Người chỉ huy sững sờ trước bức điện mật. Ông không tin vào mắt mình, đọc lại nó lần nữa, rồi lần nữa. Nội dung bức điện: Nguyễn Thị Lài, sinh năm... Quê quán: Ngã ba Vịnh Chèo Cần Thơ. Bí số... là gián điệp đã cung cấp tin tức quân sự miền nam cho CIA. Yêu cầu thẩm tra, xử lý. Chị Lài cấp dưỡng mà là gián điệp ư? Ông không thể tin, cho dù bức điện đòi xử tử người phụ nữ ấy đang hiển hiện trong tay ông. Ai thì ông không biết, chớ chị Lài thì ông nắm rất rõ. Chị là giao liên thời kháng chiến chín năm chống Pháp. Thoát ly lên rừng từ sau Đồng Khởi. Chồng chị là bộ đội. Cảnh vợ chồng ngâu vài ba năm mới được gặp nhau. Chị siêng năng, chăm chỉ, hiền lành, ít nói. Bữa cơm của anh em trong cơ quan được chị giành giật giữa những trận càn, ném bom của địch, những cuộc bể dâu lúc cơ quan nháo nhào di tản khi hay tin điệp báo. Rồi những ngày mưa bão, cây cối ngả nghiêng, nước lụt... Gạo hiếm, củi ướt, cái ăn trở nên hết sức khó khăn. Vậy mà bữa cơm của anh em vẫn được chị chăm chút bằng cả tấm lòng. Bàn tay chai sần của chị như ẩn giấu phép mầu. Nơi nào có chị chạm đến là đất nở thành hoa. Màu xanh theo chị hiện hữu, sự sống theo chị tái sinh. Chị trồng bầu bí, nuôi gà, nuôi heo... cải thiện cho đơn vị. Những lúc phải di chuyển cơ quan, chị vất vả cho những con gà vào lồng, lích kích bắt những chú heo bỏ vào bao. Dưới lằn đạn, chị thoăn thoắt chèo chiếc thuyền vun tú ụ nào bồng bột hạt giống, gà vịt, nồi niêu, xoong chảo... Vào những ngày chiến khu bị vây hãm, chị đã bình tĩnh, nhẫn nại chăm sóc anh em. Người chỉ huy vô cùng xúc động trước quả trứng chị dành cho ông mỗi ngày. Thật kỳ lạ, chính những ngày tình thế nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc ấy, chiến khu bị dồn đến những cánh rừng già giáp biên giới Cambodia, sự bình dị, ung dung của chị đã góp phần làm ông vững niềm tin vào thế phản công của tương lai. Còn chị Lài là cuộc sống còn duy trì. Để mỗi ban mai thức dậy, mọi người tin vào sự bền vững của cuộc sống bằng những nụ bầu, nụ bí, hoa cà, hoa cải, liếp rau phủ xanh khoảng đất ven bờ suối xung quanh cơ quan. Còn chị Lài là họ còn nhìn thấy sự sống hiển hiện trong từng quả trứng, trong tiếng kêu chiêm chiếp của gà con mới nở, trong làn khói bếp, trong âm thanh của đời thường. Vì cuộc sống của đơn vị, bàn tay chị sần chai, má chị rám nắng, nước mắt nước mũi ràn rụa vì bếp tắt, củi ướt. Chị không một lời than vãn, luôn nở nụ cười tươi trên môi dù nước mắt chực trào lăn trên má trước lời động viên, chia sẻ của vị chỉ huy. Chị luôn cảm thấy mình nhỏ bé, xa lạ, khép nép trước những tấm bản đồ, những chiến lược, chiến thuật mà bộ phận chỉ huy bàn bạc đến. Chị là người phụ nữ mát tay cho những công việc bình thường, lặng lẽ, để yêu thương, chăm sóc mọi người. Chị chỉ có lòng trung thành, tận tụy; xa lạ với chính trị, chiến tranh... Tại sao lại có bức điện này. Một người như chị lại là gián điệp ư?!. Giữa lúc ấy chị Lài bưng mâm cơm đặt trên một gốc cây lớn đã được cưa bằng phẳng dùng làm bàn ăn. Người chỉ huy lặng lẽ quan sát chị Lài trong cái dáng quay nghiêng, khum khum đặt mâm cơm xuống gốc cây một cách nhẹ nhàng, se sẽ. Chị Lài có gương mặt tròn, đôi mắt mở to, đen nhánh với cái nhìn ngơ ngác, phúc hậu. Chiếc mũi hình giọt mật tròn trĩnh càng làm cho gương mặt chị hài hòa. Tóc chị được búi cao, để lộ chiếc cổ cao, thon gầy. Người phụ nữ này mà là gián điệp ư?!. Một tiếng nói khác, lạnh lùng và tỉnh táo vang lên trong đầu ông: "Nhưng những con "thiên nga" bao giờ cũng mang dáng vẻ của những thiên thần. "Họa hổ, họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm". Ông bà mình đã từng cảnh giác lòng dạ nông sâu của con người. Đại dương sâu thẳm còn đo được nhưng lòng dạ con người quả khó dò. Bức điện được đánh từ trung ương cục đến tay ông là cả một vấn đề cực nghiêm trọng. "Theo dõi, thẩm tra, xử lý". Tất nhiên rồi. Người chỉ huy lặng lẽ thực hiện từng bước một quá trình xử lý. Nhưng trong thâm tâm, ông không muốn tin vào nội dung bức điện mật kia là sự thật. Bàn tay ông sẵn sàng vấy máu kẻ phản bội, những con "phượng hoàng", "thiên nga" đáng sợ hơn diều hâu, cú mèo tanh hôi. Nhưng vấy máu một người vô tội, một phụ nữ mát tay, hiền hậu, đảm đang như chị Lài đối với ông sẽ là điều làm lương tâm đáng xấu hổ.
"Mà chị ấy..."... Người chỉ huy chạnh lòng nghĩ đến hoàn cảnh của chị Lài. Chị khao khát cháy lòng ngày chiến tranh kết thúc để gặp lại chồng, để sinh những đứa con. Bao giờ, bao giờ chiến tranh kết thúc?!. Chị Lài ơi, chị đã từng tâm sự với tôi như thế mà, sao giờ này lại tự đào mồ chôn chị bằng hành vi chiêu hồi gián điệp. Nếu đúng chị đã phạm vào tội danh làm gián điệp, cung cấp tin tức cho CIA, chắc chắn chị phải đền tội. Chị có biết rằng cái chết đang giăng trên đầu chị không. Chị Lài mỉm cười tươi tắn, hiền dịu mời người chỉ huy ăn cơm. Chị vốn lặng lẽ, ít lời nên như cái bóng, nhẹ nhàng bước ra khỏi ngôi nhà sàn của ông. Nụ cười chúc ông ăn ngon miệng của chị Lài bỗng làm miếng cơm đắng ngắt trong miệng ông...
Nhưng bức điện vẫn là bức điện. Nó trĩu nặng lòng người chỉ huy. Trong việc này, ông hiểu mình không được quyền để tình cảm chi phối. Một chiến dịch điều tra được bủa lưới từ trên trời, dưới đất, mặt sông, cánh rừng, cả không khí người nữ cấp dưỡng thở dường như cũng bị soi rọi, phân ly ra từng chất riêng biệt. Ông cho rà xét lại những cơ quan khác có phụ nữ làm việc. Cũng không một ai trùng với tên chị Lài, ngày tháng năm sinh, bí số. Vậy là khả năng nhầm lẫn của bức điện mật về địa chỉ đã bị loại bỏ. Cần phải điều tra ngay chính nơi phát sinh nguồn gốc. Đôi mày rậm của người chỉ huy cau lại, đăm chiêu nghĩ ngợi. Làm gián điệp ư?!. Nếu vậy thì chị ta phải thường xuyên liên lạc với ai đó mới nhận và chuyển được tin. Chị ta phải lén lút gặp ai đó? Suốt một tháng trời cho bảo vệ theo dõi, ông nhận ra chị Lài vẫn bình chân như vại. Mỗi ngày chị vẫn tưới rau, nuôi gà lấy trứng, nấu cơm, chăm sóc cho ông và những người chung quanh với sự tận tâm như người mẹ, người chị trong gia đình. Không một ai đến với chị, ngoài người bảo vệ được lệnh bí mật canh giữ chị, vào những đêm khuya quá mỏi mệt, rã rời đành phải xin chị chút gì cho vào bụng. Chị săm săm xuống bếp nổi lửa, tìm cái gì đó nấu nướng cho anh. Gương mặt chị tràn ngập nét bao dung, sung sướng khi nhận ra anh bảo vệ cúi mặt xuống bát cháo húp roàn roạt, nước mắt nước mũi ràn rụa vì vị ớt cay, mùi hành nồng ấm át đi vị tanh của trứng trong chén cháo. ăn cháo khuya có sức rồi anh ta lại canh giữ, rình rập chị. Đôi mắt nhỏ nhưng tinh nhanh của anh ta dán chặt vào lỗ trống của căn buồng nhỏ dành cho chị. Một chiếc giường bằng tre nứa với vài món đồ đạc dành cho phụ nữ đơn sơ. Đặt lưng xuống giường là chị ta ngủ thiếp đi. Người bảo vệ nhận ra chị Lài đang ấp vật gì xem chừng thật quý giá lên ngực. "ái chà, chìa khóa vấn đề là ở đây rồi. Điện đài, chắc mẻm là điện đài. Mụ ta đang liên lạc đấy!". Bằng nghiệp vụ của người làm nghề điều tra, bảo vệ, anh ta cố phát hiện xem chiếc điện đài được ấp ủ trong lòng bàn tay của người đàn bà ra sao. Anh ta hình dung ra gương mặt rạng rỡ của người chỉ huy khi chìa khóa vấn đề đã được giải mã. Mọi bí mật đã được vén lên, phơi bày sự thật hai năm rõ mười: "Nguyễn Thị Lài, trong vỏ bọc cấp dưỡng là gián điệp". Nhưng anh ta hoàn toàn thất vọng. Chị Lài đã ngủ thiếp đi. Và cái mà chị nâng niu trong lòng bàn tay, đặt trên ngực trái là một chiếc lược bằng gáo dừa. Có lẽ quá mỏi mệt sau một ngày làm việc vất vả, chị ngủ thiếp đi, quên cả việc tắt chiếc đèn dầu. Ngọn đèn cứ leo lét. Cho đến khi có ngọn gió mạnh lùa vào bức vách làm nó tắt ngấm. Bóng tối hoàn toàn chiếm hữu căn phòng. Và bí mật về chị Lài vẫn khép lại trong bóng tối...
- Lúc này cậu ít đi công tác hả?
Chị Lài mang cho Việt, người được cắt đặt để giám sát mọi hành vi của chị một quả trứng mới luộc còn nóng hổi. Lúc nào, nụ cười thân ái của chị cũng nở trên môi. Nếu như ngày trước, mỗi khi bắt gặp nụ cười hiền hậu ấy của người cấp dưỡng là niềm vui ấm áp, lan tỏa trong anh thì giờ đây, nụ cười ấy của chị làm anh đầy cảnh giác. "Con "thiên nga" này tinh quái thật. Được rồi, mình sẽ có cách...". Việt vờ thở dài ngao ngán:
- Bọn chiêu hồi lúc này ra đầu thú nhiều quá. Sau Mậu Thân, tình hình thật căng thẳng...
Chị nhìn ra cánh rừng như tìm kiếm ai đó, đôi mắt đượm buồn. "Con mụ này đánh trống lảng hay thật!". Việt thầm nghĩ. Anh vờ ngáp, đưa tay vò mớ tóc bù xù, than thở:
- Tóc em lúc này ra dài quá mà chưa kịp cắt. Chị cho em mượn cái lược đi!
Chị lặng lẽ vào buồng rồi trở ra, trao cho Việt cái lược bằng nhựa. Anh lắc đầu quầy quậy như đứa trẻ:
- Loại này chải không đã. Răng nó mềm lắm, mà chị xem, tóc em như rễ tre!
Chị bật cười. Ngập ngừng một lúc chị lấy cho anh cái lược bằng gáo dừa. Việt như giật lấy nó. Anh ngắm nghía, trầm trồ vì mầu đen tuyền ngời lên bóng thời gian của nó. Đích thị là một cây lược hẳn hoi, một cái lược thuần túy. Anh căng mắt, soi nó lên trong ánh sáng, mong tìm thấy những nút bấm hay những dấu hiệu khác thường... Không thấy có gì đặc biệt, ngoài hàng chữ nắn nót khắc trên lưng nó: "Gửi em Lài yêu thương. Côn Đảo". Chải qua loa mái tóc, Việt trao chiếc lược cho chị Lài. Chị áp nó vào ngực, nước mắt rưng rưng nói:
- Kỷ vật của ảnh đó. Hồi ảnh ở tù Côn Đảo. Cái số vợ chồng tôi vậy đó, thầy bói nói rồi: lấy nhau, yêu thương, chung thủy nhau suốt đời nhưng phải tội cảnh vợ chồng ngâu. Mà thiệt vậy, lúc ảnh ra khỏi tù cứ nghĩ vậy là vợ chồng đã sum hiệp mãi mãi, nào ngờ tôi công tác một ngả, ảnh đi bộ đội. Một năm gặp nhau được một lần cũng là phúc đức lắm!
Đột nhiên, Việt cũng cảm thấy lòng rưng rưng theo lời kể của chị. "Không, ta không được đa cảm. Những con "thiên nga" bao giờ cũng mang dáng dấp thiên thần. Thủ trưởng mình thường nói vậy. Hãy đặt Cách mạng miền Nam lên trên hết!". Việt tự trấn tĩnh, dù ngoài mặt vẫn giữ vẻ sẵn sàng chia sẻ cùng chị nỗi khổ của một người vợ xa chồng...
Lòng háo thắng của tuổi trẻ càng khiến Việt muốn tìm hiểu cặn kẽ cội nguồn của vấn đề: Lài vô tội hay gián điệp. Đêm đêm, đôi mắt tinh tường của anh lại dõi vào căn buồng của chị. Hầu như khi chui vào buồng là chị không được bước ra ngoài, cả việc tiểu tiện chị cũng tìm cách giải quyết tại chỗ. Chị giải thích đặc tính đó của mình trong một lúc Việt làm ra vẻ hờ cơ hỏi: "Chị sợ ma, sợ rắn lắm!". "Hừ, con mụ này cũng ghê gớm thật. Mụ đánh lạc hướng cũng khá tài tình. Nhưng xui rủi là mụ gặp tay Việt này...".
Tim Việt chợt đập thình thình. Hôm nay, chị Lài đang se sẽ mở chiếc hòm bằng gỗ đựng những vật dụng cá nhân ra. Chị đăm đăm nhìn vật gì trong đó. Chị giở từng thứ sắp ra ngoài, ngắm nghía cái gì dưới đáy hòm... Anh cố tình kiễng chân lên. Nhưng đáy hòm sâu quá, lại được đặt trong một góc khuất khiến anh không thấy gì. ánh đèn dầu lại leo lét thế kia. Chị đứng lặng hồi lâu, gương mặt nghiêm trang, rồi lại nhìn trước, ngó sau như sợ có ai đó theo dõi. Đoạn chị chất từng thứ lôi ra giường cho lại vào hòm như cũ. Chị dùng ống khóa nhỏ xíu bóp lại. Việt suýt reo lên: "Phải rồi, mọi bí mật là trong chiếc hòm gỗ này. Con cá đã được nằm trên thớt. Phen này mụ cấp dưỡng phải bị vạch mặt. Thật không thể tin được, đích thị mụ ta là gián điệp!". Việt đi như chạy đến chỗ ngủ của thủ trưởng. Anh ghé miệng vào tai ông. Người chỉ huy bật dậy như chiếc lò so. Ông ta khoác thêm chiếc áo rồi vớ lấy chiếc đèn pin. Cả hai lầm lũi bước về phía căn buồng của người cấp dưỡng... Chợt người chỉ huy ngồi thụp xuống, ôm lấy chân "ối!". Ông rên lên đau đớn, mắt hoa, tai ù đi. "Rắn!". Việt không còn nhớ đến công việc tối quan trọng của mình là rình rập căn buồng của người cấp dưỡng. Điều quan trọng của anh bây giờ là làm sao cứu sống được thủ trưởng.
Một con rắn đã đớp vào chân người chỉ huy rồi phóng vút qua mặt anh. Trong ánh trăng lờ mờ, cái quăng mình của con rắn mới kinh khiếp làm sao. Nó bất ngờ, độc địa như lưỡi hái của tử thần.... "Rắn, rắn, rắn". Sự bình tĩnh của một thám tử không còn nữa, anh gào lên... Lài cầm đèn pin bước ra. Dưới quầng sáng hiện ra từ bàn tay chị, người chỉ huy đang nhăn mặt đau đớn. Nhanh như cắt, chị xé chiếc khăn rằn đang quấn trên cổ buộc ga-rô cho ông. Không chút suy tính, chị dùng miệng hút chất độc từ vết thương của ông. Rồi chị xăm xắm bước ra phía vườn rau bìa rừng rọi đèn pin hái những đọt chùm ngót. Chị nhai nắm chùm ngót đắp lên vết thương cho ông, một phần chị nuốt vào bụng... Chị giã thêm một nắm nữa, lấy nước đổ vào miệng ông. Những công việc ấy chị làm thành thạo, thoăn thoắt. Chị cùng Việt dìu người chỉ huy trở về chỗ ở của ông. Khi ông đã yên vị trên giường, chị nói:
- Chị đã sơ cứu rồi. Em đi gọi thầy thuốc rắn đến cho chú ngay đi. Nhanh lên em. Chị đi nấu cháo đậu xanh cho chú ăn giải độc...
Chị xăm xắm bước đi. Thầy thuốc gia truyền trị rắn là một cán bộ trong chiến khu. Những món thuốc của ông đã đẩy lùi cơn nguy kịch của người chỉ huy. Ông thở phào nhẹ nhõm:
- Con rắn này rất độc, may mà miệng chị không có vết xước!
Trên đôi má xanh xao của người chỉ huy chợt đọng những giọt nước mắt lặng lẽ. Ông là người từng trải, đã từng chứng kiến bao thăng trầm, vinh nhục, những ngày tiến vào thoái trào... Nhưng có những điều ông vẫn thấy mình bất lực, khó hiểu trước con người. Nếu không có hành động dũng cảm của chị, không có nắm lá chùm ngót, tô cháo đậu xanh của chị?! Nếu thực sự Lài là gián điệp, giữa chị và ông đã là hai người của hai chiến tuyến, sao chị không bỏ mặc ông, còn quên cả bản thân mình cứu sống ông?! Lòng người nông sâu quả là khó dò. Con người vẫn là thứ khó hiểu nhất trên trần gian này. Bức điện lại cộm lên trong lòng ông. Ông gọi Việt đến, bàn bạc công việc...
Ngày hôm sau một cán bộ cùng chị Lài đi phát cánh rừng ven bờ suối. Anh nói:
- Trưa nay để Việt ở nhà phục vụ thủ trưởng. Chị nấu xôi mang theo, chiều tối ta mới về.
Chị vui sướng được rời cơ quan đi làm rẫy. Chị rất muốn có thêm quả bầu, quả bí, con gà, nắm rau cho đơn vị. Từ cơ quan đến đó khá xa nhưng chị vẫn không nề hà. Sợ Việt không quen nấu nướng, chị đã chuẩn bị mọi thứ trong bếp cho anh. Gạo chị đã vo sẵn, rau, mắm chị cũng đã làm sẵn... Chị quàng lên đầu chiếc khăn rằn đã bị xé nham nhở để buộc ga-rô cho người chỉ huy đêm qua. Lòng Việt chợt đau nhói. Anh dự định có dịp sẽ mua tặng chị chiếc khăn thật đẹp...
Buổi trưa trong căn phòng người cấp dưỡng thật thinh vắng. Người chỉ huy nhận ra rằng từ lâu mình đã thật vô tâm không nhìn ngó đến cái góc lãng quên, hẩm hiu này. Buồng của chị không khóa. Nhưng chiếc hòm gỗ với cái ống khóa bé xíu càng kích thích vào sự hoài nghi của hai người. Việt nhìn người chỉ huy ngầm nói: "Thủ trưởng hãy yên tâm, gì chứ chuyện mở khóa là nghề của em". Anh dùng một thanh sắt mỏng, dẹt cho vào ống khóa. Vài cái lắc tay, nắp hòm bằng gỗ đã được bật lên. Cả hai người hồi hộp nhìn vào. Họ giở từng thứ, theo thứ tự, cách xếp đặt sao cho khi đặt những thứ đó trở lại hòm không mất dấu. Một chiếc dù hoa, một miếng mùng có găm miếng giấy được viết bằng dòng chữ nắn nót nhưng vụng về: "Em mong ngày hòa bình vợ chồng con cái chúng mình sẽ được ngủ trên một chiếc giường đàng hoàng. Em sẽ giăng chiếc mùng này...".
Việt không khỏi rùng mình khi bàn tay anh chạm vào những thứ dùng cho người phụ nữ lúc hành kinh. Lòng anh lại rưng rưng vì những tấm vải mùng thô ráp. Vài thứ vật dụng dành cho phụ nữ chẳng đáng trị giá hơn những tấm giẻ rách. Nhưng kìa, cha mẹ ơi, chiếc hộp con sơn mài mầu đen tuyền và cái bọc bằng ni-lông dưới đáy vali đập vào mắt hai thám tử. Chìa khóa vấn đề ở đây rồi. Việt hồi hộp mở chiếc hộp ấy. Họ chờ đợi điện đài, hay tài liệu, mật mã... Nhưng kìa, trên tấm vải lót chiếc hộp mầu đỏ thẫm là một đóa hoa mai vàng đã ép khô. Việt căng mắt nhìn dòng chữ viết trên tấm vải đỏ: "Đóa hoa mai anh hái bên bờ suối tặng em ngày cưới". Việt thần mặt trước đóa hoa. Trong đầu anh diễn ra những ý nghĩ trái ngược: "hoặc là mụ ta vô tội, hoặc là mụ ta là một gián điệp đại tài. Nhưng lẽ nào tài liệu được ẩn giấu trong đóa mai đã khô xác vì năm tháng này chăng?! Còn chiếc bọc nữa... Người chỉ huy gật đầu ra lệnh cho Việt khám phá tiếp. Anh nín thở lấy từng thứ trong chiếc bọc ra. Càng bất ngờ hơn cho anh, đó là những chiếc áo xinh xắn, bé xíu dành cho trẻ sơ sinh. Lại nét chữ vụng về, nắn nót của Lài: "Ngày hòa bình em sẽ sinh con". Anh giũ từng chiếc áo được may bằng tấm vải dù trắng tinh, nhẹ hẫng, soi rọi nó dưới ánh nắng, mong tìm thấy những dấu hiệu "gián điệp". Nhưng trước mặt anh vẫn là những chiếc áo trắng muốt, xinh xinh, phơ phất như những cánh bướm trắng mong manh... Anh nhận ra những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má xanh xao của người thủ trưởng. Việt sắp đặt mọi thứ trở lại vị trí cũ, nhẹ nhàng, se sẽ, bàn tay anh run lên như một tội đồ, còn người chỉ huy thì đứng cúi đầu, cố giấu đi những giọt nước mắt. Khi mọi thứ đã yên vị, họ lặng lẽ rời gian buồng của người cấp dưỡng. Mắt họ gặp nhau, đầy thất vọng, hoang mang, xa vắng...
Giữa lúc còn đang phân vân, người chỉ huy lại nhận thêm bức điện mật: "Đã xử lý chưa?". Một câu hỏi thường trực vang lên trong đầu ông: "Người đàn bà ấy có tội hay vô tội. Chẳng lẽ chị ta làm gián điệp bằng đóa mai vàng khô xác, bằng những chiếc áo trẻ sơ sinh được cất giữ trong một góc sâu kín, riêng tư. Bằng khả năng nghiệp vụ và linh tính mách bảo, ông tin chị Lài không thể là gián điệp. Vậy cội nguồn những bức điện kia là ở đâu? Người chỉ huy cũng không thể lý giải. Nhầm lẫn, nhiễu sóng, bị vu oan, bị ăn cắp tên... Trăm ngàn dấu hỏi hiển hiện trong đầu ông. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng này, để làm sáng tỏ một sự oan khuất quả thật nhiêu khê. Còn có bao điều khiến ông phải tập trung thần kinh để đối phó. "Nếu chị ta là gián điệp thì đã đành rồi. Nhưng nếu như chị ta vô tội?!". Những chiếc áo trẻ sơ sinh trắng muốt, mong manh lại làm lòng ông trĩu nặng. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu ông: Đưa chị Lài ra cánh rẫy tăng gia. Sự vắng mặt chị ở cơ quan là giải pháp có lợi cho cả đôi bên. Mà cách ly chị ra ngoài ấy, sống một mình, thui thủi trong căn chòi lá, làm bạn với trăng sao, nương rẫy, chim chóc, phải làm việc quần quật để "tăng gia" thì quả thật cuộc đời chị ta kể như đã chết. Ông đánh bức điện trả lời: "Đã xử lý".
"Đi tăng gia". Chị Lài ngơ ngác nhìn người chỉ huy. Đôi mắt chị cụp xuống, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má bầu bĩnh:
- Cháu đi rồi không biết có ai chăm sóc chú, chăm sóc anh em. Từ nay, có còn ai để cháu dành phần trứng gà, nấu cháo, nấu chén canh ngon nữa...
Người chỉ huy cố che giấu sự đa cảm của mình. Ông làu bàu:
- Chị làm như chị quan trọng lắm vậy! Chị đi rồi khắc cũng có người thay. Mỗi người một nhiệm vụ!
Chị Lài kéo chéo khăn lau nước mắt. Đoạn chị cúi xuống, xốc hai cái bồng lên vai. Một đựng quần áo, vài thứ lặt vặt liên quan đến phụ nữ. Một đựng xoong, nồi, những bọc hạt giống cho chị tăng gia (những thứ chị mang theo đã được người bảo vệ bí mật kiểm tra). Chị quay lại nhắn Việt:
- Chị gửi lại em chiếc rương gỗ. Nhớ giữ kỹ giùm chị nghen!
Hình như sợ mình sẽ òa khóc, chị xăm xắm bước đi. Người chỉ huy nhìn theo chị mông lung nghĩ: "Nếu chị ta là gián điệp đích thực thì... con mụ này đóng kịch giỏi thật. Còn nếu như không phải... thì thật đáng thương. Thôi thì để chị ta đi tăng gia...".
Ông quay sang Việt, dặn dò:
- Nhớ giữ kỹ chiếc rương gỗ cho chị Lài!
Mấy tháng sau ngày chị Lài đi tăng gia, cơ quan liên tục nhận được những quả trứng, quả bầu, bí mà chị đã trồng. Chị không quên một ai trong cơ quan mà chị đã từng chăm sóc. Chị đánh dấu từng ngày lên quả trứng gửi về cho vị chỉ huy. Chị gửi về cho Việt từng chiếc quần cụt được may bằng vải dù do chị nhặt được từ những chiếc máy bay thả xuống. Chị gửi về cho người ốm yếu nhất cơ quan những bầu mật ong... Mọi người có thể quên chị, nhưng chị không quên ai. Cho đến ngày chiến thắng... Người chỉ huy đã giữ đúng lời hứa trao trả lại cho chị chiếc rương gỗ. Nhưng ông không thể nói lời giải thích trước ánh mắt chị nhìn xoáy vào ông như một câu hỏi của số phận. Ba năm "tăng gia", chị già nua, héo hắt, đen đúa và trở nên xấu xí như một con quạ già cô độc. ánh mắt của chị nhìn xoáy vào ông, dài dại, đờ đẫn, xa vắng, như hỏi mà không hỏi khiến người chỉ huy bỗng cảm thấy mình bé nhỏ, run sợ trước một sức mạnh vô hình đang giăng lưới trước sự thành đạt, vinh quang của ông. Những tấm huân, huy chương trên áo chợt làm ngực ông trĩu nặng...
Hòa bình. Cơ quan đóng sâu trong cánh rừng già biên giới mà chị từng phục vụ sẽ chuyển về thành phố sáng choang ánh điện. Không còn ai cần đến chị nữa, cả cái rẫy tăng gia chị đã bị lưu đày ba năm trời như một An Tiêm cô độc. "Tôi sẽ đi đâu?". Đáp lại cái nhìn đầy khẩn thiết của chị là sự bối rối, thái độ lạnh lùng, khó hiểu của mọi người. Chị tủi thân òa khóc khi cầm trên tay quyết định nghỉ hưu. "Tôi còn quá trẻ". Cũng không ai dám đáp lại lời chị. Vẫn những ánh mắt lạnh lùng, nghiêm khắc, khó hiểu. "Chồng tôi đâu? Anh ấy có ghé qua đây không? Có thư từ gì của anh ấy không?". Mọi người cúi đầu im lặng. Chị đau đớn, rã rời, gần như điên dại, ôm chiếc rương gỗ thất thểu rời khỏi cánh rừng...
Chị trở về quê hương với ngôi nhà bé nhỏ trong khu vườn khô xác, cằn cỗi vì chiến tranh bên bờ sông Ngã Ba Vịnh Chèo. Tài sản duy nhất chị có được sau mấy mươi năm tham gia kháng chiến vẫn là chiếc rương gỗ, nơi cất giữ đóa mai đã khô xác năm nào trong ngày lễ thành hôn người chồng đã hái tặng chị, những chiếc áo sơ sinh chị cặm cụi cắt may dưới ánh đèn tù mù trong căn cứ, chiếc mùng của khát khao, chờ đợi... Chị lấy chiếc mùng ấy giăng trong buồng ngủ đợi anh về... Những ngày chiến tranh ác liệt, chị đã từng khao khát đến cháy lòng đó sao: Sẽ có ngày hòa bình, vợ chồng, những đứa con sẽ được ngủ trên chiếc giường êm ái. Không như ở chiến khu, vợ chồng gặp nhau vội vã, đêm phải di chuyển mấy lần vì bom pháo, muỗi vây bủa hàng đàn. Bây giờ đã là hòa bình. Sao anh không về, để chị còn sinh con... Một năm, hai năm, ba năm... Chồng chị cũng không trở về. Cứ mỗi chiều chị đi dọc bờ Ngã Ba Vịnh Chèo ngóng trông, mòn mỏi. Chị đợi chồng, cho đến khi những tia cuối cùng của hoàng hôn tắt lặn dưới đáy sông, trùm lên chị là bóng tối, cô đơn, mờ mịt. "Bà điên, bà điên!". Lũ trẻ ném vào chị lời trêu chọc. Chị vẫn câm lặng, dửng dưng, đôi mắt vô hồn nhìn vào bóng tối, còn đôi chân theo quán tính đưa chị trở về ngôi nhà vắng tanh, cô độc. Chị đổ gục xuống chiếc giường rộng thênh thang, mặc cho nước mắt chảy tràn...
Sáu năm sau ngày hòa bình...
Trung tá quản giáo Thành ngồi đối diện với một sĩ quan mật mã CIA trong một trại giam của một tỉnh miền núi giáp biên giới phía bắc. Đêm ấy rét ngọt. Đồi núi trĩu nặng hơn bởi bầu trời không khí đầy hơi ẩm. Tách trà nóng giữa đêm đông lạnh lẽo giúp cuộc nói chuyện giữa hai con người, hai chiến tuyến trở nên thẳng thắn, cởi mở hơn. Ông Thành cúi xuống quyển hồi ký của viên sĩ quan mật mã, thành thật khen:
- Chữ viết của anh rất đẹp!
- Cảm ơn lời khen của ông.
Dưới ánh đèn, mái đầu của người trung tá quản giáo lẫn phạm nhân đã ngả sang mầu sương khói. Gương mặt khắc khổ của ông Thành sáng lên nụ cười chân thành, sau khi đọc lướt qua những dòng hồi ký của phạm nhân:
- Cảm ơn anh vì sự trung thực, cho dù sự trung thực đó không hoàn toàn dễ chịu đối với chúng ta. Ngày mai anh đã được trở về miền nam, anh đã là một con người tự do. Sự trung thực sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau trong tình bạn...
Một nụ cười kín đáo lướt qua đôi môi mỏng của anh ta:
- Còn tôi, tôi vô cùng cảm ơn ông. Suốt 6 năm qua, ông đã dành cho tôi nhiều phương tiện để viết hồi ký. Tôi xin được phép bày tỏ nỗi lòng mình với ông đêm nay. Tôi dễ gần gũi với ông vì sự khắc khổ, vì nỗi buồn phảng phất trên nét mặt. Tôi còn được biết ông hoàn toàn cô độc. Biết được nỗi khổ, uẩn khúc của nhau người ta dễ cảm thông nhau hơn. Sáu năm qua, tôi hiểu ra rằng, khi chiến tranh kết thúc, kẻ chiến thắng lẫn người chiến bại đều mất mát, bất hạnh... Chẳng hạn như tôi, 6 năm trời xa vợ con. Còn ông, không biết vì một uẩn khúc nào đó mà cuộc sống khô cằn, trơ trụi...
Ông Thành cúi mặt xuống tách trà, lẩn tránh cái nhìn sắc sảo của anh ta. Ông mỉm cười buồn: "ừ, anh ta triết lý vụn nhưng mà đúng. Suốt cuộc đời tham gia chiến đấu, ta cũng không nghĩ rồi mình có mặt nơi một trại giam xa xôi, heo hút, buốt giá này, làm công việc quản giáo những tên tù chính trị sừng sỏ. Không bao giờ mình nghĩ...". Viên sĩ quan nhìn mông lung vào bóng tối. Chợt anh ta thở dài:
- Có những điều tôi chưa nói hết trong hồi ký. Nhưng thật kỳ lạ, sao có những chi tiết thật nhỏ nhặt trong nghiệp vụ cứ làm lòng tôi trĩu nặng khi chợt nhớ đến. Vâng, những chi tiết nghiệp vụ, không liên quan gì đến tôi, mà sao tôi không quên được, thưa ông...
- Thì anh thử kể nghe xem...
Ông Thành động viên. Giọng viên sĩ quan xa vắng, ngậm ngùi:
- Đúng là việc không liên quan gì đến tôi. Đầu năm 1970, có một nhóm người phía bên các ông ra đầu thú, đã khai báo một số tin tức quan trọng về tình hình quân sự miền nam. Viên sĩ quan CIA Mỹ hỏi một người trong số ra đầu thú: "Anh có quen biết ai ở bộ tư lệnh cao cấp cách mạng miền nam không?". Trầm ngâm một lúc, mắt anh ta sáng lên: "Có. Nhưng chị ấy chỉ làm cấp dưỡng thôi. Chị ấy cùng quê với tôi. Tôi biết chị ta từ hồi còn học tiểu học". Đến lượt mắt của tên sĩ quan rực sáng. Hắn hỏi dồn: "Bây giờ anh có liên lạc với chị ta không?". Hắn đáp: "Lâu rồi tôi không gặp chị ấy. Nhưng những người trong cơ quan nhắc đến chị ấy với tình cảm đặc biệt. Họ khen chị ấy tốt, tận tụy với tất cả mọi người. Chị ấy rất đảm đang, chịu khó...". "Very good". Tên sĩ quan Mỹ gật gù. Từ ấy trở đi, với vai trò của một sĩ quan mật mã, tôi liên tục đánh những bức điện cung cấp tin tức của bọn đầu thú về trung tâm tình báo Sài Gòn...
Sắc mặt ông Thành chợt trắng bệch. Không giữ được bình tĩnh, ông hét lên:
- Tại sao chúng phải làm như vậy, tại sao?!
Anh ta cười khẩy:
- Tiền, chung quy chỉ vì tiền thôi, thưa ông. Nếu cài được người làm gián điệp trong cơ quan cao cấp của Cộng sản, chúng sẽ nhận được tiền thưởng cao hơn. Vì vậy chúng đã dùng tên với bí số, bí danh, kèm theo lý lịch chi tiết của bà ấy để làm tác giả những tin tức mà chúng nhận được từ bọn "thiên nga", "phượng hoàng", hồi chánh. Tôi kể cho ông nhằm mục đích gì chắc ông cũng hiểu. Tình báo, mưu đồ và thủ đoạn, nếu không tỉnh táo, tự các ông giết nội bộ mình. Ngày ấy, tôi chỉ là một sĩ quan mật mã, rất giản đơn khi đánh đi bí số của người đàn bà mà chúng đã mượn tên. Nhưng đằng sau bức điện ấy là cái gì. Số phận của người phụ nữ hiền lành, tốt bụng, vô tội ấy sẽ ra sao hả ông?! Không hiểu sao chi tiết ấy cứ ám ảnh tôi cho mãi đến bây giờ...
- Lài ơi...
Trung tá quản giáo Thành nấc lên tiếng gọi mà hơn 10 năm qua, ông đã phải nén chặt trong lồng ngực...
Trung tá Thành lần tìm đến ngã ba Vịnh Chèo. Ông qua sông. Hoàng hôn dần tắt. Nước sông đỏ ngầu dần chuyển qua mầu đen thẫm khi những tia nắng cuối ngày sắp lặn vào đêm. Đây là lần đầu tiên ông về quê chị Lài, không khỏi ngậm ngùi nhớ ngày lễ tuyên hôn trong chiến khu. Ngày ấy, ông ngắt đóa mai vàng tặng chị. Chị nép vào ngực ông thỏ thẻ: "Mai mốt hòa bình, em sẽ đưa anh về Ngã ba Vịnh Chèo quê em. Em sẽ sinh cho anh những đứa con!". Mọi vật trước mắt ông nhòa đi. "Lài ơi, chúng ta đã quá già. Anh sẽ giải thích như thế nào về sự muộn màng này đây. Anh chỉ biết quỳ xuống chân em, cầu xin em tha thứ cho sự hèn nhát. Giữa những năm 70, anh nhận được chỉ thị: vợ anh là gián điệp, phải cắt đứt quan hệ. Anh đau đớn, bàng hoàng, không thể tin người phụ nữ kiên trung, hiền dịu như em là gián điệp. Nhưng chỉ thị đó là mệnh lệnh. Là người lính, anh phải chấp hành. Rồi nhiệm vụ sau ngày hòa bình. Anh chuyển ra một tỉnh biên giới phía bắc làm quản giáo tù chính trị. Đối phó với họ thật kinh khủng. Nhưng may mà anh đã tìm ra sự thật về em. Anh trở về với bản báo cáo minh oan cho em đây. Hãy tha thứ cho anh!"... Thuyền cập bến. Ông Thành vội vã bước lên bờ. Ông hỏi dồn một gã trung niên rậm râu: "Anh ơi, làm ơn cho tôi hỏi nhà bà Lài...". Hắn nhìn ông từ đầu đến chân, những huân huy chương đỏ rực trên ngực áo ông làm hắn đổi thái độ. "Bà Lài nào nhỉ. à, mụ Lài gián điệp phải không, chết rồi! Mộ đằng kia kìa...". Hắn giơ tay chỉ. Ông Thành đờ đẫn trước nấm mồ bằng đất của chị Lài đã bị sạt lở bên sông. Đã muộn mất rồi. Hành vi ông vượt hàng ngàn cây số với bản báo cáo minh oan cho chị đã trở thành vô nghĩa. Một bà lão gánh cỏ dọc bãi sông dừng bước bên ông Thành, dùng chéo khăn lau mồ hôi, buồn bã:
- Ông là ai mà đến thăm cô Lài? Hồi còn sống, cứ chiều chiều là cổ ra bờ sông Ngã ba Vịnh Chèo ngóng trông chồng. Vậy mà ông ấy biền biệt, nghe nói ổng làm lớn lắm. Đàn ông lòng dạ dễ đổi thay, dù gì cũng phải gặp cổ nói phải quấy nghe một tiếng. Vậy mà cổ cứ kiên tâm chờ đợi. Tội nghiệp, trước khi chết, cổ còn dặn chôn bên bờ sông để còn ngóng chồng về...
Ông Thành gục xuống bên nấm mồ đã sạt lở của chị Lài. Sông vẫn chảy xuôi...