hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-875.htm

Hà Nguyên Huyến

Nghệ nhân

Khách là một ông già ở làng bên, năm nào cũng vậy, đã thành lệ, cứ rằm trung thu là lão lại đi bộ tắt ngang qua cánh đồng, từ làng Bùi sang làng Đồi đến nhà Sảng đặt một cái đầu sư tử. Lão bảo: "Làng lão có cái hèm phải thế, thành hoàng làng là nhà trò con hát, Ngài "hóa" vào lúc tiểu nhi, chạm giờ thiêng nên Ngài trấn giữ con trạch của làng..." Sảng biết rõ lắm, trẻ con làng Bùi đông nứt. Ngày rằm tháng tám kiệu của các xóm đặt vòng quanh bờ, đèn đóm sáng rực như sao sa xuống mặt hồ trước cửa đình. Chẳng bù cho làng Đồi nhất là cái xóm Mã nhà Sảng. Xóm ở lảnh xa một phía của trái đồi, mặt xây ra chợ. Chợ họp ngay trước cửa chùa, trong chùa ngoài chợ, ngày tuần ngày phiên đông đúc là thế, chỉ nhảng có mấy bước vào xóm Mã, người ta như lạc vào một thế giới khác. Mà cũng khác thật, xóm định cư trên một sống đất vàng rười rượi như kén tằm. Khởi thủy tên chữ của xóm là Hoàng Thổ, cái tên này chỉ còn được nhắc đến trong văn tế của người "đọc chúc" vào ngày lễ thánh sư. Còn người đời thuận miệng gọi xóm nhà Sảng là xóm Mã.

Ông lão đứng dậy, ống quần lá tọa phủ kín hai bàn chân gân guốc lầm lụi. Cái áo lá sen cổ chữ đinh bó chặt lấy khổ người quắc thước. Lão đội cái nón chảo lên mái đầu bạc phơ phơ. Quai nón là một cật giang chuốt óng, nhuộm mồ hôi lên nước đỏ au. Trước khi đi, lão quay đầu lại hỏi:

- Năm nay bác không nhận lời tôi sao? - Thưa cụ, cụ thông cảm cho, nhà cháu dạo này "bộn" quá. Chẳng dám "cầm" vì sợ đến hẹn mà không "đoạn" lại mang tiếng làm nhỡ cả việc làng. Ông lão bước xuống sân, cung cúc đi dưới cái nắng tháng tám sóng sánh, lão đi tìm nhà khác. Sảng biết rõ lắm, cả xóm này chẳng ai làm được những món hàng tinh xảo ấy. Sảng nhìn theo ngùi ngùi tiếc người khách đã thủy chung với nhà mình mấy chục năm trời. Trong lòng Sảng hình như có cái gì mất mát đổ vỡ! Có lẽ không phải là mất khách, mà Sảng đã đánh mất nghề nghiệp của tổ phụ. Biết làm sao được, Sảng buông một tiếng thở dài...

Nhà Sảng làm nghề này đã mấy đời, đến Sảng thì sự khéo léo như dồn tụ cả lại. Hai bàn tay hoa đã đẩy Sảng lên mức "nghệ nhân". Dân làng Đồi đến bây giờ vẫn trầm trồ thán phục cái đèn kéo quân Sảng làm vào năm Mão. Đèn đặc biệt lắm, khung đèn làm bằng những dóng trúc quân tử thanh mảnh nhưng rất cứng cáp. Tám mặt đèn bưng bằng giấy hoa tiên. Sảng đã dùng những kỹ xảo tinh túy nhất của nghề nghiệp, ép vào giữa hai lớp giấy bồi hình ảnh mờ ảo của "Bát tiên long vân" quân đèn độc đáo có một không hai, Sảng đã kỳ công ra tận mạn bể tìm xương cá mực về tạo dáng... Sau năm sáu tháng ròng mới hoàn thành. Năm ấy Sảng vừa bước vào tuổi thành niên. Đêm rằm trung thu Sảng mang cỗ đèn bày giữa sân dình. ánh sáng tán quang qua mặt giấy cùng với ánh trăng rằm lồng lộng làm cho cả khối đèn lung linh huyền ảo. Không khí trong đèn ấm lên, "Hỏa sinh quang" cái tán đèn từ từ chuyển động, quân đèn theo đó mà múa may, nhìn như những con rối. Cả làng reo lên: "Đèn máy". Sau rằm chẳng biết cảm lạnh hay vì tốn công sức Sảng lăn ra ốm. Lúc dậy được, Sảng nhìn cỗ đèn lắc đầu chán nản, nó như cái vật vô dụng, vô hồn nằm rúm ró nơi xà nhà cho nhện xây tổ. Sảng nói với bố giọng bực bội: "Kiếm củi ba năm thiêu có một giờ, đúng là... hàng mã". Bố Sảng bảo: "Đó là niềm tự hào của gia nghiệp, mày còn muốn gì hơn nữa".

Năm sau biết tiếng, làng Bùi đến tận nhà Sảng đặt làm đèn. Sảng chối đây đẩy, viện đủ lý do để khước từ. Bố Sảng nhắc, Sảng bảo: "Khổ công nhọc xác mà chỉ được cái danh hão. Nghèo vẫn hoàn nghèo". Sảng bỏ nhà ra đi với những nắm bột nếp đủ màu. Cái biệt danh "nghệ nhân lang thang" cũng hình thành từ đấy!

Sảng đi khắp chợ cùng quê, trẻ con người lớn thấy Sảng là xúm đông xúm đặc. Những tiếng xuýt xoa reo cười thích thú. Sảng ngồi ở giữa, trước mặt là cái mẹt nứa, lòng mẹt có mấy cục bột, dăm bảy que tre... Đôi bàn tay Sảng với những ngón dài trắng bợt, mềm oặt như những con đỉa, Sảng cấu véo xoắn vặn, thoăn thoắt như làm xiếc, chỉ trong nháy mắt là thành Tôn Ngộ Không, thành ông tiến sỹ... Thành bất cứ cái gì nếu khách đặt tiền vào mẹt và cho một yêu cầu. Mấy năm sau Sảng trở về nhà, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Cuộc sống nay đây mai đó đóng lên mặt Sảng những nét dãi dầu. Sảng ngồi lỳ ở nhà, vời vợi nhìn lại mình thì đã ở vào cái tuổi "tam thập". Nghe lời bố Sảng lấy vợ. Vợ Sảng là người cùng xóm. Mấy năm sau bố mẹ Sảng qua đời, Sảng yên thân với cái "nghiệp" nhà mình. Sảng ngồi làm hàng cho vợ đi chợ. Vợ Sảng tần tảo với gánh hàng nhẹ bỗng ngồi trước cửa chùa. Cái mẹt đựng xanh đỏ dăm cô áo mụ, vài cái mũ ông công, mớ quần áo hóa, chục vàng, thẻ hương... Vợ chồng Sảng tùng tiệm qua ngày. Lấy nhau đã bốn, năm năm mà con cái chưa có. Căn nhà đã vắng lại càng thêm vắng.

Hàng mã vốn không phải là mặt hàng cần thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. "Dăm thì mười họa" mới bán được vài món lặt vặt. Năm tháng cứ trôi đi như có người cầm mà kéo. Sảng tiếc cho cái tài của mình, giá như ngay buổi đầu đời Sảng theo nghề thợ mộc, thợ chạm có khi hái ra bạc cũng nên. Kỷ niệm ảm đạm của một thời lang thang quyết chí kiếm tiền sống lại, nhay nát lòng Sảng.

... Hôm ấy là một buổi chiều cuối tháng chạp, Sảng gặp bố con người hát xẩm lê la ở dãy hàng gạo. Lão xẩm đang cò cưa kéo nhị với những khúc hát như đưa đám. Sảng buồn bã nghĩ có lẽ lão đưa đám lão, hay lão đưa đám mình. Sảng bèn rẽ vào lều chợ. Hình như hai tâm hồn mỏi mệt héo hắt cùng chung một cung bậc nên tâm đầu ý hợp lắm. Cả hai nâng lên đặt xuống mời mọc nhau. Men đã ngấm, lão xẩm cao giọng: "Các cụ truyền dạy rằng: Trên thế gian này có ba nghề đại kiêng kỵ. Một là cầm đồ cho vay nặng lãi, hai là thiến trâu thiến bò, ba là đồ tể". Ngừng lại chiêu một ngụm rượu lão lại tiếp: "Theo mỗ phải là năm, đó là nghề xẩm rong và nghề làm hàng mã, huynh thấy thế nào?". Cả hai phá lên cười tiếng cười dứt khúc. Cả hai gã cùng gục xuống, chẳng biết vì say rượu hay vì cám cho cái cảnh của mình vào một ngày giáp Tết...

Những lúc châng lâng nơi đất khách Sảng nhớ cái xóm Mã nghèo của mình lắm. Xóm mọc duy nhất một loài dâu da đất. Ra giêng trên những cành cây khẳng khiu khô cằn tưởng như không còn sự sống bỗng phun ra ngàn vạn chồi tơ. Sang tháng hai cây nở lộc, khắp xóm biêng biếc một mầu xanh. Tháng ba lá bánh tẻ xòe ra lợp dày không một hột nắng nào dột xuống mặt đất được. Đó là lúc cây đơm hoa kết trái. Tháng tư, tháng năm quả dâu da to như ngón chân cái vỏ căng tròn, từng chùm, từng chùm chất đống lên nhau, che kín thân từ gốc lên lưng lửng cây. Có lẽ trên đời chỉ có loài dâu da là sai quả như thế. ấy là lúc khách buôn chuyến đến đóng hàng chở về xuôi. Xóm Mã rộn lên tiếng mặc cả, tiếng cười nói... Hết mùa xóm lại âm i buồn. Đường vào xóm luồn dưới những tán dâu da như cái vòm bằng lá, mặt đất ẩm ướt, giữa mùa hè mà không khí mát lạnh... ở vào cái tuổi năm mươi Sảng đành khoanh tay thúc thủ, cơ hội kiếm tiền coi như là đã hết. Sảng ân hận và thầm trách tiền nhân sao lại trao cho mình cái nghề khó nhọc quá!

Cũng may trời còn cho Sảng một cơ hội, chớp thời cơ Sảng nắm chặt như người "chết đuối vớ phải cọc". Hôm ấy là một buổi trưa, nghe tiếng còi xe và thoảng trong gió như có người gọi tên mình. Sảng lật đật ra mở cổng, đậu ngay giữa lối vào xóm là một chiếc ô tô lộng lẫy và sang trọng. Khách là đôi vợ chồng tuổi đã chầm chập nhưng cách ăn vận lòe loẹt, kiểu cách như cố níu giữ lấy tuổi trẻ. Trên gương mặt họ Sảng nhận thấy tuổi già đang đến chẳng có gì cứu vãn được. Người đàn bà mặt bự phấn vẫn không lấp đầy được những vết hằn, phân chia rõ rệt từng khu trên khuôn mặt. Sảng bảo khách:

- Có lẽ ông bà nhầm nhà?

- Ông là Sảng, "nghệ nhân lang thang"... à quên, "nghệ nhân dân gian".

- Không, tôi là Sảng - Giọng sờ sợ - Người làm hàng mã, có lẽ ông nhầm lẫn với ai chăng?

- Tôi không nhầm! - Vừa nói khách vừa bước vào.

Sau khi kiểu cách chào hỏi bà khách khẽ khàng đặt cái "bàn tọa" ôm khít lấy mặt ghế xa lông nhà Sảng, rồi vừa xoa vừa vặn hai bàn tay, giọng nói lẫn với tiếng cười hít vào nghe như người có bóng đồng thiếp:

- Thưa... Thưa thầy, căn số ông nhà tôi nặng lắm, hồi đầu năm đi lễ "Mẫu" xin "quẻ thẻ". Quẻ chỉ xấu lắm, ngờ ngợ tôi đi xem bói, thầy bói bảo: Năm nay nhà tôi lâm vào cung "Thái Bạch", Thái Bạch sạch cửa nhà. Lúc đầu tôi chẳng tin vào ba cái thứ lăng nhăng. Ông nhà tôi quyền lực là thế mà đến giờ cũng phải ngớ người ra. Năm nay nhà tôi quá lận đận, có làm mà chẳng có ăn. Ngày nào cũng thế, từ sở về nhà mặt mày cau có ủ rũ, đêm nằm cứ vắt tay lên trán, trằn trọc vò đầu bứt tai mãi mới ngủ được. Trong lúc ngủ cứ hét toáng lên, chân tay co quắp rậm rật như bị ai đánh... Nhìn thấy thế tôi phải tin. Thôi thì "thuốc tra, ma cầu" mong thầy giúp cho.

- Tôi có phải là thầy phù thủy đâu?

- Thì vẫn... Tôi đến nhờ thầy làm cho vài nghìn bộ mã, vài nghìn vàng thoi, vàng lá... Đúng rằm tháng bảy, hôm nay là mười ba. Đúng ngày "xá tội vong nhân" tôi quay lại lấy. Tôi phải hóa mã giải "căn" cho ông ấy thì may mới yên được. Thầy nhớ đừng có làm hỏng việc của tôi.

Sảng sững sờ trước cái đơn đặt hàng mã cả mấy đời chửa bao giờ thấy. Khách đi rồi, xắp tiền dày kệp trên bàn như khẳng định điều đó là có thật... Sảng cầm tiền, mấy ngón tay dẻo quẹo, tờ nọ bắt tờ kia, Sảng đếm nhanh như máy. Sảng cất kỹ tiền vào buồng, còng lưng cúi cổ lo xong món hàng cho khách. Gần hết đêm ngày mười bốn, Sảng đã sắp xếp đâu vào đấy, gọn ghẽ cả nghìn bộ mã cho vợ chồng nhà nọ. Từ đó Sảng không bao giờ nhận những món hàng lặt vặt kỳ công, vừa tốn sức lại vừa không có tiền. Làng Bùi cũng bỏ nhà Sảng từ đấy!

Giao hàng xong, Sảng tò mò theo dõi khách. Khách đem mã đem vàng ra bãi tha ma cuối làng, ở đây đã sẵn một nồi ba mươi cháo đang bốc khói. Khách thuê mấy người trong làng bày những "bồ kề" lá đa khắp mọi nơi mọi chỗ, múc cháo đổ vào rồi bày biện hương hoa làm lễ. Bà khách xuýt xoa khấn khứa cẩn thận lắm. Hết tuần nhang, khách bắt đầu hóa mã. Số lượng vàng mã phải mấy người gánh mới hết đùng đùng bốc cháy. Sảng ngấm ngầm tiếc và buồn cười cho bà khách lắm tiền, không dưng đem đốt cả bạc triệu, nhưng nhìn vẻ mặt vợ chồng khách ra chiều hả hê lắm! Gió heo may nhè nhẹ thổi, cuốn đi những tàn tro tơi tả, vương vãi khắp nơi.

Đêm. Sảng thao thức mãi không ngủ được. Câu chuyện lúc sinh thời bố Sảng vẫn thường kể như mọc chân bám vào trí não. Sảng không tài nào xóa nhòa được. Bố Sảng kể: Ngày đó chưa có Sảng, trận đói khủng khiếp kéo dài cả mấy tháng trời, người chết đói nằm la liệt khắp nơi. Riêng hai cầu chợ Đại quê nhà Sảng, sáng sáng thằng Mới quét chợ xền xệt người chết vào xếp thành đống chật cả mấy gian cầu chợ. Phu phen trong làng đến giờ đi làm xếp lên xe bò, xe ba gác chở ra bãi tha ma. Có những xe đầy quá chân tay người chết còn thò ra lòng thòng quét trên mặt đất. Chẳng biết người ở đâu dồn về mà nhiều đến thế. Qua đợt ấy, dân trong làng ai có việc đi ngang qua bãi tha ma, thỉnh thoảng lại ngoái đầu nhìn rồi vội vã bước mau... Người ta cấm trẻ con nghịch ngợm, hoặc thả trâu bò lại gần, họ bảo: "Âm khí mấy chục năm rồi mà vẫn chưa tan, tháng ba gặp nắng chẳng vẫn còn bốc lên ngùn ngụt". Bao nhiêu năm nay không có ai đoái hoài đến, nay bỗng nhiên có vợ chồng bà khách nọ... Có lẽ những hồn ma năm đói hôm nay được một bữa no nê. Sảng thiếp đi trong giấc ngủ đầy mộng mị.

Rồi những năm tiếp theo, không kể ngày tuần ngày tiết mà bất cứ lúc nào khách cũng tìm về nhà Sảng, công việc nhà Sảng tíu tít cả năm. Xóm Mã cầm vào cái vòng "cung cầu" lúc nào không hay. Những hôm trời nắng người trong xóm đem hàng ra sân phơi, thấp thoáng sau bờ rào là người nộm, con giống xanh xanh đỏ đỏ. Có khi còn nhiều gấp trăm lần người trong xóm. Khách toàn là những người béo tốt, họ đặt những mẻ hàng khổng lồ. Có kẻ hóa ngay ở ngã ba đường, vẻ mặt họ phảng phất một điều gì không gọi được thành tên, thành tiếng, nhưng nhìn họ Sảng đoán họ đang mưu đồ một điều gì hệ trọng lắm.

Có điều lạ khách nào đến đặt hàng cũng tỏ ra hào phóng dễ dãi. Cùng những con người ấy, Sảng gặp họ ngoài chợ, họ chặt chẽ và khảnh ăn lắm. Nếu có mua con cá, lá rau họ ì èo, oi ỉ hạch sách đủ điều, chê bai bải, chèo kéo từng xu. Nhưng nhận hàng họ chẳng thèm đoái hoài xem xét xấu tốt, đủ thiếu. Họ bảo: "Việc đường âm, cốt cái tâm là chính". Sảng cười thầm nghĩ bụng: "Mặc xác chúng mày! Chúng mày có tiền chúng mày cứ đốt, ông đếch biết, ông đây chỉ cần tiền thật, tiền tươi thôi". Có bận nhiều hàng quá vợ chồng Sảng làm nhoang nhoác, rồi đóng thành mớ giao cho khách. Sảng tặc lưỡi "Xấu tốt cũng là bộ mã, cúng xong thì đốt. Đốt xong còn cái tàn tro, ai biết đường nào mà lần". Lâu dần, Sảng mất tính cách người thợ... Sảng giàu lên trông thấy. Sảng im lìm như con trăn no mồi, nhưng giấu bên trong một niềm mơ ước cháy bỏng. Sảng mơ có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Đã ngoài năm mươi, lấy vợ hơn hai mươi năm rồi mà vẫn chưa được toại nguyện. Hơn vợ mười tuổi Sảng còn âm ỉ hy vọng.

Sảng xây lại nhà cửa, sắm sanh đồ đạc bày biện lịch sự. Vợ chồng Sảng béo phây phây. Vợ Sảng vốn con nhà nghèo, về nhà Sảng lại lần hồi nhiều năm đầu chợ, cuối chợ nên lúc này thị như là cái mo nang dấp nước. Thị thay da đổi thịt. Chưa có con, cửa nhà vắng vẻ rộng rãi, có hôm giữa ban ngày ban mặt, trước mặt khách hàng, vợ Sảng ôm bụng đau quằn quại. Từ trước đã thế, bây giờ lại thấy đau dữ dội hơn... Sảng lo lắm đưa vợ về tận bệnh viện trung ương, vào một chuyên khoa hiện đại để chữa trị.

Tay bác sĩ trông nhẵn nhụi như một cái hột mít, khuôn mặt hắn thoạt nhìn như mặt trộm.  Sảng quan sát mãi mới nhận ra, tay này rất đặc biệt, hình như hắn không có lông mày, không có râu, khuôn mặt cứ thin thín. Nhưng cặp mắt như kỳ lạ, nó cứ hùm hụp sau cặp kính trắng nhìn chòng chọc vào cái bộ ngực đồ sộ của vợ Sảng. Sảng vào khám trước, rồi ra ngồi ngẩn ngơ đợi vợ. Bệnh viện im phăng phắc. Một lúc lâu vợ  Sảng bước ra khỏi phòng khám mặt đỏ rừ. Sảng nghĩ bụng: "Rõ là cái đồ nhà quê! Mà có ai ngờ nửa đời người lại đi khám xét cái đồ khỉ ấy?". Một lát sau tay bác sĩ xuất hiện, hắn mủm mỉm cười bảo: "Tiếc nhỉ...! Chị thì tốt nái lắm! Còn anh, y học hiện đại bó tay, chẳng còn hy vọng gì".  Sảng choáng váng như bị một nhát búa đập vào đầu, ngồi bệt xuống ghế, vã mồ hôi, mặt bệch bạc. Tay bác sĩ lại gần an ủi: "Lo gì, y học bây giờ có thể làm được điều này một cách dễ dàng. Miễn là phải có tiền". Vợ chồng Sảng đưa nhau về quê. Ra chỗ vắng vẻ thị áp cặp vú như vừa mới cương cứng lên vào lưng Sảng bảo: "Mình đừng lo! Có tiền là có cả thôi mà".

Sảng về nhà nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông lung, lục tìm trong trí nhớ, lần tìm tông tích tổ tông đến tận bây giờ xem có làm gì sai trái, mà đến mình bị quỷ thần trừng phạt, mắc một thứ bệnh hiểm nghèo. Vợ Sảng cứ tươi như cái hoa, hơ hớ đi khắp các đình đài xa gần cầu cúng mà vẫn chẳng ăn thua gì. Thần thánh không giúp được việc ấy, chẳng lẽ có thể dùng tiền mà mua được? Một hôm Sảng vào buồng mở cái hòm chìa khóa chuông gia bảo, ăm ắp một hòm tiền...! Chẳng biết nghĩ thế nào Sảng ôm gối lăn lộn trên giường xót xa nghĩ: Tiền để làm gì, mình để cho ai? Nếu chỉ vì mình thì việc gì phải nhọc công sớm tối? Sau đó Sảng ốm lăn ốm lóc. Vợ Sảng phục thuốc cả mấy tháng trời mới hoàn hồn. Những lúc ngồi một mình Sảng tự lật vấn lương tâm, rồi tự lý giải bào chữa cho mình. Chẳng qua cũng chỉ vì nghèo quá mà tham tiền nên bị quỷ thần trừng phạt. Thấy Sảng cứ ngồi thừ, vợ Sảng an ủi: "Đừng lo mình ạ! Khoa học bây giờ hiện đại lắm. Nghe nói có thể sinh con theo ý muốn kia mà. Mình tin tưởng vào em, cho em đi một chuyến". Sảng đồng ý cho vợ mang gạo mang tiền vào bệnh viện. Sảng đưa vợ đi, lúc quay về gần đến nhà thì trời đã tắt nắng. Sảng đi ngang sang làng Bùi, đến chỗ cây gạo đầu làng vừa lúc trăng lên. Bên kia cái hồ nước trước cửa đình trống thúc tùng tùng, đèn đuốc  như đêm "Hoa đăng". Hai cái chùm lửa vẽ những đường quyền điêu luyện, quen thuộc quá. Sảng reo lên: "Múa sư tử!". Sảng đoán làng Bùi hôm nay vào đám, tiệc làng dứt khoát phải có múa sư tử. Đúng rồi, mọi năm trước cứ vào cữ này nhà Sảng phải hoàn thành vài chục cái đầu sư tử cho các làng quanh vùng... Sảng lặng lẽ ngồi xuống mép hồ lẫn vào đám người đi xem hội.

Lúc còn nhỏ, vào những đêm như thế này, dù bận thế nào bố Sảng cũng dành thì giờ dắt Sảng đi. Trong muôn vàn lễ hội khắp cả năm của các làng, Sảng mê nhất là múa sư tử. Tính mạnh mẽ quyết liệt, sự mềm dẻo của các thế võ dân gian, cùng với sự nhuần nhuyễn của các điệu múa truyền thống, đám múa sư tử là sôi động nhất và cũng hằn sâu vào tâm tưởng con người nhất. Thấm thoắt thế mà đã mấy chục năm rồi. Sảng buồn bã nuối tiếc một thời đã qua.

Nhưng tiếng trống thúc. Tiếng reo hò. Những đường quyền lửa vẫn tưng bừng rộn rã trong huyết quản Sảng. Sảng hòa nhập vào cuộc vui lúc nào không biết. Đội múa của làng vẫn như xưa, nhưng hôm nay họ biểu diễn sao mà thiếu sức sống? Bản năng nghề nghiệp chợt bừng tỉnh trong con người Sảng. Sảng nhận ra ngay lỗi này là do người tạo dáng. Người thợ vụng về đã làm giảm sự uy linh của đêm hội. Lòng Sảng nhoi nhói đau trước một con sư tử chết... Nếu phải tay mình thì đâu đến nông nỗi này? Nhà Sảng vốn đã mấy đời đúc rút kinh nghiệm, nên có một kỹ xảo đặc biệt tinh tế về làm mắt "con rồng". Bằng những thủ pháp gia truyền, mắt sư tử nhà Sảng nhận lửa, nhận ánh trăng đêm rằm cứ loé lên lấp lánh theo những đường quyền. Lúc ngả sang "tả",lúc lướt sang "hữu", lúc chồm lên, mãnh lực của chúa sơn lâm là sự kết tinh mạnh mẽ sự điêu luyện mang đầy tính chất nhân bản... Kèm theo những động tác đó, ánh huỳnh quang xanh lét như từng đàn đom đóm toé ra từ mắt sư tử. ấy là Sảng đã gửi được cái tài hoa của mình vào đó... Sảng chới với bồng bềnh trong cái đẹp đã đạt đến độ hoàn mỹ. Cái đẹp ấy đã chết lâu rồi trong lòng Sảng!

Trăng lên cao. Cuộc chơi đã tàn, Sảng lăn vào dòng người "giã hội" cứ thưa dần... thưa dần... Họ như bị nuốt vào những ngõ nhỏ "nanh sấu" suốt dọc đường về, âm vang của đêm hội tan chìm dưới ánh trăng thu lành lạnh... Một nỗi buồn mơ hồ đang lên ngập lòng Sảng, tâm trạng bồn chồn, bứt rứt  về một đêm hội không hoàn thiện. "Đó chỉ là một con bò ngu ngốc chứ đâu phải là sư tử". Sảng cảm thấy tự ái vì tư cách nghề nghiệp bị thóa mạ.

Bỗng có tiếng gọi: "Bác Sảng, bác sang xem hội". Sảng quay lại nhận ra ông khách quen đã mấy chục năm của nhà mình. Sảng bảo: "Vâng!". Ông khách nói như phân bua: "Từ ngày ông không nhận hàng, chúng tôi phải đi chỗ khác, không thể nào có được một ông chúa sơn lâm như trước. Nhưng vẫn phải làm, bởi đó là cái "hèm" của làng lão từ xưa truyền lại... "Rồi lão nói như chỉ nói với mình, giọng trầm trầm xa xôi: "Còn giữ được cho cháu con ngày nào thì phải cố mà giữ". Sau hôm đó, Sảng về đóng cửa ngồi lỳ trong nhà, chẳng biết vì sao bao nhiêu người đến đặt hàng, Sảng đều từ chối hết. Xóm Mã trong cái vòng quay tít mù của "cơ chế thị trường" ngạc nhiên bảo: "Cái lão này đóng cửa để luyện thuốc trường sinh chắc?". Mặc kệ, Sảng bỏ ngoài tai, cổng nhà Sảng vẫn đóng im ỉm...

Vợ Sảng trở về nhà đúng mùa dâu da chín, khách buôn tấp nập đóng hàng. Lòng thấy vui vui, vợ Sảng lượn khắp vườn, rồi thị ngồi bệt bên một gốc cây, tay bứt từng chùm quả  ăn ngon lành. Ai nhìn thấy cũng quay mặt rùng mình, cảm giác lỏng cả chân răng vì chua. Vợ Sảng ngồi lỳ ngoài vườn ngấu nghiến ăn, thị khéo léo tách lớp vỏ dày như mở một cái nắp hộp tròn, móng tay nhuộm son đỏ chót, nhón từng múi mòng mọng đưa lên miệng lòng khấp khởi mừng thầm, thị nghêu ngao hát những câu đồng dao, mà thủa thiếu thời thị cùng đám trẻ trong xóm vẫn thường hát...

"Ăn quả dâu da mọc ba cái mụn...".

Hát xong vẻ mặt thỏa mãn tràn ngập trên gương mặt người đàn bà. Lạ quá, vẫn không thấy Sảng đâu. Thị đẩy cửa bước vào nhà, giật nẩy mình kêu rú lên, rồi ngây người chết đứng. Trước mặt thị, chồm hỗm giữa nhà là một con sư tử! Một con sư tử to lớn, lẫm liệt mà thị chưa bao giờ nhìn thấy trong đời. Ngoài cặp mắt lồi loé lên những tia hào quang, cái bờm mới kỳ lạ làm sao, nó rung rinh làm thị có cảm giác con sư tử sắp chồm tới. Thị biết ngay đây là những kỹ thuật độc đáo mà chỉ có Sảng mới làm được như vậy. Định thần nhìn kỹ thị chợt nhận ra chồng mình, cũng là một con sư tử ngồi ngay bên cạnh. Mọi tinh lực của anh ta dồn cả vào hai con mắt, lấp lánh tinh anh dũng liệt. Tóc tai lòa xòa trùm lên gương mặt, râu ria đâm ra tua tủa... Thị hoảng hồn đi giật lùi... Giật lùi ra vườn. Trong xóm Mã xanh rờn những tán dâu da thoảng như có tiếng gầm muông thú.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com