Chú Quả về làng!
Cái tin ấy lan nhanh và không ai là không thấy vui, luôn cả hãnh diện nữa. Làng của Xí tuy bé tí tẹo và ở sát bìa rừng, chân núi nhưng có một người tận Sài Gòn về hẳn hoi. Người ấy là chú Quảng. Nghe đâu, chú trước kia là dân ngụ cư trong làng. Còn giờ ở đây ngoài mộ mẹ chú ra, chẳng còn ai thân thuộc cả. Mỗi năm nhất là vào dịp Tết, vài lần về làng của chú Quả, Xí đoán chắc hẳn không chỉ thuần là thăm lại mộ mẹ, mà có lẽ chú muốn gắn bó với cái làng đói nghèo ngày xưa mình đã bỏ ra đi. Và cũng chính vì vậy, vô tình chú đã trở thành mối dây liên lạc giữa làng quanh năm hầm than đốn củi của Xí với một nơi khác. Cái nơi phồn hoa đô hội mà mỗi lần chú về kể, ai cũng há hốc miệng ra nghe vì sướng, vì kinh ngạc.
Nơi đó là Sài Gòn!
Nói cho đáng, làng của Xí cũng có một người nữa biết Sài Gòn. Đó là chú Năm Rứ. Trước năm bảy lăm, chú Năm đi lính hay làm gì đó ở Sài Gòn và nghe chừng đâu cũng "anh chị" dữ lắm. Sau giải phóng, chú Năm về làng ở hẳn và giờ đốn củi hầm than bên núi trong. Những chuyện "dao búa, giang hồ..." nơi Sài Gòn chú Năm kể, dù xa lắc xa lơ trước giải phóng, cũng làm cho các anh, các chú ở làng phục sát đất. Sự "độc quyền kể về Sài Gòn" ấy đã đưa chú Năm Rứ say sưa (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) qua biết bao nhiêu là cuộc nhậu nhẹt trong làng. Đám giỗ, tiệc tùng nào mà không mời được chú đến dự, là đám đó kể như bỏ đi. Nhưng từ ngày có chú Quả về làng thì lại khác. Những chuyện Sài Gòn chú Năm Rứ kể hầu như người nghe không còn thú vị gì nữa. Không thú vị bởi những chuyện chú Năm Rứ kể quá cũ xưa, lạc hậu so với chuyện Sài Gòn bây giờ của chú Quả. "Ngày xưa ở Sài Gòn...!" và mười nghe chẳng bằng một thấy. Ngoài những chuyện kể mang tính "hiện đại" ra, Sài Gòn của chú Quả, dân trong làng còn "sờ được" qua những món quà nho nhỏ, mà chú chia đều cho hầu khắp mọi nhà mỗi dịp về thăm. Từ cái kẹo, tấm bánh, đồ chơi trẻ con, tờ lịch ny lông có in hình đẹp... đến chai rượu biếu trưởng thôn, cả xóm dường như già có quà già, trẻ có quà trẻ. Còn chú Năm Rứ thì... không thấy gì. Đã vậy, cách ăn mặc lấm lem than bụi của chú Năm lại "chẳng Sài Gòn" chút nào so với chú Quả. Quần áo lần về nào chú cũng bảnh bao, "đóng thùng", giày vớ hẳn hoi. Dân trong làng quá nửa là đi chân đất, và Xí từ nào tới giờ, chưa thấy ai có giày hoặc mang giày đi đâu cả. "Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" như chú Quả ăn đứt chú Năm Rứ về chuyện Sài Gòn cũng là lẽ đương nhiên!
Chú Quả về làng hôm qua. Gần Tết không khí xóm làng đã chộn rộn, lại thêm cái tin ấy làm rạo rực đến cả bọn con trai trong thôn như Xí.
Trưa nay là đám giỗ của ông ngoại Xí. Từ chiều qua, bà ngoại Xí - người đặc biệt mến mộ chú Quả - bảo: "Giỗ ông là giỗ trọng, chú Quả cũng đã nhận lời mai đến chơi. Mờ sáng mai, con dậy sớm làm mấy con gà, thêm con vịt nữa. Chuyện chợ búa, nấu nướng bà đã nhờ con Hai Nỹ. Đám giỗ trưa mai còn có cả thằng Năm Rứ đến nữa". Xí nghe mà mừng rơn. Đám giỗ nhà nó, cả hai người chính hiệu Sài Gòn đều đến dự. Đó là một vinh hạnh hiếm có trong các đám ở làng này, bởi rất ít khi gặp dịp hai chú cùng về. Xí làm gà, vịt thì "hết ý". Tuy vậy, để các món chú Quả và chú Năm Rứ thấy "không thua Sài Gòn là bao nhiêu", cũng còn nhờ vào tài chế biến của chị Nỹ, người nấu nướng khéo nhất làng mà bà Xí nhờ.
Cuộc giỗ trưa nay, bà ngoại của Xí mời trên mươi người, toàn là dân "ăn nói", "vai vế" trong thôn cả. Trên chiếc chiếu nơi bộ ngựa đã bày xong các món ăn dọn từ nhà sau lên và từ trên bàn thờ xuống, cả cặp rượu Sài Gòn chú Quả đem đến cúng ông. Mọi người bỏ guốc dép, riêng chú Quả thì bỏ giày, lên ngồi xếp bằng quanh chiếu. Bác Bốn Mưng trưởng thôn, đồng thời là người có họ xa với Xí, bà ngoại nhờ làm "chủ xị". Xí thì ngồi ké trên chiếc ghế đẩu, cạnh bộ ngựa làm chân chạy bàn, hóng chuyện. Chú Năm Rứ vừa leo sau cùng lên chiếu vừa nói đùa:
- Có món gì giống như ở... Sài Gòn thì liệu mà dọn hết lên đây, chị Nỹ ơi!
- Có ngay! Mời mọi người cầm đũa cho, rồi thì Sài Gòn, Hà Nội gì cũng sẽ có hết - Chị Nỹ xoa tay mời mọi người một cách vui vẻ.
Qua vài tuần rượu. Câu chuyện đang mùa màng, tết nhứt, bỗng bác Bốn Mưng nâng ly đánh "khè" một tiếng, quệt tay chùi mép ngó qua chú Quả:
- "Làm" đi chớ Quả, dân Sài Gòn gì yếu vậy mậy?
Chú Năm Rứ cũng cụng ly, giục:
- Cạn chớ, anh Quả! Nhập gia tùy tục, về đây có không quen thứ này mình cũng phải ráng.
Nghe bác Bốn Mưng và chú Năm Rứ nói vậy, Xí biết là sắp được nghe chuyện Sài Gòn của hai người, nên vội tiếp tế mọi thứ chu đáo cho cuộc nhậu để được yên tâm ngồi nghe. Bác Bốn Mưng làm một tợp rượu vừa mới rót, nói:
- Tao nghe trong thôn đồn nhau lời thề ngày trước của thằng Quả: "Nếu không ăn nên làm ra, không thành đạt thì chẳng bao giờ về lại đất này". Có phải vậy không mậy, Quả?
- Dạ đâu có chú. Cũng đủ sống thôi, nhưng vì nhớ làng nhớ xóm quá, thành... phải về.
- Nhìn cách quà cáp, ăn mặc, về lúc nào cũng nịt áo, nịt quần như mày, không ăn nên làm ra, chẳng giám đốc giám điếc gì đó ở Sài Gòn là tao cứ... đi đầu xuống đất.
Nghe bác Bốn đòi đi đầu xuống đất vì chuyện vậy, chú Quả cười nhỏ:
- Đâu phải hễ cứ ăn mặc như cháu là thành giám đốc, chú. ở Sài Gòn bây giừo làm ăn được, đời sống đi lên, người ta trang phục đẹp dữ lắm cà. Nhất là ở thời điểm sắp tết như giờ... Còn cháu thì cũng khổ, có điều về quê nên cố gắng cho... tươm tất vậy thôi!
Chú Năm Rứ rót thêm cho mình ly rượu, nói:
- Anh Quả nói chí phải! Sài Gòn hồi xưa, thời tui sống ở ngã ba Chú ía, đã thấy ăn chơi bạt mạng rồi, huống chi... Chuyện công tử Bạc Liêu mà tui kể là ở Sài Gòn thời ấy chớ đâu!
Chú Quả xoay xoay ly rượu trong tay mình:
- Ngó vậy chớ Sài Gòn ăn chơi mỗi thời bắt nguồn và ý nghĩa mỗi khác, anh Năm à.
- Chuyện hồi ở Chú ía sao mà tui quên phéng, anh Rứ hé? - Chú Dần nghiêng tai về phía chú Năm, mon men gợi.
- Thôi, chuyện Sài Gòn thời Pháp, Mỹ đó để khi khác đi. Bà con ở đây nghe như người mù sờ voi theo từng thời - Bác Bốn Mưng tiếp - Giờ có thằng Quả về, tao muốn nghe chuyện Sài Gòn, chuyện hòn ngọc Viễn Đông của bây giờ. Nghe nói giờ, trỏng đổi mới, ăn chơi dữ lắm, phải không mày? Nhưng uống, uống đi rồi nói mới tin.
Chú Quả xòe bàn tay có ngón cụt che lấy miệng ly mình, nhỏ nhẻ:
- Dạ, quả có vậy! Cháu đã kể mấy lần về trước rồi còn gì. Nhưng... ở trỏng, họ làm dữ lắm, tranh thủ thời gian ghê lắm chú Bốn à. Cả thành phố ngày đêm cứ quay mù mù như là cối xay không nghỉ vậy đó.
- Mày nói... chớ tao thấy trong thôn này, ai làm, ai tranh thủ bằng tao với thằng Rứ, mà khổ vẫn hoàn khổ, phải không Năm?
- Dà... dạ đúng! Tại ở chỗ sướng là nó... sướng thôi, phải dzậy hông anh Quả? - Chú Năm Rứ rót đều rượu ra ly cho mọi người, chuyền chai không cho Xí và tiếp - Nhớ hồi xưa, cả một Sài Gòn đặc lính tráng, toàn đánh đấm không chớ có ai làm gì đâu mà cũng ăn chơi xả láng.
Bác Bốn Mưng gật gù, rồi với giọng thật tình:
- Tiếc là tao già rồi và kẹt chức trưởng thôn, chớ không! Hay còn trẻ như tụi thanh niên xóm này, tao cũng... nối bước theo thẳng Quả, bay cái rẹt vô Sài Gòn cho nó sướng mớ đời!
- Sài Gòn đi dễ, khó về. Trai đi có vợ, gái về có con... ngó dzậy mà không phải dzậy đâu nghe, chú Bốn - Chú Năm Rứ lè nhè nói và khều lưng Xí ra hiệu đi lấy thêm rượu.
Khi Xí mua rượu trở về thì chú Quả đã không còn ở chiếu nhậu đám giỗ nữa. Chú đã cáo từ về sớm để đi công chuyện gì đó. Cuộc nhậu bấy giờ, chẳng biết mạch chuyện ra sao lại xoay sang việc chú Năm Rứ đòi nghỉ hầm than, để dạy ở cái lớp học của thôn mà chú Quả hứa sẽ cất biếu cho các cháu trong lần về thăm tới. Lớp học tranh tre nứa lá của thôn đã mục sập từ lâu, giờ các em muốn học phải lội bộ nắng nôi sang tận đường liên huyện.
- ờ... xóm mình tuy nhỏ nhưng lại có cả hai người Sài Gòn, mấy đứa mầy cũng nên chung tay giúp để tụi nhỏ được dăm ba chữ bỏ bụng cho bằng ta, bằng người.
Đón chai rượu từ Xí, nhưng chú Năm lại nhóng ngược ngón tay cái về phía bác Bốn Mưng:
- Thằng Năm này mà dạy là... số dách, nghe chú Bốn.
Bác Bốn trừng cặp mắt đỏ khé ngó chú Năm, giọng nghe nhão nhè:
- Dạy cho mấy đứa nhỏ chữ, chớ đừng dạy công tử Bạc Liêu cho chúng nghen mậy!
Năm nay, làng của Xí gặp đại hạn. Mấy tháng trường trời mây cứ thỉnh thoảng vần vũ, dường như giận dỗi, tấm tức điều gì, rồi lại trong veo như cũ, chẳng có lấy một hạt mưa! Nắng đến cánh rừng ven làng vốn quen chịu khô mà cây lá cũng cọc còi, bạc phếch. Trong thôn Xí đã có dăm nhà đói gạo. Cả làng cấm có ai mướn thuê gì, dù với tiền công rẻ mạt nhất.
Giữa hoàn cảnh đói kém đó, câu nói của bác Bốn Mưng hôm đám giỗ lại vang lên như thúc giục trong đầu Xí: "... Còn trẻ như thanh niên xóm này, tao cũng nối bước theo thẳng Quả, bay cái rẹt vô Sài Gòn cho nó sướng mớ đời!". Đến bác Bốn Mưng mà còn muốn bỏ chức trưởng thôn đi Sài Gòn, huống trẻ như mình! Nghĩ thế, Xí vội lén bà ngoại lấy cái tráp đồng của ông để lại, qua bến xe huyện bán làm lộ phí, đi Sài Gòn ngay. Rồi... tết đến, Xí sẽ lại về thăm thôn mình bảnh bao như chú Quả thôi! Chắc chắn là như thế.
Sài Gòn mà Xí rớt xuống mênh mông người - xe - nhà - đường!
Sài Gòn tận mắt Xí là cộng lại những gì chú Năm Rứ và chú Quả kể, rồi nhân lên triệu triệu lần. Việc tìm chỗ làm và tìm chú Quả - như một phần dự định của Xí khi vào đây - thật là khó như chuyện mò kim đáy bể! Đó chưa kể chú có nhận ra Xí và biết Xí là ai không? Nhưng Xí sẽ nhắc chú nhớ, miễn rằng gặp được chú ở đây. Gặp chú, Xí chắc sẽ biết cách làm sao để khi về lại quê mình cũng sang giả, mang theo nhiều quà biếu bà con như chú. Xí vừa đi vừa dán mắt theo những người ăn mặc giống chú Quả lúc về làng đến nhiều lần xuýt đâm sầm vào các tủ kính bày bán bên đường phố. Nhưng Sài Gòn đâu phải là cái bàn tay để Xí muốn gặp chú thì... cứ vào là gặp.
Qua mấy ngày ngủ đường, ngủ chợ, tiền cạn, biết mình không thể xin được bất cứ việc làm gì và cũng không thể tìm ra chú Quả trên những con đường sang trọng và lũ lượt người xe này, Xí quyết định trở về quê. Bấy giờ do bị lạc vì không dám sang đường, Xí bèn gọi xích lô.
- Về đâu? Về đâu? Nói mau! Một chiếc xích lô thắng kít lại bân chân khiến Xí hoảng hốt nhảy vội lên lề đường.
- Thưa... bác cho cháu về bến xe Miền Đông.
- Lẹ lên đi! Mười đồng.
- Dạ, cháu còn có... năm ngàn - Xí nài nỉ.
- Rồi, tám đồng. Lẹ lên đi!
- Thôi, cháu thật chỉ còn có sáu ngàn. Bác giúp giùm...
- Cũng được. Lẹ lên giùm!
Chiếc xích lô lại lướt đi giữa dòng xe cộ như nước chảy. Hai bên phố phường thi nhau lùi tít tắp về phía sau. Xí nhìn mà bỗng ứa nước mắt. Sài Gòn đón Xí trong ước ao mãnh liệt, hấp dẫn bao nhiêu thì giờ cũng "tống" Xí đi hối hả và ghẻ lạnh bấy nhiêu!
- Tới rồi. Xuống! - Chiếc xích lô dừng đột ngột theo tiếng nói.
- Ơ... - Xí thảng thốt nhìn quanh - Bác làm ơn cho cháu xuống chỗ gì có nhà hàng Hoa Hồng.
- Chỗ đó cửa bên kia bến xe. Phải thêm hai đồng nữa.
- Trời...! Cháu lạ nước lạ cái và... cũng hết tiền rồi. Chú... chở cháu qua giùm...
Người đạp xích lô lưỡng lự:
- Thôi được, ngồi yên đó.
Rồi chiếc xích lô hối hả bỏ Xí xuống trước nhà hàng Hoa Hồng, để kịp rước khách khác đang đón ở gần đó. Khi bác đạp xích lô lột kính râm lau mắt, nhận tiền, Xí chợt thấy ông sao giống in chú Quả! Nếu chú, sao giờ ăn mặc lam lũ quá thế, lại còn đạp xích lô nữa? Hay người lại giống người? Xí còn đang phân vân thì chiếc xích lô đã lướt đi. Lúc bàn tay có ngón cụt của ông chìa ra xin đường, Xí mới hay đó chính là chú Quả mà mình tìm mất mấy ngày nay. Cái ngón cụt thường đậy ly rượu đó, Xí không lẫn vào đâu được.
- Chú Quả! Chú Quả! Chú Quả ơi... Xí vội gào lên.
Nhưng không kịp nữa! Lưng áo bạc phếch mồ hôi của chú đã lẩn khuất giữa dòng người xe mênh mông, náo động. Và ngay lúc ấy, Xí cũng chợt nhớ ra rằng: Quả chỉ là tên "cúng cơm" của chú ở quê, còn vào Sài Gòn, rất có thể chú lại mang một cái tên khác.
Cuối cùng rồi Xí cũng về được đến làng quê bên bìa rừng của mình, tuy có "bầm dập" chút đỉnh. Sài Gòn của chú Quả với Xí trôi qua như một giấc mộng!
Bà ngoại nằm trên giường bệnh cầm lấy tay Xí, thều thào:
- ở nhà, đừng đi nữa nghe con! Bác Bốn Mưng bảo con vào dạy học ở cái trường mà chú Quả Sài Gòn vừa về cất đó. Rồi sẽ có gạo thù lao hằng tháng của thôn và phụ huynh đóng góp. Thằng Năm Rứ hứa theo chén rượu, chén trà chớ rồi nó đâu có dạy.
- Ơ... - Xí ngạc nhiên - Chú Quả về hôm nào, hở ngoại?
Tất nhiên là Xí không nói cho bất cứ ai việc mình đã gặp chú ở Sài Gòn.
- Thì... hôm dì Sáu sang cho bà hay, con lỡ bán cái tráp, giờ ở lì bên ấy không dám về đó. Chú Quả nghe nói cũng mới vô lại Sài Gòn hôm qua.
Trời! Vậy là chú Quả đã về cất lớp học cho thôn như lời hứa. Lớp học mái tranh vách đất khang trang, Xí thấy lúc về đầu thôn với hình ảnh chú Quả vắt vẻo trên xích lô ở Sài Gòn lại hiện ra trong đầu Xí.
- Chú... chú Quả về ăn mặc... ra sao, hở ngoại?
- Thì cũng... đàng hoàng như những lần về trước. Nghe ngoại bệnh, chú ghé thăm cho hộp sữa và ký đường - Ngoại Xí thở mệt nhọc tiếp - Chú khác, con khác! ở đâu cũng phải làm mới có mà ăn. ở nhà dạy học, đừng đi Sài Gòn nữa nghe con.
Cầm bàn tay xương xẩu của ngoại, Xí xấu hổ gật đầu. Nhìn hộp sữa ký đường để bên đầu giường bà, nhớ đến việc "cò kè bớt một thêm hai" của chú Quả ở Sài Gòn hôm nào gặp, mà Xí rưng rưng!
Bây giờ thì ở làng này ngoài chú Quả và chú Năm Rứ, lại còn có thêm một người nữa biết được Sài Gòn: Đó là Xí! Nhưng nhất định, dù có cạy răng, Xí cũng không bao giờ kể chuyện gì về Sài Gòn cả. Nhất định! Sài Gòn sẽ mãi mãi là giấc mơ của Xí. Và, ai lại kể giấc mơ của mình ra làm gì.