Ông cụ theo con cháu qua Mỹ như trẻ con đi theo cha mẹ. Cái tuổi già ngoài 70 ở xứ lạ, lại là cái xứ công nghiệp lạnh lẽo thảm hại làm sao. Không biết làm gì và không có gì để làm. Đứa cháu nhỏ cụ giữ ở quê nhà, chừ cha mẹ cho nó đến trường, tối mới về. Tiện nghi thì lại không thích ứng với tuổi già chậm chạp như cụ. Phòng đóng kín. Máy điều hòa chạy suốt. Cụ thấy ngột ngạt. Nhà rộng thênh, trắng xóa, tăng phần trống trải. Cái bếp ga tắt bật, lửa cháy xanh lè, trông cũng luộm thuộm hơn cái quẹt lửa nhen củi tí tách, thơm mùi dương liễu xưa kia. Cụ nhớ đến cơn lụt từng năm. Nhà thấp, phố thấp, cụ sợ nhứt câu "Ông tha, bà không tha còn cái lụt 23 tháng 10". Nó là cái lệ hằng năm đến rồi đi ấy mà. Thế mà nước cũng chảy vào nhà. Lũ trẻ con ưng lắm, nhưng người lớn thì mệt hung, nào là kê cao bàn ghế, giường tủ, nào là chùi rửa khi nước rút, chùi không kịp, cả lớp bùn đóng lại, khô đến mấy ngày sau vẫn chưa dọn xong. Mùa mưa nhà dột căng ni lông đầy, có khi cái mùng giăng muỗi để ngủ cũng phải phủ áo mưa. Bao nhiêu là thau, chậu, xoong nồi cũng đem ra hứng dột, thế mà không ai dám lên rọi ngói khi trời tạnh, vì ngói cũ mục, dẫm lên sợ nát vụn, khổ thân thêm. Hừ! Còn cái con mèo bà Năm hỗn dữ, chuyên ăn vụng mà lại hay gào giữa khuya. Sáng mở mắt, chạy ra mở cửa là như cái chợ trước sân nhà. Bên kia bà Hai đổi nước, bên ni bà Chín bán cháo cá kho khô có trái ớt rim cứng ngắt, đằng tê gánh bánh mì bà Bảy. Rồi thằng nhỏ bán cà rem, anh bán vé số, thỉnh thoảng ghi thêm con số đề mà con mắt ngó láo liên sợ hãi. Có cả gánh xôi đậu xanh rồi gánh bún thơm ngậy. Nhớ nhứt là bà bán khoai lang luôn nhai trầu bỏm bẻm. Đông đúc nhưng không ồn ào, nên chẳng mấy khi làm cụ khó chịu, trừ một lần cụ vấp vào đòn gánh chị bán hến, té bong gân nằm ghế dựa cả chục ngày bó giò bó cẳng. Còn gánh chè đậu ván nữa. Nước đường trong veo, thanh tao mà ngọt quánh, hạt đậu thì y nguyên nhưng bỏ vào miệng là rã bột không cần nhai, mà răng có đâu nhai. Ăn xong chén chè, xề qua hàng nước uống bát chè xanh có mùi gừng là chắc bụng, hoặc bát nước đậu ván rang thơm lừng lựng thiệt là sướng quá trời. Còn buổi trưa, nào là giò hầm đậu đen, gánh bánh ướt thịt nướng nghe mùi từ trã lửa đỏ rực xèo xèo thơm phưng phức, răng cỏ thì không có, muốn khước từ cái mùi kia, chỉ có nước lấy gậy đi loanh quanh hàng xóm, gớm, rứa mà cái mùi cứ lẽo đẽo theo sau làm lắm khi nuốt nước miếng...
Cụ gục đầu vào khung cửa kiếng. Nước mắt nhòe mặt cụ. Cụ đưa tay chùi, chùi mãi, những làn nước mắt hằn vào nếp nhăn chằng chịt, giãn mé nầy, đầy kín mé kia nên chùi mãi không khô. Cụ chợt tiếc, phải chi hồi sáng theo lũ con cháu đi picnic chủ nhật. Cụ đi ra rồi đi vào, đi tới rồi đi lui. Cụ đi ra, cái lạnh nhắc cụ phải mặc thêm áo khi ra đường. Cụ trở vào, khăn mũ, áo lớp trong, lớp ngoài chỉnh tề. Cụ lững thững, lững thững tìm người. Người thì có, mà không nói được, nên đôi mắt mờ đục thèm thuồng cử chỉ thân thiện của ai đó ban cho. Người đứng lại bên vỉa hè, cụ đứng. Người leo lên xe buýt, cụ lên xe. Kệ. Dù không nói được nhưng dẫu sao cũng có người. Đi đâu? Nào biết đi đâu? Kệ, xe dừng, người xuống. Cụ xuống. Cụ mừng rỡ vì nơi đây đông đúc người qua lại, có cả trẻ con, người lớn, người già. Cụ vào công viên tìm góc ngồi nhìn ra nơi đông người nhất. Người dừng trước cụ. Cụ xúc động đưa tay định bắt run run nói lời: "chào, chào". Họ bình thản mở ví lấy tờ giấy đặt vào tay cụ rồi đi thẳng. Cặp mắt mừng vui của cụ chưa kịp giãn ra, vội chuyển sang kinh ngạc nhìn xuống tờ giấy trong tay, rồi chuyển sang giận dữ, làn môi trên của cụ trễ xuống giật giật. Cụ chợt nhìn xuống mình, vẫn giày vẫn áo mũ tươm tất lẽ nào có dáng dấp của gã hành khất chăng? Tờ giấy mỏng mà tay nặng mỏi. Một bàn tay khác lại bỏ đồng kên làm cụ hốt hoảng thụt tay về. Đồng tiền rơi xuống đất, bàn tay khác nhặt hộ và cho vào túi của cụ. Cụ sững mà không sững, cụ muốn đứng dậy hất tung chạy về mà lại không muốn nhúc nhích.
Lại chủ nhật, thêm một ngày vắng lạnh trong những ngày vắng lạnh. Cụ muốn nhớ mà cũng muốn quên. Nhớ điều thân thương nhưng không quên nỗi đau lòng. Sự đông vui này đâu giống cái đông vui kia. Có phải niềm vui trôi qua, mà đi tìm lại, là đau khổ? Cụ lại mặc áo ra bến xe buýt đứng yên, bỏ mặc nhiều chuyến xe qua.
Chủ nhật này, đến chủ nhật kia, cụ cứ ra bến xe, tần ngần và cụ ước: "Giá chuyến xe nầy chở mình về được quê hương". Trong một lần tần ngần cụ lại bước lên xe, vào công viên tìm ngồi một góc khác. Niềm vui và nỗi buồn, cụ lặng yên bất động. Cũng là thói quen. Thói quen nhớ. Cảnh đông vui này nhớ ngày giỗ quảy quê nhà, con cháu tề tựu đông đủ. Nhớ ngày mùng 5 tháng 5 Tết đoan ngọ năm nào, thằng con út đem về trái mít ướt, ngon miệng ăn nhiều, đau bụng cả đêm. "Hì, ăn mít thì phải ăn xơ, đến khi đau bụng không biết rờ chỗ mô". Cháu cụ cắc cớ nói: "Lúc ấy nội quên ăn xơ mít".
Một người trẻ dừng lại, có lẽ là dân mình, cụ mừng quá nhớm dậy: "Người Việt Nam hả?"- Nô nô gì đó, nhét vội vào tay cụ tờ giấy rồi bỏ đi. Người tiếp theo, tiếp theo. Cụ lạnh người lẩm bẩm: "Cái số, có phải cuối đời là cái số...".
Cuối năm, nghe tin thằng cháu nội về Việt Nam ăn Tết. Cụ gọi cháu vào phòng, mở hộp bánh, lấy ra xấp tiền lẻ xếp thẳng và nắm tiền kên nhờ tính ra tiền Việt Nam, cụ lại trao cháu tờ giấy ghi nguệch ngoạc chi chít. Đứa cháu đọc mà nhiều chữ phải hỏi lại ông.
- Bà Bảy bánh mỳ bảy mươi ngàn hả nội ?
- Ông Luyến bán bánh bao năm chục.
- Bà đổi nước tám chục phải không?
...
Đứa cháu cộng tổng số lại trong tờ giấy:
- Nội ơi, còn dư tám mươi lăm ngàn nội cho ai nữa đây?
- Ông Phi Long Vàng đi trên dây thép đi.
- ổng chết lâu rồi mà?
- ừ hỉ, thôi, ông Thầy Mười bói quẻ trước chùa Ông.
- Ông nầy cũng đâu còn.
- Rứa thì hai vợ chồng ăn xin trên Chùa Cầu. Mà chắc chi họ còn sống. Thôi, cho con bé lai rửa chén tô cho bà Xi. Tội, nó bị đánh chưởi cả ngày.
- Xưa rồi nội ơi, con lai chừ được họ bảo lãnh đi hết trơn rồi, không chừng hắn đang ở đâu gần đây mà còn có nhiều tiền hơn nội nữa đó.
- Rứa thôi, mi ưng cho ai thì cho, tìm không ra người, nội cho mi cũng được.
Đứa cháu cười phì ôm ông hỏi:
- Vậy chứ chẳng lẽ ba má con và cô chú biếu nội toàn tiền lẻ ni chăng?