hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-941.htm

Phan Thanh

Thương cánh hoa sim

- Trăm ơi Trăm ! . . . Em ở đâu? Em ở đâu ? Em ở ... đâu?...

Người chồng đi tìm vợ, ánh đèn pin loang loáng, tiếng gọi ời ời khắc khoải dọc đồi sim.

Trăm lắng nghe bước chân chồng lẩn khuất, liêu xiêu, thậm thịch mé sườn đồi. Cô lách người, nghiêng đầu ẩn mình sau lùm cây rậm rạp. Những cành sim tơ trên đất than Động Ho chụm lưng che cho cô. Trong bóng tối, lá với hoa quyện vào nhau lẫn lộn. Thật lạ, giống cây quả ngọt mà hoa không có hương thơm. Ngàn vạn cánh hoa sim tím ngát nơi quê người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn Trăm, dẫu cô mới quen, mới gần gũi sim có một mùa. Phải chăng đời cô sang bước ngoặt bắt đầu từ mùa hoa sim ấy...

Dải đồi sim sau nhà chồng cô đây thật đẹp, đẹp như tên gọi: Cặp Tiên. Những mỏm đồi nhấp nhô mờ ảo, buổi sớm mai lãng đãng sương bay. Khu đồi lâu nay vẫn được ghi nhận làm vành đai cho thành phố, là đối tác trước thiên nhiên với các tòa biệt thự năm tầng, mười tầng lắp kính sáng lóa trong nội ô. Trên mặt đồi, những gốc sim bằng tầm gốc chanh, gốc quất mọc ken dày cùng cây mua, cây ràng ràng, giăng kín như rừng. ở Lưu Hạ, Kinh Môn quê cô vùng đồng chiêm trũng cũng có dải núi đất chạy từ Đèo Ngựa tới gần Phà Thái. Hiềm nỗi núi đất quê cô chỉ là núi đất thôi, hoang vu và trơ trụi. Nên khi cô theo các bạn cùng làng sau thời vụ kéo ra Động Ho làm thuê cho các ông chủ lò than tư nhân, cảm giác êm dịu bủa vây chiếm giữ cô trước hết bởi cái mỏm đồi Cặp Tiên phủ đầy một màu hoa ngan ngát tím. Vãn mùa hoa, thiên nhiên lại trả cho vành đai thành phố màu xanh- thứ màu xanh lung linh ngùn ngụt như sắp bốc cháy dưới nắng trời chỉ trên vùng đất than mới có. Đã đôi lần Trăm nghĩ dại, giả thử đến một lúc nào đó, dãy đồi Cặp Tiên xanh non thơ mộng tự nhiên há ngoác cái miệng toàn đất đỏ lẫn đá đen như tự vỡ ra, hay bom đạn cày phá, thì thực thê thảm, thực bất hạnh cho cảnh quan thành phố.

Bất giác cô phảng phất buồn- nỗi buồn dội ngược vào trong. Mải mê dõi theo vì sao hôm sáng dựng góc trời, Trăm vô tình chạm vào thân cây, bể sương bé tí long lanh đọng qua kẽ lá lăn qua cổ Trăm, xuống ngực- bộ ngực trẻ trung, thây lẩy, rời rợi hồng, sực nức nước hoa và tan ra ở đó. Trăm thấy lòng mình chơi vơi, ớn lạnh. Chồng cô yêu cô, yêu đến mê cuồng. Sao cô cứ thấy sợ anh ta. Sợ quá thể, càng ngày nỗi sợ càng tăng. Chồng cô là ông chủ lò than, một ông chủ trẻ, làm ăn đang vào kỳ phát đạt. Hà cớ gì người ta gọi các lò khai thác than thủ công nơi đầu mom chân núi bằng cái tên gọi gớm ghiếc thế: than thổ phỉ? Không ai giải thích cho cô. Chồng cô lại càng không. Hai vợ chồng cô còn ở tạm trong gian nhà thuộc đất của bố mẹ chồng cho, gần ngay đây, dưới chân dãy Cặp Tiên. Chồng cô ước tính sẽ mua đám đất trong thành phố chừng năm, sáu chục cây vàng, mùa than tới sẽ khởi công, nhà sáu tầng, trang trí nội thất theo mốt hiện đại nhất. Còn hiện giờ đồ dùng trong nhà chả thiếu thứ gì, xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt... cho chí đôi giầy, đôi dép của vợ, của chồng đều dùng hàng Nhật. Vậy mà lắm lúc cô nghĩ mình tay không. Cô nhắm mắt trong chốc lát, người chồng hiện ra: Kình, anh ta đấy. Một con người cân đối, xương cốt rắn chắc, tuổi chưa quá hăm nhăm, tóc xoăn, gương mặt xương xương, dễ coi, tuy hơi dài, cân xứng với đôi mắt ẩn sâu sau hàng lông mày rậm, đôi mắt khoằm khoặm, mỗi khi giận dữ thường vằn đỏ và ánh lên vẻ khốc liệt- khốc liệt đến hoang dại như mắt trâu điên.

ánh đèn pin vừa lóe lên đâu đó lại vụt tắt. Tự nhiên ngực cô tưng tức, khó thở. Từ ngày lấy Kình đây là lần thứ hai cô bỏ nhà lên đồi làm bạn với các gốc sim. Xứ này cô chả còn biết đi đâu. Những người bạn cùng làng đã ùa cả đến nhà, nguyền rủa Kình và khinh bỉ luôn cả cô, vì chồng cô là người qua cầu rút ván. Họ bỏ đất Động Ho, kéo nhau về quê tuốt tuột. Nơi đây nếu một người còn có thể coi cô là bạn thì đó là Xuân. Xuân cũng còn trẻ, chưa vợ, nhà ở xế mé chân đồi phía nam. Xuân cũng có trong tay mấy lò than nhỏ. Song tính tình Xuân trái ngược hẳn với Kình. Xuân không bặm trợn như Kình, không khỏe về cơ bắp, không lắm tiền được như Kình và một điều cơ bản tối hôm nay cô vừa được chứng kiến đã bổ sung cho nhận xét lâu nay của cô- Xuân không tàn ác được như Kình. Bởi thế Kình mới giành giật Trăm ngay trên tay Xuân, khi phát hiện ra Trăm xinh gái, mới từ nông thôn ra đội than thuê cho Xuân. Sau khi đã chiếm được Trăm, Kình dùng mánh khóe lôi kéo cả đội quân cửu vạn, bạn cùng làng của cô, bỏ Xuân, sang làm cho Kình. Kình thế đấy. Anh ta thuộc hạng người muốn làm gì là rắp tâm làm bằng được.

Bốn tháng trước, ở nhà nhắn ra bố ốm nặng. Trăm nói với chồng, rồi về quê. Chuyến về thăm quê ấy thật tủi hổ không để đâu cho hết. Vào thị trấn Kinh Môn, đến ngã ba phố Vinh Quang, Trăm úp nón lên đầu, bước cùn cụt. Xuống sân Quần, cống Quan, tức sắp về đến làng, thì không thể cúi mặt được mãi, rồi chuốc thêm cái tiếng nữa để lại ở làng. Gặp ai cô cũng đon đả chào hỏi. Mọi người đáp lại cô đều một dáng vẻ im lặng. Bạn gái cùng trang lứa thì thương cô. Thương nỗi gì? Ai mà biết. Còn người xóm Mốc, xóm Miễu đều xa lánh cô như xa lánh thứ bệnh dịch. Cô biết căn nguyên rồi. Chính do hậu quả việc làm thô bỉ của Kình. Bố đang ốm nằm kia, mình cô chịu nhục, mình cô âm thầm . May ở làng còn một pháo đài kiên cố cho cô ẩn nấp, đó là tấm lòng của mẹ. Mẹ sinh ra Trăm, nuôi Trăm lớn, đi lấy chồng. Nay trên đường về, đường quê đất đá gập ghềnh, cô nghĩ nhiều đến mẹ, mới thấy mẹ lớn lao vô cùng. Xế trưa, Trăm đến ngõ, rặng hoa dâm bụt thân quen bừng lên, rung rinh cành lá đón chào cô chủ. Mẹ đang ngồi vá áo ở cửa. Trăm như con chim nhỏ sà tới:

- Mẹ...

Mẹ ngẩng lên, giọng vồn vã và ấm nhẹ- ấm nhẹ tới nỗi tưởng như giọng nói của mẹ có thể nâng bước cho Trăm:

- Trăm đã về đấy ư con ?...

Trăm nhìn vào mắt mẹ, cô muốn tìm ngọn lửa giận dữ ở nơi mẹ. Nhưng không, tuyệt nhiên không thấy biểu hiện gì. Vẫn như ngày nào, đối với các con hay với mọi người, mẹ vẫn thế, cái nhìn nhân từ và bao dung. Song quan sát thật kỹ, tận sâu trong mắt mẹ, Trăm thấy đuôi mắt hơi cụp xuống- dấu hiệu buồn của mẹ- Nỗi buồn mẹ giấu kín đáy lòng, bao năm nay mẹ nhẫn nhục vì bố Trăm sức yếu, ốm đau luôn, gồng nặng gánh nhẹ nghìn việc đều dồn lên đôi vai gầy. Nay Trăm lại quàng thêm nỗi phiền muộn cho mẹ. Trăm ôm cánh tay khẳng khiu của mẹ, nấc lên:

- Mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con...

Mẹ vẫn bình thản, coi như không có sự gì, mẹ nói vài ba lời thiết yếu về bệnh tình của bố, rồi bảo:

- Cầm khăn ra bể nước mưa mà rửa mặt cho mát con ạ.

Lời nói của mẹ thấm tận gan ruột. Bao tủi hờn, bao nóng bức đã vơi đi. Cô bước lại gần bể cuốn, hai mé cửa đón nước từ hai thân cây cau, nước chảy qua hai tàu cau khô. Thành bể lên rêu mốc xanh tầng tầng lớp lớp. Ngày xưa mẹ vẫn bảo cái bể này bằng tuổi Trăm. Như thế là bể đã đứng đấy hai mươi mốt năm rồi ư? Cô nhấn cái gáo dừa. Gáo nước mưa trong ngần lẫn dăm cánh hoa cau. Cô đưa cả gáo nước lấm tấm những cánh hoa cau trắng lên miệng. Đã lâu, giờ Trăm mới được uống một ngụm nước ngọt ngào trong mát của làng.

Trăm vào buồng bên thăm bố, bóc quà mời bố ăn. Trở ra, mẹ cô đã ngồi đợi cô ở phản ngoài. Dường như mẹ cam chịu nỗi âm thầm bấy nay để bây giờ mẹ mở lòng với con gái- cũng chỉ con gái mẹ mới được chứng kiến nỗi đau của mẹ mà thôi. Giọng mẹ ân cần :

- Sự thể thế nào hở con? Đúng như vậy chứ? Đúng là nó lừa hết tiền công của người làng ta chứ...?

Chính do giọng nói ân cần của mẹ làm Trăm đau, đau như không thể đau hơn được nữa- Trăm cắn môi, gạt nước mắt, còn biết nói sao? Cô gục đầu vào lòng mẹ:

- Vâng... Đúng thế đấy. Khi con biết chuyện thì quá muộn. không thể làm gì hơn. Ngoài đó nhiều chủ lò than quỵt công của cửu vạn lắm mẹ ạ.

Bỗng mẹ thở dài, tiếng thở dài chứa đựng cả nỗi lo thay cho con gái.

- Xứ ấy là xứ nào mà nhiễu nhương vậy hử con?

Trăm thấy vẻ như mẹ lầm lẫn ở chỗ này hoặc giả mẹ nhớ, song vì lòng đang giận, nên mẹ nói lái đi chăng? Mẹ còn lạ gì con gái mẹ đi làm than, rồi lấy chồng ở nơi ấy. Tất nhiên hôm nhà trai đưa ba cái ô-tô về làng đón dâu, mẹ không đi- tục lệ thế- cha mẹ đi đưa chân con gái về nhà chồng, thiên hạ sẽ đồn ầm lên nhà ấy bán con... Chỉ có các dì, các mợ thương cháu, theo xe ra tận Động Ho.

Đám cưới có dễ nổi đình nổi đám nhất nhì ở làng. Tiếng bay xuống tận Thái Thịnh, Tam Đa, Tư Đa. Tiếng đồn ngược lên gần Phà Thông, Kính Chủ...  Riêng Trăm vẫn thấy tiếc, bảo tiếc cái gì thật khó nói. Tiếc phải xa mẹ, xa bố, xa chúng bạn và nhất là phải xa hội làng- hàng năm hội mở từ ba mươi Tết. Hội gồm đủ sắc màu đón xuân rất phong phú: kéo co, cờ người, rồi giồng cây đu. Từ nhỏ, Trăm đã ham thích đu hơn hết thảy. Giá đu vung lên cao, toàn cảnh làng nằm trong tầm mắt. Nổi bật nhất bao giờ cũng là lũy tre. Các lũy tre xanh đan cài , vỏng vót kẽo cà kẽo kẹt từ xưa đã làm nên gương mặt của làng. Bước lên giá đu, đu một, đu đôi, Trăm đều giỏi. Càng lớn, Trăm càng mong Tết để được chơi đu. Đám trai làng khôi ngô tuấn tú đều giỏi đu và cũng thạo trồng cây đu. Những cây tre đực to nhất, khỏe nhất được chọn để giồng tháp đu. Tay đu bằng các thân tre bánh tẻ dẻo mềm, tươi xanh, bền chắc thả từ đỉnh cây đu xuống gần chạm mặt đất. Trăm ngoắc tay đứa bạn gái thân nhất: "Đu đôi nhé, hai... ba nào". Trăm nhún người nhẹ một cái, đến người bạn gái cùng giá đu nhún nhẹ cái nữa. Hai tấm thân con gái thanh xuân trong trắng của làng từ từ cất khỏi mặt đất. Nhún hai nhịp, tà áo các cô bay phần phật, thần gió đã tìm về. Nhún ba nhịp nữa, vòng bay đã sắp đậu đỉnh cây đu, bầu trời cao xanh bỗng nhiên gần lại, gió chạy rào rào. Cả hội làng nín thở đứng thìn hai cô tiên thanh xuân đang bay. Dưới mặt đất, hoa đào và áo muôn màu sặc sỡ trôi loang loáng... Nhún nhịp nữa nào! Trời trong xanh quá, mà cũng gần quá...! Có cả những cánh diều xuân, tiếng sáo chao nghiêng, nghiêng giữa hội làng...

Cuối cùng thì người chồng cũng tìm thấy vợ. Có  điều khiến anh ta khó hiểu rằng gốc sim này anh đã lia đèn pin mấy lượt, sao không nhận ra Trăm? Chả lẽ bụi cây ngọn cỏ bây giờ cũng chống lại anh sao?

Trăm thừa biết thế nào chồng cũng tìm thấy mình, khi sương đêm và gió núi làm anh tỉnh rượu. Rồi cô lại nghĩ: chồng tìm thấy cô sớm quá. Mà giá không tìm thấy càng hay, giá cô hòa tan vào được với những giọt sương khuya trên các búp sim kia. Trăm mấy phen phải dằn lòng không muốn trở về ngôi nhà ấy. Một bên chân bị chuột rút, cô vùng vẫy, bàn chân chạm vào chùm lá nặng trĩu, sương rơi lắc rắc trên áo như mưa. Anh chồng chăm chắm nhìn đường nét trên tấm thân nuột nà của vợ trong quầng đèn pin sáng lóa, tự nhiên thấy ngượng, ngượng ngay với chính bản thân. Anh ghé sát vợ, nhỏ nhẻ:

- Về thôi em...

Trăm lặng im tay vít cành sim xuống. ý chừng muốn ngăn cách mình với chồng bằng một nhành cây. Người chồng không nghĩ ngợi, cánh tay rắn chắc gạt đến "lắc", cành sim gãy, hoa rụng lả tả.

- Em đừng nhớ tới chuyện lúc chập tối nữa. Lúc đó anh vừa uống rượu. Anh đã xin lỗi bố anh, xin lỗi mẹ anh...

Không đúng! Khi đó anh ta đâu đã uống rượu. Liệu con người này còn dối trá đến bao giờ! Tự dưng cô thấy thương cho phận mình. Sao chồng cô lại quá quắt đến như thế. Cô thật tình không muốn trở lại ngôi nhà ấy nữa. Trong cô đã có sự rạn vỡ. Giống vỉa than bị cuốc xẻng xăm phá, vết rạn vỡ khó bề liền lại... Lòng Trăm tê tái- tê tái và hối tiếc. Phút chốc bóng dáng đồng đất thân thuộc dội về. Đến giờ cô càng hiểu mái nhà của mẹ, hiểu làng quê với con sông máng lòng ruộng chỉ vừa một tầm sào, mờ mờ nước xanh chảy mãi chẳng chịu dừng.

Ai ngờ được rằng có một vỉa than xiên chéo từ đâu đó chạy tới mảnh sân chung của hai bố con nhà Kình. Vỉa than đá, già câng, lục lạc, óng ánh. Được vỉa than rõ ràng được của trời cho. Nhưng ông trời xưa nay vốn thành kiến với con người về thói lười biếng, cho nên, trời chả cho không ai cái gì. Thưởng đấy, rồi phạt luôn đấy, phúc đi liền với họa. Vỉa than đá rất lớn lộ ra từ vườn sắn. Chính Kình đã phát hiện thấy. Kình có biệt tài phát hiện các vỉa than. Sự tìm kiếm của cải, thâu tóm nó bằng mọi cách, cùng một vài cá tính khác nổi  bật trong con người Kình, đem cộng lại, nó thành cái tật, tật đó luôn giằng xé bên trong làm cho ruột gan Kình lúc nào cũng như có lửa đốt. Vỉa than được phủ lớp đất chừng hơn nửa mét. Có thể coi đây là vỉa than lộ thiên đặc biệt hiếm. Hợp đồng giao than bằng phương thức tự khai thác đã được ký với khách hàng. Trữ lượng hai bên đều thống nhất con số ước tính và sẽ kết toán số tấn thực tế trên vỉa than. Tiền Kình đã nhận một phần ba. Và Kình lập tức cụ thể hóa số tiền bằng cách quy đổi tất ra vàng. Vỉa than chạy dọc xiên chéo theo kiểu chêm dăm cối xay... Chuồng lợn, nhà tắm cũng bị khui lên. Đất bóc tới đâu, ô-tô lùi vào, mở thành vào cho cửu vạn xúc than lên tới đó. Khi nhóm cửu vạn đầu ráo áo ướt mặt trát dày bụi than, chỉ hở hai con mắt, tay xà beng, tay xẻng lật tung vạt sân lên thì ông bố của Kình ở trong nhà chạy ra ngăn và hét:

- Chúng mày dừng tay ? Thôi đi ? Không được đào nữa, đây là nhà tao?

Lâu nay bố con Kình coi nhau như người dưng. Nhất là từ ngày Kình trộm vàng của mẹ trốn xuống thuyền, vượt biển. Sống trong trại tị nạn Hồng Công mấy năm, cuối cùng lại phải trở về Việt Nam. Mấy năm trời qua cuộc đời sóng gió vậy, song tính nết Kình vẫn thế, hấp tấp, vội vàng và lêu lổng. Kình vốn quen hành động không suy nghĩ. May sao Kình có tí tiền tài trợ cho người hồi hương. Rồi may hơn nữa, Kình tìm ra các điểm làm than một cách dễ dàng. ấy là trời cho Kình của. Dân Động Ho đều biết đời Kình đã gặp vận. Lúc Kình có tiền cùng lúc Kình vọt khỏi tầm tay bố mẹ. Bố Kình nhu nhược, vì nghèo, ông cũng giống tất cả những ông bố nghèo khác ở vùng than, suốt ngày lóc cóc kéo chiếc xe cải tiến chở than bòn vào bán cho các cửa hàng cửa hiệu trong thành phố cách Động Ho bốn cây số. Cuộc sống thường nhật của bố mẹ Kình kéo dài đã nhiều năm. Sống nghèo hèn, khổ mãi nên quen, tới nỗi không còn thấy mình khổ nữa. Thế nhưng đến lúc có kẻ vác cuốc, vác xẻng tới đào sân nhà mình thì ông bố vốn quen phận hèn, quen nhẫn nhục đã chửi toáng lên, cho dù kẻ đó là thằng con trai bất trị. Buồn thay, ngày ông vùng lên giành lại quyền làm bố lại đúng vào ngày thằng Kình con ông gặp chuyện cãi cọ, tranh giành khu đất chân đồi ở mé Hào Nam. Vì theo nhận định, khu này có vỉa than lớn chạy bao quanh hình vành lược. Kình về thấy bố ngăn cản công việc, tay xỉa xói, đám cửu vạn đứng ngơ ngác. Ông bố xông thẳng tới trước mặt Kình. Nếu còn sức lực, ông đã bóp chết thằng con mất dạy. Đằng này ông gầy còm, thấp bé, bởi vậy ông phanh phui hết. Ông phanh phui bao điều Kình ngược đãi bố mẹ cho thiên hạ biết. Mặt Kình mỗi khi tức giận lại ngầu đỏ. Mọi người đều nhận thấy mắt Kình đỏ từ lúc ở trên điểm về. Bây giờ đôi mắt ấy long sòng sọc như mắt trâu điên. Và Kình không nghĩ ngợi, đập luôn bố một cán xẻng vào lưng, khá mạnh, làm hàng chục cửu vạn trợn mắt nhìn, kinh hãi. Xe ô-tô than chưa đầy đã hối hả nổ máy. Đám cửu vạn nhao nhao bám theo. Họ sợ phải làm chứng vụ án mạng có thể xảy ra.

Bố Kình già yếu, xương cốt đã xộc xệch lắm, giờ bị một đập, khác nào trời giáng. Trăm phục thuốc cho bố chồng hết sức chu đáo, hết sức kính cẩn. Cô hỏi đường sang tận Bang Trới tìm mua mật gấu về bóp cho ông cụ. Trăm muốn lấp bằng cái hố ngăn cách giữa hai bố con Kình. Cô đã lầm. Công của cô khác nào dã tràng xe cát. Vết đau trên người ông cụ giảm thì hố ngăn cách giữa hai bố con càng sâu. Bờ hè đã bít kín. Mảnh sân chung bị đào xới nham nhở nay đã có rào ngăn. Trăm thấy mình sống trong vô vọng. Kình khác, Kình không lấy thế làm điều. Anh ta đang có nhiều mối đáng quan tâm hơn. Buổi chiều nắng, Kình phóng xe máy về sớm, hỉ hả khoe với vợ:

- Xong rồi em ạ !

- Anh bảo gì cơ?

- Thắng lớn rồi ? Năm điểm mở lò ở chân Hào Nam anh chạy được giấy khai thác và bán sang tay. Mười tám triệu một điểm, em biết không? Mười tám triệu ba mét đất núi ?

- Anh bán đất núi. Nhưng núi có phải của nhà mình đâu?

Kình vươn tay quàng vợ vào lòng:

- Trời hỡi, em ngây thơ quá. Ba mét đất núi là điểm được phép mở cửa lò than. Còn đào sâu vào bao nhiêu trong lòng núi thì tùy, thả sức. Theo giao kèo, than ra, chủ lò sẽ trao tiền !

Người Trăm, bỗng ngột ngạt, gần trăm triệu bạc! Cô nhìn chồng không chớp mắt. Kình châm thuốc hút, phả khói lên trần nhà, vẻ mãn nguyện. Cứ đà này chả mấy chốc Kình thành tỉ phú.

Từ hôm đó, chiều chiều Kình về nhà rất sớm, không lăn lộn với lò bễ đêm hôm như trước. Việc lò nào, Kình giao tất cho đám cửu vạn lò ấy. Mới chập tối Kình đã lên giường ôm vợ. Một đêm hạ tuần, trời không trăng sao, có người chạy đến đập cửa nhà Kình sầm sầm :

- Anh Kình!...Anh Kình!...

Kình linh cảm thấy có sự tai biến, liền bật dậy, lao ra cửa. Cái thân người lấm láp đầy than thụp xuống bờ hè, rên rỉ:

- Lò Bắc sập rồi ? Chết người rồi ! ... Anh Kình ơi ?...

Trời bắt đầu chuyển mùa. Mưa ròng rã hàng tháng. Cả vùng đất sũng nước. Các lò than ướt vũng vĩnh. Công việc đào núi đội than của đám cửu vạn cực nhọc gấp ba, trong khi chủ lò thất thu. Kình có máu làm ăn lớn thất bại càng lớn kể từ vụ sập lò, chết người. Tiếp đến bốn trong số năm cửa lò bán ra không có than. Kình phải chịu phạt theo luật giang hồ. Chưa hết, trong một đêm mưa to gió lớn, người vợ xinh đẹp đang nằm bên Kình, bỗng bổ choàng thức dậy, hú hét:

- Buông tôi ra !... Buông tôi ra ?...

Kình hốt hoảng, giật đèn sáng:

- Gì thế Trăm?

- Hai người chết đến đòi bắt em đi!...

Kình cáu:

- Em lảm nhảm gì vậy?

- Hai người cửu vạn chết sập lò đến bắt vạ em trả mạng sống cho họ. Họ bảo tại anh chống lò bằng cây thông non, lò mới bị sập. Anh lại còn vùi xác họ ở gốc sim...

- Tầm bậy? Em cũng biết đấy thôi. Anh chỉ giấu tạm họ trên đồi để về quê điều đình với thân nhân họ. Mỗi cái xác tương đương mười tấn thóc. Em hình dung mười tấn thóc ở nhà quê lớn thế nào chưa? Rồi đưa xác họ về quê chôn cất tử tế. Còn đòi gì nữa. Em chỉ nghĩ vớ vẩn. Thôi nằm xuống ngủ đi! Còn bụng dạ nào ngủ được, Trăm thấy kinh tởm, chồng mình quá. ở miền đất tiền của vung vãi này chỉ sản sinh ra một loại người như Kình thôi sao? Nếu vậy cũng chẳng nên giàu có để làm gì. Cần phải tránh xa, càng sớm càng tốt.

Trăm nài nỉ chồng:

- Em hãi lắm anh Kình ạ... Để em về quê một thời gian. Em thích làm nghề nông hơn. Em cũng muốn giúp mẹ bừa cấy mấy sào ruộng nhà...

Kình nổi giận đùng đùng:

- Cô điên hay sao mà bỏ về quê. Cần tiền tôi có tiền, cần vàng tôi có vàng gửi về cho bà cụ thuê mướn người làm. Cấm cô không được bước chân ra khỏi đây!

Quát vợ xong, Kình tắt đèn, vẫn chưa yên về cái sự làm Kình lo lắng đã đến. Trong suốt tháng mưa, hình ảnh về vụ chết thê thảm oan uổng của hai người còn trẻ đội than thuê, luôn xâm chiếm giấc ngủ của Kình. Các hình ảnh thoắt biến hóa ra nhiều dạng rất ghê sợ. Lúc thành hai cái bóng lộn ngược đầu giữa trần nhà, lưỡi đỏ lòm như máu thả dài chấm đất, lúc thành người đến ám ở đầu giường... Kình nhìn ra, có hai người đứng, thò tay với được, chỉ không rõ mặt, Kình cảm giác họ đang lừa Kình vào cái bẫy nào đó... Sở dĩ những ngày qua Kình vẫn lặng thinh bởi lòng dạ Kình sắt đá, cùng với nhiều nguyên nhân khác.

Tới một buổi chiều ẩm giời, mây đùn xám xịt, Trăm đang chuẩn bị bữa tối, chợt nghe chuỗi tiếng nổ rền ở khu Nam, khu Bắc, nơi tập trung các lò đang khai thác than của Kình. Trăm rối bời ruột gan. Cô để cửa cả đêm. Kình không về. Sáng hôm sau bốn người cửu vạn thay nhau võng Kình trong chiếc chăn chiên cũ. Thân thể Kình không chỗ nào xây xát. Cánh cửu vạn bảo Kình bị ốm, Kình sốt cao, đập chân đập tay thùm thùm.

Vàng và tiền đổ vào thân xác Kình như nước lã đổ ra sông. Bác sĩ dùng toàn loại thuốc đặc biệt, gần triệu bạc một ống. Bệnh cũng chẳng giảm, kỳ quái, lúc tỉnh lúc mê, như ma làm. Suốt bốn tháng trời, của nả trong nhà Kình lần lượt đội nón ra đi. Đến chặp không còn gì để bán thì Kình tỉnh. Tỉnh xong liền phá ra cười sằng sặc. Gương mặt Kình chuyển sang sắc thái rất lạ: nhàu nát và vô hồn. Tính tình còn thay đổi lạ hơn: quần áo ưa dùng gấp nếp, ăn uống sạch sẽ, không cắn xé, đập phá, hoặc chửi bới người ngoài nhưng Kình căm ghét vợ thậm tệ, nhìn thấy Trăm là đòi giết...

Những khi chồng thức, Trăm trốn lủi trên đồi sim. Bước một bước phải tong tả ngó trước ngó sau. Lắm lúc bất chợt nhìn sang phía nam, phía bắc dãy Cặp Tiên xanh non ngày nào, giờ bị trụt lở theo vệt đường lò do mìn đánh sập, đất đỏ, đá đen lẫn lộn, bát nháo giữa màn mưa dày, trắng xóa, tự dưng Trăm thấy xót xa trong lòng, xót xa cho cả công sinh dưỡng của cha mẹ...

Bao ngày bị chồng săn đuổi, phải trốn chạy, Trăm vẫn nhận biết có một người ngầm bảo vệ cô. Đó là Xuân. Dù Xuân không nói, có bữa hai người giáp mặt, Xuân còn bước cho mau khiến Trăm bối rối. Một lần gặp trên quãng vắng, Trăm đã gọi Xuân. Cô hỏi cho rõ nguyên do vì sao các lò than của Kình bị đánh mìn sập hết, làm Kình phát điên phát dại, Xuân đắn đo mãi mới nói, rằng Kình không bao giờ sống thật, ngay cả với chính mình, cho nên lợi dụng trời mưa, bỏ lò bê trễ, đám cửu vạn bị Kình bớt xén công nhiều bận, đâm thù hận, rủ nhau bí mật đặt mìn phá cơ nghiệp của Kình... Trăm đứng lặng người , lúc sau cô trách Xuân:

- Việc hệ trọng thế sao anh không nói với em?

- Mãi gần đây anh mới được biết . Mà anh cũng không muốn nói ra, sợ em buồn...

Trăm nhìn con đường lẫn than ngoằn ngoèo dốc ngược, rồi đưa tay ngắt cành hoa sim đứng chơ vơ, ướt sũng. Lòng Xuân, cô rất hiểu:

- Anh vẫn còn nhớ em ư?... Anh lấy vợ đi, đừng thương em nữa! Đời em đã lỡ rồi...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com