hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-830.htm

Thanh Quế

Hai người đàn ông và một người đàn bà

- Câu chuyện này khó tin đến nỗi nếu tôi kể ra chắc ông cho rằng tôi bịa chuyện. Nhưng không, đây là chuyện thật trăm phần trăm đấy - Anh Phúc, bạn tôi, một người lính đã nghỉ hưu non, năm mươi tuổi, hiện đang giữ xe đạp cho ủy ban nhân dân phường Thị Nại, mở đầu câu chuyện này như vậy khi tôi và anh ngồi uống bia tươi ở một quán nhỏ bên hè phố - Thật trăm phần trăm - anh nhấn mạnh rồi uống một hơi cạn cốc bia, cầm chiếc can nhựa châm thêm một cốc khác và kể...

Ông Lộc trở về thành phố vừa mới giải phóng để tìm lại gia đình mình. Bà con trong phường vừa mỉm cười vừa chỉ cho ông đến một mái tôn lụp xụp. Tại ngôi nhà này, ông đã gặp vợ ông và một người đàn ông cao gầy, đi nạng. Ông đứng như trời trồng nhìn họ. Họ cũng đứng như trời trồng nhìn ông. Chợt người đàn bà, tóc đã lốm đốm bạc, kêu lên, lao vào người ông:

- Anh? Trời! Anh Lộc.

- Vâng, tôi là Lộc đây - ông đẩy bà ra - Nhưng bà sống với ai kia - ông chỉ người đi nạng.

- Chồng em, anh Thân. Dạ đó là chồng em. Anh cũng là chồng em.

Người đàn bà cuống quít, hết quay sang nhìn ông lại quay sang người đi nạng.

- Anh ấy đã trở về - người đi nạng nói - Thôi anh đi đây.

Bà sững sờ đứng lặng. Ông cũng đứng lặng trong khi người chống nạng lộp cộp bước ra cửa. Một lúc sau, người đàn bà như sực tỉnh, kêu lên:

- Không, không, không thể để anh Thân sống ngoài đường sá được, anh ấy là chồng em.

- Còn tôi?- Ông Lộc giận dữ hỏi.

Người đàn bà khóc, kể lể:

- Anh là chồng em. Anh Thân cũng là chồng em. Anh có biết không, lúc anh đi rồi, bọn chúng bắt em ở tù, tra tấn mãi, khổ trăm bề. Chính anh ấy cứu em ra, cho vốn em làm ăn nuôi con. Con lớn lên, đi hoạt động trong phong trào học sinh. Nhiều lần bị địch lùng bắt, ảnh che giấu cho. Sau năm 1970, con thoát ly tới năm 1972 thì hy sinh. Em buồn lắm, ảnh an ủi em. Em và ảnh thương nhau. ảnh không còn ai. Vợ con ảnh chết ở trong khu gia binh khi bị pháo. Còn ảnh thành thương phế binh...

Người đàn ông bực bội:

- Vậy hắn ta là lính ngụy, bà lấy lính ngụy à?

Người đàn bà khóc to hơn:

- Nhưng anh ấy bị bắt lính thôi. ở miền nam này ai không bị bắt lính. Anh ấy tốt lắm. Tôi không thể để ảnh ăn ngủ ngoài đường được.

- Thế bà không còn thương tôi à?

- Em thương anh.

- Bà cũng yêu ông ta à?

- Em cũng thương anh Thân.

- Vậy thì bà tự giải quyết đi. Tôi cũng đi đây!

Vậy là ông xốc ba lô lên vai, đội mũ cối bước ra đường. Người đàn bà khóc lóc chạy theo lôi kéo ông lại.

Đêm hôm đó, hai vợ chồng nói chuyện với nhau rất lâu. Sáng hôm sau, ông Lộc nói:

- Thôi được, bà đi tìm anh ấy về. Ba chúng mình sống chung vậy.

Anh bạn tôi dừng lại, uống một hơi cạn cốc bia, khà ra có vẻ thú vị rồi tiếp:

- Từ đó, ba người sống bên nhau. Một người đàn ông là bộ đội về hưu, một người là thương phế binh ngụy. Cả ba đều tóc bạc đều ngoài sáu mươi cả. Họ sống bằng tiền bà dành dụm được và bằng lương của ông Lộc. Trong nhà họ ở hai góc có hai chiếc giường đôi. Người đàn bà cứ mỗi đêm qua nằm với một ông. Phải nói, họ cũng đã già nên cái "khoản kia" không cần lắm, vì thế mà ít xảy ra sự ghen tuông? Nhưng nói ít không có nghĩa là không có. Một hôm, người thương phế binh đi đến nhà bạn chơi, trở về. Vừa bước vào cửa thì thấy bên bàn ăn, ông Lộc và bà ngồi gục vào nhau. Thế là ông bực tức, lọc cọc chống nạng bước ra đường mãi tới khuya mới về. Còn ông Lộc đã có lần hét lên "im, trật tự" khi đêm ấy nghe bên giường kia có tiếng hai người cười hưng hức...

Một hôm, ông Lộc đi họp tổ Đảng về thì nghe tiếng ông Thân khóc trong nhà. Ông bước vào, thấy bà nằm trên giường, còn ông Thân ôm bà khóc nức nở. Ông Thân cho biết bà vừa đi chợ về tới nhà thì ngã ra chết. Bà xưa nay vốn bị áp huyết cao. Thế là ông Lộc cũng cúi xuống ôm bà khóc. Hai ông ôm hai bên người bà và khóc òa như hai đứa trẻ khóc mẹ.

Sau cái chết của vợ, hai ông buồn bã rất lâu. Có những ngày, họ không nấu ăn, cứ mua rượu về ngồi bên nhau uống tràn. Một hôm, người thương phế binh nói:

- Thôi trước tôi và anh cùng có bà ấy, ta ở với nhau, nay xin trả nhà cho anh, tôi đi. Tôi không muốn ăn bám vào đồng lương khốn khổ của anh.

- Sao anh lại nói thế - người bộ đội về hưu nói - Có bà ấy, ta sống với nhau còn được. Nay tôi với anh, hai thằng già độc thân thì chia lìa với nhau làm gì. Vả lại, anh không có bà con thân cận gì, tôi cũng chẳng còn ai... Ta sống nương tựa với nhau chứ.

Có những hôm, hai ông uống rượu say rồi ôm nhau ngủ chung một giường.

Khuya, họ tỉnh dậy pha trà ngồi uống với nhau. Người thương phế binh nói:

- Trước vì yêu bả tôi mới ở lại đây chứ tôi sợ anh trả thù lắm. Chúng tôi đã cầm súng bắn lại anh, bắn lại cách mạng...

- Anh hiểu sai rồi, hèn gì anh cứ nhìn tôi vẻ ái ngại. Cách mạng biết phân biệt phải trái lắm chứ...

- Còn tình yêu? Anh có giận khi anh đi cách mạng, tôi lại lấy vợ anh?

Người bộ đội về hưu im lặng một lúc rồi nói:

- Có! Lúc đầu tôi căm thù anh về chuyện này lắm. Nhưng tôi biết trong lúc tôi đi vắng, anh lo cho vợ con tôi. Nghĩa là gia đình tôi phải mang ơn anh. Còn nữa, anh yêu vợ tôi, vợ tôi yêu anh, tôi lại yêu vợ tôi. Vậy là ba chúng ta có thương mến với nhau rồi. Vả lại, chúng ta cũng đã già, sống với nhau vì cái nghĩa thôi...

Anh bạn tôi đang kể thì dừng lại đưa tay chỉ một người già đang chống gậy đi bên kia đường:

- Đó, ông bạn già bộ đội của tôi đó - Này cụ Lộc ơi, sang đây làm với tụi này cốc bia. Anh gọi.

Một người tóc bạc trắng, gầy, khuôn mặt khắc khổ chống gậy đến bên chúng tôi. Anh Phúc rút một chiếc ghế nhỏ bên cạnh mời:

- Cụ ngồi xuống đây.

- Chào hai anh. - Cụ già nói rồi ngồi xuống ghế.

- Anh này là nhà văn, bạn cháu - anh Phúc giới thiệu - còn đây là cụ Lộc mà tôi vừa kể chuyện anh nghe.

- Thôi thôi - cụ già cười, xoa tay - lôi chuyện riêng tụi tôi ra làm gì.

- Chuyện hay lắm - Tôi xen vào - Cháu sẽ viết.

Ông già nhìn tôi, vẻ hốt hoảng:

- ấy chết đừng viết, đừng viết...

Ông nói xong, cầm cốc bia uống một hơi rồi đứng dậy:

- Cảm ơn hai anh. Tôi phải đi mua thuốc cho anh Thân đây. ảnh ốm hai hôm nay rồi. Lúc nào mời hai anh đến nhà tôi chơi.

Một buổi sáng chủ nhật, anh Phúc gọi điện cho tôi:

- Cậu đến tớ, tớ sẽ dẫn cậu đến nhà ông cụ Lộc chơi...

Nhà ông cụ ở trong một ngõ hẻm. Chúng tôi phải lách qua những quán xá mọc lên nhan nhản giữa thời kỳ mở cửa mới đến nhà ông được. Đó là một căn nhà đơn sơ chung quanh bện giấy dầu, trên mái lợp tôn. Từ cửa nhìn vào, thấy trong nhà tối om. Khi nghe tiếng chúng tôi gọi, ông Lộc mới "ới" và bật điện lên. Tức thì , trước mắt chúng tôi hiện ra một căn phòng chừng 36 m2. Trong phòng có một cái bàn gỗ đã cũ, chắc là bàn ăn, bàn nước, một cái tủ như kiểu tủ tài liệu một cái chạn bát. Hai bên vách là hai chiếc giường đôi. Trên một chiếc giường, có một người đang nằm đắp chăn. Đó là người thương phế binh.

- Anh ấy ốm nặng mấy hôm nay.

Tôi đến bên giường người bệnh. Một khuôn mặt héo quắt, vàng ệch nhăn nhúm hiện ra. Có mùi khai bốc lên...

- Anh ấy ăn, tiểu một chỗ, đi lại không được. - Ông Lộc nói.

Người bệnh lúc này có lẽ vừa ngủ thiếp mở mắt ra nhìn chúng tôi, nói nho nhỏ:

- Chào hai chú.

Ông ta định nhỏm dậy nhưng tôi đỡ ông nằm xuống:

- Bác cứ nằm nghỉ.

- Khổ quá, tôi không làm gì được, đã ăn bám ảnh lại bị đau bắt ảnh chăm sóc. - Người bệnh rên rỉ.

- Trong nhà với nhau mà anh nói chi lạ vậy. - Ông Lộc nói.

- Tui nói cứ để tui chết - người thương phế binh nói - Anh lại mời bác sĩ khám bệnh, mua thuốc men cho tui tiền không có mà mua...

- Anh em với nhau cả, tui đau hay anh đau người khác cũng đều phải lo cả. - Người bộ đội về hưu nói.

- Anh cứ để lui nói cho hai chú nghe. ảnh cho tôi ăn cháo thịt còn ảnh thì ăn rau, mắm...

- Thôi đi anh, cái chuyện thỏn mỏn mà cũng nói.

Người bệnh vẫn chưa chịu nằm yên, còn hổn hển nói:

- Có ảnh, tui mới hiểu mấy anh, mới hiểu cách mạng, tui...tui...

- Thôi đi anh. Anh mệt rồi, nằm nghỉ đi. - Người bộ đội về hưu phẩy tay nói quyết liệt rồi quay sang tôi và anh Phúc - Hai chú đừng nghe ảnh nói, ta lại bàn uống nước đi...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com