Người đàn ông tới thăm trưởng thôn. Anh tên Hoàng. Nhưng điều quan trọng là anh vừa chở sau xe Dream II cô Liên của làng mơn mởn và phóng vun vút trên đường làm xôn xao ngõ xóm. Chẳng hiểu con bé ăn phải bùa mê của gã lực điền chưa già nhưng chẳng còn trẻ này từ khi nào mà xem ra phởn phơ tý tửng. Hãnh diện nỗi gì kia chứ!
Họ ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn uống nước thấp lùn. Cái đầu vị đại diện dân làng ngất ngư. Hàng ria mép hứng chí vểnh lên. Trưởng thôn lắng nghe giọng bác khách đang dõng dạc:
- Đúng! Chúng tôi sẽ mở xí nghiệp. Nhưng trước hết chúng tôi muốn cánh đồng màu của thôn ta trở thành nơi cung cấp nguyên liệu. Chẳng có gì là cao sang cả. Bắp cải, su hào, cà-rốt, dưa chuột, dưa gang, ớt... Vậy đó! Nhưng mà là đô-la cả đấy.
Trưởng thôn xếch hai mắt lên nhìn khách mỉm cười. Anh bị câu chuyện hấp dẫn và mối lợi cuốn hút cứ há mồm ra mà nghe. Tới đoạn cuối anh bỗng nhiên cảnh tỉnh làm bộ thân mật bốp chát: Lỡ các bố không nhận hàng thì dân làng chúng tôi xơi ớt trừ bữa chắc?
Cuộc hội đàm như luồng khí cháy thổi bùng ngọn lửa tranh cãi tới từng ngõ xóm.
Nhưng người nông dân vốn thực tế. Các bà càng thực tế hơn. Nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, họ tính nhẩm ngay xem đất cát nhà mình thế nào, phân gio ra sao, giống má với những rủi ro... Đến khi anh trưởng thôn xem mã chẳng lấy gì làm nhanh nhẹn cho lắm, lù khù là đằng khác, đem Honda Win 100 tới đón Liên đi Cầu Ràm thì cả làng nhìn theo mà hy vọng. Nhưng Liên hôm ấy đã ở lại làm chân thư ký giúp việc cho sếp của cái xí nghiệp đang gấp rút hoàn thành. Chỉ một mình trưởng thôn về. Ba hôm sau, sếp và thư ký của ngài có mặt ở vùng nam sông Thưa.
- Tôi xin vào đề luôn - Hoàng phát biểu ý kiến khi cuộc họp dân bắt đầu - ớt loại một 3.200 đồng một ki-lô-gram. Dưa chuột loại một 2.400 đồng một ki-lô-gram. Phí sản xuất cho ớt là 500 đồng. Phí sản xuất cho dưa là 100 đồng tính cho một ki-lô-gram.
Một bà vỗ bàn tay nhăn nheo đánh bẹt xuống bàn.
- Không ứng trước à? Lỡ ăn quỵt thì sao? Có chuyện như vậy rồi đó!
Hoàng vẫn thản nhiên như không nghe thấy và nói:
- ứng trước mỗi sào dưa chuột bốn trăm nghìn đồng và giống, mỗi sào dưa gang một trăm nghìn đồng và giống, mỗi sào cà rốt một trăm nghìn đồng và giống. Những loại khác như su hào, bắp cải, hành, tỏi... mua trực tiếp theo giá chợ.
Lâu lắm làng mới có cuộc họp sôi động như hôm nay. Chính vào giây phút mọi người đang xôn xao bàn tán và nhà doanh nghiệp Cầu Ràm chưa có sản nghiệp tương xứng chăm chú lắng nghe thì một nhóm cụ già chẳng hiểu từ đâu đi lại. Cụ dẫn đầu tóc bạc như cước, chống gậy trúc, đĩnh đạc từng bước tới ngay trước mặt Hoàng, cất giọng hách dịch:
- Anh là ai?
Mọi người im lặng.
- Tôi hỏi anh là ai mà dám cả gan họp dân ba hoa bốc phét. Anh là ai mà dám tới đây cuỗm con gái làng? Anh đã ra khu chế biến gốc đề kia chưa? Dưa Đài Loan đó! Tấn này tấn khác ùn ùn chở đi. Muối tạ này tạ khác ùn ùn chở về, hòa vào nước, ngấm vào đất. Cá trong ao vùng chung quanh chết sạch. Lúa má hoa màu chết sạch. Tiền các anh đút túi. Còn dân nhe răng ra ngửa mặt kêu trời. Các anh làm giàu kiểu gì lạ vậy?
Người ta hiểu ngay là ông già nóng nảy và chưa nắm đầy đủ thông tin. Hoàng lui lại một bước. Anh có cảm giác ông già sẽ dùng cây gậy kia đập vào trán mình ngay tắp lự. May mà ông chưa kịp làm thế. Những người đàn bà nông dân nhạy cảm và thực tế hiểu ngay ra rằng chẳng phải lo gì tới chuyện này, đây là mua và bán, mà mua có kế hoạch, có hợp đồng, có các điều khoản ngăn chặn sự tráo trở và đền bù cho sự tráo trở. Họ chỉ lo mỗi một điều là sợ bị ăn quỵt thì đang được giải đáp đây rồi.
Nhưng Hoàng nào có nghĩ đến ăn quỵt. Anh đang tính chuyện làm giàu. Làm giàu bằng trí lự cùng mồ hôi, máu thịt của mình. Cái thời ăn rau má, rau khoai trừ bữa phải biến mất tăm, ông cha khổ sở vì bát cơm manh áo phải đẩy nó đi.
Về Cầu Ràm, tức là về quê mẹ, anh càng xót xa nhớ lại hình dáng mẹ tần tảo, khi thì con cón bồng mạ trên đồng, khi te tái với gàu dai kéo nước, khi hùng hục đập đất đánh những vồng khoai, để rồi cháo loãng húp quanh xì xà xì xụp, để rồi phút lâm chung làng thương tình nhường cho cỗ ván nên không đến nỗi phải bó chiếu chôn sâu.
Cuộc họp với dân làng Thị ở vùng nam sông Thưa vẫn còn đang mơn trớn trí tưởng tượng trong đầu anh. Năm này phải đạt sản lượng 3.500 tấn. Phải làm thêm các bể chứa. Phải cải tạo hệ thống dẫn nước. Năm mươi lao động chưa đủ mà phải tám mươi người. Ngày mai lên ngân hàng tỉnh vay vốn. Nếu mấy sếp kẹt xỉ ta cho qua luôn. Sẽ mua khu hồ này làm ao thả cá. Cá mè truyền thống là hay hơn cả. Cho nước mặn bốn phần trăm xuống cá béo như thổi. Số nước mặn còn lại chứa trong bể đặc biệt. Hoàng bất chợt mỉm cười. Chính gã lái buôn Đài Loan được ông Chín Gừng ở TP Hồ Chí Minh đưa ra đây tham quan đã phải tấm tắc khen kế hoạch của anh.
Nhưng làm sao thực hiện được kế hoạch này? Vốn đâu? Ba mươi hai trưởng thôn và chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp đã sẵn sàng ký hợp đồng cung cấp sản phẩm liệu có anh nào phản thùng hay không? Quy mô khu vực chế biến mở rộng như thế nào? Hoàng đứng lặng trên sân và ngắm trăng. kìa! Dường như lần đầu tiên sau hơn ba chục năm nay anh mới ngắm trăng. Thuở ấu thơ hồn anh đã được thả bay lên tận nơi chú Cuội đang dong trâu và từ ngày lớn lên, với bao nhiêu dằn vặt, bao nhiêu lăn lộn, bao nhiêu thất bại, hiểm nguy, mảnh trăng với anh lúc nào cũng đầy sóng gió. ấy vậy mà hôm nay trăng hiện ra thanh bình đến kỳ lạ. Khu hồ ăm ắp nước có ngòi dẫn ra sông đẵm ánh trăng phập phồng như là đang dồn dập thở. Những ruộng lúa đang thì đứng cái, xanh thẫm, mượt mà, từng ngọn lá giương lên đón ánh trăng, gặp cơn gió heo may thổi về bỗng run bần bật như vội vã động tình. Con đường 17 chạy về thị xã Hải Dương tắm ánh trăng nhầy nhẫy. Làng xa xa. Sương đêm viền dưới chân tre mù mì bí ẩn.
Liên đứng sững lại trước mặt sếp của mình. Cô liền cất luôn bản kế hoạch vào trong cặp và định quay lui. Hoàng sực tỉnh trở về thực tại.
Cô gái này dường như anh nhặt được ở chợ Trạm. Phiên ấy người giẫm chân lên nhau nghìn nghịt. Từ Thanh Miện tới. Từ Tràng Thưa lên. Từ Diêm-Me lại. Kẻ gồng. Người gánh. Một tốp thanh niên nam nữ nhởn nhơ đi chơi. Một đoàn trẻ con quần áo sột soạt reo hò inh ỏi. Một gã trai ngồi trên xe bò chở đầy bắp cải khoan khoái nỗi gì chả biết cứ ngửa mặt lên trời hớp lấy từng hạt nắng. Đi bên xe là cô gái gò má ửng hồng và đôi môi tươi như hai nét son khoanh lại.
Hoàng vui vẻ gọi:
- Nào, rau bán ra sao đây?
Cô gái chớp mắt. Rồi cười. Đôi lúm đồng tiền hiện trên hai má mịn màng làm con tim Hoàng chợt đứng sững. Anh ngơ ngẩn giây lát. Cô gái thách thức:
- Ba nghìn một cân. Mà phải mua hết.
Hai người im lặng. Họ hiểu về nhau theo xét đoán riêng của mình. Đôi môi người con gái lượn sóng dịu dàng: Anh giai định mua thật hay giỡn? Hàng của em vừa nhổ sáng nay, tươi nguyên, bảo đảm đúng bảy ngày qua không phun thuốc sâu và tưới phân hóa học. Lấy gì làm tin? Anh cứ về làng em mà hỏi. Anh chưa thể về hôm nay mà yêu cầu em áp tải hàng về Cầu Ràm cho anh. Anh sẽ chịu thêm phí vận chuyển và đi lại. Cuộc trao đổi ấy tưởng đùa mà hóa ra là thật. Người ta reo lên: - Hoàng đã nhặt được ở chợ Trạm một em xinh lắm!
- Này em! Anh thân mật và đột ngột đưa ra đề nghị - Ta ra bờ sông đi?
- Để làm gì ạ?
- Ngắm trăng! - Hoàng tự nhiên hành động hoàn toàn theo bản năng khi tiến tới nắm lấy bàn tay người con gái - Tại sao chúng ta lại chỉ biết lao vào khổ hạnh? Tại sao chúng ta không tận hưởng những gì trời phú? Thiên nhiên vùng nam sông Thưa của em có huy hoàng như nơi đây hay không? Nào, gấp sổ sách lại, đi với anh.
Người con gái không còn cách nào khác là nghe theo. Thì ra ông lái su hào, bắp cải ở chợ Trạm bữa trước cũng có tâm hồn. Khám phá ấy làm cô thú vị. Con người có vẻ thô rám này hóa ra cũng thơ mộng. Anh hỏi em sao chưa lập gia đình? Anh hỏi em mối tình đầu không thành là như thế nào ư? Anh hỏi em về người bạn đời trong tâm tưởng ư? Em không biết! Em xấu lắm anh ơi! Em vụng dại lắm anh ơi! Em làm sao xứng đáng với người con trai đang có những khát vọng bát ngát không bến không bờ.
Bầu trời đến lạ, đang xanh ngằn ngặt bỗng nhiên sầm lại. Gió đã ngừng thổi. Mây đã ngừng trôi. Họ ngồi bên bờ sông, trên thảm cỏ đẫm sương đêm, tay trong tay líu ríu như không bao giờ buông ra nổi. Người con gái thủ thỉ : Anh ơi! Sao lại thế này? Em không bao giờ hình dung ra mình lại như thế này? Mẹ mà biết thì em chết mất. Mẹ vẫn nghĩ người bạn đời của em phải là thầy giáo hay viên chức trên huyện, trên tỉnh kia.
Người con trai lắc lắc tay bạn nhỏ nhắn trong tay mình nhưng vẫn không chịu buông:
- Trái tim em đang đập gấp gáp phải không? Không áp tai vào ngực em nhưng anh nghe rõ mà. Cứ hồi hộp lo lắng em ạ. Con đường chúng ta lắm chông gai. Mỗi bước đi giờ đây anh mong muốn có em. Anh đã quyết rồi. Anh sẽ thế chấp tất cả: Nhà, đất, ao, vườn, công cụ.
Người con gái phì cười:
- Thế chấp tất cả để nhận em về. Thế em đáng giá bao nhiêu hả anh?
- Thế chấp tất cả để vào công việc làm ăn này. Cả anh và em cũng là tài sản thế chấp. Ông Ly vừa điện cho anh từ Đài Loan. Ông yêu cầu lượng hàng hóa lớn, chất lượng bảo đảm, thời gian đúng quy định. Tóm lại là chúng ta phải mở rộng sản xuất ra hơn nữa. Ta phải huy động vốn từ mọi nguồn, trong đó có vay ngân hàng. Hồi ông Gừng ra ngoài này bọn anh đã làm việc với đại diện một ngân hàng nước ngoài ở Hà Nội. Tài khoản của ông Ly ở đó đủ sức bảo lãnh cho nội dung hợp đồng đã ký kết.
Đêm càng sâu thăm thẳm. Họ ngồi im như vậy trong suy nghĩ yêu thương và bề bộn. Khi đứng lên, Liên khẽ nép mình vào bạn và lắng nghe giọng nói rộn ràng thổn thức:
- Em hãy đi với anh qua suốt đêm đen dài trên con đường nhớp nháp mồ hôi kia để tìm ra ánh sáng. Anh đã nghiến răng chịu đựng bao cay đắng của cái nghèo. Anh không tin số kiếp bắt mình phải thế. Anh muốn đổi thay. Anh đã đi nhiều nơi, nhiều nước. Anh thấy người nông dân nước mình không nhất thiết và không thể cứ chân lấm tay bùn quẩn quanh xóm vắng với dưa, cà, mắm, muối mãi. Anh bóp chặt tay bạn làm cho nàng phải kêu lên mà không hay biết.
Người con gái bỗng không hiểu mình đang ở trong mơ hay thực nên mãi sau mới hỏi:
- Nhưng giữa em và tiền bạc anh thích gì hơn?
Hoàng bế thốc Liên xoay mấy vòng tròn trong không khí. Anh đặt cô đứng xuống và bấu đầu ngón tay vào đôi vai căng mịn, giọng run lên khe khẽ:
- Ngốc ơi là ngốc! Làm gì có hai hướng đi mà em cứ cố tách bạch ra. Cũng như anh và em, nếu em đồng ý lấy anh, thì chúng ta làm gì còn là hai thân thể nữa. Phải làm giàu bằng trí tuệ, quyết tâm và cả tình yêu thương đắm say của hai chúng mình cộng lại. Anh đã trải qua nhiều tháng năm gian nan cơ cực nên rất hiểu sự khốn nạn của cái nghèo!
Họ cứ ôm chặt lấy nhau. Rồi buông ra. Lại ôm chặt lấy nhau. Cuồng nhiệt tưởng phát điên lên được. Mà không gian cũng lạ, đang đen sạm một mầu, bỗng trở nên huy hoàng lộng lẫy. Chị Hằng từ tít trên cao nhìn xuống. Mây cũng sà thấp hơn và trôi nhanh hơn. Gió mơn man đâu đó. Mặt lúa nàng tiên run lên từng đợt nối tiếp. Sóng vỗ nhẹ vào bờ và quẫy lên tung tóe dưới trăng.
Hình ảnh gã lái buôn su hào, bắp cải chợ Trạm không còn đọng lại chút xíu gì trong trí óc Liên. Cô chỉ thấy ở anh một con người quyết liệt, ý chí sục sôi, khát khao cháy bỏng. Cô cũng chưa được một người con trai nào ôm mình bằng đôi tay dũng mãnh như vậy, tự tin như vậy. Cô loáng thoáng hiểu ra rằng, có lẽ cuộc đời hạnh phúc phía trước đang trở thành hiện thực. Ngày hôm sau Hoàng yêu cầu Liên lập một kế hoạch sản xuất sáu tháng tới, trong đó có việc thu mua bao nhiêu, chế biến bao nhiêu, chuyên chở thế nào, yêu cầu gì ở các trưởng thôn và chủ nhiệm hợp tác xã, thời gian giao nhận với đối tác nước ngoài, quan hệ với các cơ quan ở tỉnh và trung ương, mua sắm vật tư trang thiết bị, nâng cấp và mở rộng nhà xưởng, tiêu nước mặn và trữ nước mặn như thế nào, nộp thuế và các khoản đóng góp nghĩa vụ với địa phương...
Khỏi phải nói Liên vất vả như thế nào trong những ngày này. Cô đọc tài liệu. Cô xem xét các hợp đồng. Cô đến mấy xã gần xem diện tích trồng hoa màu. Cô tính toán cân nhắc. Cũng có lúc cô xin rút lui nhưng mà Hoàng chỉ động viên, bày vẽ, chứ không cho phép chùn bước. Rồi cô cũng trở nên quyết liệt. Cô lao vào công việc. Cô không chịu buông lơi bất cứ một nội dung nào. Cô cam đoan mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Cô đọc đi đọc lại bản đề án thấy tạm bằng lòng và nằm vật ra giường. Cô mệt tưởng không thể nào ngồi lên được nữa. Nhưng cô cũng muốn làm nũng. Ai bảo không vào mà nhận? - Cô tự nhủ với mình như vậy - Đã thế chẳng thèm đem nộp nữa. Làm gì được nào? Mặc kệ... ệ... kệ! Cô đập đập hai bàn chân vào nhau và kéo dài âm thanh cuối cùng ấy ra thành một tiếng rên. Rồi cô thiếp đi.
Cô mơ thấy một con người, lạ sao, cứ lớn nhanh lên mãi ngay trước mặt mình. Anh ta chỉ còn chưa giơ tay với lên tận trời xanh mà thôi. Và cô cũng bay theo, bay theo, cố đuổi kịp người đàn ông ấy. Anh ta khuyến khích cô, nhưng cứ vươn lên mãi, vươn lên mãi, chứ không dừng lại để đợi chờ. Khi cô bị ngã thì anh ta thu mình nhỏ trở lại như người bình thường vuốt ve hai bên má cô. Chính là anh đang vuốt ve hai bên má làm cô bừng tỉnh. Khi đôi mắt đã khẳng định người ngồi bên giường là anh thì Liên quay mặt vào trong như có điều gì tức tưởi.
Người đàn ông xoay cô trở lại và thân tình:
- Đừng giận hờn nữa. Anh xin lỗi đã để em làm một việc tưởng quá sức mình. Nhưng em làm tốt lắm. Anh đọc cả rồi. Đọc khi em đang ngủ. Còn một việc nữa anh chưa kịp giao cho em rồi đây chúng ta cùng làm là tính giá trị thặng dư. Điều này chỉ chúng ta được biết... Những cắc cớ cõi lòng tan biến. Cô rạo rực vì trái tim đập mạnh. Rồi không thể kìm lòng được nữa cô lao vào anh khóc lấy khóc để như lâu lắm chưa bao giờ được khóc.
Đôi bạn tình ấy về vùng nam sông Thưa là lao ra cánh đồng dưa. Chạy tít từ chân làng tới Ba Tòa mơn man một mầu xanh và những hoa vàng làm cho phía xa kia đất trời nhập hòa làm một. Mây vun vút đuổi nhau khiến đất dưới chân ghen tức vì nỗi không sao tung mình lên được bèn cứ đung đưa dưới nắng chiều mơ mơ như là bốc khói. Họ sà xuống hết mảnh ruộng này tới mảnh ruộng khác, xem xét, tính toán, cân nhắc. Anh thanh niên làng hớp từng giọt nắng hôm trước trên đường chở bắp cải vào chợ Trạm ở đâu chạy lại:
- Em chào anh chị. Chị chưa quên em chứ. Còn anh chắc chẳng nhận ra em. Anh chị làm bọn em phát thèm.
Người con trai nói vậy rồi cùng đi với Hoàng và Liên khắp cánh Bờ Vô, Bờ Hồng, quay về gốc đề bên giếng. Kìa! - Theo ngón tay anh ta chỉ mọi người nhận thấy ông già tóc bạc như cước đang chống gậy trúc từ phía ao Giáp Đông đi ra. Tới nơi ông đứng lại thở. Ông không trợn mắt chất vấn như bữa họp làng hôm trước, rằng anh ở đâu đến, anh là ai, anh có quyền gì tới cuỗm con gái làng mà ung dung vuốt chòm râu được nắng xuân nhuộm vàng óng ánh.
Hoàng nhận ra ông già. Anh vội lao tới:
- Con chào ông ạ!
Ông già gõ gõ đầu gậy xuống mặt đường lát gạch làm bộ hách dịch:
- Này anh! Anh chiếm được con gái làng mà chưa chịu nộp ba nghìn gạch là không xong đâu đấy nhé. Rể làng này chưa ai được phép vượt qua lệ đó.
Hoàng biết ông già đang vui nên cũng tếu tớn:
- Nhưng con xin hỏi ạ. Các gia đình có máu mặt ở làng gả con gái còn cho dăm ba sào ruộng đi theo. Con đã được một tấc đất nào đâu ạ.
Ông già nheo mắt:
- Gớm! Anh đáo để thật. Là vì con Liên đã ăn phải bùa phải bả của anh thì già này đành bảo dân làng cho không anh vậy.
Mọi người cùng cười. Tất cả nhìn ra cánh đồng chạy dài tít tắp. Hoa vàng rực rỡ xen lẫn với mầu xanh mơn man làm vạt nắng hoàng hôn lưu luyến mãi như ngưng đọng chờ đón xuân về.