hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-806.htm

Cao Chiến

Làng Mới

Những bóng người âm thầm băng qua mương - ranh giới cuối cùng của đồng quê, rồi tập hợp lại, như thác ngầm đổ cuồn cuộn về hướng ga xe lửa. Thôn xóm sẫm đen như vết mực tàu. Trăng lưỡi liềm cong vút, bít bùng trong sương trắng. Đoàn người lầm lũi đi, xoong chậu mùng mền lỉnh kỉnh. Cơn đói ngàn năm cùng khát vọng đổi đời mãnh liệt đã dứt tung mọi ràng buộc, xô đẩy họ vào cuộc hành trình.

Bãi ga ngổn ngang như chiến trường. Người và rác giẫm đạp lên nhau. Một anh chàng chừng bốn chục dáng hơi gù đứng tựa cây cột đèn bập từng hơi thuốc dài, thỉnh thoảng lại đưa mắt ngó quanh như có ý trông đợi ai. Từ dưới bờ cỏ lúp xúp, một cái đầu bất chợt nhô lên cùng tiếng kêu mừng rỡ: "Anh Lực..." Người đàn ông bỗng tối sầm mặt. Anh ta vụt mạnh điếu thuốc, hỏi sẵng: "Quý đấy hả?" "- Em Quý đây, anh cho em theo..." "- Thôi đừng quấy nữa, về đi". Lực gắt. Cái đầu thụt xuống biến hút vào đêm. Lực lẩm bẩm: "Lộn xộn quá. Ai chứ thằng Quý "Rình" mà theo thì hỏng bét".

Tàu xịch tới. Cuộc chia ly diễn ra chớp nhoáng. Những cú ôm choàng, những ống tay áo chùi ngang, người ở lại và người ra đi tắm trong cơn mưa nước mắt. Một cái bóng bay qua cửa tàu rơi ịch xuống ga. Lực chột dạ: "Thằng Quý?" Nhưng không phải. Anh bật cười khanh khách nhìn cái bóng đang úp mặt trong lòng tay ấp úng với đám người trên sân ga: "Tôi... Tôi không muốn làm ma xứ người, đâu cũng đất này cả".

Gió ướt đẫm mùi cỏ cháy rạo rực lùa qua cửa tàu. Tiếng bánh sắt hổn hển nghiến trên đường ray như giai điệu lãng du làm gợn trong lòng người ra đi niềm thương nhớ khôn nguôi. Lực nằm úp mặt xuống gối, một tay lùa qua ngực mân mê vết sẹo bả vai. Vết sẹo lồi nóng bỏng. Trong nhịp lắc chóng mặt của đoàn tàu, tâm hồn tưởng chừng chai sạn qua mấy mùa chinh chiến cùng bao sóng gió đời thường của người cựu binh bỗng mềm nhão, dồi lên những cuộn sóng nôn nao khó tả. Hai mươi năm trước, người trai mười bẩy từng sống một  đêm như thế. Trở về sau chiến tranh, lấy vợ, có con, rồi bây giờ lại ra đi. Cuộc đời như cơn hôn mê chập chờn vô tận. Lực áp mặt vào sườn tàu thở dài.

Ai đó bỗng kêu lên: "Hiền Lương đây rồi". Mấy cái đầu nhao ra phía cửa. Không khí được hâm nóng. Trẻ con chạy nhảy cười ré từng chặp. Người lớn ngồi tán gẫu, thuốc lào rít xòng xọc. Một người đàn bà héo quắt xác ve bấm tay Lực lôi ra một góc, thì thầm: "- Chú Lực này, hình như thằng Quý theo đấy!" "- Quý nào?" Lực ngạc nhiên. Đôi mắt toét nhèm của người đàn bà đảo lia lịa: "- Thì Quý "Rình" chứ Quý nào". Lực gãi đầu sồn sột phá lên cười: "- Không có đâu. Tôi đuổi nó về rồi". Nghe giọng chắc như đinh đóng cột của Lực, người đàn bà bán tín bán nghi: "- Có thật thế không?" "- Thật. Bà yên tâm đi".

Lực ngồi xuống bên đám người, cái điếu cày chuyền tay nhau. Lực bắn liền mấy phát thổi khói vòng vo như bễ lò rèn. Ai đó kêu lên: "Thơm quá, như mùi ớt chỉ thiên". Lực gật gù: "Thơm thật đấy", nhưng đầu óc không hiểu sao lại lơ mơ nghĩ về Quý. Nghe nói Quý từng làm công nhân, rỗi việc xoay qua dòm trộm chị em tắm, giết thời gian, bị tóm cổ tống về vườn báo hại bà già, từ đó biệt danh Quý "Rình". Tối ngày gã vật vờ quanh mấy hàng nước, vặt trộm như chớp, gần ba chục tuổi vẫn chẳng ma nào thèm ngó. Gã từng được đưa vào danh sách đi kinh tế mới mấy lần nhưng không chịu. Thiên hạ dè bỉu xa lánh, coi gã là đồ bỏ. Đã thế gã cóc cần. Gã từng đập chén hùng hổ với ông ủy ban: "- Đây có bà già nuôi chứ mắc mớ gì đến các người". Thế mà lần này... Lực nhồi thuốc bắn phát nữa rồi lảo đảo đứng dậy, lẩm bẩm: "Vàng thau lẫn lộn, cũng chả biết thế nào...".

Suốt đêm, hầu như không ai ngủ. Sáng trắng thì tới Nha Trang. Đoàn người rồng rắn co cụm thành một cục lạc lõng, đen ngòm sân ga. Những hố mắt thâm quầng bối rối nhìn nhau. Lực vác cái bòng lên vai, coi những kẻ hiếu kỳ đang không ngớt chỉ trỏ xung quanh như chết rồi, giục giã: "Đi thôi". Biển xanh rờn. Xe đạp xe máy lao vù vù. Mấy mẹ đàn bà không giấu nổi thèm thuồng trật nón uống no mắt cảnh giàu sang xứ lạ. Bác "xác ve" đạp lộn chân mấy lần suýt té, gắt ỏm tỏi: "Từ từ chú Lực ơi, đi đâu mà như ăn cướp".

Sau khi "làm luật" với đám lơ cò bao trọn chuyến tốc hành, Lực đứng tựa thành xe chân co chân duỗi đập lưng điểm từng người, rồi kéo rầm cửa. Cục sắt gỉ giật phành phạch nhưng vẫn không nhúc nhích. Đám lực điền cong đít hò nhau đẩy. Chiếc xe "hặc" lên một tiếng. Đúng lúc ấy, một cái bóng phi vút qua cột rào bê tông vọt tới. Quý "Rình" tóc tai tơi tả, một bên nách lòng thòng cái ba lô lộn, mặt cắt không còn hột máu. Gã hổn hển: "- Anh cho em theo". Những ánh mắt lo ngại nhìn Quý rồi hướng cả về phía Lực. Lực bối rối: "Ơ, tao đã bảo rồi cơ mà..." Cái ba lô lộn rơi bịch xuống đất, giọng Quý ướt đẫm nước mắt: "- Đừng bỏ em anh Lực". Lực chợt cảm thấy sống mũi cay như xát gừng. Anh khoát tay: "- Thôi được, nhưng mày phải hứa danh dự..." Quý "Rình" nhoẻn miệng cười, dập chân: "Em xin hứa", rồi chụp cái ba lô lộn phóc lên xe.

Rừng núi ngàn năm với những dải đá xám dựng đứng trong sương mù đập vào mắt mọi người. Trên rẻo Phượng Hoàng, chim cu bay rợp đường. Bóng dáng người Thượng đóng khố đeo gùi, mồm đốt thuốc rê, bắp chân bắp tay cuồn cuộn thấp thoáng trong cỏ dại. Đất nguyên sinh đỏ như máu tươi. Lực ngồi xế cửa xe huýt gió một khúc quân hành. Anh từng nếm đủ mùi đói khát bệnh tật rừng rú nơi đây trong thời gian chiến tranh. Hai mươi năm đã trôi qua, còn bao nhiêu cốt xương không tan? Những gương mặt đồng đội chợt hiện lên tươi rói. Cơn xúc động bốc ngùn ngụt đầu óc, Lực rùng mình kéo dựng cổ áo ngồi thụt xuống, rên một tiếng.

Bất chợt, thảo nguyên hiện ra xanh rờn. Mặt trời như tấm huân chương đỏ rực rọi từng chùm sáng lấp lóa lên những ô kính bé xíu như mảnh gương lăn lóc giữa bạt ngàn cà-phê. Chiếc tốc hành xổ dốc ầm ầm rồi xịch đỗ làm mấy cái đầu va lốp cốp đau tê dại. Bác tài thò cổ hớn hở bảo mọi người xuống. Đám dân thổ địa chạy túa ra vây quanh, nghe giọng biết ngay họ ở vùng ngoài, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội... đủ cả. Một anh chàng lãnh đạo xã hồ hởi nắm tay từng người rồi hỏi lớn: "- Ai là trưởng đoàn?" "- Tôi". Lực rẽ đám đông tiến lại: "- Các anh có bao nhiêu?" Lực cười: "- Năm chục". "Gay go đây". Anh chàng cán bộ vò đầu rồi kéo Lực ngồi bệt xuống vệ cỏ, gương mặt lộ vẻ ái ngại: "Tôi không đủ thẩm quyền giải quyết, biết làm thế nào bây giờ?"

Bác tài đang loay hoay đập gõ nghe lõm bõm câu đực câu cái, đoán tình thế căng nên đậy nắp ca-bô, phủi tay góp chuyện: "Mấy đoàn trước họ đi Lắc, Sa Thầy, Liêng-sron, trên ấy dễ thở hơn". Người cán bộ xã như thằng chết đuối vớ được cọc, mừng hú: "ờ phải... Thôi chúc các anh may mắn nhé". Cái lưng áo bạc phếch của anh ta biến vào khu đồi, Lực thở dài ngao ngán nhìn hút theo.

"- Anh tính thế nào?" Bác tài hỏi Lực.

"- Đi, chứ còn thế nào nữa". Đôi mắt người tài xế chợt ánh lên những tia ranh mãnh. Ông ta bật ngón tay tanh tách. Xong ngay, Lực gật đầu rồi trật áo chỉ vết sẹo tím bầm bả vai, giọng chùng xuống nghe xót xa kỳ lạ: "Máu đây còn chả tiếc, xá gì mấy đồng".

Hôm sau, đoàn người rệu rã hạ trại sát nách một xóm Kinh mới. Chỉ có ít ngày mà người nào người nấy mặt mũi hốc hác, trông gớm ghiếc như bầy ma đói. Cục sắt gỉ trục trặc hết thở. Xế, lơ nằm bò ra đường, dầu nhớt mồ hôi rỏ ròng ròng khét lẹt. Người đàn bà "xác ve" gom lá nấu cơm, chân tay lem nhem không ngớt ca cẩm: "Khổ quá, biết thế này..." Lực bó gối ngồi thu lu một góc chả thiết gì ăn uống, trán hằn những vệt sâu hoắm. Cách đó một quãng, Quý "Rình" đang vục mặt xuống đất ngửi, hít, thỉnh thoảng lại cười ngơ ngơ như thằng dở hơi." - Quý, mày làm trò gì đấy?" Lực gọi, Quý từ từ quay đầu lại, gương mặt rạng rỡ khác thường. Gã nghiêng lòng tay cho bụi đất rơi lả tả rồi thốt lên sung sướng: "- Đất tốt quá anh ạ. Bao giờ yên ổn, em sẽ đưa bà cụ vào".

Những đốm lửa bập bùng lọt thỏm giữa hoang vu. Mặt người như hình nộm, có lúc phình to như cái thúng găm vào bóng tối. Đêm thượng du lạnh buốt xương. Những cái lưng xích lại bên nhau, rì rầm kể chuyện làng quê. Bà "xác ve" húng hắng ho, buông một câu lấp lửng: "Khổ thế này mà chửa biết có được yên thân"... Quý "Rình" ngáp, thở hắt ra: "Ôi dào, bà cứ hay lo xa. Trước lạ sau quen, có gì đâu. Họ cũng như mình, giỏi lắm vài đời chứ mấy..." Trăng thượng du tênh hênh giữa lưng chừng trời buồn thênh. Trong hơi ấm râm ran của lửa, những thân xác mệt lả úp ngoéo vào nhau ngủ như chết.

Sớm mai, một chiếc TOYOTA từ đâu bỗng xịch tới. Một người đàn ông to béo ôm cặp chui ra. Linh tính mách bảo có chuyện dữ, bà "xác ve" níu cứng tay Lực không cho anh nhúc nhích. "Bà con tụ tập làm gì ở đây thế này?" Không thấy ai trả lời, người đàn ông gõ gót giày cồm cộp: "- Kìa tôi hỏi, bà con làm gì ở đây?" Lực giật tay bà "xác ve" tiến lại gần, lắc nhẹ mái tóc: "- Dạ, chúng em mới tới". Đôi mắt hum húp nhìn Lực dò xét hồi lâu, đoạn ông ta hất hàm: "- Tự do hả?" "- Dạ..." "- Bậy bạ đến thế là cùng, đất chứ có phải cám đâu. Làm gì có chuyện tự do ở đây. Thôi, ai về nhà nấy". Mấy cánh cửa dập rầm rầm, rồi chiếc xe phóng vọt đi. Đám đông còn đang ngơ ngác thì một chiếc U-OAT xé bụi lao vào. Mấy anh chàng mặt mũi trông hiền khô súng lăm lăm giục đám đông thu dọn cuốn xéo. Tiếng chửi bới la hét ầm ĩ, rồi cũng đâu vào đấy. Bác tài bặm môi rọt rẹt nổ máy. Bà "xác ve" ôm Lực, nước mắt nước mũi giàn rụa tru từng hồi thê thảm: "Hu hu... Quân bất nhân, quân giết người. Nhà cửa vườn tược bán rồi, tôi biết về đâu bây giờ?" Quý "Rình" ôm cái ba lô lộn ngồi ủ rũ, bất ngờ đạp cửa xe vọt xuống nằm dính đường ghì chặt bánh xe. Mấy cánh tay ra sức lôi nhưng Quý "Rình" vẫn ì ra. "Thằng này bướng, bắn bỏ mẹ nó đi", ai đó đe dọa.

Không khí căng thẳng cực độ. Nhanh như chớp, Lực ào tới gạt bay mũi súng, giật tung cúc áo quắc mắt nhìn đám người: "Này, đấy là lính đây cũng là lính". Anh đập "chát" tay lên vết sẹo tím bầm, gằn giọng: "- Đây đã từng đổ máu thì đây có quyền". "- Chúng tôi làm theo lệnh". "- Thôi mà, bà con mình cả, đừng khó dễ phải tội". Lực dịu giọng. Mấy nòng súng run rẩy chúc xuống đất. Đoàn người thừa dịp chạy tán loạn. Lực nghẹn ngào kéo Quý dậy phủi bụi bồm bộp. Bác tài đập vai Quý khen: "- Khá lắm". Lực đưa cọc tiền, bác tài cầm mân mê một hồi rồi giúi trả, cười tỉnh bơ: "- Anh giữ lấy, còn ối việc phải dùng đấy. Tôi cũng từng ở lính. Lính tráng độ nhau đoạn đường là thường, ân huệ gì đâu?.

Đoàn người lội băng qua rừng cỏ tranh đi mãi. Cơ thể như cái bình đựng nhiệt nóng lạnh thất thường, ai nấy đều mệt lả. Bà "xác ve" trượt té liên tục, hồng hộc thở như trâu. Thấy thế Quý "Rình" bảo: "Để tôi giúp". Rồi giằng lấy túi quàng chéo vai. Người đàn bà lặng lẽ gật đầu, ánh nhìn đầy vẻ biết ơn. Xóm làng người Kinh thưa thớt dần, đoàn người mỗi lúc thêm dấn sâu vào vùng Thượng. Chân cẳng bỏng rát như xát muối, tụ máu sưng vù. Kiệt sức, họ quyết định hạ trại bên một con suối.

Tiếng nước dội vào bờ đá ngân nga như tiếng đàn kinh-kôông. Mùi lá cơm nếp thơm lừng. Trong lúc mọi người tất bật thổi nấu, theo thói quen Quý "Rình" nhởn nhơ lội dọc suối. Gã khoan khoái hít đầy buồng phổi khí trời thượng du trong trẻo, lòng dấy lên những tình cảm thơ ngây mới lạ. Bất chợt gã dỏng tai lên nghe, lảnh lót đâu đây có tiếng cười thiếu nữ. "E..., cán bộ đi đâu kìa?" Quý giật mình quay lại trố mắt nhìn. Một tốp thiếu nữ Thượng đang tắm, da thịt ngâm lồ lộ giữa dòng nước. Thấy Quý, một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu từ từ đứng dậy, phần bụng và ngực để trần. Tấm váy mỏng dính bết vào đùi làm nổi cặp giò săn chắc. Đầu óc Quý quay cuồng. Gã như bị sắc đẹp kỳ lạ của thiếu nữ cướp hết hồn vía, tay chân líu ríu không dứt lên nổi. Trong một thoáng họ soi vào mắt nhau. Nụ cười ngỡ ngàng trên môi thiếu nữ làm gã bối rối. "Hơ-li, ngồi xuống chứ..." Tiếng cười của tốp thiếu nữ Thượng lại ré lên tinh nghịch. "- Này, vớ vẩn là toi mạng đấy..." Một bàn tay to bè đập mạnh vai Quý, hai cái bóng ngã nhào xuống đám cỏ. "- Anh Lực... Quý thảng thốt, đẹp quá". "ừ". Lực kéo mặt gã tai áp vào mặt mình thầm thì: "- Tao cũng thấy thế. Nhưng không đùa với gái Thượng được đâu con ạ".

Đám người tính ở lỳ luôn nhưng Lực bảo: "Đây là vùng Thượng, phải hỏi già làng". Mấy anh chàng cựu binh kéo nhau đi. Quý "Rình" bám càng. Trai gái ngồi chật nhà, chủ khách xúm quanh ché rượu cần vừa mút vừa râm ran chuyện. Thì ra đây là vùng căn cứ thời chống Mỹ. Già làng Đin Ngo tóc đỏ như râu bắp dốc cần rượu mời Lực, cười hà hà: "- Ngày trước cán bộ nhiều lắm, hết đánh nhau bỏ đi không về nữa". Nói rồi cất giọng hát, Quý "Rình" bốc máu giang hồ cạn liền mấy bát. Hơ-li uống cũng khiếp. Nhìn ánh mắt long lanh của nàng, Lực chột dạ: "Bỏ mẹ, nó yêu thằng Quý rồi". Lực đổ lúc nào không biết. Tỉnh dậy thấy Đin Ngo vẫn ngồi như tượng bên đống lửa, Quý cùng đám cựu binh đã biến tự bao giờ. Hình như già làng kém vui. Sau khi lấy than khoanh những vùng đất tốt. Đin Ngo bảo: "- Trai gái yêu nhau không được làm điều xấu. Lũ thanh niên mách người của mày định đổ nước con Hơ-li. Luật làng, tao phạt nó con trâu". Thôi, đúng thằng Quý rồi. Lực tức trào nước mắt. Trâu đâu mà đền bây giờ. Anh nói mãi, nói mãi rồi rút cọc tiền đưa cho Đin Ngo. Già làng ngửa mặt lên trời hú từng hồi dài. Tiếng hú đập vào màng tang, nghe rùng rợn như âm vọng man dại của núi rừng làm Lực nổi gai ốc.

Những gương mặt lo âu bừng lên niềm hoan lạc khi Lực về, người nào người nấy thở phào như trút được gánh nặng cho dù mảnh đất cắm dùi còn đang ở  phía trước. Lực gọi Quý ra một góc đồi chỉ mặt: "- Mẹ kiếp, hôm qua tao đã bảo đừng dây vào gái Thượng sao mày còn cố, đồ chó". Cú tống khủng khiếp làm máu mồm máu mũi xối ồng ộc. Quý "Rình" quệt máu, giọng buồn bã: "Anh tha cho em. Em yêu Hơ-li" "-Yêu?" Lực há hốc mồm nhìn gã, quả đấm chực tung ra bỗng chùng lại: " - Em yêu Hơ-li, Hơ-li cũng yêu em". Lực ôm đầu ngồi bệt xuống đám cỏ tự nhiên cảm thấy hoang mang cực độ. Anh không sao lý giải nổi vì lẽ gì hai đứa có thể yêu nhau chớp nhoáng như vậy. "Ôi giời ơi, chú Lực"... Có tiếng kêu thất thanh từ phía đoàn người. Lực như quên bẵng Quý "Rình" chạy xô tới: " - Cái gì?" Thấy Lực, bà "xác ve" quỳ thụp xuống đất chỉ lia lịa. A hà, một khẩu AK. Cây súng gẫy báng nằm lẫn trong cỏ, mưa gió lâu ngày trồi ra. Chiến tranh đã tắt hai mươi năm, người lính này còn hay đã chết? Trong tiếng gió hu hu dội ngang trời thẳm, đoàn người đứng im lặng, hình ảnh quê hương bốc ngùn ngụt trong những hố mắt thâm quầng. Một con chim phí như mũi tên lao vút qua, bay mãi, rồi mất hút mé sau rừng.

Làng Mới dựng ven suối dưới chân thác Voi Trắng. Núi đồi mênh mông thả sức phá phách, chẳng ma nào dòm ngó. Lửa khói ngập trời. Đất chưa kịp nguội, những chồi bắp  đã đâm lún phún. Bà "xác ve" nói cười oang oang, mặt mũi ngây ngất như gái mười tám. Cứ đà khai phá này, làng Mới chả mấy mà giàu sụ.

"Quý Rình" nằm thẳng cẳng trên bãi cỏ lau lơ mơ nhìn dòng thác trắng xóa nghĩ vơ vẩn. Hình ảnh Hơ-li với khuôn ngực rắn chắc, đôi môi mọng ngọt như mía đường choán ngợp trái tim giang hồ của gã. Một nỗi buồn kỳ lạ xâm chiếm lòng gã, nhoi nhói như kim châm tưởng chừng không chịu nổi. Gã muốn hét lên, muốn đập phá cho thỏa thích... Hơ-li, em còn nhớ ta không? Gã nghèn nghẹn gọi tên người yêu. Lực tới lúc nào Quý cũng không hay. Người cựu binh ngồi xuống bên cạnh, câm lặng như một tảng đá. Nhìn đôi môi còn sưng của Quý, tự nhiên anh cảm thấy ân hận. Lực nắm tay gã: "- Dậy đi em, anh thương mày lắm, nhưng trâu thóc đâu mà mua gái Thượng?" Quý "Rình" úp mặt xuống đất òa khóc nức nở.

Viễn du, sống chết trong gang tấc. Gạo thóc cạn kiệt, cơn đói khát bệnh tật tràn tới tàn phá làng Mới, người ốm như ngả rạ. Bà "xác ve" tay chân nổi sần từng cục rớm máu ăn ỉa tại chỗ, rên hừ hừ đòi về quê. Lực tập hợp đám đàn ông rồi nghiêm giọng bảo: "- Anh em mình phải làm gì chứ?".

Kéo cưa lừa xẻ cật lực. Rừng bị bóc trắng từng mảng loang lổ như lang ben. Gỗ bong tới đâu bán tới đó, giá rẻ   như bèo. Nhưng méo mó có hơn không. Những cây lát trăm năm đánh số kiểm lâm bị dồn hạ không thương tiếc. Thương lái Đắc Lắc, Sài Gòn đón lõng đầy đường lớn. Lực bảo anh em: "- Mình thà ngồi tù còn hơn trông bà con chết đói". Nói rồi quăng vèo tấm biển "Cấm phá rừng" xuống vực.

Nhờ thắng đậm mấy quả gỗ, dân làng Mới hồi sinh. Trong đám thợ xẻ không ngờ "Quý Rình" là một tay có hạng. Một buổi chiều, mấy anh em đang cưa cắt xoèn xoẹt, Quý "Rình" bỗng lửng lơ hỏi: "- Mình đi  bao lâu rồi nhỉ? "Quý lắc đầu buồn bã: "Em thương bà già". Đôi mắt ngơ ngáo của thằng con trai bỗng sáng bừng bừng. Gã đứng bật dậy lao rầm rầm xuống chân núi: "Hơ-li..." Gã gào lên. Lực nhìn hút theo tặc lưỡi: "Đồ quỷ".

Hơ-li đang dắt bò, nghe tiếng gọi thổn thức của người tình thì buông dây, ba chân bốn cẳng nhào vào vòng tay của chàng. Quý "Rình" thở hổn hển, ghì siết nàng hôn túi bụi: "- Anh nhớ em quá..." Gã cuống quít. Hai cái bóng cuộn vào nhau lăn trên cỏ. Dây áo đứt phựt. Quý "Rình" vục mặt vào vú Hơ-li hít lấy hít để. "- Ô... đau quá... Chưa được đâu... Yàng phạt đó", "- Kệ Yàng". Cơn mưa hôn của gã hối hả tưới khắp môi mặt thiếu nữ, Hơ-li giẫy đạp đùng đùng một hồi rồi bỗng nhiên cảm thấy cơ thể mềm nhũn. Vòng tay nàng ôm siết người tình, vừa hôn vừa thầm thì những lời của gió: "- Yàng ơi, yêu quá ". Mùi da thịt, mùi cỏ dại nồng  nàn quyện vào nhau. Đầu Quý gối trên đùi Hơ-li. Gã rì rầm kể cho nàng nghe chuỗi ngày rong chơi ở quê hương, về người đàn bà khốn khổ mẹ gã, cuộc ra đi như trốn chạy... Đôi mắt thiếu nữ mở to thích thú, thỉnh thoảng nàng kêu lên: "- Ô, hay quá..." Như mọi thiếu nữ Thượng, Hơ-li không mặc coóc-sê. Cặp vú cương cứng của nàng thở phập phồng. Nghe Quý khen mình đẹp hơn con gái Kinh, Hơ-li sướng phát khóc. Rồi họ lại chìm trong nhau.

Quý dắt  Hơ-li tới chỗ đám thợ chỉ Lực bảo: "- Đây là già làng của anh". Thiếu nữ Thượng quỳ xuống giơ một cánh tay để trần ra phía trước. Thôi bỏ mẹ rồi, Lực bối rối, vung dao chặt đứt phăng dây thước thợ. Quý "Rình" bảo: "- Trên rừng dưới rú, anh làm chứng cho em". Lực gật đầu, ấn gã quỳ bên  Hơ-li rồi buộc thắt dây vào đôi cổ tay. Không khí bỗng thiêng liêng lạ lùng. Lực, Quý cùng đám thợ, không ai bảo ai tự nhiên ứa nước mắt.

Ông con họ Chử tắm trong hạnh phúc với công chúa thượng du. Đêm đêm, sau những  phút giây khoái lạc,  Hơ-li thỏ thẻ hát cho chồng nghe những bản tình ca lấp lánh ánh trăng và suối ngàn của giống nòi nàng, Quý hỏi vợ: "- Những người khác có hát không?"   Hơ-li cười, mắt long lanh: "- Hát chứ. Ai cũng hát. Người già bảo không hát thì chết".

Làng xóm mọc như ổ mối lấn sâu mãi vào vùng Thượng. Núi rừng điệp điệp bị chặt vỡ nham nhở lòi từng khúc ruột đỏ ối. Vợ chồng Quý nhờ có bò, bạt thêm được mấy bạt lớn bên suối. Làm hùng hục như trâu húc mả, mệt nhưng ấm bụng.  Hơ-li bén hơi chồng quấn quít không rời xa một bước. Nàng bảo: "- Vợ chồng như cái chân cái tay, xa nhau là chết". Nhưng không hiểu sao dạo này nàng có vẻ lo lắng, gương mặt như bông Pơ-lang bị héo xanh xao. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, nhìn qua tấm liếp nứa thấy trăng như hòn máu đã trôi ngang bìa rừng mà  Hơ-li vẫn chưa ngủ. Quý cảm thấy thương nàng da diết.  Hơ-li nắm tay gã áp lên cái bụng nhu nhú, giọng thổn thức: "- Người già bảo trăm năm một lần động rừng, ông sao Bắc tối lắm, chết mất".

Buổi sáng sương mờ,  Hơ-li ra suối gùi nước thấy nhiều vết chân lạ. Nàng soi mắt nhìn rồi kinh hoàng bỏ chạy. "- Có con thú ác về đêm qua, làm sao bây giờ". Thân hình bé bỏng của nàng run lên. Quý kéo vợ vào lòng vuốt nhè nhẹ. "- Đừng sợ, em. Con thú ác thì mình đuổi nó đi". Giọng gã kiêu bạc. Những tiếng nấc dịu dần.  Hơ-li ngước mắt nhìn chồng, nghẹn ngào: "Khó lắm. Không được đâu. Con thú ác lắm".

Đầu óc Quý rối tinh rối mù. Gã xách dao băng rừng tìm Lực kể một mạch về những điều vợ nói rồi bưng mặt khóc   hu hu. Lực ngồi trầm ngâm, râu tóc lởm chởm trông phát khiếp. "- Ôi dào, đẩu điếc chó gì, đang đói rã..." Câu nói của người cựu binh gẫy nửa chừng, anh vừa cảm thấy hình như đâu đây có mùi gì là lạ. Cơn rùng mình chạy suốt cơ thể. Lực cuốn dây bảo đám thợ: "- Thôi ta về".

Trong lúc đám đàn ông đi rầm rầm thì   Hơ-li đang gùi nước. Gió quét rào rào qua thung lũng, váy áo   Hơ-li bay tốc nàng cũng chả thèm giữ, có ai đâu mà sợ. Núi rừng đẹp mê hồn trong ánh sương tan nâng bổng gót chân thiếu nữ. Bất chợt nàng bàng hoàng ngồi thụp xuống. Một con voi trắng lực lưỡng  đang quậy phá tứ tung đồi bắp. Cái xoáy nghịch giữa trán mách thiếu nữ con thú này xấu.  Hơ-li chạy vòng vèo. Voi trắng bám theo một đoạn rồi quật đuôi xuống nhìn, to xác mà té lộn thì toi mạng. Cái vòi của con thú như chiếc tù và ngoại cỡ chọc lên trời gào rú từng hồi thê thảm.

Nghe tiếng rú, con bò giật tung dây phi xuống thung lũng. "- Đứng lại..." Tiếng thét gọi bò của Quý bất chợt vang lên làm  Hơ-li choáng váng. Gã trai xóm chưa ý thức được nỗi hiểm nguy rừng rú lao như thiêu thân. "- Yàng ơi..."  Hơ-li ngửa cổ gọi trời. Gương mặt Quý choán ngợp tâm trí nàng. Thiếu nữ như chim phí bay vút tới cắt ngang đường con thú. Gió táp ù bên tai. Con thú bị chọc phá giận dữ quay ngoắt lại. Cái tù và khủng khiếp tung lên. "Hơ-li..." Quý gào lên. Tiếng kêu đau đớn của gã đập vào vách núi dội ngược trở lại ầm ầm thung lũng. Đôi mắt đầy lửa của con người trong giây phút tuyệt vọng làm con thú hoảng loạn co vòi biến thẳng vào rừng.

Xác  Hơ-li được chôn theo tục lệ Kinh. Năm chục dân Làng Mới người nào người nấy mặt mũi tái dại, mắt đỏ ngầu nuốt hận vào lòng. Bà "xác ve" áo xống tơi tả ngửa cổ chửi trời rầm rầm, lăn lộn hú gọi hồn thiếu nữ. Khói hương trắng như sương bay là là rồi cuộn thành vòng thấm xuống đất.

Quý "Rình" ôm mộ vợ khóc ròng ba đêm rồi biệt tích. Bà "xác ve" bảo thấy gã nhảy xuống vực dưới chân thác Voi Trắng. Nhưng người khác lại bảo gã chán đời dông về quê chứ chết thế đếch nào được. Không tìm thấy xác gã. Đêm ấy, sau mười ngày ba tháng ly hương, Lực cảm thấy cô đơn lạ lùng. Trong tiếng gào rú ghê rợn của thác ngàn gió núi, đôi mắt đau đớn của người cựu binh mở trừng trừng hướng tìm ngôi sao Bắc. Hình như hai mươi năm trước trong anh từng có một đêm như thế.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com