hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-944.htm

huỳnh thạch thảo

Những người con ở Đa Ngư

- Già Năm ơi! Nghỉ thôi.

Tiếng cắc bụp, cắc bụp vang vọng đều đều trong buổi trưa chang nắng nơi sườn núi Thạch Bi Sơn (1) chợt ngừng hẳn. Đám người bên dưới đang khum tay gọi lên đã men theo các gộp đá dần xuống bãi trống, nơi có những căn lều lợp lá chà là tạm bợ. Tiếng cười đùa càng rộ khi người đàn ông có tên già Năm lững thững theo chân mọi người ra vực suối rửa ráy. Già Năm lẳng lặng cởi áo vắt lên tán cây ổi rừng còi cọc, lộ tấm lưng đen gầy có vết sẹo dài từ vai vắt đến thắt lưng, nhăn nhúm lồi lõm, thâm xịt chứng tỏ người chữa vết thương không phải tay có nghề. Thằng Dũng trồi lên trước mặt ông phun nước phì phì, nói nhỏ: "Bố ơi, chiều nay con nghỉ".

Trong đám người hỗn độn, đu bám cheo leo trên những sườn núi cùng âm thanh "cắc bụp", "cắc bụp" hòa tấu với sóng biển thì một người như già Năm đến xin việc là điều mặc nhiên nhóm nào cũng chấp nhận. Lúc đầu nghe giọng nói đậm đặc ở miền ngoài khiến họ tò mò nhưng rồi bụi đá đã khuất lấp tất cả. "Thì cứ để lão làm, đừng tranh ăn với anh em là được", Kha trưởng nhóm chẻ đá Hòa Xuân đưa tay gạt mồ hôi túa ra từng dòng trên khuôn mặt sạm nắng, chìa chiếc búa tạ ra dấu đục tiếp theo rãnh cắt ngang của tảng đá gấp vài chục lần con người lão, hạ giọng: "Thử gân cốt một chút ông già, nếu thấy chơi không nổi thì sẵn đường, sẵn xe ngoài lộ mà quá giang rời khỏi vùng này". Lão im lặng cúi người quai búa nện vào từng mũi chạm đã cắm phân nửa, đến mũi cuối cùng, lão hơi lạng người làm mặt búa đập chệch đến tóe lửa thì trưởng nhóm gật gù: "Ngon, ông già dai sức gớm". Lão nhận việc và cuối tuần, từng đống đá Granít bừa bộn được bốc đi.

Kha đếm tiền giao từng người. Đến phiên lão, hắn nói gọn lỏn: "Già thứ mấy?". Lão đáp ngập ngừng: "Năm", "ừ già Năm được chừng nầy", xấp tiền của hắn chia đôi đặt vào tay lão rồi quay người cầm giỏ  đồ lầm lũi xuống núi. Nhóm người ở lại gọi với: "Kha, mai nhớ mang rượu lên", lại tiếng thằng khác: "Nó cũng tội, ráng làm kiếm tiền nuôi mẹ, và hai đứa nhỏ cùng cô em góa chồng, không khéo kiệt sức vì bãi đá này".

Ngày sau, Kha lên với một thằng bé 13 tuổi. Nó tròn mắt ngơ ngác nhìn đám người đang tựa lưng vào gộp đá xanh nhạt lúc trưởng nhóm nói gọn: "Nó muốn cắc bụp, cắc bụp với bọn ta, già Năm cùng thằng này xếp đá ra mặt đường". Vừa cởi áo vắt vai, cầm lấy đồ nghề trước khi leo lên phiến đá đã chọn, Kha quay lại: "Này Dũng, cấm léng phéng sang nhóm nhác, mày mà tò mò tao đuổi!". Già Năm chọn hai nhánh cây, bện dây làm cáng, đặt từng viên đá đưa xuống mặt đường trước khi xếp thành đống, ông còn gọt thật vuông cạnh nên vào buổi nghỉ trưa, Kha nhìn ông gật gù: "Khi trước chắc già Năm là lính Trường Sơn?". Dũng chen vào: "Bố còn khỏe hơn cả em!". Công việc cứ tiếp diễn  ngày này qua ngày nọ, nắng sớm chiều mưa dưới đỉnh Thạch Bi Sơn. Cả nhóm đá xem già Năm như ruột thịt. Lúc những viên đá thành phẩm chở đi, Kha ấn vào tay lão số tiền ngang với mọi người, già Năm chỉ nhận một nửa để Kha lại lừ mắt: "Lão cầm lấy không thì cứ sang nhóm khác". Trước khi réo Dũng cầm đồ xuống núi. Gần tết, cả nhóm cúng hẳn con heo nửa tạ, mời lão thắp nhang vái trời đất, thịt chia đều từng phần đạt trên phiến đá từng làm bàn ăn trong nắng hanh vàng chiếu rọi. Phút chia tay đang ngà ngà men rượu, già Năm nhỏ giọng xin gửi phần quà cho mọi người, vì đường về Bắc xa xôi. Lần này, Kha chấp nhận, sai Dũng phân đều rồi vỗ vai từng người hẹn gặp.

Kha xuống mặt lộ thấy già Năm lóng ngóng với bộ đồ bạc phếch ngày đầu. Xe ngày tết chạy ầm ầm, mời chào inh ỏi rồi tuôn ào ào qua chỗ lão. Anh đến sát bên cạnh: "Sao lão không đi?". Thấy lão tần ngần liền buông lời: "Thôi, về ăn tết với tụi này". Đêm. Già Năm trằn trọc không ngủ nổi lúc xong giao thừa, làng chài ven biển chỉ còn vòng vọng tiếng sóng vỗ, tiếng thạch sùng chặc lưỡi trên mái nhà, tiếng chó sủa vu vơ. Mấy ngày qua thằng Dũng đưa ông đi dạo khắp nơi bởi sợ ông buồn, ông cũng có dịp tìm lại cái nơi mà cách đây ba mươi năm, ông đã từng đặt chân đến và ít người được biết. Lúc ấy, ông chỉ là một người lính trên con tàu không số, mỗi con đường là một huyền thoại của đoàn 125 Hải quân. Sau những chuyến mở luồng, thì những con tàu đặc biệt mang ông và các đồng đội vào Nam, không ai được biết, không để một dòng chữ mẹ đẻ trên mạn tàu, đêm vừa buông xuống là mọi người rời đất liền với khoang thuyền chở đầy vũ khí, phương tiện kỹ thuật, nhổ neo thẳng hướng đã vạch. Dân Hải Phòng có nghề hàng hải như ông thì biển biếc bồng bềnh, chim trời chao liệng như bạn đồng hành. Vậy mà khi vào tới hải phận Nam Việt, ông mới biết thế nào là sự cam go. Máy bay Hải quân nghiêng ngó lùng sục từng hải lý, tàu rà vượt nước phăng phăng súng tua tủa ghếch nòng, lính Hải thuyền đột ngột áp sát gọi loa hỏi giấy. Lúc đó, bọn ông đã ém hết vào trong, tay nắm mạch điện nối kho vũ khí, nhường anh em khu Năm giả dân đánh cá vẫy thẻ căn cước. Có lần... Ông nghe tiếng trở mình của mẹ Kha, rồi tiếng châm đèn, ánh sáng hắt dần từng góc tường đến sáng bừng nơi ông nằm. Bóng Kha chập chờn trước bàn nước hỏi khẽ: "Lão không ngủ được hả?. Ông ậm ừ ngồi dậy, mùi trà thơm ngát tỏa lan trong cái lạnh của biển vào tiết lập xuân. Kha đặt tách trà lên bàn thờ rồi quay lại rót cho hai người. Ông nghe Kha kể về người cha đã mất trong đợt càn do địch lùa dân, lập ấp để bảo vệ sân bay Đông Tác. Mà cái làng này, nhà nào cũng có người ra đi. Thằng Dũng thì mất cha trong đợt bão, con Hoa ông hay gặp ở nhà này thì mẹ bị giặc bắn. Cái con nhỏ gặp ông cứ cười cười, nheo nheo mắt liếc Kha: "Bố anh đấy à?". Làm ông lóng ngóng rồi phá ra cười: "Bác ơi, dìa ở với anh Kha cho có bậu!", con nhỏ cứ đeo thằng Kha suốt, sáng chạy qua xin tỏi một chốc lại chạy sang xin đường, còn thằng Kha thì cứ ríu rít  với hai đứa con trai sàn sàn 5, 6 tuổi phát bực "Sao không lo mua sẵn?", ông nghe con nhỏ hứ cái "cốc" ngoe nguẩy bỏ về.

- "Uống đi lão" Kha nhắc, "Vâng, anh cứ để tôi" ông nhấp, thơm đậm mùi sen ngan ngát rồi chợt hỏi: "Sao anh không sắm cái thuyền? " giọng Kha trầm ngâm: "Cái nghề cắc bụp để nuôi hai ông mãnh đủ mệt, sắm ghe thì không ăn  nổi, năm rồi hùn hạp đóng chiếc thuyền, thằng thầu nhận lắp vỡ nợ, nó đi tù, con đi cắc bụp!". Kha đứng lên chợt như nhớ điều gì quay sang ông: "Hổm rày lão và thằng Dũng đi dạo chắc mệt, ngả lưng một tý kẻo trời sáng". Hình như ánh mắt Kha nhìn ông vẻ lành lạnh xuyên thấu ruột gan. Ông thở ra, bước đến giường gác tay nghi mông lung... Có lần, chiếc tàu không số của ông đến điểm tập kết hàng tại Vũng Rô này, mà cũng ngay trong dịp tết. Trời đầu xuân, gió cấp 3 lành lạnh, mặt nước phẳng lặng như tờ giấy trải rộng, phía bãi Môn trên bản đồ sừng sững trụ hải đăng của địch tỏa sáng trong sương mờ. Tàu tắt máy thả trôi vào mũi Nậy, điểm nhô ra xa nhất của miền Trung rồi nhẹ bật máy gầm ập bãi chính. Im lặng ngột ngạt, tối đen như mực, phía đường đèo Cả đồn địch được các mõm đá che khuất, quy ước tắt tín hiệu tàu phía mũi Điện lạnh ngắt như tờ. Tất cả chuẩn bị đối phó và sẵn sàng quay mũi tàu khi bị lộ.

- "Xong", tiếng hét làm ông mở mắt vội ngồi dậy. Con Hoa, trong bộ đồ mới cùng đứa con gái hai tuổi đã sang tận khi nào. Nó phụ bưng thức ăn lên bàn thờ rồi kêu vọng xuống nhà bếp. Thấy ông nó lanh chanh: "Bố ơi năm mới chúc con gì nào?". Ông bật cười: "Chúc con mau cưới anh Kha nhé!", con bé đỏ mặt để ông chợt nhớ thì thằng Dũng ào vào, miệng liến thắng: "Đầu năm chúc bố như ý". Ông mỉm cười rút tiền lì xì, tiếng Hoa chặc lưỡi: í dui, sao tui nhiều dầy nè!". Trong bữa ăn, ông mới chột dạ không biết giờ này ngoài kia mấy đứa đã sắp mâm cơm thắp nến cho mẹ nó chưa. Cũng tội, thời gian về hưu ông đâm lẩn thẩn, bực bội trong bốn bức tường nơi căn nhà tiện nghi, sang trọng ở đường phố chính của Hải Phòng. Con sói biển một thời anh em đặt cho trở nên khó tính khiến con trai e dè mỗi khi rời tàu viễn dương về đến nhà, con dâu tạo khoảng cách bằng công việc bận bịu ở Công ty Hàng hải, đứa cháu nội viện cớ đi học suốt ngày. Tivi, tủ lạnh, sách báo, chim cá cảnh, chúng nó trang bị nhưng ông vẫn thấy ngột ngạt.

Ông đóng cửa ở hẳn trong nhà đâm ra buồn, rồi bực, rồi tiếc nuối, rồi những kỷ niệm chợt ùa về bám đeo dai dẳng hết ngày tới đêm. Hôm đứa con về nó giật mình: "Bố xanh quá", liền đưa ông lên Hà Nội khám bệnh. Lúc sang vườn thú Thủ Lệ dạo mát, ông đã thấy nỗi đau từ cặp mắt con hổ rừng Taiga xa xôi, vẻ uể oải của con bầy sư tử Phi châu rồi cả bầy sói từ biên giới đứng ủ rũ xơ xác trong thảo nguyên gió lộng, bạt ngàn núi đồi lau lách. Đêm ấy và những đêm sau ông nằm mơ thấy mình từng ăn sóng mặc gió trên những chuyến tàu xuôi ngược Bắc Nam, từng đối đầu kẻ thù hung bạo nhất, từng có mối tình đầu tiên với người con gái cực Nam mặn mà muối biển ở dãy Thạch Bi Sơn kiêu hãnh đón từng con sóng Thái Bình ầm ầm đổ vào cuộn réo sùng sục, có tiếng khóc tỉ tê văng vẳng khi ông giằng ra khỏi nàng để kịp ra tàu với đồng đội. Hôm sau, chờ đứa con dâu vừa dắt xe ra cổng, ông gọi với bảo rằng sẽ đi thăm bạn bè vài ngày và ông đã đi một khoảng thời gian dài của con sói về nguồn.

- "Ăn đi chú Năm" bà mẹ của Kha gắp bỏ vào bát ông đùi thịt gà luộc. "Bố, đưa chén con đơm cơm" tiếng Hoa giục ông lúc thằng Dũng khều tay: "Bố, tí nữa mình chơi bầu cua cá cọp ngoài đình" thì tiếng Kha nạt: "Dũng, lớn xác mà cứ lủng lẳng cái gì đó trên đầu lũ trẻ!", mọi người cười ồ trong ánh nắng chợ lóe lên soi qua mái nhà lợp bằng lá dừa rồi trải dài ra mặt cát, gió miên man trong tiếng sóng vỗ bờ rầm rì. Ly rượu Kha đưa qua tay ông chợt bật run khi tiếng Hoa thẽ thọt: "Anh nè, hay mình dẫn sắp nhỏ đi mộ, nghe anh?. Tiếng Dũng lại chen ngang: "Phải đó, mùng sáu anh Kha sang Hảo Sơn rồi, hay chị Hoa lên chơi với... A, với bố vài bữa". Hoa liếc nhanh qua Kha lúc anh nhìn ra ngoài: "Lên làm gì, ở nhà coi con bé", thì Dũng bật vội: "Thì, lên... cắc bụp với anh!".

Nghĩa trang vào chiều buồn hiu hắt, ông không thể đoán cô gái năm xưa nằm ở nơi nào, nhưng từ cõi sâu thẳm ông biết nàng đang ở đâu đây, gần lắm, như hòa quyện vào chính những con người ông đang gặp mặt, đang sống bình yên dù phải chịu mọi nhọc nhằn ngày ông trở lại. Lúc sáng, mọi người đưa ông sang bãi Tiên có dòng suối nước ngọt rất mát nằm khuất bên những gộp đá và lùm dứa dại. Ông đã từng đến một lần trong chuyến tàu không số khi bị địch phát hiện ngoài khơi Nam trung bộ, cả tàu chống trả bọn Hải thuyền rồi lợi dụng sương mù lẫn nhanh khi chúng bắn pháo hiệu bủa vây. Tàu được du kích kéo vào hóc Chõ giấu kín, ông là người thương binh nặng nhất bị đạn đại liên quét sát mạn thuyền và xuyên thấu từ vai chệch xuống thắt lưng khiến ông phải nằm lách vào trong hang đá giữa lưng chừng núi đá Bia. ở đây,  ông mới gặp được cô du kích có nước da bánh mật của dân vùng biển gió cát trong tứ bề bọn giặc quần đảo.

- Bố, bố nhớ vợ hả bố?

Thằng Dũng đứng bên tự hồi nào, ông hỏi: "Sao con biết?". Nó ra điều bí mật: "Con đoán vậy, mà bố đừng nói anh Kha, ảnh ngầy con". Ông thấy Kha cùng Hoa đang dẫn mấy đứa trẻ đi dọc bờ biển tay chỉ những chiếc thuyền đậu san sát ven bờ, liền hỏi: "Chồng cái Hoa đâu rồi?", thằng Dũng ngơ ngác: "Cái nào hở bố?" ông bật cười: "à, chồng con Hoa đó mà", nó nghinh nghinh mặt kéo ông đứng sát thầm thì: "Bạn thân anh Kha đó, đi biển bị bão lúc chị có bầu con bé. Chỉ thương anh Kha thấu trời xanh luôn, nhưng ảnh cứ lì lì...". Nó chống nạnh nhìn ra biển lúc hoàng hôn buông xuống dần chóp núi đá Bia cuồn cuộn sương trắng rồi nắm tay ông lắc lắc: "Ta dìa đi bố, để ảnh chỉ tâm sự cho đã!". Nó dẫn ông đi tắt theo tràng cát, lúc vượt qua bụi duối dại, ông mới hỏi nhỏ: "Cha mẹ chị Hoa ở đâu?". Nó lắc: "Chỉ sống nhà anh Kha từ nhỏ, lấy chồng mới ra riêng. Nghe đâu trước kia mẹ chỉ bị Đại Hàn bắn, mà ở đây việc đó ê hề...!". Ông vấp vỏ ốc ma đau nhói để bật thốt: "Hiền hở Hiền?", thằng Dũng ngơ ngác: "Hiền nào hở bố?".

- Này, nay mai Nẫu về xứ Nẫu bỏ mình bơ vơ rồi!

- Không, vẫn nhớ.

- Nhớ chỗ vết sẹo vắt vai hở?

- Không, bông bí luộc cuốn bánh tráng rồi lá giang nấu canh cá nục.

- ừ, vào trong kia thì nhớ bông điên điển với mắm cá sặc.

Đó là lời trêu của Hiền khi biết ông chuẩn bị có tàu đến đón trên đường vào nam chuyển giao vũ khí. Lá mục xào xào dưới chân ông trong không khí núi rừng về chiều lành lạnh, từ giữa đèo lồng lộng gió nhìn xuống vịnh Vũng Rô nước xanh thẳm không một gợn sóng. Dưới bóng cây sơn tuế bung lá xanh mượt vẳng tiếng chim ríu rít, các triền đá dây leo bung hoa đỏ ối từng mảng và tịnh không một tiếng súng. Ông ngước nhìn Hiền đang ra vẻ dằn dỗi tay vuốt từng cọng cỏ tranh vò xé. Ông cười cười: "Xem mặt kìa!", tiếng nguýt dài rồi dẩu môi: "Mược tui, có sao không. á...", cỏ tranh sắc lẻm cứa liền ngón tay trỏ bật máu. Ông lao lại: "Đâu, xem nào...", đôi mắt đen láy rơm rớm, môi cắn nửa khóe miệng nũng nịu hờn hờn, hai tay vòng ra sau đưa cả vòm ngực con gái phập phồng: "Hổng thèm", ông cười: "Thì tớ thèm". Cả hai giằng co, cuộn tròn theo vạt cỏ tranh úa vàng đến sát gộp đá: "Ôi! Hải...!". Phút chao nghiêng rồi tiếng thủ thỉ: "Chừng nào anh quay lại?", ông nói thoảng trong gió. "Chuyến sau", bàn tay Hiền mân mê chỗ vết sẹo trên vai ông: "Anh không vào em ngóng đến mù luôn". "Mù làm sao thấy anh", Hiền cấu vào lưng ông nhồn nhột "Thì cái sẹo của em nè!". Cái sẹo được đắp lá mất hai tháng trời mới lành nhưng không lặn, nó nhăn nhúm, xơ tướp như vỏ chanh vắt kiệt nước. Nhưng tất cả mọi người, kể cả cô du kích tiểu đội trưởng cứ suýt xoa mãi làm như họ có lỗi với ông. Đến nỗi có lần anh Bẩy xã đội oang oang trong hầm: "Có gì con Hiền chịu hết thẩy, hòa bình rồi cứ lấy da nó mà đắp vào!". Hiền chu môi, liếc xéo ông: "Sợ da con không dính vào ảnh", anh Bẩy cười khà: "Dẫy na, thì mày cưới quách nó, có gì tao chịu!" ông nhìn bước đi ngúng nguẩy rồi bỏ chạy ra khỏi hầm lúc anh xã đội gọi với: "Tao thấy mầy khóc khi dìu nó lên cáng, giờ còn bầy đặt!".

- Bố, mình về nấu canh lá giang với hàu đi bố!

- ừ, mình về nấu canh lá giang với hàu nghe Hiền...

- ủa, con đây mà...

Ông sực tỉnh khi Hoa lắc vai rồi nheo mắt tò mò - "à, bố quên", Hoa chợt hỏi: "Trước bố làm gì?", ông lúng túng một lát: "Bố làm bộ đội". Hoa níu tay ông: "Thế bố biết câu hát: có một con đường rất lạ trên biển quê tôi, là một con đường không ghi trên bản đồ Tổ quốc... là bài gì không?". Ông gật: "Đường Hồ Chí Minh trên biển, con hỏi làm gì?". Hoa nhìn ông buồn buồn, mắt ngân ngấn nước: "Chỗ này ngày trước cũng có một con đường đó bố, người ta nói má con từng làm dân công trên biển bị giặc bắn phá kia kìa...". Ông nhìn theo tay Hoa chỉ, phía ấy là đèo Cổ Mã rồi run giọng: "Thế má con tên gì?". Hoa lắc đầu "lúc ấy con mới hai tuổi làm sao biết, chỉ nghe anh Kha nói tên Năm, Sáu gì đó". Ông buồn buồn dợm bước: "Anh Kha đối với con như thế nào?". Hoa lại nắm tay ông dịu dàng, ấm nóng lắc nhè nhẹ: "ảnh tốt lắm, con thương nhưng ảnh hổng thương, bảo kiếm chồng nuôi con, kẻo già...". Ông quay sang nơi khác, lẩm bẩm: "ừ  kẻo già. Nàng đã từng trêu ta, nếu không vào nàng sẽ lấy chồng, kẻo...".

- "Nè, khóc cái gì, to đầu lớn xác còn... về đi!".

Mờ sáng, Kha đuổi Hoa về làng, ông không thể can thiệp. Dân miền biển đã nói là làm, lạ gì với ông. Hoa xuống núi một đoạn, Kha sai Dũng chạy theo, khi lên mắt nó đỏ hoe. Lúc ông cắm cúi chẻ đá, Kha đã đến bên: "Già Năm này, con Hoa coi vậy chứ còn con nít, dạy mãi. Mà già cũng đừng trách tôi, ráng làm vài tháng nữa thì mùa mưa ập xuống, phải nghỉ. Già về cùng tôi, thuê chiếc thuyền đến mùa đi khơi". Kha đứng lên đi dọc theo triền đá nơi vọng ra từng tiếng cắc bụp, cắc bụp rồi quay lại nhìn thấu vào ông: "Chiều già nghỉ, về con Hoa chăm sóc kẻo bệnh". Tiếng xe ô-tô vọng đến, bóp còi rồi chạy thẳng sang bãi đá nhóm Kha đang làm. Tiếng người gọi í ới bạt đi trong gió lộng lúc Kha chống tay nhìn xuống bình thản nên mọi người chẳng ai để ý chỉ lo nện búa chan chát, chan chát vào từng tảng đá. Mãi đến lúc có tiếng thở hào hển rồi tiếng hét lạc cả giọng:

- Bố, trời ơi! Bố làm cái việc này chi vậy?

Tất cả quay nhìn con người mồ hôi tuôn dầm dề, bụi bặm dính bết vào áo quần sang trọng lúc già Năm buông búa, bật thốt:

- Minh, sao biết bố nơi này?

- Con tìm bố khắp nơi, cả trên Tư lệnh mà không ai biết, hỏi bạn bố khắp vùng cũng chẳng ai hay, mãi đến khi vợ con tìm thấy dưới đáy vali nhật ký Hải trình của bố mới lần đến nơi này.

Ông quay lại mọi người:

- Con trai tôi làm trên tàu...

Kha đưa mắt bình thản nhìn con trai già Năm đang rút khăn lau mồ hôi thì nghe tiếng quát nối tiếp:

- Các ông quá tệ, hành xác ông già sắp chết đến mức này sao? Chẻ đá, đá chẻ là cái gì hả?

Một bước chân, Kha đứng dối diện trước mặt con trai già Năm:

- Bình tĩnh ông bạn, bố ông thích thì làm, không thích thì ra đường lộ, xe kia kìa... Đất này, ông bạn không dụng võ nổi, đừng ồn.

Tiếng già Năm van vỉ:

- Thôi, xin các anh. Này Minh, bố đi một thời gian cho thư giãn. Bố dự định về ngoài đó thì con vào. Còn các anh đây tốt với bố lắm, cả đời bố sẽ không quên đất này, nơi cho bố cuộc sống...

Minh há hốc miệng nhìn nhóm chẻ đá lúc Kha quay lại già Năm:

- Hoài niệm như thế đủ rồi chú Hải ạ. Cha cháu là người làm binh vận trong việc đón tàu không số cập bến Vũng Rô, tiếc rằng ông ấy đã mất. Nếu không, được gặp chú thì vui rồi.

Kha cười vẫy tay cho nhóm tiếp tục công việc. Tiếng đá chẻ lại cắc bụp, cắc bụp, chan chát, chan chát vang đều nơi sườn núi lô nhô từng dãy đá.

Già Năm nhìn Kha: - Tôi... tôi...

Kha quay lại, tay chống búa lên gộp đá, nhỏ giọng lúc đưa mắt nhìn Minh lần nữa:

- Cháu nói chú rồi, con Hoa coi vậy chứ con nít, gặp làm gì. Nó không phải con cô Hiền tiểu đội trưởng ngày xưa đâu. Có lẽ, khỏi cần tiễn chú há, lúc vào có ai đón chú đâu? Dũng, khóc cái gì, đi làm đi!

Ông nhìn Kha tuột tay khỏi cán búa, nhưng nó vẫn chụp lấy rồi đạp lên đám cỏ trinh nữ, quàng vai thằng Dũng đang quệt nước mắt xoay lưng phía ông để theo Kha. Ông lầm lũi xuống đồi vắng, hướng tới chiếc xe sẽ đưa ông về lại Hải Phòng.

Già Năm gửi thư cho Kha, có đoạn: "... Vâng, tôi là người lính trên chuyến tàu không số năm xưa. Có một mối tình ở quê anh nhưng chiến tranh lẫn bí mật quân sự đã không cho phép tôi trở lại và đến khi quay về thì mọi việc đã muộn, là cuối đời, là khoảng nhớ, hàm ơn không gì trả nổi. Tôi chỉ mong anh một điều: Có thể Hoa là con gái tôi, hay con gái của một người đồng đội nào đó đã không còn trên cõi đời này. Vậy, anh hãy cưu mang lấy nó, xem cháu ngoại tôi hoặc ai chăng nữa cũng là con gái anh. Được như vậy tôi thấy ấm lòng vì không tôi, thì anh cũng lo tất cả. Trong gói đồ để lại, có số tiền cả năm làm người đá chẻ dưới chân Thạch Bi Sơn và một ít mang theo lúc đi vào, dù nhỏ cũng xin góp phần trong việc đóng thuyền ra khơi để Dũng, Hoa và cả anh từng mong ước. Tháng sau, sẽ có ngày kỷ niệm truyền thống của những người mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Tôi đại diện tổ chức mời mọi người ra dự buổi gặp mặt và ở lại với tôi ít ngày nơi đất Cảng trong dịp cuối năm. Tôi sẽ luôn chờ. Thằng Minh con tôi, nó xin lỗi anh và đợi anh.

Già Năm".

Tháng sau, gần đến dịp tết. Buổi sáng dân thôn Đa Ngư thấy Kha, Dũng, Hoa cùng với đứa con gái lên đường lộ đón xe đi Bắc. Buổi trưa, gió nồm cuối mùa xao xác, mọi người lại thấy Kha một mình quay về rồi đi thẳng ra biển. Nơi ấy, con thuyền của anh đã sắp hoàn thành chuẩn bị hạ thủy trong nắng hanh vàng, rì rào sóng vỗ nhè nhẹ trên mặt cát dưới chân đỉnh Thạch Bi Sơn kiêu hùng, sừng sững với thời gian.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com