hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1010.htm

Trần Kim Trắc

Con của chồng

Chuyện thời nay nhưng giống hệt chuyện xưa, như ông bà ta thường nói: lịch sử lặp lại mà! Nên phải viết theo thể văn xưa đọc ngân nga dung dị nghe mới vui.

Việc thành lập nông trại, khuyến khích kinh tế nông thôn phát triển gần đây mới nghe nhựt trình nói, nhưng thực ra cốt cách từ thuở cha ông vẫn lưu cữu trong huyết quản đến lớp hậu duệ chít, chắt, cháu, con, nên còn nhiều lắm những lão nông tri điền. Tư ó vốn thuộc thành phần ấy. Bạn bè từ thuở lớp ba trường làng hỏi: - Tại sao tiền của có, cấp bằng chỉ thiếu một năm là đỗ đại học, tiếng Hoa có thể đọc sách Khổng Tử, tiếng Pháp lúc nào cũng kê đầu giường tác phẩm của Đuyma con, nhà cửa tiện nghi không chịu ở, lại đi lên rừng khai khẩn? Tư ó đáp, để rồi xem Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. Bữa nào có rảnh rỗi, các cha lên trển chơi với tôi, sẽ thấy mấy đứa chăn bò của tôi toàn là dân văn phòng ở thành phố, thất nghiệp hồi kỳ hợp tác xã thủ công dẹp tiệm, và mới đây suy thoái kinh tế, khi các con rồng châu á gặp khó khăn, khu chế xuất giải thể bớt công nhân tôi đã vớt các em lên trên ấy đầy một xe 12 chỗ ngồi.

Vào đây làm được trả lương, được học nghề, sau ba năm, nếu biểu hiện tốt sẽ cho ra làm chủ, trại ong gốc sẽ tạm ứng cho ong giống, vật tư, kinh phí hoạt động trả dần bằng sản phẩm để tự làm chủ.

Nhưng có điều kiện: phải cố gắng làm việc vì lợi ích của trại, không được lười biếng, không tham ô, không phá làng xóm để dân phiền trách. Nếu sai phạm không được ưu tiên như trên và cho nghỉ việc.

Mô hình ba năm làm công nhân nông nghiệp được ra làm chủ thành hiện thực đã ba vụ.

Riêng năm trước, có trường hợp phá lệ, một cô gái được ưu đãi cá biệt mới hai năm được ra làm chủ - Miếng đất hơi xa, nhưng đất tốt gần suối, ông chủ trại tạm ứng cho một gian nhà xây đơn sơ cửa nẻo kín đáo, có ba gian chuồng lợn sinh sản.

Người ta xầm xì: hồi mới ra riêng không thấy gì, nhưng gần đây thấy cô ấy mặc váy rộng, cần cổ cao, lông mày dựng, đi đứng khó khăn vì đứng thẳng vướng vụng không nhìn thấy ngón chân cái.

Chuyện ấy ở trên rừng, bà Tư ó làm sao biết được, chỉ thấy một tuần hoặc nửa tháng xe ông Tư ó về một lần - chở theo nào lợn sữa để quay, mít, đu đủ, chuối, nhãn, sầu riêng, cà phê v.v... và phong lan rừng nữa - nên bà vẫn vui vẻ trông coi cửa nhà, mỗi lần ông về như đêm động phòng huê chúc.

Tư ó xưa nay vốn kẻ chung tình, xót nỗi đường sá xa xôi, chưa già mà cô đơn trên chốn khỉ ho cò gáy bên góc rừng thưa như cảnh ngộ anh lính thủy viễn dương lênh đênh trên mặt biển, cả tháng cả quý có gái để giải sầu, lúc cái thằng người tự nhiên của tạo hóa nó lồng lên chẳng chịu nằm yên, bèn mượn đỡ vài giọt chung tình đem tạm ứng, những tưởng mây mưa rồi sẽ tạnh, ai dè tạo hóa cũng chơi khăm, hạt có gieo thì mầm có nẩy. Đến chín tháng mười ngày nở nhụy khai huê sinh hạ một tiểu thư tiếng khóc tu oa hòa với tiếng hát chim muông, không khí đồng rừng đỡ cô quạnh - cha là ó nên tên con là Quyên - Quyên Quyên gọi kép nghe thanh tao, như tiếng chim hót.

Ông Tư ó vui được đến ngày cháu bé biết ngồi, bụ bẫm dễ thương.

Lần ấy, ông về Sài Gòn, với vẻ gầy gò hốc hác. Bà lo lắng:

- Ông làm sao vậy? Có đau ốm gì không?

- Có gì đâu! Đang mùa vụ, việc nhiều quá, nghỉ ngơi vài ngày lại sức ngay thôi mà.

Bà vội vàng vào Chợ Lớn bổ thuốc Bắc: quy, thục, sâm, táo tầu, hạt sen, long nhãn về tiềm vịt béo cho ông bồi dưỡng. Bà biết đâu ông hao mòn vì tâm bệnh.

Cách ba gian có đôi vợ chồng trung niên, ông bà Ba Dần là bạn thời học của ông.

Ân tình sâu đậm có chuyện gì khó xử ông Tư ó thường đến giãi bày với hai ông bà bạn cố tri.

- Anh chị Ba ơi! Tôi khổ còn hơn tổng thống bị phanh phui vì chuyện tình ái. Những tưởng sắp đặt cảnh điền viên cho hai mẹ con cô ấy như vậy là vẹn toàn nhưng đâu có ngờ.

"Hồi sanh con cháu khó khăn quá, cô ấy chuyển dạ đến hai ngày. Tôi không rời một bước bên cạnh cô đỡ của phòng y tế địa phương. Thai nhi như linh cảm trước rằng ra đời là khổ nên đưa mông ra trước, dừng ở đó rất lâu, ỉa cho đời một giọt cứt su, tôi trông thấy rõ mầu vàng xanh ấy suốt đời không thể quên được, sau đó mới gập đôi chân và bụng lùi ra để chào đời.

"Sản phụ lại bị sát rau. Cô đỡ phải vuốt bụng cho cô ấy, cho đến khi một bà lão nắm đuôi tóc bảo há mồm cho vào cổ ngoài, cô ấy mới thở hắc một để yên lành vượt cạn.

"Hú! Hú! (người già không đủ răng khóc trông não lắm). Tội nghiệp cô ấy, chỉ hưởng được hạnh phúc bồng bế con thơ cho bú mớm cho đến khi trẻ biết mầu sắc. Anh chị nghĩ coi sinh nở như thế sức khỏe lấy đâu còn, tôi lại vụng về quá, lại phải giấu giếm làm sao chữa trị, cho vuông tròn, tôi lại công việc ngập đầu nữa. Khi anh em chạy về báo chỉ kịp đến, được một lời trối trăn rồi vĩnh biệt".

Bà Ba hỏi:

- Chị ấy trối với anh những gì?

- "Lạy chị ấy giùm em... chị ấy nuôi con giùm... em lạy! Em lạy...". Chỉ được có thế và đi luôn.

- Ôi! Vậy anh nói với chị Tư chưa?

- Nếu nói được, tôi đâu có sang đây cầu cứu anh chị?

Bà Ba Dần thân hành sang thăm bà bạn. Láng giềng chỗ thân tình qua lại thường xuyên chỉ đánh tiếng từ ngoài sân không cần gõ cửa.

- Này! Bà chị thân yêu! Chị phải lo cho sức khỏe mai sau của chị, chứ tôi thấy chị lu bu suốt ngày, nhà cửa rộng thế này, chị không đau lưng sao? Làm sao cố gắng sinh thêm một cháu gái, chứ lần lữa mãi, tuổi của mình không còn trẻ nữa đâu!

- Cao hứng gì vậy? Từng tuổi này rồi còn mang trống, không sợ phố phường cười cho ư?

- Chị may mắn thật, ảnh giỏi làm ăn, có bản lĩnh, năng nổ hơn nhà em, giá bà chị có đứa cháu gái nữa, đến lúc về già, nó hủ hỉ ở nhà với mình, đau ốm có đứa nó xoa bóp đấm lưng thì chị toàn phúc toàn mỹ. Chứ con trai bây giờ hả, chúng chỉ lo cho vợ chúng. Mười hai tuổi là chúng chỉ biết khi xòe tay xin tiền rồi biệt. Chị lại giỏi nghề gia chánh, phải có đứa cho chị truyền nghề, để thất truyền uổng lắm.

- Cái số thôi! Trời Phật cho gì được nấy.

- Hay là rước một đứa bé về nuôi. Tây đầm ở xa tít tè, thủ tục nhiêu khê, họ vẫn đến rước mình xin con nuôi. Mình bồng bế, chăm sóc thương yêu, quen hơi lớn lên có đứa hiếu thảo còn hơn con ruột.

- Ai người ta banh da xẻ thịt sinh ra tự dưng đem cho mình. Còn tiền của lấy đâu ra như Tây đầm?

- Nếu có người vì hoàn cảnh muốn gửi gắm một bé cho chị, chị có đồng ý nuôi không?

- Ai vậy?

- Nhưng mà chị rộng lượng bao dung em mới dám nói... Đàn ông mà, thường tình thôi, sảy nhà là có chuyện nọ, như con nít vậy, thèm của ngọt thấy kẹo là vồ ngay thôi. Tưởng chuyện qua đường đâu có dè có gieo là có quả.

- Chị nói ai vậy? - Bà Tư ó sinh nghi.

- Không đâu, chuyện có liên quan đến chị!... Đang khóc lóc với nhà tôi ở bển... Tôi sang đây là vì anh Tư ảnh sợ chị, cầu cứu với vợ chồng tôi... Hừm! Không biết nên nói là may hay là rủi. Cô ấy sinh nở khó khăn nên cháu mới năm tháng đã mồ côi mẹ rồi.

Bà Ba Dần kể tỉ mỉ tình hình xảy ra trên nông trại như lời ông Tư ó, rồi thấp giọng:

- Tình cảm của anh Tư bây giờ tiến thoái lưỡng nan, giao đứa bé về cho bên ngoại nó nuôi thì lương tâm trách móc, cho người khác nuôi thì suốt đời ân hận. Như con gà mắc tóc bên nhà tôi bây giờ, thiếu điều muốn về lạy chị để tạ tội, cầu cứu xin chị mở lòng hỉ xả từ bi thì đại đức của chị ví bằng Quan Âm Bồ Tát, Thị Kính nuôi nấng tiểu đồng ngoài Am Vân.

Bà Tư ó nghe như muối xát trong lòng nhưng ngoài mặt lộ vẻ bình tĩnh để nhử con mồi là ông Tư dám vác xác về.

- Chị về đi, để rồi tôi tính, tôi không tha cho ổng đâu, còn con cái nữa, chúng lớn cả rồi, làm sao đây để chúng không coi cha chúng chẳng ra gì. Không lẽ băm vằm ổng ra trăm mảnh cho voi dày ngựa xéo.

- Nhưng chị nên nghĩ lại, tội của người lớn, trẻ con nó có tội lỗi gì? Chị càng rộng lượng, anh Tư càng nể trọng chị, lá tìm cội thôi chị Tư à!

- Được, chị cứ về đi.

Bà Ba Dần tưởng bà Tư đã xuôi tai, vội vàng đứng lên từ giã ra về để báo tin lành cho hai ông bạn cố tri.

Mười lăm, rồi hai mươi phút, lắng nghe không thấy gì ầm ĩ, bà Ba Dần đẩy ông Ba ra bảo thả bộ dọc vỉa hè đến sát cửa nhà ông Tư ó nghe ngóng. Đến nửa giờ mới sinh nghi hay là sự im lặng trước cơn bão tố?

Lại nghe "Rét!Rét!", tiếng cửa sắt kéo ra, ông Tư ó đỏ bừng mặt có vẻ thất vọng, buông mình xuống ghế xô-pha:

- Chị có rượu cho tôi một ly.

Ông nốc cạn, dằn cái ly xuống mặt kiếng:

- Không xong rồi! Anh chị Ba ơi! Bả dứt khoát như treo miếng chiến bài: "Quyền của ông! Ông muốn đem con bé về đây thì đem, nhưng tôi đi! Bỏ nhà lại cho ông ở! Với tôi dứt khoát, mối nào một mối thôi! Tùy ông".

Ông Ba Dần rót thêm cho một ly rồi dấu cái chai - nháy mắt ra hiệu cho bà Ba vào trong. Hai vợ chồng hội ý với nhau một lúc rồi bước ra ngồi hai bên ông Tư rỉ tai: "Phải làm như vầy... như vầy...".

Anh chị em trên nông trại thấy xe ông Tư lên chở theo một ông Tây mắt xanh, tóc vàng, mũi cao. Người bảo là Mỹ, là Pháp, Đan Mạch... Ông Tây tươi cười vui vẻ rất cảm tình. Cơm nước xong, lại thêm chuyện lạ, ông ta đeo một cái địu mầu xanh, dân ở đây chưa từng thấy bao giờ. Địu đeo trước ngực, đặt bé Quyên Quyên ngồi như ẵm ngửa, hai chân buông thõng, bụng thít dây đai. Họ vây quanh, mừng mừng, tủi tủi, nựng nịu bé Quyên Quyên lần cuối trước khi em theo ông Tây về nước.

Ngày hôm sau, anh chị em nông trại lại thấy một chiếc ta-xi vàng từ thành phố lên, chạy thẳng vào sân. Bà Tư ó đeo túi bước xuống trông như cấp trên về thanh tra cơ sở. Ông Tư ó bước ra mừng rỡ, tự nhiên như ông giám đốc, làm ăn nghiêm túc không có gì sai phạm phải lo lắng.

Bà Tư vào, quan sát trước sau khắp lượt dặn sắp nhỏ lo cơm nước cho bác tài, vì xe bao ở lại chờ đến chiều đưa bà về.

Buổi trưa bà Tư không nghỉ ngơi, bà bảo là đi thăm qua công việc làm ăn của ông. Ai có thể tin lời đương sự, mặc dù ông đã bảo giờ này con bé đã lên máy bay cùng với cha mẹ nuôi về tận bên nước Na Uy tuyết trắng.

Bà tìm gặp cháu Hưng con trai của ông bà Năm Dần vì chuyện phòng the, chỉ có người ngoài cuộc mới khả dĩ có thể tin tưởng được.

- Bác trai nói thật đấy bác, bác cứ hỏi mọi người đi! Ai cũng thấy ông Tây đưa bé Quyên Quyên đi, địu ngoài trước bụng như thế này này! Con bé vậy mà có phước được đi Tây ngon ơ!

"Chỗ này đây là đất bác Tư phân cho cháu một héc ta mía, năm con bò. Cháu không nhận nuôi heo vì một mình nuôi heo lỉnh kỉnh lắm. Đất giáp ranh đây là cô người yêu của cháu, tìm hiểu lâu rồi, sắp cưới, hai đứa chung lại được hai héc-ta, bên cô ấy có nuôi heo.

"Còn gần suối kia là đó đó! Chỗ xây ổ đẻ của bác Tư, nhưng chuyện đã qua rồi như mưa dứt mây tan. Bác có đến xem không?"

Bà Tư vào gian nhà trống hoác, vài viên gạch kê giường còn đây đó trên nền nhà, treo trên dây còn một cái rổ làm nôi. Xuống bếp bà Tư cúi xuống cầm cái cán thìa một nửa cắm xuống tro, đó là một cái muỗng múc bột cho trẻ.

- Mộ của cô ấy ngoài kia, bác có ra xem không?

Bà Tư theo ra đến nơi thấy nắm đất lè tè, có dựng một bia bằng đá khắc tên Lê Thị Thơm, sinh năm 1970, hưởng dương hai mươi tám tuổi - cùng là nhi nữ bà Tư sao khỏi chạnh lòng cho phận hồng nhan mệnh bạc.

Trên đường về bà Tư gặp một quán lá, bà ghé vào mua cho Hưng hai gói thuốc thơm, tiện tay bà rút ví lấy ra hai tờ giấy năm chục dúi vào tay đứa con hai ông bà bạn cùng phường.

Bà Ba Dần về quê một tuần lễ. Rồi ta-xi đưa bà trở về. Bà khom khom bước ra thận trọng bế một cháu bé đang ngủ bọc trong tã lót. Bà bảo các con lấy hành lý, bế trẻ đi vào nhà.

Các con của bà vây quanh, không hỏi xuất xứ mà ngắm em bé trước đã. - Tình yêu trẻ là tính tự nhiên. Xét một con người, nếu họ biết yêu trẻ con là đã đủ thấy hai phần ba nhân cách rồi.

- Con gái chúng mày à! Ôi sao bé xinh thế, lông mi nó cong cong là!

- Reo to quá! Để bé ngủ, xem hai bàn chân này, ngón tí xíu đều không. Con ai vậy má!

- Họ hàng xa tít ấy mà. Mẹ nó gọi bà thông gia của má chồng cô Hai các con bằng gì... - Bà dấu mặt mỉm cười để chế thêm. - Sanh ra được mấy tháng mẹ nó mất, gà trống nuôi con đến trụi lông. - Ôi sao ở nhà quê họ đẻ lắm thế? Tía nó ở nhà nuôi con thì không đi làm ăn được đói cả lũ. Thấy vậy má xin về nuôi. Bây có chịu bế không?

Em bé giật mình thức giấc, trở mình vươn vai, bơi cả bốn chân tay lên không, đòi bế.

Nghe bà bạn về, bà Tư ó sang chơi.

- ở đâu ra vậy nè!

- Dưới quê chứ đâu! Đẻ ra nuôi không nổi tôi bế nó về, để mấy đứa nhỏ nó ham em khỏi đi bế con hàng xóm về chơi.

- Đưa bác bế tí nào! - Bà Tư ẵm bé, tung tung nhè nhẹ, vỗ vỗ lưng. Bà ngồi lên ghế, đặt bé lên bàn cho hướng về phía mình để ngắm: - Ôi sao tôi ưng bụng con bé này quá!

- Thôi đi bà chị! Tôi cực khổ bế từ dưới quê về đừng có giành. Cực khổ gì bằng nuôi trẻ con. Nhưng bà chị không có con gái, nên kiếm xin một đứa về nuôi. Từ Dũ thiếu gì?

- Ôi sao tã lót như thế này? Để tôi về lấy mang sang cho cháu. Tã lót quần áo của mấy đứa nhà tôi từ năm tuổi tôi giữ lại tất không sót cái nào. Chị khỏi phải sắm.

Trẻ hay ăn chóng lớn. Bé Phượng biết lẫy, biết lật, biết ngồi, biết bò, rồi biết đi. Mỗi tuần, mỗi tháng là một trò mới. Bú tay, ôm chân lên mút, nũng mẹ, úp mặt vào ai trêu không cho bà Tư bế, há miệng cho các chị vả để oa oa, sang nhà bà Tư chơi khi về "ạ!" thật to...

Lớn hơn tý nữa, thấy các chị trong phố đạp xe trẻ con ba bánh đòi đi, nhưng không biết đạp nên ông Ba Dần đặt ngồi sau lưng cho các chị lớn đèo, sướng im thin thít. Tây du lịch đi qua thấy thích dừng lại đưa máy ảnh bấm vài bô để lấy hình ảnh trẻ thơ nhiệt đới.

Khi bé đi vững vàng rồi biết tự mò sang nhà bà Tư lấp ló vịn cửa sắt để bước lên bậc thạch, cả nhà reo lên đúng như thơ cụ Huy Gô:

Thư giãn ra khi thấy trẻ thơ

Vô tư và vui vẻ

Ngày đẹp trời nắng ấm, bà Ba thích cho cháu mặc thun kẻ sọc ngang xanh đỏ bò sát thân hình tròn lẳn cho giống con trai, núc ních chân tay có ngấn, trông như em bé búp bê biết cười và biết nói. Bà Tư ó vồ lấy thơm chùn chụt lên làn da mát rượi. Có gì trong tủ kéo ra cho bé ăn, dỗ bé ngủ, đặt nằm lên giường cho bà ngắm. Có đêm bà Ba vui lòng cho nó ngủ "má" Tư. "Thỉnh thoảng một đêm thôi nhé, cho chị đỡ nghiền - trẻ nhỏ quen hơi - nó theo bà luôn thì tôi mất phần!".

Cho hay, khi con người vô tư, không có rào cản định kiến và những thứ chưa hề có trong bụng mẹ đến thời nhân chi sơ, trẻ nào ta thấy chẳng thương.

Ông Tư trên trang trại về. Bữa cơm chiều có bé Phượng sang, ngồi một cái ghế, bà Tư lấy khăn làm yếm che cổ cho bé, xé thịt cho cháu ăn, xong lại dỗ cháu ngủ đặt giữa giường. Ông bà nằm hai bên - Bé ở nhà quen ôm gối nên thích gác chân. Bé trở mình gác chân lên bụng ông, lại quàng tay ôm cổ. Hơi thở nhẹ nhàng ấm áp phả lên má ông, ông nằm yên không dám động để tận hưởng đến nhức nhối trong lòng.

Trăn trở mãi trong đầu không ngủ được. Còn dịp nào nữa để sám hối?

- Bà ơi! Bà còn thức không?

- Có việc gì vậy ông?

- Tôi còn một việc, đúng hơn là tội giấu giếm, chưa dám nói, không biết bà có tha thứ cho tôi không?

Vẫn im.

- Lần cuối cùng, không có nữa đâu, nếu không được nói ra, tôi chết không nhắm mắt.

Ông trở mình xoay hướng cho bé, đặt bàn chân lên bụng và bàn tay bé nhỏ lên ngực bà, đúng chỗ trái tim.

- Bà ơi! Con Phượng không phải tên ấy, con là Quyên Quyên, huyết thống của tôi đó!

- Vậy hả? - Trong đêm tối bà Tư chỗi dậy ôm Quyên Quyên vào lòng.

- Vậy đứa mà ông cho đi bên Tây là đứa nào?

- Đâu có đứa nào! Vì tôi sợ bà bỏ tôi bà đi nên tôi phải nghe theo lời sắp đặt của vợ chồng Ba Dần.

- Vậy cái ông Tây nào lên trang trại bế bé đi?

- Là cái ông Tây đóng phim trên truyền hình đó. Tôi nhờ và ông vui lòng giúp để lấy tài liệu xây dựng thiên tình sử.

Đèn trong nhà có bao nhiêu công tắc bấm lên hết. Anh con trai bị chói mắt thức dậy.

Bà Tư bảo: "Con sang bấm chuông gọi vợ chồng Ba Dần sang đây ba mặt một lời".

Ông bà Ba Dần sang: "Có gì vậy chị Tư?".

- Hai ông bà toa rập với thằng chả dấu tôi hử? Bây giờ đủ mặt bá quan, tôi tuyên bố dứt khoát. Hai ông bà phải giao con gái tôi cho tôi nuôi.

Ông quân sư Ba Dần hỏi:

- Con gái chị là ai vậy chị Tư?

- Con Quyên Quyên chớ ai. Mấy người lại đặt tên là Phượng để lừa cho tôi thương nó. - Bà Ba Dần không dấu được nụ cười bạn bè:

- Mà Quyên hay Phượng cũng là chim cả thôi! Mấy người thâm đểu lắm! Dám toa rập nhau dối gạt tôi.

Ông Ba Dần:

- Tội lừa dối "được khen" phải không chị Tư? Cái tình đi trước, lý lẽ đi sau chị ơi!

Bà Tư áp má thơm bé, nói như cảnh cáo:

- Ông đó nghe! Nếu tôi không thương con bé là một, nếu ông không ham mê chuyện làm ăn và phải lo sự nghiệp cho bao nhiêu người trên trang trại là hai, đừng hòng tôi tha thứ cho cái tật của ông! Bây giờ tôi phán xử như vầy, ông nghe hay không cũng phải theo! Sau đám cưới lo vợ cho con là thằng Đặng xong, nhà này tôi giao cho vợ chồng nó ở, tôi bồng Quyên Quyên lên trang trại ở để tôi kiểm soát ông. Còn mồ mả của cô ấy, ông phải xây cất cho đàng hoàng, để Quyên Quyên lớn lên biết nguồn gốc của mẹ, nếu không nó trách tôi.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com