Trong thư Rạng vẽ đường đi nước bước thật kỹ nhưng đến khi phía chân trời chợt hửng lên ánh ráng chiều muộn mầu da cam sau cơn mưa vừa tạnh, Đông mới bước lên chiếc xáng nằm thoi loi giữa cánh đồng đang mưng lên tiếng muỗi, tiếng bầy ễnh ương kêu uềnh oang. Rạng cảm ơn chú Sáu Hội đã dùng xuồng máy đuôi tôm chở Đông từ xóm Cây Gáo Đôi ra đây, mời chú Sáu nán lại vài phút uống trà, nhưng chú Sáu nói phải mang xuồng về cho cháu nội đi soi ếch. Mưa đầu mùa mà, ếch hội đó.
Đông bối rối nhìn chòi lá chật chội vừa đủ chỗ dựng chiếc ghế bố với căn bếp sơ sài kịp bắc lên trong mùa sa mưa, chưa biết ngồi đứng ra sao lúc trời sụp tối thình lìn. Còn Rạng thì hồ hởi huýt sáo miệng, mang túi xách người yêu đặt lên giàn cây trong nóc chòi, thắp ngọn đèn bão máng lên cây cột tràm còng queo, xách thùng đạn đại liên đựng gạo đặt xuống sàn phao thay chiếc ghế ngồi cho Đông, vui vẻ nói:
- Ban đêm anh trải chiếu ngủ ngoài trời. Mưa mới vô ngủ trong chòi. - Em đã ăn uống gì chưa, Đông?
- Em chỉ khát nước thôi.
Rạng dở nắp khạp múc ca nước mưa mát lạnh trao cho Đông và nghe cô kể:
- Đêm qua em ngủ trong nhà trọ ở chợ Mộc Hóa. Sáng nay mới kiếm được tắc ráng đi vô Kinh Tư. Từ Kinh Tư em quá giang đoàn xuồng trúm xuồng câu lươn đi sang kinh Bằng Lăng, kinh Mù U. Tới xóm Cây Gáo Đôi thì 4 giờ chiều. Trong xóm bà con ai cũng biết anh, nhưng đàn ông con trai đã ra đồng hết, còn đàn bà con gái thì thảy đều bận việc nên em ngại nhờ vả, may gặp chú Sáu Hội... Anh sống một mình ngoài đồng vậy hả?
Rạng loay hoay nhóm lửa un muỗi, cười lặng lẽ. Đông uống cạn ca nước mưa, úp chiếc ca nhôm lên nắp khạp:
- Lâu nay đọc thư anh, cứ tưởng Đồng Tháp Mười mình bây giờ đông vui lắm.
- Thì ở đây vui chứ đâu có buồn. Bây giờ bà con kinh tế mới về nhiều dựng nhà dọc dài hai bờ kinh Gáo Đôi. Tiệm quán, chợ búa họp rần rần, chỗ em ghé ban trưa đó, gọi là chợ Vàm.
- Nhưng từ đây ra chợ Vàm đâu có gần? Chú Sáu Hội đưa em đi từ 4 giờ mà giờ mới tới đây!
- Nghề xáng thổi xáng cạp thì quanh năm suốt tháng là vậy mà em?
Đông ngước nhìn chiếc xáng giơ hai gọng sắt khẳng khiu máng chiếc lồng cạp hả càng im lìm trông như con cá mập ngoác miệng đớp mồi hắt bóng đen trũi lên nền trời xanh thẫm, thở dài:
- Nhưng sống vầy buồn chết!
Rạng xách gộc cũi tràm lục đặt xuống cạnh Đông, ngồi chống tay lên cằm ngắm người yêu:
- Trông em hơi mập ra chút xíu. Nhưng vẫn đẹp. Nhà có chuyện gì không vui hả Đông?
Hai dòng nước mắt ứa ra trên mặt Đông:
- Đẹp đẽ gì. Anh nói làm em thêm tủi thân. Chẳng lẽ anh không thấy, không biết gì sao?
Rạng ngỡ ngàng, chưa kịp hiểu vì sao cô khóc thì Đông đã lau nước mắt khẽ khàng kéo tay Rạng đang choàng qua vai cô đặt xuống chiếc bụng hơi căng tròn phập phồng sau làn áo vải phin, để Rạng vui mừng cảm thấy đứa con mang họ anh sắp tượng hình...
- Được mấy tháng rồi em?
- Tháng thứ 4...
Giọng Đông không thôi tức tưởi:
- Ba em nói ổng không từ em, không ghét bỏ gì em, nhưng gia đình theo đạo dòng từ mấy đời nay rồi, nhà ổng không thể chứa con gái chửa hoang. Ông già cho phép em ra khỏi nhà mướn nhà trọ ở chờ ngày sanh hoặc là em tạm dời đi đâu đó sinh đẻ rồi mang con về nhà thì ổng nhận nuôi. Nhưng con mình phải mang họ mẹ. Tánh ông già kỳ cục vậy đó. Má định gởi em về quê ngoại. Nhưng em lén trốn xuống đây với anh... Không ngờ anh sống cô quạnh như vầy. Giờ em không biết tính sao nữa...
Rạng cảm động lau nước mắt người yêu:
- Sao em không viết thư báo tin là em có thai cho anh biết? Anh sẽ xin nghỉ phép về Sài Gòn tạ tội. Anh không có ai thân thích ở Sài Gòn nhưng chúng mình sẽ tổ chức lễ cưới đàng hoàng. Theo anh, ông già cư xử như vậy thì ông không phải là người khó khăn, nghiệt ngã. Tại mình cũng có lỗi mà.
- Chuyện đến mức này, em không dám trách oán gì ai. Cũng do anh có địa chỉ chỗ nào rõ ràng đâu mà bảo em viết thư? Với lại xưởng may mới nhận em vô hợp đồng dài hạn, em đâu dám xin nghỉ việc đi tìm anh? Bất ngờ ông già biết tin em có thai, ổng nổi đóa đuổi em đi, nên cực chẳng đã em mới chạy xuống đây với anh. Không ngờ ở chỗ anh tình thế lại vầy.
Rạng hôn người yêu, vỗ về:
- Thì có gì khó khăn lắm đâu nè? Cây lá xứ này thiếu gì? Sáng mai, anh sẽ nới rộng căn chỉ đủ chỗ cho ba người. ở xứ đồng không mông quạnh này con nít lớn nhanh như thổi. Em đừng lo... Mọi việc rồi sẽ ổn hết thôi.
Đêm đầu tiên trong đời hai người trải chiếu tự do thoải mái nằm cạnh nhau, cùng ngửa mặt ngắm sao trời lung linh trên cao bát ngát, xao xuyến luồn tay đặt lên bộ ngực trần ấm áp lắng nghe tiếng con tim hòa trộn với tiếng đêm về, nghe văng vẳng đâu đây tiếng chim bìm bịp kêu dài gọi con nước lớn, tiếng cúm núm rúc lên khắc khoải từng hồi xa xa giữa lùm lau sậy, chán chê đôi bạn tình nghiêng mặt đắm đuối nhìn vào mắt nhau thấy giữa khoảng không lặng tối từng bầy đom đóm lập lòe. Khi sương xuống nhiều, Rạng định bế Đông vào trong chòi lá, nhưng Đông nhoài người níu tay Rạng bảo nằm lại bên cô trong chiếc chiếu trải giữa trời, bàn tay cô cạ vào hàm râu rậm rạp lâu ngày không cạo của Rạng, thủ thỉ:
- Em nghĩ là em sinh con ra giữa mênh mông trời đất như thế này chắc con mình sẽ cứng cáp hoang dại lắm hả anh?
- Đồng Tháp Mười mình bây giờ sung túc lắm đó em. Muốn thứ gì cũng có. Thằng nhỏ sẽ không thiếu thứ gì đâu, nếu mình ráng kiếm tiền.
- Em thích có con gái đầu lòng. Có con trai, nó bỏ nhà đi biền biệt như anh thì khổ thân em lắm. Nhưng ở dưới này anh làm gì mà có tiền? Nè em nói trước, kỳ này em chỉ mang theo đủ tiền vô nhà bảo sanh thôi đó.
- Công việc của anh là nhận khoán. Căn cứ theo độ dài dòng kinh mới đào, mỗi tháng đoàn kiểm tra trên tỉnh về đo đạc tính lương cho anh. Thời gian rảnh anh sẽ mua thêm xăng dầu mang xáng cạp đất đổ nền nhà cho bà con ở dọc hai bên bờ Kinh Xáng. Anh làm thêm cả ban đêm nữa. Như vậy là mình đủ tiền nuôi con.
- Làm vậy có ổn không, anh?
- Chiếc xáng là ngôi nhà của anh. Có gì không ổn?
Một nụ hôn dài, đắm đuối cắt ngang cuộc tâm tình. Đêm yên ắng. Gió từ xa thổi về, mát rượi. Tiếng Đông thỏ thẻ bên tai:
- ở đây anh sống ra sao, kể em nghe.
- Những đêm nhớ em anh cứ ngắm sao trời, thử chọn cho anh và em mỗi người một vì sao chiếu mệnh như anh chàng chăn cừu trong truyện ngắn Alphonse Daudet.
- Ngôi sao chiếu mệnh của em là ngôi sao nào nào?
- Anh chọn cho em một vì sao ở hướng này nè. Hướng Sài Gòn. Nhưng đêm nay có lẽ do có em ở đây nên ngôi sao ấy mắc cỡ lặn mất rồi.
- Anh chỉ giỏi nịnh.
- Em thử hình dung đi, nếu em phải sống một mình giữa đồng không mông quạnh như thế này, truyền hình không có chỉ có cái radio lúc nào cũng được mở hết volume nên vào những đêm trời trong anh nằm đếm sao trời là trò giải trí khá thú vị đó.
- Những đêm ngửa mặt ngắm sao trời như vậy anh còn hình dung ra điều gì khác nữa ngoài chuyện nhớ em?
- Trước cái mông lung mênh mang bao la đến vô cùng tận của vũ trụ anh bỗng thấy con người mình trở nên nhỏ bé, đời người ngắn ngủi, cuộc sống mình trở nên vô vị, phù phiếm, hư vô, vậy thì gắng gỏi tranh đua làm gì cho cực thân. Có lập nên danh phận sự nghiệp lớn gì rồi ra con người cũng trở về với cát bụi hư không. Ngắm hoài nhìn mãi thấy trên bầu trời mông lung có quá nhiều điều bí ẩn, không thể giải thích được. Vũ trụ huyền bí bao la như hút cạn hết sinh lực của anh.
- Anh nói như một triết gia vậy.
- Hồi học trung học, anh không thích môn triết học vì thấy nó bàn luận những chuyện viển vông, không thực tế, nên sau khi đậu tú tài anh theo học ngành khoa học kỹ thuật rồi nửa chừng thì bỏ ngang ra làm thợ vì trúng tuổi quân dịch... Về đây, phải đối diện với sự mênh mông tĩnh lặng của đất trời, đêm đêm đầu óc anh lại vẩn vơ trĩu nặng những suy tư về lý lẽ sinh ly tử biệt, về tồn tại hay không tồn tại. Như Hoàng tử Hamlet vậy! Ôi chao, một anh thợ máy vô danh nghèo rớt mồng tơi như anh đến làm ăn ở xứ sở đồng hoang cỏ cháy, ở nơi gần như cùng trời cuối đất này mà cũng sính tư duy mê triết lý, nghĩ buồn cười thật.
- Bây giờ có em bên cạnh, lại biết mình sắp có con, anh đừng có mơ mộng viển vông nữa. Em cấm đó!
- Thu Đông nè, không dưng anh nhớ ngày mình tình cờ quen nhau, cũng ngẫu nhiên bất ngờ như chiều nay em xuất hiện ở đây vậy.
Dạo đó thành phố Huế vừa giải phóng. Tình hình Sài Gòn lộn xộn không tả xiết. Thiên hạ khắp nơi dồn về nhốn nháo, suốt ngày kháo nhau chuyện di tản, chuyện tắm máu. Đang tuổi trốn lính. Rạng nhận làm thợ máy cho chủ xưởng in người Tàu trong xóm Khánh Hội. Hễ máy móc xưởng in hỏng hóc là Rạng từ trên căn gác xép nhanh chóng xách bộ đồ nghề rón rén bước xuống dưới nhà, nơi đặt mấy dàn máy in typo đen xì ám khói ngồi âm thầm chữa máy. Nếu máy móc xưởng in chạy đều, thì Rạng trốn biệt trên gác xép, nghe đài đọc báo, đọc luôn những dòng tin buồn, quảng cáo, rao vặt không bỏ sót chữ nào... Do vậy tình hình quốc sự Rạng khá rành rẽ, thông thạo. Giữa trưa hôm ấy Rạng nôn nao mê mải mở đài theo dõi tin chiến sự, thầm mong ngày hòa bình Rạng được giải thoát, thong dong bước ra đường phố tắm nắng và ngắm nhìn thiên hạ, Rạng không nghe tiếng chuông reo hối hả mật báo tin cảnh sát vô nhà xét tờ khai gia đình. Đến khi tiếng bước chân bọn lính nện thình thình trên cầu thang gỗ ọp ẹp xen lẫn tiếng tiếng ho khan ám hiệu gấp gáp của lão chủ, Rạng mới quýnh quáng tắt radio, lách mình bước vô phòng vệ sinh thoát qua cửa sổ leo lên trần nhà, ẩn sau két nước, nằm ép mình trên dàn máng xối sét rỉ, có một cây khế cao to cành lá xùm xòa vươn lên che phủ. Không ngờ bên dưới kẹt máng xối là phòng tắm ngôi nhà hàng xóm, có một cô gái đang thong thả múc từng ca nước dội xuống tấm thân trần trắng nõn nà làm Rạng bỗng thấy rung động hoa mắt như bị chói nắng. Quanh năm sống như con dán âm thầm ẩn mình trong tối, chưa dám bước chân ra hè phố, hiếm khi tiếp xúc cánh phụ nữ thế mà lần này trước mặt Rạng bỗng hiển hiện một cô gái khỏa thân! Rạng không còn nghĩ tới đám lính cảnh sát chộn rộn xét nhà mà có thể một tên lính nào đó bước xộc vô phòng vệ sinh tình cờ đẩy cánh cửa sổ khép hờ ngó xuống dãy nóc phố lô xô mái ngói mái tôn là sẽ ngay tức khắc phát hiện ra Rạng đang nằm đấy, chênh vênh giữa trời mây. Rạng chỉ thấy mình đang hồi hộp nghiêng mặt liếc mắt xuống bên dưới phòng tắm chờ cô gái lạ ngước lên để được ngắm rõ dung nhan cô đẹp xấu thế nào. Như linh cảm có điều gì không ổn, cô gái khẽ khàng khép hai cánh tay che hờ bộ ngực trần rắn chắc trắng nhễ nhại ngước mắt lên chăm chắm dò tìm qua khe hở vách ván và chiếc máng xối rỉ sét trên nóc phòng tắm. Bất ngờ hai đôi mắt chạm nhau như bị điện giật làm Rạng cứng mình, không thể xoay chuyển, không dám cựa mình khi phía sau lưng đám lính cảnh sát lớn tiếng kỳ kèo trả giá với lão chủ về số tiền lo lót. Dù chỉ là một thoáng qua nhanh nhưng Rạng cảm thấy thời gian kéo dài vô tận. Cô gái lạ hốt hoảng vơ vội chiếc khăn lông màu tím hồng choàng qua thân thể ướt đẫm nước, đôi mắt mở to thẹn thò dán chặt vào mắt Rạng. Rạng nín thở vờ nhắm mắt lại đến khi mở ra thì phòng tắm bên dưới đã trống vắng, quạnh hiu, phả mùi sà bông thơm phưng phức.
Buổi chiều ngày 30-4-1975 đáng nhớ ấy, Rạng xin nghỉ việc, nhận đủ số tiền lương tháng từ tay ông chủ xưởng in người Tàu, ngập ngừng bối rối bước sang hàng xóm xin tìm gặp cô gái lạ, thiết tha khẩn khoản mời cô đi uống nước. Đến lúc Rạng mới biết cô tên Thu Đông.
- Thu Đông nè, em còn nhớ chuyện cổ tích Công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử không?
Đông mắc cỡ rúc sâu vào người Rạng:
- Nói thiệt là buổi trưa hôm ấy em ghét anh lắm, nên khi lần đầu anh bước sang nhà mời em đi uống nước, em đã định từ chối không đi. Con trai mà nhìn trộm người ta đang tắm! Xấu ghê!
- Chuyện tình cờ mà. Chắc tại số trời xe duyên hai đứa mình như Công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử.
Trong đêm nhưng Rạng cảm thấy được cái lắc đầu của Đông:
- Em chẳng phải là cô gái hippi đời mới thích phô bày thân thể trước mắt thiên hạ, ngay hồi còn là nữ sinh Trưng Vương đi Vũng Tàu tắm biển em cũng chưa bao giờ dám mặc bikini, nhưng thực tình em không quá bận tâm về chuyện đó. Em chỉ nhận lời mời đi chơi với anh khi biết anh là thợ trốn lính. Thấy tình cảnh anh cũng thương thương...
- Em không chê anh là chàng trai hèn nhát vì trốn lính theo như dư luận của thiên hạ hả?
- Cũng giống như anh, đậu xong tú tài đôi rồi đáng lẽ thi đại học thì em đi làm nữ công nhân kiếm sống, em chỉ mong có được một tấm chồng bình thường nhưng tận tình thương yêu chung thủy với vợ con, em chỉ mơ một gia đình yên ấm. Nhưng...
Không một chàng trai nào cảm thấy vui khi cô người yêu xem anh ta chỉ là một chàng trai bình thường không có tài cán gì đặc biệt. Rạng chạnh lòng gặng hỏi:
- Nhưng sao?
- Em chỉ lờ mờ cảm thấy sẽ có một điều gì đó bất ổn sắp xảy ra với hai ta. Nhưng chuyện gì thì em không thể biết.
- Em cảm thấy điều đó từ lúc nào?
- Khi em đặt chân lên chiếc xáng của anh với chiếc bụng bầu này.
Rạng xoay ngang ôm chặt người yêu:
- Em yên tâm. Tuy chỉ là một người chồng bình thường và bất tài, nhưng anh sẽ làm hết mọi điều để em được yên vui khi em đã rời bỏ gia đình xuống đây với anh. Sự yên ấm sẽ chỉ có được khi mình hết lòng tin yêu nhau. Em thật tình yêu thương anh chớ?
- Anh đừng có hỏi vớ vẩn như vậy nữa. Không yêu anh mà bỏ nhà xuống đây đẻ con cho anh ư?
- Anh xin lỗi. Ôi... anh hạnh phúc quá chừng!
Trong những đêm vui bất chợt khó ngủ Rạng thường khảy đàn cất giọng ca khan vài bài hát cổ nhạc thường là bản Vọng cổ do anh tự đặt lời. Tiếng đàn giọng hát của Rạng vượt lên trên sóng nước mênh mông, nhưng theo ngọn gió đồng phóng khoáng bay xa ngóng gọi những ngư dân đồng điệu mê hát hò đang soi cá giăng câu trên đồng để họ ngưng cắm câu buông tay lưới nhẹ nhàng thả dầm bơi xuồng tìm đến chỗ chiếc xáng lênh đênh rày đây mai đó của Rạng, để góp thêm vài tay đàn, giọng hát nhịp nhàng trong men rượu say. Mỗi khi có thêm bạn hiền trước lạ sau quen Rạng lại khơi cao ngọn lửa đêm nướng trui vài con cá lóc cá rô mề béo ngậy để can rượu nếp Gò Đen vơi dần trong tiếng đàn hòa giọng hát cho đến lúc hừng đông. Người bạn vong niên thường bơi xuồng đến chơi nhạc tài tử vào lúc nửa khuya với Rạng là thầy đờn Sáu Hội. Khi ấy Rạng trao cây ghita cho chú Sáu nhận phần hát ca, thảng hoặc đôi khi có đông người đến dự thì Rạng lo nấu nướng tìm thêm mồi nhắm rượu... Nhưng đêm nay đã có Thu Đông bên cạnh nên niềm hứng khởi của Rạng giờ đây chỉ là tha thiết ôm chặt Đông hơn như muốn san sẻ với người yêu niềm hạnh phúc vô bờ đang lan tỏa trong anh.
Đông bị đánh thức bởi tiếng rền khởi động của chiếc xáng vừa nổ máy. Cô vấn cao mái tóc dài, thả chiếc thùng nhôm xuống dòng kinh trong xanh múc nước lóng phèn rửa mặt. Rạng ngồi trong buồng máy điều khiển chiếc lồng cạp đất dưới lòng kinh thả đất xuống hai bên bờ kinh đang cao dần lên lổn nhổn đám bùn đất đen ngó xuống mỉm cười với Đông. Nước lũ tràn về mấp mé hai bờ kinh, ngó xa mặt nước mênh mông như biển sóng vỗ lăn tăn. Tuy đã quen tiếng máy rền trong xưởng may nhưng Đông vẫn cảm thấy người chếnh choáng bập bềnh khi lần đầu cô sống trên chiếc xáng đang vận hành. Mỗi lần chiếc lồng cạp xoay ngửa xoay ngang múc đất bùn nhả đất, Đông có cảm giác như cái thai trong người xao động nhẹ, cô đặt bàn tay xuống bụng xoa nhẹ: "Má con mình rồi sẽ quen dần với cảnh sống này thôi. Lần đầu tiên trong đời má đặt chân xuống vùng đất mà lâu nay má chỉ có đọc trong sách vở, xem trong phim, nên mọi cảnh mọi điều với má đều lạ lẫm, bỡ ngỡ. Nhưng má yêu ba, nên má nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ qua thôi. Con ráng chịu đựng với má. Chắc chắc là con sẽ chào đời trên chiếc xáng. Ngôi nhà đầu đời của con đó". Cuộc trò chuyện với đứa con tương lai trở thành thói quen của Đông từ nhiều tháng nay. Đến đêm Đông sẽ ngồi ghi lại những dòng hồi ức trong quyển nhật ký cô dành riêng cho con, để nó sẽ đọc khi trưởng thành. Rửa mặt xong Đông chẳng biết làm gì cho qua ngày, ngoài việc xếp gọn đồ đạc trong chòi lá, dọn dẹp lại bếp núc bộn bề, nấu ấm nước pha trà rồi bước ra ngoài ngoắc gọi Rạng. Rạng tắt máy leo xuống, mồ hôi đầm đìa. Nắng lên cao. Gió đồng thổi liu riu. Trời không nóng lắm. Hai người ngồi trong chòi lá tránh nắng.
- Em không tìm thấy cà phê? Bộ anh bỏ thói quen uống cà phê sáng rồi hả?
- Anh vẫn uống cà phê đều đều đó chứ. Có điều đã hết cà phê cả tuần nay rồi mà anh cũng quên gởi mua.
- ở đây anh đi chợ bằng gì?
- Thường thì tới ngày chủ nhật anh đi chợ Vàm sớm, uống cà phê ăn hủ tiếu rồi mua sắm gì đó với chiếc xuồng ba lá cột ở kia kìa. Nhưng chủ nhật tuần rồi anh dậy muộn nên làm biếng đi chợ. Thảng hoặc anh nhờ chú Sáu Hội mang hàng nhu yếu phẩm ra mỗi khi chú Sáu có dịp đi vô đồng giăng câu. Anh chỉ gởi mua bột ngọt, muối, nước mắm, tiêu hành tỏi ớt... Gạo thì trữ sẵn hàng tháng. Cá tôm ở đây đầy rẫy, chịu khó đi ra đồng chút xíu là có ăn rồi. Đêm qua anh mới đánh được mẻ lưới kha khá, cá vẫn còn rộng trong xuồng. Em đói bụng thì làm cơm sớm đi.
- Anh đói bụng chưa?
- Chưa. Anh phải làm việc cho đủ chi tiêu trong ngày.
- Em muốn tập bơi xuồng.
- Em biết bơi chớ?
- Biết.
- Tốt! ở xứ này chiếc xuồng được coi như là chiếc xe đạp. Nhưng mới tập đi xuồng thì em đừng có bơi xa.
Rạng hướng dẫn Đông cách cầm tay dầm, giữ lái ghìm xuồng, đưa cô bước xuống xuồng rồi thò tay tháo dây xích đẩy xuồng trôi xa khỏi chiếc xáng một đoạn mới trở lại ngồi trong buồng máy. Một cảm giác thơ trẻ náo nức dậy lên trong Đông như cô tham dự một trò chơi thể thao, nhưng khi Đông bơi mạnh, khuấy sâu dầm dưới đáy nước, người ướt đẫm mồ hôi thì chiếc dầm bỗng nặng chình chịch mà chiếc xuồng vẫn không trôi theo ý muốn, lúc ấy Đông mới hiểu rằng chỉ chuyện bơi xuồng đã là việc không đơn giản ở xứ này... Đêm đó, Đông mệt mỏi, đau nhức chân tay ê ẩm cả thân người đến mức phải đi ngủ sớm, quên ghi nhật ký... Nhưng đến chủ nhật tuần sau thì hai vợ chồng đã dùng chiếc xuồng ba lá, Rạng bơi lái Đông ngồi bơi đàng mũi đi chợ Vàm, ghé thăm chú thím Sáu Hội. Biết thêm thím Sáu là bà mụ ở trạm hộ sinh xã, Đông thấy yên tâm tới ngày sinh nở không phải đi đâu xa. Đông ở chơi, dùng cơm trưa với thím Sáu. Rạng với chú Sáu Hội đến từng hộ dân ký hợp đồng đắp đất nền nhà, sau đó nhóm ban nhạc tài tử nghe tin có Rạng ra thăm xóm Cây Gáo Đôi rủ rê kéo nhau tới dọn tiệc rượu.
Rạng phải làm thêm giờ đến khi trời chạng vạng tối. Đông đã bơi xuồng khá thành thạo. Cô bơi xuồng vào sâu trong đồng nhổ củ co, hái bông súng, bông điên điển, câu cá, cắm câu, đặt lọp, đặt trúm... Đông dám một mình bơi xuồng ra xóm Cây Gáo Đôi thăm thím Sáu Hội, đi chợ Vàm. Khi về Đông khoe với chồng thím Sáu Hội tặng cô chai mật ong với lọ dầu tràm. Đông hối hả làm quen với cánh đồng do cái thai trong bụng cô mỗi ngày một căng to. "Má học làm quen với mảnh đất này trước ngày sinh ra con. Nếu không thì má không biết làm gì, sống như thế nào nữa. ở xứ sở đất đai rộng cò bay thẳng cánh như vầy mà chịu cảnh thất nghiệp nghèo đói sao con? Má đã nhờ ba con xúc đất đắp cho mẹ con mình một cái nền nhà. Khi mẹ con mình cứng cáp sẽ mang con lên đó dựng nhà. Rồi má sẽ học cách trồng tràm, lập trang trại. Sống lênh đênh theo cha con trong chiếc chòi lá tạm bợ trên chiếc xáng cạp ầm ào, làm nhánh chùm gởi của ba con má thấy không có tương lai...". Đôi lần nửa khuya thức giấc, Rạng thấy vợ đọc sách và ghi nhật ký, nhưng anh không dám hỏi vợ mình đã viết gì. Đông vẫn giữ thói quen thị thành. Mỗi sáng Đông ngồi chải mái tóc dài, săm soi chăm chút mặt mày, ngắm nghía mình trong gương soi. Sau đó Đông cẩn thận múc nước từ dưới kinh đổ vào lu, lóng phèn mang vào nhà tắm, ở lì trong đó non một tiếng đồng hồ. Đông còn mua về chiếc bàn ủi đốt than. Quần áo Rạng trở nên thẳng thớm sạch sẽ hơn, nhưng cứ dính bùn đất lấm len dầu mỡ đến mức Đông không thể nào giặt sạch. Cô càu nhàu:
- Chiếc áo sơ mi xanh ấy em đã bỏ làm nùi giẻ từ lâu rồi mà sao anh vẫn lấy mặc?
Rạng cười toét miệng:
- Tối ngày anh ngồi trong buồng máy, gặp gỡ ai đâu mà chưng diện?
Đông nghiêm mặt:
- Vậy anh để em ở chỗ nào?
Rạng ngớ người, ấp úng. Đông giơ ngón tay trỏ ra:
- Em làm đẹp là để cho anh ngắm. Anh cũng nên như thế chớ, phải không?
Rạng chỉ muốn ôm hôn vợ, nhưng Đông né người tránh ra, đưa chồng chiếc áo mới:
- Anh mặc thử vào đi. Em mua cho anh mấy bộ quần áo mới nhập từ biên giới về rẻ rề hà. Không cần phải tiết kiệm nữa.
Đông mua thêm một radio cassette nghe nhạc thay cái radio cũ của Rạng chỉ nghe được tin tức. Đêm đêm những bản nhạc mới thời danh lại vang lên trong chòi lá. Rạng bỏ mất thói quen đàn hát cổ nhạc. Bạn bè lánh xa dần. Chú Sáu Hội cũng ít tới lui thăm viếng Rạng. Nghe loáng thoáng có lời trách cứ bay đến tai "Thằng Rạng mê vợ bỏ bạn nhóm nhạc tài tử rồi". Rạng cười không thanh minh. Anh quá bận bịu với công việc đổ đất đắp nền nhà mới trên hai bờ Kinh Xáng.
Tình cờ chiều nọ Rạng bỗng thấy từ chiếc cạp thả ra lẫn lộn trong đống bùn nhão một bức tượng đá đen khi anh đổ đất đắp nền nhà thứ ba mươi hai. Rạng tắt máy lội ào xuống dòng kinh xanh leo lên bờ đất moi từ đống đất bùn nhão ra một pho tượng. Phật bốn tay nhỏ cỡ một phần tư pho tượng Phật bốn tay Rạng thấy trong ngôi chùa Phật Bốn Tay trên đỉnh núi Ba Thê. Pho tượng đá đen tuyền, loại đá mài quý hiếm. Đã nhiều năm đi khai hoang trên cánh đồng trước đây là nơi tụ tập dân đào vàng đãi vàng tứ xứ, Rạng thường bắt gặp khi quả pháo lép, khi một bộ hài cốt và cũng có một lần chiếc lồng cạp bị nổ tung vì chạm phải một quả đạn cối còn ngòi nổ, nhưng chưa lần nào Rạng gặp bức tượng Phật bằng đá đen nét khắc đẹp tuyệt vời như thế này. Rạng hồ hởi mang pho tượng Phật xuống dòng kinh rửa sạch để pho tượng trở lại mầu đen huyền bóng láng. Rạng mang pho tượng lên khoe với vợ:
- Đông ơi, ra mà xem nè em!
Đông đang làm cơm chiều vội chạy ra giằng lấy bức tượng Phật trong tay chồng, trầm trồ:
- Đẹp tuyệt vời. Anh hên thật đó!
- Chuyện thường ngày mà em. Cũng may là đào trúng bức tượng chớ nếu rủi ro đụng phải bom pháo lép thì coi như phải thay chiếc lồng cạp. Con kinh này mới bị lấp thôi chớ thời kháng chiến nó là con đường giao liên dẫn tới khu Mõ Vẹt đó em.
- Bức tượng này thuộc nền văn hóa óc Eo.
- Em nói gì?
- Em đọc sách và biết được rằng vùng đất này tập trung nhiều khu mộ cổ, nhiều mỏ sò nguyên sinh và còn có cả vàng lá nữa đó.
- Em mới xuống đây mà sao rành vùng đất này dữ vậy?
- Vì em yêu anh. Em dự định sống luôn ở đây với anh không về Sài Gòn nữa, em sẽ lập trang trại trồng tràm, nuôi bò sữa. Do vậy mà em nghiên cứu sách vở thâu đêm, anh không thấy sao?
- Em của anh giỏi thiệt đó. Nhưng em lấy vốn ở đâu ra?
- Mới đầu em định vay vốn Nhà nước. Nhưng bây giờ thì khỏi rồi.
Đông giơ cao pho tượng, sôi nổi:
- Đây sẽ là tài sản trời cho. Trời Phật thương con mình, sợ con mình sẽ sống khổ trên cánh đồng hoang vu này đó anh.
Rạng trố mắt nhìn người yêu:
- Em định bán pho tượng này thật ư?
Đông hãnh diện tỏ vẻ người có hiểu biết:
- Đây là pho tượng cổ có tuổi thọ ít ra là từ thời Chen La. Bán được giá lắm đó anh!
- Nhưng ai cho em bán và ai dám mua?
- Anh nói lạ? Sáng mai em sẽ mang pho tượng về Sài Gòn. Chỉ cần anh kín tiếng. Của trời cho mà!
Rạng ngồi xuống, thấy đắng miệng, rót chén trà nhưng bình trà cạn khô. Đông tíu tít đi vào trong chòi lá mang bình thủy ra, thay trà mới, ngồi ngắm nghía pho tượng sáng nhấp nhánh trong ánh ráng chiều. Rạng uống xong ly nước trà nóng nhẹ nhàng ngó vợ:
- Đông nè, em định về Sài Gòn thiệt sao?
Đông âu yếm ngước nhìn chồng:
- Em có vài nhỏ bạn thân ở đường Đồng Khởi vài năm nay đã phất lên nhờ mua bán đồ cổ. Em sẽ nhờ tụi nó làm môi giới. Nhất định là vợ chồng mình sẽ kiếm được món tiền kha khá... Mà hồi đó tới giờ có ai lượm được đồ cổ giống vầy không?
Rạng trầm ngâm:
- Lai rai trước đây cũng có người đào được vòng vàng, đồ cổ. Riêng anh thì chỉ đào được vài bộ hài cốt còn pho tượng này là lần đầu tiên. Nhưng...
- Nhưng sao?
- Nhưng tụi anh đã tình nguyện đem giao nộp cho Nhà nước hết rồi.
- Sao các anh thiệt thà quá vậy?
- Mỗi lần như vậy tụi anh nhận được một số tiền thưởng. Cũng như em, tụi em cũng nghĩ đó là của trời cho. Nhưng khi nghĩ tới những hài cốt liệt sĩ vô danh không người thân thích nằm cô đơn giá lạnh trên nghĩa trang chợ Vàm mà tụi anh tình cờ tìm thấy được cần phải được ấm tình người hơn, có nghĩa là nghĩa trang chợ Vàm phải được tu bổ xây dựng khang trang đẹp đẽ hơn mới có nhiều người tới lui thăm viếng. Thế là tụi anh mang số tiền thưởng từ của lượm được ấy cúng hết vào nghĩa trang.
Đông thản nhiên vào chòi lấy ra cái túi xách đặt pho tượng vào trong túi, mỉa mai:
- Các anh tốt bụng quá. Nhưng đáng lẽ ra các anh nên nghĩ tới người sống nhiều hơn. Sao anh không nghĩ đến em và con?
Giọng Đông cao dần lên:
- Tròn ba tháng nay em vứt bỏ hết thú vui cá nhân, những trò giải trí thông thường để tập tành làm cô gái đồng quê. Em nghĩ mình có thể gắn bó với cánh đồng hoang hóa này được là vì em yêu anh. Đọc báo thấy thiên hạ đua nhau lập trang trại trồng tràm, nuôi bò sữa em cũng mua sách vở khoa học kỹ thuật, sách nông nghiệp về nghiên cứu. Nhưng rồi nghĩ lại, đó chỉ là giấc mơ không tưởng, cái kiểu mơ mộng viển vông của anh khi đêm đêm anh ngửa mặt đếm sao trời. Vì cái chính là mình không tiền, không vốn liếng.
Rạng đặt tay lên vai vợ để an ủi cô, nhưng Đông gạt tay chồng ra, Rạng thẫn thờ nói:
- Rồi mình sẽ có vốn thôi mà. Em không thấy anh đã đắp được ba mươi hai cái nền nhà rồi đó sao?
Đông cười nửa miệng:
- Nhưng anh đã trả được đồng xu teng nào đâu?
Rạng cay đắng ngồi lặng im. Đông tiếp tục giọng đay nghiến:
- Anh sẽ nói là hãy thông cảm bà con mình còn nghèo khó chớ gì? Nhưng rồi ai thương xót cho mẹ con em? Nay mai con mình sẽ sống bằng gì? Suốt ngày bám theo anh lênh đênh bồng bềnh, điếc tai vì tiếng máy rền trên chiếc xáng của anh hả? Em yêu anh, nhưng sống quá lý tưởng như anh thì em xin chào thua.
Đông mang túi xách đứng lên đi khuất trong chòi lá. Lát sau có tiếng Đông gọi Rạng vào chòi ăn cơm, nhưng Rạng nói anh không thấy đói, ngồi câm lặng cúi đầu bên ly trà đậm.
Nửa khuya, Đông chợt thức giấc nghe tiếng đàn giọng hát ầu ơ của Rạng:
"Hò ơ... Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy giăng câu
Bậu câu cá bống
Kho tiêu kho ớt kho hành
Kho thêm ba lạng thịt
Để dành cho em ăn...
Bỗng nghe có tiềng dầm khua trên sóng nước, tiếng chân bước rung rinh sàn pháo tiếng người lao xao chào hỏi nhau. Đông hé mắt nhìn ra. Đống lửa củi tràn đã khêu cao ngọn. Có bốn người đàn ông ngồi quanh đống lửa đàn hát và uống rượu từ lúc nào chẳng rõ. Hình như có mặt ông Sáu Hội. Lần đầu tiên Đông chứng kiến đêm nhạc tài tử ngay trên sân phao chiếc xáng cạp, lẽ ra như thường ngày cô sẽ bước ra ngoài dự đêm ca nhạc, nhưng rồi cơn giận ban chiều ngăn giữ chân Đông. Cô thiếp đi trong tiếng hát lời ca một bản nhạc vọng cổ man mác buồn...
Hừng đông, Rạng thấy Đông đang trang điểm như một cô gái thị thành từ trong chòi lá bước ra. Chiếc nón lá che khuất cái bụng bầu, trong ánh sáng lờ mờ ban mai bãng lãng làn sương sớm Rạng như thấy lại cô Đông xinh tươi ngày anh mới quen. Đông đặt chiếc túi xách nặng chịch xuống trước mặt Rạng dịu dàng nói:
- Em đi về Sài Gòn chừng một tuần lễ thôi. Anh yên tâm... suốt đêm qua anh không ngủ hả?
Rạng lặng lẽ gật đầu. Đông bước tới vuốt má chồng. Rạng nhẹ nhàng vuốt ve bàn tay vợ. Đông cảm động:
- Em xin lỗi đã làm anh giận. Cũng vì con mình thôi anh à. Bây giờ anh vào trong chòi nghỉ đi. Hôm nay Chủ nhật mà!
Một ý nghĩ chợt lóe trong mắt Rạng, anh với tay lấy chiếc túi xách của vợ mở ra xem vờ làm ra vui vẻ:
- Để anh coi vợ anh mang về thành phố những gì nào?
Rạng lôi pho tượng ra cầm trên tay, thấp giọng:
- Đông, em hãy nghĩ lại đi. Làm như vầy là không phải, là có tội với vong linh những người đã chết đó!
Mặt Đông sững lại, hai dòng nước mắt chực trào ra nhưng đã kịp ghìm lại được, cô nói trong tiếng nấc nghẹn:
- Chưa chi anh đã vội phán xét em... Thôi được, anh muốn như vậy tùy anh. Mai này con mình sẽ phán xét lại anh đó!
Đông lặng lẽ mang túi xách xoay lưng trở vào trong chòi, nhoáng sau Đông trở ra âm thầm đi ngang qua mặt Rạng không nhìn anh bước thẳng xuống xuồng tháo dây xích nói mà không quay mặt lại:
- Em gởi chiếc xuồng ở bên chú Sáu Hội...
Rạng đứng lên, trong tay vẫn cầm pho tượng nhóng mắt chờ Đông quay mặt lại nhưng làn sương mờ ảo dâng lên che phủ chiếc xuồng trôi bồng bềnh trong lớp sương mù bãng lãng. Rạng hốt hoảng chụm tay làm loa chới với gọi:
- Chúng mình sẽ đặt tên con là Rạng Đông. Con gái hay con trai thì cũng nhớ đặt tên Rạng Đông nghe em. Rạng Đông!!! Rạng Đông!!!
Mặt trời hiện ra đỏ ối. Sương mù loảng tan nhanh. Bóng Đông hiện ra giữa dòng kinh dài xa tít tắp. Rạng như bị hút cạn sinh lực đau đáu ngoái nhìn về phía người mới rời anh, xa xăm như một vì sao đổi ngôi. Cho dù bầu trời có hàng vạn hàng tỷ ngôi sao nhưng mỗi người rồi ra cũng chỉ chọn cho mình một ngôi sao. Vậy là đêm nay Rạng sẽ lại có dịp ngửa mặt đếm sao trời, nhứt định Rạng sẽ tìm cho bé Rạng Đông một ngôi sao chiếu mệnh, để cả ba người sẽ cùng nhau hiện diện trên bầu trời huyền diệu mênh mông này.