hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-995.htm

Hoàng Thái Sơn

Dòng sữa mẹ

Nồi cám lợn vừa mới lích nhích sôi, nhưng nghe cháu khóc dữ quá, bà Tằm phải rời bếp bước vội lên nhà trên. Đón bé Hồng Ngọc từ tay con gái, bà vừa mắng yêu:

- Cha mặt cái con mẹ mày! Một câu hát ru cũng không hề biết, thì cách chi con nó chịu nín cho!

Rồi bà ghé ngồi xuống võng, ôm gọn cháu vào lòng, ngọt ngào vỗ về:

- à thôi thôi... cháu ngoan nào... cháu của bà đừng hư nữa... Bà thương... Bà thương nào... Bà ru cháu bà ngủ nào... ầu ơ... ơi... ơi... Công cha như núi... ư mà... Thái ư Sơn chừ nghĩa mẹ như nước à nước ư mà... trong nguồn... chảy à ư ra... Một lòng thờ mẹ... ư mà... kính ư cha... cho tròn chữ hiếu... ư là... ư mới là đạo à ư con... ầu ơ... Chàng về mắc võng... ư mà ru ơ con... chứ xuân xanh chi đó ơ nữa ư mà... ư mà... còn ngồi ước quả chứ chanh non... quả chanh non trái ư mùa... Ư à... à ạ... áo xanh năm cú mà liền ư tà... chứ ai may mà cho à cậu... ư hà ơ ợ... ai may cho cậu hay... ư là cậu à ư may?... ầu ơ à... hư ạ a ạ ư a hờ ờ ờ ờ...

Trong tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt, giọng bà Tằm ấm lạ. Nó như được phát ra không phải từ lồng ngực, mà tận trong thẳm sâu của tâm khảm. Những bài ca ân nghĩa, những câu hát huê tình, và cả những câu ghép lời cho thành vần điệu chứ không có nghĩa lý gì cứ thế lần lượt được bà chắp nối diễn xướng trong âm hưởng trầm lắng, chậm rãi, với rất nhiều luyến láy, nhiều tiếng đệm ngân nga, dìu dặt như dòng suối rì rào vô tận giữa ngàn sâu. Và kỳ diệu thay, đang khóc ngặt nghẽo, bé Hồng Ngọc nín dần, cặp mắt còn lưng lẻo những giọt lệ dỗi hờn từ từ khép lại với đôi hàng mi rợp dài đen nhánh. Bàn tay nhỏ xíu, trắng mềm như bông hoa sứ của bé lần tìm rồi nắm chặt lấy cổ áo bà ngoại một cách tin cậy. Những tiếng nấc thưa thớt, chậm rãi, mỗi lúc một nhỏ. Và cuối cùng, trong tiếng ru canh chừng thong thả hòa với tiếng lá vườn xào xạc tiếng tre trúc vặn mình trước gió, giấc ngủ say nồng đã đến với bé. Nó duỗi hết chân tay, với hơi thở sâu, đều đều trong vòng tay mềm ấm của bà, trong tình điệu đằm đằm những khúc ca truyền đời của những người mẹ.

Từ ô cửa sổ, lấp ló bông hoa chuối đỏ thắm có chú chim bã trầu đang vờn theo hút mật. Trong bóng sáng mờ xanh màn khói loãng chiều chếch vào gian buồng, Hồng Nhung trông rõ vầng trán mẹ vương mấy sợi tóc bạc lấm tấm mồ hôi, còn tấm lưng còng cứ chập chờn trên vách.

- Mẹ trao cháu con bế kẻo mỏi.

Bà Tằm ngước nhìn con gái:

- Để mẹ ru cho nó ngủ no giấc luôn. Con xuống bếp nhấc nồi cám lợn ra cho mẹ, nghe như đã có mùi khê rồi.

Theo tục truyền, Hồng Nhung khăn gói về nhà mẹ sinh con đầu lòng. Thoạt đầu, nàng khá băn khoăn. Thành phố dù sao cũng sẵn thầy thuốc. Về quê, cái trạm xá lèo tèo, biết đâu mà lường? Nhưng rồi qua cả, và Hồng Nhung đã sinh hạ một bé gái đẹp như thiên thần.

Gần ngày Hồng Ngọc tròn tháng, bố và bà nội của bé mới về thăm bé được. Anh cán bộ khoa học trẻ bận túi bụi hết hội nghị này liền theo hội thảo nọ, nên mới về với con chậm thế. Sâm ôm con vào lòng, hôn hít, nựng nịu không chán, mặc cho đứa bé cứ nhăn nhó khóc chẳng biết do vì lạ hơi, hay nó muốn thử tài bồng con của ông bố mới vào nghề? Anh ta lóng ngóng với đôi tay kềnh càng tưởng suýt đánh rơi con và ngọng líu mồm, không ra dỗ dành, cũng chẳng ra hát hò gì.

- Hát tuồng, hay cải lương, hay ca Huế đấy? - Hồng Nhung trêu chồng - Đúng giọng tạp - pí - lù, còn hơn cả chè thập cẩm?

- Anh hát ru đấy chứ.

- Hát ru thế à? Cứ lẩm bẩm trong mồm mà bảo là hát ru, đến chết cười với ông mất thôi.

- ờ... ơ... à... ờ... ơ... - Sâm cất tiếng như vịt đực gọi bầy - à ngoan ngoan... ờ ngoan... ngoan ờ... Chà, té ra khó phải biết! Nó nín đã, mới bồng được!

- Cần là cần lúc nó khóc, chứ nín rồi thì ai cần. Biểu diễn mấy câu hát ru thật mùi cho con nó thưởng thức xem nào.

- Cả đời ai hát ru con mà biết! - Sâm trao con cho vợ - Dỗ con là cả một nghệ thuật chứ chả đùa!

Hồng Nhung ôm lấy con, cười rũ. Có lẽ do đói, bé Hồng Ngọc chui ngay vào ngực mẹ hé miệng tìm vú, mút chùn chụt, không khóc lấy một tiếng nào nữa. Được thể, Hồng Nhung lại tấn công chồng:

- Không biết ru con thì khoan lấy vợ! Còn nếu đã trót rồi, thì phải đóng sách tìm thầy xin học dăm câu hát "ầu ơ" mà làm bố nhé?

- ồ - Sâm chống chế, giọng lý cùn - Ru con là việc của phụ nữ, đàn ông thì biết gì!

- Thế thì còn đâu là công bằng nữa? Rồi đây có khi em phải xa nhà hàng tháng, em giao con cho mà chăm nom. Cho nó ăn thật no này, lại phải hát thật hay cho con nó ngủ này... Liệu tập lấy mấy điệu ru con mới cầm chắc tấm bằng làm bố trẻ đấy.

Hai bà thông gia ngồi nhai trầu bên chiếc chõng tre, ngó nhau cười. Bà Tằm thấy thương thằng rể quá, bèn lên tiếng:

- Đừng nghe mồm con vợ mày, con ạ. Nó cũng không biết hát ru đâu. Nó hơn đàn ông hai cái bầu sữa mà dỗ con thôi, chứ nào biết hát hỏng gì! - Rồi bà quay sang nói với bà thông gia - Ngày nay bọn trẻ chẳng đứa nào còn biết lấy một câu hát ru nữa bà ạ! Thời thế nó khác xưa lắm.

Bà Chung gật đầu:

- ối dào! Thanh niên bây giờ chúng nó biết trăm thứ trên trời dưới biển, nhưng đố đứa nào biết ru con là gì. Tôi có sáu anh chị cả thảy, đã thành gia thất cả. Hơn mười năm nay, tôi đi khắp trong nam ngoài bắc nuôi cháu; từ con gái cho chí các nàng dâu, chả thấy ả nào hát trọn một câu hát ru. Có đứa nói tiếng Tây làu làu, mà ôm lấy con là rặn không ra hơi. Lại có chàng rể bộ đội, hễ dỗ con là thế nào cũng ông ổng hát: "Giải phóng miền nam, chúng ta cùng quyết tiến bước..."

Nghe chuyện, cả nhà cười lăn...

- Lại còn như vợ chồng thằng Song, cái thằng anh kề thằng Sâm đây, bà có biết chúng dỗ con bằng cách nào không. - Bà Chung nói tiếp - Thấy thằng cu khóc quá không tài chi làm cho nó lặng được, thế là chúng nó mới "sáng kiến" mở băng nhạc Rock cho con nghe? Trong tiếng nhạc xập xập xình xình bum bum chát chát, tưởng thủng màng nhĩ, thằng bố nó quay cuồng vung tay đập chân nhảy nhót, còn con mẹ nó thì đánh nhạc mồm hùa theo, mặc con khóc vẫn hoàn khóc. Trời đất! Bữa đó tôi mới hỏi dò con vợ nó, vốn là gái Bắc Ninh hẳn hoi, mới hay ngay một câu dân ca quan họ thôi, chị chàng hát cũng trật lất. Đó, thanh niên ngày nay như vậy đó.

Bà Tằm đập hai bàn tay vào gối:

- Tôi nói có sai đâu. Đúng là bây giờ các cô các chị mới học làm mẹ, không ai còn biết hát ru là gì nữa rồi. Nói đâu cho xa, thì cái con Hồng Nhung nhà tôi đây...

Vâng vâng - Bà Chung nói chắp vào liền, là vì chính bà cũng đang nghĩ tới nàng dâu út - Ngay cái chị này, là ca sĩ có hạng, tôi vẫn tưởng gì chứ ru con thì nó là tổ sư, té ra cũng tịt mù! Thành thử tôi mới nghĩ thế này: có lẽ phải dạy ru con cho lớp trẻ, dạy có bài bản hẳn hoi, như ở Tây Nguyên người ta dạy thanh niên đánh cồng chiêng ấy. Và rất nên tổ chức thi hát ru. Thi hoa hậu, thi thanh lịch, thi trăm thứ linh linh khác được, tại làm sao không tổ chức thi hát ru nhỉ? Mai sau con người dẫu có được sinh ra trên tầng không vũ trụ đi chăng nữa, ai chứ dân Việt Nam ta, thì vẫn cần câu hát ru lắm. Cơ chừng không khéo, cái khoản hát ru, cái điệu ru con rồi biến mất!

Bà nói chí phải. Rồi lớp già chết, rồi lớp trẻ chúng nó hát bài Tây mà dỗ con chăng?...

Vợ chồng Sâm kéo nhau ngồi xuống cạnh hai bà mẹ. Sâm đưa mắt nhìn vợ. Là đàn ông, anh nghĩ mình không biết ru con, cũng đành đi một nhẽ, nhưng ngay vợ mình là phụ nữ, lại là ca sĩ, mà cũng rất "i tờ" về cái khoản này? Hồng Nhung hiểu ánh mắt chồng. Mặt nàng rân rân như có kiến bò. Chết thật! Là ngôi sao ca nhạc nhẹ, bằng giọng hát nhà nghề, Hồng Nhung đã từng làm rung động hàng triệu trái tim trên sàn diễn, nhưng lại không tài nào dỗ được cái ngủ cho đứa con thơ trong mái ấm gia đình! Nàng thuộc làu sách dạy thanh nhạc, nhưng cái điệu hát ru đồng quê nơi chôn rau cắt rốn này lại không hề biết. Nàng lao tâm khổ tứ luyện giọng ngày một vút cao dâng tặng mọi người, nhưng chưa một lần nghĩ đến lối về những cung bậc trầm lắng, thầm thì cho trái tim mình... Cho nên thay vì câu hát ru, nàng đã phải hát cho con nghe những ca khúc hiện đại, những trích đoạn trong các vở nhạc kịch; nhưng cái chất giọng solit của người mẹ ca sĩ ấy không dễ dàng đưa con vào giấc ngủ. Bởi trong cái chất giọng ấy vẫn thiếu vắng một cái gì đó mà tâm hồn thơ ngây của nó luôn tìm kiếm. Nó đòi hỏi những ngọt ngào êm dịu đằm sâu từ những câu ca có trong đó bóng hiện của cánh cò trên ruộng lúa hay thơ thoảng mùi hương cau, hương bưởi... Cái lỗ tai sạch sẽ của nó chỉ chấp nhận những giai điệu có tự bao đời trên mảnh đất tổ tiên. Trong dòng máu của nó phù sa của sông núi quê hương đang lưu chuyển...

Trời? Ra con người ta mới kỳ lạ làm sao. Lớn lên, bước ra khỏi lũy tre làng, do giao lưu rộng rãi, anh có thể bị pha loãng bởi sắc mầu nhiều luồng văn hóa; nhưng cái thuở "nhân chi sơ", lòng anh rõ ràng hãy còn trong trẻo biết bao cùng hồn dân tộc. Con người Việt Nam ta, cái buổi ban đầu mở mắt chào đời, đứa trẻ nào lại không ưa nghe một giọng hát ru từ những câu ca ngọt ngào tựa dòng sữa mẹ. Từ những đứa trẻ sống trong nghèo nàn rơm rạ, cho đến đám ấu chúa ngự chốn lầu vàng, không cô cậu nào lại chịu bỏ qua những câu hát ru; mà phải nghe được bên cánh võng kẽo cà kẽo kẹt, mà phải bằng lời lẽ của một người mẹ từ đồng sâu cấy gặt bước lên thấm đẫm bao hương đồng cỏ nội... Cái xuất phát điểm của đời người rõ ràng đã được đất trời đem đặt ở vạch ranh giới của huyết mạch cha ông. Cố tình tránh né, hoặc không ý thức được cái vạch xuất hành thiêng liêng kia, không ai dám bảo rồi ra con người ta dễ dàng đi tới được những bến bờ mong đợi...

Bà Tằm xé miếng vỏ chay khô thơm phức kẹp với miếng trầu têm cánh phượng, trao cho bà thông gia. Rồi bà cười, hai hàm răng đều tăm tắp đen nhánh hạt na lóng lánh cốt trầu đỏ thắm trong nắng mai. Bà Chung nhìn trộm mà thèm. Họ cùng lứa tác. Nhưng bà Chung vốn xưa là nữ sinh Đồng Khánh, mười sáu tuổi cắp sách tới trường để tiếp thu nền văn minh nước Pháp; cái vẻ đẹp "má hồng răng đen" được người ta dạy rằng ngày nay chỉ còn đúng có một nửa. Trong mất còn của những nét xưa, thật may mắn là những câu hát ru dân dã trên dòng Hương Giang soi bóng Ngự Bình, cũng như chiếc áo dài tứ thân của nữ giới, qua lửa đạn chiến tranh cùng năm rộng tháng dài, vẫn trường tồn trong lòng mọi người, vẫn ngân nga man mác trong lòng những câu hát ru rất đặc trưng cho mảnh đất Cố đô. Bà đã từng ru con, ru cháu suốt năm mươi năm có lẻ với những lời ru mượt mà ấy. Trong rừng sâu chiến khu Ba Lòng hồi "chín năm", cho đến giữa phố xá Hà Nội, Vũng Tàu rầm rập xe cộ và cao ốc hôm nay, tiếng ru nền nã của bà đã làm dịu lòng cả những đứa trẻ khó tính và gan lì nhất... Bà đã chứng minh sự bất diệt của văn hóa hát ru qua biết bao thăng trầm dâu bể.

Hai bà mẹ từ hai vùng phong thổ khác nhau tìm thấy chỗ giao thoa trong những tâm hồn xưa cũ. Họ kể cho nhau nghe những kỷ niệm buồn vui cuộc đời bên cánh võng. Có những kỷ niệm chia sẻ được, cũng có những kỷ niệm phải nén chặt đáy lòng, chỉ dám nghĩ lại, chứ không dám nói lên lời. Bà Tằm nhớ như in bức thư cuối cùng của đứa con trai độc nhất từ chiến trường miền nam gửi về trước lúc anh hy sinh. Bây giờ mỗi lần thắp nén hương thơm tưởng niệm vong linh anh trước bàn thờ, bà lại thầm nhớ tới bức thư ấy: "... Mẹ vô cùng thương kính của con. Đêm qua trên đường hành quân, nghỉ lại đầu buôn vắng, nghe tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt ru con của một bà mẹ Tây Nguyên, mà con nhớ nhà quá mẹ ơi. Con như thấy lại cái võng đay thưa theo hai đầu guốc gỗ mòn bóng mầu men sứ ở nhà ta. Mẹ đã ru riến chúng con, cả thảy bốn chị em trên cái võng cũ kỹ ấy. Chúng con đã lớn lên trong cơ man những câu ca của mẹ. Con nhớ những trưa hè oi ả, cái vuông cửa sổ nơi căn buồng có chiếc võng mắc chéo quanh năm lúc nào cũng râm mát bóng hàng chè, xanh rờn tán lá cây khế ngọt với từng chùm hoa tím li ti. Ngồi trên võng, con hay nhìn ra phía trước gian bếp, dưới gốc cau cao vút, là cái chum nước mưa trong veo đã vơi lưng lửng đang đợi cơn mưa rào sau mùa cày ải... Ôi! Con khát khao mong ngày được về ngả lưng trên chiếc võng của mẹ, nghe mẹ hát à ơi những câu ca xa lắc, rồi nhắm mắt lại trong sự tĩnh lặng của vườn tược!..."

Bà Tằm thấy cay cay nơi sống mũi. Nhiều đêm bà mơ thấy đứa con thân thương ấy. Anh thổi sáo hay nhất làng. Anh nằm trên võng đung đưa, máu chảy từ lồng ngực ướt đẫm hai bàn tay bà run run nâng giấc cho con. Rồi tất cả đều biến mất, chỉ còn những câu hát ru chen trong tiếng hờ con của bà rơi rụng giữa thinh khuya.

Trên chiếc võng truyền đời của người mẹ già, người mẹ trẻ nằm nghiêng, tựa mái đầu bé bỏng của đứa con thơ lên cánh tay trần, và khe khẽ hát. Vốn quen thuộc với giọng nữ cao nặng chất hàn lâm, quả là khá vất vả Hồng Nhung mới tìm về với âm khu trầm sâu của khúc hát mùa màng. Những chỗ luyến láy, nhấn nha mới khó làm sao. Nó đòi hỏi rất cao kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ để câu ca thực sự là ruột tằm nhả tơ, là vang động dư ba bao nỗi niềm của tình mẫu tử. Thể hái ru lại có nhiều làn điệu, nhiều biến tấu, không vùng nào hát giống vùng nào, không ai hát giống ai, mỗi lần cất lời ca là một sáng tạo từ cái nền chung dìu dặt, ngân vọng...

- à ơi... ơ... ư... à... Trèo đèo chừ mới biết... ư mà đèo ư cao... à... chứ nuôi con ư à mới biết... chừ mới biết công lao ư mẹ ư a thầy... ầu ơ ờ ờ ờ... Trăng thanh chiếu rọi... ư mà sân đình... chứ chén son ư mà chưa à cạn... thì ư giọt thủy tình... thủy tình... mà chưa phai ư à ờ ờ ờ...

Bé Hồng Ngọc đã ngủ say...

Ngày mai Sâm đã phải trở lại thành phố với công việc rồi, nhưng anh không tài nào chợp mắt được. Anh cứ thao thức mãi cùng tiếng hát khi trầm khi bổng của Hồng Nhung, và thấy vui vui với những suy nghĩ khơi mạch cho một đề tài khoa học nhân văn mang tính khảo cứu khá lý thú: Người mẹ trẻ Việt Nam hôm nay và những câu hát ru dân dã cổ truyền. Hồng Nhung biết Sâm đang lắng nghe mình ru con, nàng thấy sung sướng, và muốn làm một cuộc "sát hạch" từ đánh giá của chồng, bèn hỏi:

- Anh thấy em hát ru ra sao?

- Tiến bộ nhanh đấy - Sâm nhận xét - Thuộc lời, nghe ra đã có những lắng đọng cần thiết, tuy chưa thật nhuần nhị cho lắm. Hát ru cốt ở cái tình.

Hồng Nhung lại ôm con vào lòng, à ơi cất tiếng ngọt mềm... Ngoài vườn, lai láng ánh trăng.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com