hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-932.htm

Dương Nữ Khánh Thương

Trái chín ép

Nó ngậm vành những ngọn cỏ đăng đắng. Mùa đông sắp qua. Nghĩa là bố nó sẽ về. Mẹ bảo "sắp phải chịu cực hình đây". Nó im lặng, không biết phản đối bằng cách nào. Chủ nhật, nó lếch thếch đạp xe xuống nhà bác. Đường xa, qua cơ man nào là phố, đến khi thấy mỏi rã rời, ngước mắt nhìn vào  con hẻm nhỏ thấy  cái nhà nửa khép nửa hở thì đích thị là nhà bác nó.

Mấy chị con bác chị nào cũng đẹp. Chị Thảo Vi luôn cau có vì mất nước, hàng chậu đồ ứ đọng lại. Chị Hạnh Loan thì chỉ bận tâm đến những ban nhạc thịnh hành. Chị Bảo Cúc là có vẻ hiền nhất, tủn mủn chắp vá mấy mẩu len thừa thành cái túi con trông xinh xinh.

Nó vừa nghe nhạc, vừa nghe tiếng lanh canh của xô chậu, vừa căng mắt nhìn theo tay đan. Hệt như một viên chức mẫn cán, đều đặn mỗi chủ nhật.

Nó cũng ít khi cưỡng lại được những trò ngông cuồng của tuổi. Trước khi làm một việc gì nó cũng tự cật vấn mình trong ba phút. Và nó khoái trá khi lương tâm nó cũng bị đánh lừa bởi những ý tưởng biện bạch ngộ nghĩnh.

Nó rẽ vào hiệu kem, ăn thỏa thích, ngắm chán chê những cô nàng treo trên tường. "Yến My này, tội gì mà chả ăn kem, chả ghé vào chợ. Tao thấy mày dạo này mụ mị lắm". Nó tạt sang bên đường, chỗ cho thuê truyện, trẻ con xúm đen, xúm đỏ. Giá cứ như trong truyện "Thủy thủ mặt trăng" mình là Bani. Còn cái thằng đen đẹp trai ở tầng một là Turedo mặt nạ. Chà, còn nhỏ mà thế này thì không tốt nhưng thôi sẽ khắc phục sau.

Cuối cùng thì nó cũng về đến nhà. Tiếng choe chóe của những người đàn bà quen sung sướng, tiếng rủng rẻng của khuyên vàng, nhẫn, lắc và cả tiếng cười hềnh hệch của những người đàn ông ngà ngà vì bia. Mẹ nó ở phía góc trái, cười tít cả mắt. Nó thấy chán ngắt, vội dắt xe ra. Cầu mong có một con đường nào khác con đường nó vẫn thường đi... Con đường ấy nẻ ra trước mắt và dẫn nó đi mãi đến một đồng cỏ đầy hoa cải, bố nó đứng đó vòng tay rộng mở. Nhưng trong vô thức chẳng có con đường nào như nó đang nghĩ, nó lại đang nhấn pê-đan quay những vòng cũ mèm đã nhẵn chân. Nó thấy mình hoang tưởng, trời Tây làm gì có hoa cải, đường này hay đường khác đều là sự trốn chạy manh động. Thôi bay lên trời là tốt nhất. Sống như những vì sao ấy. Những vì sao mắt ướt nhớ trần gian.

Bố về, nó mừng ra mặt. Rồi lại len lét nhìn mẹ. Bố sẽ không để yên. Trong cuộc sống bố có thể có lúc quên nhiều điều. Nhưng ai đã đến với bố, yêu, hay ghét bố đều nhớ.

Mẹ không đón bố ở sân bay. Một mình nó cố ngoi trong dòng người đông đúc ấy. Nó lọt thỏm như con chim chiều cố bấu vào sự hấp hơi đợi chờ để tự tin hơn. Nó núm đuôi tóc vân vê. Cốt ra vẻ ta đây người lớn, nó đi một mình, mặc dù chẳng ai để ý  đến nó cả. Bố thấy nó, mỉm cười phát hiện ra sự vắng mặt của nhân vật chính nhưng dường như thích nghi với hoàn cảnh, bố không tỏ vẻ gì chỉ hỏi cái tivi nội địa bố mua hồi ở nhà có hay chiếu phim "Triệu con mồi" nữa không? Nó thật thà "Vẫn thế nhưng mẹ bán đi rồi. Chú Bình mang đến cái khác to hơn, cả đầu nữa, hiệu Sony nét lắm. Tivi lại chiếu cả ngày, lúc nào bật lên cũng có cả". Nó líu lo, không kịp nghe bố lầm bầm "đồ giẻ rách"...

Buổi tối nó ngồi thu mình trong chiếc ghế bành, lẩm nhẩm gạch những đường thẳng vô nghĩa trên giấy. "Choang choang". Nó tự hỏi cái gì thế nhỉ, một con mèo chăng?" Ô la la, mai đi sinh nhật mình phải mặc cái rốp hồng bố mới đem về, bọn ấy sẽ lác mắt cho xem". Chậc, tiếng gì nghe rát tai thế này nhỉ?

- Tôi đi bán mồ hôi ở đất khách, làm thằng đi nghiên cứu mà bệ rạc. Chạy chợ trời áp phe, làm thuê... đủ cả. Công cô nuôi con... Chậc, tò vò mà nuôi nhện con, khá lắm, cứ việc đi theo cái gọi là... tình yêu của cô, đi xem có đủ  đút mồm cô không?

Tiếng nấc xé nghiến, tiếng sụt sịt và vẫn giọng bố nó:

- Hồi xưa mẹ tôi chờ ba tôi hai mươi năm còn được nữa là...

Nó thấy ong ong. Lỡ làm rợt xoạch cái giấc mơ, vừa ủ chưa kịp nóng. Cả đêm nó lục sục, cảm giác đang đút  đầu vào một cái cối trời. Gió cứ thổi, quạt cứ quay ù ù. Không nghe tiếng khóc của mẹ, nó mỉm cười "mọi việc không hẳn là xấu". Nó cười lỏn lẻn trong hành tinh xám dang dở.

Bố vuốt tóc nó. Người bố nghe mùi ngoại quốc thơm lắm, khác hẳn những khổ cực bố vẽ ra với mẹ. Bố xách vali, bấm cửa cái tách: "Ta về quê đi con". Nó không kịp hỏi, theo chân bố líu ríu. Mỗi lần có chuyện gì, "về quê" là câu nói không xê dịch của bố. Lần này mẹ bỏ đi, bố cũng lại về quê. Bố bảo: bố là đồ tha phương, mỗi lần về đến làng vào nhà thờ thắp hương lại thấy đất quê ngấm vào người, quấn lấy chân cái mùi lạ lắm. Mỗi lần bố gặp trầm luân lại nghe từ rất sâu, trong miên man mùi đất ấy lại gọi về. Chắc bố lại thấy nhớ mảnh đất khô trắng vết chân chim nơi đó có bà, có chú, bác,   có cả những đứa bạn hồi bé vẫn đi bứt chua me ăn đến tím môi. Về quê là về cái nhà thờ họ Trần của nhà nó - to và linh thiêng lắm. Nó nghe người quê xì xào bố nó bỏ quá nửa tiền vào chỗ đó.

Nó chạy lăng quăng khắp xóm dưới, xóm trên. Đi ra bãi rộng với lũ trẻ chăn trâu bắt cào cào nướng, bẻ ngô non... Lúc đầu nó nhớ đám bạn bè thành thị, nhớ ánh đèn cao áp trên đường Lê Thánh Tông, cái quán kem có đề bảng "Nụ hôn lạnh" từ xa nghe đã sướng mê tơi. Sau, nó thấy thu thú cái vùng quê có gió thổi bời bời từ bốn phía mà hồi bé mỗi lần về nó lại quen thêm vài đứa bạn.

Đã chán bãi rộng, nó bắt đầu một mình lò dò khắp xóm. Đầu bãi sông, mé trái nhà ấy có một cây ổi sà ra phía đường. Nó trèo lên, hái những quả chín ăn ngon lành. Một người đàn bà bước ra khua rổn rảng cây hèo:

- Ơ, có phải con chắt Huy đó không?

- Dạ, sao bà biết?

- Cái làng bé tẹo này mi chưa về đến đầu ngõ, họ đã biết, về chơi được mấy bữa con?

- Dạ, cháu tùy bố.

- ừ, bố mày đi như ngựa từ thủa mười ba.

Trong lúc nói chuyện, sau giàn thiên lý xanh mờ lấp ló một con bé trạc tuổi nó. Con bé (gọi thế thôi, nó đã ra dáng phổng phao lắm) gạt mầu lá xanh lòa xòa bước ra.

Hai đứa đi ngược xuống triền sông, chỗ rau tàu bay mọc um tùm. Con bé quê có khuôn mặt hiền như Đức Mẹ. Khác hẳn nó, tuế tóa và ngỗ ngược. Tóc con bé dài và kẹp bằng cái kẹp có hoa đen, trông hờ hững như một dòng chảy. Con bé nói bằng một giọng nằng nặng bày cho nó những trò chơi quê của bọn chúng. Nó cười nắc nẻ, vang cả mặt sông. Nó nghĩ giá con bé ở gần mình tối tối kể những câu chuyện như đồng dao ấy cho nó nghe thì hay biết  mấy.

Nhà thờ có giỗ, người ta đội mâm lũ lượt đến. Mâm nào cũng chĩnh chện một con gà vàng khươm, một cút rượu sủi tăm. Nó là con gái phải có nhiệm vụ bưng bê, xem các mâm hết gì thì đem lên. Bố nhìn nó gật gù vẻ hài lòng. Nó cúi gằm mặt giữa những người lạ. Bố nó ngồi giữa ông trưởng họ và ông chủ tịch kiêm cán bộ phụ trách văn hóa. Nó nghe lõm bõm ông trưởng họ mặt đỏ gay, đặt đũa chan chát.

- Thà anh lấy "đĩ về làm vợ còn hơn lấy vợ về làm đĩ". Anh cứ ở đó, nó dám vuốt mặt mà không nể mũi. Thế thì quá quắt lắm. ở đây có ối, không thiếu, tôi rước cho anh cả mớ, hiền lành, xinh đẹp nếu anh không chê là đồ gái quê.

Ông cán bộ phụ trách văn hóa khe khẽ.

- Kìa bác, nói gì mà nặng lời thế, ở đây chốn thâm nghiêm, có gì về ta nói sau. Em là em nhắc thế thôi, chứ em biết cô ấy tệ quá, bác cũng có lòng lo cho chú Huy.

Nó liếc ngang sang bố nó, bố chỉ ậm ừ, mặt thỏa mãn khi bị đấm được xoa, chễm chệ xỉa tăm, đôi cánh kiến trên mép rung rung. Cái ấm đen trên tay nó rót đã hơi tràn thì phải. Nó lúi húi đi vào. Trông dáng thương thương như con tôm bé giương cái càng nhỏ xíu.

Nó phải lên thành phố trước bố để đi học. Căn nhà trống hơ trống hoác. Con búp bê trong phòng nó đã phủ một lớp bụi mờ. Mí mắt nó cụp xuống, nó muốn ngủ một giấc thật ngon lành như chúa đã an bài.

Giờ thì nó đã có dì, ngay từ khi bố ở quê lên, gọi nó xách cái túi vào nó đã muốn nấc lên, nước mắt ứ tràn, mắc nghẹn ở cổ. Nó thấy người sắp vỡ tung ra, nó đấm một cách vô hiệu lực vào khoảng không sau đó thì muốn băm vằm xé nát người đàn bà đang rứt rỉa tí hạnh phúc bé nhỏ của ngôi nhà hoang.

Dì ghẻ chưa vào nhà, dì đang lúng túng gỡ đôi dép quai hậu kiểu cổ. Dáng dì cúi xuống nom nhẫn nại kiểu trẻ con đang tiếc rẻ một món đồ chơi. Dì trẻ. Ngẩng lên, nó đứng phắt ngang ở cửa, ánh nhìn của nó không phải bắt đầu từ trên xuống. Cái đập vào mắt nó đầu tiên là chóp mũi cao và thanh hơi hếch lên đầy nữ tính. Sau đó là đến đôi mắt. Một đôi mắt không buồn, không vui chỉ có tia nhìn là xoay xoáy ngờ vực. Nó đã lén chùi nước mắt thật sạch sẽ và có ý định đi ra thật đĩnh đạc đàng hoàng, cong cớn. Phải xác lập chủ quyền ngay từ đầu. Sự đã rồi. Chí ít mình cũng phải ngấm ngầm thể hiện thái độ bên ta, bên địch rõ ràng. Ta là con bố. Và nó căm thù tự nhủ thêm "Mụ ấy đến lần đầu mà xem "mấy đời bánh đúc..."

Nhưng khi đứng trước dì trẻ, vừa chạm vào ánh mắt nó đã đánh rơi mất vẻ cong cớn giả tạo. Nó hân hoan reo lên:

- Dịu, Dịu...

Dịu lúng túng gạt mái tóc lòa xòa, rồi cứ thế cô vặn vẹo hai bàn tay. Cái cười méo xẹo.

Nó chợt nhận ra sự thái quá của mình, lủi thủi xách cái giỏ mây đựng mấy bộ đồ tuềnh toàng của dì đi vào phía buồng. Nó nghe thấy có vật gì đang đâm vào ngực nó, lại thấy người chìm chìm không trọng lượng.

Nó nghĩ đến Dịu ở bờ sông. Trên bãi cát có một nhúm cỏ đang bùng lên, thịt dế cháy xèo xèo, thơm nức. Buổi chiều ở quê gợi nao nao. Hai đứa trẻ đặt cạnh nhau chênh vênh như hai giọt nước. Giọt ở mái gianh vỗ về giọt đọng trong lá. Hai giọt chảy xuống đất. Nằm xuống cạnh nhau và hòa vào nhau, nước mưa hình như mặn đắng...

Nó trốn tránh việc về nhà bằng cách lang thang vào nhà lũ bạn giàu có, sôi động, những đứa bạn quá đủ đầy đến lúc không biết mình cần cái gì nữa. Chơi chán, nó lại lân la đến lũ bạn trầm ngâm ở góc lớp. Nhiều đứa có những cảnh ngộ éo le hơn. Nó thấy được an ủi phần nào, thì ra chúng vẫn đến lớp, về nhà và quen dần đi với bất hạnh. Nó không trốn chạy nữa, trưa về nhà, ăn hết hai lưng cơm dì trẻ xới cho và bắt đầu trò truyện với dì trẻ. Những câu chuyện tủn mủn, hờ hững. Dì trẻ khác nó lắm, dì mặc bộ đồ hoa to đùng rất quê. Dì hay quên, thường kéo dép trong nhà. Có một buổi chiều, tình cờ nó được nghỉ buổi học sử. Cả lớp đi về. Nó cũng về. Ngang qua phòng bố và dì trẻ, thấy bóng nó đi qua dì giật thót ngoảnh mặt lại. Một khuôn mặt nham nhở với những nhát tô vụng về, phấn xoa không đều và môi tô quá lố. Ngay lúc đó nó hiểu rằng dì trẻ đã cố gắng làm vừa lòng bố, trước khi về cái nhà này dì đã được người ta dạy bảo đủ điều. Đáng tiếc dì như một đứa trẻ vụng về và ngộc nghệch. Dì chỉ được người ta bảo gọt bút chì mà không được bày là gọt như thế nào. Lúc này nó thương dì trẻ lắm. Nó rón rén đi từng bước vào cạnh dì. Phòng dì và phòng bố nó chỉ có một cửa sổ hình tò vò dì ngồi đó bóng nắng buổi chiều lốm đốm rắc từng vệt lên mái tóc xanh mỡ. Nó ngồi xuống cạnh, dì trẻ không ngước mắt lên khẽ hỏi:

- Yến My sao về sớm thế?

Nó không trả lời, chỉ cười, dì trẻ ngồi đùi hơi khép, chỉ đôi mắt trong như một dòng chảy. Nắng loang xuống đôi vai, đổ mềm...

Dì trẻ chơi với mấy con gà công nghiệp. Chắc dì nhớ quê. Cái lũ gà công nghiệp ục ịch này không kêu lóe xóe như những con gà nhà. Bọn gà ăn đều đặn, cũng không thèm tranh cướp nhau.

Bố rất chiều dì. Bảo nó dẫn dì đi sắm quần áo giày dép. Ông muốn dì hóa hoàn toàn như một người vợ thành thị trẻ đẹp để một ngày gần nhất có thể hãnh diện khoác tay dì ra phố.

Nó lẳng lặng làm theo ý ông. Dì trẻ và nó dạo lòng vòng qua các shop. Dì đẹp và "tân tiến" hơn. Hai đứa líu ríu chỉ trỏ dãy váy áo lạ mắt. Có lúc hai đứa trong vô thức đã gọi nhau ngang hàng là "My ơi", "Dịu ơi" lánh lót giữa phố đông. Nó thường hát về một dòng sông. Dì trầm tư, mắt vời vợi.

Trong đôi mắt có một dòng chảy xoáy cuốn và mãnh liệt. Nó và dì như hai đứa trẻ bị bắt già trước tuổi. Đôi khi dì trẻ và nó tạt vào công viên, ngồi duỗi dài trên cỏ. Có lúc nó cũng thấy mình xanh rờn như một nhành cỏ đắng không ai chăm sóc, bị vò nát dưới chân người qua lại, mọc hoang trong lề dại cuộc đời. Nó miên man mềm lòng trong sự rối ren của cỏ. Dì nghịch những bông sứ bay lả tả. Và chiều xuống muộn màng hư hao. Lòng nó dựng thêm một mảnh khuyết đã vỡ...

Nó tụt chân, lướt nhẹ qua phòng bố. Không hiểu từ lúc nào nó có thói quen ý tứ như thế. Hồi trước lúc mẹ còn ở nhà mỗi lần giận mẹ, nó lại dẫm chân bình bịch hất cẳng con mèo và gào lên những câu khó hiểu. Bây giờ khác, ngôi nhà vẫn khống chế ở con số ba: ba người nhưng buồn bã chuệch choạc như cái đàn so dây. Nó men theo bờ gạch đi bằng hai ngón chân cái. ánh đèn trong phòng bố hắt ra vàng vọt:

- Cô làm vợ thế à, tôi không ngờ, một cái nồi áp suất còn có vẻ tốt hơn, hừm...

Dì trẻ thút thít nhặt cái đôn hoa vỡ. Mười bảy tuổi nó đủ mẫn cảm để hiểu mọi chuyện. "Con vái trời cho con được quyền không biết nhiều chuyện".

Bố hậm hực ra khỏi phòng, không nhìn nó, những bước đi hơi ngả về phía trước. Bực bội lẫn dã tâm. Nó vẫn men theo bờ gạch đi về phía phòng. Dì trẻ là cái cây cảnh để họ uốn tỉa và chưng cho đẹp mắt nếu không còn tác dụng nữa thì tự động chết rũ. Dì không biết điều đó, dì chỉ miên man trong vô thức thấy cái gió đồng quê lồng lộng, thấy vị bùn hắc của sông đã xa ngái. Nó chợt ước mình là con diều không có dây neo, bay mãi không mệt dưới nó là cả một dòng sông mát lạnh như kem, xóa hết mọi tủi hờn, chua chát. Mẹ nó, bố nó không phải bận tâm gì về cái con trời đánh là nó. Về đống tài sản phải chia thêm một người. Dì trẻ sẽ về quê, ống quần nâu vo đến bắp vế, tất bật gánh rạ cười như tỏa nắng. Chồng dì là một người khỏe mạnh cùng làng. Hai người sẽ sống cạnh dòng sông, đêm nghe sông thở cựa mình gãy những giấc mơ. Nó hóa thành một ngôi sao, thấy thiệp cưới mầu hồng dưới trần gian bay lả tả. Thói thường nó vuốt đuổi tóc và lẩm bẩm: "ồ chuyện đời vui thật. Bạn tôi nó lấy chồng..."


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com