Chị đi như người mộng du trên đường phố ngày này qua ngày khác. Phố Lê Hoàn ngày xưa tĩnh lặng là thế mà bây giờ ồn ã, tấp nập, hàng hóa chẳng thiếu một thứ gì, sạp hàng nào cũng đầy ăm ắp và lộng lẫy. Thị xã Thanh Hóa vừa to lại vừa nhỏ. To vì nó choán một vùng đất khá rộng, một chiều từ cầu Hàm Rồng đến cầu Quán Am dài ngót chục ki-lô-mét, một chiều từ dưới sân bay Lai Thành lên đến Rừng Thông cũng dài khoảng như thế. Thị xã có núi, có sông, có đường xe lửa, đường ô-tô xuyên Việt chạy qua. Nhưng nó nhỏ vì vẫn tàng tàng, phố xá chưa đâu vào đâu. Nhà cửa mạnh ai nấy xây, hai ba tầng, thòi ra, thụt vào tùy thích. Trông cứ nghèo nghèo, tức tức thế nào ấy. Chỉ được cái lắm người. Thị xã của một tỉnh hơn ba triệu dân cũng có khác. Vừa thẫn thờ bước, chị vừa suy ngẫm. Hơn mười năm mới có dịp trở lại thị xã quê hương, chị như lạc vào miền đất lạ. Lân la dò hỏi qua bao nhiêu chặng, bao nhiêu người chị mới biết được người chị đang tìm ở phố này. Ba ngày với mấy chục lần quay đi quay lại và cả hàng chục giờ ngồi ở bên kia đường nhìn qua, ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng người chị cần thấy.
Rét dữ trong những ngày đầu năm và hanh khô làm cho chị mệt mỏi đến bã bời. Mười năm ở Nha Trang, Sài Gòn, Đà Lạt, chị đã quen với khí hậu miền Nam. Nước da trắng hồng và khuôn mặt đẫy đà của chị như cũng bợt bạt, teo tóp lại vì thời tiết. Chốc chốc chị lại khúng khắng ho khan, nước mắt tứa ra, hiện trạng của một cơ thể sắp suy sụp. Chẳng thể chờ đợi mãi được, chị đánh bạo đến trước ngôi nhà ấy. Trong các sạp hàng ở phố này, có lẽ sạp hàng của nhà này là lèo tèo nhất. Gọi là sạp cho nó sang, thực ra chỉ là cái chõng tre bày các thứ bánh kẹo, mỳ ăn liền, mỳ chính, bia chai, nước giải khát, có cả nước chè đá, nước trà chén. Ba cái ghế băng quây lấy quầy hàng. Chủ hàng là một thiếu phụ dưới bốn mươi có khuôn mặt của Đức Mẹ Đồng Trinh. Vừa thấy chị bước vào quán, chủ quán chào mời ngay:
- Em mời chị nghỉ chân. Thưa chị, chị có dùng thứ gì không ạ?
- Cô cho tôi một ly trà nóng. Lạnh dữ!
- Vâng, mấy năm nay lại mới có một đợt rét dữ như thế này. Em mời chị.
Chị đỡ ly nước, mắt không rời người thiếu phụ. Chị nhấp từng ngụm nhỏ và chú ý quan sát phía trong ngôi nhà.
- Hình như chị mới trong Nam ra?
- Sao cô biết?
- Nghe chị nói, em biết. Nhưng chắc chị là người ngoài này?
Chị không thừa nhận bằng lời mà bằng nụ cười rất duyên, chiếc kiếng mát to bản choán một phần đáng kể của khuôn mặt chị làm cho chủ quán không nhận ra chị đang chăm chú quan sát nhà mình.
- Mấy hôm nay em vẫn thấy chị qua lại đây nhiều lần. Chắc chị đang có công chuyện làm ăn?
- Không! Tôi đang chờ người nhà từ Lạng Sơn về. Họ hẹn gặp tôi ở đây. Sao nhà cô vắng người thế?
Thiếu phụ nhìn chị với cặp mắt thiện cảm:
- Dạ, nhà em và cháu lớn đi làm, hai cháu nhỏ đi học. Đến tối, cả nhà mới sum họp đông đủ.
Chị đặt ly trà xuống bàn, lấy mùi xoa lau miệng rồi mở lọ dầu gió thoa nhẹ lên mũi, và hai bên thái dương.
- Cô bao nhiêu tuổi mà đã có con đi làm rồi?
Thiếu phụ cười, hai tay phủi phủi gối quần:
- Em ba sáu, cháu đầu năm nay hai mốt.
- Mẹ con chênh nhau có mười lăm tuổi?
- Vâng, cháu đầu là con riêng của anh ấy.
- Thế còn mẹ cháu?
- Chị ấy bỏ lại cho anh ấy từ khi cháu mới lên mười.
- Bỏ lại?
- Vâng! Chị ấy theo một người nào đó, không rõ đi đâu, nhưng có gửi thư về cho anh ấy ly hôn, chị ấy bảo không thể sống nổi với cái gia đình nghèo đói ấy đến trọn đời được.
- Anh ấy làm nghề gì?
- Trước đây anh lái xe tải, nhưng anh đã bỏ nghề.
- Cô cho tôi một điếu thuốc.
- Chị mời thuốc gì ạ?
- Thuốc gì cũng được. Vì sao anh ấy lại bỏ nghề?
- Chuyện dài lắm chị ạ. Vợ chồng anh chị ấy chỉ có một cháu trai. Anh lái xe cũng có đồng ra đồng vào. Chị ấy làm công nhân nhưng dạo ấy nhà máy không có việc làm, chị phải lên ga xe lửa buôn bán lặt vặt, mấy lần chị theo bạn bè lên biên giới Lạng Sơn. Về sau, chị có quan hệ với một anh lái tàu, anh biết nhưng cũng chỉ khuyên ngăn chị sơ sơ. Chẳng hiểu vì sao, chị bỏ chồng con đi luôn. Thấy anh ấy nói, chị ấy đẹp người, đẹp nết. Khổ, chị em mình vẫn cứ khôn ba năm dại một giờ, thế là tan vỡ. Anh như người mất hồn. Chồng em đi phụ xe cho anh ấy, nhiều hôm về phàn nàn với em. Anh Nguyên độ này thế nào ấy, hôm nay lại suýt đổ xe. Những khi như thế, nhà em chưa có bằng lái chính vẫn phải lái thay anh. Một lần xảy ra tai nạn...
Thiếu phụ không cầm được nước mắt, nghẹn ngào nói chẳng nên lời. Chị ngồi nghe, vừa xúc động vừa hồi hộp.
- ... Xe đổ, nhà em vào bệnh viện được hai hôm thì mất, anh Nguyên phải vào tù. Thông cảm với khó khăn của anh, em nhận cháu Sinh, con trai anh về nuôi. Thế là với cái quán này, bán nải chuối, ấm trà, mấy gói kẹo nuôi ba miệng ăn. Con gái em năm ấy mới lên ba, có cháu Sinh về ở cùng, mẹ con em cũng đỡ góa bụa, đơn côi.
- Cô cho tôi một ly trà nóng nữa.
Thiếu phụ nhìn chị, ái ngại:
- Sao người chị nhợt nhạt đi thế, không khéo chị lại bị cảm, chị vào trong nhà nằm nghỉ một lát.
- Không sao, cô cho tôi một vài thìa đường vào ly trà.
Khi đã uống vài ngụm nước trà đường chị lại khúng khoắng ho.
- Các cháu có được đi học không?
- Chị bảo các cháu không đi học thì ở nhà làm gì. Được cái cả ba anh em đứa nào cũng chăm học và học được. Hồi còn trong trại giam, anh biên thư về bảo cháu Sinh có gì trong nhà đem bán đi lấy tiền đưa cho tôi nuôi cháu ăn học. Nhưng em không cho cháu bán. Nhà có gì đáng kể đâu chị, ngoài cái tủ hai buồng, cái đài cũ, vốn liếng có đồng nào chị ấy đã cuỗm đi cả rồi.
- Anh ấy phải ngồi tù mấy năm?
- án ba năm, nhưng anh chỉ phải ngồi có hai năm.
Khi anh về em cũng đã mãn tang chồng. Chúng em tự sống chung với nhau, chẳng cưới xin gì. Cách đây năm năm, em sinh thêm một cháu trai. Thế là chúng em có cả con chung và con riêng. Phúc nhà là ba anh em nó rất thương nhau. Nói giấu gì chị, em chỉ thương thằng cháu Sinh, ngoan ngoãn, siêng năng, chăm chỉ học hành, thế mà hai năm thi vào đại học năm nào cũng chỉ thiếu nửa điểm. Vợ chồng em khuyên cháu học lại, thi năm nữa, nhưng cháu đòi đi làm, học thêm vào buổi tối. Năm nay cháu định thi vào Tin học. Em đã bàn với bố cháu, sang tháng sau gửi cháu ra Hà Nội cho cháu ôn thi, lại có người anh họ dạy học ở ngoài ấy, nhờ bác giúp cho. Em nghĩ rồi chị ạ, nó bị mẹ bỏ rơi, mình thay mẹ nó mà không cho nó học nên người thì không đành. Có phải không chị?
Càng nghe thiếu phụ kể chị càng như người mất hồn. Những gì người thiếu phụ kể như những ảo ảnh nhào lộn, quay cuồng trong đầu chị. Không thể còn nghe thêm được nữa, nghe nữa chị sẽ òa khóc mất, sức chịu đựng của chị đã quá tải rồi. Thanh toán tiền, chị đứng lên và nói:
- Cô giỏi lắm, nhân đức lắm. Tôi sẽ còn trở lại. Chào cô.
- Không khéo chị ốm mất. Mặt chị tái bợt đi rồi.
Còn một hiện tượng nữa thiếu phụ trông thấy mà không dám nói. Hai mắt chị mọng nước và cơ má giật giật như người sắp lên cơn động kinh.
Thật là trớ trêu, chị thuê một phòng trọ ở khách sạn Sao Mai, mỗi lần mở cửa sổ lại nhìn thấy căn phòng ở gác bốn trên ngôi nhà năm tầng, đường Phan Chu Trinh. Đó là căn phòng đã một thời vợ chồng chị sống với nhau êm thấm ở đấy. Chiều chiều chị bế bé Sinh ra cửa sổ nhìn xuống đường lắng tiếng còi nhịp ba xe IFA của anh vang lên ở ngã ba đường Nam Bắc thành, báo cho mẹ con chị anh đã về. Bé Sinh nghe tiếng còi xe quen thuộc muốn trườn ra khỏi tay mẹ, vẫy tay gọi bố líu ríu: "Bố! Ping, ping, ping! Bố đã về". Anh bước vào phòng, người sực mùi dầu mỡ. Anh xòe hai bàn tay lấm lem dầu mỡ ra trước mặt con:
- Nào, bố bế con cưng nào.
Bé Sinh thụt cổ lại, ôm cứng mẹ, cười rúc rích.
- Eo ơi, bố "bửng" lắm.
Dù nóng hay lạnh, về đến nhà là anh đi tắm. Bao giờ chị cũng chuẩn bị sẵn cho anh chậu nước, khăn tắm, quần áo và bánh xà phòng thơm để trong nhà tắm. Khi đã thật sạch sẽ, thơm tho anh mới ra với mẹ con chị. Tất cả những gì vất vả trên đường anh coi như đã trút hết đi, đùa với con và dành những lời âu yếm, mềm mại cho chị. Mang tiếng lái xe thì lắm tiền, nhưng đâu phải. Thời bao cấp, được một đồng về đến xí nghiệp phải chia năm xẻ bảy. Phần cho giám đốc, phần cho đội trưởng, phần cho kế hoạch, điều độ vận tải, tài vụ. Mỗi khi xe vào xưởng lại phải cống nạp cho quản đốc, tổ trưởng, anh em thợ thì đòi đủ thứ. Không chơi đẹp với họ là không xong, nằm đấy suốt tháng mà nuốt nước bọt. Ngoài ra còn tiền nhà, tiền điện, nước, hai vợ chồng làm cật lực nuôi một đứa con nhỏ mà vất vả, tằn tiện qua ngày. Khó nhất là mỗi khi ốm đau, con quấy quả, bên nội, bên ngoại có việc hiếu, hỉ, có lúc không biết sờ vào đâu, vợ chồng chị phải chạy vạy giật tạm, hoặc vay lãi. Anh vẫn bảo chị: "Nhà mình có khó khăn nhưng còn đỡ hơn nhiều nhà khác". Chị cũng hiểu như thế, nhưng chị không phải là con người cam chịu. ở Thanh niên xung phong chuyển ngành về xí nghiệp cơ khí tỉnh, vì không có nghề nghiệp gì nên chị phải làm lao động phổ thông như thu dọn nhà xưởng, quét tước, khuân vác và khi cần thực thi các việc sai vặt của quản đốc phân xưởng. Nhưng chị không cam chịu như vậy. "Cũng là một kiếp người" là câu nói đầu lưỡi của chị. Bằng vừa làm vừa học, bốn năm sau chị đã là thợ tiện bậc ba và cứ vài năm một lần thi tay nghề chị lại được lên bậc. Đùng một cái chị cùng chung số phận của hàng trăm công nhân trong nhà máy, bị mất việc làm vì nhà máy đình đốn, không có khách đặt hàng. Đất nước thì mở cửa, nhà máy chị thì đóng cửa. Một lần nữa chị lại trồi lên. Gửi con vào nhà trẻ phường, chị lên ga đón mua hàng trên tàu trong nam ra. Có gì mua nấy, khi là hoa quả, bia, thuốc lá, khi là gạo, mỳ ăn liền... Lúc đầu mua về chợ thị xã bán lẻ, sau dần dần mua đấy bán đấy. Thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp lao vào cuộc sống thương trường, chị tái xuân thật sự. Hai má lúc nào cũng rừng rực hồng như đang say, cặp mắt đen, mi dài vốn đượm buồn cũng long lanh ươn ướt. Từ mua đón ở sân ga, được người mai mối chị trực tiếp giao dịch với lái tàu. Có lần họ giao cho chị lô hàng ngót chục triệu đồng mà không cần giao kèo, thế chấp. Chị thanh toán với họ sòng phẳng sau khi bán hàng. Làm ăn bận rộn như thế nhưng chị vẫn cố thu xếp chiều chiều đi đón con ở nhà trẻ, về lo chu đáo cơm nước cho chồng con. Nếp sống trong nhà đã thay đổi từ khi chị mượn được người cô họ lên giúp việc. Rộng chân, chị bắt đầu theo tàu vào nam ra bắc. Có khi biền biệt cả tuần. Mọi thứ ve vuốt bờm xơm, nịnh nọt trên tàu chị đều vượt qua được hết. "Sách" của chị là "lấy độc trị độc". Thân với mọi người đàn ông mà họ muốn dính với chị, ban phát cái nhìn và nụ cười ưu ái cho tất cả họ để họ canh chừng lẫn nhau. Anh đàn ông nào cũng tưởng chị là của riêng mình và phải bằng mọi cách bảo vệ chị, không để cho kẻ khác giành giật chị. Chị thấy cuộc đời không phải như gia đình chị, quê hương chị, hay hơn nhiều, hấp dẫn hơn nhiều. Chị đã thề trách mình, trách chồng. Tuy vậy, chị vẫn cố giữ thân. Nếu không có chuyện xảy ra sau đây thì chị vẫn còn là chị. Hôm ấy tàu ra đến Quảng Bình thì mắc lũ. Hai ba ngày nằm chờ nước rút, do ăn uống tạm bợ lại luôn luôn ướt nước mưa, chị bị cảm lạnh, đau bụng đi ngoài. Người ta bảo đấy là bệnh tả. Chị lo lắm và ai ai cũng lo cho chị. Hùng là thợ lái tàu, anh có tầm vóc lực sĩ và đẹp trai. Mỗi lần chị lên tàu, Hùng dọn nơi nghỉ của anh cho chị mượn, còn anh thì nghỉ chung buồng với anh em thợ máy. Chị là khách của cả kíp thợ. Trong quan hệ Hùng luôn luôn giữ đúng mực, không bao giờ tán tỉnh, cợt nhả chị. ở đây, tất cả đều là đàn ông, không có ai cùng giới nên chị phải nhờ Hùng xoa dầu đánh cảm cho chị. Anh làm việc ấy ngượng nghịu, vội vàng, hai tay run lật bật. Đêm ấy mọi người phải đi kiểm tra đường tàu và góp sức cùng cảnh sát bảo vệ tàu, trở về đầu máy ai nấy đều mệt phờ, đặt lưng xuống là thiếp đi ngay. Chị khỏe lại rất nhanh, trong giấc ngủ mê mệt chị nằm mộng thấy những con rắn rất to bơi trên mặt nước đang lao vào người chị. Hùng ở dưới đường vừa leo lên toa đầu máy nghe tiếng chị hét thất thanh, anh đẩy cửa phòng chị bước vào:
- Chị Tầm, có chuyện gì thế?
- Cứu tôi...
- Chị mơ à?
Anh đặt tay lên trán chị thấy mồ hôi ướt đẫm. Trong ánh sáng nhờ nhờ từ thị xã hắt lại qua cửa kính, anh thấy áo xống của chị như bung ra tất cả. Có lẽ nóng quá và mệt mỏi chị đã kéo tung ra mà không biết. Hùng ngồi ghé xuống mép giường, lấy khăn gối lau mồ hôi trán cho Tầm rồi lau xuống cổ, xuống ngực chị, Tầm nắm lấy tay Hùng và giữ chặt ở giữa ngực...
Cuộc đời bắt đầu thay đổi từ giây phút ấy. Chị đã cố cưỡng lại số phận, nhưng đã không cưỡng lại được sự cám dỗ tầm thường, cay đắng hơn là chị đã chạy theo cám dỗ ấy. Dù nếu chỉ có thế chồng con chị cũng chưa đến nỗi hoàn toàn mất chị. Cái chính là sau đó, chị đã không tự hối mà còn dấn thêm vào những lỗi lầm không thể sửa chữa được. Chị quyết làm lại cuộc đời, kiên quyết dứt bỏ tất cả tình yêu và đạo lý, vứt bỏ tất cả những gì mà chị đã từng vun đắp, nâng nhấc để đi tìm cái ngoài tầm tay chị. Nhưng mọi sự mê muội rồi cũng phải tỉnh lại, mọi sự say đắm chợt đến rồi cũng đến lúc chán chường. Dù ngoài yêu thương còn có quý mến chị, nhưng Hùng không thể bỏ con tàu, bỏ vợ con ở thành nam sôi động. Còn chị? Ngay cả khi chị đã thuộc về Hùng vẫn còn bao nhiêu người đàn ông vây ráp chị. Cũ đối với Hùng nhưng mới đối với họ. Một người đàn ông rồi lại một người đàn ông khác dang rộng cánh tay đón chị, đưa chị đi Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt cho đến khi những khâu, những chỉ tuột ra khỏi hầu bao của chị thì họ chia tay chị. Chị như miếng mỡ rán đến teo tóp lại thì họ vĩnh biệt chị không một giọt nước mắt, đúng ra là họ trốn chạy, bỏ chị trên đường đời, bơ vơ với quê người. Một người bạn giang hồ nghe dòng tâm sự của chị đã nói với chị:
- Tao chẳng có gì để mà mất để mà đi tìm. Còn mi, mi đã có tất cả nhưng mi đã giũ bỏ tất cả để đi tìm cái không có. Khổ thế. Ước gì tao có một người chồng, một đứa con, một căn nhà nhỏ như mi.
- Bây giờ mày bảo tao phải làm gì?
- Về!
- Về đâu?
- Nơi mi đã từ đấy ra đi.
- Liệu có quá muộn không?
- Biết thế nào là sớm hay muộn. Nếu là mi, dù phải chết dưới chân chồng con tao cũng trở về với họ.
Để mặc cho hai dòng nước mắt chảy như suối, Tầm gục đầu xuống hai gối nghe bạn nói.
- Liệu họ có còn yêu thương tao nữa không?
- Chỉ biết rằng mình đã nhận ra lỗi lầm, mình vẫn yêu thương họ. Có lẽ trong những tháng năm vừa qua có lúc mi đã quên họ như họ chưa hề có trên đời này và có lúc mi đã oán trách họ, căm giận họ, nhưng có lẽ chưa bao giờ họ bước ra khỏi trái tim mi. Có phải hiện thời mi đang nhớ thương họ, đang cầu mong được nhìn thấy họ, dù chỉ chốc lát, thế thì cứ "nhào dô" còn mắc mớ chi nữa.
Tầm nhìn thẳng vào mắt bạn:
- Trời ơi, sao mày giỏi, tài tình thế, mày đã đọc được từng ý nghĩ trong tao.
Nói rồi chị gục vào vai bạn mà khóc nức nở. Bạn chị lại nói:
- Tao lớn lên chẳng biết bố mẹ là ai. Đi làm qua bao nhiêu nhà chủ là bấy nhiêu lần qua tay ông chủ và cũng từng bấy nhiêu lần bị bà chủ quẳng ra đường. Tao chỉ cần có một thằng đàn ông yêu thương tao, coi tao như một người vợ đúng với nghĩa của nó, thì dù cả đời làm nô lệ cho hắn tao cũng vui.
- Có lẽ mày chưa được làm vợ...
- Đúng, nhưng tao đã thấy rất rõ thế nào là vợ chồng. Không có cặp nào trọn vẹn, nhưng vẫn là vợ chồng. Không có sự chung đụng nào của một thằng đàn ông với một con đàn bà như tao với mi hơn được vợ chồng.
Cứ thế, người bạn gái giang hồ bằng tuổi chị đã dạy bảo chị, khuyên can, đe nẹt, mắng mỏ và cuối cùng còn những gì là của nả chị ta san sẻ cho chị và đẩy chị lên chuyến tàu Thống Nhất.
Vào nhà tắm trút bỏ hết quần áo, mở hết cỡ vòi hoa sen cho nước ấm xối xả xuống người như chị muốn tẩy rửa tất cả những gì là dơ bẩn, lầm lạc. Ra khỏi nhà tắm với tấm thân để trần, chị đứng trước gương ngắm lại mình. Có già hơn mười năm trước một ít, đôi mắt đã có thêm những nếp nhăn, ngực hơi chảy, nhưng chị thấy mình là người đàn bà còn nhiều ma lực. Có lần chồng chị đã la lên: "Ôi, trời ban cho anh". Hùng và những người đàn ông khác cũng đã kêu trời lên khi được nhìn chị như thế này. Bận bộ bà ba đen và khoác ra chiếc áo len mầu xanh da trời, chị thấy mình đã là một người khác, xinh đẹp hơn. Má và môi lại hồng lên, cặp mắt đen lúng liếng, hàng mi dài thần diệu khêu gợi đến mê người. Chị làm tất cả những việc ấy theo thói quen. Đi đâu bây giờ? Lại đến trước ngôi nhà ấy mà rình mò, đón đợi ư? Ôi, con tôi nó đã lớn đến chừng nào rồi? Con có còn nhận mẹ là mẹ của con nữa không? Ôi, anh Nguyên, từ ngày sống với nhau, em đã làm được những gì cho anh? Chưa, chưa làm được gì đáng kể mà phần nhiều dựa vào anh. Đứng núi này trông núi nọ. Đứng ở góc độ nào cũng tự thấy mình kém cỏi, không dưới một lần em thầm trách anh đần, không biết làm kinh tế, em muốn tung hê tất cả, làm lại từ đầu và em đã giũ bỏ tất cả những gì đã vun đắp để đến nỗi chỉ còn hai bàn tay trắng, phải đi tìm lại cái mình đã có. Trời ơi, liệu chồng con tôi có tha thứ cho tôi? Lại còn người đàn bà góa bụa, nhân đức kia nữa. Cô ta đã đón lấy tất cả những gì mình bỏ đi và bây giờ cô ta đã có tất cả. Còn mình, mình thèm được như cô ấy, ước gì lấy lại được những gì mà mình đã giũ bỏ..."
Chị khép cửa bước ra đường phố với nỗi lòng cay đắng, bề bộn, đầy dằn vặt.
Chị tiếp tục đi tìm cái đã có. Tội cho thân chị, cái đã mất làm sao có thể lấy lại trọn vẹn, chỉ có thể làm lại từ đầu với cái giá đắt hơn - cái giá của sự bội bạc.
Đêm đã xuống, những cặp vợ chồng, những đôi trai gái khoác tay nhau đến Nhà hát Lam Sơn. Còn chị, chị đi ngược dòng người ấy, một mình trơ trụi, bơ vơ; những tên đàn ông rửng mỡ nhìn chị thèm thuồng, buông lời chòng ghẹo. Với chị, như đang đi giữa sa mạc, tiếp tục theo đuổi những suy nghĩ, dằn vặt trỗi lên như dông bão trong lòng. Có cái gì dâng lên trong lồng ngực, chị lảo đảo gục vào cột điện đèn bên lề đường, cổ họng như tắc nghẽn, nước mắt trào tuôn...