hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-860.htm

Khuất Quang Thụy

Ngày mai Thiện về quê

Thế là cuối cùng bộ tứ của chúng tôi cũng tập hợp đủ: Hòa, Quang, Thiện và tôi. Quang thì dễ rồi, nó là dân "sở tại" đăng cai được cuộc gặp gỡ này. Tôi, khi nhận được bức điện của Quang: "Mày phải có mặt ở Plây-cu chiều nay để tiễn thằng Thiện về quê vào sáng mai. Không được vì lý do gì vắng mặt. Tao sẽ đón thằng Hòa. Ký tên Quang". Tôi phải khẩn trương thu xếp công việc ở cơ quan và gia đình rồi sấp ngửa ra sân bay lấy vé bay đi Plây-cu ngay. Nhận được một cái "lệnh" như thế, dẫu nước lũ có kéo về nhấn chìm cả cái thành phố này, tôi cũng phải đi, chứ đừng nói rằng mới chỉ có lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Cơ quan thường trực của Bộ ở thành phố Hồ Chí Minh thì đông, nhưng bộ phận chuyên trị về đối phó với bão lụt chỉ có dăm người. Chúng tôi bận tối tăm mặt mũi nhưng cũng chẳng làm được gì nhiều. Khi đã có bão lũ rồi thì chúng tôi trở nên vô tích sự so với những cơ quan cứu trợ nhân đạo. Họ mới thực sự có ích cho dân. Còn cánh tôi thì cứ như một đám quân thất trận. Hết kêu cứu nơi này đến kêu cứu nơi khác. Khi tôi chìa bức điện kỳ quặc kia cho ông thủ trưởng để xin nghỉ việc một vài ngày đi Plây-cu tiễn bạn, ông ta há hốc miệng vì ngạc nhiên, rồi phát khùng.

- Cậu là thằng cà trớn! Đang lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà đòi nghỉ để đi tiễn bạn về quê! Tôi họa có thằng khùng mới cho cậu nghỉ!

Thế là lại phải trình bày. Rằng, đây là một cuộc đưa tiễn không biết đi đứng, nhậu nhẹt như tôi với ông, và dẫu tôi không có mặt thì hắn cũng chẳng mở miệng trách tôi được câu nào. Bởi hắn đã hy sinh cách đây hơn hai chục năm rồi, và bây giờ vợ và con trai hắn quyết định vào đây đón hắn về. Nghe tôi nói vậy, ông thủ trưởng của tôi lập tức dịu giọng, vì ông cũng như tôi, đều là những thằng lính đã từng chôn cất đồng đội của mình ở rải rác những cánh rừng Trường Sơn.

- Sao cậu không nói rõ từ đầu? Bày đặt vòng vo. Thôi đi sớm về sớm! à này, lấy giấy công tác đi, về tao cho thanh toán cặp vé máy bay. Coi như mày đi nghiên cứu tình hình các tỉnh đầu nguồn. Rừng phá hết trơn rồi, còn ốm với lũ ấy chứ!

Thế là tôi phóng xuống phòng tài vụ, lãnh tiền đi mua vé. Và, chỉ buổi chiều tôi đã có mặt ở Plây-cu. Quang cho xe nhà binh đón tôi ở sân bay - Một chiếc "Len Crudơ" máy lạnh. Oách thật! Trong bộ tứ chúng tôi, chỉ có mỗi mình nó là tiến bộ nhất! Cậu lái xe vì không biết mặt tôi, nên đã làm một việc rất buồn cười. Cậu lấy một mảnh của hộp các-tông mì ăn liền Miliket viết lên đó ba chữ to tổ bố "Đón ông Lý". Khi đã lên xe rồi, tôi hỏi:

- Đã có những ai tới rồi?

Cậu lái xe trả lời:

- Cháu không rõ, nhưng nghe thủ trưởng Quang bảo chỉ còn thiếu mỗi mình bác thôi.

Hồi đó, dù có lãng mạn đến mấy cũng không có một ai trong số chúng tôi lại dám tin đó là cái Tết cuối cùng của chúng tôi ở chiến trường. Năm Mậu Thân, chúng tôi đã từng nghĩ như thế, năm "bảy ba" ăn cái Tết Hiệp định Pa-ri nhưng đã ít ảo tưởng hơn. Tuy vậy, cũng có một người tin rằng, đây sẽ là cái Tết chiến tranh cuối cùng. Anh nói như đinh đóng cột rằng: "Sang năm, chúng ta sẽ được ăn Tết ở quê hương". Trớ trêu thay, điều anh tiên đoán là sự thật, nhưng Tết năm sau khi tất cả chúng tôi được trở về quê hương ăn Tết thì anh đã ở lại đây, và ở lại cho đến tận năm nay, sau hơn hai mươi năm. "Tết này, anh sẽ được ăn Tết ở quê hương" tôi nghĩ vậy khi trên đường từ sân bay về đơn vị của Quang. "... Sao hồi đó anh lại không nghĩ rằng trong những trận đánh sinh tử bốn đứa chúng tôi sẽ có người nằm lại? Trong khi đó, tôi đã từng nghĩ như thế?". Khi nghe anh khẳng định rằng, đây là cái Tết cuối cùng của chúng ta ở chiến trường, tôi đã nghĩ: "Đến Tết sang năm chắc gì đã còn đủ cả bốn thằng?". Vì thế, trong bữa tiệc tất niên bất ngờ, sau khi dự buổi họp quân chính của trung đoàn để nghe phổ biến nhiệm vụ chiến dịch, tôi là đứa uống nhiều hơn cả, say hơn cả. Cái thứ rượu sắn cất từ men lá của người Gia Rai uống vào vừa cay vừa sốc. Thằng Hòa cũng đã bắt đầu hát "Bài ca trung đoàn" tôi cũng hát theo nhưng líu cả lưỡi. Chỉ có Quang và anh là còn tỉnh táo. Thằng Hòa cáu tiết: "Mẹ, thằng Thiện là chính trị viên, nó cần phải tỉnh một tý... để "giữ đường lối"... còn mày - Hòa chỉ vào Quang - mày là tiểu... tiểu đoàn trưởng... thì mày cần đếch gì phải tỉnh rụi thế hả Quang? ... Quang xua tay: "Tao không uống được nữa! Chiều nay phải đi trinh sát đấy... say, lớ quớ đạp mìn thì khốn". "Mìn! Sợ chó gì mìn. Tối... tối nay... tao cũng đi trinh sát đấy chứ... Nhưng... từ giờ đến tối... còn... còn dài như một... thế kỷ!".

Thiện phải dùng đủ mánh khóe mới giấu đi được bi đông rượu cuối cùng.  Hòa đòi mãi không được, bỗng bật khóc tu tu: "Chúng mày... chơi không ra gì... Hôm nay là ba mươi Tết mà không... không cho tao... uống... được rồi! Nay mai vào... phờ... phờ... lây... tao sẽ... uống gì nhỉ? Thằng Tư... tư lệnh quân... quân khu hai ấy"... "Được rồi!" - Thiện đỡ lấy Hòa vỗ vỗ vào lưng hắn "khi nào vào Plây-cu mày tha hồ uống!". Hòa lại cười hê hê: "Nhớ... nhớ nhé... chính chính... ủy... nói rồi đấy... khi ấy... tao mà u... uống... thì... có trời...".

Thật không may cho bốn thằng tôi, trong lúc Hòa đang hết hát lại cười thì trung đoàn trưởng xộc tới! Không biết có đứa bỏ mẹ nào mách không? Ông chẳng nói chẳng rằng, sẵn nồi quân dụng nước cậu công vụ vừa bê lên để chuẩn bị rửa bát, ông hắt thẳng vào người Hòa. Thấy tôi đang cười như một con nghê, ông chan luôn cho một ít. Thế là tỉnh! Ông hất cả bốn thằng đứng vào góc nhà và bắt đầu mắng như tát nước vào mặt, rồi ông tuyên bố sẽ kỷ luật tất, sẽ không cần đến những thằng nát rượu như chúng tôi chỉ huy bộ đội nữa... "Tất cả các anh sẽ ở nhà! Đi làm rẫy. Coi kho. Để những đứa khác nó sẽ chỉ huy tiểu đoàn..." nói rồi, ông bỏ ra ngoài. Nhưng... chỉ dăm phút sau ông quay trở lại. Chúng tôi gồng mình lên để chuẩn bị chịu trận, nhưng ông chỉ đứng ngoài cửa lán, nói với vào: "Tối nay... xuất phát muộn hơn bốn tiếng! Đúng mười giờ đêm các anh phải có mặt ở trung đoàn".

Ông vội quay đi, có lẽ vì ông sợ sẽ bật cười trước bộ dạng của chúng tôi. Nhưng rồi, ông vẫn ngoái lại hét lên: "Kỷ luật các anh tôi sẽ quyết định sau"...

Có thể nói miệng thằng Quang rất thiêng. Đêm đó một cậu trinh sát đi cạnh Hòa đạp phải mìn thật. Cậu ta hy sinh tại chỗ, còn Hòa thì... đi đứt một giò. Sáng sớm hôm sau đúng mồng một Tết, gặp địch phục kích, Thiện đã trúng đạn hy sinh!

Bộ tứ của chúng tôi ly tán kể từ ngày ấy. Nói cho đúng ra, ba thằng chúng tôi có gặp nhau một vài lần, lần nào cũng ở sở chỉ huy của sư đoàn. Nhưng bộ tứ vẫn luôn luôn thiếu mặt.

Nhà khách sư đoàn hôm nay rất vắng, chỉ có bốn chúng tôi và vợ con của Thiện. Chị Hòa, vợ Thiện năm nay mới bốn mươi tám tuổi nhưng nom già như một bà lão. Thời gian, nỗi cô đơn vất vả của một đời góa phụ đã in hằn trên gương mặt và mái tóc chị. Tâm - đứa con trai duy nhất của Thiện năm nay đã hai mươi sáu tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học quân y. Vừa nhìn thấy cậu bác sĩ quân y tôi đã giật mình, nó chính là bản sao của Thiện, giống y hệt như bố hồi mới nhập ngũ.

Tôi thắp mấy nén nhang rồi ngồi lặng một lúc trước bộ quách bằng đá đựng hài cốt của Thiện. "Xin lỗi anh, tôi đã đến muộn. Đáng lẽ tôi phải có mặt cùng với Quang và Hòa vào cái lúc anh từ lòng đất hiện ra. Nhưng anh thông cảm, tôi là đứa ở xa nhất và cũng thường đến muộn nhất trong những lần tụ họp. Vào cái ngày anh ra đi, tôi cũng lại là đứa đến muộn nhất. Là tiểu đoàn phó hậu cần, ngày hôm đó, tôi vẫn chạy đôn chạy đáo để kiếm cái gì cho bộ đội có thêm một bữa ăn tươi vào tối mồng một Tết. Hôm đó, tôi lại gặp may vì ở ngoài kho binh trạm, tôi đã gặp một anh bạn đồng hương, và thế là cõng về được một ba lô gạo nếp. Nào ngờ... bát cơm nếp lại phải bưng ra đặt trước mộ anh. Nói cho đúng ra, tôi đã nấu vội mấy bát cơm nếp trong cái ca-men rồi đem cả cái ca-men ấy ra cúng anh. Đó là cái ca-men vẫn nổi tiếng về "ca-còng" của tiểu đoàn bộ chúng mình. Thằng Vọng, công vụ của anh, vừa khóc vừa đặt cái ca-men cơm nếp trước mộ anh. Rồi trước khi ra về, nó đã chôn cả cái ca-men ấy xuống trước mộ. Hơn hai mươi năm rồi, cái ca-men ấy hôm nay bạn bè của anh cũng tìm thấy. Cháu Tâm nói sẽ mang nó về, giữ nó như một kỷ vật thiêng liêng. Anh Thiện... Năm nay anh mới được về quê ăn Tết...

Nước mắt tôi chảy chứa chan khi cầm chiếc ca-men đã mục mất một phần lên tay. Nó nhẹ hều! Gia tài của người lính chỉ có vậy. Chị Hòa nấc lên một tiếng, tiếng nấc khô. Hòa lọc cọc bước tới đỡ lấy chị: "Thôi, chị ra ngoài này một lát cho thoáng đi. Tâm đưa mẹ đi nghỉ đi cháu. Các chú muốn ngồi riêng với bố cháu một lát".

Còn lại bốn chúng tôi trong phòng. Chúng tôi ngồi lặng bên nhau giờ lâu. Có lẽ, không nên nói gì vào lúc này. Một lát sau, Hòa không chịu nổi sự yên lặng u ám ấy nên đã lên tiếng:

- Thôi! Mùi mẫn thế đủ rồi. Bây giờ... lấy rượu và đồ nhắm ra đây đi. Chúng mình ăn Tết trước với thằng Thiện, như hôm nào.

Quang dọn mâm đồ cúng xuống rồi trải một cái chiếu ra nền nhà. Hòa sắp bốn cái bát, bốn đôi đũa rồi bốn chén rượu.

- Nào... Xin mời các chiến hữu nâng ly mừng ngày hội ngộ. Mừng cho anh Thiện ngày mai về quê.

Chúng tôi cụng ly rồi cùng cụng đánh "cạch" một cái vào bộ quách. Hòa rót chén rượu của Thiện xuống nền nhà. Chúng tôi cùng cạn chén. Tôi biết, cả hai người đồng đội của chúng tôi đang cùng nghĩ như tôi. Rằng, chúng tôi những người còn sống, sẽ còn được dự nhiều bữa tiệc sang trọng ở đời, nhưng sẽ không bao giờ chúng tôi quên bữa tiệc hôm hay. Cả anh cũng vậy, anh cũng biết rằng, bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tàn, rồi sẽ kẻ còn người mất. Nhưng, nếu một được lần nữa sinh ra, gặp thời giặc giã thì nhất định chúng ta sẽ lại là người lính để được sống bên nhau, chiến đấu bên nhau.

Ngày mai anh về quê. Nhất định anh sẽ hài lòng khi nhìn thấy cả những gì mà chúng tôi hằng mơ ước trong những năm đánh giặc đang trở thành hiện thực. Chúc anh thượng lộ bình an!


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com