hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-920.htm

Trần Kim Trắc

Người mẹ kế

Bữa cơm trưa gia đình, như muôn ngàn ngày qua theo dòng đời thôi: Một nồi cơm, vài đĩa thức kho, xào, tô canh, chén mắm ớt. Ngồi giữa là cha, cạnh bên là chị, kế đến là hai anh em nó. Chỉ có khác, nơi chiếc ghế gần cha trên bàn có một chén cơm và đôi đũa cúng cho người mẹ đã khuất bóng, nay đã có người đàn bà khác không phải mẹ nó ngồi. Ba nó bảo anh em nó gọi người ấy là mẹ.

Thằng Tân 13 tuổi, con thứ của cha, trên nó còn chị Hai, sau nó là em Tư.

Hôm nay có thêm cậu Trí em ruột của bà mẹ thứ sang thăm. Nhà có khách, thức ăn chu đáo hơn. Nhưng từ ngày thành phần trong gia đình thay đổi, đến bữa thằng Tân bị dồn nén tình cảm, ngại đôi mắt nghiêm nghị của cha, e sự quan tâm không mấy tự nhiên của mẹ kế, nên nó lùa vội cho hết chén cơm rồi buông đũa chuồn đi uống nước. Nhà ngoại nó ở gần, chốc nữa nó sẽ sang nhà ngoại lục cơm nguội ăn với mắm sống. Có tình thương yêu đứa cháu mồ côi của ngoại, không khí dễ chịu, dưa muối cũng ngon. Thằng Tân vốn là đứa nghịch ngợm, hoàn cảnh đẩy đưa xáo trộn cái đầu non trẻ của nó.

Thằng Tư em nó lại có tâm hồn ăn uống. Hôm nào có thức ăn ngon, thằng Tư đứng gắp, đứng ăn, quên cả ngồi.

Thằng Tân uống nước xong, ra đến cửa định chuồn, nhưng tính lý lắc lại trỗi lên, nó quay lại giả vờ lấy quả chuối, tiện tay nhấc nhẹ dời chỗ cái ghế của em rồi lui ra dựa cột chờ xem kết quả.

Cả nhà nghe cậu bé thét lên vì ngồi không có ghế, cơm canh tung tóe lên mặt, cái bát rơi xuống vỡ tan. Còn anh nó rụt cổ vào vai cười khoái chí vì bài học giáo dục "phép văn minh ăn uống" của nó có "kết quả".

Bất ngờ nó bị ông giáo đạo cấp trên là ba nó xốc tới thẳng cánh cho một cái tát nảy đom đóm. Thằng Tân ngã lăn vào vách, đầu va vào vật treo rơi rổn rảng, vết đau kép vừa rát bỏng gò má, vừa u đầu, nhưng bản năng buộc nó ngoi dậy, bước lùi để tránh ăn đòn thêm, nó rút vào kẹt cửa im như phỗng - ba nó quát tháo thêm gì đó nó không kịp nghe - sờ lên đầu, ngón tay ươn ướt.

Cha nó quát: "Đứng im đó! Cấm không được đi đâu! úp mặt vào vách, đồ ngược ngạo".

Nó thi hành lệnh, cũng là để che giấu vết máu. Nó không muốn bị người ta trông thấy, nó không muốn bà dì ghẻ được dịp hả dạ thêm vì thấy nó đổ máu.

Em nó được mẹ đưa vào trong rửa mặt, thay áo, dìu trở lại bàn. Bà gắp thêm thức ăn ôn tồn nói: "Anh con muốn nhắc nhở con giữ phép lịch sự! Đừng giận anh con! Từ nay nhớ nghe lời anh, không được ăn đứng thiếu văn minh, con nghe chưa! Phải nghe lời anh con!".

Thằng Tân đứng đấy nghe rõ từng lời, đầu óc con nít nó làm sao hiểu được là chân hay giả? Nó chỉ khó hiểu xưa nay ba nó chưa hề đánh nó, nó chỉ nghịch thôi sao lại đánh ác, nặng tay quá vậy?

Bàn ăn được dọn dẹp sạch sẽ, sinh hoạt trong nhà trở lại bình thường. Mẹ kế trở lại với chiếc máy khâu. Ba nó uống trà, cậu Trí hút thuốc bình luận trận bóng đá Brasil - Negeria nửa tiếng sau sẽ phát trực tiếp trên màn ảnh truyền hình. Tranh thủ thời gian, ông mang cái bàn ra gần màn ảnh, kéo ghế ngồi ủi quần áo để đến chiều mặc đi dự cưới. Là đến cái cổ cồn, ông đứng lên để thao tác thật khéo.

Cậu Trí sốt ruột nhìn đồng hồ treo tường rồi tra lại đồng hồ tay, thấy kim chậm quá năm phút. Cậu đến gần ông anh rể mượn cái ghế để kê cao điều chỉnh lại kim phút cho chính xác.

Ba thằng Tân say sưa với kết quả, ủi xong cái cổ cồn ngon lành chưa kịp đặt xuống chiếc bàn ủi lên đúng chỗ, quên mất chỗ ngồi đã bị di dời, cứ thế ngồi xuống chỗ không ghế. Ông rơi bổ chửng xuống như trái mít rụng, chân chỏng ngược lên trời, cái bàn ủi đang nóng đập xuống nền, ổ cắm điện tóe lửa. Hai sự việc ngẫu nhiên trùng hợp, mới đó thôi!

Cậu Trí lao đến nâng ông lên. Rối rít: "Trời ơi! Em hỏi mượn cái ghế chỉnh đồng hồ anh đã gật đầu...".

Thằng Tân tức cười, cái cười kép rất đểu, nói thầm: "Sao hồi nãy đánh tôi, đố bây giờ dám đánh em vợ?".

Ba nó trợn mắt nạt:

- Mày cười cái gì? Người ta vô tình còn mày cố ý.

Thằng Tân bụm miệng lại, giao cái cười cho cái rụt cổ, úp mặt vào vách tiếp tục thi hành án một cách hả hê.

Bà mẹ kế lao về phía nó, bà thấy có vết máu trên áo nó, bà ôm đầu đứa con chồng kéo ra ánh sáng quan sát:

- Bị chảy máu sao con không nói? Cậu Trí mở tủ thuốc lấy giùm tôi bông băng và lọ thuốc đỏ!

Bà lấy chậu lấy phích pha nước muối thấm bông băng rửa kỹ quanh vết thương, xoa thuốc đỏ, rắc bột kháng sinh. Bàn tay chu đáo của bà gợi cho nó hồi bảy tám tuổi chơi trò đánh giặc, nó bị ngã vỡ đầu, mẹ nó cũng băng bó cho nó như vầy. Bà đặt bông gạc, định bốc cuốn băng, nó không đồng ý:

- Dì dán băng keo thôi. Băng trắng phếu đi đâu không đội nón được, tụi bạn thấy, chúng nó cười...

Câu nói của trẻ nhói tim bà, đưa đứa con chồng vào giường, đắp chăn, bảo nó nhắm mắt ngủ đừng đi động vết thương lâu lành.

Bên ngoài anh rể lấy lọ thuốc rượu ngồi vào vạch áo cho em vợ thoa, ông ngã ê lưng, xoa thuốc đề phòng ảnh hưởng cột sống. Ông đứng lên, co hai cánh, vặn mình theo kiểu thể dục dưỡng sinh.

Cậu Trí xem xong trận bóng, chê  đội Olympic Brasil đá không bằng đội tuyển rồi xách mũ ra về.

Còn hai người với nhau, bà trách:

- Anh mạnh tay, đánh ác quá!

- Thằng đó nghịch ngợm, không dạy lớn lên cứng đầu không trị được.

- Tưởng anh làm cái cầu nối giữa tôi và các con anh, ai ngờ anh rút ván...

- Em nói gì lạ vậy? Tôi chẳng dạy con cái được sao?

- Ai cấm anh dạy con! Nhưng răn đe vừa phải thôi, có đánh cũng nới tay chứ! Đằng này anh đánh để trút giận.

- Tui trút giận?

- Chứ sao? Anh không tự biết, nhưng em biết nên em lo. Anh gộp tội lại để đánh mà không hay.

- Bà làm như tui thù nó vậy.

- Không thù mà bực mình, chẳng phải vì chúng nó không ưa tôi làm mẹ kế, làm anh không vui? Lâu nay anh dồn nén vì không tiện nói ra, thử hỏi lúc nó còn mẹ, anh có đánh con đến đổ máu không? Cái tát trời giáng của anh chẳng "song hành tâm lý" là gì? Thằng Tư bị ngã chỉ là lý do, cái bực mình lâu nay mới là nguyên nhân mạnh tay quá đáng! Từ ngày nó mất mẹ, rồi em về đây, tính ngây thơ của nó trở thành buồn vui đòn xóc, khía cạnh sớm nảy mầm hơn trẻ con khác. Sống với lũ lụt phải mềm chứ! Rắn quá không ăn thua đâu! Trẻ con mất hết lòng tin nếu ta xử tội mà chúng không đáng tội.

Ông ngớ ra, nhìn vợ trân trân, há miệng nhưng chẳng tìm ra lời.

Bà tiếp:

- Anh càng thương yêu các con anh, em càng đỡ khổ, anh độc với chúng nó em càng là "dì ghẻ" trong mắt chúng. Bây giờ các con nó còn nhỏ nó phải làm chùm gởi cho anh, năm mười năm nữa nó lớn lên, anh lại già ra thử hỏi anh còn dám đánh nó không?

Bà còn muốn nói tiếp để khuyên chồng nhưng cần phải giấu nước mắt sắp tuôn ra, nên bà đứng lên lấy cây đẩy nhúng nước lau nhà.

Còn ông ngồi đó, mặc đồ tây mà trơ ra như phỗng bị moi thấu đến tim gan. Ôi cái gánh gia đình sao mà nặng, đã thế cái gánh tình cảm, sao cho đều? Lại nặng hơn. Làm sao đây để tình sau đẹp như tình trước?...

Hôm sau đi làm về, ông rẽ vào chợ vườn chuối, mua nửa ký xá xíu thịt quay, lại đem về phân phát cho mỗi đứa con trai một cái bấm trò chơi điện tử cầm tay.

Ông rửa mặt mát mẻ, ngắm mình trong gương một  tí cho tâm hồn được sảng khoái, ra ngồi vào mâm cơm. Theo phản xạ mới, ông ngoái nhìn ra sau lưng có ghế trước khi đặt bàn tọa xuống.

- Ba hứa từ nay không đánh con nữa... Bữa nay ba mua xá xíu thịt quay, hai đứa ăn nhiều đi. - Ông nói với nụ cười tươi trên khóe mắt.

Thằng Tư theo thói quen dợm đứng dậy để gắp. Thằng Tân nắm chéo áo em giật giật nhắc nhở em nó ngồi xuống.

Cử chỉ ấy ông không để ý nhưng bà thu vào đáy mắt. Cuộc đời vẫn vậy, chỉ có khán giả thay đổi mà thôi. Nếu thằng Tân là con ruột của bà, thấy nó biết ý tứ như vậy, chắc hẳn bà cũng ứa nước mắt.

Con gà, thấy lạ đá nhau đâu phải con gà hết biết gáy? Thời gian là bạn của tình cảm nhất là đối với trẻ thơ. Từ từ không nóng ruột được.

Cơm xong, bà lấy tiền nhờ thằng Tân ra cửa hàng mua một ký bông gòn. Nó buộc lòng phải nhận việc vì e cặp mắt của ba nó, nhưng cũng khoái vì được dịp sử dụng chiếc xe gắn máy. Nó vừa dong xe vừa lẩm bẩm: "Hừ! Lại tỏ ra là bà chủ đây!". Nghĩ thế nó lại tăng ga.

Nó đem bông về bà đã cắt vải, khâu hai cái gối vuông. Bà nhồi bông khâu kín lại. Mầu áo gối dưới trắng, trên hoa mầu sắc.

Bữa cơm chiều khi ăn cơm, thằng Tân thấy mỗi chiếc ghế của hai anh em nó có đặt một cái gối kê, để trẻ con ngồi bàn cao không phải với.

Ngồi một lúc, thằng Tân định nhường cái gối của nó cho em Tư ngồi cao hơn vì nó đã lớn nhưng lại thôi...

Thằng Tân còn nhỏ tuổi không lý giải được tại sao nó lại thôi không nhường gối nên người viết bài này nói thay cho nó rằng: Nó sợ hiểu lầm nếu ở trên đời lòng tốt là có thật, làm thế là không quân tử.

Theo thói quen, cơm xong thằng Tân xách cặp đi học sớm để tranh thủ sang nhà ngoại ăn thêm cho no - khi bà ngoại mở bếp ga, ghim cái lạp xường vào nĩa để nướng cho nó ăn thêm, ông trên lầu xuống - trông thấy đầu nó dán băng keo, ông hỏi - Nó thưa rằng bị ba đánh, ông không nói gì, ông đi ra trước nhà chăm sóc cây kiểng. Thực ra ông chờ nó ăn xong, ông gọi cháu ngồi với ông trên chiếc ghế đá trước sân khi nó ra về.

- Tại sao ba đánh con?

- Dạ! Tại con dịch cái ghế làm em té.

- Có vậy thôi mà đánh lổ đầu à?

- Ba con đánh con một cái thôi. Tại con ngã va đầu vào vách. Cũng bởi lâu nay con chống đối với dì, nên ba bực mình đánh gộp tội...

- Sao con biết là đánh gộp tội.

- Dì cũng nói thế, con nằm trong buồng con nghe dì trách ba con. Ba đánh con rồi sau đó ba cũng té...

Nghe nó kể tỉ mỉ, ông ngoại phải phì cười, ông xoa đầu nó.

- Con còn dại lắm. Ông lớn rồi ông biết. Tình cảm người đời như cái ghế vậy. Nếu mình xê dịch đi để không đúng chỗ, ai cũng ngã chổng kềnh ra cả. Nếu đặt đúng chỗ gia đình mới yên vị đầm ấm yên vui. Má con mất, ba con phải đi bước nữa để có người nội trợ gia đình trông nom các con, cực lắm, chứ dì con có tội gì mà con xê dịch cái ghế đi rồi cái đầu này nặng nề thương với ghét? Câu "Mấy đời bánh đúc có xương,  mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng" xưa cũ rồi, nó đầu độc đầu óc của con nên con xê dịch cái ghế - Mười ba tuổi, con sắp lớn rồi con phải biết nghĩ, phải chi con còn nhỏ như thằng Tư em con thì ông chưa nói, tuổi của nó còn nhỏ chỉ biết ai cho ăn thì nó biết người đó. Con lớn rồi phải tỏ ra mình có văn hóa chớ! Con biết bà là gì của má không con?

Thằng Tân ngửa lên nhìn chòm râu bạc phơ và đôi mắt hiền từ của ông vì câu hỏi lạ lẫm.

- Dạ! Bà là bà ngoại con!

- Tất nhiên là bà ngoại con. Nhưng con chưa hiểu đâu vì con còn nhỏ, bây giờ ông nói con nghe! Bà ngoại con bây giờ cũng là má Hai, là mẹ kế của mẹ con đó? Vậy tại sao bà đã thương má con như thương yêu con còn hơn cháu ngoại ruột của bà vậy? Vì bà thương ông, vì bà thương cảnh mồ côi của mẹ con như thương con bây giờ vậy? Có phải vì cái ghế được đặt đúng chỗ không. Sao đi xê dịch để mà hẹp bụng với nhau vậy .

Thằng Tân khóc. Nó không ý thức được vì sao nó khóc. Nó chỉ xao xuyến khi nghe ông nói.

- Ông may mắn hơn ba con vì hồi trước má và các cậu con đã lớn và có ăn học cả nên không có làm khổ bà như con bây giờ. Con nỡ lòng làm khổ ba con sao?

Hôm ấy vào lớp học, may mắn là cô giáo không gọi nó lên hỏi bài, đầu óc nó chỉ mong hết giờ để nó về nhà.

Giữa đêm, tiếng hàng phố reo hò khi cầu thủ quốc tế sút cầu môn đánh thức nó dậy. Thằng Tân bước xuống cầu thang. Nó thấy má Hai của nó đang gò lưng đạp máy khâu, chị Hai nó gác một chân lên ghế, trùm tấm áo lên gối thùa khuy. Nó biết hai người phụ nữ đang tranh thủ để phụ với ba nó lo tiền học cho cả ba chị em.

Thằng Tân đến gần hỏi chị Hai nó:

- Chị ơi! Có phải bà ngoại với ông ngoại như ba với dì bây giờ, phải không chị?

- Làm sao chị biết. Ai nói cho em nghe vậy?

- Ông ngoại nói chứ ai?

Cô chị chụp máy điện thoại. Bên kia đầu dây bà ngoại hỏi:

- Khuya rồi đánh thức ngoại có chuyện gì đây?

- Nó nói... Có phải vậy không ngoại?

- Phải chứ sao? Cũng là duyên nợ cả đời đó con ạ! Có Tân đó không? Có ạ! Con đưa máy cho nó nghe!

- Sao đó cháu? Bộ cháu tính kéo ghế cho ông ngoại ngã ngựa như ba cháu nữa sao?

- Không dám đâu! Từ nay con khỏi lục cơm nguội của ngoại nữa... - Qua hai đầu dây, bà cháu cùng cười.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com