Tiếng gà rừng eo óc phía khu rừng ma. Lại có tiếng nước suối chảy lóc tóc. Hơi núi đá lành lạnh lùa vào cổ áo khoét rộng đang để hở một mảng ngực trần của tôi. Cái xắc mỹ phẩm Debon lúc lắc bên hông. Mùi hoa dại ngàn ngạt, mùi phân dơi chua khét từ hang đá tỏa ra, tôi lờ mờ nhận ra mình đi cùng Lanh dưới ánh trăng xanh lạt lẽo. Gần gốc cây sung, người đàn bà đang ghì gẫm sục tay vào kẽ đá lùa cá suối. Người đàn ông dùng hai bàn tay đã cụt ngón giống bai chèo thuyền thúng ép chặt cái xiên nhọn, nhăm nhăm đón lõng cá bơi ra. Giật mình, tôi lại thấy vừa thức dậy ở phòng ngủ của Lanh. Mồ hôi mồ kê túa ra đầm đìa. Thỏi son môi màu nâu và cái chì kẻ mi Hàn Quốc lăn lóc dưới chiếu. Tôi ngồi dậy dựa lưng vào thành giường. Và ở đây tôi nhận ra con rùa, con ếch đồng, con trâu... quen thuộc, Lanh nặn bằng đất nhào đóng gạch từ thời chúng tôi còn ở quê. Trăng tràn qua cửa sổ đổ một vũng lõng lãnh vào chiếu tôi vừa nằm. Các con giống đất của tuổi thơ Lanh bị trăng nhuộm một mầu vàng ệch. Ngoài kia, trăng cũng đổ tràn xuống thung lũng. Mấy dãy nhà điều trị bệnh nhân im lìm, họa hoằn có tiếng ho chìm sâu vào thung lũng khuya vắng. Xa xa, những túp lều của người phong đã khỏi bệnh nhỏ nhoi như cái nấm ở sườn đồi. Một vài ánh lửa lập lòe xanh lét như ma trơi...
Rồi lại chập chờn gương mặt tồi tội của Lanh. Lanh giản dị quá. Một đôi dép lê cũ mòn gót, một cái quần bò sờn gối mặc từ thời sinh viên, một áo sơ mi mầu trứng sáo phong phanh hơi mùi cồn. Tôi ngồi lên xe ôm ra ga, Lanh bảo:
- Sa không đeo vòng bạc, lục lạc đồng nữa à?
Tôi lặng im. Bây giờ ai còn đeo lục lạc. Cái dây chuyền mỹ ký Italia mắc cây thánh giá bằng vàng đã chườn ườn ở cổ tôi rồi.
- Có thể Sa không trở lại đây nữa. Anh chẳng giận Sa đâu - Lanh lặng đi một lát - Đừng nhìn anh, nhìn bệnh nhân của anh bằng con mắt thương hại.
- Nhưng anh nhìn em bằng con mắt gì?
Tôi gào lên và vỗ vai bảo người lái xe ôm vù đi, mặc Lanh đứng lặng nhìn theo. Tôi đã khóc, khóc ngay lúc ngồi xe ôm, như chưa bao giờ được khóc... Thì ra là giấc mơ. Giấc mơ dài đứt quãng, chắp nối, không ra đầu, chẳng ra cuối sau chuyến tôi đi Trại phong La Hai thăm Lanh về. Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ. Mẹ cũng đi ra đi vào, thở dài, đã mấy lần mẹ ngập ngừng định nói gì, nhưng lại thôi. Chán, tôi nằm vật xuống đi văng và thiếp đi lúc nào chả biết. Sáng, tôi uể oải ngồi dậy quờ tay phải mẹ. Vậy là mẹ cũng ngồi bên tôi ở đi văng suốt đêm. Mẹ dụi dụi mắt rồi lưỡng lự, đưa một mảnh giấy nhỏ. Tôi nhận ra chữ cha viết nguệch ngoạc, rất vội:
Sa ơi! Có việc hệ trọng, cha chẳng biết con ở đâu mà lần. Hết kiên nhẫn chờ, cha về quê trước. Cha dặn này: Con về quê ngay, kẻo hối không kịp.
Mẹ bảo:
- Chẳng việc gì sất. Chắc lại chuyện người đàn bà ấy thôi.
Người đàn bà ấy là người trùm khăn che mặt quanh năm suốt tháng, ngón tay ngón chân cụt chỉ còn vài đốt, đóng gạch cho ông ngoại:
- Mẹ đã nói, nhà cửa đáng bao nhiêu, để cho dì út ở, rước ông lên trên này, bố con ông cháu quây quần, cứ một chốn đôi nơi sao tiện.
Giọng mẹ rất nhã nhặn, nhưng tôi cảm nhận được mẹ đang kìm lòng không cho nỗi giận bùng ra. Lúc đó, một người đàn bà đứng lù lù ở cửa, mặt nhàu nhĩ, bế đứa bé đỏ hòn, chìa tay xin. Tôi cáu kỉnh với con bé giúp việc:
- Ai bảo đêm qua mày quên đóng cổng. Xúi quẩy một buổi sáng.
- Cô... về muộn...
- Cấm cãi - Tôi dúi hai trăm đồng lẻ vào tay con bé giúp việc - Đem cho rồi
đóng cánh cổng lại.
Con bé ỉu xịu, cầm tờ giấy bạc cũ, nhẫn nhục chịu mắng. Ra đến cổng, nó móc túi quần, thì thào, cứ như là giấu vốn riêng cho thêm mẹ con người ăn mày.
Tôi hơi chột dạ, ngượng và một chút ân hận thoáng trong đầu. Giá như vừa rồi cha ở nhà, chẳng biết sẽ ra sao. Hơn một năm nay, cha có vẻ không vừa lòng với tôi. Cha hay phàn nàn về các cuộc vui chơi bất tận, các mốt quần áo và son phấn đắt tiền của tôi. Nhưng mẹ thì lại bênh. Cha ca cẩm: "Con càng lớn, cha càng không giữ được con ở nhà. Con đã thoát khỏi vòng tay cha rồi". Mẹ lại hỏi: "Anh có giữ được nó suốt đời ở nhà không?". Tôi xúng xính quần áo mốt và suốt ngày trên xe máy Spacy đẹp nhất trường đại học. Cha bảo: "Con ngồi trên xe đàn đúm với bạn nhiều hơn thời gian ở với cha mẹ rồi". Cha còn bảo: "Chiều quá, chẳng mấy chốc lại kênh kiệu, cong cớn như con nhà trưởng giả. Có khổ như dạo còn ở quê mới biết thương người". Mẹ trề môi: "Có mỗi mụn con gái mà anh cứ khắt khe với con. Lúc nào anh cũng ví von với ngày ở quê"...
Mệt mỏi. Rã rời. Tôi nằm vật xuống triền sông Đáy, áp mặt vào cỏ xanh nhấm nháp cái mát rượi của thôn quê. Tôi đã về bến sông tuổi thơ của tôi.
- Có phải cái Sa khô... ông?
Giọng nói ồm ồm ở dưới bến vọng lên làm tôi giật mình.
- Dạ. Cho cháu quá giang.
Tôi vội vã xuống đò và nhận ra bác Len.
- Bác chèo đò phụ cho bác gái hả bác?.
- ờ! Chậm mất rồi Sa ơi. Sao bây giờ mày mới về hả cháu?
- Chậm mất rồi?... Hay ông cháu gặp chuyện gì?
- Không! Ông vẫn khỏe. Thôi, về. Mọi chuyện rồi sẽ rõ. Sốt ruột quá. Tao cũng đã viết thư cho thằng Lanh nhưng chưa thấy tăm hơi nó đâu.
Có chuyện rồi! Tôi chẳng còn lòng dạ nào kể cho bác Len nghe rằng tôi mới đến chỗ Lanh chơi. Lặng thinh, trong đầu tôi ngổn ngang bao điều khó hiểu. Trời tối sầm sập. Một vệt đom đóm xanh lét phía hạ nguồn bay lảng vảng ở chỗ lò gạch. Trăng chưa lên, sao trời rắc chi chít xuống mặt nước. Một vài con chim lẻ đàn kiếm ăn về muộn kêu xao xác mặt sông.
Tôi lớn lên đã thấy mẹ mặc áo cánh mầu gụ và bác Len gái chèo đò ngang. Còn ông ngoại suốt ngày đóng gạch với người đàn bà trùm khăn che mặt. Cha làm trên thành phố vài tháng mới đáo qua nhà mấy bữa. Dì út lấy chồng ở trong đê, thỉnh thoáng về thăm ông. Nhà ông ngoại bên bến Vạc sông Đáy, gần cái lò gạch. Sáng sáng, đứng ở nhà ông nhìn ra hướng Tây Bắc thấy núi Ngọc Mỹ Nhân thấp thoảng trong sương sớm như cô gái xõa tóc, nằm ngửa, ngực căng vồng. Cách lò gạch không xa là bãi bồi mọc đầy năn, lác, chuối dại và vô số hang hốc chồn, cáo, mèo hoang: Người làng ở trong đê không ai lai vãng, chỉ có ông hay qua đó bẫy chồn. Tôi đứng ở nhà nhìn sang thấy một túp lều nhỏ xíu thấp thoáng giữa mầu xanh ngờm ngợp của chuối và năn lác tốt bời bời. Tôi sợ, chưa sang bãi bồi, chỉ nghe ông kể. Bãi bồi mãi mãi bí ẩn với tuổi thơ tôi, bí ẩn như người đàn bà luôn trùm khăn đen che mặt sống ở đó và hay sang đóng gạch mộc, đốt lò cho ông. Người ta bảo, người đàn bà ấy bị bệnh hủi hay còn gọi là bệnh phong. Tôi sợ hủi bởi lây cái sợ hủi của người lớn và luôn ám ảnh vì các ngón tay cụt chỉ còn vài đốt của người ấy in thành vết lõm vào viên gạch mộc khi lấy khuôn ra. Gạch mộc đều đặn xếp hàng phơi nắng, các vết lõm cũng giăng giăng theo. Gặp mưa, các vết lõm đó đọng đầy nước.
Ngày ấy, tôi hay mơ. Những giấc mơ khiếp đảm đến ngay cả giấc ngủ trưa. Giấc mơ có người đàn bà hủi đóng gạch xong, xuống sông nghì ngụp tắm. Hai bàn tay cụt ngón như cái bai chèo thuyền thúng, sải nước. Người ấy bơi lập bập, mái tóc dài xõa ra lập lềnh như chẳng bao giờ chìm. Và người ấy đã cứu anh Lanh đang bơi bị chuột rút, tay tuột khỏi cây chuối hột, chết đuối ở sông. Chuyện đó là có thực, cứ ám ảnh trong đầu tôi mà thành mơ. Tôi hỏi: "Hôm anh Lanh chết đuối, cô hủi vớt ở dưới sông lên, vác anh chạy, lại kề miệng hút đờm dãi cho anh. Anh có sợ không? Anh Lanh tỉnh bơ: "Sợ cái đếch gì, cô ấy bệnh hủi nhưng khỏi rồi. Với lại lúc ấy tao mê man nào có biết gì". Thế mà chúng nó cứ bảo anh: anh cũng bị lây hủi rồi, đừng chơi với anh". "Đúng là cái đồ nhãi ranh đái ngồi. Chúng mày thì biết cái gì. Cô hủi ngớ ngẩn, nhưng có lúc khôn ra phết. Bố tao bảo: Sống để dạ chết mang theo, phải biết ơn cô ấy suốt đời"...
Anh Lanh là con đầu bác Len hơn tôi năm, sáu tuổi, anh vẫn hay đánh trâu thả ở triền sông, đến chỗ ông đóng gạch, nghịch đất. Người đàn bà ấy đã dùng hai bàn tay cụt ngón chỉ còn vài đốt lấy đất đã nhào nặn thành con trâu, con bò, con ếch, con rùa đất giống y hệt cho anh Lanh chơi. Anh có vẻ ham và hí hoáy nặn theo, còn tôi rất sợ không dám chạm vào các con giống đó, chỉ sợ lây hủi.
Có buổi trưa tôi mơ màng, bay lên chao liệng cùng cánh diều. Cái lục lạc ở cổ kêu cung... cuông. ở dưới đất, cô hủi cầm dây diều lắc lắc. Gió thổi, mây bay - lõa xõa vào mặt, vào cổ tôi: Tỉnh dậy, tôi hoảng sợ, vùng vẫy trong võng đay, hét ầm ĩ khi thấy người đàn bà trùm khăn đen che mặt đang đặt bàn tay cụt ngón lên đầu võng đung đưa, và nhìn tôi đăm đắm. Mẹ đang giặt ở ngoài sông chạy vào, tru tréo: "Giời ơi là giời! Ai khiến nhà chị. Tôi đã bảo nhà chị nhiều lần rồi. Để con bé yên". Người đàn bà đứng nghệt nghe như phỗng. Mẹ tôi quát: "Nhà chị ra ngoài kia mà đóng gạch đi". Người đàn bà rơm rớm nước mắt, nhìn tôi lần nữa rồi lặng lẽ bước ra ngoài. Vài hôm sau, ông biết, ông ngồi cạp lại cái dậm, ca cẩm: "Người ta quý con mình, người ta mới thế. Sao mẹ cái Sa quá quắt vậy". Mẹ cãi: "Cháu gái ông trắng trẻo, bụ bẫm như mậm lạc, để người hủi động vào, sau này thằng đàn ông nào dám lấy nó làm vợ". Ông vừa nói vừa gằn giọng: "Thôi, thôi... tôi xin chị". Mẹ còn cố cãi: "Đã bảo ông để cho chị ta ở bên bãi bồi, đừng thuê đóng gạch nữa. Người lành lặn, khỏe mạnh thiếu gì". Đến lúc ấy thì ông ngoại không nói nữa, ông quăng vèo cái dậm vào xó nhà, đi ra ngoài.
Tôi lớn lên một chút nữa, cha xin cho mẹ làm công nhân ở Công ty may xuất khẩu trên thành phố. Thời gian đầu, học nghề giờ giấc nghiêm ngặt lắm; với lại ông cháu đang vui vầy bên nhau, thương ông ở một mình buồn nên mẹ chưa mang tôi theo. Ông hay để tôi chơi trên bờ còn ông vác dậm xuống sông bắt cá bống bán cho người đi chợ Tu. Một lần, ông mải đánh đậm không biết tôi chơi tha thẩn sát mé sông. Tôi vừa đi vừa hếch mắt nhìn theo cánh diều của anh Lanh rồi ngã xuống sông. Chìm nghỉm lại trồi lên, miệng ú ớ, mỗi lần kêu là uống ực thêm một ngụm nước. Kinh hoàng, tôi cào cấu vô vọng trong nước, cái bụng cứ nặng và căng phình lên. Một thoáng lướt nhanh trong đầu với ý nghĩ mình sắp chết và nước mắt tôi ứa ra. Nhưng tôi cũng kịp nhận ra mớ tóc dài dặm như rễ lục bình quấn vào mặt, rồi không còn biết gì nữa.
Đêm tôi chợt tỉnh bên đống lửa bập bùng cháy ở giữa nền nhà. Không thấy ông ngoại đâu, hình như ông ở ngoài lò gạch. Tôi he hé nhìn thấy cha ngồi im lìm bên đống lửa. Lâu lắm rồi, từ ngày mẹ đi học thợ may, nay cha mới về. Lửa cháy hắt bóng cha trên tường nhà ấm cúng quá. Tôi cảm nhận được mình nằm gọn trong lòng cha. Không! Tôi như con mèo con nằm gọn trong lòng mẹ. Một vài sợi tóc mẹ lòa xòa xuống mặt tôi. Mẹ ôm tôi vỗ nhẹ và mẹ ru:
ầu ơ... Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày...
Rồi:
Cha chết còn được ăn cá ăn cơm.
Mẹ chết thì con ăn sắn ăn khoai... ơ ầu
Giọng mẹ trầm trầm, buồn buồn. Cha ngồi bên cạnh thở dài. Lúc đó hình như tôi đã khóc và thấy nhiều giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống mặt. Tôi xoay người vùi đầu vào lòng mẹ. Mùi mồ hôi lạ quen, quen lạ, mùi khói lửa, mùi lá sả sực vào mũi. "Mẹ!". Tôi gọi to. "Khổ thân con tôi". Mẹ thảng thốt. Mẹ hôn chùn chụt vào đầu, mặt, cổ tôi. Mẹ lóng ngóng xốc nách tôi dậy. "U đây! U đây!". Nhưng tôi không nhìn thấy mặt mẹ. Cái khăn vuông mầu đen che mặt mẹ rồi, chỉ còn hở đôi mắt lá răm vừa hiền từ, nhân hậu, vừa cương nghị mỗi khi lửa bùng to lại ánh lên. Bất chợt, tôi nhìn thấy hai bàn tay cụt ngón chỉ còn vài đốt đang ấp vào tay tôi. Run rẩy, kinh hãi, tôi kêu lên: "Khô...ông! Khô...ông. Mẹ cơ...". Cái lục lạc lúc lắc, chạm vào vòng bạc cũng kêu: cung... cuông rất to. Người đàn bà lạ vừa ôm tôi giật bắn mình, run lẩy bẩy. Nhào sang lòng cha, tôi giẫy chân đập tay, kêu, gào. Cứ một tiếng tôi hét không và tiếng lục lạc kêu cuông là người đàn bà lại lùi ra cửa một bước. Khi tôi hét lên tiếng cuối cùng để rồi lịm đi thì cũng là lúc người đàn bà ấy vấp phải bậu cửa ngã dúi dụi.
Đêm ấy, tôi giật mình thon thót, mỗi lần tỉnh dậy lại khóc nấc. "Cha về từ hồi nào?". "Cha về lúc chập tối". "Sao cha lại đánh con". Thực lòng cha không muốn con ơi". Nhưng cha đã đánh con đau". "Cha xin. Từ nay cha không đánh con nữa đâu". Tôi không hiểu sao lúc đó cha đã dang tay tát mạnh vào má tôi ngay khi người đàn bà ấy ngã dúi dụi ở bậu cửa.
Cha trở lại thành phố thì mẹ cuống cuồng về nhà. Cha đã kể chuyện tôi ngã xuống sông nên mẹ lo. Mẹ bàn với cha đưa ông ngoại lên thành phố ở với nhà tôi. Nhưng ông ngoại không đi, ông bảo, để ông được sống, chết bên dòng sông quê. Cuối cùng chỉ có tôi theo mẹ đi. Cha tôi mua nhà mới, nhưng quá nửa là tiền ông cho. Nhà mới ba tầng, có sân nhỏ, cổng sắt kín mít khoét lỗ to như miệng bát con để thò tay khóa trong. Cha về quê đón ông lên mừng nhà mới, nhưng ông chưa lên được. Một tuần sau ngoài trời mưa lay phay tôi đang tập đàn oóc-gan trong nhà. Bất chợt nhìn ra thấy lấp ló, lấp ló như có người đứng ở ngoài cổng nhòm qua lỗ khóa. Thỉnh thoảng lại có tiếng lục cục va vào cánh cửa. Tôi cầm ô che đầu chạy ra, nhòm. Trời ơi! Lại là người đàn bà ấy. Một cái lồng nhốt hai con gà trống ướt lông. Một cái tay nải gạo nặng trĩu khoác trên vai. Một cái nón lá cũ ướt rượt chụp lên đầu. Một cái khăn vuông đen che kín mặt. Và đôi bàn tay gầy đen đúa, cụt ngón chỉ còn vài đốt. Tôi rùng mình chẳng biết có phải vì lạnh hay vì nỗi ám ảnh sợ hãi bùng lên.
- Sa ơi! Mở cổng cho cô.
Tôi nắm chặt chìa khóa cổng trong tay nhưng vẫn bảo:
- Cha mẹ tôi vắng nhà. Sợ người lạ vào mẹ ứ cho cầm chìa khóa.
- Cô có phải người lạ đâu. Ông ngoại gửi quà cho đây này.
- ...
Một lần bác Len gái lên thành phố cũng vào nhà tôi chơi. Bác đặt lồng gà xuống nền nhà. Đôi dép lê đầy nước lép nhép dính đất cát bước trên nền gạch hoa bóng lộn. Tôi càu nhàu: "Bác bỏ dép và các thứ ra sân". Bác giật mình: "Chết chửa! Bác vô ý quá". Giờ lại cái lồng gà như của bác Len ngày nào.
- Kìa! Sa nghĩ cái gì thế. Cha mẹ khỏe không?
- Khỏe.
- Sa nhớ ông ngoại không?
- Có.
- Sa đứng lui ra, cho cô nhìn thấy cả người với.
Bàn tay cụt ngón thò vào và người đàn bà ấy ghé sát mắt vào lỗ tròn khóa cửa. Tôi sợ quá, đi giật lùi.
- Lui một tý nữa. Được rồi. Chỉ hai năm cô không gặp mà Sa lớn quá. Cái vòng bạc, lục lạc đồng đeo ở cổ Sa đâu?
- Đeo vướng lắm, tôi bỏ ra rồi.
- ấy đừng. Vòng bạc kỵ gió đấy. Đeo lục lạc đi chơi chả sợ bị lạc đâu, Sa à.
- Thấy Sa khoẻ mạnh, cô mừng lắm! Chả vào được nhà thì cho cô gửi quà của ông này.
Hầu như chỉ cô ấy hỏi và nói. Rồi cô rướn người bỏ gạo nếp, lồng gà vào trong cánh cổng. Tay nải rơi bục chỉ văng tóe loe gạo tám ra nền gạch ướt. Hai con gà trống bị giáng mạnh đạp lên nhau lục xục và kêu váng trong lồng.
- Sa ơi! Nói với cha mẹ là cô ra nhá. Cô về để kịp xe, muộn là ông sốt ruột.
Lại đến lượt tôi nhìn qua lỗ khóa. Phố vắng, đường vắng. Người đàn bà đi liêu xiêu trong bụi mưa như rây bột. Tự nhiên thấy mủi lòng, thấy thương thương. Bất chợt tôi gào to: "Có chìa khóa đây. Cô quay lại đi?". Chỉ có tiếng gió trả lời, cô ấy đi xa rồi.
Cha phóng xe máy ra bến, chuyến ô-tô cuối cùng trong ngày đã chạy. Cha quay về. Nhìn tay nải gạo, nhìn lồng gà, nhìn tôi, lắc đầu rồi nằm vật ra giường...
Trăng suông. Bóng tối và bác Len chợt nhòa trên bờ đê. Bác dẫn tôi ra luôn ngoài bãi bồi. ở đó, hình như có ai đang đốt lửa. Bàn chân tôi bồn chồn bước ngắn bước dài trên cỏ mềm ướt sũng sương.
Bây giờ và mãi mãi về sau tôi không thể nào quên được buổi tối ở bãi bồi sông Đáy. Đống lửa cháy bập bùng ở chân ngôi mộ mới đắp, tàn đỏ hồng bay túa lên như hoa lửa. Cha đốt ngọn lửa dương thế sưởi ấm cho người dưới mộ. Bóng cha ngồi im phắc. Năn lác, cua cáy côn trùng ở bãi bồi cũng im phắc. Chỉ có dòng sông Đáy vẫn thao thiết chảy trong đêm.
- Cha ơi, Cha.
Cha quay lại, đôi mắt có ánh lửa đăm đắm. Cha đang nghĩ đến một nơi khác, một cõi khác và cha không hề nhận ra tôi.
- Cha nói gì với con đi.
Dường như cha bừng tỉnh khẽ quay lại. Hai giọt nước mắt trào ra, cha vội lấy tay áo chùi. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cha khóc.
- Cha biết thể nào con cũng về. Ngồi xuống con - Cha lại nhìn bác Len - Bác giúp em đốt nắm hương.
Tôi ngồi xuống đống củi gộc cha đang ngồi. Cha rút vành khăn trắng trong túi áo ra, đặt lên đầu tôi. Và cha bảo tôi quỳ trước nấm mộ cha đang đốt lửa.
Cha tôi kể:
Mưa. Bão...
Mẹ ôm cái bụng to kềnh kêu, rên. Đã là ngày thứ hai, tiếng mẹ đuối dần. Ông ngoại nhìn cha, cha nhìn mẹ, hai người đàn ông bối rối và bất lực. Nước ngập mênh mông, củi khô, cành cây tươi, rều rác, gà chết trôi lều bều trên sông Đáy. Rồi vỡ đê nước tràn vào làng Yên Hạ, làng chìm sâu dưới nước. Chiều, mưa gió yếu dần nhưng nước lụt vẫn dâng cao. Lò gạch đang đốt dở đã tắt ngấm và bị ngập hai phần ba. Nhà ông nước chấm mái gianh. Cha kịp dỡ mái bế mẹ lên thuyền chở đến ở tạm trên lò gạch. Gần tối, sốt ruột quá, cha bảo:
- Vợ con đau đẻ từ lúc gió mưa mới nổi, giờ sắp lặng. Kiệt sức rồi, cơ sự này chết cả mẹ lẫn con. Mà tiên sư cái nhà anh Len y sĩ, gọi rồi vẫn không đến.
Ông cũng lo lắng:
- Lũ lụt thì lút cả làng. Chả ai dám ra khỏi nhà lúc này. Người ta phải lo cho nhà người ta trước đã . Thôi thì phó thác số mệnh cho trời.
- Để con đi gọi lần nữa.
Thế rồi cha bơi thuyền đi. Mưa, gió quất vào mặt. Đêm đen bủa vây xung quanh. Cha lần mò, len lách bờ tre, bụi cây, dòng chảy. Cha dọi đèn ló. Thằng Lanh và bác Len gái đang trùm áo tơi ngồi trên nóc nhà. Chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, bác Len gái đã cuống lên:
- Nhà tôi đi một lúc lâu rồi. Trời ơi! Hay là lũ lụt...
- Chị đừng lo. Trời không hại người nhân đức đâu.
Cha quay mũi thuyền về nhà. Đêm tối quá, nước và trời một mầu nhọ nồi. Thỉnh thoảng gặp một con trâu bơi lóp ngóp. Thuyền vướng vào bụi tre, loay hoay một hồi cha gỡ ra, nhưng bị thủng, nước dò vào khoang. Cha vừa tát vừa bơi thuyền men theo bờ đê. Sắp đến cây si rồi, cha cố một lúc nữa là đến lò gạch. Bất ngờ thuyền cha lao phải cái chóp nhà đang trôi. Cha giật mình. Hình như có tiếng người. Rõ ràng là có người! Rồi cả thuyền cha, cả chóp nhà kia lao sầm vào lùm cây si già.
- Có ai không? - Tiếng cha lọt thỏm vào gió mưa.
Cha soi đèn ló. Mưa vẫn xiên xiên và gió ràn rạt. Trời đất ơi! Cái chóp nhà đang rã ra, chỉ một cơn sóng đánh mạnh là nó tan tơi tả. Một người đàn bà mặc áo tơi đang ngồi quặp chân vào chóp mái, ôm đứa bé mặt đỏ hon hỏn. Miệng chị ta díu lại không nói thành lời. Bất chợt, đứa bé khóc hét lên, có lẽ gió hắt mưa lạnh vào mặt nó. Lại có tiếng cung... cuông như tiếng lục lạc.
- Cứ...Cứu tôi...
- Đừng kêu nữa. Tôi có thuyền đây.
- Lạy bác... Lạy bác cứu giúp mẹ con tôi...
- Bình tĩnh lại, đưa đứa bé đây, tôi bế sang thuyền trước rồi chị sang sau.
Người đàn bà vẫn quặp hai chân vào chóp mái, rướn người chuyền đứa bé cho cha. Trong ánh đèn ló, cha thấy bàn tay người đàn bà cụt ngón chỉ còn vài đốt và đứa bé đeo vòng bạc có cái lục lạc nhỏ xíu ở cổ. Đứa bé càng ngọ nguậy, quẫy đạp, tiếng lục lạc càng vang to. Chị ta lóng ngóng, run rẩy. Cha bảo:
- Bọc tã lót chị ôm lấy đã, đưa luôn tôi cầm sao nổi.
Nước vào đầy khoang, thuyền tròng trành sắp ụp. Cha vừa bế đứa bé vừa tát nước. Thêm người đàn bà nữa là chìm.
- Lạy bác làm phúc che chở cho mẹ con cháu...
- Thuyền thủng. Nhà chị cứ ngồi chắc ở đó. Tôi tát nước sắp được rồi đây.
Bất chợt: ục... ục... Oà... Lùm cây si đổ xòa và chìm nghỉm trong nước. Cả chóp nhà, cả thuyền của cha trôi đi cùng cây si. Rồi thuyền xoay tròn, nó trôi vào đúng chỗ nước xoáy. Đèn ló rơi tõm. Tất cả chìm vào màn đêm và gió mưa, bão bùng. Đứa bé ưỡn người khóc thét lên. Tiếng lục lạc: cung... cuông vang dồn dập, nghe buốt nhói. Người đàn bà kêu cứu hoảng loạn, tiếng khản đặc bị gió mưa át đi thỉnh thoảng vẫn văng vẳng rồi tắt hẳn. Cha cố chèo thoát khỏi dòng xoáy và lần mò bơi con thuyền oặp nước, thuyền đang sắp chìm.
Cha bế đứa bé quấn tã ướt trèo lên lò gạch. Ông quay ra nhìn, mếu máo, không nói được. Bác Len đã đến lâu rồi, bác bảo cha:
- Cô ấy yếu quá. Chưa hết cơn rặn cuối cùng đã xỉu luôn, không kịp nhìn thấy con. Một lúc nữa, cô ấy sẽ tỉnh lại thôi. Khổ thân! Đứa bé không có hai chân, chú Tâm ạ. Cháu lại bị ngạt nên mất từ trong bụng mẹ.
Ai oán quá! Cha nghe tan nát trong lòng. Chả lẽ đây là hậu quả của các lần cha đi trong cánh rừng trụi lá ở Trường Sơn dạo trước. Cha khuỵu xuống nhưng còn kịp thấy ông ngoại và bác Len lao đến đỡ cha và đứa bé quấn tã ướt...
Cha tôi kể:
Mười ngày sau, nước rút vơi đồng, nhà nọ đi bộ đến nhà kia, họ thăm hỏi nhau, kể cho nhau nghe những chuyện kinh hoàng trong mưa lũ. Người nói: Nhà nọ ở xóm trên, nước lụt mấp mé mái bằng, phải đưa cả người, cả con trâu nái lên sân thượng. Bây giờ, nước rút chả tài nào đưa trâu xuống được, suốt ngày nó đóng móng cồng cộc, ỉa đái trên mái bằng... Người lại nói: Sáng hôm sau bão tan, ở xã dưới, ông lão kéo vó bè kéo phải người đàn bà chết ngồi. Hai bàn tay chị ta cụt ngón ôm bọc tã lót trẻ con, gỡ mãi không ra. Người lại cãi: Chết đâu mà chết, cứu sống rồi, phục thuốc đổ cháo một tuần mới tỉnh, chỉ phải cái người ngợm chị ta đờ đẫn như mất hồn. Chuyện bác Len đỡ đẻ cho mẹ trong đêm mưa bão cũng loang khắp làng.
Một tháng sau, nước rút lâu rồi, phù sa phủ một lớp mỡ màng trên đồng đất, bãi bồi, người ta thấy một người đàn bà cụt ngón tay chỉ còn vài đốt đi dọc triền sông. Chị vừa đi vừa lầm bẩm, tiếng nói, tiếng hát lẫn nhau u u trong gió.
Một buổi chiều mùa thu, cha về quê. Sông Đáy chở nặng phù sa mịt mù giông gió. Người đàn bà cụt ngón tay lại thất thểu đi trên triền đê, nón lá tả tơi. Ông và cha vừa chạy gạch mộc lên cũi xong, ông ngồi bệt xuống bãi cỏ bảo:
- Tội lắm! Thấy người ta vất vưởng, tội lắm. Anh liệu thế nào thì liệu đi.
- Sự thể đã thế rồi. Con còn biết làm sao nữa.
Quả thực cha rất khó xử. Mẹ quá yêu đứa bé. Mẹ đã bế bồng, cho bú, mớm, làm sao dứt được đứa bé ra khỏi mẹ. Đứa bé sẽ ra sao khi nó trở về với một người mẹ bệnh tật, lúc tỉnh lúc mê.
Thời gian trôi đi, người đàn bà ấy vẫn ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Nhiều lần chị ta ngồi thẫn thờ nhìn hố đất lõm to như gian nhà ở chỗ cây si đã bị lũ cuốn băng cả gốc đang sa bồi gần đầy. Có khi người đàn bà ấy khóc hu hu. Có lúc lại ngẩn ngơ, đôi mắt thẫn thờ nhìn con chập chững bước ở sân. Mỗi lần lục lạc ở cổ con vang lên là mắt chị ta lại sáng. Lúc ngẩn ngơ chị ta đi lang thang, lúc tỉnh táo lại đi làm thuê. Nhà thương xót cưu mang, người sợ hãi xa lánh, lang thang hết chỗ này đến chỗ kia. Và cuối cùng dừng lại ở nhà ông...
- Cha! Cha đừng nói nữa. Con không ngờ...
Tôi mếu máo, gục đầu vào lòng cha và xỉu luôn...
- Dòng sông có lúc đầy lúc vơi. Đời người có khi vui khi buồn. Đời người như dòng sông, cũng trôi đi cùng bao vui buồn, sướng khổ. Có khi đang vui sướng, hạnh phúc trên vất vả, khổ đau của người khác mà người ta vô tình không biết được. Lại có nỗi khổ chả phải do con người gây ra, nó đến từ đâu đó người ta phải gồng mình để tồn tại, để sống...
Cha nói thế vào lúc nửa đêm khi tôi đã tỉnh lại. Ông ngoại bảo:
- Không thể giấu nữa. Cái Sa cũng phải biết hết sự thật. Anh kể hết đi.
Cha tôi kể:
- Một lần u con tỉnh táo, cha bảo: "Tôi muốn nói với cô về chuyện cái Sa". "Đêm mưa bão ấy bác cứu con em, bác như người sinh ra con em lần thứ hai. Bác và ông là người tốt nhất trên đời. Em biết bác định nói gì rồi. Thôi cứ để thế tốt hơn. Dạo ấy, em chưa kịp đặt tên cháu đâu. Cứ để tên cháu là Sa". "Nhưng cô thiệt thòi, cô khổ sở quá, cô cần được đền đáp tình cảm". "Em bệnh tật chỉ mong kiếm đứa con lúc ốm đau, già cả. Nghĩ lại thương con, chẳng đứa con trai nào dám lấy cái Sa làm vợ khi biết em là mẹ nó đâu. Em xin hai bác và ông đã cưu mang cháu thì cưu mang cho trót". Nhiều lần ông ngoại cũng nói, nhưng u con chưa đồng ý để hai mẹ con nhận nhau. Cha giao hẹn với u con rằng: Đến khi con tốt nghiệp đại học hoặc con lấy chồng, có nghĩa là lúc đó con đã thực sự trở thành người lớn; cha sẽ nói cho con biết sự thật này. Nhưng con ơi! Bệnh tật, số phận con người chẳng thể biết trước được. Ông báo tin chẳng lành, cha không biết con đi chơi ở đâu mà lần, cha về kịp, còn con thì không...
- Cha... Đừng nói nữa. Con xin cha.
- Để cha nói nốt. Ngày ấy, mẹ đã trách cha mua vòng bạc, lục lạc cho con mà giấu mẹ. Con ơi. Ông ngoại và cha còn phải giấu mẹ đến bao giờ nữa?
- Con không nhớ cái lục lạc còn hay mất rồi.
- Con bỏ đi. Cha đã giữ lại. Nó đây.
Tôi đón cái vòng bạc đeo lục lạc từ tay cha và nước mắt ứa ra...
ở quê tôi người bạc mệnh chết, họ thường đốt ngọn lửa dương thế ba đêm đầu cho mộ mau khô ráo, cho người dưới đất đỡ lạnh lẽo. Mấy ngày ở quê, đêm nào tôi cũng cùng cha ra bãi bồi đốt lửa cho u tôi. Và đêm nào tôi cũng khóc. Những tháng năm qua u tôi trùm khăn đen che mặt ghì gẫm nhào đất đóng gạch, tích cóp từng đồng gửi ông giữ hộ. Các đồ mang trên người, xe máy Spacy, mỹ phẩm cao cấp của tôi đều mua từ những đồng tiền ấy. U muốn con gái của u không phải khổ sở, thiệt thòi như u, u muốn con gái của u phải đẹp. Mười ngón tay tôi búp măng, đẹp, trắng hồng xinh xẻo, nuôi móng dài hai phân bôi son nâu Hàn Quốc. Cái đẹp ấy chẳng xứng với đôi bàn tay bị phong cụt ngón chỉ còn vài đốt của u. Bàn tay u bệnh tật nhào đất đóng gạch, tần tảo kiếm tiền cho tôi. Còn bàn tay tôi lành lặn, khỏe khoắn chỉ để vén tóc, tô son, ngắm vuốt trước gương...
Tôi phải về thành phố đi học, chỉ còn đêm cuối cùng đốt ngọn lửa dương thế cho u. Chập tối, tôi và cha lại ra bãi bồi. Đêm bãi bồi không như các đêm trước. Gió nổi. Năn lác, chuối dại dập dờn, khua lá. Cua cáy, côn trùng i ỉ, râm ran. Và dưới kia dòng sông thao thiết chảy. Nhưng lạ chưa, ở bãi bồi hình như có ai đang đốt lửa. Tôi hồi hộp bước nhanh theo cha đến mộ u. Rõ ràng là ngọn lửa. Ngọn lửa dương thế đang cháy ở bên mộ u tôi. Dường như ngọn lửa cháy to hơn mọi khi. Hóa ra là anh Lanh mới về, vẫn cái áo sơ mi mầu trứng sáo hơi mùi cồn, vẫn cái quần bò sờn gối thời sinh viên. Nhưng ánh mắt Lanh giống hình ngọn lửa nồng ấm quá. Hóa ra là mẹ tôi mới về, lại phong phanh áo cánh mầu gụ thời chèo đò ngang"... Và bác Len đang cầm bai chèo còn ướt nước.
- Mẹ...
Tôi gục đầu vào lòng mẹ. Mắt tôi, mắt mẹ nhòa nước. Người tôi rung lên, vòng bạc ở cổ cũng rung lên và tiếng lục lạc cung... cuông... vang xa như tiếng chuông chùa. Ngọn lửa dương thế bập bùng sáng rõ một vùng năn lác. Chập chờn lửa cháy, chập chờn lân tinh rắc dưới dòng sông, tôi mơ màng trong tiếng lục lạc ngân. Lạ thay! Tôi thấy mình như thuở ấu thơ, nhỏ bé nằm gọn trong lòng u. Bàn tay cụt ngón như bai chèo thuyền thúng vỗ nhè nhẹ lưng tôi. Tiếng u ầu ơ ru tôi lẫn vào tiếng lục lạc ngân xa gọi gió, gọi tuổi thơ tôi, ở bãi bồi sông Đáy.