hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-992.htm

Lê Tự

Thuận tình

Mấy hôm nay cậu mợ tôi lại cãi nhau. Khổ! Cảnh vợ chồng già không con cái sống với nhau nhạt nhẽo lắm. Cậu Đốc đầu đã bạc quá nửa. Mợ Sìn hơn cậu hai tuổi. Mẹ tôi bảo, con sang ở với cậu mợ ít ngày. Tôi hỏi mẹ, sao cậu mợ già rồi lại hay cãi nhau thế? Mẹ tôi rầu rầu nói, tại cậu mợ không hợp mạng. Hai người đều mệnh kim cãi nhau là chuyện thường tình.

Tôi nhét hai bộ quần áo vào ba lô. Mẹ tôi vặt quả đu đủ chín cây bảo tôi đem sang biếu cậu mợ. Tôi băng qua cánh đồng hướng về bến sông. Nhà cậu mợ tôi ở sát đê sông Văn úc, ngay cạnh bến đò. Phía trong đê là cánh đồng mênh mông. Lúa xanh mướt, căng tròn đòng đòng. Tôi co chân chạy thật nhanh giữa cánh đồng. Gió mát và hương đất màu tràn đầy lồng ngực tôi.

Tôi nằm vật ra bờ ruộng. Cỏ xanh mọc đều khắp mặt bờ. Từ ngày có máy cày trên những cánh đồng, làng thưa dần bóng dáng những con trâu cần cù gặm cỏ.

Cậu mợ tôi rất vui khi thấy tôi sang chơi. Cậu rửa quả đu đủ, để lên bàn thờ thắp hương. Cậu Đốc dạo này béo tốt, còn mợ Sìn thì gầy quá. Nhìn cách thức hai người cư xử với nhau, tôi cảm thấy cuộc "chiến tranh lạnh" vẫn chưa kết thúc. Tôi được mẹ giao nhiệm vụ làm tác nhân để cậu mợ tự làm lành với nhau. Tôi chẳng biết phải làm gì để hoàn thành sứ mạng...

Mẹ tôi kể, hồi cậu Đốc mới tròn mười sáu tuổi, ông ngoại tôi bắt cậu học nghề thợ mộc. Cậu đòi cưới cô Sìn. Ông tôi hỏi, sao mày lại thích lấy cái Sìn? Cậu Đốc trả lời, con thích nó vì vú nó to nhất làng. Ông tôi vỗ đùi đồng ý. Ông bảo, nói được câu ấy thì đủ tư cách lấy vợ rồi. Ông tôi cho mổ bò mổ lợn cưới vợ cho cậu. Sau đêm tân hôn, cậu Đốc sinh ra chán đời, suốt ngày lang thang chẳng thèm đoái hoài tới vợ. Buổi tối cậu cắp chiếu ra ngủ ở cái chòi ngoài bến đò. Ông ngoại tôi vác dao hỏi, thằng mất dạy kia, mày đòi cưới vợ, tao cưới cho mày. Sao bây giờ tự nhiên giở chứng? Cậu tôi khóc thút thít như trẻ con. Cậu thanh minh, nó lừa con. Ngực nó lép kẹp. Chỉ tại cái xu chiêng bằng vải bò nên con tưởng... Ông tôi hiểu được nỗi niềm của cậu. Ông quăng con dao rựa xuống sông, mồm chửi đổng: "Mẹ cha bọn thợ may khốn nạn"...

Cậu Đốc bắt con gà trống choai mổ thịt chiêu đãi tôi. Mợ Sìn bảo, mổ con gà mái ngon hơn. Cậu Đốc nói, ai mà chả biết thịt gà mái vừa thơm vừa bùi. Nhưng con gà trống hôm qua nhảy sang vườn nhà lão Kền đạp mái bị lão ném què một chân rồi. Thịt đi kẻo nó gầy. Gà trống mới tập tọng vào đời mà bị khủng bố thế này thì sống cũng chẳng làm ăn gì được. Thằng cha Kền ác lắm. Hàng xóm láng giềng với nhau mà nó coi mình như quân thù.

Mợ Sìn bảo, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Năm ngoái ông chả đổ cả chai thuốc sâu xuống ao cá nhà lão ấy là gì. Mình cứ ăn ở có nhân có nghĩa trước sau thì ai người ta nỡ hại.

Cậu Đốc nhúng con gà vào nước sôi. Đùi trái nó bị gãy, tụ máu tím bầm. Tôi xắn tay áo định vặt lông nhưng cậu không cho. Cậu bảo, cháu lấy giấy bút viết cho cậu bản kiến nghị. Chiều nay cậu được cử đi tiếp xúc với đại biểu Hội đồng nhân dân huyện. Mợ Sìn hỏi, này ông ơi sao cái Đũi ở xóm Chùa mới học hết lớp năm bổ túc mà cũng được vào Hội đồng nhỉ? Cậu Đốc mắng, bà biết gì mà nói lung tung, đại biểu Hội đồng do Mặt trận hiệp thương theo cơ cấu. Cái Đũi là đại biểu nữ, tuổi trẻ, đại diện tiểu thủ công nghiệp. Nó lại xông xáo, giỏi việc nhà, tích cực việc làng việc xóm. Mợ Sìn thở dài. Quả tình mợ chẳng hiểu gì về luật bầu cử.

Buổi tối cậu Đốc gánh lờ đi đánh cá rô. Cậu cho tôi đi theo. Chúng tôi gánh lờ về phía đầm Gia Cát. Tôi hỏi, sao lại gọi là đầm Gia Cát? Cậu Đốc bảo, tại ông trưởng thôn hồi đó rất mê "Tam Quốc diễn nghĩa" nên ông ấy thích gọi tên theo các tên nhân vật trong truyện. Đây là con đường Trương Phi, kia là nghĩa địa Quan Công. Tôi nghĩ thầm, giá như ông trưởng thôn cho đặt tên theo các nhân vật trong "Tây Du ký" thì hay hơn!

Chúng tôi đi lầm lũi trong đêm. Cậu Đốc gánh lờ đi trước, tôi cầm gậy đi sau. Cánh đồng ban đêm mênh mông huyền bí quá. Những cảnh sao lấp lánh rơi lả tả xuống ruộng lúa nông choèn.

Đến đầm Gia Cát, cậu Đốc bảo tôi ngồi chờ ở trên cái mộ to tướng, còn cậu đi dấm lờ. Tiếng côn trùng kêu rả rích như bản giao hưởng thính phòng. Chú chẫu chuộc giữ vai trò nhạc trưởng.

Cậu Đốc vác lờ biến vào màn đêm như một nhân vật trong câu chuyện trinh thám. Còn lại một mình, tôi bắt đầu thấy run. Tôi chưa từng ngồi trên mộ một mình bao giờ. Đâu đó như có con ma đầu trâu lưỡi đỏ lòm dài như đòn gánh đang thè lưỡi ra liếm vào gáy tôi. Ngôi mộ này sao mà to thế. Hình như có tiếng cựa quậy dưới mồ.

Cậu Đốc rải hết năm chục chiếc lờ. Cậu quay lại, lấy tấm ni lông trải lên chóp mộ. Chúng tôi nằm ngắm trời đêm. Tiếng cá đớp mồi lóp tóp dưới đầm. Tôi hỏi, bao giờ thì về hả cậu? Cậu Đốc bảo, phải coi lờ đến canh hai. Trộm cắp như rươi, hở ra là chúng xoáy mất ngay. Tôi phụ họa, ước gì không có trộm cắp! Cậu Đốc kể, người vùng mình hay ăn cắp vặt.

Một con dế bò lên chân tôi nhột buốt. Tôi lòn tay vào bẹn tóm được cu cậu. Bên trong ngôi mộ này chắc có nhiều dế lắm. Tôi hỏi cậu Đốc, ngôi mộ này của ai? Cậu kể, ngôi mộ này bây giờ chỉ là ụ đất hoang. Năm ngoái họ Nguyễn và họ Phan cùng nhận ngôi mộ này là mộ của tổ họ mình. Hai họ cãi nhau, rồi chửi nhau mấy cuộc. Thậm chí còn đánh nhau giữa hôm tết Thanh minh. Hai họ thi nhau viết đơn khiếu kiện lên trên. Chính quyền địa phương đã mở hàng chục cuộc thương lượng nhưng không được. Một ban chỉ đạo được thành lập. Ban chỉ đạo đề nghị hai họ phải viết tường trình về đặc điểm hài cốt và các vật dụng chôn theo. Hai họ nghĩ mãi mà chẳng họ nào nhớ đặc điểm gì của mộ cụ tổ mình. Sau mấy phiên họp, ban chỉ đạo quyết định khai quật ngôi mộ lên để xác minh. Nhưng đào mãi mà chẳng có dấu tích hài cốt gì cả. Có lẽ đúng như lời các cụ bảo đó chỉ là cái mộ giả của ai đó "xí phần" vì thấy thế đất tốt. Thế là hết vụ tranh giành. Nghe đâu mỗi họ chi phí cho vụ này mất gần hai triệu. Cả làng được mẻ cười vỡ bụng.

Đêm đã khuya. Gió đồng bắt đầu hơi lạnh. Cậu Đốc dẫn tôi đi theo bờ đầm tuần tra. Cậu chỉ cho tôi những chỗ đặt lờ. Tôi căng mắt mà chẳng nhìn thấy gì. Cậu Đốc bảo, nếu đánh dấu thì bọn trộm nhấc sạch ngay. Vì vậy bắt buộc phải thuộc lòng từng vị trí. Ví dụ như cách gốc cây lúa cụt ngọn kia ba gang về phía trái cậu đặt một chiếc lờ. Hiện giờ trong lờ có ít nhất là hai chú rô.

Cậu Đốc lội xuống đúng vị trí đó nhấc lên chiếc lờ. Ba chú rô giãy đành đạch. Tôi bảo, sao cậu tài thế? Cậu Đốc chép miệng, tài cán chó gì đâu, việc gì làm mãi cũng thành quen. Cậu còn nghe được tiếng cá rô thở nữa kia. Tôi hỏi, tại sao đơm cá rô lại úp lờ thẳng đứng? Cậu Đốc cười bảo, giống cá rô là giống quân tử. Khi ăn xong mồi chúng vọt lên thẳng đứng chứ không chui rúc như cá trê. Dựa vào bản năng của chúng mà ông cha ta đã nghĩ ra cái lờ một hom thẳng đứng này. Mỗi ngày, hàng vạn con cá rô bị tóm sống vì chính cái bản năng tự nhiên đó.

Cậu Đốc rủ tôi ra nghĩa địa Quan Công. Đây là lần đầu tiên tôi ra nghĩa địa ban đêm. Những ngôi mộ được xây dày đặc như nhà trên thành phố. Có ngôi mộ xây cao gần hai mét, xung quanh ốp đá sáng choang, cậu Đốc bảo, ngôi mộ này của lão Khán Toét. Lão Khán làm giám đốc một công ty ở Nam Định. Lão mang tiền về xây ngôi biệt thự to hơn cái đình ngay đầu làng. Vợ lão là mụ Nhõn cậy giàu có coi dân làng chẳng ra gì. Gần đến ngày hạ cánh, lão Khán bị kỷ luật khai trừ, cách chức vì tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, lão buồn chán về nhà sinh bệnh rồi ngã đùng ra chết. Dân làng khinh lão ra mặt. Mụ Nhõn bỏ tiền thuê thợ xây cho chồng cái mả to nhất nghĩa địa. Mụ muốn chọc tức dân làng.

Mợ Sìn đốt đèn giữa sân chờ chúng tôi về. Rồi khoai luộc bốc khói nghi ngút. Cậu Đốc thổi phụt ngọn đèn dầu. Cậu bảo, sáng trưng thế này cần gì đèn. Mợ Sìn bóc củ khoai to nhất đưa cho tôi. Mợ nói đùa, dân thành phố ăn bánh cao lâu uống sữa bò, dân nhà quê chỉ có củ khoai luộc là ngon nhất.

Cậu Đốc bảo, dân thành phố ăn toàn đồ rởm, dân quê mới ăn đồ xịn nhất. Bánh cao lâu bọn tư nhân làm bằng bột khoai khô mốc trộn với đường. Dân nhà quê trường thọ vì được hít thở không khí trong lành. Ruộng nhà ai người ấy làm, chẳng ai hại ai. Suy cho cùng nông dân là sướng nhất. Nét mặt người nhà quê trông thư thái ung dung. Mặt dân phố lúc nào cũng đăm chiêu khổ hạnh lắm.

Mợ Sìn chẳng để ý đến những câu nói của cậu. Mợ đi xuống bếp nhóm rơm đun ấm nước chè xanh. Vẻ mặt mợ không được vui. Cậu mợ vẫn còn giận nhau. Tôi thấy thương thương mợ Sìn. Ngọn lửa le lói hất bóng mợ vào tường bếp mỏng dính như tờ giấy than. Nét mặt mợ đăm chiêu khổ hạnh như mặt dân thành phố. Suốt từ ngày lấy chồng tới giờ mợ Sìn đã có ngày nào được hạnh phúc đâu.

Sau ngày cưới vợ, cậu Đốc sa vào cảnh rượu chè, cờ bạc. Đêm nào cậu cũng đi theo bạn bè tới khuya. Công việc gia đình, việc đồng áng dồn cả lên đôi vai gầy của mợ. Ông ngoại tôi quý con dâu nên cứ thấy bóng cậu Đốc là chửi. Một lần cậu bán trộm hai thúng thóc lấy tiền đánh bạc, ông tôi cấm cửa không cho về nhà. Cậu Đốc tự ái bỏ nhà theo ông Sổ đi đóng cối xay tận Lào Cai. Cậu đi miết không thèm nhắn tin về. Làm được đồng nào cậu tôi dốc vào chiếu nghiện. Ông bà tôi lần lượt quy tiên. Một tay mợ Sìn ở nhà lo toan hết cả công việc lớn. Cả làng ai cũng khen mợ ăn ở hiếu nghĩa với gia đình nhà chồng. Trước khi chết, ông viết giấy từ cậu Đốc và giao cơ nghiệp cho mợ Sìn. Ông tôi còn khuyên con dâu đi lấy chồng nhưng mợ Sìn không nghe. Mợ vẫn hy vọng cậu sẽ trở về.

Cậu tôi đi một hơi gần hai chục năm mới trở về. Nghe dân làng kể chuyện mợ Sìn chăm sóc bố mẹ chồng lúc ốm đau, cậu Đốc cảm động lắm. Cậu chắp tay xin mợ tha thứ. Mợ Sìn không nói gì mà chỉ khóc. Mợ khóc mấy ngày liền. Khóc đến khi cạn nước mắt. Cậu Đốc hết lòng chiều chuộng vợ. Cậu chở mợ đi khắp thị xã cắt thuốc bắc phục hồi sức khỏe. Mợ Sìn uống gần trăm chén thuốc nhưng chẳng khá hơn. Thân thể cứ tàn dần như cành củi khô. Đêm đầu tiên sau ngày trở về, cậu Đốc muốn bù đắp cho vợ những gì mất mát. Cậu ôm ghì mợ vào lòng. Mợ Sìn nằm trơ trơ như hòn đá ong. Mợ không còn cảm giác giới tính để tiếp nhận khao khát, mạnh mẽ của đàn ông. Mợ úp mặt xuống chiếu cắn môi đến bật máu. Toàn thân mợ rung lên bần bật. Cậu Đốc không ép mợ. Cậu nhẩm tính thời gian và giật mình, mợ Sìn đã ngoại tứ tuần rồi còn gì!

Đêm hôm sau cậu Đốc ngủ riêng ngoài giường một. Cậu thao thức suốt năm canh. Một đêm thức trắng dài như thế kỷ, bên kia, mợ Sìn cũng không chợp mắt. Tiếng thở dài của mợ nghe não ruột đắng cay. Cậu Đốc bất chợt nhận ra sự trở về của mình thật vô duyên.

Mợ Sìn vò chè xanh cho vào ấm nước sôi. Mợ rót ra ba bát. Cậu Đốc lấy chai mật ong hoa nhãn chế vào mỗi bát hai thìa cà phê. Ăn khoai luộc, uống nước chè xanh pha mật ong thật tuyệt.

Mợ Sìn mắc màn lên giường ngủ, tôi và cậu Đốc tiếp tục  ăn khoai luộc, ngắm trăng xuông. ánh trăng vàng ệch đơn côi hắt xuống những tàu lá xanh xám. Ngồi ngoài sân, tôi nghe rõ tiếng trở mình khó nhọc, khô cằn của mợ Sìn. Cậu Đốc nhai khoai luộc trệu trạo như nhai rơm. Tôi hỏi: mợ vẫn còn giận cậu ư? Cậu Đốc gật đầu, chuyện phức tạp lắm. Để từ từ cậu sẽ kể cho cháu nghe.

Mặt trăng khuất dần vào đám mây phía chân trời. Hai con vạc đi ăn đêm bay ngang qua vườn chuối vội vã. Cậu Đốc kéo tôi về phía cuối làng. Cậu bảo, đi chơi với cậu. Sáng sớm ra đầm vớt lờ rồi về ngủ luôn thể.

Tôi lặng lẽ đi theo cậu. Đường làng vắng lặng. Tre hai bên rủ xuống tối thui. Tôi vác gậy đi sau như Tôn Hành Giả theo phò Đường Tăng. Chúng tôi dừng lại trước ngôi  nhà lợp rạ, vách đất sát bìa làng. Cậu Đốc ra hiệu cho tôi đứng gác, còn cậu lẻn vào gõ cửa. Cậu gõ hai tiếng to và một tiếng nhỏ. Hình như đó là ám hiệu liên lạc với chủ nhà. Tôi căng mắt theo dõi từng cử chỉ của cậu. Dáng vẻ cậu trông rất đáng ngờ. Ngọn đèn dầu leo lét được vặn to lên. ánh sáng đỏ quạch xuyên qua phên liếp. Cậu Đốc lẻn vào nhà. Tôi nhẹ nhàng đi theo, ghé mắt nhìn qua khe liếp. Cậu Đốc giang tay ôm người đàn bà to béo vào lòng. Người đàn bà cầm tay cậu Đốc đặt lên bụng mình. Cậu Đốc hỏi, mấy tháng rồi? Người đàn bà trả lời, bốn tháng rồi. Cậu Đốc bảo, dù chết cũng không khai ra nhá. Người đàn bà gật đầu. Cậu Đốc dúi mặt vào vùng lõm sâu trên ngực bà ta. Họ âu yếm nhau như đôi chim bồ câu trước mùa sinh nở.

Tôi thấy trong cổ họng mình rát bỏng. Cục hầu kéo lên chèn chặt nơi thanh quản làm tôi tức thở. Tai tôi ù đặc. Đâu đó có tiếng đổ vỡ của một tòa lâu đài. Tôi bất giác vung tay đập chiếc gậy "Như ý" vào phên liếp. Người đàn bà vội vã đóng cúc áo che bầu vú căng tròn như hai trái dưa lê. Bà ta là ai? Tại sao cậu Đốc lại âu yếm bà ta một cách vụng trộm như vậy?

Chúng tôi rời ngôi nhà của người đàn bà để đi ra đầm Gia Cát. Cậu Đốc đi liêu xiêu như người say rượu. Tôi đi lầm lũi chẳng nói gì. Trên bầu trời cao thăm thẳm, những ngôi sao nhỏ li ti lấp lánh như mắt vịt. Không biết ở trên đó có người không?

Cậu Đốc vuốt tóc tôi bảo. Tâm ơi, cậu khổ thân lắm. Cậu rất muốn có đứa con. Làm người mà không có con thì khốn khổ lắm. Mợ đã già mất rồi, không đẻ được nữa. Người đàn bà lúc nãy là cô Ngò. Cô Ngò đi thanh niên xung phong ở Trường Sơn bị sốt rét không lấy được chồng. Cô ấy cũng muốn làm mẹ. Đàn bà mà không đẻ con thì khác gì đàn ông cơ chứ? Cháu hãy thông cảm cho cậu, thông cảm với cô Ngò.

Tôi lơ đễnh nhìn lên bầu trời. Bộ ngực ngồn ngộn của cô Ngò cứ ám ảnh trong óc tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bầu vú trần của đàn bà. Không hiểu bầu vú có ma lực gì mà cậu Đốc thích dúi mặt vào. Người lớn làm nhiều chuyện tức cười như trẻ con.

Trời bắt đầu sáng lờ mờ. Cậu Đốc lần theo trí nhớ vớt lờ. Bọn trộm đã kịp thời xoáy của chúng tôi mất gần chục chiếc. Cậu Đốc thầm khâm phục biệt tài của bọn trộm đêm.

Mợ Sìn đổ lờ được gần hai ký cá. Mợ đập đầu, đánh vảy, mổ bụng rồi đem rán. Mùi thơm từ chảo mỡ bốc lên làm tôi chảy nước rãi. Cậu Đốc hỏi, sao bà không bán bớt đi? Mợ Sìn bảo, rán tất làm bữa cơm liên hoan chia tay. Hai khóe mắt mợ đỏ hoe. Chắc chắn sắp có chuyện chẳng lành.

Cậu Đốc đứng lặng thinh cạnh gốc mít nhìn vợ nấu cơm trong bếp. Cậu đứng như con chiên ngoan đạo chờ được rửa tội. Tôi muốn chia sẻ tâm sự với cậu nhưng chẳng biết phải làm gì. Tôi đến bên cậu hỏi một câu thật vớ vẩn. Một cân cá rô bán được bao nhiêu? Cậu Đốc bảo, được sáu nghìn đồng. Sáu nghìn mua được một hộp bia. Hôm trước ban chỉ đạo diệt chuột ở xã họp  tổng kết. Mỗi đại biểu được uống một lon. Riêng cậu được uống gấp đôi vì phải viết báo cáo.

Mợ Sìn bưng mâm cơm đặt giữa sân. Trên mâm có đĩa cá rô rán, canh rau ngót nấu cá rô, chai quốc lủi trong vắt. Mợ Sìn bảo, ông không phải giấu tôi nữa. Tôi biết hết rồi. Ngày mai tôi với ông ra tòa ly dị! Cậu Đốc hoảng hốt làm rơi chén rượu xuống sàn gạch vỡ tan tành. Cậu quỳ gối chắp tay lạy mợ: "Bà ơi, tôi xin bà, tôi van bà. Tôi có tội với bà. Người phải ra đi chính là tôi". Mợ Sìn rầu rĩ nhưng cương quyết: "Cô Ngò đã cống hiến tuổi xuân cho cách mạng. Một người đáng kính như thế không thể mang tiếng chửa hoang được. Ông phải cưới cô ấy thật đàng hoàng".

Mợ Sìn bình tĩnh ngồi ăn cơm. Cậu Đốc không dám nói thêm câu gì nữa. Cậu biết tính mợ rất khảng khái. Mỗi khi mợ quyết định nói ra điều gì là đã tính toán kỹ lưỡng lắm. Tôi nhìn cậu mợ, nước mắt cứ thế trào ra. Trước mắt tôi hình ảnh bộ ngực trần của cô Ngò có vết lõm ở giữa cứ thấp thoáng như mơ như thực.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com