hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-854.htm

Nguyễn Quang Thân

Con chim ngói tháng mười

Anh về làng, mang ba lô trên lưng, vẫn chiếc ba lô ấy, ngày xưa, so với đời một con người thì cũng có thể gọi là ngày xưa rồi đấy, ngày anh nhập ngũ, lên huyện nhận quần áo, thắt lưng, mũ sao, giày vải, và chiếc ba lô ấy. Anh bỏ tất cả "người lính ngày mai" của anh vào ba lô rồi xin phép về qua nhà. Anh chợp qua nhà một chốc, một lát, anh muốn cái ba lô của anh nặng thêm kỷ niệm của quê hương. Anh chạy ra sau nhà xem lại con lợn, có một mối lạt trên mái chuồng lợn bị đứt, anh cột lại mối lạt ấy, lạt còn mềm, anh riết thật chặt như thể muốn cái mái nhà tồn tại hàng thế kỷ sau khi anh đi. Thế rồi, sực nhớ là mình ở sau nhà quá lâu, anh liền chạy vào. Trời ơi, tim anh đập muốn vỡ, qua cửa bếp nhìn suốt lên nhà trên, nhà anh hẹp thôi mà, hai gian một chái, anh thấy chị đang đeo vào lưng chiếc ba lô mới toanh của anh và đang uốn éo trước gương. ở trong làng, đây là chiếc gương cỡ lớn ít ai có, quà tặng của một thằng bạn chăn trâu cắt cỏ bây giờ làm ở nhà máy thủy tinh mừng anh trong ngày cưới. Anh thường ngủ trưa hơn chị, chị thường thức trước anh, vì còn lợn, còn gà, còn rấm bếp, quét dọn rồi lại thắp đèn ngắm nghía con lợn một lúc, nên từ hôm cưới, từ hôm có cái gương đến nay anh chưa hề thấy chị đứng trước gương bao giờ. Vậy là anh thả sức đứng ngắm chị, rình ngắm chị mang chiếc ba lô của anh đứng trước chiếc gương ấy. Eo ơi, chị lại còn đội mũ của anh vào, cái mũ đính quân hiệu đỏ. Vừa lúc chị lấy thắt lưng của anh toan thắt vào thì anh chạy đến, anh ôm chầm lấy chị từ phía sau, chưa bao giờ anh thấy thân hình chị ấm áp, dịu dàng và thon thả ép sát vào người anh đến thế. Chị vùng vẫy khỏi tay anh, lóng ngóng cởi chiếc ba lô đặt xuống đất, bước lại đóng cái cửa còn hé mở, rồi ngoan ngoãn đến với anh lúc đó đang ngồi bên mép giường, mắt không rời chị một ly, một tấc, một giây, một phút.

Ăn cơm trưa xong, anh về huyện đội vừa kịp lên xe, cửa kính trên xe mở tung, gió quê hương ùa vào, những bài hát bay ra tứ phía. Gọi là những bài hát vì nhiều người hát, mỗi người hát một bài mình nhớ, mình thích. Những bài hát cùng chiếc ô-tô ra đi.

Đến nay đã tám năm rồi, tám năm không hơn không kém, anh trở về, vai vẫn mang chiếc ba lô ấy. Hai quai ba lô nghiến lên xương đòn gánh anh từ bến ô tô đến làng. Hai chiếc quai rách túa, sờn mép. Anh đã cạp thêm vào một sợi dây điện và xoắn lại đến làm nó cứng nhắc như sợi mo cau cứ xiết chặt vào da thịt anh, nhưng anh chẳng thấy đau và chỉ làm anh nghĩ tới chiếc ba lô, vừa nghĩ vừa tủm tỉm cười nhớ lại cái cảnh chị đội mũ uốn éo trước gương ngày nào. Anh cũng ngạc nhiên cho mình, vì sao anh còn giữ được cái ba lô sau tám năm đằng đẵng. Anh giữ được nó chỉ là chuyện tình cờ mà cũng vì tính nết anh cần kiệm, chưa bao giờ anh vất đi một thứ của cải, đồ vật nào nếu nó còn dùng tạm được gọi là. Hồi ở ven Sài Gòn, trước lúc đơn vị vào lót trong nội thành chuẩn bị chiến dịch, anh gửi cái ba lô cho một bà má cơ sở, nơi tổ ba người của anh đi về trước sau mỗi trận đánh. Lúc vào nội thành hàng tháng, có khi đến nửa năm, thôi thì như trên sân khấu: người nông dân Tiên Lãng ngày trước nay chạy hàng xách, đạp xích lô, rao hàng, bốc vác ở cảng, mặc đủ mọi kiểu quần áo, dùng đủ thứ túi xách, va ly, lên xe xuống ngựa, ngủ hè, ngủ gầm cầu, vắt vẻo trên đệm khách sạn, nằm một tuần trong cái hốc giữa đống bom như núi ở kho đạn Tân Sơn Nhất nhá kíp mìn ngòn ngọt cho đỡ buồn, anh thường nhớ tới chiếc ba lô và hình ảnh chị uốn éo trước chiếc gương to nhất làng, nhưng không mong có ngày tìm thấy chiếc ba lô ấy nữa. Vậy mà rốt cuộc thì đâu lại vào đó, đơn vị rút ra, nhiều anh lúng túng vì đánh mất ba lô nhưng anh lại đường hoàng moi nó lên dưới một cái hầm bí mật miệt Củ Chi, khoác vào vai, chững chạc như ngày nào.

Từ Nha Trang, xe đơn vị đưa anh đến Vinh thì quay lại. Lúc đó anh cũng mang trên người những thứ như ai, trừ chiếc khung xe đạp Sài Gòn, dây điện, đèn nê-ông, quạt máy (với tiền phục viên và ba mươi đồng giải phóng đơn vị cho tiêu vặt anh đủ sức mua đủ các thứ đó, nhưng không về thành phố nên chẳng ai màng). "Cũng như ai" nghĩa là anh có trong ba lô con búp bê (anh vẫn tràn trề hy vọng vào lần cuối cùng gặp chị trong tình yêu và hạnh phúc ấy...) vài mét vải, đôi thứ linh tinh mà anh nghĩ là rất cần cho cuộc sống sau này ở làng như cái cờ-lê trước đây anh vẫn dùng để mở bom Mỹ, một lưỡi xẻng vạn năng của lính Mỹ, thứ này làm vườn đào ếch thì tuyệt, tấm vải dù để làm dịu bớt cái nhà hướng tây, con dao bài nhà bếp mà lúc bạn anh cam đoan là vẫn dùng để thái thịt bò cho các bữa ăn của đại sứ Ma-tin - ma-bùn trước ngày 30 tháng 4,v.v. Anh để gọn tất cả trong cái ba lô con cóc của anh. Kể ra anh cũng có thể mua thêm một cái khung xe Sài Gòn như nhiều anh em khác, nhưng tiền dành dụm của anh cũng chẳng nhiều nhặn gì, và anh đã vui vẻ dùng nó vào một việc mà anh cho là có ích và hợp với tình cảm phấn chấn được trở về của người lính chiến thắng.

Trước khi lên đường ra bắc, anh tính toán lại tiền nong, bèn đưa cho bà má anh đóng quân trong nhà số tiền đáng ra anh có thể mua được một cái khung xe đạp, để bà lợp lại cái nhà đón anh con trai tập kết sắp về.

Anh trở về với cái ba lô, trên ba lô không có một cái khung xe Sài Gòn là vì thế, vì trong lòng tràn ngập những ý nghĩ vui vẻ, tự hào, nên anh không thấy thiếu thốn gì trong người anh cũng như trong ba lô anh. Vả lại, anh còn thấy chỉ riêng cái ba lô cũng còn giá trị hơn rất nhiều những thứ đựng trong đó. Vì anh chẳng còn ý nghĩ gì khác ngoài việc nghĩ đến chị, việc anh sẽ kể cho chị và bà con chuyện anh đã vào dinh Độc Lập và ngồi rung đùi trên cái ngai của Thiệu như thế nào, anh nghĩ là lại có thể được bầu làm đội trưởng sản xuất kiêm trung đội phó dân quân, anh cho rằng tiểu đội trưởng đặc công mà làm trung đội phó dân quân thì không đến nỗi quá sức, cuộc sống sau này của anh chắc sẽ sung sướng hơn nhiều trước khi anh đi vì ta đã thắng, thắng hoàn toàn, trọn vẹn vì cái hợp tác xã thôn Bùi của anh đã lên xã (anh chắc thế) nhập với thôn Ngọt, thôn Mơ thì nạn úng thủy vụ mùa không phải lo, năm bảy tấn một vụ đâu phải là chuyện xa xôi như hồi anh còn ở nhà. Kể ra, trong những ý nghĩ lạc quan yêu đời ấy cũng không khỏi chen lấn vài mảnh tâm tư nho nhỏ. Ví như cũng có lúc, nhất là trên chuyến tàu chợ từ Vinh ra Thanh Hóa, khi nghe hành khách toa than kể con cà con kê những chuyện trời bể, các bà vừa ăn trầu vừa chép miệng, tiếc cho cô gái nào đó trong xóm mình chờ chồng không trọn, anh cũng thấy trong lòng gai gai, anh chau mày cố đoán xem vợ mình bây giờ ra sao. Lúc đó anh giật mình là đã lơ là chuyện thư từ. Nhưng anh tin là chị chẳng trách anh về cái tội đó. Ai thì được, chứ anh tiểu đội trưởng đặc công ém ở vùng ven thành cách giường ngủ của Nguyễn Văn Thiệu vài cây số, thư từ là chuyện không bàn tới. Anh nghĩ rằng, anh còn sống, tất không ai gửi giấy báo tử về nhà, mà chưa có cái giấy ấy thì cô Na hiền lành tốt bụng tốt nết của anh sẽ chờ anh bao nhiêu năm cũng mặc.

Anh tưởng không nhận ra vườn tược nhà mình nữa. Cây cối um tùm, cây đu đủ, lúc anh đi chưa biết đực hay cái mà bây giờ già lụ khụ, đâm những ba nhánh, nhìn trọc lốc nhưng từ gốc đến ngọn những quả là quả. Trong vườn, cây nào cũng cao to hơn là anh tưởng.

Như cây me, lúc anh trồng chị đã đùa "nó ra quả thì em không còn tuổi ăn rở nữa", quả thực anh không ngờ lại có ngày nhìn thấy nó che kín trời một góc vườn, quả từng chùm vàng nâu như thếp vàng thếp bạc trong đám lá dày đặc, che khít. Còn gian nhà thì không phải nói: tươm tất từ vách lên nóc, vách đất lại quét vôi vàng. Chắc là chị đã phải mua bột vàng người ta bán trong phiên chợ họp vào ngày 3 tháng 8 gần cầu xi-măng trên huyện lỵ.

Anh đẩy nhẹ cánh cửa ván khép hờ, bước vào nhà. Đã 9 giờ mà trong nhà còn ẩm lạnh. Đang mồ hôi mồ kê dưới cái nắng gay gắt hanh heo, khô nẻ, bỗng anh thấy rét như đầm mình vào nước suối. Vì muốn cho chị bất ngờ, anh đi tắt cánh đồng chuối, dọc theo con mương trung thủy nông nên vừa nắng lại vừa mệt. Mương đang khơi, đất gan gà vứt lổn nhổn. Thế mà bây giờ anh đã lại thấy rét, rét và hiu hiu vì cái vắng vẻ của gian nhà. Anh ngồi xuống mé giường một lúc nhưng không ngồi được lâu. Anh bật dậy rờ rẫm từng thứ đồ vật vừa quen vừa lạ trong nhà, bồn chồn xem xét mọi ngóc ngách vừa mênh mông vì khoảng thời gian xa cách vừa bé nhỏ vì chật chội kỷ niệm. Cái hòm thóc, anh vẫn thấy cái khóa ống bác phó rèn ngụ cư đánh cho ông nội anh treo lủng lẳng một cách lơ đễnh, anh thừa biết chị thường giắt chìa khóa vào chỗ nào, anh cũng biết chuỗi khóa Mỹ ngoài cửa kho bom Tân Sơn Nhất, nhưng anh không mở mà chỉ vỗ vỗ vào bên ngoài. Vài cái vỗ anh biết chị còn bao nhiêu thóc. Tháng mười cu ngói đã bay qua đầu anh lúc anh đi trên bờ mương, gió heo may đang rũ rối cánh đồng vàng rộm vậy mà chị vẫn còn lưng này thóc thì dù anh có ghé vào vài tháng cũng vẫn thừa. Rồi anh lướt qua dây quần áo. Chà, tinh tươm ra dáng. Anh nhận ra mấy cái áo của chị, một cái áo len mới, chắc là thay thế cái áo bây giờ đã rách hoặc vì không hợp với tuổi của chị nữa. Cái áo này mầu sẫm hơn, không cải, không cài, không hoa hoét như cái kia nhưng là thứ len tốt. Thế rồi anh thấy tim đập thình thịch. Cuối dây có mấy cái quần trẻ con vắt lên nhau, sạch và mới. Anh run run cầm lấy cái quần thả nó xuống để ướm thử xem nó dài bao lăm, anh ước lượng chiều cao của đứa bé. Cử chỉ này có vẻ tự nhiên, đơn giản nhưng tim anh vẫn đập mạnh. Anh hơi cau mày, tự cho mình có lỗi vì anh đã tỏ ra quá chi li, khi tìm hiểu chiều cao đứa bé để lần ra tuổi của nó, và anh đỏ mặt lên với chính mình. Cũng may là cảm giác ấy qua rất nhanh vì thằng bé đã về. Tay nó cầm một cái náng cao-su, mở cửa ra, mặt nó tái mét ngơ ngác vì thấy anh đứng trong buồng, cầm trên tay cái quần của nó mà ngắm nghía.

Bốn con mắt nhìn nhau. Anh không biết nói với nó thế nào mà nó cũng vậy. Kêu lên, nhưng nhỡ chú ấy không phải là kẻ trộm thì sao? Thế rồi trong đầu nó nảy lên những phân tích làm đau đầu các nhà tâm lý học. Hay là bố? Phải rồi, hay là bố? Vừa lóe lên ý nghĩ đó, nó đã quên tất cả sự cảnh giác ban đầu. Suy nghĩ nó lộn xộn rối rắm, vì nó cảm thấy đây là một vấn đề hết sức quan trọng, hết sức bất ngờ mà nó, ông tướng nhà giời vốn chỉ thích chơi náng cao-su không đủ sức tiếp nhận. Nó biết mẹ nó đã mong bố nó đến thế nào. Đã có một lần mẹ mặc vào người bộ quần áo bộ đội không biết mượn của ai, đứng trước gương ngắm nghía rồi quay lại hỏi nó: trông bu có giống bố không nào? Nó chẳng biết có giống hay không, nhưng quả thật trông mẹ oai như anh bộ đội thật, nên nó gật đầu.

Vậy bố đã vào nhà thật thì phải chạy đi gọi mẹ mới được. Đầu vừa nghĩ đến đó, chân đã quay đằng sau. Nó bỏ chạy ra sân, ra ngõ như ma đuổi.

Cũng đúng lúc đó anh vẫn chưa dứt khỏi sự bàng hoàng. Anh chợt thấy đứa bé vừa bay vút ra như con chim ngói bên bờ mương vèo một cái bên chân anh rồi mất biến trong bầu trời xanh thẳm hồi sáng. Hoảng quá, tưởng trong giây phút niềm hạnh phúc của đời anh cũng sẽ bay mất như con chim kia, và anh chạy ra thềm vấp một cái đau điếng vào bậc cửa. Anh hút thấy bóng thằng bé biến mất sau cây chuối mới trồng, anh muốn gọi nó nhưng khổ thay, anh lại không biết tên nó là gì. Thế rồi, anh líu lưỡi, thốt lên mấy tiếng:

- Này, này...

Thằng bé biến mất.

Anh ngồi xuống mép giường để cho thần kinh thăng bằng trở lại. Chợt nhìn thấy tấm gương treo chếch trên vách và khuôn mặt đỏ nhừ của mình trong đó, anh "mắc cỡ" quá (bây giờ anh đã quen lắm với hai tiếng đó rồi), anh cúi đầu xuống.

Một mùi thơm nhẹ nhàng thoảng lên từ chăn gối trên giường hay từ nền đất ẩm và mát dưới chân anh. Mùi thơm gì vậy? Mùi bồ kết và các thứ lá gội đầu. Bây giờ anh mới thấy mình không phải nằm mơ mà đã thật sự ngồi trong nhà anh bên mép cái giường của anh. Anh nhìn chiếc gương, chiếc ba lô và thấy như giây phút này đã xảy ra trong đầu anh từ lâu lắm, anh đã sống qua rồi. Quả thật, giây phút đó đã từng qua, ngày đó, anh ngồi đây, ngoài vườn trời cũng nắng, chị ra kéo lại tấm cửa rồi đến với anh, như đổ vào người anh cùng một tia nắng từ trên mái hắt xuống.

Anh lại thấy có trong tay mình nguyên vẹn, tất cả những gì anh đã có tám năm về trước. Hơn nữa, còn đứa bé kia, con chim ngói tháng mười. Nó tên là gì nhỉ? Dù hồi nãy không nhìn kỹ nhưng sao anh thấy nó giống anh lạ lùng.

Chị phân vân. Không phải chị không tin thằng bé. Mặc dù không phải bố nó về chị cũng nên về nhà để gặp anh bộ đội kia. Nếu không phải bố nó, mà là một anh bộ đội nào đó thì chắc chắn là điềm chẳng lành. Chị nghĩ đến tờ giấy báo tử. Nếu tám năm qua anh không gửi về một mẩu tin tức, thì cái tin đầu tiên rất có thể là tờ giấy báo tử mà chị vẫn nơm nớp chờ đợi.

Chị không rời tờ giấy báo tử trong ý nghĩ. Chính chị đã từng đến một số gia đình để đưa tờ giấy đó, không chỉ vì trách nhiệm của chị, mà hình như chị là người làm việc đó tốt nhất, chị không đưa tin buồn đến cho họ mà là tấm lòng đồng cảm cao cả của sự hy sinh.

Nghĩ thế nhưng chị không thể bỏ đây mà về được. Dù chuyện xảy ra theo chiều hướng nào, anh hay tờ giấy báo tử, cả hai tình huống ấy đều làm lòng chị phập phồng, bối rối như nhau. Nhưng chị không thể về.

Bởi vì chị đang cần có mặt ở đây. Một quả bom bi vừa nổ sáng nay dưới lòng mương làm bị thương một dân quân cầm mai và hai chị khác móc máng chuyển đất. Không ai nhìn thấy quả bom bi. Nghe một tiếng đoàng to và giòn, vang dội, có tiếng la thét. Bà con chạy giãn ra, rồi dồn cả lại chỗ ba người bị thương. Lúng túng một lúc mới khiêng họ về trạm xá chờ xe cấp cứu chở lên bệnh viện huyện. Ba viên bi cho ba người. Một ở cổ, một ở bắp tay và vết thương thứ ba, viên bi xước qua mắt cá làm lòi sợi gân chằng trắng như mỡ của một cô gái mười tám tuổi.

Vừa ổn định xong công trường, mọi người vừa cầm lấy mai lấy cuốc, những tảng đất đang trượt trên cầu lao thì bà con lại giãn ra, lại có tiếng gọi chị ơi ới, mọi người chạy cả lên bờ để lại quang gánh và những tảng đất gan gà nằm lại trên cầu lao.

Ai đó đào chạm một quả bom chưa nổ. Một quả bom tấn. Trong khi bà con giãn ra như vỡ chợ thì chị cầm lấy loa pin ổn định lại tình hình. Nghe chị nói, người ta nghĩ đến hoàn cảnh chị, cuộc đời chị. Ai cũng cho rằng Sài Gòn giải phóng đã gần nửa năm rồi mà anh chưa đánh giấy về thì chẳng còn hy vọng gì nữa. Nghĩ thế không ai làm ngơ trước những lời kêu gọi của chị mà bỏ về. Họ biết chị từ bao năm nay, chị đến từng gia đình vận động, tuyển quân, tuyển thanh niên xung phong vào hỏa tuyến, sau đó cũng có lúc chính chị trở lại đưa tờ giấy báo tử. Chị làm việc đó suôn chảy, tự nhiên, vì ai cũng biết rằng chị đã khuyên chồng ra đi sau ngày cưới mười hai hôm và bây giờ, trong khi chuyển tờ giấy báo tử cho người này, người nọ, thì biết đâu chị cũng đã nhận được một tờ giấy mà chị không nói cho ai biết.

Tám năm rồi, người ta nghe theo chị trong mọi việc. Và bây giờ, sau khi đào thấy quả bom, người ta nhận ra tiếng của chị trong tiếng loa, và bà con lục tục đứng thành nhóm, có những người đã đi xa, đến cây si gần làng, nhận ra tiếng chị tha thiết, thong thả họ quay lại.

Chị đến chỗ quả bom. Chị thấy mình cần phải đến đó càng nhanh càng tốt khi bà con đã giãn ra. Chị biết nhiều đôi mắt đang đổ dồn nhìn chị, xem chị làm gì với quả bom cũng như họ đã nhìn vào chị trong hai cuộc chiến tranh khi bom Mỹ rơi vào làng, vào bếp, vào nghĩa trang. Không ai về nữa. Chị bới bới đất trên mình quả bom, đầu óc căng thẳng không phải vì sợ mà chị đang nghĩ cách. Hoặc đánh thức nó dậy, hoặc bắt nó câm tiếng vĩnh viễn. Không, sẽ phải bắt nó kêu lên trong những buổi trưa hè, tiếng kẻng lẫn với tiếng gà quen thuộc của làng quê.

Chị đã bới đến những hàng chữ trên quả bom. Cái thôn cửa sông của chị đã phải hứng chịu sự hốt hoảng của bọn thả mìn. Đây là một quả MK52, hai đầu nổ, con chủ bài cuối cùng trong chiến dịch của thằng thả mìn Ních-xơn. Không phải một mà hai cái chết giấu mặt trong quả bom. Chị đưa tay ra hiệu cho mọi người đứng lại gần. Đúng lúc đó thằng bé chạy đến. Nó vừa chạy vừa vẫy chị ríu rít, không ai níu nó lại được nữa. Từ xa chị đã nhận ra nó. Chị là người mẹ, người nào cũng nhận ra con mình cả những lúc không nhìn thấy, nghe thấy nó nói nữa kia. Thằng bé xăm xăm chạy đến chỗ chị. Chị hiểu ngay rằng nó sẽ đến đây. Đối với nó, ở đây có mẹ là có sự an toàn, tin cậy và nó không còn sợ gì khi đứng bên mẹ nó.

Chị biết rõ điều đó và thấy cần phải làm điều người mẹ nào cũng làm. Chị rời quả bom đi ngược lại về phía con để nó đừng đến đây. Chị gặp nó giữa một đám đất mới xắn trong lòng mương lên. Nó nói líu lưỡi:

- Mẹ ơi, b...ố về!

Chị lưỡng lự và bảo con:

- Thì về với bố đi. Có quà đấy.

Dù anh hay người đưa giấy báo tử, chị cũng chưa thể về ngay được.

Anh không chờ lâu hơn được nữa. Tám năm thì được, nhưng bây giờ một phút nữa cũng quá dài. Tần ngần một chút rồi dáng quả quyết, anh khoác ba lô lên vai. Anh muốn gặp chị ở dâu đó, ba lô trên vai, trên đường làng có hoa dại cánh vàng, giữa sân kho đâu đó trong chặng đường mới của đời anh, anh với chiếc ba lô trên vai để chị có thể thấy anh nguyên vẹn từ cuộc sống mà anh hằng sống tám năm đằng đẵng tự hào, chứ không phải là ở chỗ nào khác về gặp chị.

Anh nhìn thấy đám đông, vội đi đến đó. Người nhìn thấy anh đầu tiên là một ông già. Ông kêu to tên anh lên giữa đám đông. "Ai thế? Con nhà ai thế?" Người ta hỏi lại ông. Sau khi phân vân giây lát, mọi người nhớ ngay tên anh, nhớ đến anh ngay mặc dù tám năm đâu phải chỉ là một hai ngày. Họ rời mắt không nhìn về phía quả bom mà đổ dồn vào anh, những cái nhìn vui mừng như ánh nắng mặt trời, anh nóng ran mặt mũi. Tất nhiên, giữa trăm ngàn câu hỏi, câu nói, câu chào đón, đùa quấy, vỗ vai, phát vào vai, lật mũ, đấm thùm thụp, mọi người vẫn đồng thanh kêu to tên chị lên và chỉ về phía chị đang đứng với thằng bé. Chỉ một phút thôi, anh nghe hết và hiểu được cái gì đang xảy ra. Anh đặt ba lô xuống, định đến ngay chỗ chị. Nhưng chị đã đứng sát bên anh lúc nào. Trong lúc anh loay hoay đặt ba lô xuống đất thì chị đã đến bên anh.

- Một quả MK52, anh ạ.

Đó là câu đầu tiên chị nói với anh.

- Mở làm kẻng hè? - Anh nói với chị những tiếng lẫn vào lưỡi anh khi anh đi qua các vùng quê khác nhau.

- Thứ này khó, mà lại mới... chưa gặp bao giờ.

Anh cười, hai hàm răng trắng muốt:

- Cũng như đồ hộp Mỹ thôi mà. Cho cờ-lê vào quay sáu vòng, đúng sáu vòng là ra, hết sảy!

Lại một tiếng lạ nữa của một vùng quê khác nữa lẫn vào lưỡi của anh. Nhưng chị hiểu anh, nếu anh không nói chị cũng hiểu anh kia mà.

- Ưng nghen?

Chị chưa kịp trả lời thì anh đã mở chiếc ba lô con cóc. Trong chiếc ba lô của anh có một lưỡi xẻng, con dao bài Mỹ và chiếc cờ-lê thép xanh giắt trong mớ quần áo lính. Anh lấy cờ-lê ra, thắt miệng ba lô lại. Trong khi thoăn thoắt làm, anh tủm tỉm cười, nghĩ bụng: "Vậy mà cứ lo xa không biết nghề lính đặc công toàn năng sẽ chẳng còn chỗ dùng nữa", ý nghĩ ấy nẩy sinh khi anh lững thững bước cho hết buổi chiều trong trại an dưỡng dành cho những quân nhân sắp phục viên ở biển Nha Trang. Anh nhìn biệt thự lộng lẫy trước kia của một viên tướng sọc dừa, bước trên lối đi rải sỏi, nghĩ xa nghĩ gần về cuộc sống đang chờ anh ở quê nhà. Nhưng bây giờ anh thấy cái chứng suy nghĩ vớ vẩn chỉ tổ làm người ta mất ngủ, cuộc đời là cuộc đời, anh là anh, anh sẽ làm những gì anh thấy phải làm.

Tất cả đều đã trở lại, đứng chật bờ mương, ngoài tầm nguy hiểm, nhưng anh cảm thấy họ đang nhìn anh. Anh cũng thấy họ bực bội cắm phập lưỡi mai xuống đất như muốn làm tới không tính đến quả bom nữa.

Đặt chiếc cờ-lê vào cái ốc lục lăng trên đầu nổ quả bom, mà anh biết rõ tính phản trắc kiểu Mỹ của nó hơn ai hết (riêng tiểu đội anh đã mất ba người vì ba quả bom MK52 chết dẫm chết vằm này ở một khúc sông Vàm Cỏ), anh mới sực nhó ra một điều quan trọng chưa kịp làm:

- Thằng nhóc tên là gì nhỉ?

Con chim ngói tháng mười bay qua ký ức anh. ừ, giá anh hỏi được tên nó ngay khi gặp chị. Nhưng chị không cho anh hỏi. Chị chỉ nói: "Một quả MK52 anh ạ!" Và thế là anh quên khuấy mất. Cũng không sao.

Anh nghĩ thế và lặng lẽ đưa bàn tay khéo léo từ từ quay một trong hai đầu nổ của quả bom, mồ hôi vã trán.

Một tiếng nổ khô nhưng rền, làm rung chân mọi người và anh biến mất.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com