Sự thức tỉnh, thức dậy, làm sống lại những giá trị người theo hướng vận động: cái thiện, cái tốt đẹp, cái nhân tính chế ngự cái ác, cái xấu xa, cái phi nhân tính... là cảm hứng xuyên suốt hầu khắp các sáng tác của Nam Cao, trên cả hai mảng đề tài (nông dân và trí thức nghèo), trên cả hai chặng đường sáng tác của ông (trước và sau Cách mạng Tháng Tám).
Hướng vào một tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao: truyện ngắn Chí Phèo, chúng tôi muốn tô đậm thêm chân dung người nghệ sĩ lớn Nam Cao ở hai khía cạnh: một tinh thần nhân đạo triệt để và một tài năng sáng tạo khác thường - cả đời văn của ông chỉ khơi vào những nguồn tốt đẹp nhất của con người; cả đời văn của ông chỉ tạo ra những giá trị ngời sáng ở những tâm hồn có nguy cơ tối lại, mòn mục và han gỉ đi. Mục đích tư tưởng đó đòi hỏi một khả năng đột xuất, tương ứng về nghệ thuật phân tích tâm lý, mô tả thật sâu sắc, thấm thía, có sức thuyết phục cao những biến đổi ở bên trong, ở chiều sâu tính cách nhân vật.
Tôi cho rằng Chí Phèo là nhân vật lạc loài, do Nam Cao sáng tạo ra. Con người lạc loài ấy bị thải loại khỏi cộng đồng, tính từ sau khi anh bị nhà tù làm cho biến dạng về hình người và tính người: "Ngay đến cái thẻ có biên tên tuổi hắn cũng không có, trong sổ làng người ta vẫn khai hắn vào hạng dân lưu tán lâu năm không về làng". Toàn bộ tính cách lạc loài ấy được Nam Cao khắc họa bằng hai chi tiết cơ bản: ngoại hình xệch xạc, méo mó, không còn nguyên mặt người; ứng xử với đời, với người bằng chửi bới, mảnh chai rạch mặt, dùng dao dọa nạt, bật lửa đốt nhà... nghĩa là không còn nguyên tính người. Nam Cao nói gọn lại: Đây là "con quỷ dữ của làng Vũ Đại".
Chí Phèo - con quỷ, sẽ đi đâu, về đâu trong xã hội loài người này? Tôi cho rằng Nam Cao thật lớn tại điểm nhìn nghệ thuật rất hẹp, rất sâu ấy. Con quỷ Chí Phèo không thể chui xuống cát như Chử Đồng Tử, không thể suốt đời giấu mặt, giấu hình trên sông nước và giao tiếp với đời bằng tiếng hát như Trương Chi, không thể như Thạch Sanh trú mãi dưới gốc đa để gặp đại bàng cắp công chúa bay qua... Chí Phèo là nhân vật của chủ nghĩa hiện thực được Nam Cao ý thức rất tự giác. Tất nhiên là như vậy! Sức sáng tạo mãnh liệt, tư tưởng sâu sắc của Nam Cao là ở chỗ ông đã chỉ ra bằng hình tượng nghệ thuật: con người khi đã mất tính người thì chỉ có một nguyện vọng: muốn trở lại làm người. Để thực hiện khát khao duy nhất đó, con người phải tự mình, tự bươn chải, tự vươn lên, tự lột xác, tự hóa thân... mà không hề có sự nâng đỡ nào. Nam Cao trong truyện ngắn này đã hai lần mô tả nỗi khát thèm của Chí Phèo khi đối diện với rượu và phụ nữ: "Rồi đột nhiên hắn khát, trời ơi! Sao mà khát! Khát đến như cháy họng". Đây là lúc Chí Phèo nhìn Thị Nở ngồi tênh hênh: "Tự nhiên thấy ứ lên đầy miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô, hắn nuốt ừng ực, hắn thấy cái gì rộn rạo ran khắp người": Khát thèm, biết khát thèm chất men say của đời, của người, đó là dấu hiệu chợt thức của nhân tính. Song vấn đề ở chỗ tỉnh ra, Chí Phèo là biểu tượng đó của Nam Cao. Tôi gọi đó là sự thức tỉnh. Đây là nhà văn cả đời cầm bút chỉ nhăm nhăm đi tìm phần tốt đẹp còn sót lại của con người, dù mong manh, mơ hồ, để thức dậy, lay tỉnh lại ở họ những giá trị đích thực của con người: tình yêu thương, khao khát hướng thiện, thèm được làm hòa với tất cả. Tôi thích nhất ý tưởng này của Nam Cao: "Hắn không còn kinh rượu, nhưng cố uống cho thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau". "Để tỉnh táo mà yêu nhau" - đó chính là quan điểm của Nam Cao về sự thức tỉnh. Những sáng tác nổi tiếng nhất của ông đều tỏa ngời ý tưởng ấy: Dì Hảo, Lão Hạc, Một đám cưới, Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn, Chuyện người hàng xóm...
Đương nhiên, truyện ngắn Chí Phèo là tiêu biểu nhất. Tư tưởng của Nam Cao hầu như quán xuyến toàn bộ kiệt tác này. Nam Cao nhận ra khả năng bên trong của con người, khả năng tự thức tỉnh của con người là vô hạn. Đây là quá trình rất biện chứng. Bắt đầu là việc nhân vật tự nhận ra mình ở hình hài. Điểm xuất phát để ngược dòng của Chí Phèo là từ chỗ hắn mê muội cảm giác về thời gian: "Ba mươi tám hay ba mươi chín...? Bốn mươi hay là ngoài bốn mươi...? Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi tuổi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hăm nhăm không biết có đúng không? Bởi vì từ ngày ấy đối với hắn không còn ngày tháng nữa...". Nén chặt khoảng thời gian ấy là liên tiếp những hành động của Chí Phèo: "ức hiếp, đâm chém, mưu hại... người ta giao cho hắn làm. Nam Cao viết: "Những việc ấy là chính cuộc đời hắn, cuộc đời mà chính hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi...". Nhà văn đã dùng chín trang sách chỉ để viết về những biểu hiện của một con người mê muội, của một con quỷ hung hãn. Liệu Nam Cao sẽ đưa nhân vật của mình đi đâu, về đâu giữa biển đời toàn những Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo, Binh Chức, Năm Thọ...? Mười ba trang sách còn lại, theo tôi, ông chỉ dành để mô tả một nội dung trong tính cách Chí Phèo - đó là quá trình tỉnh thức. Cái gì cũng đến với Chí Phèo lần đầu, lần thứ nhất, cái gì cũng khiến anh ngạc nhiên, thích thú, sửng sốt, lâng lâng, nao nao, rạo rực. Mở đầu là chính cái bóng của Chí hiện ra dưới ánh trăng chảy trắng tinh, ánh trăng nhễ nhại: méo mó, xệch xạc, thu gọn vào, dài loang ra, xé rách vài chỗ, quần quật dưới chân... Chí Phèo nhận ra hình hài của mình: "Cái vật xệch xạc trên đường là bóng hắn". Chí Phèo đã cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi. Nam Cao viết: "Thế là hắn cười, và hắn quên báo thù". Nếu là người, tôi nghe như Nam Cao nói rất thiết tha: "Không thể sống bằng thù hận, báo oán. Mới chỉ nhận ra mình ở hình hài, Chí đã quên báo thù. Nam Cao để cho nhân vật của mình cứ nhích dần, nhích dần, từng tí, từng tí như thế về phía ranh giới của con người. ở đây xuất hiện nhân vật Tự Lãng. Tôi chú ý kiểu hành văn của Nam Cao: Không hề có một dòng đối thoại nào giữa hai nhân vật; tất cả chỉ là những dòng suy tư, những dòng độc thoại. Tự Lãng là một phần trong con người của Chí Phèo chăng? Một Tự Lãng nghệ sĩ, một lão thầy cúng, vợ chết đã bảy, tám năm nay và con gái lão chửa hoang bỏ đi (Lão Hạc cũng cảnh ngộ na ná: vợ lão chết rồi, con lão đi bằn bặt); một Tự Lãng với cây đàn chầu văn, bộ râu lờ phờ, vừa uống rượu, vừa vuốt râu, vừa rung rung cái đầu... Nam Cao viết: "Rồi hắn nắm lấy mấy cái râu lờ phờ của lão Tự, nâng soi lên trăng mà cười. Lão Tự cũng cười. Hai thằng say rượu ngả vào nhau mà cười, như một đôi tri kỷ cuồng". Ngòi bút của Nam Cao thật phóng túng. Đến cuộc gặp Chí Phèo - Thị Nở - sự thức tỉnh đến từng tế bào, đầy ngẫu hứng - ngòi bút ấy càng phóng túng hơn nữa. Cuộc gặp Chí Phèo - Tự Lãng phải chăng là sự thức tỉnh về lý trí? Giọng Tự Lãng thật giàu chất suy tư: "Nhịn uống để làm gì? có giàu, có sang, có làm nên ông to bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là "cụ lớn mả". Lão sống có đến năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái mả tất. Ai chết cũng thành cái mả, lo gì? Cứ say!". Chí Phèo, trong lúc thỏa thuê đã "thấy làm lạ" cho mình, về mình" sao mãi đến hôm nay mới ngồi uống rượu với thằng cha Tự này". Một câu hỏi bâng quơ của Tự Lãng lúc lão "bò như cua": "Người ta đứng lên bằng cái gì?". Cứ như một câu hỏi giàu chất triết lý về nhân sinh trong thần thoại Hy Lạp. Tỉnh thức, với Nam Cao, là thấu suốt cả thân xác và cõi lòng, cả tâm hồn và lý trí, cả khắc giây của thực tại và chảy dọc một kiếp người. Đến tận cùng của sự khát: "Rồi đột nhiên hắn khát, trời ơi, sao mà khát! Khát đến như cháy họng...", Chí Phèo đã cập tới cõi say: "Chúng uống với nhau rất là nhiều. Và rất nhiều. Người ta tưởng như cả làng Vũ Đại phải nhịn rượu để cho chúng uống". Đến tận cùng của cõi say, Chí đã gặp sự thỏa thuê: "Chưa bao giờ Chí Phèo được thỏa thuê đến thế" thì con quỷ lại gặp những ao ước của con người trần gian: Hắn gặp Thị Nở. Nam Cao trang hoàng cho cuộc gặp trần gian ấy một khung cảnh thật thần tiên: "một con sông con, nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, đầy gió, vườn toàn chuối, một túp lều con, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi, những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên như hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình...". Buổi sáng hôm sau, vẫn không gian ấy, nhưng khung cảnh lại rất trần thế: nắng rực rỡ, chim ríu rít "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá", xen lẫn tiếng cười nói, tiếng gõ mái chèo đuổi cá... Nam Cao viết: "Những tiếng quen thuộc ấy ngày nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy...". Chao ôi là buồn!
Buồn, Chí Phèo buồn. Anh đã thật thành người sau một lần soi mình vào tình người, tình đàn ông, đàn bà. Soi vào đó Chí Phèo trở lại phần người triệt để. Tôi chú ý đến thái độ rất trân trọng của Nam Cao đối với cuộc tình Chí Phèo - Thị Nở, khi ông phủ lên quan hệ của họ những cảnh sắc đầy ánh sáng của trăng, của nắng. Chí Phèo triệt để tỉnh thức bằng trạng thái của con người cá nhân đơn lẻ. Chí Phèo là một vũ trụ nhân sinh, biệt lập: nao nao buồn; một thời ao ước; giá mà vẫn cô độc; đã tới cái dốc bên kia của đời, cơ thể đã hư hỏng nhiều và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau; rất ngạc nhiên, nhìn bát cháo hành bốc khói; vừa vui vừa buồn; và một cái gì nữa giống như là ăn năn; hắn nhận ra rằng đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay "đàn bà"; hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây oán thù? Hắn muốn "làm nũng" với thị như với mẹ; hắn muốn lương thiện, "hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao; hắn cười nghe thật hiền, cố uống cho thật ít để tỉnh táo mà yêu nhau...". Cứ ngổn ngang trng lòng như thế, như vũ trụ vốn chẳng có trật tự nào. Nhưng quan sát kỹ, ta thấy Nam Cao đã đẩy được sự vận động nội tâm Chí Phèo theo hướng: Chí Phèo con quỷ; - Chí Phèo con người...