Cứ mỗi lần về thăm bố chồng là bác sĩ Mai Tiến, Hạnh không khỏi ngỡ ngàng trước những phát minh, sáng kiến luôn lóe sáng trong bất kỳ một công việc nào dù bé nhỏ mà ông mó tay vào làm. Từ việc y đến việc nông. Từ việc chế biến nước mắm cho trạm xá dùng cho đến cả việc "Văn minh nhưng phải tiết kiệm" của những chiếc bóng điện 2,5 vôn lờ mờ thay cho những chiếc đèn dầu tù mù trong các gian nhà phụ. Đèn nê-ông chỉ tỏa sáng ở phòng chính khi tiếp khách. Và ngọn đèn bàn 40 oát chỉ được bật sáng khi bác sĩ cần nghiên cứu hay khám bệnh đột xuất vào buổi tối. Ngoài ra thì ánh sáng của tivi đã là quá đủ. Để rồi mỗi tháng một lần, ông bác sĩ già tinh quái ưa đùa dai lại được cười khoái trá khi thấy mặt anh nhân viên đi thu tiền điện của xã cứ dài thuỗn ra trước công tơ điện của nhà ông như bị mất cắp. ấy thế mà trong nhà ông chẳng thiếu gì đồ điện dân dụng nào là bàn là, nào quạt trần, nào tủ lạnh National 50 lít (mà chỉ có ông biết rằng nó đã hỏng từ tám đời, giờ chỉ đứng đó để làm cảnh và để ông thỉnh thoảng mở máy ra nghiên cứu cho thỏa chí tò mò)... Nhưng đối với anh nhân viên điện tệ nhất vẫn là từ cái loa điện được mắc ở trong cổng, chõ ra đường, có dây nối loằng ngoằng vào hiên nhà, lần nào cũng réo rắt "Chào nhé! Hạn ba tháng sau lại thế! Ba ngàn đồng... chẵn!".
Khu trạm xá của bác sĩ Mai Tiến, bố chồng Hạnh được cất theo hình chữ U. Trung tâm là ngôi nhà ngói ba gian hai buồng. Ba gian chính để tiếp khách. Buồng trái là nơi khám chữa và để thuốc. Buồng phải làm nơi ngủ và là nơi nghiên cứu, chế biến thuốc của bác sĩ. Hai dãy nhà ngang lợp lá cọ là nơi ở và bếp nước cho bệnh nhân... Phía trước sân nhà có vườn cây cảnh cũng uốn thế rồng bay, phượng múa, cũng hòn non bộ với những cây bon-sai trên vách đá tỏa bóng mát cho các cụ già bé xíu bằng gốm sứ ngồi câu cá, chơi cờ, uống rượu, đọc sách, và cả nằm khểnh gãi chân nữa. Xa hơn một chút và xung quanh khu nhà là những cây vải, bưởi, na, nhãn... Cây mát mắt tràn suốt xuống tận chân đồi, kết thúc bằng cái cổng gỗ lim đồ sộ được thiết kế theo lối của Nhật với một lô những ròng rọc, dây kéo, tời quay. Sao cho đứng ở trong hiên nhà chỉ cần với tay kéo vào cái vòng sắt, ngồi nhà cũng đã đóng mở được cổng, khỏi cần ra tận ngõ, và người ngoài không sao tự mở được.
Từ ngày mẹ chồng Hạnh mất, ông cụ ra ở hẳn trạm xá trên đồi Giỏ Cỏ, không về trong làng nữa. ở đây ông cảm thấy mình được tự do như cá về với nước. Tha hồ mà phát minh, mà sáng kiến. Ngôi nhà gỗ lim năm gian, sân gạch, tường vây, vườn cây ăn quả trong làng vốn là của thừa tự của dòng họ ông giao cả lại cho chị Lộc, người con gái thứ hai và cũng là người con duy nhất còn ở lại địa phương của ông trông nom. Hai vợ chồng chị phú quý theo kiểu giật lùi. Đang từ Trung ương anh chị xung phong về tỉnh. Từ tỉnh lại được tăng cường về huyện. Rồi từ huyện lại về làng làm hai "cụ" hưu non trẻ nhất trong sổ hưu trí của xã vì tội đẻ nhiều. Giờ đây với "tám cái tàu há mồm" lớn bé cả thảy, tháng nào chị Lộc cũng phải vay tiền ông mua gạo. Bác sĩ Mai Tiến ra đi nhằm tạo điều kiện cho gia đình chị Lộc tự mình phát triển kinh tế mà nâng cao đời sống khỏi phải nhờ vả ai. Ông chỉ mang theo một bức đại tự sơn son thếp vàng có hàng chữ Nho "Mai đại tôn" và một đôi trường kỷ bằng gỗ lim đen bóng. Đôi trường kỷ thuở ấu thơ của ông vẫn nằm lăn lên đó, chà tấm lưng trần nóng bức nhễ nhại mồ hôi của mình vào nó mà tận hưởng cảm giác mát rượi trong những trưa hè. Hai chiếc trường kỷ vẫn được dùng để tiếp khách, kê giữa nhà, tối qua lại được ghép lại thành một cái giường kỳ cục có bốn phía vây cao. Dù đã nằm trong nó vài lần, Hạnh vẫn không sao quen được. Vừa lạ, vừa buồn cười. Hai vợ chồng Hạnh cứ như hai đứa trẻ lại được chơi những trò chơi từ thuở lên năm, lên sáu đóng giả làm vợ chồng, dựng nhà bằng chiếu. Không sao ngủ được, trằn trọc đến một, hai giờ sáng cô mới thiếp đi. Tờ mờ đất, ông Mai Tiến đã đánh thức hai vợ chồng cô dậy: "Bố cần phòng cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Hai đứa vào phòng bố mà ngủ tiếp. Cơm nước buổi sáng đã có hai đứa hộ lý chúng nó lo. Dân thành phố chúng mày có dậy sớm cũng chẳng để làm gì". Tuy vậy, Điền vẫn dậy luôn cùng bố. Còn Hạnh, được lời như được vàng. Lòng thầm cảm ơn trời đất đã ban cho mình một ông bố chồng tâm lý, cô loạng choạng vào phòng bên, nhào vào tấm đệm bông lau êm ái và ngủ tiếp.
Khi Hạnh đứng bên chiếc tủ ly chải đầu thì đã trưa trật. Ngoài kia, nắng ngời ngợi lặng lẽ rót từng chùm ánh sáng trong suốt, vàng óng ánh xuống từng phiến đá mọng căng sức sống. Từng nhánh cây, ngọn cỏ dào lên lấp lánh trong gió sớm, đua chen hứng ánh mặt trời. Không khí ngọt mùi ổi chín. Chào mào thi nhau hót luýt chuýt trên ngọn ổi đào bên hông nhà. Tiếng chim lảnh lót, trong trẻo gọi miền thơ ấu của cô thời sơ tán dội về. Hạnh như vẫn còn ngửi thấy mùi chim nướng bọc lá bưởi thơm nhức mũi, món đặc sản của Điền, cậu con trai bà chủ nhà đãi bọn trẻ con thành phố nhà cô. Nước miếng bỗng ứa ra đầy miệng. Nào ngờ sau này họ lại nên vợ nên chồng.
- Chào bác! Mời vào! Chào bác! Mời vào! - Con vẹt của bố chồng Hạnh cất tiếng láu táu - Bác sĩ ơi, nhà đón khách! Bác sĩ ơi, nhà đón khách!
Lại có thêm bệnh nhân rồi. Lại những lời trầm trồ khen ngợi con vẹt mến khách. Ông Mai Tiến bảo rằng: "Mình bận tíu tít trong phòng khám, có cái anh cần vụ gác cổng chào khách ấy tuyệt hay. Ai tới cũng thấy ngay cái tình của chủ nhà đối với khách, nó rất ấm áp, nồng hậu...". Chỉ tới lúc này những lời rì rầm trò chuyện của đám người ngồi sát mé cửa phòng mới tình cờ lọt vào tai Hạnh:
- Nếu cô bệnh nặng, nhà xa thì cứ xin cụ được ở lại trạm xá cho tiện. Gạo muối mình tự mang tới là đương nhiên rồi. Nhưng củi lửa thì khỏi phải mang cho cồng kềnh. Cụ cho sang bên đồi của cụ cứ thoải mái vơ lá, cành khô mà đem về trạm xá đun nấu.
- Nhưng... cháu hỏi khí không phải... - Một giọng phụ nữ ấp úng, rụt rè - ... Có phải trả tiền giường không ạ?
- Trần đời nhà cô này! - Bà cụ vừa nói lúc nãy ré lên nho nhỏ - Đến tiền công khám chữa bệnh, tiền củi lửa cụ còn chả lấy nữa là. Cụ nhân đức như thánh sống ấy chứ. Ai lại đi lấy tiền thuê giường của nhà cô!
- Tôi thì tôi cho rằng thánh thế nào thì người trần mắt thịt chúng ta cũng chưa được rõ. Nhưng cụ là tướng thì đã rõ mười mươi - Một ông cụ già đế vào - Thằng con tôi bị cuốc bổ vào gót chân xuýt đứt văng cả mảng. Tôi phải buộc ủ lại rồi khênh nó lên bệnh viện huyện. Bác sĩ ở huyện bảo đưa lên tỉnh, trên đó người ta mới quen cưa chân, mổ bụng... Thằng cu nhà tôi, trai chưa vợ mới 17, 18 tuổi đầu nghe vậy khóc rống lên không chịu. Nó bảo thà chết chứ không làm anh cụt. May có người tình cờ đi qua nghe thấy liền thương tình chỉ cho đến cụ bác sĩ nhà ta. Ông ấy bảo rằng cụ bác sĩ ở chiến trường suốt mấy chục năm từ thời đánh Pháp đến hết thời đánh Mỹ chuyên cứu chữa vết thương cho bộ đội mình. Những vết thương nhỏ ranh thế này bác sĩ cứu chữa dễ như bỡn như người ta chữa vết lỡ dẫm phải mảnh chai. Thế là thằng cu nhà tôi bây giờ chỉ phải đi cà nhắc một chút thôi. Thành ơi!... - Ông già ngừng kể, gọi - Mày đứng dậy đi lại mấy bước cho bà với cô đây xem một tí...
- ờ, đúng nhỉ! Chỉ hơi phải kiễng chân một chút thôi.
- Cứ đà này thì một, hai tháng nữa cháu sẽ đi lại được bình thường như mọi người - Tiếng cậu thanh niên hồ hởi.
- Tài quá nhỉ! Người phụ nữ trầm trồ.
- Thì đã bảo cụ là tướng mà lại! - Ông già hạ giọng - Người ta còn rỉ tai tôi là cụ đã lên đến chức "Thiếu tướng dân y" rồi cơ đấy.
Hạnh vội bụm tay lên miệng suýt phì cười vì cái "hàm" mà ông cụ ngoài kia đã nghe được, tuy rằng bố cô đúng là một bác sĩ cao cấp. Nếu ở lại Hà Nội mở phòng khám tư, ông có thể quét ra tiền như người ta quét rác. Suốt mười mấy năm bôn ba trong rừng núi Trường Sơn cứu chữa cho bộ đội với số thuốc thang vô cùng ít ỏi, hiếm hoi, ông bác sĩ phải luôn học hỏi chắt lượm thêm các bài thuốc cổ truyền của đồng bào dân tộc Ê Đê, Ba Na, Vân Kiều... Những bài thuốc rất đơn giản chỉ dùng lá lẩu, cây cối quanh ta mà lại cực kỳ công hiệu để chữa sốt rét định kỳ cho tiệt nọc; chữa được sâu quảng cả ở giai đoạn cuối; chữa giun chui ống mật chỉ nhờ mấy nhánh tỏi và mật ong; chữa vô sinh; chữa xơ gan; chữa thận... Đặc biệt là chữa trĩ. Chỉ cần bôi thuốc của ông mỗi ngày một lần trong năm ngày, miếng thịt thừa sẽ tự khô quắt lại và rụng đi như trẻ con mới đẻ tự rụng rốn, mà không hề đau đớn chút nào...
- ... Khi tay phải cụ vảy súng lục bắn chết nốt tên biệt kích cuối cùng thì cũng vừa lúc tay trái cụ vá xong vết thương thứ hai mươi tư, vết thương cuối cùng trên đầu anh đại đội trưởng trinh sát bị dính bom bi.
- Cậu nói thế nào ấy? - Khâu vá thì phải dùng cả hai tay chứ! Hay cậu cho rằng bà không biết khâu? Cụ bà cười khanh khách.
- Thì chính chú ấy kể mà. Chú ấy nay vẫn còn sống lại còn làm giám đốc của cái công ty écxơcô gì ấy. Hôm cháu đến chữa thương được hai ngày thì chú ấy đánh ô tô riêng về thăm bác sĩ - Chàng trai thanh minh.
- Đúng đấy. Tay ấy còn bắt tay tôi rồi tự giới thiệu: "Tôi là kẻ chịu ơn cứu mạng suốt đời của thủ trưởng Mai Tiến. Hôm đó nếu không có một bác sĩ can trường, tài giỏi, bất chấp cả thám báo, biệt kích như ông thì khéo tôi toi rồi".
Ông già khẳng định.
- Cụ không chỉ biết bắn súng, biết mổ cả hai tay mà còn võ nghệ phi phàm nữa.
Cậu thanh niên chen ngang.
- Thật ư? - Người phụ nữ tò mò.
- Thì mấy cô hộ lý ở đây kể chuyện mà lại. Hôm ấy cụ đi mua thuốc cho trạm xá. Chẳng hiểu cụ mải nghĩ gì mà tông cả vào chiếc barie đã ngả xuống để chắn tàu hỏa, cắt ngang đường. Chiết Babetta đổ kềnh. Bánh trước suýt chạm vào thanh chắn của đầu tàu đang lao tới sầm sập. Về nhà cụ bảo rằng "May mà mình có tí võ nên mới lộn ra được".
Có mà may mà cụ đi chậm rồi lại nhờ có cái barie nó đỡ cho một phần nên mới ngã quay ra thì có. Đúng là cái chết trong gang tấc mà vẫn còn hài hước. Trách gì trong những câu chuyện truyền miệng về ông còn giống cả những chuyện võ hiệp kỳ tài trong phim chưởng của Hồng Kông. Không biết ở đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật và bao nhiêu phần trăm là sự phóng đại đầy thiện ý. Chiều hôm ấy Hạnh hỏi bố chồng về vụ vừa bắn súng vừa mổ cho thương binh. Ông Mai Tiến cười nói: "Cánh tay phải đắc lực chính là tên bố đặt cho người y sĩ trợ lý của mình. Nó thì bắn còn bố thì mổ". Thế mới biết miệng thế gian "Yêu nhau cau sáu bổ tư".
Mà họ có yêu kính cụ thì cũng phải thôi. Cả một đời cống hiến cho quân đội, khi xuất ngũ đại tá bác sĩ Mai Tiến chỉ mang theo về quê làm kỷ niệm chiếc bát B.52, vật bất ly thân của các anh bộ đội thời chống Mỹ. Các bạn bè chiến hữu cũ vẫn gọi ông là "thủ trưởng" vì ông vốn là cựu chủ nhiệm quân y sư đoàn 808 của họ. Con cháu, anh em, họ hàng lúc cần nhờ vả, cầu cạnh thường phong ông lên làm "thiếu tướng quân y" với cái lý do có chân rất chi linh hoạt của họ Mai nhà ta là "Hết bậc tá thì phải lên tướng thôi. Không lên ở trong quân thì lên tiếp ở trong dân. Xưa nay quân, dân ta lúc nào chẳng nhất trí với nhau như cá với nước...". Nhưng khi bất ưng, bực bõ họ lại giáng ông xuống làm đại tá thừa. ý nói ông có hẳn bốn sao lẽ ra là được lên tướng đến nơi rồi thế mà lại phải về vườn với vợ. Những lúc được phong tướng cũng như bị hạ tướng, ông Mai Tiến chỉ cười khơ khớ, bộ râu kiểu Stalin cong vắt rung lên khoái trá: "Cái lũ vuốt râu hùm... đất". Sáng sáng bệnh nhân và người nhà của họ vẫn kéo tới khám, chữa, xin thuốc xếp hàng ra tận cổng. Trừ những trường hợp bị bệnh đặc biệt đòi hỏi phải điều trị bằng thuốc Tây, còn thì bác sĩ cố tận tâm cứu chữa cho bệnh nhân bằng cây lá theo phương pháp y học cổ truyền, vừa hợp túi tiền của dân quê, vừa hợp với cơ địa của người Nam ta. Thậm chí nhiều trường hợp túng bấn quá, bác sĩ còn biếu không thuốc. Thành ra tiếng lành đồn xa. Cái chuyện "thiếu tướng dân y" nghe hơi nồi chõ, thiếu đầu thiếu đuôi, tam sao thất bản mà thành danh. Vả lại. Đối với một vùng quê nghèo nàn, cơ cực đâu đâu cũng một màu đất gan gà lổn nhổn đá dăm; đất nằm làm sân, đất ngồi làm bệ rào, đất đứng lên làm vách nhà, làm cổng; nghèo đến nỗi lần đầu tiên, người phương xa tới phải giật mình ngỡ rằng mình đang lưu lạc trong mơ sống lại giữa bức ảnh lịch sử Đồn chiến đấu của nghĩa quân Đề Thám cách đây đã hơn trăm năm, thì ông bác sĩ như một vì tinh tú trên mặt bàn dân trí của họ. Và cái hàm "thiếu tướng" của ông bác sĩ chỉ có nghĩa là thiếu thời gian để lên tướng thôi chứ ông thập phần xứng đáng.
Ông Mai Tiến là người đầu tiên của tổng đỗ Ceptipiraca. Là cháu ngoại của chánh tổng ông được đưa ra Hà Nội học nên có cơ hội gia nhập được một đoàn thể thanh niên theo tư tưởng chỉ đạo của luật sư Phan Anh: Thanh niên chống Pháp cứu nước, cứu nhà. Về làng ông trở thành người chỉ huy tự phát lãnh đạo thanh niên trong tổng đứng lên bảo vệ trật tự, trị an chống nạn thổ phỉ cướp bóc, dẫn dắt họ cùng tìm đường đi theo những người cộng sản. Tổng khởi nghĩa, ông cũng cắt cho đội quân của mình một lá cờ. Chỉ tiếc lúc đó ông chưa từng nhìn thấy lá cờ thật sự như thế nào nên ngôi sao vàng của ông có những sáu cánh. Và nó đã trở thành nguyên nhân tai họa của ông sau này trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Đội cho rằng ông định tổ chức một đảng khác không phải là Đảng cộng sản. Lại cộng thêm tội đổi tên chắc có ý đồ che giấu quá khứ, che giấu thành phần để rồi leo cao, luồn sâu. Ông có nguy cơ bị đuổi ra khỏi trường đại học quân y nơi ông đang được theo học sau bao nhiêu những năm tháng liên tiếp lập công ở các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Thu Đông, chiến dịch Điện Biên Phủ... với chức danh y tá quân đội. Quả thực tên đầy đủ của ông là Mai Hữu Tiền, nhưng khi được kết nạp vào Đảng cuối năm 1945, đồng chí bí thư chi bộ, người giác ngộ dìu dắt ông lúc đó đã phê phán cái tên đầy chất con buôn, vụ lợi cá nhân của ông, và đề nghị ông đổi tên. Say mê với lý tưởng một ngày mai thế giới đại đồng, bình đẳng, bác ái ông đã chọn cái tên Mai Tiến trong sự hưởng ứng nhiệt thành của đồng chí bí thư. May sao Cách mạng đã đi vào giai đoạn sửa sai và vị bí thư cũ của ông đã trở thành phó bí thư tỉnh ủy. Người cán bộ cách mạng lão thành ấy đã minh oan cho ông. Mai Tiến lại được học tiếp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y, ông trở thành một trong những vị bác sĩ quân đội đầu tiên đi vào chiến trường phía Nam. Và ông đã đi miết cho đến ngày Tổ quốc thống nhất năm 1975 mới về lại quê nhà. Các con ông đã trưởng thành trong một tay nuôi dạy của bà vợ đảm đang, tần tảo. Cô con gái lớn và hai cậu con trai kế tiếp đã lập gia đình ở Hà Nội. Cô con gáai thứ hai lấy chồng ở thị xã. Còn cậu út Điền là sĩ quan vô tuyến điện làm việc ở trong Thành mới cưới cô vợ tên Hạnh là giáo viên. Quê hương sau hơn mười năm xa cách hầu như chẳng có gì đổi mới vẫn cơ cực, nghèo nàn, lạc hậu cho đồi cằn cỗi, giao thông đi lại khó khăn hiểm trở và đang phải gượng dậy sau thời gian thắt lưng buộc bụng chi viện cho tiền tuyến. Vì vậy khi được mời tham gia các công tác của địa phương, ông Mai Tiến liền đem hết khí thế làm việc sôi sục, khẩn trương của mình ở chiến trường vào công việc được giao. Sự nhiệt tình, hăng hái của ông khiến các vị chức sắc lãnh đạo trực tiếp của ông trở nên căng thẳng đầy mệt mỏi và cảm thấy bị tiếm quyền. Dần dần với lý do là một bác sĩ tài ba nên sử dụng đúng tài năng kẻo phí, họ đưa ông về làm ở trạm xá xã. Lại cũng với lý do ông đã nghỉ hưu, không có biên chế chính thức nên họ chỉ định ông làm phụ việc cho trạm xá trưởng, một tay y sĩ con trai út của chủ tịch huyện có mớ kiến thức sách vở và thực tiễn chưa đầy một vốc tay nhưng lại luôn có ảo tưởng mình là một mầm non lãnh đạo của huyện nhà. Y luôn thi thố cái năng lực ấy trên đầu ông và trên đầu hai cô y tá chưa đọc đúng tên thuốc cũng là con các vị chức sắc địa phương. Ông không thể can tâm để cho thằng nhóc con vắt mũi chưa sạch chỉ đạo mình cứu ai và không nên cứu ai vì địa vị, thân thế của người bệnh. Để khỏi gây khó dễ cho ông chủ tịch xã vốn là người đầu tiên của họ Mai mon men được vào tầng lớp lãnh đạo quê nhà, ông Mai Tiến xin rời khỏi trạm xá, nơi thực chất đã bị biến thành cái vườn trẻ cho một nhúm con ông cháu cha dung thân và lợi dụng.
Đại tá Mai Tiến đem hết số tiền lương bao năm đi B của mình do bà vợ gom góp được để dựng lên một cái trạm xá theo ý mình. Một cái trạm xá na ná như cái trạm xá lưu động của quân đội nơi đã từng gắn bó máu thịt với ông suốt mấy chục năm trong quân ngũ. Các vị chức sắc của xã của huyện không một ai ý kiến gì trước cái trạm xá mới. ở đời mấy ai biết được mình sẽ mắc bệnh hoạn gì và chết chóc ra sao. Chi bằng cứ giữ hòa khí với vị bác sĩ giỏi nhất xứ, biết đâu có ngày sinh mệnh mình hoặc người thân của gia đình mình lại chẳng nằm trong tay ông.
Nhưng người ỉ eo chính lại là anh Hưởng chồng chị Lộc. Anh vốn là cán bộ kế hoạch của phòng thông tin văn hóa của tỉnh nay thất thế về làng trở nên rượu chè be bét. Suốt ngày anh lê từ quán rượu này sang quán rượu khác ca cẩm ông bố vợ hâm tỉ độ, ngu không biết cách xử thế nên mới không được ở Hà Nội để cho con cháu được nương bóng tiến thân nơi thủ đô. Có lần anh rượu vào nóng mặt nói thẳng với ông: "Bố có đầy khả năng mà dại chẳng biết kiếm danh cũng chẳng biết kiếm tiền, đã thế lại còn đổ hết của cải ra để phục vụ cái lũ dân quê nghèo rách bạc bẽo ở cái xứ chó ăn đá gà ăn sỏi này...". Ông Mai Tiến dướn mày, trợn mắt nhìn ông con rể, kẻ ngày ngày vẫn bỏ mặc vợ nai lưng cày bừa ngoài đồng, thản nhiên bưng bát cơm do ông trợ cấp hàng tháng, mà buồn bã lắc đầu: "Anh đã lên lão rồi mà không hiểu sao vẫn chưa trở thành người lớn được. Làm như thế là tôi được nhiều lắm chứ. Tôi được cái y đức của cụ tổ nghiệp để lại. Tôi lại để lại được phúc đức cho con cháu. Anh không học ngành y nên anh không biết, cụ Hải Thượng Lãn Ông đã dạy: "... đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được... Bố không thể biến mình thành một kẻ làm tiền trên xương máu và sinh mạng của con người. Giờ đây bố đã vào cái tuổi "Thất thập cổ lai hy". Bố thấy mình đã làm tròn trách nhiệm đối với tất cả. Cả Tổ quốc, cả gia đình. Từ giờ phút này bố tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi, cái quyền mà Nhà nước đã đãi ngộ bố từ lâu. Bố không nghĩ mình vĩnh viễn là một con bò, phải kéo cỗ xe trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm bẵm mấy ông bà lão về hưu khác cùng gia đình họ vì tội đã là cha của họ. Bố sẽ sống theo ý thích đã nung nấu trong lòng bố bao nhiêu năm nay. ấy là được đem nốt phần đời nhỏ bé còn lại đền đáp ít nhiều cho mảnh đất khốn khó, nơi đã sinh ra mình cho trọn đạo làm người...". Anh con rể im thít. Nhưng anh hận ông vì ông đã thản nhiên coi anh là một thứ ký sinh trùng bám trên lưng ông. Rồi lại càng hận ông hơn nữa khi anh vỡ lẽ ra rằng: đã bao lâu nay, ông bố vợ vẫn đi guốc vào đầu anh, nhưng lại thản nhiên để anh vô tư chia chác sử dụng những đồng tiền trong túi ông bằng những kế hoạch trên trời dưới biển nhằm moi tiền ông. Hẳn ông phải coi anh không hơn một con chấy. Ông muốn tẩy anh lúc nào cũng được. Giờ thì anh mới thấu hiểu tại sao cách đây ba năm, khi trao cho vợ chồng anh tấm giấy được quyền thừa kế khu đồi thông đã được năm năm tuổi (theo kế hoạch moi tiền của anh) ông đã khăng khăng bảo vệ một đám cây thìa là ông mới gieo. Lúc đó anh cười thầm một cách ngu xuẩn và vui vẻ rộng lượng nhất trí để ông già hâm tỉ độ, viết thêm vào giấy đó rằng "nhưng đám cây thì là không cho". Cái đám cây thân nhỏ như que tăm chưa đầy một tháng vào tay vợ chồng anh sẽ héo quắt xuống thành đám mùn bón đất! Niềm vui nông cạn ấy làm anh không nhận ra ánh mắt tinh quái và nụ cười giễu cợt ẩn dưới đám râu kiểu Stalin của ông. Để rồi giờ đây ông vẫn đếm từng cây thông trên đồi của anh và chỉ cho phép được bán cây nào ông thích, anh mới được bán.
Ông bác sĩ già đã sống đúng như tuyên bố của mình. Ông dùng toàn bộ tiền lương hưu cùng số tiền thu hoạch hoa trái trên đồi Giỏ Cỏ để duy trì sự sinh hoạt của trạm xá từ thiện. Bù lại thân nhân những người chịu ơn ông lại tình nguyện giúp ông cuốc xới, chăm bón ruộng đồi, thu hoạch hoa quả rồi bán sản phẩm hết vụ này sang vụ khác.
Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi theo sở nguyện của ông Mai Tiến cho đến một ngày mùa hè tai họa. Hôm đó bác sĩ Mai Tiến đỡ đẻ cho một phụ nữ đã sinh nhiều lần. Ca đẻ bình thường, mẹ tròn con vuông xong xuôi. Chiều đó bác sĩ đi khám theo lịch định trước cho một bệnh nhân ở cách trạm xá hai thôn. Không biết ở nhà đã xảy ra chuyện gì mà sản phụ nên cơn co giật, huyết băng xối xả. Cô hộ lý trẻ hốt hoảng tìm cách cầm máu và cho người đi gọi bác sĩ về. Không kịp. Tai họa xảy ra ngay tại trạm xá. Mấy người láng giềng, họ hàng của bác sĩ trừ một số trở mặt khoanh tay ráo miệng bình phẩm như những người dưng, số còn lại bỗng lặn đâu hết. Có người cháu họ ở gần bên còn nhắc lại rằng: "Tuy là họ hàng nhưng đã bắn bảy phát ca nông mới tới, còn láng giềng thật đấy, nhưng lúc này tôi chẳng ngu gì mà thò mặt ra. Công an người ta lại xách đi suốt ngày điều tra, xét hỏi. Mất công, mất việc có mà dại mặt...". Anh Hưởng hí hửng ra mặt. Từ nay ông bố vợ đã có vết. Ông không còn có thể lên mặt dạy bảo và coi anh như một mảnh giẻ rách, đáng chùi chân được nữa. Anh khoanh tay đứng ngoài xem thiên hạ, những kẻ được ông cống hiến cuộc đời cứu vớt, hại ông ra sao. Cùng với những kẻ bội nghĩa xung quanh, anh để mặc bác sĩ già lao đao với tai họa của mình. Biết bao kẻ vốn không ưa cái miệng lưỡi hay đùa bỡn mà lại sắc như dao của ông, nay được dịp váy bùn xuống ao, vẽ râu cho hùm. Mái tóc cứng cáp đen nhánh như thanh niên của ông già đã quá bảy mươi, xưa nay vẫn làm kinh ngạc mọi người, bỗng đổ trắng như cước xõa xuống quá tai, chưa đầy một tuần. May có Hội cựu chiến binh đứng lên đi lấy hàng trăm chữ ký của các bệnh nhân cũ vào đơn xin bãi miễn cho vị bác sĩ già, người đã dâng hiến cả cuộc đời, khối óc, bàn tay và tấm lòng cho đất nước, quê hương, và gửi lên các cấp có thẩm quyền. Ông Mai Tiến chỉ bị treo bằng trong hai năm và đền bù có thỏa thuận về kinh tế cho gia đình người bị thiệt mạng. Rồi cũng tai qua nạn khỏi nhưng nỗi lòng vị bác sĩ già trong cơn hoạn nạn được ông tự tay khắc thành tranh đá.
Bức tranh tạc hình ông Mai Tiến đang ngồi xếp bằng cởi trần trông khá giống. Một mái tóc bạc phơ được để mặc nay đã trùm xuống ngang cằm. Xương sườn giơ ra cả dãy. Ông già đó lại bế trong lòng một ông già nữa cũng mái tóc bạc dài đến ngang cằm, cũng bộ sườn giơ xương, cũng ngồi xếp bằng nhưng chỉ bé bằng đứa trẻ lên ba. Đường nét của bức tranh chưa chau chuốt lắm, chứng tỏ tay nghề chưa cao, nhưng bù lại thần phách của ông dường như toát lên hết qua đôi tràng mày vếch cao trên đôi mắt mở to trong sáng, tạo nên một cái nhìn như khoan xoáy vào mắt người đối diện. Một cái nhìn như soi xét thấu tỏ trầm luân đầy suy tư buồn bã. Ngược lại, bộ ria mép quả cảm kiểu Stalin dường như làm tăng thêm nét dí dỏm hài hước trên làn môi đang rướn cao như sắp buông một tiếng "ô" không biết là ngạc nhiên hay giễu cợt. Tất cả những đường nét khắc họa diện mạo lẫn lộn đó đã khiến cho gương mặt ông như đang ghìm nén một nụ cười nhếch mép đa nghĩa. Nụ cười trên đá là vĩnh viễn nhưng lại thay đổi ý nghĩa tùy trạng thái tâm lý và tâm can người nhìn mà trở nên có vẻ bao dung hay giễu cợt. Cái nụ cười ngoài đời thường khiến cho những người đối thoại có lương tâm không trong sáng phải điên đầu. Cái nụ cười ông vẫn hay dành cho lũ con cháu, anh em, họ hàng gần gũi. Những kẻ vừa sợ bị gần ông vừa sợ phải mất ông. Những kẻ không bao giờ lơi lỏng cơ hội lợi dụng ông khi có dịp, nhưng lại cũng chưa bao giờ không cao chạy xa bay khi ông cần. Hạnh cũng chưa bao giờ hiểu hết ý nghĩa sâu kín ẩn sau nụ cười đó. Nụ cười giống như những khi ông kể vui cho cô nghe những chuyện riêng tư người ta bóng gió về ông ngoài chuyện ông chữa bệnh. Kết thúc câu chuyện ông thường điểm cái nụ cười đa nghĩa ấy vào sau một câu hỏi rất nghiêm túc: "Người ta vu cho bố như thế đấy! Con thấy thế nào... nếu con ở vào địa vị của bố?". Và dường như thích thú vì dồn được cô dâu trẻ ngoài Hà Nội vào cái mớ bòng bong những lời đồn đại, đơm đại vô phương chống đỡ sau lũy tre làng, mái đầu bạc phơ của ông bác sĩ già lắc lư một vẻ khoái trá, khiến cho Hạnh phải ngỡ ngàng không hiểu vui hay buồn vì những dư luận không hay đó. Nhưng có một điều cô biết rất rõ là ông chẳng cần lời đáp. Ông chỉ hỏi để giải tỏa nỗi u uẩn trong lòng. Ông như dòng thác lớn đạp lên đầu ghềnh vách đá mà đi. Nếu gặp lại sự việc tương tự ông lại sẽ bước qua dư luận mà làm theo ý mình.
Để nguôi đi nỗi nhớ nghề nghiệp, vị bác sĩ già thuê một cô gái trẻ về làm người giúp việc để ông bắt tay vào làm kinh tế vườn đồi. Ông làm tổng chỉ huy còn cô gái vừa làm quản gia vừa là thư ký ông thuê mướn nhân công, giao dịch mua bán nguyên vật liệu, giống má... và cơm nước giặt giũ cho ông hằng ngày. Công việc vào guồng như theo quân lệnh. Đâu ra đấy. Mới hơn một năm mà hai quả đồi trọc vốn là của thừa kế ông dành cho mấy đứa con ở xa đã đơm hoa kết trái đầu mùa. Vải, nhãn, đu đủ, na, chuối xanh mơn mởn hứa hẹn những mùa bội thu. Chắc chắn ông sẽ thu tiền triệu. Người ta liền thổi rằng: "Ông Mai Tiến xúc vàng bằng ống bơ...". Rằng "Cô hộ lý cũ chính là con hoang của ông..." và "Cô giúp việc mới ở với ông theo kiểu già nhân ngãi..." Rằng "Cái con mảnh sành cong ấy đã làm mê muội ông già...". Những lời đơm đặt xúc xiểm khiến cô gái trẻ phải bỏ trốn biệt tăm. Ông già bỗng nhiên như người bị mất chân mất tay. Đến bữa ông phải tự chui vào bếp nấu ăn, tự giặt giũ lấy áo quần... Toàn những việc không tên nhưng lại chiếm mất của ông khá nhiều thì giờ. Lũ cháu chắt chỉ nghe kể đầu việc đã thấy oải. Ai cũng nhắn lại với ông rằng bận lắm, bận kinh khủng. Bức tranh đá của ông liền được khắc thêm những câu thơ mới.
"Phải việc con cháu trốn hết rồi
Một mình mình ẵm lấy mình thôi:
Nhớ lấy từ nay tên ta đổi
Qua rồi Mai Tiến đến thời Mặc Tao".
"Mặc tao à? Thế thì quả là hữu sự rồi!". Khi ông chú dượng có việc lên Hà Nội ghé vào chơi, kể chuyện ông Mai Tiến đang thuê người sùng sục đi tìm cô giúp việc cũ, Điền đã thắc mắc: "Từ xưa tới nay lúc nào cụ chẳng hành xử theo lối quân tử xuất thế nhập cuộc. Hẳn những ngày qua đã xảy ra nhiều việc khiến cụ đau lòng. Thôi Tết này cả nhà ta về ăn Tết với ông cho ông đỡ buồn...".
Giao thừa đã qua từ lâu. Lúc này có lẽ đã một giờ sáng ngày Mồng một Tết. Hương bánh chưng thơm ngào ngạt. Những chiếc bánh xanh bóng nhẫy mỡ đang nghi ngút bốc hơi nóng đã được xếp thành hàng ép dưới một tấm lim có đè thêm một chậu nước nhỏ. Những chiếc bánh chưng xinh xinh thơm nức treo trên cột nhà. Hai đứa con Hạnh yên lòng rúc vào nách ông nội mà ngủ. Bếp đã dập lửa. Than vẫn rực hồng hắt cái ấm cúng gia đình vào đêm đông mưa phùn lạnh giá. Hạnh lên nhà, chui vào chiếc chăn đã ấm rực hơi chồng, ôm lấy anh trong niềm cảm hứng hạnh phúc. Điền mò mẫm cầm hai bàn tay lạnh giá của vợ, kẹp vào nách anh ủ ấm. Họ nằm yên khẽ mỉm cười hít những mùi hương thân thuộc của nhau và lắng nghe tiếng mưa phùn nặng hạt đọng trên mái ngói nhỏ thành giọt tí tách nơi hiên nhà. Đôi lúc, một cơn gió nhẹ chắc là buốt lạnh khẽ lay động khua những cành lá ổi xạc xào vào cửa sổ. Hạnh đang lơ mơ hài lòng đi vào giấc ngủ. Bỗng có tiếng máy vang to dần trong đêm thâu, xé rách sự tĩnh mịch của làng quê, rồi đột ngột dừng lại ở ngoài cổng. Một hồi chuông rung lên khẩn thiết.
- Cụ bác sĩ ơi! Cấp cứu! Mở cổng cho cháu với! - Tiếng một người đàn ông hớt hải gọi ời ời.
- ở! Nghe thấy rồi! Mở cửa đây. Đừng gọi nữa các cháu nó mất ngủ! - Ông Mai Tiến đã mở cửa từ lúc nào. Như thể suốt đêm ông chỉ chực để chờ những tiếng gọi đó. Giọng tỉnh như sáo, ông nói thì thào vào chiếc micro của cái loa điện trong lúc tay với lên chiếc vòng sắt, khiến hệ thống ròng rọc rít lên kèn kẹt - Vào đi!
Điền và Hạnh lồm cồm bò dậy nghe ngóng trong chiếc giường kỳ cục. Ông Mai Tiến thì thào với người đàn ông ngoài hiên một lát rồi hé cửa bước vào nhà kéo theo một luồng gió lạnh tê tái ẩm ướt.
- Có chuyện gì thế hả bố? - Điền lo lắng hỏi.
- à, con dâu nhà Giàng nó trở dạ đẻ - Ông bác sĩ bị tước nghề với lấy cái túi hộp đựng dụng cụ y tế treo ở trên tường vừa nói vừa đi ra cửa - Nó đã đẻ được một thằng cu tí rồi nhưng vẫn còn một đứa mắc ngôi ngược chưa ra được. Họ phải viện đến thầy. Cô ấy yếu lắm rồi. Thầy phải đi thôi kẻo chết cả mẹ lẫn con.
- Nhưng mà thầy còn mấy tháng nữa mới được phép hành nghề! - Hạnh ngầm can ông bố chồng. Phần vì lo lắng cho sức khoẻ của ông già gần tám mươi tuổi phải đi ngoài trời giữa đêm đông mưa gió, phần vì lo cho sự an toàn của ông. Chẳng lẽ ông không hiểu rằng mọi sự khốn nạn của đời ông đều vì ba cái chuyện chửa đẻ của đàn bà mà ra cả!
- Vẽ. Cứu người hơn cứu hỏa. Đợi đến cái lúc đúng thủ tục hành chính mới cứu thì người ta đã sang tiểu vài năm rồi. Vả lại thầy sẽ rất cẩn thận - Ông ngừng lời trong lúc Điền lặng lẽ chồm dậy cài lại chiếc khuy bị lệch ở cổ áo măng tô dạ cho ông và quàng thêm vào cổ ông một chiếc khăn phu la ấm áp.
- Bố sẽ đứng ở ngoài nhìn xem có cứu được thì mới bước vào. - Hạnh cảm thấy ông đang giễu cợt cô một cách vui vẻ - Còn bây giờ đã có thằng bác nó đưa bố đi. Các con cứ yên tâm mà ngủ.
- Xin các bác gia ơn cho nhà em được đón bác sĩ đi cứu thím nó. Chồng nó đang ở tận hải đảo nên không đến xin các bác được. Em xin thay mặt chú nó đưa ông đi đến nơi về đến chốn an toàn.
Mãi sau này Hạnh mới biết ông bác sĩ già vẫn đi cứu người "lậu" cả năm nay rồi. Dân trong vùng vẫn cảm thấy mình gặp đại phúc khi rước được ông. Còn đêm nay Hạnh mới thấu rõ thêm lẽ sống của ông bố chồng sau bao năm làm con ông và hiểu rõ thêm niềm hạnh phúc lớn lao mà ông có thể cống hiến cho những người dân nghèo khổ quê mình khi "có ông đại tá bác sĩ trên đồi Giỏ Cỏ!".