Bạn bè thường nói cô giáo Chi là người hạnh phúc nhất trong số những đồng nghiệp cùng trường. Cô mỉm cười cảm ơn, không thừa nhận cũng chẳng cải chính. Khái niệm hạnh phúc mênh mang, khởi đầu hay kết thúc ở đâu, khó mà minh định. Người nói hạnh phúc là đấu tranh. Nhưng cô lại nhẫn nại, chịu đựng. Kẻ bảo hạnh phúc là thỏa mãn mọi nhu cầu sống. Nhưng nhu cầu của cô đơn giản quá. Người khác sống ở mức đó chắc luôn miệng phàn nàn. Nếu hạnh phúc là giàu sang thì cô lại nghèo so với bạn bè, thân tộc... Một căn hộ 24 mét vuông tầng ba. Một ông chồng nghỉ hưu non hưởng trợ cấp "cả cục". Ba đứa con, một trai hai gái. Cuốn sổ tiết kiệm với số dư tám triệu ba trăm nghìn. Chấm hết. Nói hạnh phúc là chồng yêu con quý thì chắc đúng với Chi.
Cô lấy chồng khi mới là giáo sinh thực tập trường cấp hai. Phan, chồng cô tốt nghiệp trung cấp cơ khí ngành khuôn đúc. Chi sinh con gái đầu lòng được ít lâu thì Phan được gọi nhập ngũ. Lính cao xạ cơ động bắn máy bay khắp chiến trường miền bắc. Năm Mậu Thân trước khi đi B, Phan được nghỉ phép nửa tháng, giúp vợ ít nhưng quấy rầy lại nhiều! Anh để lại cho vợ cái bào thai để rồi cuối năm sinh thêm cậu con trai. Chồng là thượng sĩ không lương, vợ một nách hai con chẳng được hưởng quyền lợi gì. Chi một mình nuôi con và chờ đợi. Hết chiến tranh Phan trở về toàn vẹn. Là đại đội phó Quân giải phóng, anh được phiên sang hàm trung úy, có lương đàng hoàng. Nhưng về nhà thấy vợ con nheo nhóc vất vả, Phan quyết định xin xuất ngũ. Chưa đủ tuổi hưu anh đành nhận trợ cấp gọn một khoản để phục viên. Về nhà máy cũ đòi có quyết định chuyển ngành mới nhận lại. Anh ngại quay vào nam đổi giấy nên xin làm cho hợp tác xã. Phan khắc khuôn những chiếc huy hiệu, huy chương, huân chương nhỏ xíu rất tinh vi với đồng lương đủ ăn. Việc lớn nhất anh giúp cho vợ là sinh thêm đứa con gái!
Một thời gian hết việc, sập tiệm Phan đi khắc bút máy, cắt tóc, đôi khi nhận làm cái khuôn dép nhựa, đế giày kiếm được một món kha khá nộp cho vợ. Nhưng rồi chị cũng phải chu cấp cho chồng đi Trường Sơn tìm giúp mộ phần đồng đội cho mấy gia đình thân quen. Rồi họp quê quán, họ hàng, đồng đội. Là người năng nổ nhiệt tình lại mạnh khỏe, nơi nào anh cũng được bầu vào, trù bị, chấp hành, liên lạc, thường trực. ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng chưa bao giờ bị vợ phàn nàn rầy la. Chị nói đùa với các con:
- Bố mày tuổi ngọ, nghe tiếng kèn trận là rậm rật chân tay, càng chạy càng khỏe. Ngựa ngủ cũng phải đứng, đã nằm là chết luôn thôi!
Khi Yên, cô gái lớn xin được làm phiên dịch cho chương trình xuất khẩu lao động sang Liên Xô thì gia đình thực sự đổi đời. Cô gái tằn tiện thỉnh thoảng gửi cho bố mẹ và các em chút quà. Nhưng chẳng ai dám dùng mà bán hết cho con phe, lấy tiền mua hàng nội!
Sơn, cậu con trai thứ hai chăm chỉ học giỏi nhưng xin thi vào nông nghiệp cho chắc ăn. Trai thành thị muốn thành nhà trồng trọt chăn nuôi khiến mấy cô bạn chê là hâm! Tốt nghiệp kỹ sư, đi làm được một năm, Sơn thi xin học bổng Phrăng-cô-pho-ni và trúng tuyển. Cậu được đi Canada học ngành chế biến, đóng hộp thực phẩm. Thế là xong hai đứa. Cái Thủy, cô gái út thấm thoắt cũng tốt nghiệp trường Kế toán tài chính, xin được việc tại một ngân hàng nước ngoài, lương khá. Chị Chi đến tuổi nghỉ hưu. Hai vợ chồng chăm sóc cửa nhà, con cái có việc làm, mọi người cứ khen vợ chồng chị Phan sướng bằng tiên!
Tuy nhiên cuộc sống cũng có nhiều biến động lúc thịnh lúc suy; trong căn hộ êm ấm bỗng xuất hiện những tin chẳng lành. Khởi đầu là cô gái lớn. Yên yêu Đại, một nghiên cứu sinh luyện kim. Cô bao cho anh ăn học trong khi vật giá leo thang, học bổng không đủ mua bánh mì. Liên Xô sụp đổ, kinh tế đình đốn suy thoái, lao động làm thuê ngoại quốc mất việc đầu tiên. Đến một lúc Đại cũng phải bỏ học theo cô đi buôn. Họ không có vốn nên phải dựa vào những tay đầu nậu người Việt lang thang khắp nước Nga rộng lớn, rồi đến cả các nước Đông Âu để kiếm tiền. Yên cũng bớt xén gửi về cho bố mẹ được một số hàng hóa trị giá độ mười cây. Yên sinh con rồi phát hiện ra Đại đã có vợ con ở quê. Quan hệ trục trặc. Đại rượu chè trác táng bỏ mặc người tình và đứa con sơ sinh trong căn buồng thiếu năng lượng của mùa đông Nga đầy băng tuyết. Cô phải ôm con bay về nước nhờ cha mẹ giúp đỡ. Vợ chồng Phan rất thương con, không hề mắng mỏ, trách móc. Khi chú bé cứng cáp thì giấc mộng giang hồ lại vẫy gọi cô quay trở lại miền băng giá.
- Con nhất quyết đi bố mẹ cũng không ngăn cản, hãy để Đan Ly ở nhà ông bà nuôi dạy cho. Khi nào nó lớn sẽ tính sau!
- Xa nó con làm sao sống nổi. Sảy chân vấp ngã con sẽ tự đứng dậy được, bố mẹ yên tâm. Có khó khăn gì con lại quay về. Con biết bao giờ bố mẹ cũng tha thứ và bảo hiểm cho con.
Bà mẹ trao lại toàn bộ cả vốn lẫn lãi, số tiền cô gửi về. Cô chỉ xin nhận một ít nhưng bố mẹ không nghe.
- Một mình nuôi con nhỏ nơi đất khách quê người, khi cần biết nương tựa vào ai. Con phải cẩn thận giữ mình, đừng cả tin mà mang vạ.
Và thế là cô lại ôm con bay đi... Nửa năm sau Yên đã lấy anh chồng kém cô bốn tuổi! Trong thư cả hai đứa đều nói là rất hạnh phúc! Cả nhà hoảng hồn.
- Ôi sao con bé cứ thích đi trên dây như thế? - Bà Chi lo lắng. - Trượt chân lần nữa thì không gượng dậy nổi đâu.
- Em lo lắng hão huyền làm gì, tình yêu hiện đại cần những cảm giác mạnh. Mình đứng dưới lo cho nó. Nhưng anh tin là trượt chân nó sẽ bay lên như khí cầu chứ không rơi nữa đâu!
Chuyện cô chị vừa lắng đi lại đến chuyện cậu em. Tốt nghiệp thạc sĩ, Sơn xin làm cho một hãng đồ hộp ở Mông-tơ-rê-an. Nó có ý định lập nghiệp bên Canada. Nếu có việc làm ổn định liền hai năm nó sẽ xin được nhập cư chính thức!
Đọc xong thư, ông Phan đập bàn giận dữ:
- Trời ơi thằng mất dạy! Nó chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Cha mẹ, đất nước nuôi dưỡng bao nhiêu năm mà nó nỡ bỏ quốc tịch, quên công cha mẹ hay sao! Em hãy viết thư gọi nó về cho anh!
- Anh phải từ tốn, suy nghĩ kỹ đi. Nó viết thư xin phép, mình không bằng lòng cũng phải phân tích giảng giải. Cứng quá nó cứ ở lại anh làm gì nó? Như con Yên đấy, anh có giữ nổi không?
- Con Yên khác! Cái thứ vịt trời chửa hoang muốn bay đi đâu thì đi. Còn thằng Sơn là con một, chi trưởng họ Vũ nhà này. Nó phải thờ phụng gia tiên, phụng dưỡng cha mẹ làm trụ cột gia đình. Đó là nghĩa vụ không thể thoái thác.
- Anh ăn nói hay nhỉ! Trai gái đứa nào chẳng là con. Nhà nước còn cho xuất khẩu lao động. Thằng Sơn kiếm được việc thì nó làm. Chẳng hơn về nước, có hai ba nhà máy đồ hộp thừa người, thất nghiệp ăn bám, anh có nuôi nổi không?
- Trời sinh voi, trời sinh cỏ! Thạc sĩ mà sợ chết đói thì hèn quá. Chẳng qua là nó muốn sướng thân thôi. Nó không về là tôi từ.
Giận thì ông nói thế chứ bụng thì vẫn thương nhớ. Dù sao Sơn vẫn là đứa con ngoan. Đi học có chút học bổng cũng bớt xén dành dụm gửi về giúp bố mẹ. Nếu đi làm kiếm được tiền chắc nó cũng chẳng đến nỗi vô trách nhiệm, bất hiếu vô ơn.
Bà Chi tuy bênh con nhưng cứ nghĩ có hai đứa con lớn đều biền biệt xứ người cũng buồn. Vợ chồng già ăn tiêu chẳng là bao, lại có cô út giúp đỡ. Song chuyện tình cảm thì không bao giờ nguôi ngoai.
Ngồi buồn bà Chi giở những cuốn sổ lịch ra xem. Lấy chồng bao nhiêu năm bà có bấy nhiêu cuốn sổ. Bà viết kín 365 trang cho từng năm. Đấy chỉ là những cuốn nhật ký chi thu, ghi toàn những con số. Đôi khi cũng xen vào vài từ ngữ khô khan như địa danh, tên người, sự kiện... mà người khác không sao hiểu nổi. Nhưng với bà thì mỗi trang sổ đều là hồi sinh một mảnh đời quá khứ.
"20-12-1963 may áo dài 32 đ, chiếc quần trắng 14 đ". Làm bà nhớ đến ngày cưới của họ vào đúng đêm Nô-en.
"1-10-1964: 5 hộp sữa Liên Xô 8 đồng, 2 kg gạo nếp 2,2 đ", bà hình dung ra ngày bà đưa cô con gái đầu lòng từ bệnh viện phụ sản Cây đa nhà bò về nhà.
"6-2-1968: Mẹ cho 50 đ, anh Phan để lại 31,5 đ". Đó là ngày bà mẹ chồng ra chơi tiễn con đi B. Bà cho cháu tiền, còn Phan cũng vét túi đưa vợ đồng bạc cuối cùng, vì có mang theo cũng không tiêu được nữa.
... Đó là những sự kiện xa tít. Nét mực đã nhòe nhoẹt loang lổ trên trang giấy vàng ố của một thời gian khổ. Cuối những năm 80 rồi 90 nhiều tờ lịch đã ghi lại những con số tươi vui. Tiền chi vận đơn cước phí làm bà nhớ đến những thùng hàng con gái gửi từ Ôđétxa vừa cặp bến Hải Phòng, rồi tiền nộp lệ phí bưu điện để nhận đô-la của con trai từ Canada gửi về biếu bố mẹ, cho em gái...
Thủy thấy mẹ có vẻ thích thú một đống sổ cũ, cô hỏi:
- Toàn là những con số nhòe nhoẹt ghi trên những trang giấy nhàu nát bụi bậm. Mẹ đọc gì cho mỏi mắt?
- Đó là ký ức được khép kín, là số mệnh, là những trang đời của mẹ.
- Ký ức được "số hóa"? Hí hí hí! Nhưng đọc đi đọc lại có gì mới không mà sao cuốn hút mẹ thế?
- Sự kiện cũ rích, nhưng liên kết chúng lại vẫn phát hiện ra nhiều cái bất ngờ. Giống như bàn cờ, cả ngàn năm nay nó vẫn chỉ có bấy nhiêu quân. Nhưng hàng tỷ người bày đi xếp lại nó vẫn nảy sinh những thế mới. Mẹ thực sự ngạc nhiên khi thấy rằng nhà mình đã ngốn hết 25 tấn gạo, 1,8 tấn cá, 70 con lợn cỡ 60 cân, 30 tấn rau quả... Mặc hết 800 thước vải các loại. Một bác nông dân thạo việc muốn làm ra số vật phẩm trên cũng cần 25 năm. Một cô thợ dệt thủ công làm việc cật sức hai năm chưa đủ cho nhà mình mặc. Bốn năm sơ tán chạy bom theo trường, trên chiếc xe đạp "xăng mác" cọc cạch, mẹ đèo hai chị em, thồ đồ ăn vật dụng, len lỏi ngày đêm trên những con đường nông thôn gồ ghề lầy lội mẹ đã qua một đoạn đường 8.650 cây số. Mẹ nặng có bốn hai cân nhưng đã vắt ra nửa tấn sữa nuôi các con để giờ đây ba chị em chúng mày có tổng trọng lượng 150 cân!
Cô con gái ngạc nhiên:
- Trời ơi! Tất cả cái gánh nặng khủng khiếp đó đã đè lên vai mẹ?
- Tất nhiên bố con cũng gánh đỡ một phần. Thêm nữa nó dàn trải ra suốt chặng đường 30 năm nên mẹ không bị bẹp dúm.
Ông Phan ngồi nghe hai mẹ con nói chuyện cũng kinh ngạc:
- Đúng là mình mẹ đã phải gánh hết. Lấy nhau chưa được một năm thì bố nhập ngũ. Phụ cấp lính không đủ mua xà phòng. Mỗi lần về nhà lại còn móc ví của vợ để chi tiêu tiền tàu xe nữa. Hết chiến tranh trở về đời sống dân sự, muốn đi làm thì bị nhà máy từ chối. Bố phải kiếm việc làm linh tinh, lương lậu phập phù không nuôi nổi bản thân. Bố đúng là anh đàn ông vô tích sự.
Bà nhìn chồng ái ngại, thương cảm:
- Đúng là bố không có điều kiện chăm lo cho gia đình như mẹ. Trai thời chiến đi đánh giặc, vào sống ra chết, góp công sức cho thắng lợi cuối cùng.
- Sao bố không ghi lại thành tích để may ra tìm được điều gì mới lạ!
- Bố cũng có mấy cuốn sổ, nhưng chẳng có số liệu gì đáng ghi. Bố chỉ vẽ những sơ đồ trận địa, những con đường, dòng sông, cây cầu... đôi chỗ khẩu đội pháo, lán trại, đội hành quân, cả hố bom xe đổ, xác máy bay bị bắn rơi.
Thủy cười trêu bố:
- Thêm chân dung mấy cô thanh niên xung phong nữa chứ! Bố vẽ xấu điên, mẹ có nhìn thấy cũng chẳng buồn ghen.
- Tại bố vẽ kém thôi chứ những cô gái ấy rất đẹp.
- Nếu "số hóa" được những bức vẽ, con sẽ mở chung cho bố mẹ một trang "oép". Biết đâu có những người thích săn lùng quá khứ chẳng sưu tầm, truy nhập mấy thứ đó làm dữ liệu lịch sử!
- Bố có thể "số hóa" nhưng không phải theo thuật ngữ máy tính. Thí dụ như bức vẽ chiếc F4 của NAVY mang số hiệu 3041 bị đại đội bắn rơi tại chỗ ngày 3 tháng 11 năm 1968 tại đồi 623. Thời giá lúc đó chiếc máy bay cường kích siêu thanh F4C khoảng 2 triệu đô-la. Quy đổi ra vàng, (32 đô một ao-xơ) nó xấp xỉ 1,6 tấn! Chiến công đó chia đều cho 60 thành viên trong đại đội, phần của bố là 26,6 kg vàng! Đấy là chưa tính giá đào tạo của hai tên giặc lái. Dĩ nhiên đó chỉ là lượng vật chất bị phá đi. Chiến công không làm người lính giàu hơn xu nào nên chẳng ai thèm để ý tới nó. Song ta lập luận ngược lại, giả sử đại đội bố không bắn hạ được nó thì sao? Từ hàng không mẫu hạm, chiếc Con Ma đó có thể xuất kích 2 phi vụ một ngày. Mỗi phi vụ nó quăng xuống trận tuyến, làng xóm, thành phố, cầu cống, đường sá, hay chợ búa... của chúng ta là bốn tấn bom. Mỗi năm nó trút xuống đất nước mình khoảng 3.000 tấn bom đạn! Thiệt hại đó khó tính nổi, nhưng chắc chắn là rất lớn.
Bây giờ đến lượt bà vợ và cô con gái ngạc nhiên. Thủy xúc động nói:
- Con đã nghe đến đại thắng, đến những chiến công huyền thoại, những tượng đài hoành tráng vĩ mô. Nhưng nhiều điều gọi là "bé nhỏ" nằm sâu trong trang ký ức khép kín của mỗi người thế hệ trước thì con chưa lường tới. Ngay như bố mẹ mình mà con cũng không hiểu nổi. Đó là di sản tinh thần cao quý của gia đình mình.
Ông Phan cười.
- Nó cao quý, nhưng là thứ dễ cho mà khó nhận! Ngược lại các giá trị vật chất như tiền bạc nhà cửa thì dễ nhận, khó cho! Di sản tinh thần không thể trao lại cho những tâm hồn thờ ơ vô tâm. Chính vì thế mà cha mẹ cứ mong có đứa con kế nghiệp xứng đáng. - Ông thở dài. - Nhưng xem ra thì...
- Bố muốn nhắc tới anh Sơn chứ gì? - Thủy cười. - Con hy vọng kiếm được chút vốn chắc chắn anh con sẽ về. Còn nếu không, con kế nghiệp, bố lo gì? Con sẽ kéo thằng rể ngoan về đây, bố mẹ bằng lòng không?
Ông Phan cười gượng:
- Vô nam dụng nữ cũng xong, nhưng nhà mình nghèo chắc gì nó chịu nằm gầm chạn?
Bà vợ cười.
- Kế thừa gì thì kế nhưng riêng cái tư tưởng trọng nam khinh nữ của bố mày thì không thể chấp nhận được. Tiếp thu di sản tinh thần cũng phải chọn lọc con ạ!
Hai mẹ con cười vui vẻ khiến ông cũng phải hòa theo.