Ai là người sinh ra đời lại không từ cha và ai người chẳng biết kính yêu, quý trọng đấng đã có công sinh thành mình? Nhưng đằng này ba tôi...! Tôi biết nói về ông thế nào, cái người cha khi còn sống, tôi đã từng nguyện với lòng sẽ từ biệt suốt đời, gặp nhau có họa chăng chỉ khi nào ông đi vào... lòng đất mà thôi!
Sau bảy lăm, ba tôi bị thương ở chiến trường phục viên về thì cuối năm bảy sáu sinh tôi. Tôi cũng còn một người anh lớn hơn dăm tuổi - anh Hoàng - ông có được do một lần hành quân ngang, tranh thủ ghé thăm nhà. Mẹ tôi do đau buồn sao đó, lúc sinh tôi vướng phải bệnh hậu sản. Bệnh dây dưa đến khi tôi lẫm chẫm biết đi thì bà qua đời. Vì tôi còn bé quá nên trước khi nhắm mắt, mẹ cầm hai tay tôi đặt cả vào tay cha như gửi gắm lại ông sự dìu dắt nào đó trên đời, và cứ thế trân trối nhìn ba tôi rồi... "đi" luôn.
Đó là nghe người ta kể lại chứ khi trí nhớ của tôi ghi nhận được, chỉ thấy mình "mọc" lên trong cảnh khó nghèo của "gà trống nuôi con" bên eo sông Bà Nhì. Gia cảnh chắc sẽ được dễ chịu hơn nếu ba tôi tục huyền. Nhưng có lẽ vì sự gửi gắm của mẹ tôi nên mãi rồi, ông vẫn chỉ bươn chải một mình để nuôi hai chúng tôi trong khó nghèo, nheo nhóc. Khó nghèo nheo nhóc tối tăm mày mặt, dù đã có không ít lời khuyên cũng như sự ve vãn từ những phụ nữ ở xóm bên kia sông...
Làng tôi vốn đất đai cằn khô chua mặn, mồ côi như anh em tôi phải vất vả là chuyện đã đành, nhưng đằng này cái nhà "lều" của chúng tôi lại nằm ở nơi vô cùng ngăn sông, trở nước! Từ đất Bà Nhì ấy muốn sang xóm Sa Ra bên kia sông, mùa nắng chỗ cạn nhất nước cũng chấp chới ngực anh tôi. Còn mùa mưa không biết bơi, muốn sang "bên kia thế giới" chỉ có cách băng đồng theo những bờ ruộng phèn trơn mảnh như giăng chỉ và xa thì gấp... bốn mươi lần. Nơi cha con tôi ở vì vậy nên vui ít, buồn nhiều. Nhất là mỗi khi về chiều, cảnh đến thê lương với biết cơ man nào tiếng ếch nhái óc...eo... lúc xa, lúc gần. ấn tượng mạnh đến nỗi bây giờ, cứ mỗi lần thảng nghe ếch nhái kêu đâu đó là tuổi thơ tôi ở Bà Nhì lại lập tức hiện ra ngay.
Một nách hai con lại ở nơi keo cư như vậy, có lẽ trời thương phú cho ba tôi có một sức khỏe ít ai bằng. Hay hoàn cảnh thế nên ông không dám bệnh bao giờ thì chẳng rõ. Ngoài dáng vóc cao lớn, đẹp người ra, ba tôi còn là tay lội bơi rất giỏi. Có lần mùa lũ về, chính mắt tôi đã thấy ông đội cái khạp đựng đầy nước uống, bơi đứng qua sông như đi trên cạn vậy. Nghe đâu ba tôi trước kia là bộ đội trinh sát hay đặc công gì đó. ấy là cũng nghe. Tính cha rất ít nói và không hay kể về mình. Chẳng mấy khi thấy ông chuyện về những tháng ngày trong quân ngũ, hay chí ít cũng là trận đánh làm cho chính mình bị thương.
Làng tôi bên kia sông Sa Ra có chợ chiều. Để nuôi sống hai con, ba tôi tháng nắng như ngày mưa, lúc nào cũng trần mình trằn ra eo sông khi tát cá, lúc quần quật với mấy thẻo ruộng chua phèn. Những khi nông nhàn với chiếc xe đạp cà tàng gửi bên kia sông, ông "chạy" cá và bán dạo khắp trong vùng. Cuối ngày khi còn, vào bán vét lại ở chợ chiều. Năm nào cũng vậy cứ vào mùa mưa, nước sông dâng lên mấp mé mí sân nhà tôi. Để làm được việc, ba tôi có thể nói là người đầu tiên đem còng số tám còng cho chính con mình độ tuổi sớm... nhất thế giới, tức năm tôi vừa năm tuổi! Còng nối tôi với gốc táo bên hông nhà qua sợi dây dài khoảng vài ba mét. Có vậy ông mới an tâm rời nhà vào lúc sớm tinh mơ, để rồi về với người ngợm vừa tanh vừa khai nồng khi bóng chiều nhập nhoạng. Mùi nước phèn và cá mắm khai tanh ở ông thường xuyên đến nỗi với anh em chúng tôi đã trở thành "hơi hớm" của ba, cứ vắng lâu chừng một đêm là thấy nhớ. Những hôm ông làm đồng hay chạy cá, dưới bóng mát tàng táo, hai anh em chơi với nhau rất an toàn bởi tôi đã được còng số tám níu giữ, dù mí nước có mấp mé hông nhà. Mãi sau cổ chân tôi trầy lở vì không chịu được còng sắt, ba mới thay vào bằng một trọng dây dù. Tuổi nhỏ hiên nhà là thế giới, tôi và anh Hoàng chơi được nhiều trò rất thích thú, mà trong điều kiện mình hai đứa đã nghĩ ra. Từ chơi ô ăn quan, đá banh đến cả đánh chuyền, đánh chắt...
Một hôm vì quá muốn đi bẫychim bìm bịp, tôi đã mày mò tháo được dây dù ở chân, theo anh Hoàng. Tất nhiên với kinh nghiệm của trẻ quen ở vùng sông suối, anh không để tôi chết đuối nhưng qua một ngày lầm đầm nước sông, tôi bị cảm to. Lỗi là ở tôi, song việc này anh Hoàng phải no đòn vì đã không trông em được chu toàn như lời ông căn dặn, dù từ trước đến nay tôi chưa thấy ông đánh con bao giờ. Kế đến tôi phải đi bệnh viện tỉnh vì bị viêm phế quản. Trong những ngày nằm viện ấy, ba tôi được tin anh Hoàng ở nhà đã bỏ đi hoang! Trong ý nghĩ non nớt của thằng bé quanh năm chỉ ở mom sông, việc đi viện của em gần đồng nghĩa với cái chết, nên anh quá lo sợ.
Bệnh tôi lúc đó cũng đã đỡ, nghe tin anh bỏ nhà ra đi, lập tức ba xin cho tôi xuất viện ngay. Chiều ấy hai cha con về, bên này sông nhìn những vạt nắng vàng vương trên mấy ngọn tre và mái tranh òi ẹp của ba cha con bên mom sông mà tôi buồn muốn khóc, khi nghĩ rằng từ nay sẽ tha thủi một mình, không còn anh để hú hí vui chơi. Trước khi đi nhà cửa xung quanh anh Hoàng đã quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Và trên bộ vạt tre, anh đã bày hết lên những đồ chơi của hai anh em tự đời nảo đời nào, chắc do dọn nhà tìm ra được. Những đồ chơi ấy cái nào trước đây hư hỏng anh đã sửa chữa lại nguyên lành. Thấy thế tôi sà xuống bộ vạt, khóc òa. Ba tôi bấy giờ đứng ở mom sông, nhìn sững qua Sa Ra, bên ấy có đường quốc lộ băng ngang, thi thoảng vọng về những tiếng còi xe nghe mơ hồ như từ một thế giới khác. Bóng ông cứ thế bất động mãi trong nắng chiều.
Từ ấy bên mom sông, mọi chăm lo nuôi dưỡng ba dồn dành hết cho, nên hồn nhiên tôi lớn. Thay vào trọng dây dù ở cổ chân, tôi đã dần biết giúp ông việc nhà rồi đồng áng. Ba tôi nhờ vậy lại có điều kiện "thâm canh" hơn vào nỗi cơ cực của mình. Thâm canh với tất cả tháo vát của người cha và kiêm luôn sự tảo tần của mẹ. Anh Hoàng tôi giờ nghe đâu ở Sài Gòn nhưng mãi vẫn không thấy về.
Một hôm ba và tôi ngăn nước cái vũng gần nhà để tát cá. Sì xụp, bì bõm cả buổi nhưng cuối cùng: dưới đáy bùn là mấy con rô, nhét nhỏ. Bù lại từ đầu đến chân hai cha con bùn vấy như trâu lăn sình! Lúc cơm trưa, ba gắp mấy con cá đồng ít ỏi bỏ vào chén tôi, nhìn tôi ăn hồi lâu đoạn ông trầm ngâm bảo:
- Sắp đến ngày khai giảng rồi. Năm nay con phải đi học, để sau này có thể xin được những việc làm không cực nhọc như ba bây giờ.
Quả thật lúc này tôi đã quá cái tuổi đáng lẽ phải đến trường. Trước đây những lúc rảnh rỗi, ba cũng có dạy cho tôi biết đọc lõm bõm nhưng giờ vào trường, nguyên tắc là phải vô từ lớp Một. Nghĩ đến cảnh mình: lớn tồng ngồng lại phải chung lớp với những đứa lưng đeo cặp theo mẹ, khóc inh trên đường đến trường, tôi thấy nản vô cùng nên chống chế:
- Cần gì học. Nữa lớn có ba là thương binh chống Mỹ, con sẽ dễ xin việc làm thôi!
- Chống ngoại xâm là nhiệm vụ của mọi công dân, ba chẳng may bị thương thôi con. - Ngừng một chút ông cương quyết - mà cũng không phải vì vậy mà con dốt lại biết làm việc được. Phải đi học thôi!
Tôi nín thinh. Khi nào người mẹ nơi ông biến mất, chỉ còn lại sự nghiêm khắc của cha thì tôi biết là không thể không vâng lời. Vả lại chỉ có hai người, tôi còn biết xin "cứu viện" vào ai?
Thế rồi nhập nhoạng chiều đó, trong chiếc thúng ba tôi đội sông bơi về có đủ hết những gì cần thiết cho một cậu học trò vào lớp Một. Tất nhiên là cả quần áo dép nón nữa, để có thể "học sinh hóa" một thằng bé quanh năm chỉ dính độc cái quần đùi trên thân thể mầu nâu phèn như tôi. Đêm ấy giữa những giấc mơ thầy cô, lớp trò đứt nối, thức dậy lúc nào tôi cũng thấy ba cặm cụi, loay hoay bên ngọn đèn dầu tù mù với những đồ dùng học tập của tôi bày ngổn ngang trên mặt vạt tre.
Buổi sáng, sau khi thắp hương khấn vái gì đó lên bàn thờ mẹ... hai cha con lội sông ông đưa tôi đến trường. Chiếc quần lót thấm ướt ra khúc giữa đồ ngoài ông bên bao người trong ngày khai giảng đầu tiên của đời học sinh là hình ảnh mà có lẽ tôi không bao giờ quên được.
Tôi được bầu làm lớp trưởng vì lớn tuổi. Thấp thoáng mà cấp Một rồi Hai, Ba. Trong suốt những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, dù ít được chứng kiến những vất vả, khó nhọc của ông như hồi ở nhà, nhưng thay vào đó bất cứ khoản chi phí, đồ dùng học tập nào của tôi biết cũng mang đầy vị mặn mồ hôi nước mắt, một nắng hai sương của ba. Và không ai có thể học tồi được khi bên mình có sự lo lắng, chăm nom của một người vừa là cha lẫn mẹ như thế. Sau này khi lớn, thấy ba cặm cụi cô đơn, nhiều lần tôi ngỏ ý xa gần muốn có một người mẹ để cùng đỡ đần hôm sớm thì ông gạt phắt đi: "Khi nào con có vợ, lúc ấy ba sẽ tính. Còn bây giờ con cứ học, đừng lo".
Chẳng biết do lời ba tôi hay bởi cái "máu" của mình mà tôi biết yêu khá sớm. ấy là năm lớp Mười một. Người tôi yêu là Kiều học trên tôi một lớp, lớp Mười hai.
Hôm Kiều thi đỗ Tú tài, cô có làm một bữa tiệc mừng ở nhà, mời khá đông bạn bè cùng lớp và khác lớp đến dự, trong đó tất nhiên là có tôi. Nhà Kiều tuy giàu có theo kiểu trang trại nhưng lại ở rất xa, mãi trên Rừng ông Rắc, nơi chẳng gần chợ búa, thị tứ gì. Tất cả chúng tôi phải đèo nhau bằng xe máy, mất gần cả buổi mới thấu nơi.
Đời học sinh, những bữa tụ họp với mục đích như thế thường là rất vui vẻ. ở nhà Kiều, tất cả chúng tôi xúm vào làm giúp cho nhanh có bữa tiệc. Gái theo việc gái, trai theo việc trai. Vừa làm chúng tôi vừa chòng ghẹo nhau, tiếng cười nghe ran ran suốt gian nhà bếp. Riêng tôi lúc bửa củi vướng tay, lên nhà trước cất chiếc đồng hồ của mình, bỗng nghe tiếng Kiều trả theo, mua bán gì đó trước cổng rào.
- ... Hổng dám rẻ đâu à nghen!
- Rẻ thật mà, tôi không nói ngoa đâu! Dưới chợ một ký cá này họ bán có bét lắm cũng mươi lăm nghìn. Cá thu mà cô!
- Rẻ mà... cân non cũng quá cha là mắc. Đâu, ông cân lại coi?
Tự dưng sống lưng nghe ớn lạnh, tôi vội nhìn ra và... đất trời bỗng tối sụm xuống trước mắt mình. Chiếc xe đạp với hai giỏ cá bên hông ngoài cổng là... của ba tôi. Mái tóc muối tiêu cùng lưng áo bạc đẫm mồ hôi của người đang xoay ngang theo đòn cân để cho Kiều nhìn rõ mặt ký...
Bữa tiệc ấy tôi không ăn được bất cứ thứ gì, ngoài uống. Nhìn khúc cá Kiều âu yếm bỏ vào chén mà tôi rưng rưng. Bước chân tảo tần, thương khó của ba tôi lại có mặt tận nơi thâm sơn cùng cốc này ư? Nơi mà mặc dù đi xe máy, bạn tôi đứa nào cũng lắc đầu, lè lưỡi. Và hơn thế, đây chắc chắn không phải là nơi cuối cùng trên bước đường bán dạo của ông! Bên tiếng cười vui chúc mừng Kiều của bạn bè, tôi mơ hồ nghe được tiếng rao bán mỗi lúc một xa dần khi nãy của ba tôi: "Ai... cá... hôn? Ai... cá tươi... hôn?".
Sau đó thì tôi xa Kiều. Là đàn bà con gái, chuyện "cò kè bớt một thêm hai" em không có lỗi gì cả. Nhưng làm sao tôi có thể yêu em khi mà định mệnh đã báo trước cho mình một điềm chẳng lành về số phận? Làm sao tôi có được hạnh phúc với em mỗi khi nhớ đến lưng áo trắng mồ hôi như một ám ảnh khôn nguôi về vai vế của nhà mình? Sau bữa lặn lội, vất vả như ba là để tôi yêu hay học, trong cái năm bài vở ngập tràn cho thi cử như ở lớp Mười hai?
Tháng ngày vừa ruộng đồng, cá mắm khó nhọc vừa lo lắng chuyện thi cử của tôi nên ba tôi già yếu đi rất nhanh. Mái tóc ông mới đó ngoảnh lại đã bạc trắng như tơ trời. Và may mắn thay năm đó, tôi đỗ ngay được Tú tài vào loại khá. Trước tuổi tác của ba và hoàn cảnh nhà, tôi quyết định lập gia đình. Từ nỗi ám ảnh trên trang trại nhà Kiều, tôi đã nhanh chóng bằng lòng lấy người con gái mà ba chọn cho, dù chưa yêu song cũng chẳng hề ghét. Cô ấy tên Hoan, khá đẹp, ở cách nhà tôi một khúc sông và là người thường giúp việc đồng áng cho ba tôi cách cần mẫn trong những năm tôi ở ghế nhà trường. Rồi ít lâu sau khi lập gia đình, theo lời khuyên của ba, tôi vào bộ đội.
Tiếp đó tôi được đi học khóa sĩ quan. Sau khi tốt nghiệp, tôi được điều ra đảo Trường Sa. Một lần, sau hơn năm dài ở đảo về phép thì... vợ tôi ở nhà đã gần đụng tới ngày sinh! Đất trời như sụp đổ dưới chân tôi. Trước cảnh khi lẩn tránh, lúc gầm mặt khóc nức nở của Hoan, thoạt đầu tôi nộ khí xung thiên nhưng rồi cũng cố kìm lại được. Mình còn quá trẻ, gặp con vợ lòng dạ thế thôi cứ cầm như bỏ đi cho lỡ chuyến đò này, rồi đời sẽ bày cho chuyến khác. Nhưng cứ thấy cái mặt trông đĩ đĩ, lì lì của Hoan là tôi lại tức nồng lên:
- Sao? Giờ thì cô nói đi, ai là cha của cái bụng cô?
Hoan lại tấm tức khóc và nhất quyết không hé răng lấy một lời.
- Không phải cứ khóc mãi mà xong với tôi đâu! Ai? Thằng nào đã làm cái trò mèo ấy với cô, hả? Ai...?
Hết nức nở, Hoan lại đưa đôi mắt ràn rụa lệ nhìn như cầu cứu sang ba tôi. Ông thở dài:
- Đằng nào cũng lỡ vậy rồi. Từ từ tính thôi con ạ. Với Hoan thì ba cũng đã...
Với ông thì cũng đã quen rồi, từ lúc cái thai mới lúp áo; còn tôi... một thằng chồng bỗng dưng đặt trước cái bụng vợ to đùng mà không phải là của mình! Làm sao cô ta lại cho tôi "mọc sừng" một cách ngang nhiên như vậy được chứ? Tôi rít răng:
- Cô nói đi? Một là khai ra, hai là chết với tôi, cái thứ đàn bà lăng loàn, trắc nết!
Hoan hết xì mũi lại vẫn ràn rụa khóc, và đằng sau những giọt nước mắt ấy là thành lũy kín như bưng về tác giả của cái bụng mình. Tôi nghiến răng. Trời ơi! Tại sao những cách tấn công tôi học ở trường sĩ quan, chẳng thấy ai dạy về việc chọc thủng cái phòng tuyến đầy nước mắt này!?. Tôi lồng lộn lên, lao đến Hoan nhưng gặp cái nắm vai chắc như tay gấu của ba tôi giữ lại.
- Từ từ... tính con ạ. Có nóng lên thì cái bụng ấy của ai cũng không thể trở thành của con, mà lại rách việc ra...
Tôi cay đắng rơi phịch người xuống bộ vạt tre. Ba tôi lại ôn tồn:
- Trước là bộ đội, ba cũng đã từng xa nhà, xa vợ như con. Ba mong rằng trong trường hợp này con nên xử sự bình tĩnh, có lý có tình. Nhất là ít nhiều cũng phải có chút khoan dung vì đây là việc trót dại, đã rồi... hết tình nhưng cũng còn nghĩa.
Còn cả ba tôi nữa! Dâu con lăng loàn vậy mà trong suốt lá thư gửi tôi trong tháng ngày xa cách, ông đã chẳng dỉ hơi chút nào về chuyện động trời này. Cứ toàn động viên tôi với nhà cửa, làm ăn và cả dâu con lúc nào cũng bình thường, tốt đẹp! Nay vỡ lở ra như lời ông muốn cho tôi yên tâm công tác, lo tròn nhiệm vụ, chừng nào về mọi chuyện sẽ dàn xếp sau. Dàn xếp cái nông nỗi gì! Ba tôi có toan tính nào trong việc che giấu ấy?
Chẳng những thế, trong kỳ phép đáng lẽ dài vui nhưng ngắn ngủi này, tình cờ một lần qua thăm bên sông, tôi bỗng nghe hàng xóm - mà không phải một người - bóng gió về quan hệ cha chồng - nàng dâu giữa ba và vợ bằng những lời lẽ khiến tôi không thể nào tin được ở tai mình! Có thể nào lại như thế, hả trời?! Nơi keo cư, khuất lấp đói nghèo bên eo sông có lẽ nào lại là điều kiện làm tan vỡ hạnh phúc của tôi? Nhưng sự thật vẫn rành rành ra đó. Nơi mom sông hẻo lánh này quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ba tôi và vợ, rồi hết vợ lại ba tôi trong suốt cả năm trời tôi vắng nhà! Thêm nữa, xâu chuỗi lại mọi sự: Từ việc ông chọn vợ cho, chẳng tin thư gì để tôi biết chuyện tày đình này đến những lời can gián của ông và sự Hoan cắn răng không hề khai ra tác giả cái bào thai của mình...! Trời ơi!...! Tại sao lúc nhỏ ba không dìm chết tôi dưới nước sông, nuôi nấng học hành chi để giờ này ông đang tâm phá nát? Mấy ngày phép bỗng quay cuồng trong tôi với những hiếu, những tình. Tình ư, hiếu ư? Mom sông Bà Nhì nơi gắn chặt, nuôi dưỡng tuổi thơ tôi bỗng chốc mà thành ra ác mộng!
Cuối cùng sau lời thề chỉ khi nào ông chết mới trở về, trong đau đớn tột cùng tôi khoác ba-lô chạy đi, mặc cho ông bơi theo văng nước trắng cả khúc sông với những lời kêu gọi thống thiết...
Cả đơn vị ngạc nhiên khi tôi trở về lúc chưa đầy nửa phép. Nhớ đảo, nhớ anh em nên ra sớm, cái lý do bịa đặt của tôi khiến toàn đơn vị cảm động, trừ đại đội trưởng. Linh cảm của người chỉ huy cho biết sĩ quan thuộc quyền của ông vừa gặp điều gì đó rất buồn, thậm buồn, khi thấy tôi ngay chiều trả phép đã tắm bơi không kể chết, bơi như mê sảng điên cuồng ngoài bãi biển. Nước mắt tôi và nước biển lúc ấy độ mặn có lẽ cũng ngang nhau.
Rồi những năm tháng sau đó ở Trường Sa, tôi còn biết tin ba tôi đã nuôi đẻ Hoan chu đáo và bên eo sông khuất lấp "cha con ông cháu" đùm bọc đề huề! Thậm chí có người còn nói đã tận mắt thấy ông cổ cõng thằng bé con Hoan, chiều chiều bơi qua sông như cảnh cha già con muộn... Riêng tôi đã "điếc" lâu rồi với những tin kiểu ấy. Hơn thế sau này bình tâm lại, nghĩ cũng thấy thương cho ông. Với người thiếu thốn tình cảm đã lâu như vậy lại phải chung đụng cùng một phụ nữ rừng rực lửa yêu như Hoan trong mái nhà chật hẹp, eo sông vắng vẻ thì... lửa với rơm âu cũng chuyện thường tình. Chỉ trách, giận có một điều là chuyện ấy sao lại xảy ra với đấng... sinh thành ra mình mà thôi! Tuy là nghĩ thế, song tháng đầu ra đảo có nhiều đêm tôi lại mơ thấy mình nhỏ lại ở mom sông, trong vòng tay nuôi nấng, chăm bẫm của ba với những tiếng bìm bịp kêu ồm rền cả vạt tre theo nước ròng, nước lớn mỗi khuya về.
Lâu dần rồi cũng thành chuyện đã qua, chuyện ở đất liền. Tôi luôn nhủ thầm như thế để quên đi và thấy được thanh thản, yên thân cùng đồng đội, đơn vị mến yêu của mình giữa bốn bề mênh mông biển nước.
Cái điện tín ba sắp chết bỗng miễn cưỡng lôi tôi về lại eo sông Bà Nhì theo lời thề của mình trước đây. Trên đường về từng lúc, tôi tự trấn an và nhủ lòng nghĩa tử là nghĩa tận, nhất là với người đã... trót đẻ ra mình.
Anh Hoàng tôi vẫn chưa về. Tôi về còn kịp và bất đắc dĩ thành người hủ tang. Hai mẹ con Hoan lúc này đang khóc rền rĩ ở chái sau. Lúc niệm nhập quan ông, trời ơi... tôi không thể nào tin được ở đôi mắt của mình. Trọn phía dưới hạ bộ của ba tôi... không có gì cả! Sự khám phá đột ngột và rất muộn màng này ở ông làm tôi ngất đi, không nói kịp lời nào.
Mà có thể nào nói hết được sự bội bạc, nông nổi của tôi cùng những thương khó, chịu tiếng chịu lời trong cả một đời người âm thầm hy sinh như ba tôi!.