Đã mấy chục năm rồi hai anh em tôi mới gặp lại nhau. Sau những cuộc chiến tranh đằng đẵng mấy chục năm trời, rồi lại đến lo công chuyện làm ăn, mỗi người mỗi cảnh chẳng có lúc nào mà nghĩ đến chuyện thăm viếng họ hàng.
Thế mà hôm nay anh ấy lừng lững xuất hiện mà lại đóng complê ca vát, rõ đúng là nhân vật thời đại đất nước đổi mới. Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông tóc bàng bạc mầu sương, đôi mắt hum húp mệt mỏi, chỉ đến khi anh nhoẻn miệng cười, trời, anh Hân! Vẫn cái cười hóm hỉnh, có duyên đã xua tan hết lớp thời gian phủ mờ trên khuôn mặt ngoại lục tuần.
Sau phút ôm chầm lấy nhau, lau mắt nhoèn ướt xúc động, hai anh em tĩnh tâm ngồi xuống sa lông nhấp chén trà sen, anh ngắm tôi lâu hồi lâu rồi thốt lên:
- Ôi bé Ngọc! Thế mà đã mấy chục mùa lá vàng rơi rồi!
Bao nhiêu hồi ức tuổi thơ tràn về, bé Ngọc hồi đó lên tám bây giờ sắp lên lão.
- Thời ấy ở Huế, em nhớ anh mê chị Thu Lý...
Anh ngả mình trên ghế, rút hộp thuốc bằng bạc chạm nổi, vẫn là cái hộp hình chim phượng xòa cánh. Ngày xưa tôi đã trầm trồ thán phục khi thấy anh Hân bật nắp hộp với dáng điệu thành thạo hào hoa, rút điếu thuốc châm lửa hút, nhưng vừa mới hít khói thì ho sặc sụa. Năm đó anh mười tám tuổi. Anh cần sắm cái hộp đó để chứng tỏ phong cách nam nhi.
Bây giờ anh lại bật nắp, nắp hộp không còn tự bật mạnh như trước, anh phải gỡ nắp ra, rồi rút một điếu từ tốn đưa lên môi bật lửa châm thuốc nhưng không hút mà lại đặt xuống cái gạt tàn. Im lặng, có lẽ những người thân gặp nhau chỉ nhìn nhau im lặng, là đã nói với nhau nhiều rồi, là làm sống dậy mọi hồi ức thơ ấu.
- Anh đã gặp lại Thu Lý hai lần... - Anh nhặt điếu thuốc đưa lên môi rít đỏ rực, rồi từ từ nhả khói, mắt mơ màng anh nói như người trong giấc mơ - Cô ấy vẫn như xưa, hoàn toàn không thay đổi...
Tôi ngỡ mình nghe nhầm:
- Anh nói sao, năm mươi năm rồi mà không thay đổi?
Anh thở dài, thốt lên cay đắng:
- ừ, vẫn đẹp hồn nhiên tuổi mười sáu.
- Chẳng lẽ thẩm mỹ viện của Pháp lại tài tình đến vậy?
- Không, đó là tạo hóa thật khôn lường.
Tôi chẳng hiểu gì, còn anh thì im lặng. Hồi lâu sau anh bắt đầu kể với tôi câu chuyện sau đây, mà có lẽ không phải kể với tôi, mà là suy ngẫm được thốt thành lời.
... Ngày đó tôi mê đắm nàng, nhưng nàng như ngôi sao xanh biếc trong đêm thẳm, tôi chỉ có thể ngước nhìn và ao ước. Một thằng học sinh trường litxê (học sinh bậc tú tài) đi trọ học trong một căn gác nghèo, tiền cơm tháng do bố mẹ ở quê gửi lên. Một thanh niên quê mùa và nghèo hèn. Còn nàng ở trong tòa biệt thự kiểu Pháp, có vườn bao quanh, kẻ hầu người hạ ăn mặc còn sang hơn đám học sinh như tôi.
Hàng ngày tôi đứng bên gác xép nhà bà chủ trọ, ngóng sang đợi chờ phút thiêng liêng của mỗi ngày, giờ nàng đi học về, bước từ xe tay xuống và thướt tha đi vào nhà. Con chó bông trắng nhảy cỡn quanh nàng, nàng ngồi xuống vuốt ve nó, có lúc nàng còn ôm đầu nó, ghé má ấp vào cái mũi đen ướt của nó. Ôi ước gì tôi được hóa thành con chó nhỏ ấy! Chỉ cần được nhìn ngắm nàng như thế là đủ cho một đêm vui sướng lâng lâng với những giấc mộng vàng.
Nếu hàng ngày con chiên ngoan đạo cần ngắm nguyện trước Đức Mẹ Maria để lòng được thanh thản, thì Đức Mẹ Maria của lòng tôi chính là Nàng.
Thế rồi một buổi chiều, tôi nhìn thấy bên tòa biệt thự ấy, không phải là chiếc xe tay kéo, mà là một chiếc ô-tô sang trọng, đen bóng, và từ đó bước ra một chàng trí thức (tôi đoán thế vì thấy anh ta mang kính trắng). Tay ôm một bó hoa hồng, anh ta bước đi mới chững chạc đàng hoàng làm sao, thật là một đấng hào hoa phong nhã. Anh ta vào nhà rất lâu, tôi đứng bên cửa sổ đã chồn chân, mới thấy anh ta được nàng tiễn ra cổng. Họ dừng lại nói chuyện hồi lâu bên cạnh xe, lúc đó anh ta rút trong túi ra hộp thuốc bằng bạc, bật nắp rút thuốc và khoan thai bật diêm châm lửa hút. Trời, phong thái mới thật là cao sang!
Từ hôm đó tôi quyết tâm phải mua bằng được một cái hộp bạc như thế, và bắt đầu tập hút thuốc. Chính lần ấy tôi đã đến nhà chú thím để khoe với cô cái hộp đẹp ấy, và bây giờ tôi vẫn giữ đây này, cũ rồi nhưng tôi không thể nào thay cái hộp khác được. Các con tôi cứ chế giễu tôi, nhà ngoại giao mà dùng thứ đó mất cả tư thế. Tôi bào chữa: đồ cổ mới quý! Chúng nó thì hiểu sao được kỷ niệm quý giá thế nào.
Khi đỗ tú tài phần thứ nhất, cha mẹ tôi mừng lắm, để khuyến khích tôi học hành, các cụ gửi thêm tiền hàng tháng để tôi may mặc bằng người. Tôi đã sắm đủ bộ cánh như những học sinh thành thị, tuy nhiên vẫn phải đi bộ đến trường, sắm được xe đạp thời ấy phải là con nhà giàu mới mua nổi.
Mỗi lần đi qua ngôi biệt thự ấy, tôi thường căn đúng giờ, lúc nàng bước lên xe để đến trường. Tôi gắng bước đi thật chững chạc, có lúc cũng dừng lại bật nắp hộp lấy thuốc để hút, dáng vẻ trầm ngâm suy tư, cố giữ thẳng đầu để không ngước nhìn hút theo chiếc xe kéo bon bon chạy.
Tình yêu mơ mộng ấy bỗng vỡ tan như bong bóng xà phòng khi Cách mạng Tháng Tám bừng lên một thời đại mới. Tôi gia nhập Vệ quốc đoàn "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu..." và quyết "Một ra đi là không trở về...". Nàng không còn ngự trị trong tâm hồn tôi nữa, mà lúc này tôi sống giữa đồng đội "Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường"...
Những lời ca hào hùng ấy là những rung động của trái tim tôi thời kỳ đó. Gia đình, trường học, tình yêu đều trở thành vô cùng nhỏ bé, thậm chí có lúc tôi đã tự giễu mình về cái sự lãng mạn vô duyên ấy. Thế mà thỉnh thoảng trong giấc ngủ nơi chiến trận, hình ảnh khuê các của nàng lại hiện về trong giấc mơ, khi giật mình tỉnh dậy lại buồn cười nghĩ: chẳng hiểu cái cô tiểu thư ấy lúc chạy giặc tản cư thì có phải đi xe kéo không nhỉ?
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp trôi qua như một dòng thác lũ, cuốn trôi phăng cả chế độ thực dân, và cuốn mất tăm cả nề nếp gia phong nho giáo, cùng với những kỷ niệm xưa.
Tôi đã quên hẳn nàng và đã yêu nhiều lần. Tôi yêu một cô y tá ở trường Lục quân, sau đó lại yêu một cô dân công trong chiến dịch Điện Biên, rồi suýt nữa lấy một cô bần nông trong cải cách ruộng đất. May nhờ cái tính vốn mơ mộng đa cảm, nhưng lại rụt rè trong hành động, cho nên những cô ấy cũng chỉ là những hình ảnh xáo trộn tâm trạng nhất thời mà thôi. Đến khi hòa bình lập lại tôi lấy vợ, một nữ công nhân nhà máy dệt, một người đàn bà khỏe mạnh, hiền hậu và đảm đang.
Tôi tự hào về cách chọn lựa của mình, vừa đúng lập trường lại vừa yên ổn gia đình. Đó là hậu phương vững chắc của người lính. Tôi đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tâm trạng bình thản, tự tin của người từng trải chiến trận.
Nhưng, những ngày kháng chiến này sao mà dài thế! Một ngày đêm chỉ hai mươi bốn tiếng mà dường như không chịu trôi đi cho: đêm đêm hành quân dọc Trường Sơn, lê chân nặng nhọc chỉ mong chóng sáng để được nghỉ ngơi. Ngày ngày nằm ẩn dưới hầm hào, rung chuyển váng óc vì bom rải thảm, lại mong chóng tối để tìm chút tĩnh lặng. Ngày này qua ngày khác, chai sạn đi trong gian khổ, đầu óc chỉ có mỗi mục tiêu: đi và đánh.
Vậy mà ngoảnh lại, hai mươi năm chiến tranh đã vụt qua như một ánh chớp. Chiến thắng lừng lẫy giải phóng miền nam.
Thế mà vừa hòa bình thống nhất, bước chân vào Sài Gòn hoa lệ, thì ý nghĩ đầu tiên là tìm gặp Nàng, làm như cuộc đi bộ suốt ba mươi năm ấy chỉ một mục đích là đi tìm nàng.
Thì ra những tình yêu đầu đời có sức bền dai dẳng ngoài ý thức mình. Tình yêu ấy đã chìm lắng trong tiềm thức.
Ngày đó tôi là một đại tá, một sĩ quan cao cấp của đội quân chiến thắng. Hào quang anh hùng của dân tộc tỏa sáng, khiến tôi lúc ấy cũng tự thấy mình oai phong lẫm liệt.
Tôi đã tìm ra địa chỉ nhà nàng. Ngôi biệt thự sang trọng hiện đại, lớn gấp mấy lần cái biệt thự ở xứ Huế trước kia. Tôi run run đưa tay lên bấm chuông, cảm giác hãi sợ hồi hộp y như lúc trước đứng chờ đợi nàng lên xe tay để đến trường mỗi buổi sáng.
Một anh người nhà ra mở cổng, anh ta cung kính cúi đầu thưa:
- Dạ thưa ngài, ngài cần gì ạ?
- Tôi muốn gặp bà Thu Lý.
Loáng qua mắt anh ta một ánh hãi hùng, anh ta lập cập thưa:
- Xin mời quý ngài vào.
Tôi dướn thẳng lưng, bước đĩnh đạc, cố giữ vẻ điềm tĩnh. Vào đến phòng khách, tôi choáng mắt trước căn phòng mênh mông kỳ ảo. Định thần lại tôi mới nhận ra bốn bề đều lắp gương phản chiếu, nên đồ đạc hiện đại như được nhân lên nhiều lần.
Cửa phía sau hé mở, một bà to béo, lộng lẫy phấn son, tóc uốn cao đen nhánh mầu tim tím, màu thuốc nhuộm. Bà ta đi ra nhẹ nhàng với nụ cười trên môi, nhưng giọng nói run run không giấu được nỗi lo sợ.
- Kính thưa ngài, ngài cần gặp tôi ạ?
Nàng đấy sao? Người đẹp trong mộng của tôi? Tim tôi hụt hẫng, lòng trở nên nguội lạnh, tôi chẳng còn là tôi nữa, nói gì với người đàn bà xa lạ này nhỉ?
Tôi đành gượng gạo nói:
- Tôi là Hân, khi xưa ở Huế cạnh nhà chị, không hiểu chị còn nhớ không?
- Ôi trời, thật mừng quá sức. Không ngờ những người cộng sản như anh mà cũng tình cảm như thế.
Chả lẽ lúc này lại phải giải thích dài dòng về tâm hồn cộng sản, tôi bèn lấy hộp thuốc ra bật nắp rút một điếu, định dùng thuốc che giấu sự lúng túng. Bỗng bà ấy cười vui vẻ:
- Tôi còn nhớ hồi đó anh mới tập hút, cứ ho sặc sụa hoài.
- A! Thế ra chị cũng biết chuyện ấy sao?
- Thì hàng ngày tôi vẫn dõi nhìn theo anh mà!
Niềm vui sướng muộn màng ấy làm tôi sững sờ, tim như ngừng đập. Nàng cũng chú ý đến tôi sao? Hình như mắt tôi hoa, Thu Lý vừa hiện ra ở cửa, nàng cao mảnh mai, mái tóc thề xõa ngang vai, áo dài trắng, tay xách cặp, nàng vẫn chỉ mười sáu tuổi. Tim tôi đập dội lên như thuở mười tám.
- Con chào má.
Bà ấy vui vẻ bảo con:
- Con chào bác Hân đi. - Quay sang tôi bà giới thiệu - Đây là Thu Lý, con gái út của tôi đó!
Đúng là Thu Lý rồi. Chợt lúc đó tôi nhìn thấy một ông khách, mặt béo phì phị, da xám xỉn, mặt đầy vết nhăn, tôi nghĩ lão già nào ấy nhỉ, sao lại nhìn mình chằm chặp thế kia.
- Con chào bác. Con xin phép vô nhà.
Giọng Nam bộ dịu dàng, nàng không nói tiếng Huế nữa sao? Tôi nhìn theo ngơ ngẩn, vẫn dáng điệu uyển chuyển duyên dáng ấy, nàng khuất sau cánh cửa. Tôi quay lại với bà chủ, và lúc này tôi chợt nhận ra lão già trước mặt chính là mình trong gương. Một câu hỏi nhói buốt tim, có lẽ nàng cũng thất vọng như mình, chàng thư sinh xưa đâu còn nữa.
Tôi vội cáo từ ra về, mặc cho bà ấy nài nỉ mời ở lại dùng bữa với gia đình...
- Đấy là lần thứ nhất, thế còn lần thứ hai vào lúc nào? - Tôi háo hức hỏi, còn anh trầm ngâm im lặng, lát sau mới chậm rãi nói.
- Vừa gặp lại hôm kia, ở Paris.
Tôi nhổm dậy bồn chồn, thế là anh vừa ở Pháp về đã đến đây ngay. Chắc là có chuyện gì nên anh mới tìm người thân để dốc bầu tâm sự. Tôi lẩm nhẩm:
- Tức là tiếp sau hai mươi năm nữa mới gặp?
Anh tiếp tục kể.
... Sau đó tôi nghe tin nàng cùng gia đình sang Pháp định cư. Cũng phải thôi, cuộc sống cần lao của chúng mình đâu phải là môi trường mà nàng có thể sống được. Thú thật tôi chẳng mấy quan tâm đến bà chủ to béo giàu sang nọ đi đâu, ở đâu? Nhưng mà nàng Thu Lý mười sáu tuổi ấy đã hiện ra như một ảo ảnh, và nàng vẫn ám ảnh dai dẳng trong tâm trí tôi. Cô có hiểu không, lúc nào tôi cũng muốn tìm lại nàng, cũng may gia đình họ đã đi xa nên dần dần tôi cũng chẳng vương vấn gì nữa.
Cuộc sống mới đổi thay từng ngày, tôi đã chuyển sang công tác đối ngoại. Từ căn hộ ở khu chung cư, tôi đã chuyển sang ngôi biệt thự mới xây, cũng có khu vườn nhỏ bao quanh. Vợ tôi đã về hưu, người đàn bà xốc vác từng gánh cả gia đình trên vai vượt qua cuộc kháng chiến đằng đẵng. Đã từng là chiến sĩ thi đua, báo cáo điển hình khắp nơi. Bây giờ suốt ngày đi chùa, tìm niềm thư thái trong chốn Phật thiền.
Còn tôi không còn quân phục sĩ quan, mà đã quen với lễ phục ngoại giao, lên xuống ô-tô đen bóng bước đi thật đàng hoàng, chững chạc giống như chàng trí thức đeo kính dạo nọ đã đến nhà nàng. Sự đổi đời quá chậm nên duyên phận không thành!
Lần vừa rồi có dịp sang Pháp làm việc, ý nghĩ đầu tiên là nhất định phải tìm gặp nàng. Tôi biết gặp cũng chẳng để làm gì, nhưng mà tôi chỉ muốn được nhìn thấy lại nàng, cần lắm lắm. Thật điên rồ, nhưng da diết mong đợi, hồi hộp run rẩy như những buổi sáng thuở xưa đón đợi nàng trước cổng để nhìn nàng lên xe đi học.
Nhà nàng bây giờ ở một căn hộ trên tầng năm, trong một tòa nhà lớn hiện đại. Bước từ thang máy ra, tôi bấm chuông ở cánh cửa có gắn biển đồng đề tên nàng. Cửa tự động mở, một bà già tóc bạc phơ, bước đi chập chững, đôi chân yếu ớt phải đỡ một tấm thân phồn thực mỡ màng, khuôn mặt phúc hậu vẫn đẹp. Bà nhìn tôi trân trân với ánh mắt bạc mầu, rồi một giọng trầm trầm như vang lên từ đáy ngực:
- Trời ơi! Anh Hân, anh vẫn tìm đến cố nhân sao?
Nơi đất khách quê người, gặp người quê hương thật xúc động, nước mắt ròng ròng lan tỏa trên khuôn mặt bà già theo những nếp nhăn thời gian. Thế mà lòng một nỗi bực dọc như vừa bị ai đánh tráo dối lừa. Tôi hờ hững bắt tay bà cụ già, rồi miễn cưỡng ngồi xuống chiếc ghế xa-lông sang trọng. Bà già lập cập đến bên tủ buýp phê lấy rượu, bánh, để tiếp khách.
Tôi lơ đãng ngắm nhìn căn phòng cực kỳ mỹ lệ và hiện đại, nhưng sao mà lạnh lẽo trống vắng quá đỗi.
Cửa lại tự động mở (lúc này tôi mới hiểu khi bấm chuông là cửa tự động mở, nếu không bị khóa). Nàng lại hiện ra sáng ngời nơi khung cửa. Vẫn mười sáu tuổi, dong dỏng cao, tóc xõa ngang vai, áo dài trắng tay cầm mấy bông hoa.
- Me voici, grande mère! (Cháu đây bà ơi).
Nàng chào bà bằng giọng đặc người Paris.
Bà Thu Lý quay ra nhìn, trông thấy nàng bà cụ reo lên:
- Cháu đến thăm bà đấy ư?
- Vâng, cháu vừa đi biểu diễn văn nghệ dân tộc ở hội nghị Việt kiều. Cháu hát được tặng hoa, cháu mang về tặng bà.
Bà già quay sang tôi hãnh diện giới thiệu:
- Đây là cháu ngoại của tôi, cũng tên là Thu Lý.
Bà cười phô hàm răng giả rất đẹp, bà nói tiếp:
- Thu Lý đệ tam.
Tim tôi lịm đi rồi lại rộn ràng đập như trống trận. Nàng vẫn như xưa, hình như có cao hơn nhưng vẫn khuôn mặt ấy, mái tóc ấy, dáng dấp ấy, và đôi mắt tuyệt vời ấy. Tình cảm xao xuyến tràn ngập của tuổi mười tám trở về, nhưng thân thể của một lão ngoại lục tuần không chịu đựng nổi xúc động mãnh liệt ấy, tay tôi run lên, mắt hoa, mặt tái nhợt. Tôi lịm đi trên ghế. Tôi mơ màng cảm thấy bàn tay dịu dàng của cô bé đỡ tôi, và một chiếc khăn mặt ấm thơm tho nhẹ nhàng lau mồ hôi trán đang vã ra đầm đìa. Nàng bỏ vào miệng tôi một viên thuốc gì đó, rồi giúp tôi uống từng ngụm một thứ nước ngọt thơm và nóng.
Lát sau tôi tỉnh táo lại, cô bé ngồi cạnh tôi thân thiết, nói tiếng Việt bằng một giọng lơ lớ:
- Ôi, ông làm cháu sợ quá, có lẽ ông bị bệnh tim như bà cháu.
Tôi cười gượng gạo:
- ờ bệnh của tuổi già ấy mà.
- Bà cháu vẫn kể về ông cho cháu nghe đấy. Bà tả ông là một thư sinh đẹp trai và học rất giỏi.
Tim tôi lại dội lên, vậy là thời ấy nàng biết tôi rất rõ, và dành cho tôi một tình cảm không phải là ít. Tôi vui vẻ nói:
- Thời đó bà cháu đẹp lắm, giống hệt như cháu bây giờ.
Cô bé cười sáng ngời:
- Ai cũng bảo bà cháu đẹp, mẹ cháu và cháu giống nhau lại cùng đặt một tên, nhưng bà cháu là Thu Lý Phạm, mẹ cháu là Thu Lý Đào, còn cháu là Thu Lý Hoàng. Bên này họ gọi nhau bằng họ nên cũng chả lẫn được.
Bà cụ già nãy giờ loay hoay gì trong bếp, lúc này đi ra tay bưng một chén chè hạt sen nóng.
- Anh ăn một chút chè sen xứ Huế mình. ở cái đất Paris náo nhiệt này dễ bị tress lắm.
Tôi vội đỡ chén chè, mùi hương sen lan tỏa, một chút quê hương, một thoáng xa xưa tràn vào không gian, xóa nhòa khoảng cách thời gian đằng đẵng nửa thế kỷ.
- Hôm nay, anh ở lại đây một hôm nhé. Tôi sẽ dẫn anh đi thăm thành phố hoa lệ này.
Tôi giật mình nghe giọng nói khàn đục của bà già, giấc mơ tan biến. Tôi chợt thấy bàn tay nõn nà của cô bé đặt trên tay tôi, bàn tay bệch bạc lốm đốm đồi mồi. Lòng tôi như tan chảy, ảo mộng cơ chừng sẽ biến mất.
Tôi vội vàng đứng dậy cáo từ:
- Thật tiếc, tôi đã đến giờ hẹn làm việc với sứ quán. Xin từ biệt Thu Lý của tôi.
Cho đến lúc này hình ảnh hai bà cháu xuống tận đường tiễn tôi vẫn lung linh trước mắt tôi, họ đứng đấy: một tàn úa, một rực rỡ. Ôi thời gian thật kinh khủng! Nhưng tạo hóa đã tái sinh, hình như thời gian chẳng hề trôi bao giờ.
Chuyện vãn với nhau quên mất cả bóng đêm đã phủ tấm màn đen lên khu vườn. Loang loáng ngoài đường phố những vệt sáng vùn vụt phóng qua, những đôi thanh niên cưỡi xe, ôm lưng nhau cười khúc khích, họ dạo chơi buổi tối bằng xe máy.
- Buổi tối cũng có niềm vui buổi tối phải không anh. Chúng ta vào ăn cơm đi, các cháu của anh hôm nay làm tiệc đãi anh đấy.
- ừ, niềm vui tuổi chúng ta là được xum vầy với gia đình, được gặp lại nhau, nhớ lại thời xa xưa và tiếc...
Anh nói vậy giọng trầm trầm nghẹn lại, tôi cướp lời:
- Không, không nuối tiếc làm gì. Chỉ đến lúc già mới thấy hết cái đẹp của thời trẻ, mới biết quý giá nó. Vậy là ta không mất gì hết. Thời gian trôi đi, nhưng thời trẻ của chúng ta có mất bao giờ!