Tôi không hề có cái cảm giác của người bị bệnh phải vào bệnh viện. Người ta đã đưa tôi đến quân y viện này thế nào tôi cũng không hề biết nữa. Trong hôn mê, tôi vẫn thấy chập chờn, đứt đoạn những mẩu sống căng thẳng, tất bật của những ngày vừa qua. Cái buổi sớm 17 tháng 2 ấy, tôi đang chăm chú xem lại tập giáo án chuẩn bị cho một buổi lên lớp chợt nghe nhiều tiếng súng nổ dồn. Tôi bật cửa chạy ra. Ngoài sân, cánh giáo viên trẻ trong lực lượng tự vệ của trường đang hối hả khoác súng rầm rập chạy về hướng chốt. Giặc tràn sang đất ta rồi. Cái bản năng chiến sĩ trong tôi bỗng trỗi dậy giục giã. Không một tấc sắt trong tay, tôi cũng hăm hở ào lên theo cánh trẻ. Người ta xếp cho tôi vào tiểu đội cứu thương. Chúng tôi len lỏi trong các chiến hào, băng bó cho các chiến sĩ bị thương và chuyển về tuyến sau. Đang lúi húi bên một chiếc cáng tôi chợt nghe lanh lảnh cái giọng thân thuộc của chú bé lớp trưởng lớp tôi chủ nhiệm:
- Nó lại lên! Bắn đi, các đồng chí ơi.
Tôi hét:
- Ai cho em lên đây hả Trung. Về tuyến sau ngay.
Chú bé quay lại toét miệng cười:
- Em chào thầy ạ. Thầy còn lên đây kia mà. Bố em cho đi theo đấy. Bố em ở đằng kia kìa.
Tôi chợt hiểu. Nhà em chỉ có hai bố con. Hai bố con không thể rời xa nhau.
Nghe chiu chíu trên đầu, tôi chỉ kịp kéo em ngã sấp xuống và che mình lên. Trời đất tối sầm. Ôi, ngạt thở quá. Cứ như ai đem nhốt tôi trong một cái hộp kín. Tôi ú ớ la lên giãy giụa và dần dần tỉnh lại. Có một bàn tay mát dịu của ai đặt lên vầng trán đang nóng bừng trong cơn sốt của tôi: Tôi cố hé mắt và nhận ra đó là một thanh niên mặc áo blu trắng có gương mặt thông minh và đôn hậu. Tiếng chị y tá từ phía bàn góc phòng dội lại nghe băn khoăn:
- Thưa bác sĩ, không kiếm đâu ra máu nhóm này. Mà kết quả xét nghiệm hồng cầu bệnh nhân còn có một triệu tám.
- Gay go thật. Nhưng dù thế nào cũng phải có. - Người bác sĩ trẻ ấy thở dài lo lắng. Anh ngồi xuống ghế bên giường tôi, nâng nhẹ cổ tay tôi lên để xem mạch đập. ánh mắt mệt mỏi của tôi chợt sững lại khi bắt gặp bàn tay ấy. Phải, chính cái vết vá tím sẫm trên mu bàn tay đã gợi mở cho tôi thấy một cái gì quen quen khó mà quên được. Từ trong ký ức mỏng manh kỷ niệm chợt lóe lên một cái gì đấy nhưng tôi không còn đủ sức nữa. Khi tỉnh khi mê, cái gì mới lóe lên đó dần dần cứ nhọn mãi ra và khêu vào nỗi đau của tôi.
Cách đây khoảng mười bốn, mười lăm năm tôi đã phải cầm một bàn tay như thế này để uốn nắn cho nó từng nét chữ. Ôi, dưới những ngón tay vụng về ấy là trang vở lèm nhèm dây đầy mực tím và những dòng chữ thì ngoằn ngoèo nguệch ngoạc như gà bới. Tôi vốn nóng tính. Nhiều khi uốn mãi không được, tôi đã thẳng tay thước gõ xuống bàn tay ấy. Mỗi khi cây thước quật phải vết chàm, cái bàn tay giật lên đau đớn thằng bé cuống quýt van xin, nhưng tôi chỉ dằn giọng:
- Có đau mới nhớ đời, viết cho cẩn thận!
Mỗi lần hồi tỉnh tôi lại bàng hoàng đưa mắt nhìn lên. Vẫn người bác sĩ ở bên tôi. Chẳng lẽ đây lại chính là thằng bé ấy. Trước mặt tôi là một thanh niên khỏe, gương mặt sáng, sống mũi cao, da ngăm đen. Ôi, cái dáng này, và cái vết chàm trên mu bàn tay ấy. Tôi nhẩm tính về độ tuổi. Người bác sĩ này độ 23, 24 tuổi. Cách đây 14 năm... Đúng rồi, đây chính là đứa học trò ngỗ nghịch của tôi ngày ấy. Nhận ra người quen giữa khi đang cần phải bấu víu như tôi lúc này lẽ ra phải là một niềm vui, nỗi mừng lớn. Như bất kỳ ai khác đáng lẽ tôi phải nắm lấy bàn tay người thầy thuốc mà reo lên: "Đức ơi, em có nhớ không, chính em đã học tôi ngày ấy, ở trường ấy...". Và đứa học trò cũng mừng rỡ không kém: "Thầy cứ yên tâm. Em sẽ lo cho thầy như lo cho bố em ở nhà". Lẽ thường là như vậy. Nhưng tình cảnh tôi bữa đó lại hoàn toàn trái ngược. Ngay khi nhận ra Đức, nỗi lo sợ bóp nghẹt tim tôi. Ôi, cuộc sống thật trớ trêu. Ngày ấy tôi đâu có ngờ được rằng đến hôm nay cuộc đời lại giao phó tính mệnh tôi, niềm vui nỗi buồn của cả gia đình tôi vào chính cái bàn tay có vết chàm ấy. Tôi lạnh toát cả người mỗi khi nghĩ đến cái chết đang gần kề và tia hy vọng sống mỏng manh chỉ lát nữa thôi là sẽ bị thổi tắt. Và thế là tôi lại ngất đi.
Cô hỏi cái gì làm tôi sợ đến khủng khiếp thế ư? Lương tâm và lẽ đời, cô ạ. Muốn rõ điều này, cô phải nghe tôi kể hơi dài một chút. Cô có muốn nghe nữa không?
- Có, có ạ. Bác kể nữa đi bác.
Cô y tá ngồi bên tôi hấp tấp nói chen vào.
Hồi ấy, tôi dạy học ở một thị trấn nhỏ vùng trung du. Gọi thị trấn cho nó sang chứ thực ra chỉ lèo tèo mấy chục nóc nhà với một cái ga tàu hỏa. Thị trấn chỉ bừng tỉnh khi có chuyến tàu đến. Người lên kẻ xuống ồn ào tấp nập. Đám lau nhau bán quà, bán nước và thuốc lá bắt đầu cất tiếng rao lao xao ầm ĩ. Chúng như những con vượn bám tàu, nhảy tót lên từ khi tàu chưa kịp đỗ. Rồi chúng leo trèo, nhảy chuyền từ toa nọ sang toa kia, chúng tranh khách, chửi bới, văng tục. Có đứa còn chớp thời cơ trộm cắp. Đó là mảnh đất tốt cho những mầm mống lưu manh. Chúng tôi thường bảo nhau: "Những giáo viên nào có học sinh trong đám ấy thì thật là bất hạnh!". Và tôi là một trong số ấy bởi lớp tôi có thằng Đức vẫn hay đi bán nước ngoài ga. Về sự học thì phải công nhận nó là đứa bé thông minh. Toán nó giải nhanh như chớp. Chỉ có điểm ấy là có thể thương được. Ngoài ra, nó là đứa trẻ bất trị. Nét khó chịu đầu tiên là ngồi trong lớp không bao giờ nó chịu yên chân yên tay. Nếu không chọc bạn bàn trên thì lại khoèo chân bạn bên cạnh hoặc là giơ tay xin hỏi chẻ hoe những điều mình vừa giảng. Rồi nữa, thỉnh thoảng ở lớp tôi lại xảy ra một vụ mất cắp vặt: Mấy đồng bạc, cái bút, hộp mầu, v.v. Mỗi lần xảy ra như thế, là một lần lớp cứ loạn lên. Học trò nghi kỵ lẫn nhau, cãi cọ, khóc lóc, thưa gửi, đề nghị thầy xét xử. Thật đến là nhức cả đầu. Tôi quyết định tìm cho ra thủ phạm để triệt hẳn chuyện này đi cho đỡ bực mình. Lần ấy, một đứa học trò lại đến thưa chuyện mất bút. Đã hết giờ học nhưng tôi giữ lớp lại cho khám lẫn nhau mà vẫn không tìm thấy cái bút đâu. Tôi bèn nảy ra một kế. Tôi bắt cả lớp ngồi khoanh tay trên bàn im lặng suy nghĩ, còn tôi thì chạy ra rặng tre sau trường bứt đủ 34 chiếc măng tăm nõn tre. Vào lớp, tôi bảo:
- Những cái tăm măng tre này biết nói lên sự thật. Giờ các em hãy ngậm nó vào mồm. Em nào có tính xấu tham của người khác lập tức cái măng sẽ mọc dài ra một khúc. Tôi sẽ tìm ra ngay thủ phạm cho các em coi...
Nói đoạn, tôi đi từng bàn đặt những chiếc măng tăm ấy vào miệng từng đứa trẻ. Năm phút sau, tôi đi từng bàn thu lại. Có một chiếc măng tăm nõn tre đã bị cắt cụt đi mất một khúc. Cái đó của thằng Đức. Tôi cho cả lớp về và giữ Đức lại làm kiểm điểm.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu rồi nó phải ở lại như thế này. Phải nhịn đói ở lại cùng với nó thật là điên ruột. Tôi cáu kỉnh trút cả nỗi tức giận lên đầu nó. Tôi quát, tôi hét, còn nó thì cứ im lặng ngồi nhìn xuống đất lắng nghe, dường như có trút cả cơn bão lửa nó vẫn có khả năng tiếp nhận hết. Đôi mắt to lanh lợi của nó nhìn xuống đôi bàn chân đen thui ngượng ngập di di trên nền đất sao thật là hiền lành. ấy vậy mà không mấy ngày nó không gây sự đánh nhau làm bươu đầu sứt trán lũ trẻ con cùng học. Không thể kìm được mình, tôi xách tai nó đứng lên và quát:
- Đi về. Chiều mời bố mẹ đến gặp tôi. Lần này mà gia đình lại làm ngơ không đến như những lần trước thì tôi đuổi học đừng có trách đấy.
Lời đe dọa ấy có hiệu quả. Chiều xế, hai bố con lầm lũi đến gặp tôi. Người cha là một gã đàn ông nát rượu. Lão ăn mặc lôi thôi bẩn thỉu. Khuôn mặt không đến nỗi tối tăm, nhưng râu ria mọc lởm chởm trông phát khiếp. Lão ngật ngưỡng cái đầu của kẻ đang ngà ngà hơi men, đôi mắt đỏ đòng đọc nheo lên nhìn tôi:
- Hừm, nhà nước trả lương nuôi các ông chỉ có mỗi một việc là dạy dỗ lũ trẻ. Vậy mà nay đưa giấy đòi, mai đưa trát gọi. Không để ai làm ăn nữa hả?
Đấy lão ăn nói ngang như cua vậy có khác chi đổ thêm dầu vào lửa. Tôi sôi lên tức giận:
- Chúng tôi mời ông đến đây vì con ông không còn đủ tư cách học trò. Trước khi đi đến quyết định đuổi học, chúng tôi buộc phải mời gia đình đến để thông báo.
- Nó làm sao mà phải đuổi học?
Lão hỏi buông sõng vậy. Không thèm trình bày dài dòng, tôi chỉ đặt toẹt trước mắt lão một sấp bản kiểm điểm của thằng Đức đã làm sau mỗi lần phạm khuyết điểm và cũng đáp cộc lốc:
- Vì thế này đây.
Không cầm, lão đưa mắt lướt qua vài tờ và nổi cơn thịnh nộ. Lão gầm lên:
- Đức! Lại đây.
- Dạ!
Thằng bé run rẩy bước lại gần bố. Bất chợt, lão vung tay tát bôm bốp vào mặt vào đầu thằng bé. Nó ngã chúi vào xó tường. Tôi chưa kịp định thần thì lão đã lại gầm lên:
- Đi về. Không học hành gì nữa. Mai ra ga, đi bán nước.
- ồ, càng tốt. Nhà trường may mắn trút đi được một gánh nặng - Tôi dằn giọng đáp.
Hai bên chia tay nhau không một lời chào. Buổi học hôm sau sĩ số học sinh lớp tôi hụt đi một. Điều đó gây xôn xao trong đám trẻ nhưng tôi thì không bận tâm lắm bởi vì mọi sự chú ý của tôi lúc này là làm sao chóng lên đường nhập ngũ. Hằng ngày đọc báo, nghe đài tôi như bị thôi thúc bởi một tiếng gọi tha thiết nơi chiến trường xa. Các bạn thân của tôi đã lên đường cả. Những lá thư viết vội từ một chặng nghỉ lưng đèo hay sau một trận đánh dữ dội cứ khuấy động tôi đến bồn chồn gan ruột. Chà, sức dài vai rộng như mình mà cứ quanh quẩn với lũ con nít. Mỗi khi báo động lại hấp tấp dắt chúng xuống núp kín dưới hầm. Thật không thể chịu được. Tôi làm liên tiếp mấy cái đơn gửi lên xã, lên huyện. Thế rồi người ta cũng chấp nhận. Hiền, một cô giáo trẻ mới ra trường được điều về dạy lớp tôi. Trong thời gian chờ đợi đợt tuyển quân, tôi có nhiệm vụ giúp cô ta làm quen với bục giảng.
Hiền vốn người Hà Nội. Gia đình cô lên đây trong đợt đồng bào Hà Nội ra đi xây dựng vùng kinh tế mới. Vậy mà cô không hề tỏ ra bỡ ngỡ xa lạ với vùng đất heo hút xa xôi này. Nhận lớp hôm trước, hôm sau cô đã đi thăm một lượt từng gia đình ở cái xóm lẻ cách trường mấy cây số.
Một buổi sáng Hiền mời tôi vào dự giờ giảng của cô. Đó là một giờ tập đọc. Cái giọng sôi nổi, ấm áp và rất chuẩn mực của người Hà Nội đã khiến bài học trở nên hấp dẫn. Các em như bị hút vào lời cô giảng. Tiết học trôi đi êm ả. Bỗng dưng, một cục đất ném đánh bộp vào giữa lớp học. Học sinh kêu ré lên. la hét, rũ sách vở phành phạch. Mấy em gái ngồi gần cửa sổ nhỏm hẳn ra quát với giọng đanh đá:
- Cút đi đồ ăn cắp.
- Ê, bị đuổi học, xéo ngay.
Lại một cục đất nữa ném vào lớp và thằng bé co cẳng chạy biến trong màn mưa bụi lây rây. Tôi và Hiền cùng chạy ra cửa lớp. Hiền ngơ ngác nhìn theo đứa trẻ:
- Sao lại thế, hả anh?
- A, một thành viên lớp này, mới bị tống ra khỏi lớp.
- Tội nghiệp, nó còn bé thế, không học rồi lớn sẽ sống ra sao?
Tôi cau mày:
- Cái cô này lạ thật. Nó mất dạy thế đấy, mà còn thương với xót.
Buổi học hôm sau, Hiền bảo tôi:
- Hoàn cảnh thằng Đức tội nghiệp anh nhỉ.
- Ôi dào, cô thì nhìn đứa trẻ nào cũng thấy tội nghiệp. Bố nó là một gã nát rượu tất nó vậy thôi.
- Nhưng anh có biết vì sao ông ta sa vào cảnh ấy không?
- Dà, tôi hơi đâu mà quan tâm đến lão ta.
- Ơ, thế anh vẫn chưa hề chuyện trò với ông ta.
- Tôi đã mời hàng chục lần, nhưng lão ta chỉ đến có một, tức là cái hôm quyết định đuổi học ấy.
- Thảo nào. Em tin là nếu anh đến nhà nó, nghe chuyện gia đình nó, anh sẽ chẳng đi đến cái quyết định ấy đâu. Nó tội lắm. Mẹ nó là một người đàn bà phải cái tính hay ghen. Hai vợ chồng lục đục cãi cọ nhau suốt ngày. Ông chồng rượu chè bê tha. Cảnh nhà túng quẫn. Thằng bé không được chăm sóc.
- Thiếu mặt giáo dục gia đình thì đố ai mà dạy nổi đứa bé. Cô vừa học xong sư phạm đã quên mất ba mặt giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội phải gắn bó khăng khít thì mới...
- Nếu thế, thì thầy sẽ bù đắp cho phần thiếu hụt kia. Em tin là em làm được.
Hiền thuyết phục bằng được Ban giám hiệu nhà trường chấp thuận đề nghị của cô. Và thế là thằng bé lại trở về lớp cũ. Tất nhiên, đó là một sự xúc phạm lớn đến lòng tự ái của tôi. Tôi thầm mong thực tế mau chóng chứng minh rằng thằng Đức là một đứa trẻ bất trị, và quyết định của Hiền chỉ là sự ngông cuồng con nít.
Tôi còn nhớ đó là thời kỳ cuộc chiến đấu chống Mỹ của chúng ta đang ở giai đoạn căng thẳng quyết liệt. Bom Mỹ dội liên tục suốt ngày đêm, và cũng suốt ngày đêm những đoàn quân, những đoàn ô-tô quân sự xanh rờn lá ngụy trang rầm rập đổ về hướng nam.
Buổi sáng hôm ấy tôi vừa tới trường đã nghe lũ trẻ kháo nhau: Thằng Đức theo đoàn xe của các chú bộ đội để vào chiến trường rồi.
Thằng Huy kể:
- Bạn Đức bạn ấy bảo với em rằng: "Trong ấy đang đánh nhau to. Tao sẽ đến một ụ pháo sáu nòng xin tiếp đạn cho các chú bộ đội. Thấy mình làm được việc, thế nào các chú chẳng cho bắn một phát. Dứt khoát tao phải hạ được một thằng giặc lái, vì tao nghe các chú lái xe kể trong ấy máy bay nó bay như ruồi ấy. Tao sẽ nậy lấy một quả rốc két gắn ở cánh máy bay, tháo lấy thuốc đạn về chia cho mỗi đứa chúng mày một ít. Cái thứ ấy mà làm pháo thăng thiên thì chúa sừng...".
Có thế chứ. Cáo có cho đội lông công thì vẫn là cáo. Tôi mừng thầm chạy xuống khu tập thể giáo viên tìm Hiền. Cô đang lúi húi trồng cây xương rồng ở góc bồn hoa kề hàng hiên. Một cậu giáo trẻ đang xua tay quầy quậy:
- Ai lại đi trồng xương rồng trong vườn hoa ngay hàng hiên trước nhà thế. Cái thứ cây gai góc xương xẩu này chỉ đáng đứng ở bờ rào, bờ giậu thôi.
Hiền dịu dàng cười cười:
- Nó là cây hoa đẹp thì phải để nó đứng trong vườn hoa chứ!
- Ôi trời, xương rồng lại là một cây hoa. Cô nói trẻ con nó cũng không nghe được. - Không nhịn được, tôi nói chen vào.
Hiền vẫn bướng bỉnh:
- Vậy mà chẳng những có hoa, hoa nó lại còn đẹp nữa cơ đấy. Xin cam đoan là như vậy...
- Cam đoan à - tôi cười khẩy - Có bằng cam đoan bảo lãnh cho thằng Đức không? Xin báo để cô rõ. Đêm qua nó đã tót lên đoàn xe quân sự, bỏ nhà đi rồi.
Hiền đứng sững:
- Thật ư? Vậy sao nó đã hứa...
Cô ta như bị quất một ngọn roi, nỗi đau hiện rõ trong đôi mắt. Thế nhưng trưa hôm sau hai anh công an áp giải thằng bé trả về trường cô ta lại vui mừng hớn hở chạy ra đón và lại đưa nó vào lớp, không một hình thức kỷ luật nào.
Sau đó tôi lên đường đi chiến đấu. Sự căng thẳng, tất bật trong công việc của một người lính thời chiến cuốn tôi đi. Có chút thì giờ rỗi rãi nào tôi dành để thư từ thăm hỏi người thân, và hầu như lãng quên cái ngôi trường nhỏ bé ven sông ấy. Thế rồi, đến một hôm trên đường hành quân đơn vị chúng tôi dừng chân ở một thị trấn nhỏ. Tiểu đội tôi ghé vào ngôi nhà cổ bên hàng rào xương rồng. Những cánh xương rồng gai góc leo lên sát mái. Từ cái thân khẳng khiu gai góc tua tủa là những nụ hoa đẹp đến lạ lùng. Dưới ánh trăng thượng tuần, những búp hoa trắng muốt như đôi bàn tay tiên từ từ lặng lẽ xòe ra phả trong gió một làn hương say say ngòn ngọt. Ai nấy đều ngây ngất trầm trồ trước mầu trắng thanh khiết. Ô, thế ra xương rồng có hoa. Cô giáo Hiền đã nói đúng. Một sự liên tưởng nhắc tôi nhớ ngay đến thằng Đức. Nhưng bao nhiêu ngày tháng đã qua rồi. Bom đạn, chiến tranh xới tung cuộc sống, làm sao đoán được nổi giờ nó lớn ra sao?
Tôi bị thương trong một trận đánh ở Quảng Trị. Điều trị lành vết thương tôi phải xuất ngũ. Tất nhiên, tôi đã tìm lại chỗ đứng trong nghề cũ. Tôi xin dạy học ngay tại quê hương. Và từ ấy cũng chưa có dịp trở lại thăm ngôi trường xưa. Tình cờ làm sao, cuộc sống éo le lại đặt tính mệnh tôi lên đôi bàn tay đứa học trò cũ.
Cái phút đầu tiên, mới nhận ra Đức, tôi đã hoảng hốt thực sự. Cái cảm giác đau nhói nơi cánh tay đã đánh thức tôi tỉnh lại. Mở mắt ra, tôi thấy một mũi kim lớn đang găm nơi mạch máu. Từ cái bình treo cạnh giường, những giọt máu hồng tươi đang nhỏ tí tách, lặng lẽ theo ống truyền chảy vào huyết quản tôi, làm sống lại những tế bào đang ngấp nghé kề bên cái chết. Ngày hôm sau, tôi được chuyển sang phòng phẫu thuật. Tôi nghe tiếng cô y tá trẻ nói nhỏ với bác sĩ Đức:
- Hay anh để anh Hiệu phụ trách ca mổ này. Anh mới cho bác ấy bao nhiêu máu, đang mệt.
- Mình làm được. Các bạn cứ sửa soạn đi.
Thì ra, những giọt máu quý giá đem lại sự sống cho tôi lại chính là dòng máu chảy từ con tim bác sĩ Đức. Không biết cậu ấy có nhận ra mình không? Chắc là không, chứ nếu nhận ra, đời nào... Dẫu sao, tôi cũng là kẻ suýt phá hỏng cả tương lai của người thanh niên ấy. Hẳn cậu ta phải căm thù tôi. Càng nghĩ, tôi càng bị nỗi ân hận giày vò. Tôi muốn trút hết ra với Đức để cho lòng thanh thản. Nhưng tôi lại lo lo Đức đang soát lại những con dao mổ. Tính mệnh tôi đang nằm trong tay cậu ta. Lúc này đây là thời cơ mà ý định trả thù dễ dàng thực hiện được nhất. Thế rồi không hiểu sao, tự dưng miệng tôi lại bật gọi:
- Bác sĩ Đức!
Người thanh niên quay lại:
- Dạ, thưa thầy, thầy gọi em...
Tôi bàng hoàng:
- Vậy ra anh đã nhận ra tôi.
- Vâng, thưa thầy, ngay từ phút đầu mới nhập viện. Nhưng em không dám nói sợ sự xúc động bất ngờ sẽ không có lợi cho điều trị.
- Em Đức. Tôi thành thật xin lỗi em vì những chuyện đã qua.
- Thưa thầy, một phần chính cũng tại em nữa chứ ạ. Dạo đó, em nghịch phá quá trời. May mà em được các thầy, cô thương em, chăm chút cho em như người ruột thịt.
- Các thầy, cô! Chắc là không có tôi! Nhưng...