hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-839.htm

Nguyễn Đông Thức

Truyện rất khó viết

Thiếu úy Quyết nói với Đức:

- Đại đội tôi có khá nhiều điển hình. Nhưng trường hợp như anh muốn tìm thì chỉ có cậu Sơn ở trung đội 2. Quê quận Bình Thạnh, trung sĩ, tiểu đội trưởng, chiến sĩ quyết thắng năm rồi của đơn vị. Anh đến cũng kịp lúc chứ cậu ấy đang chờ về đi học đại học đấy. Nhưng báo trước với anh, Sơn hơi ít nói, nhất là về những thành tích. Không dễ khai thác đâu nhé.

Đức chỉ mỉm cười. Đó không phải là điều anh lo, vì mục đích anh đi kỳ này chỉ để tìm hiểu tâm tư tình cảm một vài chiến sĩ trẻ từ thành phố ra đi, vấp váp và trưởng thành như thế nào để có thể lập công xuất sắc ở biên giới cũng như trên đất bạn. Viết về những thành tích là việc dễ. Cái khó với Đức lần này là làm sao anh đi sâu vào được bên trong một người lính, nắm bắt được những gì không thể tìm thấy trong những bản báo công được đọc trước các đại hội.

Vì vậy, Đức đã dành khoảng thời gian còn lại trong ngày đầu để gặp riêng Nhâm, trung đội trưởng trung đội 2, nói chuyện về Sơn. Sau đó anh còn cẩn thận mượn Quyết bản báo cáo thành tích năm trước của Sơn để tranh thủ đọc cho đến khuya. Như nhiều thanh niên thành phố, Sơn có trình độ văn hóa tương đối khá, đã học hết lớp 12 và đang chờ kết quả thi vào đại học thì đi bộ đội. Sơn còn có nhiều tài lẻ, trong đó phải kể đến tiếng đàn của anh. Đó là một người rất trầm lặng, nhất là thời gian sau này, mà như một quy ước ngầm, Nhâm cũng lướt qua không nói nguyên nhân tại sao, Sơn ít nói nhưng hoàn toàn không tiêu cực. Mọi nhiệm vụ được giao, Sơn đều hoàn thành xuất sắc. Nhất là trong chiến đấu.

Đức dành cả buổi sáng hôm sau kín đáo quan sát Sơn để tìm dịp tiếp cận. Đại đội đang dưỡng quân bên một bờ suối. Bộ đội chơi bóng chuyền, tập võ, đánh "tiến lên", tắm giặt, nhặt rau, bắt cá... Sơn đứng xem các bạn chơi bóng một lúc rồi đi lau súng bằng những động tác hết sức thuần thục và tỉ mỉ. Xong anh lặng lẽ xách thùng đi xa hơn về nguồn suối gánh về cho anh nuôi liền ba lượt nước. Suốt buổi sáng, Đức không thấy Sơn nói một câu nào với ai. Và cả ngày hôm đó anh vẫn chưa tìm được một dịp thuận tiện để có thể bắt chuyện tự nhiên với Sơn. Kinh nghiệm công tác cho Đức biết trong trường hợp này, tuyệt đối anh không nên đến chính thức phỏng vấn Sơn với giấy bút trên tay.

Đức vẫn còn một niềm hy vọng. Anh là một cây ghi ta có hạng và đã có thời một phần nhờ tiếng đàn mà có một mối tình đến giờ vẫn chưa phai. Đức hiểu những người cùng sở thích dễ tìm lại với nhau. Anh kiên nhẫn chờ thời cơ ấy đến với mình.

Quả vậy, buổi tối, sau giờ hội ý các cấp một chút, Đức bắt đầu nghe được tiếng đàn đâu đó ngoài bờ suối theo gió thấp thoáng đưa về, Đức cố kìm giữ đôi chân để vẫn bước bình thường như một người đi dạo mát. Anh đốt một điếu thuốc, im lặng đến ngồi bên Sơn, cảm thấy hương vị của khói thuốc dường như tăng lên trong âm thanh tình khúc Romance quen thuộc. Chỉ vài giây sau, Đức đã ngạc nhiên nhận thấy trong tiếng đàn của Sơn cái sôi nổi thiết tha lại hơn hẳn cái trầm lặng dịu dàng, có điều hơi trái ngược với bề ngoài của người thanh niên này.

Sơn khẽ gật đầu chào Đức, rồi tiếp tục vừa đàn vừa mơ màng nhìn về bên kia suối. Một bản độc tấu khác bắt đầu. Đức bật tiếng kêu nhỏ của người vừa tình cờ gặp lại một kỷ niệm đẹp.

- Natalia!

Sơn dừng ngay lại, nhìn Đức lộ vẻ ngạc nhiên, rồi kín đáo liếc nhanh xuống bàn tay phải của Đức. Anh lẳng lặng đàn tiếp dù tiếng đàn đã ngượng ngùng hơn, cái ngượng ngùng của người mang cảm tưởng mình đang biểu diễn trước một tay sành điệu.

Cuối cùng Sơn ngừng tay, trao đàn, mời Đức, thản nhiên như đã quen biết từ lâu:

- Anh đàn giúp tôi lại bản vừa rồi. Tôi tự tập từ một bản rô nê ô sợ không được đúng.

Đức thận trọng đỡ lấy cây đàn. Anh quyết định sẽ không ngần ngại trổ tài trước Sơn. Tiếng đàn anh vang lên hết sức dìu dặt, thanh thản. Các đầu ngón tay của anh nhẹ nhàng vuốt những sợi dây đàn, mỏng manh và từ đó những nốt nhạc miên man tuôn ra, tỏa khắp không gian, hòa trong tiếng gió và tiếng suối, rồi lắng sâu trong hơi thở của mỗi người. Sơn cúi mặt mân mê một viên sỏi dưới chân. Rồi đột nhiên anh cất tiếng hát:

"Em giấc mơ trong tối, tiếng mưa - lá bay - gió êm như lời ru, dỗ anh ngủ trong đêm thương nhớ em vô vàn..."

Bản nhạc hết nhưng những nốt cuối vẫn còn ngân mãi trong đêm. Cả hai cùng im lặng lắng nghe cho đến lúc tiếng đàn đã tan hẳn, Đức đặt cây ghi ta xuống hỏi:

- Sơn tự viết lời cho bài ấy à?

Sơn im lặng gật đầu. Đức hỏi tiếp về "em" trong bài hát. Sơn ngẫm nghĩ một chút rồi nhìn Đức có vẻ do dự. Cuối cùng anh thở dài:

- Chuyện cũ rồi anh.

Câu chuyện bắt đầu từ đó. Mối tình thuở học trò của Sơn rất đẹp. Anh lên đường có nước mắt của người yêu tiễn chân. Trước đó, trong đêm chia tay, cô gái đã hát cho anh nghe nào là "Ước gì gởi đời em theo bàn chân anh bước", nào là "Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau" và gì gì nữa... Họ hẹn sẽ chờ nhau, dẫu núi có mòn và sông có cạn.

- Đơn vị ít nhiều đều biết chuyện chúng tôi, qua những lúc tôi thường lấy hình cô ấy ra coi hồi mới sang đây, và qua những lá thư chúng tôi gửi cho nhau rất đều trong thời gian đầu. Nhưng rồi đơn vị tôi vào chiến dịch, cơ động liên miên. Tôi ít viết thư và ít nhận được thư hơn trước. Nhưng tôi vẫn tin cô ấy và vẫn an tâm chiến đấu, dù không sao khỏi buồn. Anh em an ủi và giúp đỡ tôi nhiều lắm. Ai cũng xa nhà, xa cha mẹ, vợ con, người yêu... thì làm sao không thương nhau và chia sẻ cho nhau từng chút một? Mình không thể không ra gì khi có những đồng đội như vậy. Nhứt là anh Năm - tình - nghĩa...

Năm tình nghĩa cùng tổ với Sơn, lúc Sơn còn chưa nắm tiểu đội. Anh tên Lê Văn Năm, chỉ vì hễ cứ mở miệng là nói "ở đời tình nghĩa là quý" mà thành ra chết tên. Năm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, một thân lăn lóc với đời qua đủ mọi nghề. Sau giải phóng một thời gian anh được đưa vào Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới vì địa phương thấy anh sống quá vất vưởng và ghiền ma túy nặng. Năm được chữa trị lành bệnh, rồi qua lao động và học tập đã tỏ ra chuyển biến rất nhanh. Anh được ra trường, qua làm đội viên thanh niên xung phong, hơn một năm thì đăng ký qua bộ đội khi có chiến tranh ở biên giới Tây Nam.

Cuộc sống dày dạn đã cho Năm tự rút lấy triết lý sống riêng. "ở đời tình nghĩa là quý". Anh kể Sơn biết sở dĩ anh thay đổi nhanh dưới mái trường Xuyên Mộc vì chính nơi này đã cứu sống anh và giúp anh hiểu được thế nào là cách mạng. Năm yêu chế độ mới vì thấy đây là một chế độ được đặt trên tình nghĩa, theo cách tiếp thu của anh. Mà theo anh, "ở đời tình nghĩa là quý".

Năm - tình - nghĩa bộ tướng cao lớn dềnh dàng, mặt mày bậm trợn. Khi xung phong, trông anh lại càng dữ tướng. Anh chạy nhanh như một cơn lốc, mắt quắc lên, cằm bạnh ra và bắn vừa nhanh vừa chính xác. Năm xử lý tình huống nhanh, liều lĩnh có tính toán, nói chung là "mần ăn được" theo cách nói của anh Thảnh, đại đội trưởng đại đội trinh sát này. Nhưng đối với anh em, anh lại hiền khô. Năm sống chan hòa, cởi mở, tốt bụng, nên mọi người trong đơn vị đều quý mến. Đặc biệt anh rất thương Sơn.

Những người ít học dường như thường sẵn ít nhiều quý trọng những ai văn hay chữ tốt. Năm vốn mù chữ, chỉ mới biết đọc biết viết dưới mái trường Xuyên Mộc. Năm thương Sơn vì Sơn ít nói nhưng "chơi được", "học giỏi mà không lối" và đáng phục là đi bộ đội rồi, hay tin mình trúng tuyển vào đại học mà vẫn bình thản như không. Năm cũng biết nhà Sơn nghèo, anh là con cả, gia đình chỉ còn một mẹ và mấy đứa em. Sơn lại có người yêu đẹp "hết sẩy" đang chờ anh ở nhà. Nói chung Sơn nhỏ tuổi hơn Năm, ít kinh nghiệm sống hơn, nhưng theo Năm thì "ngon lành" hơn. Năm nói Năm tứ cố vô thân, chẳng còn gì ràng buộc trên đời, nếu có nhiều chuyện chi phối như Sơn thì không chừng anh đã "vù" từ lâu rồi.

Điều Năm không ngờ nhất là anh được vào Đoàn. Buổi lễ kết nạp được tổ chức ở chiến trường, ngay sau một trận đánh đêm, rất đơn giản, nhưng có phần trang nghiêm và xúc động hơn những lần Sơn đã dự ở trường ngày trước. Bởi vì ở đây những thử thách không chỉ được trả bằng nhiệt tình mà còn bằng máu, và bởi niềm xúc động quá lớn của Năm. Mặt trời chưa lên và họ không dám đốt đèn. Nhưng ánh sáng của những phút báo hiệu bình minh vẫn đủ cho Sơn thấy được đôi mắt của Năm rớm lệ khi anh được gắn huy hiệu Đoàn lên ngực trái. Sau đó, Năm có hỏi riêng Sơn:

- Tao đã kể cho mày nghe chuyện hồi đó tao từng đi "chôm chỉa", lại nghiền xì ke phải đi cải tạo. Sao mày còn dám giới thiệu tao vào Đoàn?

Sơn chỉ cười, háy mắt, bắt chước Năm:

- ở đời...

Năm rất quý chuyện tình của Sơn. Bởi lẽ anh chưa từng có được một người yêu, hay nói theo kiểu bộ đội, chưa từng có được một mảnh tình rách vắt vai. Con gái "nhà lành", đối với Năm, là một cái gì không thể với tới.

Năm chỉ biết những tạm bợ, mua vui, trả thù đời. Chỉ với Sơn, Năm mới biết tình yêu có những mặn nồng, dịu ngọt đầy thú vị như thế nào. Năm rất thích nghe Sơn kể về người yêu, về những kỷ niệm của hai người, và cả đơn vị thực ra cũng chỉ có mình anh là người được Sơn chọn để nhắc nhớ hạnh phúc của mình. Thỉnh thoảng Sơn có đọc vài đoạn thư của người yêu cho Năm nghe. Anh cứ chắc lưỡi, hít hà, vỗ đùi bép bép rất hào hứng. Riết rồi chính Năm cũng mong đợi những lá thư của cô ấy như Sơn, và âm thầm chia sẻ nỗi buồn với Sơn mỗi khi đơn vị có đợt nhận thư mà Sơn không có. Càng về sau, nhiều đoạn thư cũ càng được đọc lại nhiều lần. Những tờ giấy cũ đi, mầu mực phai và những nếp gấp phải nương nhẹ tay khi xếp mở. Nhưng mối tình vẫn đẹp, ít nhất là đối với Sơn và Năm.

Họ cùng một tổ chiến đấu và chẳng bao lâu sau, Sơn nhận thấy Năm luôn giành lấy những phần việc nguy hiểm. Trước một mục tiêu, bao giờ Năm cũng giành lên trước dù Sơn là tổ trưởng. Nếu có rút lui, bao giờ anh cũng tìm cách thu hút hỏa lực của địch về mình. Sơn có ý kiến thì Năm chỉ cười:

- Mày chết uổng. Mai mốt còn về đi học. Rồi "ẻm" nữa, bỏ cho ai?

Đức ngồi nghe Sơn kể, vừa lạ lùng, vừa thú vị. Những tưởng Sơn kể chuyện mình, không ngờ câu chuyện lại chuyển qua anh chàng Năm-tình- nghĩa nào đó đầy hấp dẫn. Nhưng ngay từ đầu, không hiểu sao Đức đã linh cảm là câu chuyện sẽ có một kết thúc đau lòng và anh càng hồi hộp hơn khi mường tượng thấy đang vào đoạn gút. Cuối cùng, không dằn được, Đức hỏi:

- Anh Năm giờ ở đâu?

- Anh ấy hy sinh rồi.

Sơn ngừng lại như để hồi tưởng rồi kể tiếp:

- Lúc đó là cuối năm 78, cao điểm của chiến dịch. Trận đánh hôm ấy rất ác liệt. Địch đang phản kích hòng chiếm lại một chốt chiến lược. Quả lựu đạn thằng địch ném sang rớt ngay vào công sự chúng tôi, rơi xuống giữa tôi và anh Năm. Lần đầu tiên tôi thấy cái chết đến ngay trước mặt. Tôi nhìn quả lựu đạn, người cứng đơ, không biết làm gì và cũng chẳng suy nghĩ được gì. Chúng tôi tái mặt nhìn nhau và bất chợt tôi thấy mắt anh Năm lóe sáng. Tôi chỉ hiểu cái ánh sáng ấy khi thấy anh Năm đã chồm tới nằm đè lên quả lựu đạn. Tiếng nổ hất anh Năm bật lên trước đôi mắt kinh hoàng của tôi. Ngực và bụng anh vỡ nát, nhầy nhụa máu lẫn đất bụi. Tôi xô đến ôm lấy anh. Anh đã chết rồi, ngay tức khắc, nhưng đôi mắt vẫn mở lớn nhìn tôi trân trối. Một cái nhìn suốt đời tôi sẽ không quên.

Sơn ngừng kể, quay mặt ra dòng suối. Đức cảm thấy cổ mình tắc nghẹn, không nói được một lời. Bóng tối chung quanh dường như nặng nề hơn, với tiếng thở mệt nhọc của hai người và tiếng suối âm thầm chảy.

Mãi một lúc sau, Sơn nói tiếp, giọng lạc hẳn:

- Thay vì cả hai cùng chết thì anh Năm đã hy sinh cho tôi được sống, cũng chỉ vì muốn sau này tôi tiếp tục học và trở về với cô ấy. Tôi đã thầm hứa với anh Năm, dù có lúc tôi đã quên đi, là tôi sẽ sống sao cho xứng đáng với anh và sau này có về được, tôi sẽ cố gắng học hành như ý của anh. Nhưng còn cô ấy thì... Anh biết không, sau trận đó, tôi cũng phải nằm viện mất một tháng, rồi được trên cho về thăm nhà ít ngày. Tôi có mua cho cô ấy ít mét vải hoa trong tiền dành dụm của mình. Đến đầu ngõ nhà cô, chân tôi run đến mức đi không muốn nổi khi nhìn thấy dàn hoa giấy quen thuộc ngày nào. Vậy mà... cô ấy dường như có nhà. Mẹ cô ấy nói với tôi: "Nếu cậu thương em thì đừng đến đây cũng đừng thư từ gì nữa. Em nó sắp lập gia đình rồi"...

Sơn nuốt nước miếng một cách khó khăn rồi tiếp:

- Tôi đem xấp vải ra ngã ba đường, không biết đi đâu mà cũng không biết làm gì. Để lại chắc người ta không nhận, mà mang về thì sợ má tôi biết, bà buồn tội nghiệp. Tình cờ có một em bé bưng một cái rổ đi bán gì đó ngang qua. Em có rao mà tôi chẳng nghe được gì, chỉ thấy áo em rách nát cả. Bỗng dưng không hiểu sao tôi thấy thương nhớ anh Năm quá. Tôi kêu em lại cho xấp vải rồi bỏ đi trước đôi mắt ngơ ngác nhìn theo. Hôm sau, tôi trở lên đơn vị và ở tới giờ.

Sơn ngừng nói, đưa tay vuốt mặt, trong khi Đức cảm thấy hình như hòn đá cứng vừa rồi anh đã vô tình nhặt lên đang vỡ nát trong tay. Đức xòe bàn tay và khi thấy những hạt bụi rơi xuống chân anh, anh mới hay đó chỉ là một viên đất lớn. Sơn nghiêng người về phía trước, và giọng anh trầm xuống, nhỏ như đang chỉ thì thầm với mình.

Khi bao lâu mình đã quen sống với hình bóng một người và dành tất cả những suy nghĩ cùng hy vọng của mình cho người ấy, rồi bỗng dưng mình biết là... Thật kỳ lạ. Như thể mình không còn là gì nữa, không còn có gì nữa. Tất cả mọi điều xung quanh tự dưng mất hết ý nghĩa và cuộc đời dường như không còn gì vui. Cứ như thế tôi sống như một người ngớ ngẩn suốt một thời gian. Suốt một thời gian, trong khi trước kia anh Năm chỉ có một giây để quyết định chịu chết một mình, anh nghĩ tôi có tệ không? Thật tình thì làm sao tôi có thể quên được, nhưng cứ nghĩ tới anh Năm, tôi lại thấy xót xa thêm. Anh chết cho tôi sống, một phần cũng vì cái mối tình trẻ con ấy, mà lối kể lể hào hứng của tôi đã làm anh đinh ninh đó là một hạnh phúc có thực và tôi sẽ tiếp tục hưởng khi trở về. Anh Năm chỉ thực sự được sống từ ngày được đổi đời dưới một mái trường cách mạng. Anh rất tốt và xứng đáng được hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp mà xưa kia không hề dám nghĩ tới. Tại sao trong giây phút đó tôi không biết chết cho anh? Có phải tại cô ấy không? Có phải tại tôi còn ích kỷ trước phút nguy nan chỉ biết có mình không?

Một hôm, trong trận đánh hiệp đồng cấp tiểu đoàn, mũi tấn công của đại đội tôi bỗng khựng lại vì một chốt hỏa lực của địch được tổ chức khá kiên cố, có cả đại liên và M.79, trong khi địa hình lại rất trống trải. Liên tiếp nhìn thấy mấy đồng đội bị đốn ngã, trái tim tôi bỗng sôi lên một nỗi căm thù không sao kìm hãm được. Như bị thúc đẩy bởi một sức mạnh vô hình, đột nhiên tôi bật dậy, chồm qua vật cản; la hét những câu vô nghĩa và vừa bắn vừa lao về phía trước. Nhưng chỉ mới được hai bước thì đã có người từ sau bay tới ôm chầm lấy chân tôi, giựt tôi ngã sấp và nhanh nhẹn lôi tôi về vị trí cũ, trong khi đạn địch bắn như mưa mà không hiểu sao không trúng. Tôi giựt mình khi nhìn ra đó là anh Thảnh. Anh thẳng tay tát tôi một cái và hét bằng giọng khản đặc:

- Mầy làm gì vậy? Điên à? Ai dậy mày cái lối đánh đấm đó?

Tôi khóc mùi mẫn giữa trận địa, không phải vì đau mà vì cái tát làm tôi tỉnh ra, xấu hổ với đồng đội và chính mình. Suốt ngày hôm đó tôi không ăn mà cũng không dám nhìn mặt ai. Buổi tối, anh Thảnh đi tìm tôi:

- Sơn, tao xin lỗi mày. Sáng nay tao đánh mày bậy quá. Mày cũng biết tao nóng lắm và ì ạch hoài cũng vì vậy. Bộ đội cấm ngặt cán bộ đánh chiến sĩ, nhưng tao đánh mày như thằng anh đánh thằng em. Tao chẳng hiểu sao mày điên khùng như vậy. Từ hồi mày ở Sài Gòn lên, tụi tao đã thấy khác rồi, nhưng mày im   re, có ai biết được? Sao, có gì thì bây giờ nói đi. Đừng có giở trò nữa. Mày quên mất bà già rồi hả? Rồi con nhỏ gì người yêu của mày nữa...

Chợt anh Thảnh đưa cả hai tay chụp lấy vai tôi lắc mạnh:

- Mày nói thiệt với tao đi, nó bỏ mày rồi phải không?

Làm sao tôi còn có thể giấu anh được nữa. Nghe hết câu chuyện, anh nhìn tôi bằng cái nhìn buồn bực, trách móc xen lẫn cảm thông:

- Vậy mà mới đầu tao tưởng tại mày nóng trả thù cho thằng Năm. Thì ra tụi bay đứa nào cũng như đứa nấy. Mày coi thường mạng sống chỉ vì thứ con gái thúi đó sao? Tao không nói tới Tổ quốc, tới đơn vị. Chỉ riêng trách nhiệm đối với bà già, mày bỏ đâu? Thằng Năm chết cho mày sống, mày cũng không cần nhớ. Tao chưa thấy thằng nào tệ như mày. Nó chết cho mày vì mày là thằng bạn chiến đấu của nó. Mày cần sống vì nhiều cái khác chứ có phải vì một đứa con gái thôi sao? Giờ này tao hết nóng rồi, nhưng nếu đúng mày là em tao thì chắc tao còn đập một trận nữa.

Tôi ngồi lặng người nghe anh Thảnh nói, mồ hôi ra ướt cả áo. Không, tôi không coi thường mạng sống chỉ vì cô ấy đâu. Nhưng chỉ cái việc liều lĩnh một cách vô nghĩa như vậy đã đủ để tôi có tội với tất cả người thân, còn sống và đã chết. Lần đầu tiên tôi xưng em với anh Thảnh:

- Anh cứ đánh em đi. Em đúng là thằng tệ nhất đời.

Anh thở dài:

- Mày biết vậy là được rồi. Tao không muốn nói nhiều. Mỗi lần hao mất đứa nào, mày cũng thấy tao bỏ ăn liền mấy bữa mà.

Đã đứng lên toan bước đi, anh còn quay lại dặn:

- Đừng có nghe thằng Năm-tình-nghĩa. Tao cũng đã đóng góp với nó rồi. ở đời tình nghĩa là quý. Chuyện đó ai không biết? Nhưng đâu phải với ai mình cũng trọn tình trọn nghĩa được mậy?

Đêm sau anh Quyết, đại đội phó chính trị lại rủ tôi ra nói chuyện. Tôi biết anh muốn động viên tôi, không ngờ anh lại bắt đầu bằng một câu hỏi:

- Cậu biết chuyện anh Thảnh đã có vợ con chưa?

Tôi ngạc nhiên nhìn anh, vì từ ngày về đơn vị đến nay, tôi vẫn biết anh Thảnh còn độc thân dù đã ba mươi tuổi. Anh Quyết bắt đầu kể:

- Đúng ra anh ấy sắp có con thôi. Chị ấy đang mang thai ba tháng thì bị bọn bình định bắt. Nếu chị chịu khai chỗ hầm bí mật của anh ấy thì chúng sẽ thả, còn không thì... Thằng quận trưởng nói trứng lộn úp mề còn ngon hơn trứng lạt, và bọn chúng thay nhau làm nhục chị cho đến chết. Đang mang thai ba tháng. Cậu hiểu chứ?

Không để tôi hết kinh hoàng, anh Quyết lại kể tiếp chuyện anh Tuấn, B trưởng của tôi lúc ấy, tại sao từ 76 đến giờ không đi phép. Lần đi phép năm ấy, tính từ ngày đầu anh bước về nhà cho đến lúc anh trở lên đơn vị rồi nhận được thư của mẹ báo vợ đã sinh con trai đầu lòng chỉ có sáu tháng rưỡi. Không ai có thể trách gì sự kém tinh tường của đôi mắt người lính chất phác trước một chuyện như vậy. Trong thư, mẹ anh gọi anh về để giải quyết đứa con đẻ non sáu tháng rưỡi mà vẫn nặng gần ba ký và rất khỏe mạnh đó. Anh không về mà viết thư cho vợ bảo chị hãy tự giải quyết lấy. Cuối cùng chị ấy đã ra riêng, ở với người đàn ông thực sự là cha đứa nhỏ.

Anh Quyết nói:

- Tớ đã ở với Tuấn từ lâu. Cậu ấy thương vợ và trông mong một đứa con trai đầu lòng như thế nào, tớ biết lắm chứ. Nhưng cậu ấy có điên khùng như cậu đâu?

Và anh kết luận:

- Đó là hai trong nhiều chuyện tương tự mà tớ được biết trong đời quân ngũ ít ỏi của tớ. Không phải tớ muốn nói nỗi buồn của cậu còn chưa đáng kể, vì có ai lại đi so sánh những nỗi đau? Cũng không phải tớ kể để khuyên cậu gì cả. Không khuyên cậu nên tìm cách lãng quên. Cũng không mừng cho cậu đã sớm thoát khỏi một người không ra gì. Theo tớ, đó là một lối an ủi tệ hại nhất. Tớ kể chỉ vì muốn cậu biết rõ hơn điều này: Đời lính mình là vậy đấy. Không phải người lính nào cũng gặp những chuyện không may, đau lòng như thế. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng chấp nhận tất cả. Cái chết, cuộc sống gian khổ, nỗi xa gia đình, xa quê hương, và bao nhiêu hy sinh mất mát khác. Muốn vậy, phải hiểu rất rõ tại sao mình cầm súng. Mình đi chiến đấu là cho những ai và vì những gì? Thậm chí phải truy tới cùng nguyên nhân gây nên tất cả những cảnh khổ đau của chúng ta. Nếu cậu nghĩ tớ tranh thủ giảng chính trị cho cậu thì cũng được thôi. Nhưng đã ở bộ đội thì sớm muộn mình cũng sẽ hiểu tất cả những điều đó. Phải hiểu và đương nhiên hiểu. Khi đã từng cõng trên vai xác chết của đồng đội. Khi đã đi qua những phần đất điêu tàn của quê hương vừa đổ máu giành lại được. Khi đã tận mắt nhìn thấy những cái xác thương tâm của những người già, cô gái và em bé dân mình bị địch tàn sát. Khi đã bắt gặp nụ cười của những người dân Căm-pu-chia vừa từ địa ngục trở về cuộc sống... Tớ tưởng qua một năm chiến đấu, cậu đã hiểu tất cả những điều đó rồi chứ?

Sơn ngừng kể, vung tay ném một vật gì đó, có lẽ cũng là một viên đất bên mình, ra giữa dòng suối. Một tiếng động nhỏ vang lên. Đức nhìn theo, như thể trông mong sẽ tìm thấy nơi viên đất mất tăm, dù trời tối như bưng và anh cũng biết là dòng suối trôi nhanh sẽ cuốn đi tất cả những gợn sóng mà viên đất để lại trên mặt nước. Gió thổi nhè nhẹ như có bàn tay ai mơn man trên gáy hai người. Giọng Sơn thanh thản:

- Đó là chuyện hai năm trước. Giờ thì tôi không còn trách gì cô ấy mà chỉ mong cô ấy được hạnh phúc, để đừng bao giờ phải day dứt về việc đã làm. Mỗi chúng ta đều có những hoàn cảnh riêng mà không hẳn lúc nào ai cũng có thể làm chủ được mình. Phải không anh?

Đức lặng người khi nghe Sơn nói. Anh biết để nói được những điều này với giọng điềm tĩnh như thế, trái tim Sơn hẳn đã trải qua những nỗi đau tưởng chừng tan nát được, rồi vất vả tự lành lặn như thế nào. Những nỗi đau đó cũng có lúc Đức đã bước qua. Anh buột miệng hỏi Sơn một câu mà sau đó thấy ân hận ngay:

- Sơn vẫn còn yêu cô ấy phải không?

Im lặng một lúc lâu, Sơn mới thở dài:

- Vâng.

Như tiếng gọi trong căn nhà trống, lời thú nhận vang dội trong tim Đức, khơi dậy trong anh bao xót xa tưởng đã ngủ yên một thời. Những cuộc tình đã qua đi không bao giờ trở lại, những dấu tích trong trái tim mỗi người sao vẫn mãi không phai? Trong đêm tối, Đức thấy Sơn khẽ lắc đầu như để xua đi cái bóng đen quá khứ đang ám ảnh mình, rồi nhấc đàn lên, rải nhẹ mấy ngón tay. Bài Lengenda thánh thót vang lên. Đức bẻ cao cổ áo. Anh cảm thấy hơi lạnh từ dòng suối đã dâng lên tới chỗ hai người. Đặt một điếu thuốc lên môi, Đức bật diêm. ánh lửa lóe lên, soi sáng một nửa khuôn mặt Sơn đang cúi xuống bên thùng đàn. Đôi mắt Sơn hơi khép lại, và giờ Đức mới để ý Sơn có đôi mi dài, cong vút như con gái. Những sợi lông tơ phơn phớt trên má Sơn và những sợi vải tưa trên cổ áo đã sờn cùng ửng sáng trước ánh lửa, càng tạo cho gương mặt Sơn một vẻ đẹp lạ lùng, vẻ đẹp mà trong đó Đức nhìn thấy cả niềm say mê, nỗi chịu đựng, nét phong sương, lòng tự hào và tính khiêm tốn cùng hiển hiện.

Đức nhìn sững vào gương mặt ấy. Anh mường tượng hiểu tại sao chính người thanh niên vừa kể anh nghe câu chuyện đầy bi kịch của tình yêu và tình đồng đội này, cũng là một trong những chiến sĩ xuất sắc của đơn vị anh hùng mà anh đến thăm. Tại sao Sơn vẫn vững vàng đi tới sau những thất vọng nát lòng tưởng chừng không thể vượt qua. Tại sao Sơn vẫn điềm tĩnh nói được với anh "Tôi không còn trách gì cô ấy, mà chỉ mong cô ấy được hạnh phúc để đừng bao giờ phải day dứt về việc đã làm". Những chiến công lừng lẫy bên cạnh nỗi buồn khó khuây, tấm lòng khoan dung trên nỗi đắng cay nhỏ nhoi, lý tưởng chung cao cả và ước mơ riêng lỡ làng... "Không phải người lính nào cũng gặp những chuyện không may đau lòng như thế. Nhưng đã ở bộ đội thì sớm muộn mình cũng sẽ hiểu tất cả những điều đó. Phải hiểu và đương nhiên hiểu". Vâng, nhưng còn Đức, làm sao Đức có thể giải thích những gì vừa tiếp nhận đó cho một số người đọc ở thành phố biết được, mà thương đời lính hơn, khi chính anh chỉ dám tự nhận mới mường tượng hiểu mà thôi?

Đức hiểu Sơn không muốn, nhưng anh cảm thấy không thể không ghi lại câu chuyện vừa được nghe. Dù đúng như Quyết đã báo trước, Sơn chỉ kể chuyện hai năm trước mà không nói gì đến những thành tích của mình trong thời gian qua, nhưng đối với Đức, như thế cũng quá đủ để viết rồi. Dĩ nhiên anh sẽ không viết cho một người con gái vô tình nào đó mà anh hiểu Sơn đã cố ý giấu tên, đọc và âm thầm nhớ lại chuyện ước hẹn bèo bọt ngày xưa. Điều anh mong muốn lớn hơn nhiều, nhưng liệu anh có thực hiện được không với một bài viết ngắn ngủi chừng mươi trang giấy và với một ít hiểu biết nhỏ nhoi của anh về đời bộ đội? Và anh sẽ bắt đầu câu chuyện như thế nào? Sẽ kết thúc ở đâu, chỗ Sơn cầm xấp vải hoa đứng ngẩn ngơ ở ngã ba đường, hay chỗ Sơn vừa nhọc nhằn thú nhận vẫn còn yêu người con gái ấy?

Que diêm tắt, Đức mới hay mình chưa đốt thuốc, tiếng đàn bất chợt nghe như lớn hơn. Dòng suối vẫn róc rách chảy. Và những ngôi sao xa xăm trên kia chợt lấp lánh sáng, gợi nhớ một bài ca ai đó trong đời đã hát rồi quên.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com