Vào năm thứ hai thời kỳ "mở cửa", tôi nhận được thư chị Lành từ Mỹ gửi về. Bức thư gửi cho tôi theo tên làng, tổng, huyện, phủ và tỉnh y hệt như hồi chị mới ra đi. Tôi thật cảm ơn ngành Bưu chính đã tra cứu địa danh, tìm đúng địa chỉ xa xưa, mang thư trao tận tay người nhận. Phải nói bức thư ấy, chị Lành viết thật công phu. Chắc là phải đau đớn lắm để hồi tưởng lại chặng đường hơn 40 năm lưu lạc đầy gian truân của mình, chị mới viết nổi bức thư như vậy:
"... Hơn bốn mươi năm, quá nửa đời người, chị em mình xa nhau. Vật đổi sao dời. Nàng Kiều chỉ có mười lăm năm đoạn trường mà nỗi đau đời chất chứa. Hơn bốn mươi năm tha phương, bước chân vạn dặm của chị đã đạp lên chông gai, dấn thân trong cát bụi, nắng mưa... Thân phận con gái mong manh, đường đời không thiếu hang hùm nọc rắn, chị phải gồng mình lên để tồn tại.
... Chị biết bỏ lại bố già là tội bất hiếu, nhưng chị tin những người thân của mình sẽ cưu mang ông đến trọn đời.
Chị mong có dịp về quê, đứng trước mộ bố mẹ, mộ hai bác, thắp một nén hương tạ tội.
... ở bên này, chị biết có nhiều Việt kiều về góp vốn cùng đồng bào trong nước mở công ty làm ăn. Chị muốn về trong tư thế đó. Mong em hiểu cho chị...".
Năm lên tám, tôi mới bắt đầu học "khai tâm". Hồi ấy, chị Lành đã vào tuổi mười ba. Chị là con ông đồ Sửu. Ông bà đồ là người sống thanh bần, nhân nghĩa, là tấm gương cho cộng đồng làng tổng soi chung. Ông đồ vốn người hay chữ. Thầy tôi là chỗ thân tình với ông, nhưng không dạy học mà ra gánh vác việc làng. Tôi còn nhớ, người bảo: "Học khai tâm phải đến ông thầy hay chữ, có đức độ...". Thế là tôi được cụ đồ Sửu dạy cho những chữ đầu tiên. Cụ dạy cả Hán tự lẫn Quốc ngữ. Bấy giờ cách mạng đã có khí thế, nên nhiều người bỏ chữ Hán sang học Quốc ngữ. Thầy tôi bảo: "Con cũng phải theo thời thế, học Quốc ngữ thôi".
Trong số học trò nhập môn ông đồ Sửu, tôi vào loại bé nhất nhưng lại học giỏi nhất. Ông bà đồ quý tôi. Chị Lành coi tôi như em. Nhà ông đồ tiếng thế mà neo đơn. Khi lũ học trò chúng tôi về hết, nhà chỉ còn ba người. Ông đồ đọc sách, bà đồ may vá, chị Lành lo việc bếp núc. Lúc rỗi, chị cũng chúi vào đèn sách như ông đồ. Mãi sau này lớn lên, tôi mới biết ông đồ còn anh con trai học hành sáng dạ, thông minh có tiếng, đã theo cách mạng từ mấy năm trước, khi anh mới mười sáu tuổi. Quan huyện, quan Tây trên đồn để ý hành tung ông đồ, hay dòm dỏ xét nét, nhưng lâu rồi không thấy tăm hơi người con trai ông bà trở về làng nên chúng lờ đi.
Nhà tôi cách nhà ông đồ chỉ mấy ngõ, nhưng chị Lành sang nói với thầy mẹ tôi, tối tối cho tôi ở lại bên nhà cho tiện việc học hành, nhà thêm người thêm tiếng, đỡ trống trải.
Thầy mẹ ưng ngay. Thế là tôi chỉ ở nhà mỗi ngày có hai bữa ăn, còn đâu quanh quẩn với ông bà đồ và chị Lành. Nhiều hôm, tôi ăn cơm luôn bên nhà ông đồ. Tối tối, chị Lành bảo tôi ngủ chung. Mùa đông, hai chị em trải ổ rơm, đắp chiếu. Cả nhà có cái chăn bông, vỏ bọc là vải trắng nhuộm nâu, nhường cho ông đồ. Cùng ngủ chung ổ rơm với chị em tôi, còn có bà đồ. Chị Lành xếp bà nằm giữa, hai chị em tôi mỗi người một bên để thêm hơi ấm cho bà, nhưng bà bảo nằm thế, bà không chịu được, tuổi già hay cựa quậy làm mất ngủ mọi người. Tôi không nhận phần giữa ổ rơm. Thế là chị Lành phải nhận. Đêm đêm, nằm cạnh chị, tôi nghe hơi thở chị nồng nàn, ấm áp. Có hôm thức giấc, tôi thấy mình nằm lọt trong vòng tay chị. Cánh tay con gái ở tuổi mười ba đã tròn lẳn, mịn màng. Giấc ngủ ngây thơ, no nê của chị làm tôi không dám cựa quậy. Tôi lại thiếp đi trong vòng tay chị.
Ba tháng học khai tâm với ông đồ Sửu, tôi đã thành học trò thực thụ. Một hôm, ông bảo tôi: "ít bữa nữa, vào đầu năm học mới, ông đưa cháu ra trường tiểu học. Ra đó học cho chính ngạch, có bài bản để còn hòng thi cử học lên sau này. Sức học của cháu chẳng thua kém ai đâu...". Tôi chỉ hiểu lờ mờ những điều ông đồ nói. Mấy hôm sau, thầy tôi sang thưa chuyện với ông. Và hôm sau nữa, thầy tôi đưa tôi đến trường gặp ông đốc. Thế là tôi vào năm thứ nhất tiểu học mà thời bấy giờ gọi là lớp tư.
ở nhà được vài ngày, nỗi nhớ nôn nao ông bà đồ và chị Lành làm tôi cứ bần thần. Đúng lúc, chị Lành sang. Chị lễ phép thưa với thầy mẹ tôi: "Bố mẹ cháu nhớ em Tèo lắm (tên khai sinh tôi là Phùng Đăng Tèo), nên cho cháu sang đây nói hai bác xin cho em được đi về bên ấy như bữa trước cho vui cửa vui nhà...". Thế là tôi lại được đi về bên nhà ông bà đồ Sửu và chị Lành. Đêm đêm, tôi lại được ngủ cạnh chị, được chị bảo ban cho việc học hành, điều hay lẽ phải. Thầy mẹ tôi rất mừng, không đắn đo gì việc cho tôi đi lại bên nhà ông đồ. Chỉ có điều bọn trẻ con cùng lứa học hành dốt nát, nhưng "đom đóm sáng đằng đuôi" lại thóc mách chuyện tào lao. Nó bảo tôi: "Con trai bảy tám tuổi mà còn núp đít con gái mười ba, mười bốn... xấu xấu... ê ê...". Nhiều hôm tức quá, tôi đuổi theo chúng nó ném đất đá bôm bốp dọc đường và tính chuyện về nhà, nhưng nỗi nhớ ông bà đồ và chị Lành làm tôi không dứt ra được. Bọn trẻ trêu ghẹo mãi, chán thì thôi. Tôi đã thực sự gắn bó như một thành viên của gia đình ông đồ.
Năm tôi lên mười, học lớp nhì (bằng lớp ba bây giờ), chị Lành đã mười lăm. Chị phổng phao như một quả chín, hai má lúc nào cũng hồng hồng. Đôi mắt đen láy như hai hạt na. Sống mũi nhỏ, thẳng thắn trên cái miệng hay cười làm tôn vẻ đẹp dân dã mỡ màng, trinh bạch của con gái dậy thì. Đêm đêm, nằm bên chị, tôi đã bắt đầu thẹn. Hai bầu vú con gái mâng mấng của chị cọ vào lưng nhồn nhột làm tôi thấy hay hay, mỉm cười trong bóng tối. Tôi đã cảm được sức sống thanh xuân của chị qua từng cử chỉ, dáng điệu. Chị biết làm duyên và tự biết vẻ đẹp trời phú của mình. Công bằng mà nói, sắc đẹp như một thứ của báu dành riêng cho phụ nữ. Có điều chị Lành không bao giờ coi sắc đẹp của mình cao giá như thế. Mọi sinh hoạt của chị bình thường, giản dị hơn so với những thanh niên nam nữ cùng trang lứa.
Giữa lúc tuổi xuân của chị Lành đang phơi phới thì một tai họa trời giáng đổ xuống gia đình ông đồ. Vào cái đêm mưa gió, bà đồ dậy, lần mò đi tiểu, bị ngã, cấm khẩu. Thầy nọ ra, thầy kia vào nhà. "Hữu bệnh bái thập phương", nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là người nhà đi mời tất. Vốn dĩ đã nghèo, có được thứ gì đáng tiền đều dốc ra bán. Nhà vẻn vẹn chỉ có hai sào ruộng, cũng phải bán nốt. Trong làng, chỉ có Lý Đặng là khá giả. Tự thân ông đồ Sửu phải đến bán ruộng cho ông ta. Lý Đặng mua sào ruộng tốt, bỏ lại sào ruộng xấu. Ông ta còn hứa cho vay tiếp lấy tiền chữa bệnh cho bà đồ bằng khỏi. Vốn tin người, ông đồ tưởng Lý Đặng tốt với mình thật. Tiền bán sào ruộng hết, bệnh bà không thuyên giảm, ông đồ lại phải sang Lý Đặng. Ông ta cho vay lãi mười phân, ông đồ cũng chấp thuận.
Hàng chục thầy lang vào ra nát cửa. Mỗi ông mỗi bài thuốc mà bệnh bà đồ vẫn không thuyên giảm. Bà nằm liệt và rũ dần đi rồi tắt ngấm. Vốn không muốn để cho vợ mình "ra đi" trong sự nghèo hèn quá đỗi, ông đồ lại chạy sang Lý Đặng. Ông ta làm ra vẻ thương xót, đưa tiếp tiền cho ông đồ và đến viếng bà đồ hẳn hoi. Đang lúc ngặt nghèo, ông đồ chẳng nghĩ ngợi, cầm tiền rất vô tư. Bà đồ về nơi chín suối yên phận, còn lại bố con ông đồ trên mặt đất là người hứng chịu bi kịch cuộc đời.
Bà đồ chết, qua dịp 49 ngày, Lý Đặng cho người đi mời ông đồ sang nhà để đòi nợ. Sau đám tang vợ, ông đồ già thêm đến chục tuổi, lưng còng xuống, mắt hốc hác, râu tóc bạc như cước. Ông ngồi chết lặng như pho tượng trên góc sập gụ nhà Lý Đặng. Khi tỉnh lại, ông đành chấp nhận gả con gái mình cho con trai Lý Đặng là Sản, một cậu bé ốm yếu, còn kém chị Lành tới năm sáu tuổi.
Ngày chị Lành về làm dâu nhà Lý Đặng chỉ diễn ra khi bà đồ vừa trọn trăm ngày. Chị Lành cởi khăn tang mẹ, nuốt nước mắt vào lòng, cắp nón ra đi. Ông đồ Sửu ôm tôi vào lòng, mắt đỏ hoe. Tôi không dám khóc, sợ ông đồ buồn. Chị Lành nói nhỏ vào tai tôi: "Em đừng đi theo chị. ở nhà với ông, chăm sóc ông, đừng đi chơi xa, kẻo ông buồn". Tôi nghe lời chị. Thầy mẹ tôi cũng bảo giống như chị Lành dặn dò.
Bấy giờ tôi đã lớn. Mọi việc vặt ở nhà ông đồ, tôi làm được. Hàng ngày, tôi nấu nướng cơm nước phục vụ ông đồ. Ông đồ gọi tôi bằng con và xưng là thầy. Lúc rỗi rãi ông ngồi dạy tôi triết lý sâu xa trong sách thánh hiền. Ông siêng đọc sách hơn, lầm lì và ít nói hơn. Thầy mẹ tôi đi về nhà ông đồ, coi ông như người anh. Việc gì giúp được, thầy mẹ tôi đều sẵn sàng. Chị Lành bận việc bên nhà ông Lý, mươi bữa nửa tháng mới chạy chợp về thăm bố một lần. Những lúc con gái về thăm, dù buồn mấy, ông đồ cũng gượng làm vui.
Chia tay tôi, bao giờ chị Lành cũng ôm tôi vào lòng vuốt ve, nhìn ngắm. Mười lăm tuổi, tôi đã lớn phổng phao thành chàng trai thực thụ. Ngồi trong vòng tay chị Lành, tôi thẹn thùng giữ gìn ý tứ. Tôi thấy chị càng đẹp ra ở tuổi đôi mươi. Tôi không dám hỏi chị về chuyện hạnh phúc mà chỉ quanh quẩn chuyện học hành của mình, niềm vui nỗi buồn hàng ngày. Hình như có điều gì hệ trọng lắm, nhiều lần chị muốn nói với tôi rồi lại thôi. Những lúc ấy đôi mắt chị trĩu buồn, chị hay nhìn trộm tôi một cách xét nét. Chị về rồi, đôi mắt ấy cứ ánh lên vẻ đẹp, ám ảnh tôi mấy ngày liền.
Làng tôi có con sông chảy qua, bốn mùa nước trong vắt. Ăn uống, tắm giặt cho cả làng đều bằng nước sông. Những bến tắm đã trở thành nơi hẹn hò hay những cuộc tình bất chợt. Dòng sông đã chứng kiến bao nhiêu cuộc hẹn hò với nụ cười và những nắm tay e ấp cùng những cuộc chia ly đầy nước mắt. Mặt nước sông phẳng lặng giữ trong lòng nó đầy ắp kỷ niệm buồn vui của nhiều thế hệ người làng.
Lứa chúng tôi cùng uống chung dòng nước, cùng tắm táp vùng vẫy thỏa thích như ông cha mình trên dòng sông ấy. Dòng sông mang tên là Bình - sông Bình, nhưng làng thì không yên bình chút nào. Bao nhiêu cuộc đời là bấy nhiêu số phận. Bấy nhiêu số phận gộp lại đủ làm cho cái làng đông đúc chao đi đảo lại như rừng cây vật vờ trong bão.
Một buổi tối trăng sáng vằng vặc, tôi từ nhà ông đồ Sửu ra sông tắm giặt. Những bến gần làng bằng phẳng nhiều người, nước bị khua đục, tôi tìm lên tận bến vắng đầu nguồn. Vừa tắm xong lên bờ thay quần áo, chợt thấy bóng một người con gái xuất hiện. Tôi ngờ ngợ, lên tiếng:
- "Chị Lành!".
- "Tèo đấy à, em giỏi nhận người thế?"
- "Chị thì em nhận được ngay. Thế chị cũng đi tắm à?"
- "Đi tắm..."
Câu nói ngập ngừng bỏ dở. Tôi để ý thấy chị Lành không có vẻ gì muốn tắm. Chị vẫn đứng trên bờ.
Tôi giục:
- "Chị xuống tắm đi!"
- "ừ... cứ để mặc chị... Này Tèo ơi, chị có chuyện này... Chị em mình đến gốc đa đằng kia..."
Tôi đi theo hướng tay chỉ của chị Lành. Chị em tôi ngồi dưới gốc đa già, rễ xù xì, tán lá sum suê. Chị Lành mặc áo phin gụ cộc tay, cái yếm trắng lộ ra làm tăng thêm vẻ đẹp đoan trang trên khuôn mặt thanh tú. Giọng chị nhỏ nhẹ, ấm áp và sâu thẳm như từ cõi xa xăm nào vọng lại:
- "Chị về làm dâu nhà người ta đã được bốn năm. Chị đã sang tuổi hai mươi. ở tuổi chị, đáng lý phải có con bồng, ông bà Lý có cháu nội rồi. Chưa có con, chị phải làm lụng quần quật như đứa ở. Có lúc bà Lý còn nói cạnh nói khía rằng chị là đồ "đĩ đực", không đẻ đái gì được. Nhiều đêm, chị nằm khóc một mình. Chị biết... chỉ tại... tại chồng chị không có khả năng... sinh đẻ. Chị thương bố già, muốn có một đứa con để ràng buộc đời mình vào nhà người ta, thỉnh thoảng đi lại thăm nom bố cho tuổi già đỡ cô quạnh... mà cũng không... được...".
Chị Lành khóc. Những giọt nước mắt rơi rơi hai bên má, chảy xuống cổ. Chị đưa tay quệt ngang mặt, lần lần mở khuy áo rồi đưa tay ra phía gáy mở dải yếm. Chiếc yếm trễ xuống khuôn ngực chị lộ ra đầy đặn, nõn nà. Bầu vú con gái căng tròn động đậy. Cái cổ cao và đôi bờ vai chảy thon thả, ôm lấy khuôn ngực nở nang tạo thành một "tòa thiên nhiên". Thuở ấy, tôi đã đọc Truyện Kiều lõm bõm. Lần đầu tiên, tôi thấy "tòa thiên nhiên" mà Nguyễn Du miêu tả hiện rõ hình hài. Người tôi nóng ran. Máu nóng bốc lên mắt giật giật. Tôi bần thần trước vẻ đẹp ngồn ngộn đầy sức quyến rũ của chị. Tôi hiểu lờ mờ rằng chị muốn gì. Tay chân tôi khuềnh khoàng, thừa thãi. Chị tiếp:
- "... Đấy, em em... chả lẽ một người như chị thế này lại không sinh nở được sao?... Em có hiểu không. Tèo ơi?..."
- "Dạ, em hiểu..."
Chị chìa tay nắm lấy tay tôi rồi từ từ đặt bàn tay đứa em tội nghiệp lên ngực mình. Bàn tay chị nóng gần như chảo rang. Khi đầu ngón tay vừa chạm vào bầu vú chị, người tôi bủn rủn. Rồi như trong cơn mơ, chợt tỉnh, tôi rụt tay lại, vùng chạy một mạch về nhà.
Mấy hôm sau, thầy tôi nhận được những dòng chữ của chị Lành để lại:
"Thưa hai bác và em Tèo.
Cháu đành chịu tội bất hiếu với bố và mẹ cháu nơi suối vàng. Cháu không thể chịu đựng nổi tình cảnh con ăn đứa ở trong nhà ông Lý. Cháu phải ra đi để tự giải thoát mình. Tuổi già cô quạnh của bố cháu nhờ hai bác và em Tèo làm chỗ nương tựa. Nếu được hai bác cho em Tèo ở hẳn bên nhà với bố cháu thì thật là phúc cho bố cháu. Hai bác và em hãy tha thứ cho cháu. Mong có ngày đền đáp ơn sâu!
Đứa cháu và người chị bất hạnh
Đoàn Thị Lành"
Ngày ấy chị lên xe lửa xuyên Việt, vào nam, tìm đến đồn điền cao-su Phú Riềng xin làm phu. Mấy năm sau, ngày cách mạng thành công, chị gặp một người lính trong đoàn quân Nam Tiến cùng cảnh ngộ "thân cò phiêu dạt" xứ người, anh chị yêu nhau. Giặc Pháp quay trở lại Nam Bộ, anh tiếp tục cầm súng. Chị về vùng Thủ Dầu Một buôn bán kiếm sống. Rồi chị có với anh một thằng con trai. Kết thúc kháng chiến chín năm, Hiệp định Genève ký kết, chồng chị được phân công trụ lại miền nam tiếp tục cuộc kháng chiến. Vào những ngày quyết liệt sau Mậu Thân 1968, anh bị bắt. Không chịu được đòn tra của giặc, anh đã chiêu hồi. Chị lại một lần nữa nuốt nước mắt chịu miệng tiếng với đời nuôi con khôn lớn. Chiến tranh vào hồi kết thúc, anh sợ cách mạng trả thù nên vận động chị di tản. Chị không ưng. Anh trốn chị mang con nhập vào dòng người di tản, chấp nhận làm kẻ lưu vong. Rồi chị được chồng con bảo lãnh sang Mỹ. Sợ tuổi già bơ vơ không người thân thích, chị đành sang xứ người. Dịp may hiếm có đến với chị là một lần đi xem đoàn chèo Việt Nam biểu diễn, chị đã gặp được người đồng hương cùng tổng cũ (đơn vị hành chính lớn hơn làng thời phong kiến). Người đó là bạn học cùng thời, còn quan hệ với tôi đến giờ, nên chị em tôi nhanh chóng biết tin nhau:
Tôi đã viết thư phúc đáp chị Lành:
"... Thầy mẹ em và những người hàng xóm là chỗ dựa chắc chắn cho ông đồ. Ông nhắc chị luôn. Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn còn nhắc và cầu trời cho chị được bình yên. Ông bà Lý lần lượt mất hồi cải cách ruộng đất. Cậu Sản đi theo người cậu ruột làm việc gì đó tận Lào Cai, chẳng biết sau này thế nào.
... Làng ta bây giờ khác xưa nhiều. Lứa bạn trai bạn gái với chị đều khá giả. Con sông Bình vẫn còn đấy. Những bến tắm chỉ còn lại như nhân chứng một thời. Cả làng ăn uống, tắm giặt bằng nước giếng khoan. Chỗ chị em mình ngồi đêm ấy, thỉnh thoảng đi qua, em vẫn thấy rạo rực, dạt dào kỷ niệm. Cây đa đã thành đại thụ. ở làng, còn bà cố Đinh già nhất đã 101 tuổi. Bà bảo lúc bà lên năm đã thấy cây đa.
... Nếu chị tha thiết muốn được về thăm quê để tắm mình trong những kỷ niệm buồn vui thời tuổi trẻ, để thấy sự đổi thay của đất nước, con người, xin chị cứ về. Quê hương sẽ giang rộng vòng tay đón chị như đã từng đón những người con xa xứ. Không phải đợi đến khi có nhiều tiền đâu, chị Lành nhé...
Đoạn kết
Tôi có thể nhận được nhiều lời khen chê của bạn đọc, nhưng người phán xét trước tiên là chị Lành.
Tôi hoàn toàn thanh thản trước chị, một người mà suốt đời tôi hằng kính trọng. Một người mà trên đường lưu lạc đã có lúc trách tôi không hiểu lòng chị, không vì "nghĩa cử" mà cứu chị thoát khỏi bước đường lưu lạc hơn 40 năm qua. Với tôi, chị còn là một thứ hương hoa mà khi hoa đã tàn, mùi hương còn ngan ngát.
Cuối cùng, thiên truyện này là một nén tâm hương để kính viếng hương hồn thầy mẹ tôi, ông bà đồ và những người cùng thời ở làng đã sống thanh bần, nhân nghĩa, đầy sự hy sinh cao cả vì điều Thiện.