hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-911.htm

Thanh Hương

Em gái tôi

Cuối năm 1946 tôi rời nhà ra đi kháng chiến thì em vừa tròn một tuổi. Cha tôi ba vợ. Nói cho chính xác, ông ba lần cưới vợ nhưng hai người vợ đầu - người thứ hai là mẹ tôi - người nào cũng chỉ sống đến suýt soát ba mươi tuổi. Em là con gái đầu lòng của người vợ thứ ba của ông, người đàn bà kém ông ngót hai chục tuổi. Thời trẻ bà rất đẹp. Người nhỏ thó, đôi mắt sắc mà tươi, cái miệng nhỏ xinh rất có duyên và mái tóc dài búi một búi to sau gáy, đen nhánh, óng mượt. Em gái tôi thừa hưởng nhan sắc của mẹ, nhưng thân hình em lại thon cao, cái miệng nói như khướu hót và hai con mắt lúc nào cũng cười nheo nheo, tinh nghịch. Nhớ buổi chiều trước ngày ra đi tôi đưa em ra chơi ở ngôi chùa nhỏ gần nhà, tôi bồng em đưa lên cao dứ dứ trước mặt mấy ông Thiện ông ác trước cửa chùa để trêu em. Em kêu thét lên ôm chặt lấy cổ tôi và tôi lại được dịp thích thú cười dòn hôn túi bụi lên tóc, lên mắt, lên cổ em, nựng nịu dỗ dành em. Hai chị em cứ thế chơi đùa mãi với nhau trong sân chùa vắng vẻ cho đến lúc trời chạng vạng tối, dì tôi phải chạy ra tìm.

Ba mươi năm xa nhà, khi tôi trở về cha tôi mất đã trên mười năm, dì tôi còn sống và em gái tôi đã trên ba mươi tuổi. Trưa Sài Gòn nắng đến hoa cả mắt, tôi vừa trên xích lô bước xuống chưa vào đến cửa đã nghe tiếng một người đàn bà có tuổi kêu lên, thảng thốt hơn là vui mừng:

- Ai như chị Hoa? úi chao ơi, chị Hoa!

- Dì!

Vừa thốt ra được tiếng chào, nước mắt tôi đã dào ra. Chân tôi đang bước bỗng sững lại, như có ai chôn xuống đất. Dì tôi đó, có già đi, nhưng vẫn dáng người đó, cách ăn mặc đó, cái búi tóc tuy thưa nhỏ hẳn đi nhưng chưa một sợi bạc và cái miệng có duyên ăn trầu cắn chỉ, vẫn giống y như ba mươi năm về trước. Một cô gái nhìn còn trẻ lắm tay bồng con nhỏ từ ngoài ngõ chạy vào. Cô dừng lại chăm chăm nhìn tôi rồi nói như reo, vừa nói vừa cười hết cỡ:

- Chị Hoa đó hả dì? Ôi, chị Hoa, chị hẹn vô mãi sao bây giờ mới vô? Cả nhà trông chị đỏ con mắt. Chị trẻ quá trời...

Rồi không đầu không cuối, cũng không chút ý tứ, cô quay lại dì tôi, vẫn vừa nói vừa cười:

- Con đang ngồi ngoài quán con Tạo, thấy chị Hoa xuống xe con nói ngay: Tau cuộc với mi, bà ni trăm phần trăm là cán bộ... Dì có thấy con tài không? Em tài không chị?

Em gái tôi đó, vô tư, thoải mái, mặc dầu đã trên ba mươi tuổi. Và có người chồng là đại úy ngụy, làm trong ngành quân nhu, vừa mới rời nhà đi học tập cải tạo.

- Anh ấy đi năm bảy tháng rồi anh ấy lại về, phải không chị? Có lệnh chính phủ là em bắt anh ấy đi trình diện ngay, đi học tập một thời gian rồi sau ni khỏe, có chi nói hết rồi không có chi phải hồi hộp nữa. ở trong ni học hành chi rồi ra trường cũng phải đi lính, cứ ba năm thăng một cấp, chớ anh Thành em có đánh đấm chi, có tội ác chi. Chính phủ chắc không bắt tù mô, có phải không chị?

Em gái tôi nói một thôi một hồi, vừa dỗ con ngủ vừa nói, lại cười, vô tư hết sức khi hai chị em cùng nằm trong mùng bên nhau. Đứa con trai lớn của em, lên ba tuổi, ngủ giường bên với bà ngoại.

Thành, chồng em và là em rể tôi, đi học tập cải tạo đến ba năm. ở một nơi gần Sài Gòn có cái tên nghe mà rùng rợn: Suối Máu. Nhưng ở Suối Máu đó, em gái tôi kể, cuộc sống của các ''học viên cải tạo" lại khá ổn định, êm ả.

- Anh ấy ở đó lại sung sướng hơn em ở nhà đó, chị. Ngày ăn ba bữa, đi chặt củi cuốc đất sơ sơ chi đó, đêm ngủ thẳng re không phải lo nghĩ chi hết. Một hai tháng, lại có đồ ăn ngon vợ bới xách. Chị biết không, em nghèo thì nghèo chớ đồ ăn em bới xách cho anh thì hết chê, nghe? Lạp xường, thịt chà bông, bột đậu xanh, cà-phê, trà hảo hạng... đủ! Anh ấy hỏi: "Bộ em giàu lắm hả'? Em phải tằn tiện đừng bắt chước người ta mà chơi sang, ở trong này anh không đói đâu..." Biết vậy, nhưng mà thương lắm, chị ơi...

Em tôi kể, lại toét miệng cười. Lúc đó là những ngày cả dì tôi, cả em còn chút vốn liếng. Em còn trẻ quá, lại đẹp, tính vô tâm, bộc tuệch. Đứa em gái kế cùng mẹ với tôi, kể:

- Con Trang hắn không kể với chị chớ hồi trước hắn đẹp có tiếng ở Nha Trang đó. Hắn là học sinh hoa khôi của Nha Trang, có lần có lễ lạt to ở tận trên Buôn Mê Thuột người ta còn phải đưa máy bay về đón hắn lên tham gia lễ cắt băng khánh thành. Oai lắm, chớ chị tưởng...

Em gái kế tôi có tính hay phóng đại, nhưng em Trang tôi hồi nhỏ nổi tiếng đẹp thì điều đó nhiều bạn bè cũng đã nói cho tôi biết.

Có những năm Trang sống thật gian khổ. Công tác của tôi hồi đó một năm phải vào ra Sài Gòn ba bốn chuyến. Cứ vào đến Sài Gòn buổi sáng, buổi chiều tôi đã ra bến xe buýt cạnh Tao Đàn về thăm dì, thăm em. Sáng hôm sau phải có mặt làm việc sớm nên không mấy khi tôi ở lại ngủ đêm, nhưng chỉ hai ba tiếng đồng hồ gặp nhau em đã ríu rít cặn kẽ với tôi đủ thứ chuyện. Em đem ra khoe tôi từng cái áo mới may mà hồi đó thỉnh thoảng lắm em mới may được một cái áo. Một lần, tôi ở Hà Nội vào bận việc quá, mãi gần chín giờ đêm mới về đến nhà. Trang đi vắng. Dì tôi dỗ cho hai đứa cháu ngủ xong mới bước ra chỗ tôi đang ngồi xem báo để chờ bà. Mới đến cạnh tôi bà đã chép miệng thở dài:

- Con Trang hồi ni cực quá chị ơi. Ai đời, em hắn phải đi buôn lẻ đường sữa ở ga Bình Triệu đó...

Đó là những năm đầu tiên sau giải phóng. Tình hình cả nước thiếu thốn đến nỗi bữa cơm của cơ quan tôi ở Võ Văn Tần thường xuyên chỉ có mắm tép với canh chua rau muống nấu suông với trái me. Dân Sài Gòn mua lương thực bằng tem phiếu, trong phần lương thực nhà nước bán có cả bo bo thay cho gạo - gọi là hạt cao lương. Nhớ một ông già vùng Bảy Núi một lần ra chợ tận mắt nhìn thấy hạt cao lương khi về chưa bước chân qua ngưỡng cửa, nhìn thấy tôi ngồi với con gái ông trong nhà ông đã kêu to lên, vừa kêu vừa cười ha hả:

- Bây ơi? Đời thủa nhà ai hột bo bo kêu bằng hột cao lương. Cha cha, tên hay dữ? Hột cao lương, hột cao lương...

Dì và em gái tôi, cùng mấy đứa cháu, không có hộ khẩu, không có tem phiếu, nên không phải ăn cao lương thay gạo, nhưng cả gạo lẫn thức ăn đạm bạc hàng ngày cũng phải xẻn xo lắm mới đủ. Mỗi lần đi công tác miền Tây, sẵn xe cơ quan, tôi mua về yến gạo, đem xuống biếu dì, cho em, dì tôi cứ ngồi thọc tay vào túi gạo, mắt sáng lên, tưởng như cả đời bà chưa từng bao giờ sống trong cảnh phong lưu, dư dả. Bà khen mà mặt rầu rầu:

- Chà gạo ngon dữ. Mà chị có tiền mô mà mua cho nhiều ri?

Còn em gái tôi thì cười tít mắt, sống khổ cực mấy nó vẫn không bỏ tính hay cười đùa nghịch ngợm:

- Dì khéo lo, dì ơi. Chị cho, cứ biết nấu ăn cho no cái đã. Chị Hoa, em cảm ơn nghe! Lúc mô có, chị cứ đưa xuống đây, không lo ế  mô...

Vậy là em gái tôi lúc này phải đi buôn đường sữa ở ga Bình Triệu? Nói là buôn, nhưng với chút vốn còm cõi còn lại, cô nữ sinh hoa khôi, cô giáo trường trung học, vợ sĩ quan ngày nào nay cứ đêm đêm hay sáng tinh mơ lại lóc cóc đạp chiếc xe cũ lên chầu chực ở ga Bình Triệu đón các đoàn tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào, len lỏi mua từng năm bảy hộp sữa, vài ba cân đường do các cán bộ hay nhân dân từ ngoài Bắc về thăm gia đình mang kèm vào bán để đỡ ít tiền tàu. Em tôi kể:

- Các anh các chị ấy nhìn em, biết em không phải là dân buôn bán nên có vẻ thương lắm, không muốn bán đắt. Mà em cũng thương họ, không muốn mua rẻ. Thế là có lúc họ cứ cò kè, dằng dai, không phải là đòi lấy thêm mà là đòi trả bớt tiền lại cho em, chị ơi...

Em tôi nói, miệng cười mà mắt lại chớp nhanh, ướt rượt. Nhưng vẻ xúc động chỉ thoáng qua, em lại cười tươi nói tiếp:

- Có lúc một mình đạp xe về, đêm khuya, đường vắng, em cũng sởn da gà lắm chớ chị. Nhưng nghĩ đến các cháu ở nhà, lại nghĩ đến phúc nhà mình không lẽ không còn chút chi, nên không sợ nữa. Mà nhìn em lam lũ xấu xí như ri, ai mà thèm, phải không chị?

Em nguẩy đầu cười, dáng hồn nhiên dễ thương vô cùng, làm tôi nghe em mà muốn chảy nước mắt. Trong bộ bà ba màu xanh dương giản dị, tóc vén gọn cặp cao sau gáy, trong ánh nắng rực rỡ buổi sáng sớm Sài Gòn trông em tôi vẫn thật trẻ và xinh đẹp. Lâm vào cảnh túng thiếu khổ cực, em đã bán đi hầu hết tư trang của mình, chỉ để lại một cặp cà rá nhỏ nạm mấy viên hạt xoàn nhỏ li ti, kỷ niệm ngày cưới của em. Cặp cà rá này em không đeo nữa mà đem cất kỹ, thỉnh thoảng ngồi chơi với tôi em lại lục từ đáy tủ lôi ra ngắm nghía, cà cà vào vạt áo rồi đưa lên soi trước mặt. Em bảo tôi:

- Cặp cà rá ni có đói đến chết em cũng không bán. Chị coi, sáng ghê không. Em và anh Thành yêu nhau, cực khổ lắm mới cưới được nhau đó. Thành cứ đến chơi với em là dì lấy chổi ra dì quét, rồi la em hết chuyện ni đến chuyện khác, liên hồi. Riết rồi anh ấy không dám đến nữa, phải hẹn gặp nhau nơi khác... Chẳng là anh Thành là dân di cư ngoài Bắc vô, lại là học trò nghèo, mà người theo em hồi đó toàn là người giàu không à, bác sĩ, phi công... đủ loại. Lằng nhằng mãi đến năm em hăm bốn tuổi dì đành phải cho cưới, không cho cưới thì để con gái ế chồng ở mãi đến già à? Đúng không, chị?

- Em đẹp thế, chắc là khó mà ở không đến già được, tôi đùa.

- Chị nói vậy là chị không biết tính em. Em đã ưa hay ghét ai, đã định một điều gì, thì đến chết em cũng không đổi ý...

Một phụ nữ như em gái tôi, sống bươn chải giữa một thành phố ô hợp như Sài Gòn hồi đó, với một mẹ già và hai con nhỏ trên tay, lại trẻ, lại đẹp, lại túng thiếu, trong một hoàn cảnh mà trước đây em chưa bao giờ tưởng tượng nổi là mình lại có thể lâm vào, quả không chút dễ dàng. Vẻ cứng rắn bên ngoài của em tôi biết rõ là em đã phải cố gắng đến thế nào mới giữ được. Dì tôi lo tất cả việc nhà, chợ búa, cơm nước, giặt giũ, chăm sóc hai cháu nhỏ. Bà già đi nhanh chóng, không phải vì vất vả mà vì lo lắng và vì thương con gái. Tuy vậy, cũng giống con gái, bà rất ít than thở, lại cứ muốn tỏ ra phấn chấn, cứng cỏi. Nhiều lúc, nhất là lúc có mặt Trang bà hay bảo tôi:

- Bữa mô anh Thành được về, chị vô đây, có món chi ngon nhứt tui nấu hết tui đãi chị...

Trang cười, đế theo:

- Dì nấu ăn khéo lắm đó, chị nghe. Hồi thầy còn sống, có lần họp đồng hương dì nấu đãi cả trên trăm người ăn, ai cũng phải khen... Chỉ tiếc rằng riêng cái mục nấu ăn thì em lại quá dốt, không học dì được chút mô.

Dì tôi vẫn tiếp tục dòng suy nghĩ:

- Anh Thành nhà ni, anh nớ thích nhứt món trộn ngó sen. ở ngoài nớ chị đã được ăn món trộn ngó sen răng chừ chưa? Ngon lắm, chị nghe... Bữa mô anh Thành về... Mà răng chừ anh Thành được về, chị hè? Có còn lâu lắm không?

Tự nhiên, dì tôi đang vui bỗng hạ giọng, lo lắng. Em gái tôi cười dòn:

- Không lâu mô, dì ơi. Anh ấy có làm chi mà ở lâu?... Nè, chị Hoa ơi, anh Thành mà đi lâu quá, không về, là em có bồ đó chị nghe! Thiệt đó?

Trang cười nói giỡn, tính em rất hay nói giỡn. Em còn trẻ quá, mà cuộc sống lại quá khó khăn, long đong.

- Cái con ni, ăn với nói, thúi òm! - Dì tôi đổi sắc mặt, lườm dài, la - Giỡn tùy việc, không phải gặp việc chi mi cũng giỡn được. Chị đừng nghe hắn, miệng như con rắn mà bụng dạ không có chi mô.

Dì quay lại nói tiếp với tôi rồi bỏ vào nhà trong. Còn lại tôi với Trang, em cười lè lưỡi nhìn tôi:

- Dì nói rứa là dì giận lắm đó... Chị ơi, sống thì phải giỡn cợt cho vui, chứ lúc mô cũng lo lắng buồn phiền thì sống răng được. Chị có đồng ý với em không?

Rồi Thành cũng được về, sau đúng ba năm đi học tập cải tạo. Thành về được một năm thì tôi mới có dịp đi công tác vào Sài Gòn và ghé thăm nhà. Vẫn căn nhà cũ nhưng bây giờ nom sáng sủa, rộng rãi hẳn vì có bàn tay thu dọn, sửa chữa, bày biện của một người đàn ông trẻ và tháo vát. Em rể tôi chưa đến ba mươi lăm tuổi. Trang không lăn lóc ở ga Bình Triệu nữa mà giúp chồng dọn một sạp nhỏ bán sách báo, đồ văn phòng phẩm linh tinh trước cửa nhà. Em tươi tắn và dường như lại đẹp hơn, hay cười hay nói hơn cả lúc trước. Em lại mang thai thêm một đứa con thứ ba. Dì tôi kéo tôi ra góc bếp, kể vụng:

- Ngó thì vui vẻ rứa nhưng cũng phức tạp lắm chị ơi.Từ bữa đi học tập về tôi thấy anh Thành răng mà như đổi tính nết, có lúc ngồi lỳ cả mấy tiếng đồng hồ, vợ kêu cũng không thèm trả lời. Con Trang hắn biểu tôi: dì cứ để kệ anh, riết rồi anh sẽ quen... Hắn chiều chồng còn hơn cả chiều con nít.

Còn Trang thì có lần kể:

- Anh Thành lạ lắm chị ạ. Có bữa anh hỏi em: Em thấy anh như thế này em có coi thường anh? Em nói răng em lại coi thường anh. Em thương anh thì trước sau em vẫn thương anh, hoàn cảnh mô em cũng sống được, cũng vui được, miễn là đủ ăn và vợ chồng con cái khỏe mạnh...

Rồi bẵng đi mấy năm, trở vào thăm tôi thấy gia đình em gái tôi đã hoàn toàn thay đổi. Thành đúng là một người đàn ông không cam chịu với số phận. Bắt đầu chỉ là gom góp toàn bộ vốn liếng góp một số cổ phần ít ỏi và đi làm cho một hãng sản xuất nước ngọt, bây giờ em đã là một thành viên trong ban giám đốc một công ty nước giải khát bề thế, dưới tay có cả mấy chục công nhân. Hồi đó các loại nước cô ca, pep-si và bảy úp chưa tràn ngập thị trường ta như hiện nay. Chẳng những ở Sài Gòn mà các loại nước hoa quả của em rể tôi còn có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây nữa. Sáng nào Thành cũng dậy sớm ra ngõ đón mua bánh mì pa tê nóng cho cả nhà, tự tay pha cho mẹ vợ ly cà-phê sữa, pha trà cho tôi rồi mới ăn sáng tươi cười chào tôi rồi dắt xe ra đi làm. Chiều về trong giỏ xe bao giờ cũng có bịch trái cây, nem chua, gà vịt quay hay một món đồ ăn tươi gì đó. Bia và nước hoa quả thì chất đầy tủ lạnh. Vẫn là căn nhà cũ nhưng đã xây thêm được một căn lầu rộng và đồ đạc trong nhà gần như đã hoàn toàn thay mới. Phòng khách được sửa sang lại, thay bộ salông mầu huyết dụ và kê thêm chiếc đàn dương cầm mới sắm cho cô con gái nhỏ. Em gái tôi vẫn vậy, bộ đồ mặc nhà cắt khéo, trang nhã và giản dị. Nước da trắng, cặp môi hồng tự nhiên (từ trước đến nay em cũng chỉ trang điểm khi ra đường). Tính tình có trầm hơn, nhưng vẫn vui vẻ, tinh nghịch và hồn nhiên. Cả ngày em gái tôi tất bật lên xuống gác, phụ với dì tôi lo dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước và chăm cho mấy đứa con học, đứa gái út đã bắt đầu vào lớp bốn. Khi tôi nói đùa với em rằng bạn bè có người bảo em bây giờ sướng như bà hoàng thì em lại cười có vẻ buồn và trả lời tôi:

- Em lúc mô cũng như lúc mô chị ạ. Em nghĩ giàu hay nghèo thì cũng chỉ một ngày ăn ba bữa... Có điều thấy anh Thành làm ăn được, ở công ty ai cũng quý cũng thương, anh ấy vui là em vui thôi. Nhưng mà em cũng đang rối lắm đây chị ơi...

- Có việc gì vậy em?

- Anh ấy đang làm đơn xin đi đó, chị. Đi đây là đi định cư ở Mỹ. Theo diện H.O dành cho sĩ quan ngụy có lý lịch đi học tập cải tạo ở Việt Nam từ ba năm, theo điều kiện của Mỹ. Việc Thành muốn đưa cả gia đình đi Mỹ này tôi đã biết từ lâu, Thành đã mấy lần tâm sự với tôi nhưng vì ý kiến hai vợ chồng chưa thống nhất nên chưa ngã ngũ. Em gái tôi thì bảo không gì bằng ở quê hương mình, bây giờ làm ăn được, "ngụy" hay "ta" thì cũng được đối xử như nhau, không như những năm đầu. Nhà cửa đã yên ổn, con cái được học hành tử tế. Không gì bằng bước chân ra cửa, ra phố đâu đâu cũng là người mình, nói tiếng mình. Hay gì ở nước người ta, nói cho cùng cũng chỉ là người ăn bám, ở nhờ... Nói chung Thành cũng đồng ý với vợ. Nhưng là người đàn ông phải lo chèo chống cho cả gia đình, Thành cứ phấp phỏng lo cho tương lai, nhất là lo cho mấy đứa con. Gia đình làm ăn như thế này tạm coi là được, không bằng ai nhưng cũng không thua kém nhiều người. Nhưng con cái lớn lên học xong Trung học thi đậu vào Đại học đã là việc rất khó. Học xong xin được việc làm lại là việc "trần ai" cơ hội chỉ tính bằng phần trăm. Đất nước này còn đầy phức tạp, khó khăn... Còn sang bên ấy, chắc chắn không thiếu gì việc để làm, để kiếm ra tiền, con cái sẽ được lo cho ăn học, tương lai nhất định bảo đảm. Người ta bảo Mỹ là thiên đường, là đất hứa, đi thuyền vượt biên biết là tám phần chết hai phần sống người ta  còn bỏ hàng trăm hàng chục lượng vàng lo lót để đi, huống chi mình trong diện được đi lại không đi hóa là người điên, người khùng. Sau này con cái nó cũng nói cho, cũng trách móc cho. Em gái tôi cuối cùng phải đồng ý với chồng.

Tôi có vào đưa tiễn gia đình em đi Mỹ, vì em đi lần này chắc là khó có dịp về thăm lại quê hương, chị em dì cháu chắc gì còn có dịp gặp lại nhau. Hôm đó ra sân bay mới chưa đến ba giờ sáng, trời còn tối mịt. Xe mới chạy ra khỏi cổng, Trang đã vội quay lại nhìn căn nhà cũ, trên mặt thoáng vẻ hoảng hốt, tuyệt vọng. Miệng em mếu xệch, nước mắt chảy ròng ròng. Thành ngồi bên vợ, vừa nói như dỗ, lại vừa như gắt:

- Em đừng khóc. Khóc đỏ mắt, họ cho là đau mắt lây không cho lên máy bay đâu.

Em gái tôi vội rút khăn chặm khô mắt. Nhưng từ đó ra sân bay em không nói câu nào. Mấy đứa con nhấp nhổm trong những bộ đồ mới cứng, đứa nào cũng sì sụt ngoái cổ nhìn mấy đứa bạn cùng lớp đang phóng xe theo ra tiễn phía sau. Thành cũng buồn thườn thượt, tay ôm khư khư bức tranh sơn mài khổ lớn tối qua một đoàn đại biểu của công ty vừa đại diện của ban giám đốc vừa đại diện nam nữ công nhân đến chào và tặng. Còn dì tôi thì không ở trong diện được đi, chỉ tiễn con cháu ra sân bay. Chưa xa mà đã nhớ con nhớ cháu, bà ngồi ở một góc xe, khóc ròng...

Thấm thoắt, gia đình em gái tôi sang Mỹ định cư đã được hai năm. Đi được vài tuần, em gửi cho tôi tấm ảnh chụp ở sân bay Los Angeles, do gia đình một người bạn đưa xe ra đón. Em đứng bên người bạn, cạnh chiếc xe hơi bóng lộn, buổi trưa California trời nắng to gay gắt như ở giữa Sài Gòn. Năm giờ sáng bay ở Sài Gòn, do chênh lệch múi giờ, quá trưa cùng ngày đã đến Cali. Vẫn chiếc váy dài xanh mầu nước biển mặc lúc ra đi, thân hình cao, thon thả. Nhưng nét mặt em buồn rười rượi. Thật không giống chút nào cô em gái luôn hiện diện trong tâm trí tôi, lúc nào cũng vui vẻ, tinh nghịch, kể cả trong những ngày em phải bươn bả buôn từng cân đường, hộp sữa ở ga Bình Triệu.

Bức thư gần đây nhất, Trang viết:

- Chị không thể hình dung được cuộc sống của bọn em bên này như thế nào đâu. Hai cháu lớn phải đi làm hai năm xong mới có thể vô đại học, chỉ có cháu út là sướng được vô luôn trường vì cháu học tiểu học... Kể ra khổ thì không khổ vì không phải lo từng miếng ăn nhưng buồn và cực lắm chị ơi. Em và anh Thành phải kiếm việc đem về nhà làm, người may bọc đệm người đính dây áo cho mấy xưởng may người Việt. Lúc có hàng thì lo làm tối mắt để kịp trả hàng, lúc không có hàng thì ngồi không nhìn nhau. Đi chơi thì không biết đi đâu. Thế là hết cực lại đến buồn, hết buồn lại đến cực. Đến tháng lại tối tăm mặt mũi lo đủ các thứ hóa đơn, nguyên tiền nhà một tháng đã hết cả nghìn USD rồi... Nhiều bữa em đau mà không dám nghỉ, không làm đủ hàng người ta giao người khác thì mình mất việc... Anh Thành em lúc ở nhà đóng vai "ông chủ", bạn bè quây quần, công nhân yêu mến, sang đây đóng vai thất nghiệp, ăn vào trợ cấp của cháu út (theo luật của Mỹ vợ chồng em được "ăn theo" cháu cho đến lúc nào cháu đủ 18 tuổi). Và còn đóng cả vai vú em: sáng đưa con ra bến xe buýt đi học, chiều lại ra đón về. Anh ấy lại ngồi lỳ hàng giờ không nói, như những ngày mới đi học tập về. Thấy anh ấy như vậy em quá thương, nên không nỡ trách. Con người ta ở đời đâu phải chỉ cần có miếng ăn, có phải không chị? Các con em đứa đi làm, đứa đi học, cứ sáng dậy từ 5 giờ ăn ba miếng là ra đi đến tận chiều tối có bữa phải làm thêm hay vô thư viện thì đến 9, 10 giờ đêm. ở bên này con cái là vậy, nó có công việc của nó, bầu bạn của nó, và đứa nào lớn lên một chút là tách dần khỏi cha mẹ. Kiểu sống khác bên mình mà chị. Em biết có gia đình, con cái sang đây đã vài năm đã chỉ đòi ăn đồ ăn Mỹ, hăm-bơ-gơ với lại pi-da, không chịu ăn canh chua cá kho hay thịt gà xé phay như ở bên mình nữa... Chị ơi em buồn lắm. Chị đừng hình dung em lúc nào cũng liến láu, cũng cười cũng nói như trước. Người ta nói Mỹ là thiên đường, thiên đường với ai chớ với những người như bọn em thì làm chi có thiên đường hả chị? Có những bữa sáng dậy, mây bay vào nhà, mình cứ bồng bềnh như trên mây. Đó thiên đường của bọn em là đó đó, chị Hoa ơi! Có lẽ con người em thích đơn giản, quen cuộc sống "hủ lậu" xưa nay nên không thích ứng được cuộc sống ở đây chăng? Chị có tin không, có lúc em nhớ quay quắt những ngày ở Việt Nam, nhớ phát khóc lên được. Nhớ dì, nhớ các anh các chị, mà nhớ cả những ngày lận đận ở ga Bình Triệu nữa. Có kỳ không hả chị? Chị có tin em không?..."

Tôi đọc thư em gái, vừa buồn cười lại vừa thương, hình dung rõ em đến từng nét. Tôi tưởng như không phải đang đọc thư em mà em đang ngồi trước mặt tôi, nheo nheo hai con mắt cười, và nói từng lời từng lời với tôi. Chỉ có điều khác trước đây, là hai con mắt của em tuy cười mà lại không vui chút nào. Trông thật buồn, rất buồn...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com