Người đời thường hay bàn luận và cắt nghĩa về hạnh phúc và bất hạnh. Rằng chẳng có cái gì trên đời này là không phải trả giá. Rằng hạnh phúc không bao giờ là điều cho không. Rằng... Còn tôi, bây giờ tôi đang là một thiếu phụ hạnh phúc với đầy đủ nghĩa của từ này, tôi sống hạnh phúc bên một người chồng mà tôi yêu, với một đứa con trai xinh xắn và bụ bẫm. Nhưng tôi là người đàn bà ít khi để tâm xem xét vì sao tôi lại là một người hạnh phúc. Bạn bè thường bảo tôi là người vô tâm. Đó là một nhận xét có lẽ không sai.
Nhà tôi trước đây ở trong một ngõ nhỏ của một phố cổ. Cái ngõ hẹp đến mức chỉ vừa một người đi xe đạp. Nếu có người đi ngược chiều thì phải tránh nhau đến khổ. Con phố ngắn đến mức mà như cánh thanh niên bây giờ vẫn đùa khi so sánh: Nếu ngồi trên xe máy, chỉ cần nhấn ga một cái là hết phố. Phố rêu phong, những mái nhà rêu phong, những bờ tường loang lổ và cũng rêu phong. Bù lại, những cây cổ thụ có từ đời nảo đời nào vẫn tỏa bóng xum xuê. Vào thời bung ra, hàng quán mọc ra nhiều quá. Nhiều cửa hiệu, cửa hàng đua nhau vươn ra vỉa hè, nhưng con phố không vì thế mà mất đi những nét cổ kính rất đáng yêu. Nhất là hương hoa dạ hương vào những đêm sâu thì khi đi đâu xa dù chỉ một tuần thôi, tôi đã thấy nhớ cồn cào.
Bố mẹ tôi chỉ có ba chị em gái chúng tôi. Chị Liên, chị Bích và tôi là út. Lớn lên tôi chỉ nghe bố mẹ tôi kể lại rằng cửa hàng đóng giầy mà gia đình tôi đang sống đây từng là một cửa hàng nổi tiếng, rằng ông nội tôi cũng là bậc trung lưu của đất kinh thành. Sau này tôi mới biết ông nội tôi cũng có cái thú thích sưu tầm đồ cổ. Nhưng hồi năm 54, vì theo đạo Thiên chúa, theo như người ta nói, theo lời Chúa kêu gọi ông bà tôi cùng nhiều người đã di cư vào nam, để lại gia sản và cơ ngơi cho bố tôi và chú Dương tôi. Nhà tôi thừa hưởng nghề đóng giày gia truyền. Bây giờ bố mẹ và chị em tôi vẫn sống nhờ vào nghề đó. Các buổi tối chị em thường giúp bố mẹ đánh xi những đôi giày đã đóng xong cho khách. Khi lên bảy hay tám tuổi, tôi hay được các bạn của mẹ tôi tấm tắc khen là xinh xắn. Sau này, tôi nhận thấy các chị tôi cũng rất xinh đẹp. Nhưng ở trong gia đình tôi vẫn là đứa con được cưng chiều nhất. Bố tôi cũng yêu quý và chiều tôi một cách không giấu giếm, khiến các chị tôi nhiều khi phải phát ghen. Chị Liên thường cằn nhằn với bố tôi: "Chúng con đều là con gái, sao bố chẳng công bằng, bố lại chiều mỗi em Hà?". Bố tôi bảo: "Thì bố vẫn yêu quý các con như nhau thế thôi. Nhưng vì em Hà là út, lại trông có vẻ yếu ớt quá nên bố thương hơn". Tôi thì thấy mình đâu có yếu ớt như bố nói, duy có điều tôi nhận thấy mình có vẻ xanh xao. Có lẽ vì thế mà các cô các dì thường nói đùa với mẹ tôi: "Con bé Hà nhà chị rồi xem ra lớn lên cứ gọi là khối đàn ông phải say như điếu đổ! Nhưng giờ trông nó như tiểu thư cấm cung vậy".
Chú Dương tôi ở một căn phòng được ngăn riêng cùng căn hộ với gia đình tôi. Chú là họa sĩ nên rất cần phòng riêng - nói như chú là cần một phòng để làm xưởng vẽ. Phòng của chú thật ngổn ngang, bề bộn những giá vẽ, những hộp mầu; những bức tranh đã vẽ xong và còn đang vẽ dở. Chú Dương có một người bạn rất thân, đó là thầy Minh. Thầy Minh dạy sử ở một trường trung học trong thành phố. Vì mới ra trường được ít năm nên thầy còn trẻ lắm, nghĩa là cũng vào tầm tuổi như chú Dương tôi. Thầy Minh có dáng người tầm thước. Một khuôn mặt với những đường nét khá hài hòa, duy có nước da thì mai mái như một người bị sốt rét nhiều. Mỗi khi đến chỗ chú Dương thầy cũng hay rẽ sang nhà tôi chơi và nói chuyện phiếm với chúng tôi. Một lần tôi có việc tạt sang phòng chú Dương, tôi thấy chú và thầy Minh đang mải mê vẽ. Mỗi người một giá vẽ, chẳng ai nói chuyện với ai cũng chẳng hề để ý đến sự xuất hiện trong phòng của một bé gái là tôi. Đến khi tôi rón rén đến đằng sau lấy hai bàn tay bịt mắt thầy Minh thì thầy mới buông bút vẽ và bật cười. Chú Dương cũng thôi vẽ, quay sang cười với trò nghịch ngợm trẻ con của tôi.
Một hôm cả ba chị em tôi sang phòng chú Dương chơi. Cũng là lúc thầy Minh đang ở đó. Chúng tôi liền sà vào chỗ những bức tranh của chú Dương vừa mới vẽ xong và nhìn bằng cái nhìn của những cô bé lần đầu tiên vào thảo cầm viên nhìn thấy con voi. Thầy Minh liền thôi vẽ và hỏi đùa tôi:
- Lớn lên bé Hà thích làm gì?
- Cháu làm sao mà biết được ạ? - Tôi trả lời ngập ngừng.
- Thế Hà có muốn trở thành cô giáo không? - Thầy cười hỏi.
- Cháu mà thành cô giáo được ư? - Tôi hỏi lại chứ có biết và có ý niệm gì rõ rệt về các nghề nghiệp đâu. Nhưng tôi không ngờ sau này tôi lại có thói quen trả lời những câu hỏi của thầy bằng cách hỏi lại.
- Được lắm chứ. Miễn là cháu thích - Thầy khẳng định.
- Hay là thành họa sĩ? - Chú Dương đế vào.
- Cháu không biết vẽ, làm sao thành họa sĩ được.
- Thì chú sẽ hướng dẫn. - Chú Dương nói.
Ngay lúc đó, chị Liên tôi không xem tranh nữa mà quay sang góp chuyện:
- Cái Hà mà lại thành họa sĩ ư, hứ, chỉ có cháu thôi. Chú hãy dạy cháu vẽ nhé.
- Thì cháu và Hà đều thành họa sĩ, nếu đều thích vẽ.
- Chỉ cháu thôi. Còn cái Hà, nó chỉ có mà thành... công chúa - Chị Liên bĩu dài môi.
- Công chúa ư? Tốt quá chứ sao. Tôi đang cần công chúa đây. - Thầy Minh tham gia vào trò chơi.
- Để làm gì ạ? - Chị Liên hỏi.
- Thì... thì... để tôi được làm phò mã mà lại. - Thầy Minh vẫn đùa.
- á, á... em gái ơi! Lớn nhanh có chú đây chờ này. - Chị Liên cười khanh khách.
- Chờ ai, chờ cháu hay chờ bé Hà? - Thầy Minh vẫn chưa thôi đùa.
- Thì... thì chờ công chúa chứ chờ ai. - Chị Liên đỏ mặt chống chế.
Không biết chị Liên tôi còn muốn kéo dài sự vui tếu đến đâu nếu tôi không bị bố mẹ gọi về. Nhưng khi đó tôi chỉ biết thầy Minh ngoài công việc dạy học rất mê vẽ. Sau này tôi mới biết thầy còn rất thích sưu tầm và chơi đồ cổ nữa. Bởi vì nếu không thầy làm sao biết được đồ gì là cổ, đồ gì không - tức là sẽ mù tịt như chúng tôi vậy.
ấy là một buổi sáng thầy Minh đến nhà chú Dương tôi lại đi vắng. Thầy liền tạt sang nhà tôi và nói chuyện phiếm với mấy chị em tôi. Bố mẹ tôi bữa đó đi về quê để tảo mộ, nên chị Liên ngồi tiếp thầy Minh. Chị Liên tôi thời đó đang ở tuổi dậy thì và rất đang chịu khó làm đỏm. Tôi thấy chị ngày càng có nhiều những thỏi son bôi môi. Chị lại rất hay đỏ mặt xấu hổ. Cặp mắt chị lúng la lúng liếng trông tình tứ lắm. Ngồi nói chuyện với thầy Minh chị cứ thao thao bất tuyệt những chuyện trên trời dưới đất đâu đâu, khiến chúng tôi chỉ biết ngồi nghe. Ngồi mãi cũng chán, tôi và chị Bích liền đi thực hiện lời bố mẹ dặn là dọn dẹp gác xép. Chúng tôi lôi từ trên gác xép xuống những quyển sách cũ đã bị gián nhấm làm cho gáy sách nham nhở, xuống xếp ở góc nhà chờ bán cho bà mua giấy báo cũ. Tôi cũng mang luôn xuống những chai lọ, những bát đĩa bị xếp ở góc gác xép từ bao giờ đã bị mốc meo lên. Rồi tôi ngồi phụ giúp chị Bích bằng cách moi móc tất cả góc gác xép ra để chị Bích khuân xuống. Một đợt lên mang xuống, vì tham vừa cặp nách vừa cầm tay, nên khi bước ở cầu thang chị Bích đã để tuột tay làm rơi một chiếc ấm pha trà xuống nền gạch hoa. Chiếc ấm phát ra một âm thanh chói tai nhưng không hề vỡ. Thầy Minh đang ngồi nói chuyện với chị Liên liền chạy lại. Thầy nhặt chiếc ấm lên và ngắm nghía. Thầy lấy ngón tay lau lớp bụi bên ngoài, rồi lấy một miếng giẻ cọ sạch chiếc ấm. Chiếc ấm hiện ra là một chiếc ấm đồng cổ bóng loáng. Thầy liền bảo chị Bích:
- Cháu lên mang hết những chiếc ấm tách của bộ pha trà này xuống và bảo Hà tìm xem có những chiếc đĩa đựng chén không?
- Để làm gì ạ? Chị Bích hỏi lại.
- Thì để chú xem. Chú chỉ thích xem thôi, xem nó như thế nào.
Khi chúng tôi đem xuống tất cả những thứ lỉnh kỉnh, linh tinh từng xếp bao ngày ở góc gác xép xuống, thầy Minh chọn được bốn chiếc chén cùng bộ với chiếc ấm vừa bị rơi để ra một chỗ và hỏi tôi:
- Bố mẹ cháu sao không lau chùi bộ ấm chén này mà bày vào trong tủ cho đẹp?
- à, bố cháu chỉ quan tâm tới các đôi giày chứ không thích những thứ của nợ này đâu. - Chị Liên trả lời thầy.
- Sao lại gọi là của nợ? Trưa bố mẹ cháu có về không? Mà thôi, để tối chú sẽ trở lại nói chuyện với bố mẹ cháu nhé.
- Thì nói với cháu cũng được. Cháu là chị cả, có sao đâu - Chị Liên nhanh nhảu.
- Không được. Tối chú sẽ trở lại. Mà nói chú Dương là tối nhớ chờ chú nhé. Hà cất gọn bộ ấm chén này vào góc nhà cho chú nhé, đừng để lẫn đấy.
Tối ấy thầy Minh trở lại thật. Như thường lệ mỗi khi có khách, chúng tôi ngồi đánh xi giày để bố nói chuyện với thầy Minh.
- Bác ạ, nhà mình có của quý mà không biết ư? Thầy Minh nói.
- Của quý gì? Chú nói gì lạ vậy? - Bố tôi hỏi.
- Là tôi nói nhà mình có ít đồ cổ. Sáng nay tôi thấy mấy cháu dọn từ gác xép xuống định đem bán cho đồng nát, tôi liền bảo cháu Hà giữ lại. Hà ơi, cháu mang bộ ấm chén ban sáng ra đây cho bố cháu xem đi.
Tôi liền làm theo lời thầy bảo và đặt bộ ấm chén trên bàn trước mặt bố tôi.
- à... à. ấy thứ này tôi xếp xó từ lâu lắm rồi. Bán quách đi cũng được, cho khỏi chật nhà. - Bố tôi thủng thẳng nói.
- ấy chết. Đây là đồ cổ quý đấy bác. Bác nên cho lau chùi và bày vào tủ ly sẽ rất đẹp.
- Cổ với quái gì đâu. Mấy cái của nợ ấy mà. à trước kia, tôi có một ông bạn thân, tôi gạ biếu ông ấy bộ ấm chén này mà ông ấy có thèm lấy đâu. Nếu chú thích thì tôi xin tặng chú đấy.
- Thế thì quý hóa quá ạ. - Thầy Minh nói. Rồi ngồi một lúc như đắn đo điều gì, nhìn lướt sang tôi, thầy Minh nói tiếp:
- Tôi xin cảm ơn bác. Nhưng tôi xin nhận với điều kiện ngày mai tôi sẽ lại sang thưa chuyện với bác về bộ ấm chén này, nếu bác đồng ý thì tôi sẽ nhận.
- Có gì đâu. Mấy thứ của nợ này nếu chú không lấy thì tôi cũng bảo các cháu bán cho đồng nát mà thôi. - Bố tôi khẳng định.
Tối hôm sau thầy Minh lại đến. Thầy không vào phòng chú Dương mà rẽ luôn sang nhà tôi. Thầy bảo bố tôi:
- Tôi xin cảm ơn bác. Bộ ấm chén đó tôi thích lắm. Vậy cứ xem là bác đã bán chúng cho đồng nát rồi. Nhưng tôi sẽ giữ hộ bác bộ ấm chén này với mục đích duy nhất chỉ để giữ hộ mà thôi. Nhưng có mặt cả cháu Hà ở đây, bác hãy cho em Hà bộ ấm chén đó, nghĩa là tuyên bố chúng thuộc quyền sở hữu của Hà thì tôi mới giữ hộ. - Tôi thấy chú hôm nay cứ thế nào ấy, nói xin lỗi chú. Nhưng nếu chú có nhã ý như thế thì cũng tốt. à mà tôi tặng chú thì chú giữ lại hoặc muốn làm gì thì là quyền của chú cơ mà?
- Nhưng tôi xin hứa trước bác là tôi sẽ giữ chúng hộ cháu Hà. Sau này nếu được sự đồng ý của cháu Hà thì tôi mới bán chúng. - Không hiểu sao thầy Minh nói rất nghiêm trang.
Chúng tôi và cả bố mẹ tôi ai nấy đều ngạc nhiên về cách xử sự của thầy Minh. Hôm sau, khi các bạn của chị Liên tôi đến chơi, được dịp ngồi lê đôi mách đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chị Liên liền kể cho các bạn nghe về chuyện bộ ấm chén cổ. Các chị ấy ai nấy đều cười. Chị Liên lại được dịp trổ tài chua ngoa: "Các đằng ấy ạ! Tớ thấy thầy Minh hình như gàn gàn thế nào ấy. Cứ như một ông hâm vậy". Các chị ấy lại cười rúc rích. Nghe chị Liên nói câu đó. Tôi bỗng thấy ghét chị ấy vô cùng.
Giải phóng miền nam được ít năm.
Thời gian với bao điều đáng quan tâm và với dòng chảy xô bồ, rồi câu chuyện về bộ ấm chén ấy cũng bị quên đi. Tôi đã trở thành nữ sinh lớp mười nổi tiếng là hoa khôi của trường. Thầy Minh cũng dạy ở trường tôi và năm lớp mười cuối cấp này, thầy lại được xếp dạy môn sử ở lớp tôi.
Thầy Minh vẫn đến chơi chỗ chú Dương và cùng vẽ với chú ấy. Cho tới khi chú Dương tôi cưới vợ thì thầy ít đến hơn. Căn phòng này trước vốn là xưởng vẽ và vốn bề bộn là thế, giờ thì được cô An - vợ chú Dương - dọn dẹp thành một phòng hạnh phúc. Quả là trong nhà có bàn tay thu vén của người phụ nữ cũng có khác. Nhưng cô An vẫn không quên xếp một chỗ ở góc nhà cạnh cửa sổ để cho chú Dương vẽ. Một lần, khi sang phòng chú Dương chơi, tôi nghe thấy cô An đang nói chuyện với chồng về thầy Minh.
- Này, cái anh Minh bạn anh sao đợt này ít sang chơi thế?
- Anh ấy nói là bận, dạo này lại đang mải mê nghiên cứu, nghiên kiếc gì đó.
- Ghê thật. Đúng là một người tài hoa. Mà này anh, sao anh ấy chẳng chịu lấy vợ gì nhỉ?
- Anh ấy nói với anh là chưa thích.
- Chưa thích với chẳng đã thích! Đây chẳng phải là chuyện thích. Có mà ế thì có. Đàn ông quá băm nhăm rồi mà chưa chịu lấy vợ. Những người đàn ông như thế, em nói thật, dễ hâm lắm. - Cô An bĩu môi và tặc lưỡi.
- Thì cũng có mấy đám theo đuổi cậu ta. Như cái đám cô Hòa giáo viên cùng trường chẳng hạn. Nhưng cậu ta tâm sự với anh là cậu ta chưa muốn lấy vợ. Đúng ra, hình như cậu ta đang thầm yêu ai đó, nếu anh đoán không nhầm. Nhưng có trời mà biết được.
- Thầm với chả vụng. Nhưng mà em ngại những người đàn ông sống độc thân lắm. Họ cứ có một cái gì không gàn thì cũng dở hơi.
- à, mà em biết không, thằng cha vừa mới được in một cuốn sách đấy, thì ra lại quay ra viết sách nữa kia.
- Hôm nào anh rủ anh Minh dẫn người yêu đến nhà mình chơi đi. Chủ nhật này đi. Em sẽ làm một bữa bún chả thật ngon.
- Thì anh đã bảo là anh ấy đang chờ ai đó. Đúng hơn là làm quái gì ra có người yêu. Nhưng cũng có thể anh ta đang yêu một ai đó. Nhưng anh làm sao mà biết được?
Nghe đến đó, tôi bỗng chợt nhớ ra một điều gì. Tôi bỗng không hiểu tại sao lại nghĩ tới câu đùa "chờ công chúa chứ chờ ai" ngày nào xa xưa và bỗng thấy má mình nóng ran. Trong tôi có một cái gì đó vỡ ra, khiến tôi thấy mình cứ lâng lâng trong một thứ cảm xúc thật khó tả. Có một cái gì đó vừa định hình, ngày càng rõ nét, nhưng lại rất mơ hồ không thể cắt nghĩa nổi và lại càng không thể nắm bắt được. Và tôi bỗng thấy mình run run, sau một tiết học sử thầy Minh tìm gặp tôi và hỏi tôi:
- Chiều này em có bận không?
- Để làm gì ạ? - Tôi vẫn quen kiểu trả lời bằng cách hỏi lại, nhưng mắt tôi thì không dám ngước lên nhìn thầy.
- Thầy chỉ muốn nhờ em giúp một chút việc thôi.
- Giúp gì ạ? à mà được thôi, em sẵn sàng ngay. - Tôi chợt thấy hào hứng lên nhưng rồi vẫn không quên hỏi thầy. Nhưng giúp việc gì cơ ạ?
- Thì em cứ đến rồi sẽ biết thôi. - Thầy nói giọng vẫn bình thường, nhưng khi chợt ngước lên, tôi bắt gặp cái nhìn của thầy ấm áp vô cùng, khiến tôi không biết nói sao, cứ đứng trân trân một chỗ.
Buổi chiều đó tôi đến nhà thầy. Không hiểu sao tôi lại đi một mình mà không rủ cái Nguyệt - Bạn rất thân của tôi - cùng đi. Đây là lần đầu tiên tôi biết nhà thầy Minh. Thầy ở trên một căn gác xép của tầng hai không rộng, và dù không có bàn tay phụ nữ căn phòng vẫn rất gọn gàng. Thầy Minh rót nước cho tôi và vào chuyện ngay.
- Thầy muốn em ngồi làm mẫu giúp trong khoảng một giờ để thầy vẽ. Hà có đồng ý không?
- Vẽ em á? Eo ôi! Không được đâu. Em... em... xấu hổ lắm.
- Không sao đâu. Không có gì xấu hổ đâu. - Thầy Minh vội vàng khuyến khích tôi và giải thích thêm. - Thầy chỉ muốn vẽ chân dung một cô gái thôi. Thầy thấy em rất hợp với mẫu của thầy.
- Thôi... cũng được ạ. Nhưng em đề nghị thầy... vẽ nhanh lên nhé. - Không hiểu có một ma lực nào khiến tôi mạnh dạn hẳn lên và nhận lời.
Thầy Minh cũng không nói nhiều. Tôi để ý trên gác xép của thầy Minh có một ban công rất rộng. ở đó có một giàn hoa giấy khá đẹp. Tôi thấy trước khi tôi đến, ở đó đã đặt một chiếc ghế với một giá vẽ. Khi tôi ngồi vào ghế, thầy Minh bắt tay vào vẽ ngay. Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi làm mẫu cho người khác vẽ và cho đến nay, đó cũng là lần duy nhất thầy Minh vẽ tôi.
Vài tuần sau đó, một buổi học, thầy Minh lại gặp tôi.
- Sáng mai chủ nhật, Hà có chương trình gì không? - Thầy nhẹ nhàng hỏi tôi.
- Không ạ. Nhưng có việc gì thế ạ? - Tôi lại trả lời bằng hỏi lại.
- à, thầy muốn mời em đến xem tranh thầy vẽ em, và có một chút việc nữa.
- Thế ạ? Hay quá! Thầy đã vẽ xong rồi ạ? - Tôi như có một niềm vui quá lớn và không kìm được, với một kiểu cách rất trẻ con, tôi vỗ tay và reo lên hồn nhiên. Có lẽ mắt tôi lúc đó phải sáng lắm.
Tôi vô cùng sung sướng và không che giấu được niềm hãnh diện của mình khi nhìn thấy bức tranh ấy. Trong tranh là một cô gái tóc dài xõa vai với chiếc áo dài mầu thiên thanh, cô gái có cặp mắt hơi buồn. Nhưng cô ta đẹp lắm. Tôi cứ lẩm nhẩm một mình: Tôi đấy ư? Tôi mà lại đẹp thế này ư? Tôi không nói được gì mà cứ trân trân nhìn ngắm bức tranh. Đầu tôi mung lung bao ý nghĩ trong một niềm hạnh phúc đầy giới tính. Tự nhiên, không hiểu sao tôi bỗng thấy nước mắt mình ứa ra. Thầy Minh lấy khăn tay cho tôi. Tôi chợt bắt gặp trong mắt thầy một cái nhìn rất lạ. Một cái nhìn khiến tôi bỗng thấy mình trở nên bé nhỏ vô cùng. Một cái nhìn mà chỉ mãi mãi sau này tôi mới cắt nghĩa được. Khi đã dứt ra khỏi cảm xúc do bức tranh đem lại, tôi bỗng hỏi thầy Minh:
- Thầy vẽ làm gì vậy? Hay là thầy tặng em nhé?
- Không. Tôi vẽ bức này cho riêng mình tôi thôi. Ngay lúc đó có tiếng gõ cửa, thầy bảo tôi: - Bây giờ Hà cứ ngồi xem sách. Tôi có khách, cứ để mặc cho chúng tôi nói chuyện nhé.
Một người đàn ông bước vào. Đó là một người đàn ông cao, gầy và khó đoán tuổi. Chỉ có khuôn mặt là lộ vẻ từng trải. Tôi ngồi ở ngoài ban công, tay cầm cuốn sách nhưng vẫn nghe được câu chuyện của thầy Minh với ông khách.
- Ông đã suy nghĩ lại chưa? - Khách hỏi.
- Tôi đã trả lời ông rồi. Đây là bộ ấm chén cổ rất quý và hiếm, có từ đời Khang Hy. Tôi biết rõ như vậy. Trước khi trả lời ông tôi cần hỏi chủ của bộ ấm chén này đã. Rồi thầy gọi tôi vào. Tôi chào ông khách và ngồi xuống ghế cạnh thầy.
- Hà ạ! Ông khách này muốn mua bộ ấm chén cổ mà thầy giữ cho em ấy. Em nghĩ sao?
- Em... em... có biết gì đâu ạ? - Dù đã hiểu một phần tôi vẫn ớ người vì ngạc nhiên.
- Chắc là em không muốn bán chúng phải không? Ông này định mua với giá 4 chỉ vàng. Em thấy có nên bán không?
Tôi chợt nhìn thầy Minh và qua ánh mắt thầy, tôi biết là thầy muốn tôi từ chối.
- Thưa thầy, không được đâu, để em hỏi bố em đã. Tôi trả lời có vẻ lọc lõi và dứt khoát.
- Thì cô đòi bao nhiêu? Giá cả đối với tôi không quan trọng, chủ yếu là tôi không muốn về tay không. Tôi đến lần thứ ba rồi đấy. Thôi tôi trả thêm nhé? Ông khách cố gắng.
- Không được ạ. Xin ông ít ngày nữa hãy trở lại ạ - nhìn vào mắt thầy Minh, tôi liền trả lời ông ta một cách rành rọt.
- Thôi được, mấy hôm nữa tôi sẽ trở lại. - Sau một hồi cố thuyết phục với những lời ngọt ngào như mía lùi không được và thấy tôi cứ khăng khăng, ông khách đành hoãn binh. - Tôi hôm nay lại không gặp may rồi. Nhưng cô không thể bán được giá hơn thế đâu. Cô cứ hỏi giá cho kỹ đi và hãy nhớ gọi tôi nhé. Thôi chào ông, chào cô.
Khi tiễn ông khách xong, thầy Minh liền ngồi đối diện với tôi và nói:
- Chắc Hà biết tôi bảo Hà đến vì việc gì rồi phải không. Tôi muốn Hà có mặt hôm nay để biết giá trị của bộ ấm chén cổ này về mặt vật chất. Nhưng tôi chỉ muốn Hà được chứng kiến mà thôi, còn theo tôi thì chưa nên bán chúng bởi vì bây giờ tôi biết Hà chưa cần thiết bán lắm. Hà có đồng ý như vậy không?
- Dạ, thưa thầy, em có phải nói lại với bố em không ạ?
- Có lẽ cũng không cần đâu. Tôi đã hứa với bác là giữ cho Hà rồi cơ mà.
- Dạ, thế thì em xin tùy thầy ạ.
Khi chào thầy Minh ra về, tôi chỉ nhận thấy trong mắt thầy một cái nhìn trìu mến, ấm áp, quen thuộc, chứ không có gì khác hơn cái nhìn lúc tôi khóc, hoặc như tôi tưởng trước khi đến. Tôi chợt thấy hoang mang và trong suy nghĩ, tình cảm của một đứa con gái như tôi, tôi cảm thấy một điều gì đó như là sự tự ái, hay như một sự tổn thương của cõi lòng. Tôi bỗng thấy thầy Minh có điều gì đấy thật khó hiểu. Tôi thấy thầy vừa gần gũi lại vừa xa vời quá chừng. Cả buổi tối đó, tôi cứ buồn vơ vẩn, tôi cứ cảm thấy như bất lực, không thể với tới một điều gì đó mà mình mong ước, lại có cảm giác mình đã tuột một điều gì. Tôi nằm lịm đi trong một nỗi buồn chan chứa. Một nỗi buồn không thể dứt ra được...
Hơn 5 năm sau.
Tôi học đại học năm cuối cùng và chuẩn bị ra trường. Tôi đã yêu một người bạn cùng lớp. Mối tình đầu thật nồng cháy nhưng lại chóng tan vỡ, khi tôi nhận ra lòng ích kỷ, sự nhỏ nhen, việc chỉ biết yêu mỗi bản thân mình của người mà tôi yêu. Rồi đến khi gần tốt nghiệp, một tình yêu lại đến với tôi: Người tôi yêu là Hải - một kỹ sư mới ra trường có tài và đẹp trai.
Đối với tôi, anh thật là một chàng trai lý tưởng. Tôi không khỏi hãnh diện thầm mỗi khi đi bên anh ấy. Anh cũng rất hãnh diện vì tôi. Bạn bè ghen tị với chúng tôi. Chỉ có điều là Hải rất nghèo. Bố mất sớm, anh ấy ở với bà mẹ già ở một xóm ngoại ô. Nhưng tôi không lấy đó làm điều lo lắng. Tôi chỉ cần có Hải vì tôi yêu anh ấy. Chúng tôi dự định làm lễ cưới khi tôi đã tốt nghiệp ra trường.
Chị Liên và chị Bích tôi đều đã lấy chồng và ra ở riêng. ở nhà tôi chỉ còn bố mẹ già. Nghề đóng giày gia truyền của gia đình tôi đang vào hồi lụn bại, vì bây giờ hầu như rất ít khách. Họ thường thích những đôi giày ngoại mà tôi biết bố tôi dù rất nhiều năm trong nghề cũng không đóng được như thế. Đời sống sinh hoạt của gia đình tôi trở nên eo hẹp đi rất nhiều. Dịp này, chú Dương bỏ nghề nên thầy Minh cũng ít khi đến chơi. Còn tôi, từ khi học đại học, hầu như tôi không gặp lại thầy.
Nhưng vào buổi chiều khi tôi đang cùng với Hải ngồi với bố mẹ tôi bàn về việc tổ chức cưới của chúng tôi thì thầy Mình đến. Thầy đến đột ngột khiến tôi sững sờ. Trông thầy vẫn như ngày nào, chỉ gày đi nhiều, khuôn mặt khắc khổ hơn và nước da mai mái của thầy có vẻ xấu hơn trước. Tôi không thể nào nói hết sự mừng rỡ của mình khi gặp lại thầy. Hình như mọi chuyện về tôi thầy đều biết cả, từ chuyện học hành đến chuyện tôi sắp lấy chồng. Thầy nói với tôi:
- Ngày mai Hà đưa chồng chưa cưới đến chơi nhà tôi nhé. Tôi có câu chuyện muốn kể cho Hà nghe. Mọi người cố gắng bố trí đến vào hai giờ chiều có được không?
- Chuyện gì thế ạ? - Thật là khổ cho tôi là vẫn không bỏ được thói quen trả lời bằng cách hỏi lại. Thấy thầy vẫn không phật ý và biết mình lỡ lời, tôi vội hứa ngay: - à, vâng ạ. Chúng em nhất định đến vào giờ đó.
Khi đến, tôi lại được chiêm ngưỡng bức tranh ấy. Lạ lùng là từng ấy năm, nó vẫn được treo ở chỗ cũ - chỗ góc phòng, nơi có kê chiếc bàn mà thầy Minh hay ngồi viết. Ngắm bức tranh, tôi lại có cảm giác y nguyên như lần đầu được nhìn thấy nó. Còn Hải thì tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, nhất là khi thấy những giọt nước mắt lại ứa ra, lăn trên má tôi. Dù biết tôi rất thích bức tranh nhưng thầy Minh vẫn nói:
- Tôi không thể tặng Hà được. Tôi vẽ nó chỉ cho mình tôi thôi... Bây giờ hai người chờ một lát nữa, sẽ hiểu tôi muốn kể câu chuyện gì.
Và một lúc sau, có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông và một người đàn bà bước vào, cả hai đều béo tốt, phương phi, nhất là người vợ. Trông cả hai người chỉ ngoài năm mươi. Trên người chị vợ - theo cách xưng hô, tôi đoán thế - đeo đặc những trang sức bằng vàng ta: khuyên tai, dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay... thôi thì cứ lóa cả mắt. Khi đã mời khách ngồi đối diện với chúng tôi, thầy Minh nói:
- Xin giới thiệu đây là những người chủ của bộ ấm chén kia, như tôi đã nói lần trước. Còn thưa với ông bà, tôi chỉ là người bán hộ.
- Vậy ông đã nói với cô chủ này về việc chúng tôi muốn mua và giá cả chưa. - Người chồng hỏi.
- Tôi chỉ là người ở giữa. Xin ông bà cứ trao đổi với họ một cách cụ thể. Miễn là thuận mua vừa bán là được.
- Vậy thì... - Người đàn bà béo tốt nói. - Chúng tôi đã đến đây hôm kia và đã thống nhất về giá cả với ông Minh đây. Ông Minh đã cho cô chú biết rồi chứ? - Thấy tôi và Hải ớ người ra không hiểu, bà ta nói tiếp. - Chúng tôi muốn mua nó với giá tiền quy ra vàng là 19 cây. Nếu còn những chiếc tách đựng chén thì chúng tôi sẽ trả giá khác. Đây là giá chuẩn nhất đấy!
Tôi đang vô cùng ngạc nhiên về giá trị của bộ ấm chén thì thầy Minh đã nói:
- Cô chú đây đã đồng ý rồi. Họ đã nói với tôi là nhất trí. Vậy xin ông bà trao tiền và nhận hàng.
Tôi và Hải chỉ biết ngồi im, trải hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Khi đã nhận tiền của người đàn bà béo và đưa cho tôi kiểm lại đủ xong, thầy Minh mở tủ ly lấy bộ ấm chén ra đặt trước mặt tôi và nói:
- Bây giờ thì Hà hãy giao cho họ!
Tôi liền làm theo lời thầy. Xem đi xem lại bộ ấm chén, gói ghém cẩn thận và cho chúng vào chiếc túi ba lô ngoại - loại người ta hay dùng đi picnic - xong, cặp vợ chồng béo đó liền chào chúng tôi. Chờ cho họ đi khỏi, thầy Minh liền ngồi đối diện với chúng tôi và nói chậm rãi:
- Đó là câu chuyện tôi muốn kể cho Hà và chồng chưa cưới của Hà nghe. Nhân đây, tôi xin trao số tiền này cho Hà và chúc hai người thật hạnh phúc.
Trong niềm sung sướng vượt quá sức tưởng tượng, tôi cố gắng trấn tĩnh để nói với thầy:
- Em xin cảm ơn thầy về tất cả. Nhưng thầy nghe em nói đã, nếu không em sẽ không chịu nhận một đồng nào đâu.
- Còn chuyện gì khúc mắc vậy? Hà nói đi.
- Bộ ấm chén này chính thầy phát hiện ra giá trị của nó và đã giữ nó lại, nếu không hồi đấy bố em đã bán cho đồng nát rồi. Em xin thầy hãy nhận lấy một nửa số tiền này.
- ấy, đâu có được. Tôi chỉ hứa là giữ hộ Hà thôi mà.
- Nếu thầy không nghe em, em kiên quyết không nhận một đồng nào đâu.
- Hà nói đúng đấy. Xin thầy nhận đi. - Hải cũng nói thêm vào.
- Thôi được. Tôi sẽ nghe mọi người. Nhưng tôi chỉ nhận đúng bốn chỉ vàng. Coi như lần đầu tiên tôi đã bán với giá ấy, là tôi thỏa mãn lắm rồi, là tôi lãi lắm rồi.
Chúng tôi không biết làm gì khác trước ý kiến của thầy. Nhất là biết tính thầy vốn không thay đổi những quyết định của lòng mình. Lòng đầy sung sướng khi nghĩ tới một đám cưới sẽ rất long trọng, tôi hỏi thầy:
- Em có nên kể cho bố mẹ em không ạ?
- Lần này thì rất nên. Hà phải kể hết cho bố mẹ chuyện này nhé. Nhất là không được dùng hết số tiền này cho riêng chỉ vợ chồng mình đâu đấy.
- Tuần sau chúng em tổ chức rồi. Chúng em xin mời thầy trước và gửi thiếp sau. Nhất định thầy sẽ đến nhé.
- Nhất định rồi.
- Em rất muốn thầy tha lỗi cho em. Em chỉ còn một mong ước cuối cùng: Thầy tặng em bức tranh này nhé?
- Cái đó thì không được. Thôi... ta không nói tới chuyện bức tranh nữa. Thôi xin chúc hạnh phúc. Hôm đó tôi sẽ đến.
Nhưng hôm cưới, dù tôi và Hải mỏi mắt chờ cũng không thấy thầy Minh đến. Khi hôn lễ đã xong, có một người mang đến cho tôi một phong thư và nói là từ mấy hôm trước, thầy Minh nói nhờ chuyển cho tôi. Linh tính như có điều gì không hay, tôi liền bóc ngay thư.
"Gửi em Hà,
Tôi xin lỗi vì không đến dự ngày vui của Hà được. Tôi phải chuyển công tác vào Nam, vì bệnh hen của tôi thấy bác sĩ bảo vào đó sẽ chữa khỏi nhờ khí hậu. Cũng chính vì căn bệnh này mà rất nhiều lần tôi đã phải dùng lý trí để chế ngự tình cảm của mình. Hà đừng buồn. Tôi chỉ mong cầu cho Hà và Hải luôn hạnh phúc.
Đừng giận tôi vì tôi không tặng Hà bức tranh ấy. Tôi yên tâm là đã giữ được lời hứa và đã làm cho Hà được một điều. Đó là giữ hộ Hà bộ ấm chén ấy. Nó là của hồi môn cho cô dâu - của hồi môn của công chúa ngày nào. Của hồi môn đó là do Hà tìm thấy trên gác xép đầy bụi - một điều suýt nữa bị bỏ quên nếu không được Hà phát hiện. Vì vậy, nó phải thuộc về Hà. Còn tôi, tôi vô cùng hạnh phúc mỗi khi nhớ tới những giọt nước mắt của Hà, lần đầu tiên Hà nhìn thấy bức tranh tôi vẽ...
Thầy Minh".
Tôi đưa cho Hải xem. Tôi lặng lẽ ngồi xuống ghế. Tôi cứ để yên cho nước mắt ứa ra. Tôi bỗng ân hận vô cùng. Thầy Minh ơi, em vô tâm quá có phải không...
Thầy Minh, bây giờ thầy ở đâu?