hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-950.htm

Ngô Văn Phú

Người lang thang với mùa thu

Ông ít khi ở nhà. Hầu như cả đời lang thang ngoài đường. Mắc quần áo chỉ có vài bộ, vứt chỗ này chiếc áo, chỗ kia chiếc quần. Chiếc thì vo tròn vứt vào chậu, rồi ham vẽ quên mất, bảy hôm sau nhớt nhèo, thế là tống vào sọt rác luôn.

Ông lang thang để vẽ, lang thang để chơi, lang thang nhậu, lang thang rượu... Có lúc ông rung đùi, ngồi bên quán rượu nghe một gã hát rong hát sáu câu vọng cổ, nhìn kỹ hình anh ta gảy đàn, thằng bé con cầm chiếc mũ đi xin người nghe, nửa trong quán, nửa ở trước một thềm ga đêm chiến tranh, mặt cả hai cha con nửa sáng nửa tối.

Hôm sau, ông lại ra ngồi nghe vọng cổ, vứt đồng tiền cũng quăn như chiếc áo của ông vào mũ thằng bé, chọn một góc cao trên thềm ga, ngồi trên bậc cao nhất để nhìn cái đám dân chúng mạt hạng cũng lang thang như mình, quần tụ trước sân ga. Ông rót rượu ra chén uống. Thỉnh thoảng lại thục tay vào túi lấy ra một gói lạc nhỏ, mỗi gói chừng mươi hạt, thứ lạc rang tẩm húng lìu, tay răn vỏ và vứt từng hạt vào miệng. Ông lại đắm đuối vào những nốt nhạc tài hoa, lẩy từ cây đàn do một bàn tay đen đúa, ông nghe cái giọng sáu câu vọng cổ từ một cổ họng khê khàn, tiếng đục nhiều hơn tiếng trong, giữa những hơi rượu đã bắt đầu chuếnh choáng, miệng thì lầm bầm:

- Sáu Lầu , Sáu Lầu...

Chẳng biết ông nghĩ gì nói gì. Hình như đó là tên một danh cầm vọng cổ ở quê ông thì phải. Ông ngồi nghe lỳ cả mấy tối, rồi bặt tăm dạng. Thì ra ông ở nhà đóng cửa vẽ. Bức họa "Hát rong" được vẽ trong những gam sơn dầu mờ đục, chỉ có cái ngọn đèn điểm huyệt và cây đàn thì phát sáng, thứ ánh sáng phả hồn vào gương mặt của hai đứa trẻ, một bán nước trên sân ga, một ngửa mũ xin tiền. Cái thứ ánh sáng đầy nhân ái tìm được những nét tri âm của hai đứa trẻ, hình như bạn của nhau ở trước thềm ga lộng gió này. Đứa ngửa mũ xin tiền thì ngoái cổ nhìn theo bạn, máy mắt như nháy ra hiệu có một trò quỷ gì trong cuộc hội ngộ ngày mai, còn thằng bé bán nước rong cũng hưởng ứng bằng một nụ cười con trẻ hồn hậu trên gương mặt tối và nguệch ngoạc. Gã hát rong thì mặt chỉ quệt với những nhát mầu nhợt đầy khắc khổ, bàn tay khô nhưng hơi điệu nghệ, dựng lên một cây đàn đỏ nâu phát sáng bằng những âm thanh...

Ông vẽ say đến nỗi những nhát cọ khó tính, có lúc đưa rất thần tình, có lúc buông thõng trong tay. Điếu thuốc trên môi ông tàn rất dài, ông đưa tay rỗi ra gạt vào túi chiếc áo choàng và rồi mẩu thuốc còn cháy ông cũng vứt luôn vào đó.

Khi ông văng ra chửi một tiếng: "Đù mẹ! Cái gì vậy" thì cũng may nhát cọ cuối cùng trên thân cây đàn của ông cũng vừa xong, nhìn vào nói "Đù mẹ", thì ra mẩu thuốc đã thiêu cháy túi áo choàng chui ra ngoài, rơi xuống đất. Ông thấy nó vẫn còn cháy, cúi xuống nhặt, hít một hơi thật đã rồi lùi sâu về phía sau, ngắm bức tranh mình khẽ thể hiện.

Ông gật đầu và cảm thấy đói bụng. Ông gặm nốt chiếc bánh mì ăn dở khô khỏng, bên trong có miếng chả và ít muối tiêu... Rồi ông uống một chén rượu, trải ga lên sàn, ngủ đẫy một giấc từ sáu giờ chiều cho đến tám giờ sáng hôm sau.

Ông lang thang trong mùa thu. Ông đi dưới những vỉa hè đường phố. Ông chậm bước đi trên phố Quang Trung nhìn vào sân trường có những cây bàng đang chuyển những tán xanh sang tán đỏ. Ông chầm chậm bước nhìn từ xa dáng cây cơm nguội xanh đang dần chuyển thành những gam vàng. Những cây sữa của đường Nguyễn Du, dáng cây mầu rêu nhạt, vươn thẳng lên trời, lá và cành chen cài rất khoáng nhã... Và dưới những dáng lá thon dài, xanh đài các, những chùm hoa sữa mùa thu đã xòe ra những đốm trắng và dọc cái phố chiều có hồ xanh ráng đỏ lung linh trên hồ, một làn hương thơm nồng ngây ngất đang lan tỏa...

Và kìa, từ một góc phố, ở một ngã tư vừa rộng mở, vừa thân mật ấm cúng, mấy dáng cô gái Hà Nội hiện ra. Một cô mặc bộ đồ tây, một cô mặc váy đầm. Họa sĩ khẽ bỏ qua hai dáng đẹp ấy bởi cái dáng thiếu nữ với chiếc áo dài vàng, bước đi hơi vồi vội hiện ra. Cô có việc gì thật vội vã mà dáng đi nhanh thế... Nhưng chính cái dáng nhanh và thanh thoát kia đang hút hồn họa sĩ... Gió mùa thu vẫn thổi từ hướng cuối phố lộng về và kìa, cái dải vàng đang làm lộng lẫy cả một buổi chiều hoa sữa. Cái dải vàng đang đi dọc phố thơm, đi dọc bên hồ ráng đỏ, khiến cái phố đầy gợi cảm bỗng sang trọng lên, thanh nhã thêm... Họa sĩ rảo chân mới theo kịp cô gái và khi cô rẽ sang phố Hàng Cỏ để lẫn vào cái phố đông đủ các thứ mầu hỗn độn chen lấn, ông mới thở dài tiếc nuối và đi chậm lại.

Và Hà Nội đã lên đèn...

Mấy hôm sau, ông cáu bẳn như một người khó tính. Một người bạn thân, mang rượu quê từ một vùng rượu nổi tiếng đến, đem theo cả một con chép mùa thu, béo ngấn vàng lên tận vẩy, những bó hành củ trắng, dọc xanh thật hấp dẫn. Một bữa nhậu thật khó có thể chối từ. Vậy mà khi vào cuộc nhậu, ông thò đũa vào bát nước chấm nếm thử, gắt om lên:

- Vứt bỏ, vứt bỏ, nước chấm này thì phí cả cá, cả rượu đi...

Người bạn đang ngơ ngác thì ông mò vào bếp, tự pha lấy nước mắm, rồi như thấy mình lỡ lời, sợ bạn hiểu nhầm, ông nháy mắt dàn hòa:

- Nước chấm mày pha công phu đó, nhưng cho nhiều mì chính quá, cái mồm tao chịu không nổi. Tao phải pha lấy. Mày ăn thử xem?

Rồi ông kẹp trái ớt vào miệng chén, lấy chiếc muỗng nghiền nát ra bảo:

- Dân Nam Bộ chúng tao nghiền ớt cho vào nước chấm kiểu này. Người miền trung chúng mày thì sắc ớt bột và cắn ớt xanh ào ào... Dân miền bắc, xắt ớt ra từng lát, bỏ hết hạt đi cho lịch sự... Đù mẹ, bát ớt phải có đôi ba cái hạt nhỏ trăng trắng thì nó mới vui chứ mày!

Nước chấm ông pha cũng không ngon hơn mấy tý, nhưng khi nước chấm pha xong, mắt ông sáng lên kiểu sông nước Cửu Long thì mấy thứ gắt gỏng khó tính ban nãy chẳng còn ai nhớ nữa...

Và ông bắt tay vào vẽ tà áo dài... Ông vẽ bằng sơn mài. Cô gái đài các ngồi bên bình hoa sen... Những bông sen thật đẹp, thật sang trọng.

Ông đắm trong khoái cảm, mắt ông lướt vội trên những nhát cọ, những gam mầu mà nhờ cái phút nhập thần, ông pha, ông đập, ông quệt, ông mài thành mảng trên nền tranh.

Người bạn thân đến ngấp nghé ở cửa không dám vào, sợ làm khuấy động cơn say của ông.

Phải đợi cho lúc hết cơn, anh bạn mới dám vào. Ông bảo:

- Hôm nay có đồ nhậu thì cũng mang sang cho thằng khác thôi, tao vẽ, không nhậu đâu.

- Đến xem ông vẽ thôi!

- Ngồi đấy mà xem, có rượu đấy, lấy mà uống.

- Xem ông vẽ sướng hơn!

- ừ, xem lúc nào chán thì xéo, tao không tiễn không chào đâu đấy nhá!

Khách biết, nếu có chào chủ, thì chủ cũng càu nhàu điều gì trong miệng không rõ...

Anh lại hỏi:

- Ông cứ phải đóng khung cho tranh mới vẽ được ư?

Ông đáp:

- Tranh không khung, người vẽ không định được chuẩn xác đường biên. Mày có thấy người mặc quần đùi ra phố không? Tranh không khung khi vẽ nó cũng thế đấy... Cái khó của người vẽ là biết dừng tay đúng lúc, cũng như cuộc đời vậy!

Thì ra cái gì ông cũng khác đời!

Rồi ông như quên béng luôn người mình vừa trò chuyện. Ông lại đắm đuối vào tà áo dài. Ông vẽ như sự lột xác, lột vỏ, tìm lấy cái tinh túy của chân tâm; sự linh thiêng nào đó đang vây quanh để dồn vào bàn tay tài hoa của ông hiện lên tranh vẽ...

Ông như nắm bắt cái hồn những họa sĩ phương Tây hiện đại hòa trong cái cảm, cái mê, cái say, cái đắm của hồn mình mà phả vào từng chi tiết của tranh. Tranh ông vừa sang, vừa thời thượng lại vừa đằm hồn vía của ông, của người mẫu nào đó ông chờn vờn theo đuổi khi đưa những nét dọc ngang, những cánh cung cụt, nét tạo thẳng góc vuông, khá tài tình.

Mà cái dáng thiếu nữ Hà Nội kia, ông vẽ hình trước dáng, chân, vai, tay, trong tà áo dài quý phái, mông eo với mầu, với nét vừa thực vừa huyền ảo...

Người bạn cứ ngây ra mà nhìn, tay vẫn xách túi đồ nhậu mà quên bẵng chuyện vừa bị ông đuổi. Ông vẽ một mạch. Mồ hôi trên trán lóng lánh đọng thành giọt, ông trầy sức như kẻ đào vàng. Cây cọ đang dồn những suy nghĩ cực kỳ táo bạo.

Người bạn rất lạ: ông chưa vẽ mặt thiếu nữ. Hình như ông dành cho cái phút xuất thần nào đó, có thể là lúc ban đêm, hay lúc khóa chặt cửa, không cho ai vào, nhốt mình để vẽ...

Anh cảm thấy khi vẽ ông như đang đứng trước một đấng siêu hình nào đó rất thiêng liêng...

Khi ông hoàn thành xong bức Thiếu nữ, ông mời bạn bè đến xem. Người bạn bữa nọ lại đến. Ông có vẻ hài lòng, cười rất to, cái đầu hói thưa tóc, bữa nay cứ được tay ông đưa lên vuốt mãi. Ông cảm động đấy.

Ông vỗ vai người bạn bữa đến gặp ông lúc đang vẽ, hỏi:

- Còn chỗ nào "cải lương" không mầy?

Người bạn chưa kịp trả lời thì ông đã nói:

- Dễ cải lương là chỗ này này!

Ông chỉ vào cái mông của thiếu nữ rồi nói tiếp:

- Nếu cái mông cô gái mà vẽ nó tròn thì cải lương ngay, cho nên mình vẽ vuông!

Bữa ấy, bè bạn uống với ông rất say, mừng ông đạt được một bước thể nghiệm mới tài hoa trong họa phẩm vừa hoàn thành.

Ai vội thì cứ về, rớt lại vẫn chỉ bức tranh, ông và người bạn say ông như điếu đổ.

Anh hỏi:

- Sao bữa nọ tôi chờ anh vẽ mặt thiếu nữ, mà mãi anh không vẽ, đến nỗi chán phải bỏ về. Có điều gì đó rất riêng phải không?

Hình như câu hỏi chạm vào chỗ đau nhất của ông. Ông thè lưỡi liếm môi, mặt đừ ra, rồi hai hàng nước mắt ông tuôn chảy ròng ròng, rất tự nhiên... Và người trong tranh kia như từ trong tranh đang bước ra, đến với ông.

Thương bạn quá, người bạn ôm chầm lấy ông và cùng khóc với ông...

Bây giờ ông đã mất. Mộ ông để ở nghĩa trang. Bạn bè đã khắc lên bia mộ bức chân dung tự họa của ông. Mộ ông lúc nào cũng có hoa. Người ngoài nước ở một vùng đất rất xa xôi, mến mộ ông, xem tranh ông, cũng đem hoa đến viếng mộ.

Một chiều mùa thu, có một người đi vào nghĩa trang, tìm đến mộ họa sĩ. Bà ta có cái dáng rất đẹp. Bà mặc áo dài, vắt trên vai một chiếc khăn rằn. Tóc bà bạc phơ. Bà đứng hồi lâu, nước mắt chan hòa... Mắt bà đăm đăm nhìn vào bức chân dung tự họa. Có lúc bà buồn quá, ngồi thụp xuống ôm lấy góc thành mộ đá, gục mặt xuống...

Bà khóc cho một mối tình đầu.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com