hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-872.htm

Xuân Thiều

Tâm sự chiến sĩ quản tượng

Anh Kiên thân mến!

Thế là Pắc Chăn của chúng ta chết mất rồi!

Nó chết vào trưa ngày 27 tháng 12, ngày mà tổ chúng ta vừa kết thúc đợt vận chuyển đột xuất. Ôi, con voi đáng thương! Ngày nào anh thường bảo bọn lính trẻ chúng tôi "Phàm con vật gì có chút ít trí khôn ta thương yêu nó, nó khắc biết thương yêu ta". Có phải vì thế mà Pắc Chăn - cho đến cái chết - nó cũng biết chết đúng lúc.

- Giá nó không thương chúng ta, lăn đùng ra chết trước đó dăm bảy hôm thì chúng ta không biết xoay xỏa ra làm sao để "lo liệu" cho nó.

Cậu Xuyền thường nghĩ đến lòng tốt của Pắc Chăn như vậy. Anh lạ gì tính cậu Xuyền. Nó vẫn thế, vẫn hay tư lự và mau mủi lòng. Tuy nhiên nó nói đúng. Những ngày trước đó, lúc anh em ở các binh trạm khác phải vớt nòng nọc đi, chắt từng ca nước trong các hốc đá của cánh rừng mùa khô, thì ở đây nước suối Nậm Bu bò lên gần đến chân sàn, chỗ chúng tôi gác bành tre. Gió mưa sùi sụt. Rừng lúc nào cũng gào thét như điên như dại. Đám đất trước lán đầy lá vàng, lá xanh và cành khô gẫy, nom chẳng còn dáng dấp cái sân tí nào nữa. Mà đâu còn thì giờ để dọn dẹp, chúng tôi đi suốt ngày. áo quần ướt giăng đầy vách. Cả tuyến đường vận chuyển bị nghẽn suối lũ, chỉ trông cậy vào mấy tổ quản tượng chúng tôi. Xe thồ đành bó tay. Cầu qua suối trôi gần hết, chỉ còn cái cầu mây vắt qua hai ngọn dẻ chỗ Đá Đen là còn đứng vững - cái cầu mây mà mỗi lần chúng ta đi qua, cậu Kiên thường dạng chân ra nhún nhẩy đánh võng làm cho cậu Xuyền cứ ngồi xuống mà kêu như bò chọc tiết. Nhưng riêng chiếc cầu mây Đá Đen còn đứng vững cũng bằng thừa. Thanh niên xung phong phải gác xe, xoay ra vận tải bộ, nhưng vượt suối lũ cũng không phải chuyện dễ dàng và chóng vánh. Họ cử đến mấy người phục vụ việc với chúng tôi, phục vụ cái ăn cái uống cho voi. Trong thời gian vận chuyển đột xuất ấy, voi được ăn theo tiêu chuẩn   bồi dưỡng, có thêm cơm, đường, mía và nõn chuối loại hảo hạng. Cung đường đi hàng xa gấp đôi ngày thường và yêu cầu trọng tải cho từng con có tăng thêm. Mờ đất ra đi, tối mịt mới về. Mấy con voi, chừng như cũng biết nhiệm vụ chở hàng ra tiền tuyến lúc này thật khẩn trương, chúng tôi đều bận rộn vất vả, nên chúng trở nên ngoan nết hơn. Con Pắc Chét khảnh ăn và lười biếng nhất đàn, đã mang được bốn tạ hàng - điều mà từ trước nó không sao kham nổi. Chú voi không ngà nổi tiếng tham ăn, mồm miệng lúc nào cũng chóp chép - chú Pác Mạy ấy, dạo này không tùy tiện dừng lại quờ cái ăn lúc trên đường đi hàng nữa. Còn chú Pắc Đo một ngà - ra vẻ voi đầu đàn ngay sau khi Pắc Chăn ốm. Nó không hay bông phèng như mọi dạo, nét mặt nghiêm trang, chỉ phải cái tội đâm ra làm dáng. Nó bắt chước Pắc Chăn - mỗi khi nghe tiếng động lạ, hai tai đang phe phẩy bỗng dừng phắt lại, căng ra như hai chiếc buồm đón gió. Nó nghe ngóng, bước rất khẽ và có lúc dừng lại đột ngột. Chú chàng biết tỏng mấy hôm nay trời mưa gió, rất ít tiếng máy bay địch nhưng vẫn tỏ ra quan tâm tới đàn em, nghe ngóng xem sao? Cậu Kên chăm chú nhìn Pắc Đo rồi nháy mắt với tôi? Tôi chưa kịp ngăn Kên, hẵng để mặc kệ chú chàng, thì Kên đã nện cho chú một búa, quát:

- Ê, đừng có làm phách nữa ông nội! Pa...ay! (tiếng Thái: Đi)

Cái tiếng "pay", Kên rít lên như còi. Tôi bực Kên lắm. Tuy Pắc Đo có điệu một tí thật, nhưng nó chở hàng nặng nhất đàn, lại không hay phún nước vào anh em thanh niên xung phong hoặc khoéo chân Pắc Chét như mọi dạo. Dù sao, cái cách làm dáng của Pắc Đo cũng có chỗ đáng yêu. Nó biết trách nhiệm đầu đàn của nó, hoặc nó tưởng rằng đã là voi đầu đàn thì phải có cái lối nghe ngóng động tĩnh nhạy bén như Pắc Chăn mới đưọc. Khi bị Kên mắng, Pắc Đo vẫn im lặng đi. Tôi tưởng chú sẽ dở chứng tự ái, bước đi khệnh khạng, vòi lủng lẳng đung đưa bên này sang bên nọ. Nhưng không phải. Pắc Đo biết mình sai hoặc là biết nín nhịn. Chính vì thế mà Kên hối hận. Không đợi chúng tôi phê bình, anh đã thú nhận rằng mình nóng nảy, ngứa mắt vặt vãnh, không hiểu tâm lý của chú Pắc Đo. Khi đến chỗ trả hàng, Kên chạy ù vô rừng chặt cho Pắc Đo một cây chuối non tước vỏ trắng lốp, và vuốt ve nó ra ý xin lỗi.

Suốt mười lăm ngày mưa gió, cả voi lẫn người tuy vất vả bận rộn nhưng không khí làm việc vui như nhà có đám. Chỉ khổ thân cho Pắc Chăn. Nó ốm. Nó buồn. Nó không ngủ được nên cũng cùng đàn dậy sớm. Cả đàn thích thú ngoạm từng nắm cơm nóng to bằng cái mũ cứng, rồi xúm lại quanh đống lá tươi cao như cồn rơm. Tiếng vòi đập lá giũ kiến, rồi tiếng nhai rau ráu, Pắc Chăn nhìn chúng bạn ăn uống ngon lành mà thèm, nhưng nó không ăn được. Khi chúng tôi xếp hàng hóa lên bành và các chú voi thích thú rung rinh làm các kiện hàng khẽ va vào nhau lắc cắc, thì Pắc Chăn nghiêng người đi, đôi mắt khép hờ, mệt mỏi. Hình như nó không dám nhìn cái cảnh lên đường đi hàng của chúng bạn, chỉ sợ mình ứa nước mắt ra. Mà nó ứa nước mắt ra thật, nó khóc thầm. ấy là lúc chúng bạn đã ra đi. ấy là lúc tiếng hú dài của cậu Phờng vang lên đầu suối, rồi vọng mãi trong các cánh rừng. Phờng là một thanh niên người Thượng miền Tây Quảng Bình mới bổ sung về tổ chúng tôi - một thanh niên tóc dày và quăn, đôi mắt to, có cái nhìn thật dữ dội. Không ai có bộ ngực đồng hun như Phờng, và trong tổ, mặc dầu đa số là anh em dân tộc ít người, cũng không ai thổi khèn bè hay như cậu ta. Phờng có thói quen, là lúc ra búa cho voi đi, cậu ta thường hú lên. Rồi hát:

Voi ơi voi! Ta cùng voi ra đi

Chở hàng ra chiến trường

Nơi nhiều ngọn núi của ông bà

Nơi lắm khúc sông của mẹ cha...

Bài hát do Phờng tự đặt ra, không có làn điệu nhất định, hát rất tùy tiện. Tuy vậy tiếng hát dường như từ trái tim sôi nổi của cậu ta bay ra, làm tâm hồn chúng tôi cũng trở nên phấn chấn, chúng tôi cảm thấy càng thêm yêu nghề nghiệp. Còn tiếng hú của cậu thì thật tuyệt diệu. Nó là tiếng vang của bộ ngực đồng hun, là tiếng của rừng núi. Bao giờ cũng thế, nghe tiếng hú của Phờng cất lên, đàn voi được kích thích. Chúng rảo bước, vòi giương cao, mắt nhìn ra xa y như chúng đang nhớ lại thời kỳ sống hoang trong rừng sâu, phóng khoáng và hung dữ. Và cũng khi tiếng hú của Phờng cất lên, thì chú Pắc Chăn đau khổ rên một tiếng khô khan và ngắn ngủi, rồi tựa cái hông gầy nhom vào thân cây lim tróc vỏ, vòi thõng xuống rũ rượi. Cứ thế, hai hàng nước mắt trào ra. Chao ôi, lòng tôi đau như xé. Trong đời tôi, tôi chỉ mới thấy Pắc Chăn khóc vài lần, nhưng lần này chính tôi cũng không cầm được nước mắt. Có lẽ hôm nào nghe tiếng hú của Phờng nó cũng khóc như thế. Hôm đó, nếu như tôi không có ý định ở nhà để săn sóc Pắc Chăn và luôn thể có tí việc với trạm giao liên, thì không làm sao biết được. Nó khóc vì tủi thân và bất lực, tôi chạy lại vuốt ve an ủi nó. Nó vờ làm ra vẻ vui cho tôi yên lòng. Tấm mía tôi róc vỏ sạch sẽ đưa cho, nó quờ lấy nhanh chóng, nhưng chỉ gặm một tí rồi nhè ra. Nó không muốn ăn nữa.

Anh Kiên thân mến!

Đã đành là Pắc Chăn biết nó không sống nổi nữa, nhưng như cậu Xuyền nói, nếu nó không thương chúng tôi, lăn đùng ra chết giữa những ngày rối bận, thì thật chúng tôi không biết sẽ xoay xỏa ra làm sao, vừa bảo đảm công tác vừa phải lo chôn cất nó. Pắc Chăn đã biết chết đúng lúc - khi mưa rừng tạnh được vài hôm, và chúng tôi đã "liên hoan" một nồi chè nếp mừng công hoàn thành vượt mức kế hoạch vận chuyển đột xuất do binh trạm đề ra. Bấy giờ, cầu đã sửa xong, các cô các cậu thanh niên xung phong lại kin kít thồ hàng đi. Nắng lên ấm áp. Nước suối Nậm Bu đã rút xuống, để lại hai ngấn nước bạc phếch hai bên bờ - trên những dãy dứa dại và tầm xuân rừng. Qua dòng nước trong vắt như trước, người ta thấy rõ những rọ đá xếp kè chắn ngang suối làm lối đi bị xộc xệch; có nhiều rọ bị cuốn trôi đâu mất để lại những hố nước xoáy sâu hoắm. Cái sân rác rưởi trước lán được quét dọn quang quẻ bốc lên một làn hơi mỏng mảnh khi nắng lên. Nền trời không còn vương vấn những đám mây xám, trở lại xanh mịn màng - một mầu xanh nhìn lâu chói mắt. Những ngày đó, không phải chúng tôi rỗi rãi, nhưng đỡ bận rộn hơn trước. Và Pắc Chăn đã chết một cách thảnh thơi, y như là nó tự nguyện chết vậy.

Giờ đây, chúng tôi đã chôn Pắc Chăn sau khu rừng nứa. Bộ ngà đẹp đẽ đã gửi về binh trạm. Quả thật, Pắc Chăn chết đi, để lại trong lòng chúng tôi một nỗi nhớ nhung. Dường như trong đời sống của chúng tôi, thiếu mất một cái gì thân thiết quá. Cậu Phờng thường nhìn về cuối cánh rừng nứa một cái nhìn dữ dội, và thổi những bài khèn bè nghe như có tiếng suối róc rách, tiếng lá thì thào, tiếng chim từ quy khắc khoải. Phờng lại đặt ra một bài hát:

Pắc Chăn ơi, mày đã chết rồi

Không còn cùng bạn bè chở hàng đánh thằng Mỹ.

Mày để lại cái bành tre

Và đôi ngà quý...

Kên lấy dao khắc lên cây lim tróc vỏ ngày chết của Pắc Chăn.

Kên nói:

- Chúng ta dốt. Nếu có đủ trình độ như bác sĩ thú y, thì chúng ta khắc biết cách chữa bệnh cho nó.

Anh chàng người Tày tuy tính hay đùa và nóng nảy nhưng lại thẳng thắn, xông xáo và biết nhìn xa. Anh đề nghị, nếu binh trạm không bổ sung thú y sĩ về, thì anh em trong tổ nên cử người đi học lấy dăm bảy tháng, ít ra cũng còn biết cách xem bệnh và bốc thuốc cho voi. Voi đối với mình như là chiếc ô-tô của anh lái xe, mà mình không biết gì về thú y, nhiều khi bí lắm. Kên có lý. Bởi vì điều làm chúng tôi băn khoăn là: suốt một tháng Pắc Chăn ốm cho đến lúc chết, chúng tôi không hiểu được nó mắc bệnh gì!

Hôm ấy, nó vẫn đi hàng như thường lệ. Nó vẫn xứng đáng là voi đầu đàn, mang năm tạ hàng, đi đứng nghiêm trang, oai vệ. Khi trở về chỗ cây lim tróc vỏ, Pắc Chăn vẫn tỏ ra vui, miệng thổi ù ù. Sau đó, Kên cho nó đi tắm. Nó hút nước phun như vòi rồng, rồi nằm dưới nước, kêu lóc cóc. Rõ ràng chú rất khoái chí. Buổi tối nó có vẻ buồn, kém ăn. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm khi chưa mờ đất. Tôi ra bãi voi, đứng đằng xa định gọi cả đàn dậy, thì thấy Pắc Chăn đã dậy từ lúc nào. Thần sắc nó bắt đầu khác đi, mắt hơi lờ đờ, miệng há ra và ở đó có một thứ nước dãi nhơn nhớt, mầu trắng đục chảy lòng thòng. Tôi quyết định cho nó nghỉ. Cậu Kên bảo:

- Chà, chú chàng lại dở chứng làm nũng đấy! Đừng chiều nó vớ vẩn.

Xem ra Pắc Chăn cũng không muốn nghỉ. ừ, cứ để cho nó đi! Mọi bận, Pắc Chăn rất giỏi, cứ xếp lên bành đủ năm tạ hàng, nó mới chịu đi. Chưa đủ trọng tải là nó cứ ì ra đấy. Hôm nay, mới xếp ba tạ rưỡi, nó đã vùng vằng muốn bước. Thôi, thế đã là cố gắng lắm rồi, nó bước uể oải. Đến một cái ngã ba, hình như nó hoa mắt lên bước nhầm đường. Tôi hô:

- Liềng phay! (tiếng Thái: Sang bên trái)

Pắc Chăn mới giật mình, biết mình nhầm đường, nhưng không đi sang trái như tôi hô, nó dừng lại luôn. Miệng nó càng há to, và lúc này chảy ra một thứ nước xanh đục. Chúng tôi dỡ hàng xuống và cho nó quay về không. Tôi róc một ôm mía thật ngon để trước mặt nó. Tuy nó có vẻ nể chủ, nhưng chỉ bóp mãi một khẩu mía mà thôi. Thế là nó ốm thật rồi. Khi binh trạm cho người về đồng bằng mời được ông thú y sĩ lên, thì người nó đã gầy đi, giơ xương sườn ra. Nó bỏ ăn, chỉ uống vài chậu nước đường và ít bột sắn. Ông thú y đã có tuổi, đeo kính cận, chỉ quen bệnh trâu bò, lợn gà, chưa bao giờ chữa bệnh cho voi. Ngay cả đến gần nó, ông còn có vẻ sợ, mà ông không dám đứng ở bãi voi lâu, chân lúc nào cũng xê dịch, chỉ lo vắt bám. Cái vẻ thiếu tự tin lộ ra trong giọng nói lúc ông chẩn đoán con bệnh:

- Chà, cũng gay đây. Có lẽ nó bị một cái nhọt trong cổ họng, hoặc là nó bị nhiễm lạnh sưng phổi trầm trọng gì đó...

Ông bảo chúng tôi cho Pắc Chăn uống "xuyn-pha-mít". Và ông tiêm cho nó một thứ thuốc gì rất khó gọi tên. Ông vội vã về xuôi để lại cho chúng tôi một nỗi lo lắng: bệnh tình của Pắc Chăn không thuyên giảm, mà trái lại. Chúng tôi đều ngẩn mặt ra nhìn nhau. Làm thế nào bây giờ? Giống như đứng trước một đứa bé chưa biết nói bị ốm, chúng tôi đều ước ao một cách mơ mộng rằng, giá có phép gì làm cho Pắc Chăn nói được nó đau ốm ra làm sao thì nhất định chúng tôi chẳng đời nào chịu bó tay. Phờng nói, giọng chắc nịch:

- Tui nghe ông bà miềng bảo con vật trên rừng trên rú sống dai lắm. Nó ốm, nó tự biết kiếm cái lá mà ăn cho khỏi bệnh. Cái lá đó miềng không biết được. Tui đề nghị thả cho Pắc Chăn đi vô rừng...

ý kiến của Phờng làm cả tổ vui mừng và hy vọng. Nhưng liền sau đó, chúng tôi cảm thấy mình đối với Pắc Chăn nhẫn tâm quá. "Con lành con ở cùng bà, váng mình sốt mẩy con ra ngoài đường"; lúc Pắc Chăn khỏe mạnh sung sức thì nó phục vụ cho mình, nay nó ốm lại đuổi nó ra rừng. Pắc Chăn đã sống với bộ đội lâu rồi, dễ có đến ngót hai chục năm. Đã tham gia kháng chiến chống Pháp, nay lại đến kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch Thượng Lào, Pắc Chăn là kiện tướng vận tải được tặng Huân chương Chiến công. Thực tình, anh em chúng tôi đều kính nể và quý trọng Pắc Chăn bởi những cống hiến của nó. Tuy Pắc Chăn có những lần phạm sai lầm và những nhược điểm nhất định, nhưng nó là con vật đã nặng tình nghĩa với chiến sĩ vận tải. Chúng tôi bàn với nhau và quyết định phải giả vờ làm mặt giận mới đuổi được nó đi. Chỉ có cậu Xuyền là không chịu được thái độ đó. Lúc chúng tôi phải nén lòng lại, vác gậy gộc xua Pắc Chăn vô rừng, thì Xuyền lánh mặt. Quả thật lúc đầu Pắc Chăn hơi ngờ ngợ, dường như nó không hiểu vì sao nó bị hắt hủi. Cứ đi một thôi, nó lại ủ rũ quay đầu, nhìn chúng tôi như van lơn, cầu khẩn. Giá như chúng tôi đều mau mủi lòng như cậu Xuyền cả, thì công việc sẽ hỏng ngay lập tức. Tối hôm ấy, không thấy Pắc Chăn về nữa, tâm trạng chúng tôi thật phức tạp, vừa thương nhớ nó, vừa vui mừng vì đã đạt được ý định. Phờng là người cả quyết tin rằng chỉ vài mươi hôm nữa Pắc Chăn sẽ trở về khỏe mạnh và béo tốt như xưa. Vắng Pắc Chăn, đàn voi có vẻ nhớ. Chúng thường lấy vòi sờ mó lên cây lim tróc vỏ - nơi chúng tôi vẫn thường xích Pắc Chăn vào đấy - như thể muốn tìm bóng dáng của chú voi đầu đàn.

Chúng tôi bắt tay vào kế hoạch vận chuyển đột xuất khi mưa lũ đổ về. Thiếu Pắc Chăn - con voi nòng cốt nhất của cả đàn - lúc này thật tai hại. Đêm về, thay xong quần áo, chúng tôi xúm nhau ngồi hơ tay trên đống lửa, nhắc Pắc Chăn như nhắc một người thân đi xa. Thường thì cậu Xuyền mở đầu bằng một lời xuýt xoa:

- Hôm nay nữa là ngày thứ ba...

- Vị chi Pắc Chăn đi đã được năm ngày...

Tiếp theo, Kên bèn tưởng tượng ra cái cảnh Pắc Chăn đi hết rừng này sang rừng khác kiếm lá trị bệnh y như Đường Tăng đi thỉnh kinh. Niềm hy vọng của chúng tôi đã biểu lộ trong lúc bàn luận với nhau, chuẩn bị kiếm cái gì liên hoan đón Pắc Chăn "ra viện".

Đêm thứ tám, kể từ ngày Pắc Chăn đi, chúng tôi đang ngủ say, chợt giật mình tỉnh dậy vì có tiếng vòi voi quờ quạng ngoài liếp cửa. Điều này thật lạ lùng. Xưa nay voi đi làm hoặc đi ăn đều ở ngoài bãi, có con nào dám mon men vào tận lán của tổ quản tượng đâu. Chúng tôi xách đèn bão ra, Pắc Chăn đã về đứng sững giữa sàn, đầu gồ ghề, xương sườn hằn lên trên lớp da xám mốc, miệng vẫn há ra và chảy rớt. Chao ôi, trông nó tội nghiệp quá! Nó nhìn chúng tôi một cái nhìn bất lực và đau đớn. Và từ hai hốc mắt sâu hoắm, hai dòng nước mắt trào ra, Pắc Chăn khóc làm chúng tôi lạnh người vì xúc động. Cậu Xuyền sụt sịt rồi cáu với chúng tôi bằng cái giọng vỡ tiếng:

- Các anh xử tệ với nó quá! Ai lại nỡ đuổi nó đi, để bây giờ nó mang cái thân tàn ma dại trở về cầu xin chúng ta cứu nó - Và anh lại vỗ vỗ lên cái vòi vuốt ve nó:

- Thôi, mày chẳng phải đi đâu nữa cả. Sống chết cứ ở đây. Rồi chúng tao sẽ liệu...

Nhưng chúng tôi còn biết liệu thế nào. Rõ ràng là Pắc Chăn không tự chữa nổi bệnh, mới trở về như thế. Thú y sĩ cũng đã chịu. Chỉ còn một cách là đi hỏi dân bản. Tôi và Phờng tìm đến bọ Hồ Lay - một ông già Vân Kiều quen thân với tổ chúng tôi lúc chúng tôi còn công tác dưới kho A1. Bọ Hồ Lay nói:

- Nó đã không kiếm được cái lá mà ăn cho khỏi bệnh, là nó chết.

Chúng tôi nài nỉ mãi rằng "còn nước còn tát" nên bọ cũng kiếm cho chúng tôi một ôm lá. Chúng tôi giã ra, gạn lấy nước hòa với đường. Pắc Chăn chỉ tợm một ngụm rồi thôi. Nó không muốn uống thuốc, cũng không muốn ăn. Đường trắng, đường đỏ, bột sắn, cháo đậu xanh, Pắc Chăn đều chỉ nếm một tý gọi là. Trong lúc đó, chú Pắc Mấy háu ăn không giấu được nỗi thèm thuồng, mắt lấm la lấm lét, chỉ chực chờ chiến sĩ quản tượng sơ ý một tý là xông đến ăn thôi.

Hôm nay nắng ấm, thấy Pắc Chăn cứ quay đầu ra ngoài suối, Kên đề nghị với tôi cho Pắc Chăn đi tắm. Cái giống voi rất thích nước, biết đâu được tắm táp mát mẻ, bệnh của nó thuyên giảm cũng nên. Pắc Chăn hăm hở ào xuống suối. Và trở nên hoạt bát vui vẻ, nó lại vục vòi phun nước nghịch ngợm như ngày nó còn khỏe mạnh. Chơi chán, nó lẩn đến chỗ vũng sâu, đầm mình, miệng kêu cóc cóc ra vẻ khoái chí. Chỗ ấy có một cái xoáy nước ngầm sâu lắm, càng sát tới bên bờ kia càng hẳm. Vắt vẻo ngồi trên một cành vả bên bờ suối, Kên hoàn toàn không chú ý đến Pắc Chăn mỗi lúc một đi xuống vũng sâu. Cho đến khi mặt nước chỉ nổi lên chiếc vòi phun nước phè phè, Kên vẫn tưởng nó đùa. Anh không ngờ chỉ vài giây sau đó Pắc Chăn chìm hẳn. Nhìn dòng nước xanh leo xanh lẻo soi rõ từng đàn cá niên bơi lượn, người ta khó biết được dưới đáy suối có xoáy nước ngầm chảy xiết...

Thôi thế là Pắc Chăn đã chết, y như nó muốn tự tử vậy. Bốn chiếc ô-tô và một trung đội công binh đã kéo xác nó lên bờ. Quả thật chúng tôi đều không có trình độ chuyên môn về thú y, nên khi anh em công binh phanh phui mổ xẻ thân thể nó ra, chúng tôi cũng không thể hiểu nổi nó chết về bệnh gì? Có điều này đáng chú ý: chúng tôi nhặt được bốn cái đầu đạn súng trung liên trong người nó, có một viên chui vào chính giữa phổi. Đấy là những vết thương cũ của nó trong kháng chiến chống Pháp. Không biết nó chết vì những vết thương cũ tấy lên, hoặc do một bệnh hiểm nghèo nào khác?

Anh Kiên thân mến!

Đã đành là Pắc Chăn chết cũng như Pắc Vê chết năm xưa, nó ốm thì nó chết. Dẫu chúng ta hết lòng thương yêu nó, thì nó vẫn là thân phận con vật. Nhưng dường như chỉ sau cái chết của Pắc Chăn, tôi mới có dịp ôn lại quãng đời làm chiến sĩ quản tượng để tâm sự với anh.

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày tôi được điều động về tổ quản tượng do anh phụ trách. Tôi giẫy lên như đỉa phải vôi, rằng xin chịu thôi, nào tôi có biết voi ngựa bao giờ đâu? Anh bảo:

- Cậu là người dân tộc Thái Kỳ Sơn, chẳng lẽ cậu chưa hề biết con voi như thế nào ư?

Tôi thú thật là trong bản tôi cũng có một vài con voi của những nhà giàu có. Người ta dùng để kéo gỗ và chở hàng sang tận bên Lào. ấy là chỉ mới biết thế thôi, chứ chưa hề giữ nó. Mà giữ làm sao được. Những người giàu trong bản tôi nuôi voi có những tay quản tượng nhà nghề. Đấy là những người đã lớn tuổi, có ria mép, răng vàng, mắt lúc nào cũng đăm đăm, tẩu thuốc lá bốc khói dường như không mấy khi rời khỏi miệng. Bố tôi bảo, họ từ đâu đến không ai biết, không có vợ con; người quản tượng không được lấy vợ, phải sống trong sạch như người nhà trời mới điều khiển nổi voi. Lũ trẻ con chúng tôi gặp các bố quản tượng đều phải vòng tay lại cúi đầu chào "Lạy ông ạ". Đấy, sự hiểu biết của tôi về người quản tượng là những người xa lạ đầy bí mật như thế, nên tôi tìm mọi cách từ chối. Đến bây giờ tôi vẫn còn xấu hổ khi nghĩ lại thái độ vụng về và lúng túng của tôi lúc đó. Tôi đã đỏ mặt lên và một hồi lâu mới đánh bạo nói rằng, tôi đã chót cưới vợ rồi.

Anh vỗ vai tôi cười vang. Anh không chế giễu tôi, mà nói về anh:

- Mình cũng có vợ và hai con đang ở trong nam. Cậu đã thấy biển bao giờ chưa? Chưa à? Mình là dân biển. Quanh năm suốt tháng chỉ lăn lưng ra trên những đồng muối trống trải. Quen nắng, quen hơi nước mặn và gió biển, chứ có quen rừng như cậu đâu. Thế mà hồi lên Tây Nguyên cấp trên giao cho giữ voi cũng làm xong tất. Bây giờ hóa ra đã quen nghề...

Hôm ra bãi voi, anh đưa tôi đến làm quen với Pắc Chăn. Tôi đâm ngạc nhiên vì anh có một thứ ngôn ngữ riêng với nó, hay do tôi cảm thấy thế, mà nó biết anh giao cho tôi phụ trách nó. Pắc Chăn phe phẩy hai tai, giương cặp mắt ti hí nhìn tôi. Tròng mắt nó đảo đi đảo lại mấy lần như dọa dẫm, muốn bắt nạt tôi. Chắc anh biết, nhưng giấu không muốn nói, sợ tôi chùn bước. Anh chỉ nói rằng, nó là con voi rất tinh khôn, làm việc giỏi, nhưng phải cái hơi bướng, quản tượng lơ mơ là cu cậu đâm ra tự do vô kỷ luật ngay.

- Đối với nó, cậu phải đàng hoàng. Đừng rụt rè mà nó coi khinh.

Tôi cũng tự nhủ mình như thế. Hôm sau, anh bảo tôi trèo lên lưng Pắc Chăn. Thú thật tôi cũng hơi lo lo. Anh hô:

"Xông!" (Tiếng thái: Co)

Nó co chân lại và tôi đang ì ạch trèo lên, thì Pắc Chăn đã đưa cái vòi ram ráp khèo chân tôi lôi tuột xuống. Tôi hoảng quá. Nhưng anh vẫn động viên:

- Chú phải lên thật nhanh thật gọn! Nó là chúa ghét cái tính lề mề chậm chạp.

Lần thứ hai, tôi cũng bị nó khèo chân, nhưng lần này có vẻ tàn nhẫn hơn, gần như nó vất tôi xuống. Tôi tưởng anh sẽ đánh mắng nó, nhưng anh vẫn thản nhiên. Như để giải thích rằng, chính là do lỗi ở tôi rụt rè, chậm chạp, anh biểu diễn động tác lên voi cho tôi xem. Quả nhiên lên mới đẹp, mới dứt khoát làm sao!

- Thôi để hôm  khác. Hẵng từ từ.

Anh bảo thế, nhưng tôi vẫn coi như buổi tập đầu tiên thất bại. Tôi theo dõi công việc điều khiển voi của anh mà thèm. Đối với anh, Pắc Chăn ngoan ngoãn thùy mị như con mèo con, chứ không còn là chú voi hung dữ bướng bỉnh nữa. Với tính hiếu thắng nông nổi của mình, tôi không chịu được thất bại, tôi chỉ muốn chinh phục Pắc Chăn một cách mau chóng. Và tôi say sưa với một kế hoạch dại dột và quá ư trẻ con. Tôi trèo lên cây đa đầu ngã ba đường, nơi Pắc Chăn thường đi làm về qua. Chọn một cành thuận lợi nhất, tôi ngồi giấu mình đợi ở đấy, định bụng lúc Pắc Chăn vừa vặn đi tới, tôi chỉ cần bước khẽ một bước, là coi như mình đã ngồi chễm chệ trên lưng chú chàng rồi. Hình như Pắc Chăn phát hiện ra tôi từ đằng xa, và con vật khôn ngoan ấy cũng đoán được ý định của tôi. Nó giả tảng lờ đi, vừa bước khoan thai vừa cho vòi vào miệng hút đầy nước. Mắt không hề ngó ngàng gì đến tôi, nó ung dung đi, tấm lưng mầu mốc cọ vào các cành đa thấp, làm những túm lá rung rinh lào xào. Tôi đang nín thở, chuẩn bị tư thế thì Pắc Chăn bất chợt quật vòi lên nhằm đúng tôi, phun một vòi nước. Tôi chỉ kịp ôm chặt lấy cành đa, mặc cho mặt mũi quần áo ướt mèm, và cái mùi vừa hoi vừa nồng của nước miếng voi làm tôi phát buồn nôn. Câu chuyện dại dột đó sẽ làm trò đùa cho anh em trong đơn vị, nếu như anh không thương tôi, lại đem câu chuyện ra chế giễu. Anh đã phạt Pắc Chăn, nện chú chàng một búa nên thân về cái tội xấu chơi ấy. Tất nhiên không phải bị phạt mà Pắc Chăn khuất phục tôi, chính là tôi đã làm theo lời anh dặn: "Đối với nó mình phải đàng hoàng. Đừng để nó coi khinh". Tôi ra bãi thể thao, tập leo xà. Tôi không tập theo bài quy định, mà cứ tập đu người lên xà kép làm  sao cho thật nhanh, thật gọn. Hôm sau, với một niềm tin mạnh mẽ, tôi đến trước Pắc Chăn vỗ về làm thân với nó như một tay quản tượng thực thụ. Tôi hô:

- Xông!

Pắc Chăn co chân lên và thoắt một cái tôi đã ngồi ngất nghểu trên lưng chú chàng rồi. Đứng đằng xa, anh đã reo lên:

- Hoan hô! Nhọt khá lắm!

Từ đó, đưa voi lên công trường kéo gỗ hoặc chở lương thực cho bộ đội biên phòng, anh đều dẫn tôi đi cùng. Pắc Chăn bây giờ đã thuộc tôi điều khiển. Anh còn phải lo chung cho cả tổ và phụ trách riêng Pắc Vê, con voi đầu đàn già tuổi và ngoan nết. Tôi cũng phát hiện ra Pắc Chăn làm việc khỏe và có ý tứ. Đường lên đèo Pa Nguột có đoạn trơn như thế mà nó chẳng khi nào trượt chân. Những lúc kéo gỗ xuống dốc, Pắc Chăn biết cho cây gỗ chạy trên những chỗ đất gồ ghề để tăng lực ma sát. Chứ không đểnh đoảng khờ khạo như chú Pắc Chét, cứ để gỗ lao theo vệt mòn, chạy cuống cà kê lên mà vẫn có hôm bị gỗ thúc vào chân. Tuy nhiên, Pắc Chăn cũng có nhiều tật xấu. Tôi ghét nhất là cái lối chơi trội và hay ghen tị của nó. Bao giờ nó cũng chọn những cây gỗ mà Pắc Vê - con voi đầu đàn - đã lấy vòi nhắc thử không nổi. Tuy phải ráng sức mới kéo được những cây gỗ ấy, nhưng Pắc Chăn tỏ vẻ hãnh diện lắm. Ai chả biết nó trẻ và khỏe hơn Pắc Vê, nhưng không vì thế mà uy tín của nó đối với cả đàn lại trội hơn Pắc Vê được. Có hôm gặp một cây kiền kiền khoát cỡ sáu người ôm, loại gỗ cầu dứt khúc xẻ thành phiến, tuy biết là chẳng con voi nào kéo nổi, tôi vẫn bảo tay Xuyền cho Pắc Vê vào nhấc thử. Pắc Vê bỏ ra. Được tính hiếu thắng kích thích, Pắc Chăn hăm hở xô vào. Chú chàng gò lưng lại lấy vòi quặp gỗ, nhưng quặp không khẳm, chưa nói đến nhấc. Tôi giữ một nét mặt thật nghiêm, cứ thúc. Chú chàng bèn lấy chân hất. Cây gỗ lớn cứ nằm ì ra không nhúc nhích. Tôi càng thúc, chú chàng càng cố sức thử. Cho đến lúc Pắc Chăn lùi ra, lúc lắc đầu, tôi chỉ muốn mắng cho mấy câu, nhưng thấy tội nghiệp, chú chàng có vẻ cũng biết tôi muốn trị cái bệnh thích chơi trội của chú.

Pắc Chăn dần dần bớt được cái tính coi khinh tôi. Tuy nhiên nó cũng không tỏ ra kính trọng quý mến như đối với anh. Đi với anh, thì chẳng làm sao cả, nom bộ ngoan ra phết. Nhưng đi với tôi, thỉnh thoảng nó lại dở chứng. Hôm lên đồn biên phòng, chú chàng tự tiện bẻ luôn mấy cây mía hiếm hoi của đồn, làm tôi giận quá, nện cho mấy búa. Thế là chú chàng nổi tự ái, bỏ trốn đi dạo trong rừng làm tôi suýt phát khóc lên. Tôi giận Pắc Chăn, đồng thời cũng tự giận mình. Bản lĩnh mình còn non nớt quá, nên nó mới nhờn mặt. Tôi bấm chí học anh cho bằng được. Anh bảo, những tay dạy thú làm xiếc thường lập luận rằng, phàm con vật gì cũng lấy miếng ăn làm đầu, phải biết dùng miếng ăn mà dạy dỗ nó. Nó tập tốt, cho ăn ngon, nó tập tồi, phạt nhịn hoặc cho ăn xoàng. Tay này cầm miếng thịt nướng, tay kia cầm roi, thì dù con hổ dữ là vậy cũng vào khuôn phép như con mèo. Anh chê lập luận đó phiến diện hoặc chỉ thích ứng với những con vật làm xiếc, hành động máy móc - mà ngay nó cũng không hiểu hành động đó để làm gì. Còn con voi của chúng ta là công cụ làm việc, y như con trâu của người nông dân. Số phận của nó gắn liền với số phận chiến sĩ vận tải - phải hiểu như thế thì mình mới hết lòng chăm sóc dạy dỗ nó. Phải xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp của rmình mà thực tình yêu thương nó.

Không phải chúng ta ở trong  nghề với nhau mà nói ngoa: quả thật giống voi là giống vật rất khôn ngoan và giàu tình cảm. Khi tôi chăm sóc nó từng cái ăn cái uống đến việc giữ gìn trau chuốt cái bành cho nó êm lưng lúc đi chở hàng, Pắc Chăn tỏ ra quyến luyến tôi. Nghe tiếng tôi từ đằng xa, chú chàng đã vểnh tai lên nghe ngóng, rồi mon men lại gần.

Dù sao, tôi vẫn cảm thấy mình còn một điều gì đó chưa làm cho Pắc Chăn hoàn toàn kính phục. Có thể do tôi còn ít tuổi hoặc chưa có cái phong thái vừa nghiêm khắc vừa bao dung như anh chăng? Nhưng không phải. Điều đó xảy ra trên đường hành quân vào trong tuyến đường này nhận nhiệm vụ mới. Qua phà L. anh dẫn Pắc Vê qua chuyến trước. Đến lượt tôi dẫn Pắc Chăn qua thì chú chàng lừng khừng trước cầu phà không chịu lên. Tôi giục. Chú chàng uể oải dùng vòi ấn thử cầu phà xem có đủ sức chịu đựng cho nó bước lên không. Tôi thầm nghĩ: "ái chà, cậu cả lại "điệu" rồi. Pắc Vê qua được là cậu qua được thôi. Cậu cũng chả to xác hơn Pắc Vê bao nhiêu đâu". Nghĩ vậy, nhưng tôi cứ mặc cho Pắc Chăn ấn thử. Âu cũng là thói quen của giống voi. "ác" - nó ấn một cái, tấm ván gẫy đôi. Anh em công nhân lái phà lật đật chạy đi kiếm tấm ván khác thay thế. Trong lúc đó, Pắc Chăn lơ đễnh ngắm nhìn dòng sông rộng rãi và những chiếc thuyền buồm đang lộng gió chạy xuôi. Thay xong tấm ván, Pắc Chăn lại rán sức ấn một tấm khác gẫy nốt. Anh em công nhân phà kêu toáng lên rằng, thế này thì chịu thôi, chú voi này không qua nổi phà, phải cho nó bơi sông. Tôi đâm ra lúng túng. Một mặt, tôi cố nằn nì anh em công nhân thay thêm tấm nữa, bởi vì đấy là tấm ván mục, trước sau rồi cũng phải thay. Mặt khác, tôi nghĩ đến trường hợp phải dìu Pắc Chăn lội sông. Quả thật, tôi chưa hiểu Pắc Chăn có bơi được qua con sông rộng lớn này không. Một bác công nhân già, trong lúc gỡ tấm ván gãy, phân vân: - Chà, nó cứ nhè chính giữa tấm ván mà bẻ, thì chả có tấm nào chịu nổi sức voi đâu.

Câu nói của bác công nhân như một tia chớp lóe lên trong đầu óc tôi soi rõ những nét khờ khạo của mình. Té ra chú Pắc Chăn này khoảnh thật, định chơi khăm mình đây. Tại sao nó không ấn thử vào chỗ có những dầm dọc hoặc chỗ tiếp giáp giữa hai tấm ván? Bàn chân nó to như cái rổ có bao giờ đặt gọn được trên một tấm ván ngang của cầu phà đâu. Lần này, tôi đứng trước mặt Pắc Chăn nghiêm khắc ra lệnh cho nó phải theo ý định của tôi. Quả nhiên, Pắc Chăn chỉ ấn thử qua loa, rồi bước gọn gàng lên phà trong tiếng nước dềnh lên, táp vào mạn phà lép bép.

Bây giờ thì tôi hiểu, điều mà từ trước tới nay nó chưa phục tôi là vì mình còn thiếu kinh nghiệm điều khiển nó. Tôi cũng giận Pắc Chăn mà lại có ý thầm phục. "Được, cho mày thử sức ông, càng thế ông càng chóng tích lũy được kinh nghiệm". Giữa tôi và nó dường như có một cuộc chạy đua thân thiện. Thỉnh thoảng nó lại giở những trò vớ vẩn: dọa trẻ con, xua đàn trâu hợp tác, nhấc đít ô tô lên khi gặp những cậu lái xe hay bóp còi thúc sau lưng. Dường như nó giở những trò ấy để bắt tôi phải xử trí. Và suốt cuộc hành quân đường dài ấy là một trường học đối với tôi. Sự tự tin vào khả năng của mình mỗi ngày một tăng, khi Pắc Chăn cũng càng ngày càng mến phục tôi hơn.

Có lẽ vì thế - mà sau khi vào đây - cấp trên đã giao cho tôi thay anh phụ trách tổ quản tượng. Bây giờ Pắc Vê đã chết, nó chết vì bệnh thối phổi, chết nhanh chóng và không đau đớn mấy. Tất nhiên Pắc Chăn được chọn làm voi đầu đàn. Cũng dịp đó, tôi được đề bạt lên thượng sĩ. Chẳng vì được cất nhắc mà tôi muốn xa anh. Có điều là chẳng thể để một thiếu úy lâu năm như anh phụ trách mấy con voi vận tải. Anh được giao làm chính trị viên một đại đội vận tải thuyền.

- Lanh quanh một chầu, bây giờ mình lại được trở về với sông nước. Anh nói với tôi như thế, lúc hai đứa mình trầm ngâm ngồi bên suối từ giã nhau. Anh là người kín đáo, thật khó mà đoán được tâm trạng lúc ấy. Nhưng nếu tôi không nhầm, ra đi anh vẫn quyến luyến anh em trong tổ và mấy con voi hết sức. Anh khêu gợi với tôi cách giúp đỡ anh em trong tổ, đặc biệt chú ý đến Kên và Xuyền - những người mà anh đã nhằm có thể thay tôi khi cần thiết, tuy anh không nói ra. Còn mấy con voi, từ lai lịch, tính nết, cách điều khiển nó ra làm sao, anh đều nói cho tôi biết chi tiết. Như muốn trao cho tôi cả cái vốn liếng nghề nghiệp trong gần chục năm làm quản tượng của mình.

Bây giờ anh đã trở về với sông nước quen thuộc từ tấm bé. Đại đội thuyền của anh chở hàng ra tiền tuyến, trên một con sông lắm thác nhiều gềnh hung dữ, con sông lúc nào cũng như mang trong lòng một nỗi tấm tức, muốn phá băng rừng núi để òa ra biển. Nơi cửa sông ấy có những cánh đồng muối trống trải, nắng và gió đều mặn mùi biển. Nơi ấy là quê anh.

Còn tôi, tôi vẫn chưa được thấy biển. Tôi chỉ gặp biển trong màn ảnh, với những con sóng lừng lững ào tới tưởng chừng sắp ập lên đầu mình. Biển chỉ khêu gợi tính tò mò của tôi, chứ chưa có gì hấp dẫn bằng rừng. Đối với tôi rừng là tuổi trẻ, là kỷ niệm và cả ước mơ nữa. Tôi ở lại với rừng, với anh em trong tổ và đàn voi thân thuộc. Nhưng làm sao tôi không lo lắng được, khi tôi phải đảm đương mọi công việc trong tổ. Bây giờ không còn kéo gỗ về xây dựng doanh trại hoặc chở từ rượu mùi, thuốc lá đến những cuộn chỉ đỏ, chỉ xanh lên đồn biên phòng như hồi trước nữa. Bây giờ thằng Mỹ đã đem chiến tranh đến tận đây. Voi ta chở vũ khí đạn dược ra chiến trường đánh Mỹ. Say sưa trong công việc khó khăn, bao giờ ta cũng tìm ra hứng thú. Hình như chúng ta đều nhận thấy nhiệm vụ chiến sĩ vận tải giờ đây có ý nghĩa hơn. Chính vì thế, mặc dù anh đi rồi, chúng tôi vẫn đoàn kết với nhau và công việc binh trạm giao cho đều làm trôi chảy. Và Pắc Chăn từ khi lên làm voi đầu đàn cũng tỏ ra mẫn cán gương mẫu hơn. Pắc Chăn dậy sớm, chở nặng hơn cả đàn, còn cách ăn uống thì không chê vào đâu được, không tham ăn nhưng tạp ăn, thức gì đối với nó cũng có thể ngon miệng được cả. Chúng tôi đang mừng thầm, Pắc Chăn ngày một ngoan nết, thì chú chàng lại đổ đốn, chơi chúng tôi một vố. Thoạt tiên, nhân lúc đi ăn, chú chàng đã kéo cả đàn xuống vầy nát gần một nửa rẫy sắn của đồng bào Tà Nọi. Bọ Hồ Lay lật đật chạy đi gọi chúng tôi. Tất nhiên chúng tôi phải bồi thường cho đồng bào. Anh em ai cũng phiền lòng và giận đàn voi hết sức. Trước tiên là giận Pắc Chăn, chú voi đầu đàn. Cậu Kên nện cho chú mấy búa, chỉ cho nửa suất cơm và xích chân thật chặt vào cây lim tróc vỏ.

Dạo ấy đang mùa xuân. Hoa móng ngựa nở trắng trên sườn núi cao và hoa mai dệt vàng hai bên bờ suối. Những buổi sớm se lạnh, sương giăng mờ mờ trong rừng gợi lên một sự tĩnh mịch đến dễ chịu. Qua màn sương, ánh lửa cũng nhòe đi, những trái núi trở nên đồ sộ hơn tưởng chừng không thể hiểu được chiều cao của chúng. Những buổi sáng như thế, trước khi đi hàng, chúng tôi ngồi hơ tay bên bếp, uống nước chè nóng và thường nhắc đến hoa đào, đến ngày hội tung còn và những chiếc áo mầu. Bao giờ cậu Phờng cũng đứng dậy một cách đột ngột, vớ chiếc khèn bè và nghiêng đầu, cong lưng lại thổi một làn điệu dịu dàng. Chúng tôi lim dim mắt lắng nghe, và ngoài rừng, thỉnh thoảng những giọt sương rơi tí tách.

Những buổi sáng như thế, đàn voi đến mùa động tình cũng trở nên mơ mộng hơn. Chúng giương  những cặp mắt tư lự nhìn qua màn sương, đôi tai ngừng phe phẩy lắng nghe tiếng gầm xa xa của voi rừng. Dạo ấy, chúng tôi vừa nghe bà con dân bản Tà Nọi báo là có một đàn voi rừng đông lắm đang kéo nhau về phía rừng Hốc Trăn. Chúng tôi không thả cho voi nhà đi ăn nữa, sợ chúng đánh nhau với voi rừng. Xích chân chúng lại, chịu khó kiếm thức ăn cho chúng mà mình lại yên tâm hơn. Bỗng dưng một buổi sáng sớm, Pắc Chăn bứt xích bỏ đi mất. Kên bực mình trách Xuyền, tại sao lại xích chân nó bằng xích bé, nếu dùng loại xích sắt mười hai mi-li-mét thì bố nó cũng không bứt nổi. Đây không phải chuyện xích lớn xích bé, mà là chuyện Pắc Chăn đã dở chứng. Tôi giao công việc ở nhà cho Xuyền, rồi cùng Kên và Phờng mang gạo và thức ăn đủ một tuần, xách súng đi tìm. Chúng tôi đề ra mấy dự kiến: nếu Pắc Chăn bỏ đi lang thang đâu đó thì gọi nó về không khó khăn lắm, còn như chú chàng đi theo đàn voi rừng thì thật gay go. Một là có thể bị voi rừng đánh chết, hai là khuất phục đi theo chúng thì Pắc Chăn sẽ trở lại hung dữ như bất kỳ con voi rừng nào.

Chúng tôi về bản Tà Nọi, hỏi thăm đường lên rừng Hốc Trăn. Bọ Hồ Lay bảo:

- Hắn ở với miềng lâu rồi, hắn không theo voi rừng mô. Hắn không chịu được cái mùi voi rừng nữa. Có lẽ hắn đi tìm voi cái. Mùa xuân đến, vẫn có những con voi cái đi lẻ chịu đực. Nhưng phải cẩn thận đó, hắn đang say sưa cái là hay nổi khùng.

Bọ Hồ Lay nói đúng. Đi đến ngày thứ ba, chúng tôi tìm ra dấu chân Pắc Chăn, nhờ cái mẩu xích còn dính ở chân sau kéo thành vệt trên đất ẩm. Xem dấu chân thì biết Pắc Chăn đang đi theo một ả voi cái. Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã đuổi kịp và bắt gặp cả đôi đang vờn nhau trên một đám cỏ giữa thung lũng. Phắc Chăn da mầu mốc, có vẻ gầy đi đang đưa vòi bện lấy vòi con voi cái, nô dỡn. ả voi cái bé hơn nhưng nom đẹp làm sao, da đen nhánh, béo lẳn. Chúng tôi nấp sau những gốc cây, chuẩn bị tư thế thuận lợi khi cần thiết phải nổ súng.

- Hú... u... ú...,

Tiếng hú của Phờng vang lên đội vào thung lũng, tưởng như có nhiều tiếng hú lần lượt đáp lại. Pắc Chăn buông bạn tình, ngẩng đầu lên. Nhận ra tiếng hú, nó có vẻ bâng khuâng. Tôi biết lúc này mình cần phải lên tiếng. Nó thuộc tiếng tôi như thuộc đường đi lối về của nó. Tôi bắt tay làm loa gọi:

- Pắc... Chă... ăn! Pắc... Chă... ăn!...

Pắc Chăn sửng sốt. Y như người phạm tội bị bắt quả tang, vòi thõng xuống, hai tai cụp, nó đứng im như con voi xây trước đình làng. Rõ ràng tiếng gọi của chúng tôi đã thức tỉnh nó, lòng nó đang mềm lại, phân vân, lưỡng lự. Giữa lúc ấy thì ả voi cái hoảng hốt kêu lên những tiếng khó hiểu và vụt bỏ chạy. Không cưỡng nổi trước tiếng gọi thiết tha của bạn tình, Pắc Chăn chỉ ngần ngừ một lát, rồi cũng bỏ chạy theo. Thế là hỏng. Cả ba chúng tôi đuổi riết. Phờng đòi nổ súng, nhưng tôi ngăn lại. Đôi voi chạy ào ào. Phía trước, cành cây gẫy răng rắc. Còn chúng tôi cũng chạy đứt hơi, tay chân mặt mũi xước ra vì gai cào. Sương chiều như từ mặt đất bốc lên tỏa khắp rừng và hoàng hôn đổ xuống nhanh chóng. Chúng tôi đã mất hút dấu chân chúng, đành dừng lại thổi cơm ăn, mắc võng ngủ. Phờng nói:

- Tui đề nghị bắn chết con voi cái. Còn con voi cái thì Pắc Chăn không chịu về.

Chúng tôi bàn bạc hồi lâu và nhất trí nhận định rằng, Pắc Chăn vẫn còn có khả năng trở về, nếu dứt được con voi cái ra. Nhưng chuyện đó không phải dễ. Bắn chết con voi cái là thúc bách Pắc Chăn đến bước đường cùng. Dẫu Pắc Chăn không hung hãn phản chủ, thì cũng trở nên ngơ ngẩn thương nhớ bạn tình, chẳng mấy chốc mà thể chất và cả tinh thần nó sa sút. Cần phải tỏ ra độ lượng với Pắc Chăn, dùng tình cảm mà kêu gọi nó trở về. Đồng thời phải nghiêm khắc với con voi cái, rõ ràng con voi rừng này đang muốn quyến rũ Pắc Chăn trở lại lối sống hoang dã. Cần thiết phải nổ súng, nhưng cốt để xua nó đi và tỏ cho Pắc Chăn biết thái độ dứt khoát của chúng tôi, không cho phép Pắc Chăn được đeo đuổi con voi cái nữa.

Sáng hôm sau, chúng tôi chén mỗi người một bụng thật no, rồi theo dấu chân của chúng, lần đi. Mãi đến đứng bóng, chúng tôi lại gặp chúng đang vờn nhau cạnh một con suối. Chúng tôi chưa hành động vội, im lặng ngồi chờ. Chúng đùa chán, rồi hai con bỏ ra hai chỗ quờ cá kiếm ăn. Thời cơ thuận lợi đã tới. Chúng tôi đi rón rén mười đầu ngón chân, lợi dụng từng gốc cây nhằm vào khoảng cách giữa đôi voi, đi tới. Đã đến gần chúng vài ba chục mét, mà chúng vẫn chưa hay biết. Theo kế hoạch đã định, tôi cất tiếng gọi để báo Pắc Chăn biết là người nhà:

- Pắc Chăn... ă...n!

Chú voi nhà si tình ngẩng đầu lên. Cùng một lúc, súng của Kên và Phờng đều nổ, hai viên đạn bay vèo qua đầu ả voi cái. Con voi rừng hoảng hốt bỏ chạy, Kên và Phờng lao theo bắn xua thêm hai phát đạn nữa. Trong lúc đó, tôi khoác súng đi thẳng tới chỗ Pắc Chăn - lúc này nó cũng đang nhìn thẳng vào tôi. ánh nắng lấp lánh trong  đôi mắt nó khiến cái nhìn trở nên dữ dội căng thẳng.

- Pắc Chăn!

Tôi gọi nó một cách dịu dàng. Kên và Phờng đã quay lại, súng cầm tay, đạn lên nòng, hồi hộp theo dõi sự thể sẽ xảy ra thế nào, trong lòng không khỏi nghĩ tới trường hợp xấu nhất, Pắc Chăn sẽ liều lĩnh lao vào quật tôi. Thực tình, tôi không hề nghĩ tới điều đó. Ngay từ lúc nom thấy nó, lòng tôi đã bồi hồi như thể được gặp lại người thân. Không, nó giống như tình cảm của bậc làm cha làm mẹ khi tìm gặp được đứa con lêu lổng bỏ nhà ra đi, tình yêu thương sẽ bao trùm lên cả sự giận dỗi. Về phía nó, tôi vẫn tin rằng, nó không thể quên tình nghĩa đối với chúng tôi một cách mau chóng, khi chúng tôi đã sống với nhau hàng bẩy tám năm.

Quả thật, Kên và Phờng quá lo xa. Tôi tới gần, Pắc Chăn hổ thẹn tránh cặp mắt của tôi. Và khi tôi vuốt ve lên cái vòi ram ráp thì hai hàng nước mắt nó ứa ra - những giọt nước mắt hối hận đậu trên lớp lông má rồi rơi xuống vai tôi. Bây giờ nom nó ủ rũ, thiểu não quá.

- Pay!

Pắc Chăn ngoan ngoãn đi về, sau khi cả ba chúng tôi đã trèo lên lưng nó. Phờng lại cất một tiếng hú dài. Dường như tiếng hú gợi lại những ngày cùng cả đàn đi tải hàng. Pắc Chăn chợt vươn cao vòi, mắt nhìn xa, bước những bước dài.

Anh Kiên thân mến!

Đấy là câu chuyện mà sau khi Pắc Chăn chết, Xuyền cứ cho là nó tự tử vì buồn nhớ con voi rừng. Có lẽ nào như thế được. Chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra Pắc Chăn trở nên rầu rĩ uể oải sau những ngày mùa xuân ấy. Trái lại, để chuộc những lỡ lầm nông nổi của mình, Pắc Chăn đã làm việc rất tốt và mỗi ngày một thuần thục hơn. Thường nó chở năm tạ hàng. Những ngày sau khi trở về, chúng tôi chất lên bành đủ trọng tải rồi mà Pắc Chăn vẫn chưa chịu đi. Phải thêm năm mươi cân nữa. Hối hận làm cho Pắc Chăn cố gắng. Ngay cả Kên cũng không giận Pắc Chăn được lâu.

Máy bay địch ngày càng hoạt động ráo riết trên đường vận chuyển. Mặc dù đường rừng rất kín đáo, nhưng L.19 thỉnh thoảng vẫn rà xuống thấp xoi mói. Phản lực đã đến giội bom, bắn rốc két nhiều lần ở những đoạn đường thồ của thanh niên xung phong mà chúng phát hiện được.

Đi hàng bây giờ không còn ung dung như trước. Voi và hàng cũng phải ngụy trang. Chúng tôi đã soi thêm nhiều đoạn đường rừng tránh những chỗ nguy hiểm. Trong không khí căng thẳng như thế, Pắc Chăn đã xứng đáng là voi đầu đàn. Nó có đôi tai tuyệt vời, đôi tai có thể phát hiện được mọi tiếng động từ bé đến lớn trước chúng tôi rất nhiều. Nó không bao giờ nhầm lẫn giữa tiếng máy bay địch, và tiếng ô-tô hoặc máy nổ của ta. Cách xử trí của nó lúc gặp máy bay địch cũng khôn ngoan linh hoạt, không đợi chúng tôi ra lệnh. Có tiếng vè vè của loại máy bay bà già, lập tức Pắc Chăn đứng lại nép vào cây. Còn nếu là tiếng gầm rít của phản lực liệng vòng thì nó nhanh chóng tạt xuống khe, xuống hốc trũng. Cứ thế, cả đàn voi răm rắp theo Păc Chăn. Nhờ vậy, nên hồi tháng sáu, máy bay địch đánh trúng đội hình hành quân của chúng tôi - mà người, voi và hàng hóa đều an toàn.

Điều này anh sẽ phải ngạc nhiên về sự táo bạo và sáng suốt của cậu Kên. Hồi năm nào, chúng ta đi hàng về gặp một đoàn các cháu nhỏ con gia đình liệt sĩ miền nam đi ra, anh còn nhớ chứ? Chúng ta cho các cháu trèo lên voi để đỡ mỏi chân một đoạn đường. Nhưng chẳng con voi nào chịu chở các cháu gái. Hễ thấy cháu gái nào đến gần là nó huơ vòi lên dọa. Anh cũng đành lắc đầu, bảo cái giống voi không chịu được mùi tóc đàn bà con gái. Bây giờ nghĩ lại, cậu Kên cho là vô lý:

- Thế tại sao ngày xưa bà Trưng, bà Triệu cưỡi voi đi đánh giặc? Hóa ra voi bây giờ xoàng hơn voi thời trước ư? Tôi cho là tại ta không luyện nó thôi.

Chúng tôi đều ngẫm nghĩ ý kiến của Kên và cảm thấy Kên nói có phần đúng. Nhân lúc Pắc Chăn đang muốn lập công chuộc tội, Kên đã thử cho chở hai cô thanh niên xung phong. Quả thật, lúc đầu Pắc Chăn cũng vùng vằng dọa dẫm, nhưng khi cậu  Kên quát lên, thì chú chàng im lặng, và cuối cùng phải khuất phục. Từ đấy, Pắc Chăn không ngại trở đàn bà nữa. Tuy nhiên, cả đàn voi vẫn không chịu học Pắc Chăn điểm ấy.

- Không sao - Kên quyết đoán - Pắc Chăn đã chịu, thì cả đoàn cũng sẽ vào khuôn phép hết.

Bước sang mùa mưa, sức khỏe Pắc Chăn có sút đi. Nó ăn nhỏ nhẻ hơn trước. Chúng tôi chỉ để Pắc Chăn chở năm tạ và thỉnh thoảng cho ăn bồi dưỡng. Tuy nhiên nó vẫn cố gắng, không bỏ một buổi đi hàng nào. Đấy là quãng đời cuối cùng tốt đẹp của Pắc Chăn.

Có lẽ vì thế mà suốt những ngày nó ốm cho đến lúc chết, chúng ta đã quên hết những nết xấu của nó trước kia, chỉ còn lại trong lòng chúng tôi hình ảnh một chú voi ngoan nết, chăm chỉ và giàu tình cảm.

Bây giờ, Pắc Chăn đã chết rồi. Đàn voi lại vắng thêm một con nữa. Cây lim tróc vỏ - chỗ chúng tôi thường xích Pắc Chăn vẫn xanh tốt như xưa. Chúng tôi chưa cho phép con voi nào được đến thay thế ở đấy. Pắc Đo đã thành voi đầu đàn, nhưng tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, cần phải dốc sức dạy dỗ Pắc Đo, chờ khi nào Pắc Đo thật ngoan nết, thật xứng đáng, chúng tôi mới đưa Pắc Đo đến cây lim tróc vỏ.

Anh Kiên thân mến!

Anh em trong tổ thường nghĩ những điều tốt lành cho con voi vừa chết. Chắc anh cũng thế. Riêng tôi, còn hơn thế nữa - tôi nghĩ những điều tốt lành cho Pắc Chăn như nghĩ những điều tốt lành cho mình, cho anh em trong tổ và cho cả đàn voi - mặc dù mỗi con một tính một nết khác nhau. Bởi vì, bây giờ giá cấp trên hỏi ý kiến tôi, có thích về đoàn xe ô-tô, đoàn ca-nô hoặc đoàn thuyền như anh, thì tôi thành thật trả lời rằng không. Đã đành phương tiện vận tải gì - dù hiện đại hoặc thô sơ - cũng để chở hàng ra tiền tuyến, nhưng phương tiện của chúng tôi là phương tiện có sự sống, có tình cảm. Anh Kiên thân mến, đấy là tâm sự riêng của tôi. Chắc anh sẽ vui vẻ phân tích rằng dù ô-tô, ca-nô hoặc thuyền... - phương tiện vận tải nào mà chả có sự sống, chả có tình cảm. Anh là người biết nhìn xa, có nhiều suy nghĩ sâu sắc. Với tâm hồn nồng nhiệt trong công tác, với đầu óc giàu tưởng tượng như anh - chiếc thuyền bằng gỗ ngày ngày lên thác xuống ghềnh cũng trở nên biết vui biết buồn, biết yêu thương và căm thù, dường như chính nó cũng có trái tim. Dẫu biết thế, lúc này tôi vẫn nói, tôi yêu voi, tôi yêu nghề quản tượng của mình.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com