìm trong hư ảo. Chúng tôi như những người có phép cưỡi mây, di động trong một màn sương trắng mênh mông.

Ông Lan đi rất nhanh, những bước sải dài của người quen băng rừng vượt núi. Lúc đầu, tôi và Don cố gắng bước theo ông. Nhưng rồi chúng tôi cứ dần dần tụt lại sau, chốc chốc lại phải chạy dấn lên. Thấy đi như vậy cũng mệt, hơn nữa chẳng mấy khi có dịp thuận tiện thế này, tôi bảo Don:

- Ta đi chầm chậm thôi Don ạ! Thế nào chiều chả đến nơi!

Từ chỗ chúng tôi đến K.42 vừa tròn ba mươi cây số, đi nhanh thì hai phần ngày mà thủng thẳng thì một ngày là thường. Chúng tôi chậm bước lại, vừa đi vừa thủng thẳng chuyện trò. Đôi lần tôi muốn nghỉ chân, nhưng Don bảo cứ dấn lên, đến cổng trời nghỉ thích hơn. Vả lại có thể gặp ông Lan ở đấy.

Khi chúng tôi đến cổng trời, sương mù đã tan, vài tia nắng hiếm  hoi xuyên qua làn mây xám bạc, hắt xuống nền đường. ở đây năm thì mười họa mới có một tia nắng, còn quanh năm âm u, lúc nào cũng như chạng rạng chiều tà. Mặt đường vắng tanh, chẳng thấy ông Lan đâu. Tôi đưa tay lên miệng làm loa gọi chỉ thấy tiếng vọng vang vang.

- Chắc là bác Lan nghỉ ở chỗ ba cây sến anh ạ! Ta xuống dốc đi, đến đấy nghỉ thì thích hơn. Lần nào em cũng nghỉ ở đấy!

- Em bảo anh tới cổng trời kia mà!

Don cười:

- Dấn lên một tí anh! Xuống dốc mà, nhanh thôi!

Năm cây số, chúng tôi đi như được lắp động cơ, chẳng mấy chốc đã đến ba cây sến. Tôi nằm xoài ngay ra dưới gốc cây. Hơi ẩm và gió mát rượi khiến tôi muốn lăn mình mấy vòng trên cỏ để tận hưởng những êm dịu trong sạch của thiên nhiên. Có lẽ đời tôi chưa bao giờ được bâng khuâng rạo rực và thanh thảnh như lúc này. Tự dưng tôi cất tiếng hát lên, một bài hát của tuổi thơ.

Lúc ấy, Don đã đứng dưới lòng suối, đang rửa mặt, cô hỏi vọng lên:

- Anh Thành hát hay quá nhỉ! Bài hát gì mà ngộ thế?

- Bài hát tặng người đẹp trong rừng!

Tôi nói to và chợt nhìn thấy một đôi chân trần trắng nuột nà dầm trong lòng suối. Don đang đứng quay lưng lại phía tôi, em vợt nước chải mái tóc dài. Đầu hơi ngửa ra phía sau, làn tóc buông thõng sau lưng, đôi tay giương cao, rẽ tóc sau gáy.

- Anh Thành hát nữa đi!

Không quay lại, em nói. Tôi không trả lời. Em nhắc một lần nữa. Tôi vẫn không trả lời. Tôi muốn lặng yên ngắm em. Bỗng thấy yêu thương ghìm lòng không nổi. Tôi nhổm dậy lững thững đi xuống suối. Gió bay bay những sợi tóc mai của em. tôi muốn ôm lấy mái đầu thẫm nước ấy, muốn áp cái đầu nóng rực của tôi vào lồng ngực phập phồng của em, muốn cùng em vẫy vùng giữa lòng suối.

- Don!

Tôi gọi thật to, tiếng tôi vang vang truyền trên các đỉnh núi. Em quay lại, cười, cái cười sáng bừng cả khuôn mặt. Tôi thấy mọi ưu tư âu lo của em đã biến đâu hết, chỉ còn lại sự hồn nhiên, ríu rít.

- Anh! Xuống đây, nhanh lên!

Tôi như lăn xuống dốc, và em té nước lên, nước bắn vào đầu vào ngực tôi trong chuỗi cười như nắc nẻ của em.

Tôi nắm lấy tay tinh nghịch và không hiểu sao, mái đầu em đã gục trên vai tôi!... Chợt như có tiếng vó ngựa lọc cọc. Những chú ngựa thồ bé choắt hiện ra từ trong một ngách núi, trên lưng chúng chất đầy hàng. Theo sau bầy ngựa là mấy người Mẹo, cả đàn ông và đàn bà, chân bước phăm phăm.

- Bà con xuống chợ à? - Don nhìn họ hỏi.

Mấy người đàn ông gât gật đầu mỉm cười. Ném bọc quần áo và gói cơm lên lưng ngựa, chúng tôi theo những người Mẹo tốt bụng ấy lội qua suối...

Tôi muốn kể câu chuyện đau lòng, nhưng mệt quá rồi, xin để đến mai, vả lại bây giờ lòng tôi cũng đang bối rối...

ngày...

Câu chuyện kinh khủng ấy xảy ra thật bất ngờ, ngay trước mặt tôi.

Hôm qua chừng bốn năm giờ chiều chúng tôi đến gần cổng ban chỉ huy công trường. Những người Mẹo đã chia tay chúng tôi, rẽ qua bản Táo. Chỉ còn tôi và Don. Chúng tôi cố tình đi chậm lại một chút. Chẳng cần vội vã, chúng tôi mải mê chuyện trò. Đã thấp thoáng mái nhà tranh của ban chỉ huy trước mặt, nếu gọi to chắc trong ấy cũng nghe.

Bỗng dưng chúng tôi thấy một người ngồi ngay bên dệ đường. Người đó ngồi thừ đã lâu và như chờ đợi gì. Thấy chúng tôi đến, người đó đứng phắt dậy, từ cổ họng hộc ra mấy tiếng xé tai:

- Đồ... con... đĩ...!

Don co rúm người lại. Lập tức tôi hiểu người đó là ai. Đó là một thanh niên vậm vạp, quần áo xộc xệch bẩn thỉu. Sau mấy cái cúc áo không cài, vồng lên một bộ ngực lực sĩ. Bắp tay hắn ta cũng cuồn cuộn những thớ thịt. Nhưng đáng sợ là khuôn mặt, một khuôn mặt to, tăm tối, đôi mày rậm nằm ngang gần như che kín đôi mắt.

Hắn ta lao như chớp đến bên Don, tóm lấy tay cô và... bốp, bốp, bốp... Những cái tát nặng nề giáng xuống mái tóc Don xõa tung ra, cô gần như lăn quay trên mặt đất.

- Đồ con đĩ! Con khốn nạn! Bố mày đây!

Vừa đánh, hắn vừa gầm rít, cứ ba tiếng một, không hơn. Bụi bốc mù dưới chân hắn, trùm lên người Don.

Tôi đứng ngây ra, run bắn cả người. Có lẽ đến mấy phút, tôi cứ trố mắt nhìn, không biết nên hành động ra sao. Sau mới nghĩ xông vào, có lẽ thằng kia khỏe hơn tôi, nhưng tôi phải xông vào. Nhưng một ý nghĩ khác lại tới: dù sao cũng là vợ nó, mình xông vào sẽ ra sao?

Bây giờ tôi mới biết mình chẳng qua cũng là một hằng hèn, chẳng phải là một trang anh hùng.

- Đồ con đĩ! Kiện ông hả! Kiện đi này!

Đòn thù cứ giáng xuống tới tấp. Lúc này trông hắn càng hung dữ. Hắn chỉ có hình hài của con người, còn tâm địa hắn dã thú... Hình như bị đòn quá bất ngờ, Don như mê đi, mãi lúc này mới kêu lên được, tiếng kêu xé lòng:

- Anh Thành ơi, cứu em với...!

- Tao cứu đây, tao cứu đây...! - Thằng kia đá thốc vào sườn cô gái, mồm vẫn cứ rít lên.

- Ôi, anh ơi...!

Tự nhiên những ý nghĩa của tôi biến mất. ở trong tôi chỉ còn sức mạnh thuần túy của một sự đau đớn thể xác. Tôi xông vào gạt hắn ra, gạt mạnh đến nỗi hắn mất đà ngã xuống dệ đường. Rồi tôi quay sang đỡ Don lên. Bây giờ tôi phải nằm đây ân hận vì việc đó. Nhẽ ra tôi không nên đỡ Don vội mà phải tranh thủ cho thằng kia vài đòn để hắn không có thể chồm lên hạ tôi trong lúc tôi đang cúi xuống ôm lấy em.

Tôi không hiểu sự việc đã xảy ra như thế nào, chỉ cảm thấy một cú đánh nặng nề và tôi gục vào lòng Don...

Tôi nghe lao xao có tiếng người, tiếng quát tháo. Rồi ai đó nâng tôi lên. Tôi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong trạm xá của công trường. Cổ tôi đau, không quay được. Cồm cộm một cục băng trắng. Đã khuya. Ngọn đèn trên đầu giường leo lét. Bàn tay êm dịu nào đang nắm tay tôi...

Tôi tỉnh dậy, Don nấc lên:

- Anh Thành! Vì em mà anh khổ...

Tôi chạm vào tay Don, và cảm thấy những ngón tay ấm nóng tin cậy yêu thương của em siết chặt mãi vào tay tôi...

Thằng chồng Don đã đến đây từ mấy hôm trước. Nó bị chính quyền gọi vì tội đào ngũ, lại cũng bị chất vấn luôn vì chuyện lá đơn xin ly dị của Don. Vì thế hắn cho là Don đã tố cáo hắn. Hắn đã đánh đường lên đây. Biết Don sắp tới, hắn ngồi phục...

ngày...

Thằng khốn kiếp đã làm tôi phải nằm bẹp gần mười ngày. Chỗ rách trên cổ đã lành, nhưng để lại một vết sẹo dài không bao giờ mất. Họp sơ kết đã xong từ lâu. Don cũng đã về cách đây mấy hôm. Em muốn ở lại chăm sóc tôi nhưng công việc không cho phép. Tôi cũng muốn về, nhưng còn yếu chưa đi bộ được. Ông Láng bảo tôi chờ có chuyến xe chở thực phẩm tiếp tế sẽ về luôn. Nằm một mình không làm việc gì buồn kinh khủng. Báo chí chẳng có, cái đài bán dẫn của ông Láng thì ậm ạch. "Thủ đô" của chúng tôi chỉ khác các đội là có một trạm bưu điện. Ngày ngày họ đánh các tín hiệu "moócxơ" và năm thì mười họa mới có một chuyến thư. Nghe nói dưới Hồi Xuân cá thần nổi lên chỗ sông Luồng đổ vào sông Mã. Nhiều người lo lắng. Chả hiểu thực hư thế nào bởi quan trắc thủy văn khí tượng dự báo không có gì đặc biệt trong mùa mưa tới.

Ngày...

Lại về K.72. Chiếc Zin ba cầu chở tôi lên, ném xuống mấy tạ gạo, rau, muối. Mọi người ra đón tôi như đón người thân lâu ngày đi xa về. Ông Lan bảo tôi hãy nghỉ ngơi, chưa cần làm việc vội. Dạo này công việc nhiều nhưng cũng không cần đến tôi lắm, tự anh em công nhân cũng giải quyết được.

Ngày...

Don thường cùng những chị em khác lên rừng kiếm củi. Để chuẩn bị cho mùa mưa cần phải có thật nhiều củi đun. Đống củi đã cao chất ngất giữa sân. Những nương sắn cũng được huy động dỡ lên. Nếu không dỡ, chỉ vài ngày mưa là thối hết.

Từ ngày xảy ra chuyện ở K.42, tôi và Don ít gặp nhau, hình như cả hai đều ngượng ngùng.

Nhưng chiều nay tôi bỗng tha thiết muốn gặp Don. Tôi quyết định phải thổ lộ với Don điều hệ trọng. Thật ra không nói Don cũng biết. Song vẫn cứ phải nói. Tôi đi qua cửa phòng Don rồi lững thững theo đường mòn lên núi. Muốn nói với Don một câu nhưng lại sợ Mận biết. Cô bé sẽ loa lên ngay. Mận tốt tính nhưng hồn nhiên quá, chả biết giữ kín chuyện gì.

Trên núi có một bãi cỏ rộng bằng vài gian nhà, đứng dưới chân núi không thể thấy được. Tôi ngồi đó chờ Don, cứ phấp phỏng, chẳng biết Don có hiểu ý tôi không? Tôi ngồi một lúc lâu, cứ ngóng tới lối mòn mà tôi tưởng Don sẽ từ đấy xuất hiện. Nhưng Don lại tới từ lối khác. Em đứng sau lưng tôi, mãi khi thấy nhột nhột tôi mới biết.

- Em phải nói dối cái Mận mới đi được - Don nói thì thầm trong hơi thở.

Tôi kéo tay em ngồi xuống.

Chúng tôi im lặng một lúc lâu... Trăng đã lên tự lúc nào, ánh trăng bạc mơ mộng tỏa ngợp trên đỉnh núi.

- Don ạ! Tôi muốn nói với Don một câu chuyện...

- Chờ ít lâu nữa anh nhé! - Don nói và gục đầu vào vai tôi - Em biết anh thương em, nhưng hiện nay tình cảnh em khó quá!... Khi nào em giải quyết xong chuyện kia... Vả lại, anh ơi, tại sao anh lại đi yêu em, một đứa con gái đã... hỏng cả cuộc đời!

Những giọt nước mắt Don ướt đẫm vai áo tôi. Tôi không biết nói với em những gì nữa, lòng dâng trào một tình yêu vô bờ bến. Tôi xoay đầu em lại. Khuôn mặt em long lanh, ngời lên ánh trăng. Tôi cúi xuống, muốn đặt lên đôi môi đang run rẩy một cái hôn nóng bỏng...

Nhưng em gỡ tay tôi ra:

- Không, không! Em xin anh! Em không xứng đáng với anh đâu! Em là đứa con gái bỏ đi rồi!

Tôi cứ kéo em lại gần, thật gần và cả hai chúng tôi cùng đổ xuống thảm cỏ êm ái...

Khuya lắm chúng tôi mới về. Tôi lặng lẽ chui vào màn, cứ bâng khuâng về cái hạnh phúc kỳ lạ mà tôi với em tìm thấy trên đỉnh núi. Cái đó cố kết chúng tôi lại cùng với những khổ đau và dằn vặt mà chúng tôi đã trải, cho chúng tôi sức mạnh để không gì có thể tách chúng tôi ra nữa. Trời ơi, bây giờ tôi mới biết, đến tận cùng, con người sinh ra cho tình yêu và cần phải được hưởng trọn vẹn tình yêu ấy, trên con đường tự hoàn thiện bản thân mình.

ngày...

Mùa mưa đến thật bất ngờ. Nó đến sớm hơn mọi dự báo của chúng tôi và của khí tượng thủy văn. Công cuộc chuẩn bị cho mùa mưa của chúng tôi chưa xong. Như vậy chắc chắn chúng tôi sẽ gặp những khó khăn lớn trong mùa mưa này!

Sáng nay trời còn trong veo, mặt trời tỏa sáng rợc rỡ, vậy mà giữa trưa đầy hơi nước, hơi nước bão hòa đến ngạt thở. Rồi gió lốc bỗng nhiên rít lên. Rồi bầu trời tối sầm lại. Khắp bốn phía sấm chớp đùng đùng. Mưa ầm ĩ trút xuống, chúng tôi chạy về không kịp, ướt lướt thướt. Chỉ một loáng mặt đường đã nhão nhoẹt ra. Từ trên đỉnh núi, vô vàn dòng nước đục ngầu ngoằn ngoèo đổ xuống. Những dòng nước ấy nhập lại ở một khe xói thành một dòng hung hãn đổ xuống mặt đường. Một thứ nước sền sệt, vàng khè.

Độ nửa giờ sau, dòng suối phình ra, réo ồ ồ. Không thể nhận ra con suối hiền lành mọi ngày nữa. Mọi người lo lắng về cơn mưa. Người ta kể rằng mới năm kia, năm kìa đây, một quả núi đã biến mất trong tích tắc. Nó đang đứng trong tư thế ngàn năm bỗng rùng mình lao xuống thung lũng, phát ra một chuỗi tiếng nổ như sấm rền...

Anh Rộc nhìn trời mưa lẩm bẩm:

- Mưa sớm thế này, không tiếp tế lên kịp, đói vàng mắt chứ nói gì đường với sá!

Anh bàn với ông Lan kiểm tra xem còn bao nhiêu gạo, sắn, và ra lệnh từ nay chỉ nấu bằng một nửa ngày thường, cho đến khi có tiếp tế. Tôi không hiểu vì sao ông Lan lại lo lắng quá vậy. Còn cái suất ăn mà chiết đi một nửa thì quả là gay đây. Ngày thường đã không đủ no lại chỉ ba lát xu hào...

- Cẩn tắc vô áy náy! - ông Lan nói - Rồi cậu sẽ biết thế nào là mưa rừng đất!

ngày...

Phúc đức làm sao, thật cứ như chết đuối vớ cọc: chiếc máy liên lạc đã chữa lại được sau những cố gắng tuyệt vọng. Chúng tôi gọi cấp cứu. K.42 trả lời. Chính K.42 cũng bị đói. Phải chờ đợi dưới xuôi viện trợ lên.

Tôi nằm dài trên giường, đọc một cuốn truyện tình báo nước ngoài. Những bữa ăn của sĩ quan, lính tráng làm tôi thèm nôn nao. Cuối cùng không chịu đựng được tôi quẳng sách vào xó nhà.

Đến bữa ăn chúng tôi ngồi vào cái bàn dài. Don bưng lên một nồi cháo bầu lào. Mỗi người vẻn vẹn một bát cái thứ nước lõng bõng vàng ợt. Đêm tôi ngồi với Don bên bếp lửa. Em hong quần áo, khói mù mịt.

- Phải làm sao chứ không thì chết! Bọn em con gái còn chịu đựng được chứ các anh...

Ai cũng biết vậy. Phải làm một cái gì đó, nhưng làm gì thì chịu.

ngày...

Sáng nay tôi nằm mơ thấy mình được ăn, một bữa ăn ngon lành cơm trắng với canh cua. Tôi biết là mình mơ ngủ, nhưng cứ nằm im cho cơn mơ tiếp tục kéo dài. Hậu quả của việc này là khi tỉnh dậy tôi càng mệt hơn. Tôi mất bình tĩnh đến không tự chủ được nữa. Tôi đi xuống bếp với ý định bảo Don kiếm cho tôi một thứ gì đó có thể nhai được ở trong kho, dấm dúi riêng cho cơn đói của tôi. Nhưng nhìn thấy em đang bào củ nâu, tôi không đủ can đảm nói lên điều ấy. May mà tôi đã không nói, nếu không có lẽ suốt đời tôi sẽ bị dằn vặt về chuyện đó. Buổi chiều, chúng tôi được một bữa củ nâu, cái thứ củ rừng ngày xưa các bà già cổ lỗ dùng để nhuộm váy nhúng bùn! Không thể nói có một chút chất bổ gì trong thứ củ chát chua ấy. Nó chỉ có tác dụng là làm dạ dày có cái mà co bóp.

ngày...

K.42 báo cho biết là đã nhận được tiếp tế dưới xuôi và cũng đã cử người mang đến cho chúng tôi. Đó là một tin vui tưng bừng. Lập tức những khuôn mặt xanh rợt, hốc hác bừng lên những nụ cười. Ông Lan đề nghị những ai còn sức sẽ đi đón đoàn tiếp tế. Thực đáng ngạc nhiên: tất cả cánh đàn ông đều không dám xung phong. Cuối cùng chỉ có bốn cô gái. Dẫu sao cái đói cũng giày vò cánh đàn ông nhiều hơn... Toàn bộ dự trữ trong kho lương thực được vét ra. Cũng rất đáng ngạc nhiên, còn những hai cân sắn tươi. Số sắn ấy được luộc lên ngay, chia đều cho bốn cô.

- Các cô phải ăn đi, lấy sức mà đi đường! Bọn này ở nhà, đói một hôm nữa cũng chưa chết!

Ngỡ như tôi sẽ chết ngay khi ngửi thấy mùi sắn luộc ngon lành, thơm nức ấy. Nước miếng tôi ứa ra, tê buốt. Tôi bèn trèo lên giường, úp mặt xuống gối.

Tôi gần thiếp đi thì Don đến bên, ngồi vào mép giường.

- Anh ơi! - Em khẽ gọi và nhét vào tay tôi một khúc sắn nóng hổi.

Tôi mở mắt ra nhìn thấy khuôn mặt cũng đã gầy rộc tiều tụy của em. Tôi lắc đầu:

- Em mang đi mà ăn! Anh vẫn còn chịu đựng được mà!

- Không, anh ăn đi cho em vui lòng. Dọc đường có gạo, chúng em sẽ nấu ăn ngay, anh đừng lo!

Tôi bẻ một miếng sắn nhỏ còn bao nhiêu đút vào bọc cho em. Nhưng lúc em đi rồi, chẳng hiểu sao tôi lại thấy củ sắn ủ dưới gối. Nhìn củ sắn đến nghẹn ngào. Nghẹn ngào vì tấm lòng em, một sự hy sinh thầm lặng mà chỉ em mới có.

Tôi nằm, đoán từng bước em đi đến đâu, đến đâu. Tôi hình dung rất rõ, cái bóng em choàng áo mưa lội bì bõm trên mặt đường lầy. Rồi tôi sẽ cưới em, nhất định sẽ cưới em, đem lại cho tất cả tình yêu của tôi... cho cuộc đời em được bù đắp tất cả...

ngày...

Tiếng chó sủa làm tôi tỉnh dậy. "Gây, gâu, gâu", con vện xô tung cửa, nhảy vào trong nhà. Mình nó ướt lướt thướt, lấm đầy bùn đất, bụng tóp lại. Khi chúng tôi không có gì ăn thì nó cũng đành nhịn, kiếm con cóc con nhái ăn tạm thôi. Nó nhìn chằm chằm vào tôi, sủa hộc lên mấy tiếng nữa rồi vẫy đuôi, cắn vào ống quần tôi, lôi đi. "Hín... Hín... Hín...!" tiếng nó như nức nở não lòng.

Tôi cảm thấy có một cái gì bất ổn xảy ra.

Don đã đi gần hai ngày. Theo như tính toán của chúng tôi thì lúc này Don đã về đến nhà rồi. Nhưng sao các cô chưa về? Nhưng sao con vện lại ở đây? Tôi nhảy bổ xuống đất. Con vện cũng chạy ra cửa. Nó chạy trước tôi mấy bước rồi ngoái lại sủa mấy tiếng, lại chạy, như vẫy tôi theo nó. Cứ thế tôi vọt xuống đường. Con vện vẫn chạy, vẫn ngoắc tôi chạy theo nó từng chặng. Đường hỏng nhiều quá. Nhiều chỗ dòng nước đã cuốn trôi cả mặt đường, ép vào tận ta-luy. Nhiều chỗ ta-luy đổ ụp xuống như một quả núi chắn ngang mặt đường. Nhiều chỗ bùn lầy nhão nhoẹt lút sâu ngang đầu gối. Tôi cứ chạy theo con vện. Nó luôn sủa như thúc giục tôi chạy nhanh hơn nữa. Có lúc tôi ngã dúi xuống chìm trong bùn nước, con vện quay lại, cắn áo kéo tôi dậy. Nhưng sức nó làm sao làm được việc ấy, lại chỉ làm vướng tôi thêm. Không hiểu bằng sức lực ở đâu, tôi đã lên tới cổng trời. Quang cảnh ở đây thật thảm hại: Cây cối đổ ngổn ngang, mặt đường trơn như đổ mỡ. Những đám mây bay là là ngang đầu. Từ những đám mây đen đặc đó, nước bắn ra tung tóe. Khi biết mình đang đứng ở điểm cao nhất của tuyến đường, sức tôi kiệt hẳn đi. Tôi cố lê theo con vện, nhưng mỗi bước đi gan ruột lại đau nhói lên. Trong tình cảnh ấy, con vện gần như tuyệt vọng. Nó đứng chồm lên bằng hai chân sau, hai chân trước bơi trong không khí, mắt nhễu ghèn trắng, nhắm tít lại tránh mưa, mõm ngúc ngoắc... Nó rên lên một cách bất lực và đau đớn: "Trời ơi, tôi biết làm sao đây...".

Giữa lúc ấy tôi bắt gặp hai cô gái đi ngược lên. Đó là hai cô của đội chúng tôi. Mỗi  cô một ba lô căng đầy sau lưng.

- Anh xuống nhanh đi! Chỗ ba cây sến ấy! - Một cô nói rồi chìa cho tôi nắm cơm ăn dở - Anh ăn tạm đi mà lấy sức.

Tôi không nói không rằng, ngoạm ngay, nước miếng ứa ra, hàm cứng lại, phải dướn cổ lên mới nuốt nổi. Con vện không cho tôi dừng chân, nó lại sủa ầm ĩ, và mặc dù bị cái đói giày vò, nó không thèm nhìn gói cơm nắm tôi bẻ cho. Đối với nó bây giờ việc trọng hơn cả là kéo tôi đến chỗ em.

Cuối cùng tôi cũng đến được ba cây sến. Dòng suối nhỏ đã biến thành con sông hung dữ. Nước réo ồ ồ, chảy với một sức mạnh mù quáng điên cuồng. Trong dòng cuồn cuộn của nó, chốc chốc lại một thân gỗ lớn lao nhanh như một phát tên lửa. Con vện tru lên một hồi   rồi nó chuệch choạng đổ xuống. Nó nằm sát đất, bụng thở nhấp nhô, lê đến gốc cây sến nơi Don đang nằm.

Từ dưới gốc cây sến, Mận chạy ra mếu máo:

- Anh Thành! Sao bây giờ anh mới tới! Nhanh lên! Chị Don, chị Don...

Don nằm đó, giữa ba cây sến, trên mảnh vải mưa mầu hồng, như đang ngủ. Hai tay em chắp trước bụng, chân duỗi thẳng, thật bình thản. Tôi quỳ xuống bên em. Mưa vẫn chui qua kẽ lá, rớt xuống chúng tôi. Em bừng mắt, mừng rỡ:

- Anh ơi! Tòa đã cho ly dị...

Đó là câu cuối cùng tôi nghe được ở em...

Vào cái lúc với chúng tôi một con đường rộng rãi thênh thang đã mở ra... số phận đã cho tôi một đòn tàn bạo... Chỉ có điều an ủi tôi là em, sau bao nhiêu đau khổ và hy vọng, em đã dừng lại với một tia sáng bừng lên, với một niềm tin rằng em đã được cuộc đời trả lại tình yêu và hạnh phúc.

Trở lên, là trích đoạn nhật ký của Thành. Cuốn nhật ký có tới trên hai trăm trang. Anh còn ghi nhiều thứ nữa, kỹ thuật làm đường, những số liệu về đất đá và nhiều cái khác thuộc nghiệp vụ của anh. Nhưng tôi đã lược bớt đi, biết rằng để cũng chẳng ích gì cho bạn.

Người ta đồn đại nhiều huyền thoại về nấm mồ dưới gốc ba cây sến.

Người ta kể rằng năm đó lũ to, các dòng suối ứ đầy, không ai có thể qua lại được. Để cứu gần một trăm con người khỏi chết đói, một cô gái đã tìm cách vượt suối dưới gốc ba cây sến. Đây là dòng suối hung dữ nhất trên tuyến đường miền tây. Người ta đã chở lương thực đến bờ bên kia mà không sao qua nổi. Cô gái buộc những sợi dây song vào gốc sến và cầm một đầu dây lao mình xuống suối. Nhiều lần cô chìm nghỉm đi, nhưng cô vẫn ngoi lên được. Cô vốn là dân sông nước mà! Cô qua được bờ bên kia. ở đây cô nhận được gạo và một lá thư. Đó là lá thư cô chờ đợi và hy vọng nó sẽ mang lại hạnh phúc cho đời cô. Cô buộc dây song vào đá núi, bọc gạo trong vải mưa, lần theo đường dây vượt qua. Với cách ấy cô đã đưa được mấy chuyến qua sông. Chuyến cuối cùng cô sắp qua trót lọt thì một cây gỗ từ thượng nguồn lao tới, nhằm đúng người cô. Cô chỉ kịp kêu lên một tiếng gọi tên người yêu của mình và chìm xuống nước. Người ta vội rút sợi dây song kéo cô lên... Mộ cô dưới gốc ba cây sến, ngay bên đường, xếp toàn bằng đá. Cứ mỗi người đi qua lại xếp lên một viên đá nên nó đã to như một ngôi nhà...

Người ta kể lại rằng cứ gần đến mùa mưa lũ, cô gái từ trong mộ bước ra, lội xuống suối. Cô bơi xuôi dòng suối cho đến khi gặp sông Luồng, rồi lại bơi xuôi sông Luồng cho đến khi gặp sông Mã. Cô lặn xuống hang cá thần, đánh nhau với chúng, không cho chúng nổi lên mặt nước. Đó là những đêm thật tối trời, sương dăng dày đặc, khó mà nhìn thấy. Người ta chỉ nghe dưới đáy sông nước réo ùng ục...

Người ta kể lại rằng cô gái nhập hồn vào cô bạn, bằng cách ấy cô chăm sóc người yêu của mình, cùng anh hưởng hạnh phúc...

Người ta kể lại rằng một số người đi ngược lên tuyến trên thường được cô gái đem cho thức ăn, những nắm cơm gói trong lá dong, những củ sắn luộc... Tháng trước có một anh chàng cũng được cô cho như thế. Nhìn thấy cô đẹp, anh chàng định sàm sỡ nắm lấy tay cô. Nhưng chỉ nắm được không khí, chung quanh còn thoảng một làn hương... Anh chàng sợ hãi sụp xuống lạy như tế sao...

Cố gắng tìm hiểu những huyền thoại ấy, tôi đã hỏi chuyện nhiều người. Ai cũng nói rằng đó là những câu chuyện có thật. Họ còn nói rằng chính họ đã được nghe từ miệng những người rất thật thà, chưa từng ăn gian nói dối. Có vài người còn thề rằng chính họ đã nhận được cơm từ tay cô gái, còn được chuyện trò với cô...

Thành đưa tôi đến chỗ ba cây sến. Chúng tôi đứng lặng hồi lâu trước nấm mồ của cô gái. Giữa những kẽ đá cắm đầy chân hương. Thành cho tôi biết, nhiều người qua đây thường ghé lại, đốt hương để tưởng nhớ cô và cũng để cho cô phù hộ...

Thành chỉ sang bờ suối đã xây mố xi măng:

- Chúng tôi đang thi công ở đây một cầu treo. Xong cây cầu này, dù cho lũ lớn bao nhiêu cũng không thể tắc đường. Còn suốt trên tuyến đường, sẽ được rải đá cấp phối. Trong tương lai sẽ đổ nhựa bê tông. Lúc bấy giờ giao thông sẽ thuận tiện, trên toàn bộ vùng đất dọc biên giới, vùng cư trú của người Thái, người Mẹo sẽ được mở mang...

Giọng Thành nói trầm trầm, cái vẻ của một người đã từng trải. Anh có vóc người trung bình, hơi mảnh mai. Mái tóc dày, mềm, một món xõa ngang vầng trán vuông. Nơi cổ anh, dưới dái tay có một vết sẹo dài. Bao năm ở rừng, anh vẫn giữ được dáng thanh lịch, thư sinh. Chỉ đôi bàn tay to cộm và đôi bàn chân dày ngấm mầu đất vàng chứng tỏ anh sống một cuộc sống lam lũ.

- Anh có ý định về xuôi không? - Tôi hỏi.

- Không! Không anh ạ! Mặc dù bây giờ tôi biết tôi có thể về xuôi được. Tôi đã làm nhiều năm ở đây và cái lão trưởng phòng tổ chức chuyên ăn của đút cũng đã về vườn. Nhưng tôi không có ý định về dưới đó nữa. ở đây tôi đã mất nhiều lại cũng đã được nhiều. Nghĩa là tôi đã gắn bó với nó như quê hương tôi.

Ngừng một lát, anh nói thêm:

- Cái vùng đất này còn nhiều sức lực và trí tuệ. Nó giàu có, nhưng không phải cái giàu có nhón tay là bốc được ngay! Phải đầu tư nhiều. Anh xem, cái khu rừng bên kia, toàn là sến cả đấy. Nhiều cây còn lực lưỡng hơn cả ba cây này. Cái thứ gỗ được coi là "tứ thiết", rắn đỏ như nhuộm mầu máu. Bao nhiêu tiền của ở đó, nhưng không dễ khai thác đâu... Lại khu rừng dưới kia nữa! Những vách đá vôi đầy hang động, những bãi cỏ và lạch nước với hàng trăm thứ cây lạ, ngào ngạt phong lan... Tôi mơ ước nó trở thành những món ăn đặc sản của rừng và các cô chiêu đãi viên mặc những bộ áo Thái, áo Mẹo sặc sỡ... Từ chỗ ba cây sến này, tôi có thể thiết kế một đường cáp tới đó. Khách khứa cứ việc ngồi trong goòng mà bay xuống...

Thành say sưa kể những dự định của anh về những vùng đất này. Tôi nghĩ đó không phải là một dự định xa vời khi có những con người với bàn tay và khối óc như anh.

Nắng chiều đã tắt trên đỉnh núi. Không gian trầm hẳn xuống. Chúng tôi lững thững quay về. Ngồi trên xe, tôi hỏi Thành:

- Còn những chuyện huyền thoại kia, anh nghĩ thế nào?

Thành mỉm cười, cái cười hết sức ngây thơ:

- Tôi không hiểu lắm những chuyện đó. Nhưng ai kể cứ để cho người ta kể. Bởi vì hình như cũng có phần đúng đấy!

Xe chúng tôi vượt qua cổng trời đầy mây, rồi thả ga lao xuống dốc bên kia. Khi Thành lên đây lần đầu tiên, chỉ có chiếc Zin ba cầu mới chạy được trên con đường này, nó cũng mất nửa ngày. Bây giờ chúng tôi đi chưa đầy một tiếng. Bầu trời vẫn hồng lên ánh phản quang của một ngày đẹp trời.

Thành ghé tai tôi:

- Anh ghé nhà tôi ăn bữa cơm chiều. Chúng ta sẽ uống chút ít, anh kể chuyện dưới xuôi tôi nghe. ở đây chúng tôi thèm chuyện dưới xuôi lắm! à, anh chưa biết nhỉ, tôi đã cưới vợ, đã làm một nếp nhà nhỏ cho riêng mình. Vợ tôi tên là Mận!


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com