hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-797.htm

phạm duy tương

Người chồng thứ nhất

Ông Năm lại nghe con trai thì thầm mách chuyện ông thương binh hàng xóm nhìn qua lỗ hổng bức tường. Ông bực lắm nhưng không nói gì. Chính ông cũng đã đôi lần bắt gặp đôi mắt của người hàng xóm lấp lánh sau lỗ hổng nham nhở giữa bức tường ngăn cách khoảng sân hai nhà. Lỗ hổng chỉ đút lọt nắm tay, chẳng hiểu vì sao mà có. Hồi mới về, cách vài năm trước, ông đã thấy nó. Lúc ấy, căn nhà bên còn đóng cửa nên ông không chú ý đến cái lỗ hổng. Vài tuần nay, căn nhà được cấp cho một ông thương binh già nghe đâu có nhiều công lao. Nghe thôi, một cách phong thanh từ đứa con trai của ông, chẳng biết thật hư thế nào. Thị xã nơi ông ở còn nghèo, chưa bằng ai nhưng dăm năm nay cũng đã thay đổi nhiều. Cuộc sống sôi động, náo nhiệt hơn. Mỗi người đâm ra lắm bận bịu, lo toan, ít còn thời gian quan tâm đến hàng xóm, nhất là hàng xóm mới về sợ mang tiếng tò mò, tọc mạch không hay ho gì. Thiện ý cũng dễ bị hiểu lầm. Bởi vậy, biết ông hàng xóm là thương binh, ông Năm có cảm tình, song chưa dám đường đột thăm hỏi. Ông thương binh láng giềng về tuần trước, tuần sau thấy sắm chiếc xích lô đi chở khách. Dáng ông gầy gò còng lưng trên chiếc xích lô trông tồi tội. Ông đội một chiếc mũ có lưỡi trai dài ngoằng, che sụp nửa mặt, lại thêm hai dải vải bịt kín hai bên má, như mũ xứ lạnh, nên chẳng nhìn rõ được mặt mũi. Nghe đâu, ông bị thương khủng khiếp lắm, khuôn mặt đã thành dị dạng nên đội mũ vậy để che bớt đi. Thì cũng từ miệng đứa con trai của ông nói ra. Bọn trẻ vốn mau chuyện hàng xóm. Ông chỉ mới gặp ông hàng xóm qua đôi mắt sau lỗ hổng ở bức tường, lúc đầu ông không để ý nhưng dần dần ông đâm khó chịu. Tại sao có sự tò mò vô lối ? Ông ta đâu còn trẻ dại, thơ ngây gì! Nhìn ông ngoài đường đi về lặng lẽ, đầu cúi xuống tư lự thì rõ là người từng trải. Có lần cánh thanh niên chạy xe máy, lạng lách quá đà suýt đâm vào ông còn nặng lời với ông, ông vẫn im lặng.

- Bịt cái lỗ hổng ấy lại, cha ạ. - Con trai của ông Năm nói.

- ờ! Để cha thử gặp ông ta trước đã. - Ông Năm bình tĩnh bảo con. Chiều tối, áng chừng ông thương binh đã cơm nước xong, ông Năm chỉnh tề áo quần, đi sang.

Ông gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Lúc lâu, ông mạnh dạn đẩy cửa. Ông thương binh đang ngồi bên bàn, chăm chú xem cái gì đó trên tay, nghe động, giật mình quay lại. Khuôn mặt ông hiện rõ giữa quầng sáng ngọn đèn, không dị dạng như lời đồn đại. Đúng là có mấy vết thẹo làm méo mó mũi, miệng song không đến nỗi dị dạng. Ông cuống quít quờ tay tìm chiếc mũ cố hữu, định chụp lên đầu. Nhưng không kịp nữa rồi. Trong khoảnh khắc bất ngờ, không kịp che giấu, đề phòng ông đã hiện rõ con người không xa lạ với ông Năm. Ông Năm thét lên:

- Anh Huân, trời ơi...

Đó là người đại đội trưởng của ông, người bạn chí cốt của ông, nhiều năm sống chết ở chiến trường. Trong đại đội, hồi đó, ông Năm là đại đội phó, bà Lan là y tá. Ông Huân lấy bà Lan được ba ngày thì cả đại đội bị một trận bom B52, hy sinh gần một nửa. Các chiến sĩ chỉ tìm được chiếc ba lô đẫm máu của đại đội trưởng và trong đêm đó phải tiếp tục hành quân.

Ông Năm lại thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi... Đơn vị đã báo tử anh...

- Chú ngồi xuống đi. - Ông Huân khẽ khàng nói. - Tôi bị sức ép văng xuống một con suối cạn, ngất xỉu ở đó bà con dân tộc đi lấy nước bắt gặp. Rồi lại chiến đấu bị địch bắt đầy ra Phú Quốc.

Ông Năm bíu tay vào mép bàn, mái đầu đốm bạc gục xuống.

- Không ngờ cơ sự lại như vậy. - Ông Năm đau đớn rên rỉ. - Sau đêm ấy, mấy năm tôi ra bắc học còn Lan, được phục viên. Gần giải phóng, chúng tôi mới về sống với nhau. Tôi không chịu nổi cảnh Lan đau đớn, héo mòn. Anh có hiểu cho tôi không ? - Ông Năm ngước lên, đôi mắt mở to, run rẩy. - Chúng tôi vẫn giữ chiếc ba lô của anh, lập bàn thờ anh đến giờ...

Ông Năm bật khóc. Tiếng khóc cố nén, đùng đục trong cổ họng nghe thật nặng nề.

Ông Huân ngồi bất động, đăm đăm hướng vào góc nhà đầy bóng tối.

- Tôi đã biết. - Giọng ông Huân vẫn nhẹ nhàng. Ông Năm lau nước mắt, chợt phát hiện một tấm ảnh của bà Lan hồi còn trẻ ở trên bàn, trước mặt ông Huân. Ông Huân nói tiếp: - Đêm nào, tôi cũng ngắm hình cô ấy. Tôi không yêu được người phụ nữ nào khác nữa nhưng cũng không muốn khuấy động cuộc sống cô ấy với chú. Tôi đã lánh mặt, ngờ đâu đời lại trôi dạt về gần nhau. Già rồi, tôi  không thể đi đâu được nữa, mong chú để cho tôi yên ổn sau cuộc gặp gỡ này. Tên của tôi hiện nay là Nhuần.

- Sao? - Hai bàn tay ông Năm buông mái đầu. Ông ngửng phắt lên. - Không! Tôi phải báo ngay tin mừng này cho cả nhà biết, ngay bây giờ. - Nói rồi ông vùng chạy ra cửa.

Ông Huân lao theo.

- Tôi xin chú. - Giọng ông Huân thống thiết. - Nếu không thì cũng thư thả cho ít ngày để tôi chuẩn bị tinh thần.

Ông Năm ngẫm nghĩ, gật đầu.

Từ hôm đó, ông Năm thường sang thăm ông Huân. Họ bàn cách sắp xếp cho ông Huân gặp bà Lan. Quả là khó! Hai ông từng trải trận mạc, có tiếng linh hoạt, thông minh nhưng đó là chiến trường. Còn trong chuyện này, họ vụng về. Thật ra, nếu cứ nói toạc sự thật, cốt giải tỏa nỗi day dứt thì cũng chẳng có gì phải bận tâm, song mục đích của hai ông không phải vậy. Họ hành động vì sự tôn trọng lẫn nhau, vì tình yêu đối với bà Lan, họ muốn giữ được những gì tốt đẹp cho mỗi người. Cuối cùng họ cũng tìm được một cách sắp xếp. Sắp tới ngày hẹn, hai ông không giấu nổi sự xúc dộng. Bỗng một hôm đang ngồi trầm ngâm bên nhau, ông Năm thấy đau quặn ruột, không thở được. Người ông vã mồ hôi đầm đìa. Ông được cấp tốc đưa đến bệnh viện: ông bị ung thư gan. Phát bệnh nghĩa là ông sắp chết, hậu quả của những năm ở chiến trường gian nan, ăn sương nằm hầm.

- Tôi đã phải ra đi trước anh. - Lúc chỉ có hai người , ông Năm thều thào. - Trước lúc nhắm mắt, tôi muốn thấy anh gặp lại Lan.

Ông Huân vội nắm lấy bàn tay còn da bọc xương của người bạn thủy chung.

- Đừng, chú đừng nói. Lúc này không phải lúc nói chuyện đó.

- Còn dịp nào nữa hả anh?

- Một người phụ nữ không thể chịu đựng nổi cái cảnh cùng một lúc, chồng mới ra đi, chồng cũ sống trở về.

Ông Năm nhắm mắt thiếp đi. Dường như ông vừa gắng gượng quá sức, tay vẫn để yên trong tay ông Huân. Hồi lâu ông mở mắt:

- Anh hứa với tôi, ngay sau khi tôi chết - Giọng ông Năm rành rọt. - Anh phải cho cô ta biết sự thật nhé!

Ông Huân gật đầu.

Cái tang quá lớn đối với một gia đình chỉ còn hai mẹ con. Ông Huân do dự, không dám thực hiện lời hứa với người quá cố. Nhẫn tâm quá, nếu đem sự sống lại của mình làm phai mờ hình bóng của người vừa nằm xuống? Ông Huân trăn trở. Cuối cùng, ông hẹn với vong linh của bạn, đợi sau ngày đoạn tang.

Bà Lan đang làm hiệu trưởng một trường mẫu giáo sau mấy ngày nghỉ, lại đến trường. Hồi còn ông Năm, bà được ông Năm đưa đón bằng xe máy. Bây giờ bà nhường xe máy cho con trai đi làm, còn bà đạp xe đạp. Sức khỏe của bà đã yếu lắm. Nhiều buổi trưa, đạp xe về đến nhà, bà nằm vật ra, bỏ cả cơm. Một buổi sáng, bà vừa đẩy xe đạp ra cổng, gặp ông Huân đạp xích lô tới.

- Xin lỗi, dạo này trông bà không được khỏe. - Ông Huân nói nhanh như sợ bà Lan bỏ đi mất. - Bà ngồi lên xe tôi chở giùm, cùng đường ra bến rước khách của tôi mà.

- à vâng. Có lẽ nên như vậy. - Bà Lan cười rụt rè. - Xin cảm ơn ông.

Dọc dường, ông Huân gợi chuyện.

- Nếu có thể, hàng ngày tôi sẽ đưa bà đi về.

Bà Lan nghĩ bụng, đây cũng là cách giúp người thương binh láng giềng đơn chiếc mà lúc còn sống chồng bà vẫn quý trọng, liền đồng ý. Đi với nhau lâu thành quen, bà Lan hay đem chuyện nhà, chuyện trường, đôi lúc cả suy nghĩ riêng tư bộc bạch với ông. Ông cũng tâm sự với bà. Tuy vậy, tâm sự của ông chỉ là những vui buồn hiện tại. Có lần, bà Lan hỏi:

- Vậy chứ... gốc gác quê của ông ở đâu ạ?

- à. - Ông cười. - Thì bà đã thấy đó, ở đây nè!

Nghe ông cười vui vẻ , bà hỏi tiếp:

- Tôi nghe nói, ông có vợ con?

- Vâng, nhưng... qua đời hết cả rồi. Xin bà đừng gợi lại chuyện này.

Từ đó, bà Lan không dám hỏi về đời tư của ông. Song, thâm tâm bà rất muốn biết. Bà linh cảm có điều gì đó khác lạ ở người thương binh khắc khổ, kín đáo. Đôi lần bà lén nhìn kỹ khuôn mặt ông, dưới vành mũ đội sụp tối tăm, mũi, miệng bị vết thương làm biến dạng, méo mó phảng phất nét quen quen. Cái dáng gò lưng trên xe của ông, dường như bà đã gặp ở đâu đó rồi. Nhất là ánh mắt, bà cảm thấy gần gũi, tin cậy. Một mối cảm tình lớn dần lên trong lòng.

Ngày đoạn tang ông Năm đến và qua.

Ông Huân bắt đầu cảm thấy không thể kéo dài cái cảnh đóng kịch được nữa. Đã quá sức chịu đựng của ông. Cả ông và bà, sao quá cô đơn, nỗi cô đơn họ không đáng phải chịu! Nếu ông còn tự hành hạ mình, hành hạ bà thì thật là dối trá. Ông thấy đã đến lúc phải nói lên sự thật. Không còn ông Năm, ông cứ bộc tuệch mà nói, rồi sau đó ra sao thì ra.

- Chiều nay, thứ bảy, bà về sớm chứ ạ ? - Trước lúc bà lên xe, ông hỏi.

- Dạ, chiều nay tôi ở nhà. Chẳng giấu gì ông, cháu có hẹn đưa bạn gái về ra mắt.

- Thế ạ. Hơn hai mươi rồi nhỉ ! - Lặng đi một lúc, ông nói tiếp, giọng khản đặc - Mừng cho bà và cháu.

Ông lén nhìn qua lỗ hổng bức tường. Đôi trai gái xuống xe tươi tắn bước đến chào bà Lan. Nét mặt bà Lan rạng rỡ. Những lời nói dịu dàng, những ánh mắt trìu mến, cử chỉ ân cần. Ông đau đớn thấy rằng, hạnh phúc của họ đã đầy đặn, không còn chỗ trống cho ông. Niềm hạnh phúc ấy không cần đến ông. Thật xót xa khi nhận thấy cuộc đời mình hóa ra thừa đối với người xiết bao thân thiết! Hóa ra, bấy lâu mình sống trong ảo tưởng. Cứ nghĩ, cuộc sống còn chờ đợi mình. Sự thật ngược lại. Thời gian cứ trôi và đến ngày đám cưới của đôi trẻ. Bà Lan tha thiết mời ông: Ông ráng sang với cháu nhé! Ông trả lời: Vâng, thế nào tôi cũng sang. Nhưng rồi ông không sang. Ông không đủ sức hòa vào niềm vui đông đúc, náo nhiệt của đám cưới. Ông nằm trằn trọc. Tiếng nhạc, tiếng cười nói từ bên đó vọng sang mồn một, nhói vào tim ông. Lòng ông chợt cồn lên niềm khát khao cuộc sống bình dị. Ông thèm được đóng bộ đồ đại lễ, đi bên bà Lan mặc bộ đồ trắng như tuyết, ôm trước ngực bó hoa tươi mà ông vẫn thấy các cô dâu chú rể trên đường phố. Đời ông không có niềm vui bình thường đó, vĩnh viễn, ông biết vậy song vẫn khát khao và càng khát khao trong đêm nay. Ông cảm thấy bị hắt hủi, bị xúc phạm, bị đối xử bất công. Vết thương trở đau, ông vặn mình ôm lấy thành giường nghiến răng chịu đựng. Đã nhiều đêm, ông nghiến răng chống chọi với cơn đau, nhưng đêm nay cơn đau vượt quá sức chịu đựng của ông. Khi cơn đau dịu bớt, ông tụt xuống giường, quyết liệt lần ra cửa. Lúc này, phải ngay lúc này chứ không thể chờ đợi lúc nào, ông lẩm bẩm, ta sẽ bỏ chiếc mũ ra, cho mọi người biết ta là ai, bà Lan phải biết ta là ai. Ta có quyền được hưởng tình yêu như mọi người. Ông lập cập bước xuống bậc tam cấp, đúng lúc bà Lan tìm sang.

- Chào ông. - Tiếng bà ân cần, trong trẻo. - Xin mời ông sang. Tôi và các cháu mong ông từ chiều.

Ông sững lại, đứng thẳng người lên. "Tôi và các cháu", nghĩa là bà cũng mong ông? Hình như bà đưa tay ra đỡ ông. Ông cầm lấy tay bà, giây lát vội bỏ ra. Ông cảm thấy nghẹt thở. Ông nhìn thấy bà rụt rè cười chẳng hiểu sao ông lại nói:

- Cảm ơn bà và cháu. Trở trời, vết thương của tôi lại đau, đi một bước cũng khó khăn. Thôi, bà cứ coi như tôi đã có mặt.

Cái ý định nhảy bổ vào giữa đám cưới tự lột mình, đòi hỏi hạnh phúc cho mình, vừa nãy quyết liệt, giờ đã tan biến. Tiếng nhạc, tiếng cười nói vui vẻ lúc này lại ngăn cản ông. Ông đưa tay muốn tìm tay bà nhưng bà đã lùi xa, đang trân trân nhìn ông. Ông vội cười kéo sụp vành mũ xuống.

Ông lại hay nhìn qua lỗ hổng bức tường, lén ngắm cảnh hạnh phúc gia đình. Vợ chồng bịn rịn, quyến luyến nhau mỗi sáng, mỗi chiều. Mẹ con chào hỏi nhau mỗi lúc đi về. Bữa cơm, tiếng trò chuyện râm ran hòa với tiếng đũa bát lách cách. Ông cảm thấy được an ủi. Ông như được hít thở cái không khí ấm cúng bên đó tràn sang, như được đắm mình trong ánh mắt tin cậy của người nhà. Ông có cái thú vui, hàng ngày đi trên đường nghe bà Lan tâm tình chuyện về con dâu, những điều hay dở, trưa chiều về nhìn qua lỗ hổng bức tường chứng kiến những hình ảnh sống động. Hạnh phúc gia đình, nhìn từ bên ngoài thường đẹp, thi vị. Thế nhưng niềm vui lén lút, thui thủi này của ông Huân kéo dài không được lâu. Anh con trai đã thấy việc thường xuyên nhìn qua lỗ hổng bức tường của ông, bèn mua xi-măng trám lại. Anh cũng không cho bà Lan đi xích lô của ông Huân nữa. "Con sẽ mua thêm chiếc xe máy, hàng ngày vợ con đưa rước mẹ". - Anh ta nói vậy và làm liền.

Ông Huân cũng bán chiếc xích lô, nghỉ ở nhà. Sức khỏe của ông suy sụp hẳn. Ông không trách móc gì anh con trai bà Lan. Ông hiểu rằng, thời của ông đã qua rồi. Cuộc sống không còn gì để ông phải giận hờn, trách móc. Ông vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ, tổ hưu trí ở phường đều đặn, song lặng lẽ. Ông thường chọn một góc kín ngồi nghe mọi người phát biểu, trò chuyện. Chỉ khi chuyện vui vầy ông mới góp vào còn mọi cuộc tranh luận ông đều né tránh. Sâu kín lòng ông, ấp ủ niềm mong ước nhỏ bé cuối cùng: Bà Lan nghỉ hưu? Ông sẽ được đi bên cạnh bà mỗi bận họp hành. Đến lúc đó, ông sẽ kể hết mọi chuyện với bà, những nỗi truân chuyên của đời ông, những khốn khó ông phải chịu dựng. Bộc bạch mà không đòi hỏi. Ông chỉ cần được thổ lộ với bà, chỉ một lần thôi, chỉ một ngày thôi rồi nhắm mắt cũng thỏa. Ông thấp thỏm chờ đợi, hy vọng, ông tin rằng ông còn sống đến ngày đó. Ông không ngờ, cái dịp cho ông thổ lộ với bà đã đến nhanh hơn, không phải chờ lâu như ông tính. Một hôm, ông đang ngồi cô đơn sưởi nắng, lòng đầy rầu rĩ, thì bà Lan sang khoe:

- Con dâu tôi vừa sinh cháu trai ông ạ.

Ông giật mình, cười đón bà. Bà nói tiếp:

- Tuần tới, chúng tôi làm lễ đặt tên cho cháu. Tôi muốn mời trước, hôm đó ông sang với gia đình.

Ông cố nén xúc động, lúng túng nói:

- Thưa bà, hình như... tôi không được cảm tình của cậu bên nhà...

- Tôi đã bàn với cháu và đã quyết định. - Bà nói nhanh. - Hơn nữa, việc này nhà tôi đã có dặn trước lúc nhắm mắt. - Bà rút khăn chấm nước mắt. - Hôm đó, chúng tôi chỉ mời ông. Đối với tôi, ông như người trong nhà.

Bà thổn thức thành tiếng. Ông Huân luống cuống không biết nói gì. Chợt khuôn mặt bà tái mét, đôi mắt mở to nhìn ông, run giọng hỏi:

- Hồi ở bộ đội, ông có quen người nào tên là Huân không?

- Cái gì ? - Ông Huân kêu lên và nhổm dậy. Ông đã định thét lên rằng Huân chính là ông, song kịp kìm lại, nói. - Không bà ạ.

Khoảnh khắc ấy, ông nhận ra cơ hội chờ đợi bao lâu đã tới. Không còn dịp nào thuận tiện hơn. Sự sống lại của ông cùng sự tái sinh của ông Năm, trong đứa bé, đó là điều bất ngờ tuyệt vời. Niềm vui sẽ trọn vẹn biết bao! Suốt cả tuần lễ ấy, ông như trẻ ra. ăn ngon miệng, ngủ đẫy giấc. ôi, sau bao nhiêu khắc khoải cuộc đời cũng mỉm cười với ông. Ông trở nên sôi nổi, bồn chồn đi vô đi ra. Căn nhà trống trải, lạnh lẽo của ông đông vui, ấm áp hẳn lên theo tiếng trẻ o oe vọng sang. Ông lắng nghe, lòng khấp khởi không kể xiết. Ông kiếm nén nhang, bó hoa ra mộ ông Năm. Ông thì thầm với người bạn cố tri rằng, lời hứa với ông sắp được thực hiện. Cuộc đời ông, chưa bao giờ thất hứa với bạn bè, thuở chiến tranh cũng như bây giờ lúc đã già. Cuối cùng, hạnh phúc đã đến với ông, với bạn bè của ông, những người bạn chiến đấu, một cách thật đầy đặn, trọn vẹn. Họ vẫn là bạn của nhau. Dù bao trớ trêu của số phận, họ không phải ân hận, hối tiếc gì, thanh thản ngồi nhìn thẳng vào mặt nhau, tự hào về nhau và về chính mình. Suốt buổi ông trò chuyện, tâm sự với ngôi mộ, tỉ mẩn nhặt từng ngọn cỏ. Chiều hôm đó, ông về nhà bị cảm nặng. Ông gọi một chiếc xích lô đưa lên bệnh viện. Nửa đêm, ông lặng lẽ ra đi...

Hôm sau, bà Lan hay tin, tá hỏa chạy đến bệnh viện. Người ta đã đưa xác ông về quê chôn cất, theo nguyện vọng của ông. Như tiếng sét bên tai khi bà nghe đến tên quê hương ông. Bà lảo đảo thuê một chiếc xe lần theo.

Hai bàn tay đỡ bà ngồi dậy. Bà tỉnh dần, ngước nhìn: Con trai của bà.

- Như thế này nghĩa là sao hở mẹ? - Chàng trai trân trối nhìn tấm bia đá, nét khắc còn tươi mới, tên ông Huân thay vì tên Nhuần như anh vẫn biết.

- Sự thật đó con. Lần này, mẹ đã mất ông thật rồi...

Chàng trai vội quỳ sụp xuống. Bà Lan nghẹn ngào:

- Sau này, con nhớ luôn thắp nhang cho ngôi mộ này.

Chàng trai chắp tay vái thay cho câu trả lời.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com