hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-908.htm

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh

Cây hoàng liên rễ đắng

Biết! Sao chả biết? Tội à. Nhiều! Tội "học gạo". Tội nóng tính. Tội kiêu kỳ. Cả tội châm chọc con trai nữa... ối. Nhưng nặng nhất vẫn là tội "chống kèn".

Kén. Dại gì mà chẳng kén. Lấy chồng chứ có đi đánh giặc đâu mà phải vội. Kệ, mày đã hai con thì con mày phải gọi tao bằng bác. Nghe chưa! Mới ngoài hai chục tuổi đầu thôi, còn trẻ chán. Bao giờ có cháu gọi bằng bà lấy chồng cũng chưa muộn.

"Eo ôi! Người ta bảo đến cái tuổi "hăm", tuổi "băm" mà chưa chịu lấy vợ lấy chồng thì dù có thông minh như mày, cái bệnh "hâm" nó cũng chẳng nể. Mà hâm đến "tỷ độ" cơ Chung ạ. Chứ sao! Tỷ độ hay "bầu trời độ", "vũ trụ độ" cũng kệ nó, sợ cóc gì!

Nói thế cho vui thôi chứ tôi biết ở cái tuổi này cũng chẳng còn trẻ trung "man mác" gì nữa. Nhiều người bảo tôi kén chọn. Nhiều người bảo tôi ế. Nhưng chắc chắn là kén chọn. Vì người ta thấy không ít những "đối phương" của tôi sau khi hăng hái "tuyên chiến" đã phải rút lui một cách nhẹ nhàng. Tôi không đẹp. Ngay cả ở cái tuổi ban mai tươi thắm nhất cũng vậy thôi. Thế mà người ta lại bảo tôi có duyên. Duyên ngầm. Thật buồn cười. Ngầm ở cái gì? ở đôi mắt dài như hai chiếc lá tre đặt  chếch, ở cái sống mũi cao hơi quặp hay ở nước da nắng già? Không! Chả ở cái gì cả. Có chăng chỉ ở mái tóc "phi dê" rất kiểu cách không hợp với con nhà lính tý nào. Thỉnh thoảng lại buộc làm hai túm, ngúng nguẩy hai bên gáy. Có lẽ vì nó mà người ta bảo trông tôi có dáng trí thức. Cũng chả phải! Người ta nói "mát" đấy. Tôi chỉ là một cô gái thường. Một "thím" lính rất thường.

ở đội điều trị chỉ có tôi với chị Sơn là gái nên cái gì cũng được "chiều hơn". "Đây nhá, mỗi cậu chỉ được có hai: Hai tem, hai phong bì, hai pơluya. Thế là nhiều chán rồi. Thừa à, phần hai cô tất. Con gái là tình cảm người ta "ướt át" hơn cánh ta. Thế nhá! Còn đây là thuốc lá của đơn vị gửi vào biếu trạm. Giao cho cậu Thân quản lý. Cấm ngửi trước đấy nhá. Tối sẽ liên hoan chung với anh em thương binh cả thể. Gớm, chưa chi cậu đã sợ thiệt cho các cô ấy à. Không hút được thuốc lá thì đã có thứ này".

A! Chị Sơn ơi! Bồ kết. Sao nhiều thế! Gội đầu không lo rít tóc nữa nhé. ồ cả kim, cả chỉ, cả chỉ thêu nữa này. Thích quá! - Trạm phó đổ trong túi cóc ra đầy một mũ.

Cả anh em thương binh cũng vậy. Hôm nào khỏe vào rừng chơi, thế nào họ cũng đem về được một cái gì: một cây rêu đá có tán lá đẹp lăn tăn, xòe ra như đuôi con công rất đẹp. Một bông hoa có mùi thơm là lạ và cái tên rất đặc biệt "hoa chiến sĩ". Để các cô ép giữ làm kỷ niệm.

Thế mà lạ, chỉ có bác sĩ Nguyễn - trạm trưởng là có lẽ ít để ý đến những chuyện như thế. Trông cái dáng đi lúc nào cũng rất vội vã, người ta biết anh còn nhiều việc: làm sao chuyển thương binh về tuyến sau bảo đảm an toàn. Đón nhận thương binh từ mặt trận chuyển đến. Chuẩn bị một ca mổ khó của đồng chí Đỗ Khắc Hòa. Trạm phó kêu thiếu thuốc gây mê. Thiếu thực phẩm bồi dưỡng cho anh em bị thương nặng. Những thứ đó làm cho trạm trưởng càng thêm khắc khổ. Không hiểu sao, tôi có cảm giác hình như  đối với tôi anh cố tình lạnh lùng hơn. Có lẽ vì tôi chỉ là một y tá mới bổ sung về trạm, còn anh ấy đã là một "cây phẫu thuật" già dặn. Rất giàu về kinh nghiệm chuyên môn. Cần gì! Đúng, mình chỉ là một y tá. Nhưng y tá giỏi có học thức. Anh tưởng chỉ có anh mà đã thành công một ca mổ đấy à? Không có y tá như tôi xem? Làm cóc gì đã phải vội khinh nhau. Nhưng không, không phải đâu! Mọi người vẫn khen là anh ấy tốt. Đến ngay như chị Sơn cũng nói thế. Anh ấy vui vẻ với mọi người - Trừ có mình - mỗi mình mình. Có thể vì mình là đứa em út trong đội mà cũng "cứng cổ" nhất đội nên anh ấy không ưa.

Ai còn lạ gì con nhà lính. Đến ngay như củ chuối mà bỏ vào ba lô khoác theo bộ đội thì rồi cũng biết tán, biết nô ra phết. Nói gì đến những anh đã có "khiếu bẩm sinh" từ trước. Nô thì nô. Cười vui mặc kệ. Đừng có tán ấm ớ mà dại. Tôi không thích thế. Làm sao lại cứ phải: "Trông Chung thông minh quá!"  "Chung có vầng trán bác học quá", "Chung có giọng hát tuyệt quá". "Chung có..." Thôi đi! mang ra chỗ khác mà nói. Tôi không muốn nghe nữa. Cái gì cũng "Chung có". Tôi có phải là trẻ con đâu mà phải nịnh.

Nguyễn thì khác hẳn. Không bao giờ anh ấy khen tôi lấy nửa câu, cũng chẳng bao giờ anh ta bỏ qua cho tôi một thiếu sót gì, dù là nhỏ nhất. Không hiểu sao tôi cứ bị "người ta" "trùy", tý gì cũng lôi ra cuộc họp mà mổ xẻ thì bố ai mà nhịn được. Tôi nóng nảy, như thế là có hại à? Hại tôi chứ hại gì đến nhà anh mà anh cũng gọi tôi đến để phê bình. Anh hữu khuynh, anh thiên vị. Anh là trạm trưởng anh có quyền. ức muốn nấc lên mà không nấc được. Tủi thân quá! Tôi chỉ muốn xin đi. Đi ngay. Đâu cũng được. Miễn là đừng phải nhìn thấy "người ta" nữa.

Thiên hạ vẫn còn lắm người oái ăm. Biết thế mà họ vẫn còn gán ghép. Họ bảo anh ấy rất yêu tôi. Phải. Yêu lắm! Yêu đến nỗi tôi đã từng phát khóc lên rồi đấy. Đã thế, tôi cũng chẳng ngọng gì mà không tìm cách trả đũa. Chờ cho hôm ngồi buộc lại băng, đông đủ cả tôi mới hỏi trêu tức, rất lễ độ:

- Chú Nguyễn được mấy các em rồi ạ?

- Này! Cấm đấy nhá! Trạm trưởng của tôi là chưa hề có "em" nào đâu đấy! Cấm được dò cái kiểu ấy - Một ông nào nói.

Tôi lừ mắt:

- Vớ vẩn. Thế thím ấy công tác ở đâu ạ?

- Gần lắm. Ngay đây thôi, còn rất trẻ nhá! Trẻ như cô ấy. ừ cũng hao hao giống Chung anh Nguyễn nhỉ? Chỉ phải mỗi tội "cương tổ amiđan" - Anh ta nháy mắt nhìn Nguyễn.

"Ông ạ, ai mượn mà ông phải nói leo". Ghét thế, cái anh chàng Thân láu cá. Tôi nhìn sang Nguyễn, anh vẫn cười lặng lẽ. Khuôn mặt hơi đỏ lên. Có lẽ là ngồi gần lửa. Sao mà hôm nay trông hiền thế? Chưa tha đâu, ông cũng sẽ phải phát khổ phát sở lên mới thôi.

Rồi cũng may, Trạm trưởng nhận được lệnh vào sâu trong tuyến trong. Vội quá, chẳng ai chuẩn bị được gì. Hôm anh đi, cả đoàn kéo nhau tiễn chân ra tận bờ suối cạn. Ai cũng có vẻ luyến tiếc người bác sĩ trẻ của họ. Mấy anh em trong đội thì hơi buồn. Họ nhớ. Sao chị lại phải khóc hả chị Sơn? Chia tay là người ta "kỵ" nước mắt lắm đấy nhá! Em thì em chả biết là mình đang vui, đang buồn hay đang giận dỗi. Trông em ngây ngô đến buồn cười hả chị?

Anh ấy vui vẻ chia tay với từng người. Tôi vẫn bị chừa lại sau cùng. Em làm cho anh giận lắm à? Sao tay anh run ghê thế nhỉ? Không! Em biết, không phải anh sợ đâu. Không cái gì có thể làm cho anh sợ được. Vâng, anh đi đi. Khổ quá, đừng nhìn thế nữa. Anh Nguyễn!

... Thế là từ nay, em đỡ phải nghĩ ra những chuyện rắc rối để trêu anh. Anh cũng đỡ khó chịu vì phải gần con bé bướng bỉnh. Hôm nay anh đang ở đâu thế? Rừng trong ấy chắc là nhiều mưa lắm nhỉ? Vì em nghe thấy sấm cứ ầm ì đuổi nhau chạy dồn về phía ấy. Đừng thức đêm nhiều thế nữa nhá. Trông anh gầy và già đi nhiều so với hồi em mới đến rồi đấy.

Khi xa nhau, người ta hay tâm sự với bạn bè để chia sẻ vợi đi một phần nỗi mong nhớ. Mình không muốn thế. Tại sao lại cứ phải để cho người khác bận tâm đến việc riêng của mình. Không phải em giấu chị đâu, chị Sơn ạ. Anh ấy nói chuyện với chị như thế à? Em thì không. Anh ấy chẳng nói với em một câu nào. Nhưng em vẫn cảm thấy, em vẫn biết. Thế em mới càng trêu ngươi tợn. Nhiều lúc "anh" buồn. Vẫn tưởng em còn giận đấy.

Chị hỏi thế thì chịu. Yêu từ bao giờ à? Em không biết. Nhưng có lẽ từ sau cái hôm chúng mình đi rừng lấy cây thuốc nam ấy. Dạo ấy sao em ngông cuồng thế nhỉ? Em cứ muốn trổ tài cho anh ấy biết: Em không đến nỗi là một đứa "đụt" mà anh đã phải coi thường. Cũng bắt đầu vào mùa mưa lũ. Nước trên thượng nguồn đổ về cuỗm đi bao nhiêu hoa trái rụng! Khiếp thật đấy! Hàng tháng liền chẳng biết mặt trời ngủ quên ở đâu. Quần áo của  thương binh giặt xong cứ phải hơ suốt mà nào củi có cháy. Sờ vào đâu cũng chỉ thấy ẩm sì sì và sặc mùi oi khói. Trạm trưởng thì cứ lo cuống đế lên, vì tắc đường, không sao đi lĩnh được thuốc.

Thế là một "chiến dịch" đi kiếm cây thuốc bắt đầu. Phấn khởi quá! Em là người xung phong hưởng ứng đầu tiên. Dứt khoát, về mặt này, em dứt khoát hơn đứt các anh các chị rồi. Hơn cả bác sĩ nữa đấy, trạm trưởng ạ! Ngày còn ở nhà, em vẫn thường được sai đi cân thuốc bắc cho ông nội, em biết nhiều cây thuốc lắm. Cây rau diếp dại có hoa vàng ấy gọi là bồ công anh. Bồ công anh với cây sài đất, cây liên kiều dùng cho tiêu độc. Còn củ mài gọi là hoài sơn, cây chay rừng thì gọi là sơn tra. Cả hai thứ này đều là thuốc tiêu hóa. Kiết lỵ thì chữa bằng quả xoan  rừng, thấy chưa. Thấp khớp à, uống xây đơn gối hạt, không có thì đơn mặt trời cũng được. Đơn mặt trời là cây mà hôm qua anh nào hái được mang về đấy. Leo tận vào sau dãy núi đá! Mệt đứt hơi mà em vẫn cứ "bốc". Đến khi nhấm phải một củ đắng ngòm ngòm thì em cứ cãi sống, cãi chết nó là củ hoàng bá. Vì chỉ có hoàng bá với hoàng cầm là đắng nhất rồi còn cái gì nữa. Nó là thuốc giải nhiệt đấy. Cứ giã lấy nước uống là hạ sốt ngay. Có lẽ không nhịn được cười nên bác sĩ Nguyễn quay lại:

- Nếu để cho cô làm bà lang thì cô đã kê đơn cho ối người "về" trước tuổi mất rồi cô Chung ạ.

Em đỏ mặt lên, vặn lại:

- Thế anh bảo nó là cây gì đây?

- Thưa đồng chí, nó là cây hoàng liên đấy ạ - Bác sĩ hài hước - Rễ cây hoàng liên cũng đắng lắm chứ. Nhưng hoàng liên thì chữa bệnh tâm hỏa, hoàng cầm chữa can hỏa, hoàng bá chữa phế hỏa. Nếu giã lấy nước chỉ tra thay thuốc đau mắt là tốt, chứ ai bảo cô uống sống mà hạ nhiệt. Và thế là luôn thể anh giảng cho mọi người về dược tính, về cách sao tẩm, cách bảo quản các vị thuốc. Em ngớ người ra, có những cây cỏ rất bình thường mà anh ấy bảo chữa được bệnh trọng. Hai tai em cứ nóng cháy lên giần giật. Sao anh không nói ra trước là anh cũng biết để em còn... Rõ là điếc không sợ súng.

Nhìn anh ấy, em bắt đầu thẹn!

Chị biết không? Hôm đi, anh ấy còn cười bảo: "Chung còn nhớ cây hoàng liên không? Đừng có nhầm nữa đấy nhé! Rễ nó đắng thế, nhưng lại rất mát. Thuốc đắng bao giờ cũng là vị mát". Em nóng mặt, anh đừng nhắc lại nữa. Em biết, nhiều căn bệnh vẫn phải trị bằng thuốc đắng.

Năm cuối cùng.

Những ngày ôn thi sao mà bận. Nguyên nhân gây ra bệnh Zona là do một vi rút hướng thần kinh, gần giống như vi rút của bệnh thủy đậu và vi rút của bệnh épect. Triệu chứng của nó là gì nhỉ? Mệt quá, ngồi thừ ra dưới gốc cây phượng vĩ góc trường. ánh nắng mầu nhựa thông trong suốt. Bóng những chùm lá phượng lăn tăn, xòe những cánh tay mềm mại vẫy nhẹ nhàng trên hàng chữ. Một tiếng gọi to. Tôi giật mình:

- A! Chị Sơn! Sao lâu nay chị không sang thăm em hả, hả?

Mừng quá, chỉ kịp xỏ vội mỗi một chân dép chạy lại. Có lẽ chị còn mừng hơn tôi nên chiếc xe đạp dựng không kịp vững, đổ kềnh ra bãi cỏ. Mặc kệ. Chị lắc mạnh hai vai tôi:

- Chung! Mày có tin sốt dẻo đặc biệt.

- Lành hay dữ chị?

- Vừa lành vừa dữ. Nhưng lần này phải công nhận chính thức đi thì "đây" mới nói.

- Nhận cái gì mới được chứ?

- Không biết! Cứ nhận thì nói, không còn lâu!

- Bà dạo này "quái" lắm đấy! Vâng thì tôi nhận. Quá quắt.

- Nhưng phải giữ chặt lấy tim đấy nhá. Nó mà rụng xuống dạ dày là tôi không đền được đâu.

- Thôi, có nói thì nói, không thì bỏ ra. Chẳng cần nghe nữa.

Tôi ngúng nguẩy hất tay chị ra rồi vờ lên mặt giận. Chị Sơn nhìn tôi phì cười:

- í  giời! Lại giở "sách" nũng đấy! - Rồi đột nhiên chị nghiêm hẳn lại: - Anh Nguyễn về, biết chưa?

Tôi mở to mắt ra, trân trân nhìn chị.

- Thật mà, anh ấy về! Sáng nay gặp ở hai linh ba. Không nhận được ra anh ấy nữa. Về an dưỡng hai tháng nay rồi mà chả đứa nào biết.

Không! Chị cứ bỏ ra! Em có làm sao đâu. Chị cứ tưởng em không tin à? Em có khóc đâu nào. Tự nó cứ giàn ra đấy chứ. Dạo cuối năm học thứ hai, nghe tin anh ấy bị chết bom khi đang dở ca mổ, em có hề khóc tý nào đâu. Chỉ sau một đêm mất ngủ, bạn bè kêu em lạ hẳn đi. Rồi một tuần, họ tưởng em ốm vì lo học. Điểm em vẫn cao! Lạ thế. Thấy em tự nhiên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chúng nó bảo "mày học vừa chứ không lại mụ người đi đấy".

Vâng, đúng cái hôm gặp chị ở ngã tư cầu đá đấy. Em cứ tưởng chị biết rồi cơ. Với lại nói ra làm gì. Tin vui người ta mới cần thông báo chứ cái tin buồn nên giữ kín là hơn. Sao như thế lại là không tốt hả chị Sơn? Thế mà chị không rủ anh ấy xuống đây chơi một thể.

- Anh ấy hỏi mày chuyển đi đâu? Được mấy cháu rồi, tao bảo nó phục viên về quê. Cháu thì ối. Anh ấy bảo, thế thì mừng cho mày đấy. Phấn khởi em nhá - Ngừng một lát chị Sơn lại ríu rít - Nhưng đùa thế thôi tao nói hết về mày. Nói rất chi là cặn kẽ. Việc gì mà tao phải giấu. Nghe xong, anh ấy chỉ gật đầu rồi lặng hẳn đi. Tao hốt quá, không dám nói nữa, sợ anh ấy buồn. Lâu lắm, anh ấy mới rủ rỉ. Không biết nói với ai: tao hay anh ấy:

- Mình vẫn tin là Chung sẽ làm được như thế, Chung có nghị lực. Không biết bây giờ còn giận tôi nữa hay không? Sơn ạ, thực lòng tôi rất yêu Chung. Hay phê bình cũng là để Chung mau tiến bộ. Có lẽ vì thế mà Chung hiểu lầm tôi. Nhưng như thế cũng được. Những chuyện yêu đương ở chiến trường chỉ làm vương vấn cho nhau. Biết ngày mai mình thế nào mà bắt Chung chờ đợi. Chẳng hạn như bây giờ thôi cũng làm khổ Chung biết bao nhiêu.

Im lặng. Bỗng chị Sơn bóp chặt tay tôi:

- Chung ơi, nếu như bây giờ anh ấy chỉ còn một cánh tay thì Chung sẽ nghĩ sao hả Chung?

Em chết lặng người đi. Chị Sơn, sao chị hỏi em ác thế? Còn phải nghĩ làm sao nữa. Có phải bàn tay đã để lại bao nhiêu điều nhân đạo. Cái bàn tay đã gắp ra những mảnh đạn tàn ác của quân thù. Bàn tay ấy đã chỉ cho chị em mình những cây thuốc đắng và có phải chính nó đã rung lên khi chìa cho em bắt không? Rồi nó sẽ lại mọc lên thôi. Những ngón tay mảnh khảnh ấy.

- Anh ấy viết cho cậu mấy chữ, bằng tay trái, rất cừ nhé, nhưng nghĩ sao lại vo đi, bảo sáng mai sẽ xuống tận nơi thăm các thầy trong trường một thể. Mình phải cấp tốc đạp xe xuống báo trước để "người ta" khỏi bị choáng đột ngột. Nhưng Chung ạ, mình đoán hình như anh ấy vẫn có cái gì ngài ngại cho Chung, ngại với bạn bè của Chung thì phải.

Không được! Anh Nguyễn! Anh không được nghĩ về chúng em như thế. Em giận đấy! Bạn bè của em là bạn bè của anh. Họ tất nhiên sẽ quý anh. Và chắc chắn khi gặp anh, họ sẽ hiểu rằng bảy, tám năm nay em không phải là một cô gái kiêu kỳ và kén chọn.

Nhưng em biết giới thiệu về anh như thế nào với họ. Anh Nguyễn!...

ơ hay! Nói chuyện với chị mà em lại cứ nghĩ về cây hoàng liên rễ đắng. Sao thế hả chị Sơn?


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com