hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1061.htm

Thái Bá Lợi

Lòng cha

Rừng yên tĩnh sau những đợt bắn pháo bừa bãi của địch. Mưa đầu mùa làm con suối cạnh nhà mọi khi chỉ chảy róc rách, đêm nay ầm ầm như thác. Phía đồng bằng, tiếng động cơ máy bay lên thẳng phành phạch; chắc là có xảy ra chiến đấu ở chỗ nào?

Đêm nay, tôi sang ngủ với anh Thự, bác sĩ chủ nhiệm quân y trung đoàn. Hai anh em loay hoay mãi mới che được cái nóc nhà dột vì một mảnh pháo rớt trúng buổi chiều. Chúng tôi dăng võng gần nhau. Đã lâu tôi mới có dịp ngủ với anh Thự.  Anh Thự kể cho tôi nghe những chuyện ở đại đội 2, nơi Mạnh, con trai anh trước đây làm đại đội trưởng.

- Tôi lại xuống đại đội của Mạnh, anh ạ. Suốt buổi tối, các cậu dưới đó ngồi nói chuyện với tôi. Anh em kể toàn chuyện của Mạnh. Ai cũng có ý muốn tôi vui hơn. Những chiến sĩ trẻ ấy làm tôi đỡ nhớ Mạnh nhiều lắm.

Anh Thự châm thuốc hút rồi nằm xuống võng. Anh là một bác sĩ đã có tuổi nhưng còn khỏe. Mấy năm nay anh vẫn công tác ở tuyến quân y trung đoàn. Trước anh phụ trách bệnh xá, bây giờ anh là chủ nhiệm quân y. Có lần anh Thự hứa sẽ kể cho tôi nghe chuyện về Mạnh, nhưng chưa có dịp. Bây giờ nghe anh nói vừa đi thăm đại đội của Mạnh về, tôi nói ngay với anh:

- Anh kể chuyện Mạnh cho tôi nghe đi.

Anh Thự im lặng đến gần một phút. Anh kéo cái dây cao-su bọc võng xuống, quay mặt lại với tôi và anh bắt đầu câu chuyện...

Sau tổng tiến công và nổi dậy tôi gặp Mạnh. Cuộc gặp gỡ thật là bất ngờ. Tôi vừa về trung đoàn làm bệnh xá trưởng được mấy hôm thì Mạnh đến (lúc đó tôi vẫn chưa biết Mạnh ở trung đoàn này, lá thư mới nhất tôi nhận được, Mạnh nói đang chiến đấu ở Tây Nguyên). Hôm ấy vào lúc gần tối, chúng tôi vừa ăn cơm xong thì có một cáng bệnh nhân cấp cứu đến. Đồng chí y sĩ trực gọi tôi lên hội chẩn. Khi tới gần buồng bệnh, tôi nghe có tiếng người nói với đồng chí y tá Thu Dung:

- Đồ đạc của đồng chí ấy, đại đội phó còn mang đi sau.

Tôi vào buồng bệnh. Các đồng chí y tá đang bận bịu thay quần áo cho bệnh nhân. Tiếng một đồng chí cáng thương nói với một người nào đó.

- Đại đội phó đến rồi kìa!

Một người mặc quân phục bước vào. Tôi chỉ nhìn thoáng qua rồi quay vào thăm bệnh nhân. Đồng chí y tá châm xong cây đèn dầu. Buồng bệnh sáng hẳn lên. Tôi vừa cầm tờ bệnh án lên xem thì một giọng nói rất vang nhưng hơi run xé tan không khí im lặng lúc đó.

- Ba ơi!

Với một linh cảm tự nhiên mà tôi quay lại, chứ tôi không thể ngờ rằng sau đó mấy giây tôi đã gặp con, đứa con đầu mà tôi ít được gần nó nhất. Tôi chưa kịp nhận ra Mạnh thì Mạnh đã ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi gặp nhau giữa những cặp mắt ngơ ngác của anh em nhân viên bệnh xá. Mạnh xúc động lộ ra mặt. Cặp mắt long lanh của Mạnh nhìn tôi rất lâu. Lần đó chúng tôi gặp nhau không được mấy. Tôi thì xoay vào việc cấp cứu bệnh nhân, còn Mạnh sau khi nói chuyện với cha được ít phút, nó phải quay về ngay để ngày mai đi chuẩn bị chiến trường.

Từ hôm đó trở đi, niềm vui được sống và chiến đấu gần con trong một trung đoàn đã vượt lên mọi niềm vui khác của tôi. Ngày nào tôi cũng hỏi trực ban xem bộ phận chuẩn bị chiến trường đã về chưa. Lúc đó không biết sao tôi lại cảm thấy lo lắng cho Mạnh, anh ạ. Không biết Mạnh đi dưới đó có an toàn không? Mấy năm trước Mạnh đã chiến đấu nhiều trận, ở nhiều chiến trường mà tôi không thấy lo cho nó bằng những ngày ấy, những ngày Mạnh chỉ đi chuẩn bị chiến trường, một công việc mà trước mỗi chiến dịch chúng tôi vẫn làm.

Rồi Mạnh về. Nó lên chơi với tôi được một đêm. Sáu năm nay tôi lại mới được gần Mạnh. Đêm đó, mấy anh em trong bệnh xá đến chơi với cha con tôi đến khuya. Tôi nghe Mạnh nói chuyện với anh em mà từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Lần đầu tiên tôi thấy Mạnh thành người lớn thực sự. Trước đây, vì những năm, tháng sống xa con, tôi chưa thể hình dung hết được những bước trưởng thành của nó. Đêm đó, qua câu chuyện Mạnh nói với những người đồng nghiệp của tôi, tôi mới có một khái niệm tương đối trọn vẹn về đứa con của mình.

Khi anh em trong bệnh xá về cả, hai cha con tôi dăng võng đi nằm, cũng gần như tôi với anh bây giờ. Tôi muốn nằm bên Mạnh và nghe nó kể chuyện.

Chưa bao giờ những chuyện chiến đấu hấp dẫn tôi bằng đêm ấy. Năm Bốn mươi bảy, tôi đi chiến dịch thì Mạnh mới đẻ. Năm đó Mạnh ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Địch càn vùng đồng bằng quê tôi. Nhà tôi phải tản cư để tránh địch. Trong lúc chạy càn, vào một đêm trăng, ở một nhà dân không quen biết, Mạnh đã cất tiếng khóc chào đời. Mạnh đã sinh ra trong những ngày đất nước ngùn ngụt khói lửa. Lớp chiến sĩ mới trong trung đoàn nhiều người cũng ra đời trong những ngày như vậy. Mãi đến năm Bốn chín, trong một chuyến công tác tôi mới được về thăm nhà. Cả xóm người ta kéo đến thăm anh bộ đội mới được làm cha. Mấy bà hàng xóm đưa bốn đứa trẻ hai năm đến và bảo tôi nhận một đứa. Sau mấy giây ngập ngừng tôi nhận đúng Mạnh, anh ạ. Tôi nhận được nó bằng đôi mắt, đôi mắt đen rất giống nhà tôi. Tôi ôm lấy Mạnh vào lòng trong tiếng cười vui vẻ của bà con trong xóm. Tôi ở nhà với Mạnh được ba ngày rồi lại ra đi. Lần thứ hai tôi về thăm Mạnh vào khoảng tháng Chín năm Năm ba. Đó là một đêm đại đoàn tôi hành quân vào chiến dịch thu đông. Khi biết đơn vị sẽ đi qua làng mình, tôi xin phép đi trước về nhà. Năm ấy Mạnh lên sáu. Trời đã khuya lắm. Tôi về đến nhà thì Mạnh đã ngủ say. Nhà tôi định đánh thức Mạnh dậy nhưng tôi không cho. Tôi cứ đứng im cạnh vợ mà ngắm con. Bàn tay nhỏ của Mạnh đặt lên má khi ngủ. So với hồi gặp năm Bốn chín, lần này Mạnh đã lớn lên nhiều lắm. Tôi nhìn kỹ thấy Mạnh có một nốt ruồi ở đuôi lông mày trái. Nhà tôi nói sang năm sẽ cho Mạnh đi học. Tôi cứ đứng nhìn con cho đến khi có tiếng chân bộ đội rậm rịch ngoài đường cái. Tôi cúi xuống hôn con rồi tạm biệt vợ chạy theo đơn vị.

Những năm tháng chiến đấu của đất nước đi nhanh thật. Mới ngày nào đó mà bây giờ tôi đã nằm nghe Mạnh kể chuyện chiến đấu. Mạnh cũng đã lập được chiến công. Mạnh được tặng một Huân chương chiến công giải phóng hạng ba và ba lần được công nhận là dũng sĩ.

Đêm đã khuya. Ngoài trời chỉ còn tiếng một con tu hú đi ăn sớm. Tôi bảo Mạnh đi ngủ. Mạnh nằm im một lúc rồi ngủ say. Còn tôi, suốt đêm hôm đó, tôi không hề chợp mắt được tí nào. Tôi nằm nghe hơi thở đều đều của Mạnh. Một niềm vui khó tả chiếm lấy tâm hồn tôi. Tôi như người vừa được một cái gì rất lớn lao mà trước đây mình chưa hề nghĩ tới. Niềm vui ấy nó sôi nổi và rạo rực, nó trầm lắng và sâu xa, nó quyện lấy tôi suốt đêm hôm đó.

Hai tháng sau, tôi lại được gặp Mạnh. Lần này trong một hoàn cảnh khác. Hai cha con tôi được đi dự đại hội mừng công trung đoàn. Trong đợt chiến đấu tháng Năm, Mạnh được công nhận là dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú và được tặng thêm một huân chương. Còn tôi, anh em trong bệnh xá bầu là chiến sĩ thi đua. Trong đại hội Mạnh được chọn báo cáo điển hình. Khi đồng chí trung đoàn trưởng giới thiệu Mạnh lên đọc báo cáo, tự nhiên tôi thấy người mình nóng bừng. Tôi nhìn Mạnh một cách say sưa, hình như lúc đó tôi mới thấy hết hình dáng đứa con mình. Mạnh hơi lúng túng, mặt đỏ bừng, nhưng sau đó nó trấn tĩnh được.

Mạnh báo cáo về một trận đánh vào thành phố trong đợt tổng tiến công và nổi dậy tháng Năm. Trận đó đại đội Mạnh được phân công đánh vào cư xá của bọn sĩ quan Mỹ. Trận đánh đang phát triển thuận lợi thì một khẩu đại liên địch bất ngờ bắn vào sườn phải đội hình, chặn đường một mũi xung lực của ta đang tiến vào ngôi lầu hai tầng nơi bọn sĩ quan Mỹ ở. Bộ đội ùn lại. Một vài đồng chí vượt lên đều bị thương vong. Đồng chí trung đội trưởng phụ trách mũi thọc sâu chưa biết xử trí thế nào thì Mạnh đến. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Mạnh cho điều B.40 lên. Chỗ này không có địa hình bắn vì hỏa điểm địch bị che khuất. Muốn bắn chắc trúng phải vòng sang trái và lội qua một cái hồ. Cái hồ rộng khoảng ba mươi mét, bờ bên kia ngang sườn khẩu đại liên địch. Mạnh lệnh cho trung liên bắn kiềm chế để đồng chí xạ thủ B.40 lội qua. Vừa lội ra được mấy bước đồng chí xạ thủ vội quay lại. Vì hồ sâu mà đồng chí ấy không biết bơi. Chần chừ bây giờ là mất thời cơ vì các mũi bạn đã phát triển xa rồi. Mạnh cầm lấy B.40 lội xuống hồ. Các chiến sĩ tập trung hỏa lực yểm trợ cho đại đội phó. Mạnh leo lên bờ rồi mất hút sau một bức tường. Mấy giây sau một tiếng nổ mạnh và rền hòa trong tiếng súng giòn giã. Hỏa điểm địch bị tiêu diệt. Các chiến sĩ ào ạt tiến lên. Trận đó đại đội Mạnh lập công xuất sắc, diệt một trăm hai mươi tên sĩ quan Mỹ.

Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt khi Mạnh báo cáo xong. Mạnh đến ngồi bên tôi. Tôi nhìn thấy cái nốt ruồi ở đuôi lông mày trái của Mạnh, vẫn cái nốt ruồi mà hồi đi chiến dịch thu đông tôi đã phát hiện ra. Tôi muốn ôm lấy con. Khi biểu dương các đơn vị và cá nhân có nhiều chiến công, đồng chí chính ủy nắm tay hai cha con tôi giơ lên và nói:

- Đây là hai bông hoa của hai thế hệ đứng chung trong một chiến hào đánh Mỹ.

Hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay. Lúc đó tôi cảm thấy mình có hạnh phúc lớn. Mạnh đã thành một đồng chí xuất sắc của tôi.

Sau đại hội mừng công. Mạnh được đề bạt làm đại đội trưởng.

Anh Thự ngừng kể. Anh nằm im. Tôi biết anh đang xúc động nên không hỏi gì. Một ánh chớp lóe lên làm cả khu rừng sáng bừng trong một giây. Mưa đã tạnh. Rừng khẽ rùng mình, một làn gió nhẹ lướt qua làm những giọt nước mưa đọng trên lá cây rơi lộp bộp trên mái cọ. Anh Thự nhổm dậy rót nước uống rồi tiếp tục câu chuyện:

- Trước chiến dịch vừa rồi, tôi có xuống đơn vị thăm Mạnh. Hồi này tôi đã lên làm chủ nhiệm quân y. Cán bộ trong ban chỉ huy đại đội còn trẻ lắm, trực tuổi với Mạnh cả. Cậu Thọ đại đội phó kém Mạnh một tuổi. Chỉ có Xứng, chính trị viên cứng tuổi hơn, khoảng gần ba mươi. Các chiến sĩ trong đại đội cũng gọi tôi bằng ba như Mạnh. Buổi tối, tôi nằm ở một góc nhà nghe Mạnh hội ý cán bộ. Sau khi nghe báo cáo của các trung đội, Mạnh nhận xét công tác trong ngày. Mới đầu nghe Mạnh nói tôi nghĩ rằng với cương vị đại đội trưởng, Mạnh phải làm những công việc ấy hàng ngày thì cũng chẳng có gì lạ. Nhưng khi nghe Mạnh triển khai công tác hôm sau với đầy đủ những biện pháp thực hiện thì tôi phát hiện thêm được những điểm rõ hơn bản lĩnh của Mạnh. Đối với những người làm cha mẹ, đứa con nào mà chẳng bé bỏng. Nhưng hôm đó Mạnh đã vững vàng chắc chắn hơn tôi vẫn tưởng. Những ngày ở trung đoàn là những ngày tôi được ở gần Mạnh nhất trong những năm tháng làm trách nhiệm người cha.

Hôm trung đoàn xuất kích, tôi lại gặp Mạnh một lần nữa. Hôm đó mưa lất phất, trời tối như mực. Khi đến chỗ rẽ vào sở chỉ huy trung đoàn, Mạnh còn nói với tôi:

- Nếu chiến dịch kéo dài, ba nhớ bổ sung cho đại đội con một y tá nữa, ba nhé!

Nói rồi Mạnh mất hút trong đoàn quân đang nườm nượp đi về phía trước, tôi cũng không kịp bắt tay nó.

ở sở chỉ huy trung đoàn chúng tôi thức suốt đêm theo dõi diễn biến trận đấu. Đến ba giờ sáng tôi được tin tiểu đoàn Mạnh diệt gọn hai đại đội Mỹ. Đêm mở đầu chiến dịch, trung đoàn phát triển tương đối thuận lợi.

Trời sáng rõ. Hình như buổi sáng ở chiến khu bao giờ cũng sớm hơn những nơi khác. Tôi vừa ở chỗ chính ủy về thì mặt trời đã nhô lên đỏ rực sau dãy đồi sim ở cửa ranh. Phía căn cứ An Hòa đã bắt đầu nghe có tiếng phành phạch của máy bay lên thẳng.

Vào hầm ngồi được một lúc thì có tiếng chuông điện thoại. Tôi cầm máy. Đầu dây bên kia tiếng anh Lắm, tham mưu phó bao giờ cũng vội vã:

- Anh Thự phải không? Thương binh đã về rồi đấy! Các đồng chí ở đội phẫu đang chờ anh xuống. Hình như Mạnh bị thương...

- Nó bị thương có nặng không anh?

- Tôi cũng chưa biết rõ lắm, chỉ mới nhận được những báo cáo đầu tiên thôi.

Tôi buông máy xuống, người bàng hoàng. Cái điều lâu nay tôi cứ lo cho đứa con trai của mình hôm nay đã đến. Không biết Mạnh bị thương có nặng không? Một ý nghĩ vụt hiện ra trong đầu tôi. Tôi muốn chạy vù xuống đội phẫu thuật ôm lấy Mạnh vào lòng mình. Nhưng còn công việc ở đây... Tôi thấy lúc này phải bình tĩnh. Tôi đi đến dặn các đồng chí trợ lý trong tiểu ban:

- Bây giờ các cậu ở nhà nắm tình hình thương binh các tiểu đoàn. Chú ý nắm chắc tình hình tổn thất về nhân viên và dụng cụ, có kế hoạch bổ sung vì tối nay còn tiếp tục chiến đấu. Mình xuống đội phẫu thuật nắm tình hình thương binh.

Tôi không muốn báo tin Mạnh bị thương cho các đồng chí của mình biết.

Khi tôi đến đội phẫu thuật thì đã gần tám giờ sáng. Một vài đồng chí thương binh nhẹ đang được thay băng ở hầm hồi sức:

Bác sĩ Vinh đón tôi ở cửa hầm mổ. Anh nói:

- Mạnh bị một quả cối nổ gần nên bị nhiều vết thương anh ạ. Một vết thương ở gần rốn thấu bụng. Một vết thương ở ngực phải, nghi thấu phổi và một số vết thương khác... Chúng tôi đã kiểm tra. Chờ ý kiến anh...

Tôi vội vàng đến nỗi không kịp nghe hết câu của anh Vinh, đi ngay vào hầm mổ. Thấy tôi bước vào, những người đứng gần cửa dẹp ra lấy lối cho tôi đến bàn mổ. Mạnh đang nằm trên bàn với tư thế nửa nằm nửa ngồi. Khuôn mặt Mạnh hốc hác hẳn đi sau một đêm chiến đấu quyết liệt. Da Mạnh trắng bệch do vết thương đã chảy nhiều máu. Mạnh đã được lau rửa và thay quần áo, nhưng nhiều vết máu lẫn với bùn còn dính lại trên các kẽ tay, có lẽ do lau bằng nước lã nên chưa sạch hết.

Mạnh đang lim dim ngủ bỗng từ từ mở mắt. Trông thấy tôi, Mạnh nhổm dậy: "Ba". Tôi đè nhẹ Mạnh xuống. Lúc đó giọng tôi âu yếm nhưng kiên quyết:

- Con nằm xuống để ba xem vết thương.

Tôi đứng lặng nhìn con. Hầm mổ chỉ còn tiếng động duy nhất là tiếng lóc cóc của ống thông hơi trên chai huyết thanh. Tôi lật mảnh băng dính trên trán Mạnh. Một mảnh cối làm mất đi cái nốt ruồi ở đuôi lông mày trái. Tôi thấy lòng mình đau thắt. Một mảnh cối khác chui vào gần rốn Mạnh, một mảng màng bụng thò ra ngoài. Tôi lại xem đến vết thương ở ngực Mạnh. Máu đã khô dính bết lại với lần băng đầu tiên từ trận địa. Tôi đưa tay lên mũi Mạnh, một làn hơi ấm và khô phả vào tay tôi. Có lúc Mạnh thở rất khó. Tôi cảm thấy một điều gì đó gần như một tai họa xảy đến với mình. Vết thương của Mạnh là loại vết thương phối hợp, rất nặng.

Mạnh chăm chú nhìn tôi. Khi thấy tôi xem hết các vết thương, Mạnh nói, giọng yếu lắm:

- Vết thương của con nặng lắm, phải không ba?

Tôi hơi lúng túng:

- ừ! Nhưng các đồng chí và ba sẽ cứu chữa cho con.

Mạnh không nhìn vào tôi nữa, nó nhìn lên trần hầm, nói rành rọt từng câu, như đã chuẩn bị từ trước:

- Ba ơi! Con có lá thư gửi cho mẹ để trong ba lô ở hậu cứ, khi nào ba gửi thư về, ba gửi luôn cho con. Ba nói với anh Xứng, ý kiến của con có thể kết nạp An vào Đảng, trận vừa qua cậu ấy dũng cảm lắm. Ba hãy chăm sóc Thọ như ba đã chăm sóc con. Con tin cậu ta lắm, nhưng có lúc cậu ta còn đại khái. ở cương vị cấp trưởng tác phong ấy nguy hiểm cho cả đơn vị, ba ạ.

Ngừng một lúc, Mạnh nhìn tôi hỏi:

- Thuốc mê của đội phẫu thuật gần hết rồi hả ba?

- Sao con biết?

- Con nghe các đồng chí ở đây nói thế. Ba chú ý không vì ba là chủ nhiệm quân y mà các đồng chí ở đây dùng quá nhiều thuốc cho con đấy. Phải dành thuốc mê cho các đồng chí sau, ba ạ. Con chịu đựng được...

Lúc ấy, nếu không trấn tĩnh nhanh thì tôi đã khóc òa lên rồi. Con tôi lớn nhanh quá. Chỉ một đêm xa con, tôi lại thấy Mạnh có được những điều mà tôi phải cần hàng chục năm mới có.

Cuộc hội chẩn chớp nhoáng đã quyết định phải can thiệp phẫu thuật ngay cho Mạnh. Để đề phòng mọi sự không hay do tình cảm cha con có thể làm xấu đi kết quả phẫu thuật, anh em không để tôi tham gia mổ, mặc dù tôi là người có khả năng chuyên môn cao nhất ở đây.

Tôi đứng nhìn các đồng nghiệp của mình đang tiến hành cuộc mổ cho Mạnh một cách khẩn trương. Lúc mổ vết thương ở ngực, Mạnh ngừng thở một lần, nhưng anh em cứu được. Trước khi chuyển sang mổ vết thương bụng của Mạnh, anh Vinh đề nghị tôi sang hầm bên cạnh nằm nghỉ.

Anh Thự lại ngồi dậy uống nước. Rừng về khuya nên con suối chảy nghe càng rõ. Từ một nhà bên cạnh vọng sang tiếng đài Hà Nội đang cử bài "Tiến quân ca". Anh Thự hỏi tôi:

- Anh có mệt lắm không?

Tôi trả lời ngay:

- Không anh ạ. Chỉ sợ anh mệt thôi.

- Thế thì được, tôi kể tiếp nhé!

Khi anh em đưa Mạnh vào hầm hồi sức thì đã gần trưa. Tôi ngồi xuống túc trực bên Mạnh thay cho đồng chí y tá đi ăn cơm. Mạnh nằm ngay ngắn trên cáng, đầu được kê cao. Tôi ngồi im nghe Mạnh thở. Tôi nhớ lại nhịp thở của Mạnh đêm đầu tiên ngủ với nó ở chiến trường. Nhịp thở của Mạnh hồi ấy nó khỏe khoắn và đều đặn làm sao. Còn nhịp thở của Mạnh bây giờ nó rời rạc, có lúc như ngưng trệ. Tôi muốn tiêm cho Mạnh một ống thuốc chống thở khó. Tuy tôi là một bác sĩ, nhưng quyền cứu chữa Mạnh bây giờ là một chiến sĩ bị thương, thuộc về các đồng chí khác mà tôi phải chấp hành.

ở cửa hầm mổ có tiếng người nói lao xao và một cái cáng được đưa vào. Thương binh lại tiếp tục về. Có tiếng người nào đó đang kỳ kèo với đồng chí y tá tiếp nhận thương binh.

- Cho chúng tôi vào thăm anh ấy một tí rồi chúng tôi ra ngay thôi.

- Không được, anh ấy chưa tỉnh.

Hai ba đồng chí bộ đội ngó sang hầm hồi sức, thấy tôi ngồi trong hầm, họ chạy ùa vào, bất kể sự ngăn cản của đồng chí y tá.

- Ba Thự ơi! Anh Mạnh đã tỉnh chưa?

- Mạnh chưa tỉnh, các con đưa thương binh lên đó à - Không biết vì sao lúc này tôi lại gọi những đồng chí cùng đại đội với Mạnh là con.

- Chúng con đưa thằng An liên lạc lên, nó bị thương mãi đến sáng nay mới tìm thấy.

- An bị lạc hả?

- Không ạ! Khi anh Mạnh bị thương chúng con đưa ra rồi, nhưng nó vẫn tiếp tục đánh vào sâu. Lúc quay ra không thấy anh Mạnh đâu nó lại đi tìm nên rút sau bị thương vì mảnh pháo. Anh em tưởng nó về trước, nhưng khi về đến vị trí tập kết không thấy nó đâu. Đại đội phải cử người đi tìm, sáng nay mới về.

Các chiến sĩ nhìn đại đội trưởng của mình bằng cặp mắt rất thương mến. Nỗi lo lắng cũng hiện trên khuôn mặt trẻ trung của họ.

Tôi hỏi:

- Mạnh bị thương trong trường hợp nào?

- Chúng con diệt gần hết đại đội Mỹ thì bất ngờ một tốp địch không biết từ đâu chạy qua trận địa. Anh Mạnh ra lệnh đuổi theo diệt cho kỳ được. Khi vượt qua dãy nhà bạt thì một quả cối nổ gần làm anh Mạnh ngã xuống. Lúc đó chính trị viên hô: "Quyết tiêu diệt hết bọn địch này trả thù cho đại đội trưởng!". Năm phút sau chúng con diệt sạch tụi Mỹ đó. Bây giờ chúng con đi đón đơn vị đây, ba ạ. Tí nữa đơn vị đi qua đây chúng con lại vào thăm anh Mạnh.

Khi anh em đi rồi, anh Vinh chui vào hầm. Anh đưa cho tôi một tờ thương phiếu và nói:

- Đồng chí thương binh mới đến bị sọ não có hiện tượng chèn ép. Bọn tôi thấy nên mổ ngay anh ạ. Đề nghị anh cho ý kiến và muốn đề nghị anh mổ vì  anh có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật thần kinh hơn.

Chờ cho các đồng chí y tá ra thay trực, tôi theo anh Vinh vào hầm mổ.

Trong hầm mổ anh em lại bận bịu với những công việc để chuẩn bị cho cuộc mổ mới. An đã hôn mê trước khi đến đây. An không đến nỗi xanh lắm. Tự nhiên tôi thấy người chiến sĩ liên lạc của con mình cũng thân thương như bao người thân thương khác của đời tôi. Chắc An đã chiến đấu nhiều trận bên Mạnh. Chắc cũng đã có lần An nằm nghe đại đội trưởng kể chuyện về người cha của mình. Lần tôi xuống đơn vị thăm Mạnh, An cứ quấn quít bên tôi. Không biết cậu ta tìm đâu trong đại đội được mấy hộp thịt về "chiêu đãi ba" - như An nói. Có lần An đã nói đùa với tôi: "Khi con bị thương, con chỉ để cho ba mổ thôi". Thế mà bây giờ tôi lại mổ cho An thật.

Cuộc mổ tiến hành được hai mươi phút thì có người gọi đồng chí y sĩ ra khỏi hầm mổ. Chắc là có thương binh về hoặc Mạnh lại lên cơn khó thở. Tôi vẫn bình tĩnh xử trí cho An vì nếu có gì thì đã có anh Vinh ở ngoài. Mổ sọ não không đến nỗi phải khẩn trương như các phẫu thuật khác, nhưng cần đức tính kiên trì để xử trí vết thương. Khi tôi bắt đầu dẫn lưu ổ máu tụ trong não cho An, thì có tiếng người gọi thất thanh ngoài cửa hầm:

- Anh Vinh ơi! Anh Mạnh...

Với linh cảm của người cha, với hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn, tôi biết chắc chắn là Mạnh đã hy sinh. Lúc đó tôi có một cảm giác bàng hoàng rất khó tả. Tôi nghĩ rằng mình không thể làm được việc gì nếu mất Mạnh. Mắt tôi hoa lên, người lảo đảo. Không biết tôi đã mất bình tĩnh đến mức nào mà đồng chí y sĩ phụ mổ phải nhắc: "Chủ nhiệm run tay quá". Tôi vội trấn tĩnh lại. Con dao mổ trong tay tôi cứ lẩy bẩy trên vết mổ. Tôi nghĩ hay là mình giao công việc cho đồng chí phụ mổ, chạy ra với Mạnh một tí. Những năm tháng lăn lộn trong chiến đấu đã cho tôi nghị lực vững vàng anh ạ! Lúc đó tôi đã nghĩ được rằng mình phải tiếp tục cuộc chiến đấu của Mạnh giao lại, mà trận địa của tôi bây giờ là ở đây. Nếu tôi không dũng cảm lúc này, không xử trí tốt cho An, để An hy sinh tôi sẽ ân hận suốt đời. Đối với An tôi cũng là một người cha. Và lúc này An cũng đã thành con tôi rồi. Trong con người của An có bao nhiêu cái Mạnh đã để lại, sau lớp khăn mổ, gần đuôi lông mày trái của An cũng có một nốt ruồi. An hay bất kỳ đồng chí nào khác họ đều là đồng đội của Mạnh, đồng đội của tôi. Hôm ấy, trong những phút xa Mạnh đầu tiên, tôi thấy điều đó thiêng liêng lắm anh ạ. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Cứ vài ba phút, đồng chí y tá lại lấy khăn thấm mồ hôi cho tôi. Tôi chiến đấu như vậy bốn giờ liền để xử trí vết thương cho An. Và sau đó bốn hôm, An đã tỉnh lại.

Khi cuộc mổ xong, anh em trong đại đội Mạnh đã chờ tôi ở cửa hầm mổ. Tôi vừa ra, anh em ùa đến. Thọ ôm lấy tôi, giọng cậu ta xúc động lắm, nhưng không khóc:

- Con đã báo cáo kết quả trận đánh cho anh Mạnh trước khi đưa anh ấy lên đây rồi ba ạ. Ba hãy năng xuống đại đội với chúng con. Anh Mạnh dặn chúng con thưa với ba như vậy. Khi nào thằng An nó khỏi ba đưa nó về luôn...

Anh Thự kể đến đây thì có người đẩy cửa bước vào. ánh đèn pin lóa khắp nhà.

- Anh Thự có ở nhà không ạ?

- Có đây.

- Chính ủy mời anh lên làm việc.

Anh Thự ngồi dậy, vừa thò tay lấy đèn pin trong ba lô vừa nói với tôi:

- Chắc lại có nhiệm vụ mới rồi. Anh ở nhà nhé, tí nữa tôi về.

Anh Thự theo đồng chí liên lạc ra khỏi nhà. Sau cơn mưa trời đã quang mây. Vầng trăng cuối tháng nhô lên khỏi dãy núi cao phía đông. Bóng người cha đang đi nhanh sang khu đồi bên kia suối. ở đó có những ngọn đèn kín đáo đang thức.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com