Khoảng chín giờ tối đêm Ba mươi tết, anh Tri vất vả sang nhà tôi:
- Chú chở tôi đi đằng này tí xíu.
- Anh ở đây đón giao thừa, em có bia, bánh chưng đãi anh.
- Tôi phải đi và về nhà trước lúc giao thừa. Thôi, chú bỏ sách xuống. Thấy chú quanh năm gập mặt xuống bàn, chúi mũi vào sách, cả xóm kháo chú ngộ chữ. Tôi đoán chắc chú lấy sách để lấp khoảng trống nào đó trong đời mình. Mỗi chúng ta đều có một khoảng trống, phải có niềm đam mê gì đấy để khỏa đi.
Tôi giật mình, có lẽ anh Tri nói đúng. Còn khoảng trống của anh là gì, anh lấp bằng cách nào? Tôi tính hỏi anh Tri nhưng kịp dừng vì sắp bước sang năm mới, hãy để mọi sự êm xuôi, khơi nỗi buồn của nhau làm chi. Khi ngồi lên xe, anh Tri bảo tôi: "Chả giấu gì chú, bà xã sai tôi đến nhà ông anh trai ở Tô Hiến Thành vay vàng. Dùng đến xe máy cũ của chú tránh được sự khả nghi của bọn cướp". Vay vàng trước lúc giao thừa? Lạ nhỉ? Có lẽ sáng mai vợ anh có chuyến bay nước ngoài cần vốn đánh hàng chăng? Nếu thế thì cô tiếp viên hàng không ấy dạo này biết làm ăn rồi, chỉ lưu ý chớ dính dáng đến hàng cấm mà phiền toái. Việc anh Tri lấy vợ là tiếp viên hàng không cũng là ngoài dự tính. Cách đây khoảng dăm năm, trên chuyến bay từ Thái Lan về anh gặp cô nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp này. Không hiểu một hành khách nào đó đã nói đùa gì mà nhiều người bật cười. Cô tiếp viên bắt gặp gương mặt rạng rỡ, hồn nhiên như trẻ thơ của anh. Một gương mặt từng trải nhưng lúc cười để lộ hàm răng đều trắng, đôi mắt ánh lên vẻ tinh nghịch. Tim cô bỗng đập mạnh hơn, như có dòng máu dồn về các ngón tay, ngón chân. Cô phải vịn vào chiếc xe đẩy hàng. Suốt chuyến bay cô thường đi qua chỗ anh để liếc nhìn gương mặt ấy. Gương mặt cứng cỏi nhưng sao lúc cười lại trẻ đến thế. Cô muốn được nhìn thấy anh cười lần nữa, nhưng đâu có dễ vì trên chuyến bay dài hành khách đều mỏi mệt, ai hơi đâu mà đùa bỡn.
Và, không hiểu sao cô dám đánh bạo, xin anh địa chỉ. Anh trao tấm danh thiếp, cũng nghĩ đó là cử chỉ biểu hiện sự lịch thiệp, có tính chất thời thượng, nào ngờ mấy hôm sau cô tìm đến cơ quan anh, cũng là để được nhìn thấy anh cười. Nhưng nào có thấy. Đêm ấy cô thủ thỉ khoe với mẹ rằng mới quen một chú cán bộ nhà đất chưa vợ. Kể ra lúc ấy anh Tri nhà tôi tuổi đã ngoài bốn mươi, bậc chú chứ gì nữa. Nhưng bà mẹ đã mắng: "Sao mày ngu thế, phải gọi là anh ngay và tìm cách xáp gần đi. Thời buổi này kiếm được tấm chồng cán bộ đất đai nhà cửa thì cứ tô son điểm phấn mà hốt bạc". "Nhưng tóc chú ấy điểm sương rồi". "Tóc hoa râm, càng cưng vợ chứ sao". Còn cô sau mỗi chuyến bay đều tìm cách ghé thăm anh để tìm nụ cười đã cuốn hút cô ban đầu ấy. Rồi họ yêu nhau. Bà mẹ lấy làm hài lòng. Phải công nhận bà ấy có tầm nhìn xa, anh Tri là phó phòng nhà đất quận, tuy đang ở căn hộ cấp bốn lẫn vào dân lao động chân tay nhưng tương lai sẽ sáng lạn. Chỉ cần chỗ đứng, chứ của nả, nhà cao cửa rộng mấy hồi, rồi tôi sẽ bày cho vợ chồng nó cách làm giàu, bà nói với mấy người bạn tới dự lễ dạm ngõ như thế.
Mấy năm nay thu nhập hằng thàng khá cao, anh Tri gom góp lên được ngôi nhà hai lầu. Nhưng bà mẹ còn muốn con gái ngọc ngà của bà phải có biệt thự, có sân gôn, có hồ bơi như một số người đồng chức với anh Tri. Anh Tri không chịu, bà giận lắm. Cô vợ xem ra cũng trách chồng lắm nhưng khi cô uất ức anh bật cười, nụ cười của anh khiến cô hết giận. Và cô trả thù bằng cách chiều chủ nhật nào cũng bắt chồng chở đến các tiệm làm đầu, sơn móng tay, móng chân, tới các siêu thị sắm đồ mỹ phẩm. Bao nhiêu tiền lương cô ném vào việc tân trang nhan sắc cho mình, lương tiếp viên hàng không mỗi tháng dăm ba triệu chứ không có ít. Cái nghề của cô ấy cần phải thế, và hàng tuần tôi đâm ra thích chở cô ấy đi làm những việc đó, bao nhiêu bực bội cả tuần dồn lại sẽ vơi diệu hết, anh Tri bảo vậy. ồ, hay đấy là cách anh giải tỏa ức chế tâm lý, để anh khỏa lấp khoảng trống trong người anh, anh Tri? Chỉ có điều thấy anh chiều quá, như được đằng chân lân đằng đầu, cô tiếp viên xinh đẹp ấy ngấm ngầm hành hạ anh. Ăn ở với nhau đã gần năm năm nhưng cô vẫn chưa chịu sinh con cho anh vì có con là cô phải ra khỏi ngành tiếp viên hàng không. Cái nghề đi mây về gió và có điều kiện để chưng diện mà cô lấy làm kiêu hãnh. Bây giờ tháng cùng ngày tận vẫn bắt chồng đi mượn vàng thiệt tình quá đáng lắm.
Nơi chúng tôi ở là ngoại ô thành phố. Đêm trừ tịch, vòm trời đen đến nhức mắt, trời oi nồng, ngột ngạt, độ này thời tiết thay đổi tùng phèo cả, làm gì còn hai mùa rõ rệt nữa. Con đường Yên Thế mấp mô ổ gà, sống lưng trâu, thỉnh thoảng xe nảy lên, như con ngựa bất kham muốn hất chủ xuống. Anh Tri ái ngại:
- Tôi làm chú vất vả quá.
- Có gì đâu anh, với em chuyện này là thường, thì đêm nào em cũng đi bỏ báo cho các sạp. Mà đêm cuối năm chở ông Tổng giám đốc của một khu chế xuất lớn của thành phố đi mượn vàng cũng thú lắm chứ.
Anh Tri cười, tiếng cười của anh rất trẻ. Chả trách cô tiếp viên hàng không ấy mê anh, bị anh thôi miên bằng tiếng cười. Cuộc đời anh đã trải nhiều gian truân, thời đánh Mỹ, anh là lính đặc công thủy, từng đánh chìm tàu chiến Mỹ ở sông Thạch Hãn vào đến sông Đồng Nai. Anh đã quen thuộc nhiều khúc sông như lòng bàn tay. Hòa bình anh vào đại học xây dựng. Sau mấy năm làm việc ở phòng nhà đất quận và sở nhà đất thành phố, khi Nhà nước mở khu chế xuất Tân Chánh, anh được cử làm Tổng giám đốc. Anh sống giản dị, bộ quân phục anh thường mặc nhất, đó cũng là vòng tròn kim cô để cho tôi xa lánh được mọi sự cám dỗ, anh nói với tôi như thế. Năm nào cũng vậy, đầu mùa khô, anh kéo tôi lên thượng nguồn sông Đồng Nai, căn cứ đơn vị đặc công của anh thời đánh Mỹ. Hai chúng tôi tắm ở bến sông nước rất trong, ngụp lặn cả buổi. Tôi cảm thấy nhẹ cả người và thanh thản lắm, anh bảo vậy khi tắm xong. Nắm trong tay tài sản khổng lồ, bao gồm đất đai, nhà cửa, chỉ cần cho công ty đầu tư hạ một giá là anh có trong tay hàng trăm triệu đồng tiền chênh lệch, hay để một con đường lượn đi một cung là có đứa mang đến cống nộp chục cây vàng. Nhưng anh không, tuyệt đối không, cứ lẽ phải mà làm, làm một cách công khai, khi ở cơ quan khi bàn việc gì anh nói rất to, như công khai cho mọi người cùng nghe. Làm việc như thế nên anh bị cô lập ngay giữa cơ quan, nhiều thằng cấp dưới không ưa anh vì công khai hóa mọi việc nên chúng làm sao gỡ gạc được tí gì. Sống với người như ông Tri ta như cá sống giữa nước quá trong, nước trong quá, làm gì có mồi, hơn nữa cá sợ sống sao nổi, họ kháo nhau vậy. Và nhiều phen chúng rắp tâm tính đưa anh Tri vào tròng. Đó là năm kia, một hôm, anh Tri đến nhờ tôi đi chơi với anh: "Đi với tôi cậu sẽ có thêm một mảng thực tế, trong sách vở không có đâu". Thì đi, được đi với anh Tri bao giờ cũng có cái thú. Mà phải thế nào anh mới rủ tôi, chứ đâu phải anh làm mất thì giờ với những chuyện không đâu. Chúng tôi đến nhà hàng Phú Nhuận, hai người đàn ông mặc ves tay cầm điện thoại di động đã chờ sẵn, họ là đối tác liên doanh gì đấy. Tưởng đâu họ mời ăn cơm, nào ngờ vào phòng máy lạnh uống bia ôm. Bọn họ xếp bốn cô gái ngồi với bốn chúng tôi. Mấy ả đã dạn dày đàn ông nhưng ngoài mặt giả bộ ngây thơ, e lệ. Thái độ giả nai ấy làm sao che nổi đôi mắt tinh anh của anh Tri. Còn tôi tỏ ra bất bình trước sự mấy ả thi nhau mở bia, chưa uống hết lượt lon này đã mở lượt khác, nhiều lon bia còn lưng nước, các ả vứt vào đống vỏ. Chính các ả nốc, nốc rất nhiều, thi nhau nốc, ráng sức nốc. Tôi tỏ sự bất bình. Anh Tri bảo nhỏ, chú cứ thây kệ tụi nó, khui được nhiều bia chừng nào nhà hàng sẽ chi hoa hồng cho tụi nó nhiều chừng ấy. Lúc mọi người ngà say, một gã đàn ông cầm ly bia đến gần anh Tri: "Xin ông anh chấp nhận cho phương án đưa ra lúc sáng là cứ để cho tụi em trải nhựa xong rồi lại đào lên đặt ống nước". Anh Tri lắc đầu: "Làm vậy tốn nhiều tiền lắm, phải tiến hành cùng một lúc". Gã nọ nhăn nhó: "Vậy thì tụi này đào đâu ra hợp đồng để xài cho hết kinh phí nhà nước cấp. Chẳng lẽ phải nộp lại cho mấy thằng tài chánh ba tỷ tiền dư. Thôi thì, anh đồng ý cho làm thành hai công đoạn, tụi em xin biếu anh ba chục phần trăm tiền hoa hồng". Anh Tri đáp như dao chém đá: "Không". Và, anh đứng bật dậy trả tiền rồi kéo tôi về. Mấy gã nọ chưng hửng. Trên đường về, anh nói với tôi, tôi đưa chú đi để chú biết, tụi nó muốn chơi thằng cựu chiến binh này như thế nào. Nhưng chúng nó nhầm, chả lẽ thằng cựu chiến binh này dễ dàng để tụi nó hạ gục vậy sao?
Anh Tri là người bề ngoài nom rất hiền lành, lắm khi tưởng nhút nhát, nhưng tính rất cứng cỏi. Bao nhiêu kẻ muốn hất anh ra khỏi cái ghế Tổng giám đốc khu chế xuất ấy nhưng rốt cuộc đều quay đầu với bộ mặt thất bại ỉu xìu. Để giữ mình anh tự lái xe máy đến cơ quan làm việc, chỉ dùng xe hơi khi đi công tác xa, thật xa. Đến như cô vợ xinh đẹp ấy ngày đầu mới lấy nhau định lấy xe cơ quan đi Vũng Tàu nhưng anh kiên quyết từ chối. Cô nàng giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ, anh cũng không nhượng bộ. Nhưng chỉ một ngày cô lại mang va-ly quay trở lại với anh, gái đã bén hơi trai làm sao chịu nổi. Vả bà mẹ cô thừa hiểu con gái xa chồng trong tuần trăng mật rất bất lợi sẽ có người đàn bà khác nhảy vào thay thế liền. Một cán bộ nhà đất thiếu gì đàn bà muốn làm vợ.
Đêm cuối năm, đất trời trở nên thiêng liêng hơn. Người đi nhà thờ, đi chùa nườm nượp, phần đông là thanh niên. Mỗi xe máy một cặp, trai cầm lái, gái ngồi phía sau tay giương cây nhang bằng nắm tay dài cả mét, cháy phừng phực. Trước cửa nhà nào cũng có mâm cỗ cúng thần Tài, thần Lộc. Người khốn khó mong thần phù trợ cho khấm khá, kẻ giàu cần được giàu hơn.
Chúng tôi đến trước một biệt thự nằm sâu giữa vườn cây, có cả những thân cổ thụ tán tỏa lên vòm trời đen thẫm, cứ như đại sứ quán chứ đâu phải nhà dân. Anh Tri nhấn chuông liền mấy cái. Một lúc sau, cánh cổng nặng trịch khẽ dịch ra và tiếng người đàn ông nói với ai đó:
- Cô cậu cứ về ăn Tết cho vui, việc của cậu sang năm tôi giải quyết. Chuyện vặt.
Một người đàn ông dắt chiếc hon-đa đi ra, theo sau là một người đàn bà, đầu hơi cúi xuống:
- Chúng em cảm ơn anh Tư.
- Ơn huệ gì. Chuyện vặt. Ai đó?
Anh Tri lên tiếng:
- Tôi và chú Trung đến thăm anh.
- Dượng Tri hả? Cả chú Trung nhà báo nữa sao? Thảo nào tiếng chuông cửa kêu có khác. Khách thường xuyên của tôi đâu dám nhận chuông ngũ liên vậy. Thế nào, Tết này cậu Trung viết được nhiều bài không?
Anh Tư Tòng là cán bộ tổ chức thành phố. Anh có biệt hiệu là "Ông chuyện vặt" vì thường điểm hai từ ấy vào câu nói. Tôi được quen đã dăm ba năm nay.
Anh có làm thơ, làm nhiều thơ, không được đăng báo bao giờ nhưng anh mua giấy phép, bỏ tiền ra in. Tập nào cũng bìa cứng bọc vải, giấy trắng, chữ rất đẹp và sực mùi nước hoa, là do chủ vẩy vào cho câu chữ thơm lên. Khốn nỗi khó ai đọc hết một bài, nó trúc trắc, nó khó hiểu, nó khiến chúng ta như nhai sạn.
Đoạn đường từ cổng vào cửa biệt thự hun hút giữa hai bờ cây xén rất bằng.
Đường rải đá cuội, ban đêm trắng nhờ nhờ. Giữa vườn bày rất nhiều cây cảnh, điện trên lầu soi rõ những chậu thiên tuế, vạn tuế, gốc sứ, gốc đa mấy chục năm, và rất nhiều tượng chó, những hình chó bẹc-giê bằng sứ ngồi, đứng, nằm, lè lưỡi đỏ lòm như chó thiệt. Anh Tư Tòng đẩy chúng tôi đi trước. Hương thơm của các loài hoa lẫn mùi nhưng trầm quyện ngào ngạt.
Giữa phòng khách rộng là hai cây hoa tiêu biểu cho hai miền, hoa đào đỏ thắm, cây mai tứ quý vàng rực. Cây nào cũng nhiều cành, cho hoa chi chít nở đều. Trên một cái bàn ở góc nhà chồng chất những túi, những hộp, những gói của khách đến mừng tuổi. Anh Tư Tòng cũng đã thay đổi, người đẫy đà, mặt căng, đỏ au. Chả bù cho trước kia, anh gầy gò, mặt lúc nào cũng nhăn nhó, hễ gặp người quen là than: "Chết, chết đói mất thôi". Đó là thời bao cấp những năm tám mươi. Cái thời khốn khó ấy đã vĩnh viễn đi qua, đi qua một cách chóng vánh, tưởng là thời xa xôi lắm nhưng thực ra chỉ mới cách đây chưa đến chục năm. Giờ đây anh Tri như đã thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội rồi.
Anh mời chúng tôi ngồi, và hỏi:
- Các cậu dùng rượu nghe. Thời nay ai uống bia cho ễnh bụng ra. Phải uống rượu mà rượu ngoại. Nói tới rượu ngoại cũng biết chọn và cách uống, xem bọn nước ngoài uống mà tập.
Nghe anh thao thao tụi tôi cứ gật đầu. Anh vốn là người không chịu nổi người khác cắt ngang câu nói. Anh nhìn tôi rồi tiếp:
- ở góc đường Trường Sơn - Cửu Long có quán nhậu đã lắm. Các món ăn ngon mà tiếp viên cũng khá. Nhiều đêm đi nhậu về khuya, tôi thấy cậu Trung ngồi đọc sách bên cửa sổ. Cậu học có vẻ vất vả lận đận nhỉ? Còn tôi đây có học gì đâu mà lãnh bằng cử nhân kinh tế rồi. Tụi nó đang gạ tôi năm nay bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Chỉ cần mình gật là tụi nó lo trọn vẹn. Tôi thương cậu Trung lúc nào cũng cầm sách mà chưa có bằng cấp gì đáng giá cả.
Một đứa bé đang ngồi trên sa-lông chơi trò gà ảo, nhảy xuống, khoanh tay:
- Cháu chào dượng Tri. Chào chú bộ đội.
Tôi khen:
- Cháu ngoan quá.
Nó nói to:
- Nhà cháu người ta biếu quà nhiều lắm.
Anh Tư Tòng âu yếm nhìn con:
- Mình ăn ở tốt với mọi người thì người ta tới chơi chớ.
Anh Tòng mời chúng tôi ngồi vào bàn. Dáng anh vô cùng mãn nguyện. Thằng bé nói tiếp:
- Chiều qua mình cháu ở nhà, có một bác tới biếu túi quà có hộp mứt và cái bao thư, cháu tò mò mở bao thư đếm được ba ngàn đô-la.
Anh Tư Tòng đập tay xuống bàn, tưởng vỡ mặt kính:
- Con với cái, mầy không bỏ được cái tật nói leo. Lên lầu học bài đi - Rồi anh quay sang chúng tôi - Trẻ con bây giờ hư lắm. Đã bảo nhà trường phải có phương châm ưu tiên môn đạo đức. Đầu năm học đến trường thấy trống trơn, không một câu khẩu hiệu, tôi gọi cậu hiệu trưởng ra hỏi. Cậu ta gãi đầu than không có tiền. Tôi biếu hai chục triệu để lên cái bảng khẩu hiệu: Tiên học lễ - hậu học văn, chăng ngang tầng thượng dãy nhà chính. Đứng ở cầu Công Lý, cách hai cây số vẫn thấy rõ từng chữ, lẽ nào hàng ngày bọn trẻ không đọc. Có đọc sao cái bệnh nói leo không bỏ được kìa.
Chị vợ từ lầu trên bước xuống. Chị mặc đồ ngủ, áo trễ cổ, váy mỏng, trên ngực, ở cổ tay đầy những vòng vàng, lúc lắc vàng. Cô giáo phổ thông trung học đấy! Chị đến gần, tôi nhận thấy mặt lộ rõ sự mệt mỏi chán chường. Tôi nhớ có lần vợ anh Tư kể, chị có thú vui đếm tiền, ngắm nghía trang sức, cho nên thường xuyên sắm trang sức mới. Phải chăng đó cũng là một cách trốn chạy chính mình. Chẳng lẽ sống trong gia đình sung túc thế này mà chị vẫn buồn, vẫn chán nản?
- Chúc dượng Tri và chú Trung năm mới phát tài. Còn mấy tiếng nữa là đến năm mới, bố quát con ầm ầm gì thế?
Anh Tư Tòng vẫn còn tức giận:
- Từ rày bà phải bảo thằng con thực hiện khẩu hiệu ba không: Không thóc mách, không hỏi, không nói leo. Ngày trước mình thắng giặc cũng là nhờ chỗ bí mật. Bà dạy sử mà không biết họa mất nước cũng là vì con cái không biết giữ bí mật đó sao. Đấy, như công chúa gì đó không đem nỏ thần khoe với chồng thì làm sao dẫn tới họa mất nước. Lại còn rắc lông ngỗng chỉ cho giặc biết đường rút chạy của cha. Con cái như thế, chém là phải. Thời nay, không giữ bí mật thì con cái đưa bố mẹ vào nhà đá. Tao vào nhà đá, tụi bây chỉ có bị gậy đi ăn mày.
Chị vợ vẫn nhỏ nhẹ:
- Thằng nhỏ lỡ mồm, có gì đâu mà anh quát dữ vậy. Với lại, dượng Tri là người nhà. Còn chú Trung là nhà báo nhưng là báo văn nghệ, có gì đáng ngại đâu. Tôi đã nhận được điện, cô Ba cho hay dượng Tri đến mượn mình một chỉ vàng.
Anh Tư Tòng ngả người, hai tay dang rộng:
- Làm thằng Tổng giám đốc mà đêm giao thừa phải đi vay một chỉ vàng, khó tin thiệt. Mình lấy cho dượng vài ba cây luôn. Chuyện vặt.
Anh Tri nói lí nhí:
- Nhà tôi điện tới chị mượn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu thôi.
Tư Tòng vỗ tay lên trán:
- Mượn một chỉ vàng mà đi cả đêm cuối năm? Hay các cậu tính tới do thám tôi?
- Dạ. Đâu dám ạ.
Chị vợ mở hộc bàn lấy bao thuốc 555 lôi ra một dây bốn cây vàng SJC và mấy khoen vàng nhẫn. Bỏ vàng trong bao thuốc lá là sự lạ. Chị lấy một chỉ trao cho anh Tri. Anh Tư Tòng buột miệng bảo vợ:
- Mình nhớ biên vô số quà của đứa nào, để qua năm giải quyết công việc cho nó, à nghen.
Chị vợ trừng mắt. Anh Tư biết mình lỡ lời, nhưng sa chân còn với lại, sa lời là thôi, anh lấy túi quà dúi vào tay tôi:
- Cậu cầm cho tôi yên lòng. Chuyện vặt mà.
Tôi phải từ chối mãi anh mới thôi ép.
Anh Tri cầm khoen vàng, tay run run. Chả lẽ chưa bao giờ anh cầm vàng? Chị vợ anh Tư Tòng lấy mảnh giấy gói lại và cho vào vỏ bao thuốc lá để anh Tri cầm cho tiện.
Tôi chúc gia đình đón Tết vui vẻ, sang năm làm ăn phát tài. Lời lẽ quá ư sáo rỗng, vô hồn và nhạt nhẽo nhưng chả lẽ không nói. Anh Tư mừng rỡ:
- Tốt. Cảm ơn lắm. Cậu phải chúc cậu Tri nhà tôi biết làm ăn nữa. Chớ cứ thật thà mãi thiên hạ khinh cho đấy.
Anh Tri cười hồn nhiên. Bất giác tôi hỏi:
- Cháu lớn của anh chị đi đâu?
Mặt chị vợ méo xệch:
- Nó đua xe bị công an bắt đêm qua rồi.
Tư Tòng nổi khùng:
- Tại bà, bà cưng nó quá. Bà không biết dạy đạo đức cho con.
Chị vợ chanh chua:
- Ông cũng biết gì. Chỉ được cái lúc nào cũng khua môi, múa mép. Tôi cho ông biết, tôi chán cảnh nhà này lắm rồi.
Tư Tòng ngồi thụp xuống sa-lông, khuôn mặt thoắt lộ vẻ chán chường, thì ra gia đình này cũng đang khủng hoảng tợn, hố ngăn cách giữa cặp vợ chồng này đã lớn lắm. Mỗi người đang có khoảng trống. Họ lấy gì để khỏa lấp nhỉ? Bằng của nả người ta biếu chăng?
Chúng tôi gượng gạo xin phép cáo lui. Mặt Tư Tòng thoắt trở nên cứng cỏi, mắt nghiêm nghị của người có quyền lực:
- Chuyện thằng con tôi sẽ giải quyết xong trước lúc giao thừa. Một cú điện thoại là nó trở về đây ngay. Chuyện vợ chồng tôi các cậu nghe đâu bỏ đó nghe. Chuyện vặt, đáng kể gì, phải không?
Xe máy chúng tôi bò được một đoạn, tôi nói với anh Tri:
- Tưởng vay nhiều chứ một chỉ vàng thì tay em cũng đeo đây này. Lúc nãy anh lấy khỏi phải lặn lội tới đó.
Anh Tri dằn giọng:
- Không được, cô ấy bắt đến vay của anh trai cô ấy mới xong.
Gần tới giao thừa, trên đường thưa vắng. Gió đã nổi lên ào ào, lá cây bắn cả vào xe, vào mặt, và mưa. Thoạt đầu, hạt mưa to nã vào mặt rát rạt. Phút chốc như có thác nước từ trên trời dốc thẳng xuống. Nước dâng ngập lòng đường. Xe chúng tôi như bơi chồng chềnh giữa làn nước xiết.
Anh Tri phàn nàn:
- Vì tôi, chú vất vả.
- Cảnh này em quen lắm.
Bước vào nhà anh Tri, cả hai chúng tôi như ngụp dưới sông lên. áo anh Tri xộc xệch bung ra khỏi thắt lưng, chắc xe xóc quá. Bà mẹ vợ đến tự lúc nào đang ngồi ở cái bếp giữa nhà, mặt trát đầy son phấn, môi đỏ choét, người đã có tuổi trang điểm thế nom thiếu đứng đắn. Bà cười mãn nguyện. Đến ghét.
Vợ anh Tri trao cho chồng và tôi mỗi người một chiếc khăn bông, và hỏi:
- Vàng đâu?
Anh Tri sực nhớ đưa tay nắn qua người.
- Bỏ mẹ rồi. Tôi đánh rơi rồi.
Chị vợ kêu lên:
- Ông để đâu mà rơi.
- Tôi nhét vào bụng áo...
- Chồng ơi là chồng. Có mỗi chỉ vàng mà cầm không nổi. Tổng giám đốc đấy.
Tôi tức tốc chở anh Tri lộn lại tìm. Mưa chỉ còn lắc rắc, những vũng nước trên đường lấp lóa trước ánh đèn xe máy. Đảo qua hai lượt không thấy, anh Tri ân hận:
- Tôi làm chú cực quá.
- Hay là lấy chỉ vàng của em thế vào cho yên chuyện.
- Đâu có ổn, cô ấy đòi lấy chỉ vàng nọ mới được.
Chúng tôi vác nét mặt thất vọng trở về nhà, bùn bắn lấm cả quần áo. Bà mẹ vợ khủng khỉnh cười, mặt nghênh lên, ra chiều mãn nguyện lắm.
Anh Tri nói với tôi:
- Thôi, cho nó mất, của đi thay người vậy.
Anh Tri đi vào nhà tắm thay đồ. Chị vợ nói nhỏ với tôi:
- Thật ra tôi đâu đến nỗi thiếu thốn để vay một chỉ vàng trong đêm giao thừa.
- Thế sao chị bắt anh ấy lặn lội cả đêm?
- Tôi làm thế để anh ấy biết nhục. Anh tính, ai đời làm Tổng giám đốc nắm trong tay hàng ngàn tỷ đồng mà để vợ phải sống trong căn nhà thế này. Phải làm thế để sang năm anh ấy sáng mắt ra.
Khi anh Tri tiễn tôi về, trời đã tạnh, vòm trời sáng trưng, nhiều ngôi sao nảy ra như ngọc.
Anh nói với tôi:
- Lúc ở trong nhà tắm tôi nghe hết cô ấy nói gì với chú. Chú cứ tin tôi đi, đời nào thằng cựu chiến binh này đầu hàng.
Tôi tin chứ. Ai chứ với anh, tôi rất tin. Tôi tính nói với anh như vậy. Nhưng giao thừa đã điểm, vũ trụ bất chợt sáng lên, trái đất hình như chấn động nhẹ, phải ở nơi thật tĩnh mới nhận ra, những chấm pháo hoa vút lên nền trời thẫm đen, thành phố sáng rực lên trong ánh sáng muôn mầu. Tôi nắm lấy bàn tay ấm nóng của anh Tri như tìm một chỗ dựa tin cậy.