Ngôi nhà mặt tiền bên đại lộ, hôm ấy, người tấp nập ra vào. Đó là bạn bè của phó tiến sĩ dược học Mã Thị Sinh. Họ đến chúc mừng chị vừa hoàn thành một công trình khoa học: chiết xuất độc tố trong một thứ cây, điều chế ra một biệt dược.
Cuộc mừng thật giản dị: chỉ có hoa, những lời chúc chân tình và thái độ nể trọng. Khách về, trong phòng còn lại hai vợ chồng. Anh âu yếm nói với chị:
- Anh thật có lỗi. Đến bây giờ, anh vẫn chưa biết nguyên nhân gì dẫn em tới nghề dược.
Chị cười nhận lỗi:
- Ôi, em thật vô tâm. Vợ chồng nói với nhau bao nhiêu chuyện vui buồn, vậy mà chuyện này em lại chưa nói với anh.
Ngừng giây lát, tuồng như để chị cắm lại mấy bông hoa trong bình. Thực ra chị cần thời gian để cân nhắc nên nói với anh điều gì. Trong đầu chị như có cuốn phim chiếu nhanh. Những gì đã xảy ra mấy chục năm về trước, đang hiện lại. Đó là niềm vui và nỗi buồn của gia đình chị. Ôi, chưa thể nói với anh hết mọi chuyện lúc này.
- Hồi ấy, học xong cấp ba, chúng em bàn nhau theo Đại học Y. Người ta nói :"'Nhất y, nhì dược, tạm được...". Riêng em có lần phải điều trị ở bệnh viện, được các thầy thuốc ân cần chăm sóc, khiến em thấy trong họ có cái gì cao quý. Từ đấy, hình ảnh người thầy thuốc đã trở thành khát vọng trong em. Khốn nỗi, em rất nhát. Chỉ cần trông thấy người ta cắt tiết gà, là em đã sợ. Thế là em phân vân: Hay là chuyển sang dược - em nghĩ - chẳng "nhất" thì "nhì" vậy. Đúng vào lúc ấy, có một sự việc xảy ra : Em phát hiện cha em có một cây thuốc của dòng họ. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong đời em. Chính nó là nguyên nhân khiến em dứt khoát theo nghề dược.
Còn về cây thuốc ấy là cả một câu chuyện dài. Em hiểu về nó chưa nhiều. Em vẫn mong có dịp nào đấy sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cây thuốc và những gì liên quan đến nó .
Trong một vùng núi non trùng điệp, ngọn cao nhất có tên là Núi Mẹ. Vào những ngày mây thấp, Núi Mẹ và Trời hòa quyện vào nhau. Do vậy, người ta còn gọi nó là Thiên Sơn. Rồi Thiên Sơn trở thành địa danh một vùng.
Dòng họ Mã Đại đã sống ở vùng Thiên Sơn nhiều đời. Trưởng họ là Mã Đại Pẩu. Năm ba mươi tuổi, Đại Pẩu mới sinh được đứa con trai. Đại Pẩu mừng lắm vì đã có người tiếp nối dòng họ. Vậy mà người dân Thiên Sơn, cứ dị nghị về tướng mạo thằng bé. Đại Pẩu tìm thầy tướng về xem cho con. Thường thì thầy tướng mở đầu bằng câu: "Nhân hiển tại mạo", rồi thầy phán những lời tốt đẹp. Lần này, thấy thằng bé có khuôn mặt bé xíu, cái trán dô quá cỡ làm mặt nó gẫy gập như một hòn đá núi; đôi mắt nó bé tí teo, cái miệng lại quá to và vẩu. Thầy chợt hiểu vì sao người ta nói: "Trông thằng bé lại nghĩ đến tổ tiên loài người". Rồi thầy kêu lên: "A Lúi... thằng bé này khác lắm á!" Đại Pẩu lơ mơ cảm thấy trong lời thầy tướng có ý gì đó sâu xa, nhưng không hiểu được là tốt hay xấu. Mặc, Đại Pẩu khoe với mọi người: "Thằng bé giống ông nội như đúc", rồi đặt tên nó là Đại Tẩu.
Năm tháng qua đi, Đại Tẩu đến tuổi trưởng thành, nhưng tướng mạo thì không đổi. Đại Pẩu đã ngỏ lời tìm vợ cho con, nhưng không ai ưng thuận. Đại Pẩu cho việc người ta từ chối lấy Đại Tẩu là cái nhục cho dòng họ Mã Đại. Trong đầu ông ta nảy ý định rửa nhục.
Hồi ấy có câu ca: "Trai Nà Cải, gái Thiên Sơn". Quả thật, gái Thiên Sơn xinh đẹp và dịu dàng hơn so với con gái vùng khác. Trong số các cô gái ở Thiên Sơn mới lớn, Nông Thị Ban là người trội hơn. Ban có thân hình cân đối, da trắng hồng, đôi mắt sáng, cái miệng lúc nào cũng như cười. Ban như một bông hoa rừng đầy hương sắc. Nhiều chàng trai trong vùng muốn hỏi Ban làm vợ, nhưng trước sắc đẹp của cô, họ còn dè dặt. Chính Ban cũng nhận ra điều đó khi cô bắt gặp những cái nhìn say đắm của trai bản. Ban thầm ước, chồng cô sẽ là một chàng trai xinh đẹp, khỏe mạnh và tài giỏi. Tự nhiên mặt Ban đỏ bừng, cứ như có người biết được cô vừa nghĩ gì. Trong lòng Ban tràn ngập niềm vui.
Vậy mà bỗng dưng cả vùng Thiên Sơn đồn ầm lên: "Cái Ban có ma gà", "Về tối, mắt cái Ban đỏ ngầu, cái miệng nó chảy nhiều rãi". Rồi người ta khẳng định: "Con gái có ma gà mới đẹp như vậy".
Cái tin ấy làm Ban rất khổ tâm. Ban nghĩ: Rồi đây mọi người sẽ xa lánh mình. Không ai dám lấy mình làm vợ. Quá đau khổ, nhiều đêm Ban không ngủ, khóc thầm. Cha mẹ thương Ban lắm, nhưng không có cách nào san sẻ.
ở vùng Thiên Sơn, con gái ngoài hai mươi tuổi mà chưa lấy chồng, đã xem là muộn. Khi ấy, thường phải chấp nhận lấy người con trai kém thua mình. Hoàn cảnh của Ban không chỉ là muộn, mà còn tệ hơn. Điều đó Đại Pẩu hiểu rất rõ. Đến lúc ấy ông ta mới bảo con:
- Này, Đại Tẩu, cha cưới cái Ban cho mày. Mày bằng lòng chứ?
- Lấy cái Ban? - Đại Tẩu nói - Để cái ma nó vào nhà mình à?
- Không đâu! Đó là chuyện nhảm nhí do tao bịa ra. Không có cái ma nào cả. Chỉ tháng sau, đám cưới Mã Đại Tẩu và Nông Thị Ban được tổ chức. Từ ngày làm dâu nhà họ Mã, Ban sống như cái bóng. Bên ngoài, những lời dị nghị về cặp vợ chồng này ngày một nhiều. Đại Pẩu biết điều đó nên tính chuyện cho vợ chồng Đại Tẩu đi ở nơi khác càng xa càng tốt. ý định ấy ông ta vẫn giấu kín.
Cho đến một đêm, gia đình họ Mã xảy ra biến cố lớn. Đêm ấy, trời không trăng sao. Mây đen ập đến. Gió núi từng cơn thổi dồn dập. Đã khuya mà Đại Pẩu đi đâu chưa về. Bỗng Đại Tẩu nghe đâu đó có tiếng khóc thảm thiết rồi tiếng thét gào giận dữ. Toàn thân Đại Tẩu sởn gai ốc. Bình tĩnh lại, Đại Tẩu nhận ra đó là âm thanh do gió thổi vào các ống tre mái nhà tạo nên. Có điều lạ: Nhà này từ trước tới nay, mưa gió đã nhiều, nhưng chưa bao giờ Đại Tẩu nghe thấy âm thanh rờn rợn như vậy. Nghĩ thế, Đại Tẩu thấy có điều gì chưa thật yên lòng. Đêm ấy, khuya lắm Đại Pẩu mới về. Ông ta thấy bụng đau dữ dội, đầu nhức như sắp vỡ. Đại Pẩu hiểu điều gì đã xảy ra với mình. Đại Pẩu gọi con đến căn dặn. Lão chỉ còn đủ sức nói những điều bí mật của dòng họ rồi khuyên vợ chồng Đại Tẩu nên chuyển đi nơi khác sinh sống.
Chôn cất cha xong, vợ chồng Đại Tẩu rời Thiên Sơn ra đi. Họ đã đi nhiều ngày đường mà cũng chẳng biết sẽ đến đâu. May sao có một người tốt bụng đã chỉ đường cho họ.
Thung lũng Hin Khao là nơi có nhiều đá trắng. Đã lâu lắm rồi, người từ các nơi đến đây khai phá ruộng nương, lập bản. Từ đấy Hin Khao có tên là bản Hin. Ruộng đất bản Hin không rộng, bù lại có độ phì cao, tưới tiêu thuận lợi. Một năm người ta thu hoạch hai vụ lúa, ngô. Ngoài trồng trọt, người bản Hin còn thu hái lâm sản, săn bắt thú rừng. Cuộc sống dân bản yên bình và sung túc. Cho đến một ngày, có một đôi vợ chồng lạ, không biết từ đâu đã tới bản Hin. Đó là vợ chồng Đại Tẩu.
Vợ chồng Đại Tẩu dựng túp lều ở tạm. Họ lầm lũi phát cây, san đất làm thành ruộng, thành nương. Năm đầu họ thu hoạch ngô. Năm thứ hai, họ được gặt lúa. Năm thứ ba, họ mua được một con trâu. Đại Tẩu thầm nghĩ: Cứ đà này, chẳng mấy chốc ta giàu có. Năm ấy, họ sinh được đứa con gái, đặt tên là Sinh. Cái Sinh giống mẹ như tạc. Còn Ban, sau khi sinh nở, cô càng xinh đẹp hơn. Người ta bảo: "Gái một con, trông mòn con mắt". Người bản Hin bàn tán: "Sao lại có một cặp vợ chồng, chị vợ thì đẹp như trăng rằm, còn anh chồng thì như đao phủ của Diêm Vương vậy?".
Có một người đàn ông, mỗi khi qua nhà Đại Tẩu hay hát: Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nuớc cà. Câu hát ấy đã làm Đại Tẩu tức giận, còn Ban thì lo lắng. Một lần Ban đang hái rau ở mảnh vườn cạnh đường. Người đàn ông ấy đi qua:
- Chào cô Ban.
- Em chào anh. Này anh ơi, anh cho em hỏi điều này.
- Có việc gì cô cứ nói, đừng ngại.
- Sao đi qua nhà em, anh cứ hát câu gì vậy?
- à, là vì tôi thích hát câu ấy, ở nhà tôi, tôi cũng hát mà.
- Bây giờ em xin anh, khi qua đây, anh đừng hát câu ấy nữa, kẻo chồng em buồn.
Khi Ban về nhà, Đại Tẩu hỏi:
- Mày chuyện gì với thằng đàn ông ấy?
- Em hái rau, người ta đi qua, người ta hỏi chuyện.
- Chuyện gì?
- Chẳng có chuyện gì quan trọng cả.
Nghe Ban nói vậy, Đại Tẩu im lặng. Ban đã biết tính chồng. Có khi Đại Tẩu nói một câu gì đó, dù thô bạo, còn đỡ sợ hơn anh ta im lặng.
Hôm sau, người bản Hin kháo nhau: Người đàn ông đó bị cảm, chết ngang đường. Người ta thương tiếc con người hiền lành, tốt bụng ấy. Riêng Đại Tẩu lại nghĩ khác. Anh ta yên tâm từ nay không còn nghe câu hát xấu của người ấy nữa.
Mấy hôm sau nữa, người bản Hin lại xúc động báo cho nhau: Cô Ban bị cảm, chết đột ngột. Người ta đến nơi, thấy Đại Tẩu ôm con, ngồi bên xác vợ, nét mặt lộ vẻ đau khổ nhưng mắt thì ráo hoảnh. Không ai hiểu nổi lòng dạ anh ta lúc đó. Bà con dân bản thấy Ban đẹp người, tốt nết, lại còn trẻ, mà đã sớm lìa cõi đời, thì thương cô lắm. Người ta cũng thương bé Sinh. Nó mới hai tuổi đầu, đã mồ côi mẹ. Những người có mặt, chứng kiến cảnh đó, không ai cầm được nước mắt.
Từ ngày vợ chết, sống cảnh gà trống nuôi con, khiến Đại Tẩu vốn đã ít nói, càng trở nên lầm lỳ. Cũng may cái Sinh khỏe mạnh, chóng lớn và tính tình hồn nhiên, nên trong nhà vẫn có tiếng nói, tiếng cười. Sinh càng lớn, càng giống mẹ, cả về người và nết. Thấm thoát Sinh đã vào học cấp ba. Sinh học giỏi chăm ngoan, nên thầy giáo, cô giáo và bạn bè quý mến. Đôi lúc Đại Tẩu tự hỏi: "Nếu không có cái Sinh thì đời mình sẽ cô đơn và buồn tủi nhường nào?". Có lần Đại Tẩu ngồi bất động, nhìn con. Không ai biết ông ta nghĩ gì. Rồi từ đôi mắt nhỏ bé của ông ta, có những giọt nước lăn ra. Phải chăng trong sâu thẳm lòng Đại Tẩu đang có điều gì dằn vặt?
Một lần cái Sinh đi học về, vừa khóc vừa kể cho cha: Có một đám cưới, ba chục người bị độc, cái Hà, bạn nó, bị nặng đã chết. Thấy cha dửng dưng, không chút động lòng, nó buồn lắm.
Từ cái chết của bé Hà, người ta nhớ lại mấy chục năm nay, vùng này thường có những người bị như vậy. Họ đều đau bụng, buồn nôn, chóng mặt; Khi chết da thịt tím bầm. Nhưng không ai nghĩ đến họ bị trúng độc.
Dân trong vùng lo sợ. Người ta tránh các cuộc tiệc tùng, ăn uống. Ai muốn mời khách về nhà, thì bữa ăn phải có đĩa ớt tươi để khách yên lòng. Người ta nói rằng, thuốc độc mà gặp ớt, sẽ độc gấp bội. Không ai dám bỏ thuốc độc trong bữa ăn có ớt. Cảnh giác quá hóa đa nghi. Có chuyện nực cười: Tại một bữa rượu, một ông nâng chén mời mọi người rồi hô: "Đổi chén". Chẳng ai đổi chén cho ông cả. Không hiểu lúng túng thế nào, ông đã làm đổ chén rượu của mình. Thế là mọi người nghi ông này định đánh thuốc độc. Cơ quan chức năng tìm hiểu, thì ông ta chẳng biết tí gì về thuốc độc cả.
Dân địa phương đề phòng, còn khách vãng lai thì chẳng biết, nên thường bị. Có bà mua mấy chiếc bánh dầy ở chợ cho cháu, đứa bé ăn, trúng độc, không cứu nổi. Một người ăn phở ở quán, về thành phố mới biết trúng độc. May mà cứu được.
Có kẻ đi đầu độc, ắt có người chữa độc. Cái sự ở đời nó vậy. Đó đây xuất hiện nhiều người chữa ngộ độc rất tốt.
Cái Sinh tuy còn ít tuổi nhưng đầu óc nó đã rộng mở. Có lần Sinh hỏi bố:
- Cha ơi, sao lại có người đi bỏ thuốc độc hại người khác?
Bố nó im lặng, nó nói tiếp:
- Cha ơi, ai đi đầu độc người khác là ác và ngu cha nhỉ? ác là giết người; ngu là chẳng có lợi gì, còn bị người đời nguyền rủa mà vẫn làm. Trái lại, người giải độc đã được ơn, lại được tiền.
Sống với cha, nhưng có việc cha làm, Sinh không hiểu nổi. Một tối, Sinh thấy cha đeo dao vào người, rồi lấy mấy nén hương ra đi. Sinh lặng lẽ đi theo cha. Đến một gốc cây, cha đánh lửa, châm hương cắm vào gốc cây, rồi lầm rầm nói những câu gì đó. Chờ hương ngún hết, cha rút chân hương đốt cháy mới về. Đêm ấy Sinh hỏi cha: "Đó là cây gì? Vì sao cha lại đốt hương, khấn vái ở cây đó?". Nghe con hỏi, Đại Tẩu sửng sốt, rồi trả lời chiếu lệ: "Đó là cây thuốc của dòng họ". Đại Tẩu dặn con: "Không được nói lộ với ai." Sinh có linh cảm công việc cha làm có điều gì hơi lạ. Sinh định bụng một ngày nào đó phải hỏi cho rõ chuyện.
Mấy hôm sau, Sinh đi thi học sinh giỏi của tỉnh. Cô Hiền, giáo viên chủ nhiệm dẫn Sinh đi. Từ lâu cô Hiền xem mình vừa là người thầy, người mẹ, người chị thân thiết của Sinh. Sinh cũng nhận thấy điều đó, nên càng chăm ngoan để không phụ lòng cô. Cuộc thi kết thúc. Hai cô cháu đi xe ca về. Xuống xe, họ dừng chân bên gốc đa trú nắng. Cô Hiền mua hai ống lam, cô một, cháu một, cùng ăn. Trên đường về, Sinh đau bụng. Cơn đau mỗi lúc một tăng. Sinh thấy mọi vật quay cuồng, nghiêng ngả. Cô Hiền lo lắm. Cô nghĩ: Nếu nó lại như cái Hà thì... Cô không dám nghĩ tiếp. Cô nhờ người cùng cô đưa Sinh vào bệnh viện.
Các thầy thuốc kết luận Sinh bị trúng độc, rồi khẩn trương cấp cứu.
Cô Hiền thuật lại việc hai cô cháu ăn khẩu lam rồi cái Sinh bị ngộ độc. Đại Tẩu nghe xong người như ngất xỉu. Con dao đang cầm ở tay rơi xuống, làm một bàn chân chảy máu mà Đại Tẩu không biết. Chợt Đại Tẩu vùng chạy sang nhà ông Thiện, nhờ ông lấy thuốc giải độc, rồi cùng cô Hiền vào bệnh viện.
Đến nơi, Sinh đã được cứu sống, tuy người còn rất yếu.
Qua mấy ngày lo âu và vất vả, Đại Tẩu rất mệt mỏi. Đặt tay lên trán, Đại Tẩu suy nghĩ: "May mà con Sinh tai qua nạn khỏi. Nó mà thế nào, có lẽ ta không sống nổi. Thật là phúc đức nhờ trời."
Đại Tẩu trằn trọc chờ giấc ngủ về. Gần đây Đại Tẩu mắc chứng khó ngủ. Cái Sinh bảo: "Khi nào khó ngủ cha cứ đếm. Đếm mãi sẽ ngủ được. " Đại Tẩu bắt chước đếm: "Một, hai... chín mươi, chín mốt". Đại Tẩu đã đếm gần hai ngàn mà vẫn chưa ngủ được. Ông ta đếm tiếp: "Chín hai, chín ba...". Bỗng Đại Tẩu thấy hai người đàn ông vác mã tấu đến bên giường ông ta. Họ ra hiệu cho Đại Tẩu im lặng và đi theo họ. Hai người dẫn Đại Tẩu ra một bãi đất trống rồi biến mất. Chợt có tiếng quát đầy uy lực:
- Đại Tẩu, ngươi hãy quỳ xuống.
Đại Tẩu không biết người vừa quát là ai và ông ta ở đâu nhưng tiếng người ấy thì rất gần, cứ như trong tai Đại Tẩu vậy. Đại Tẩu run sợ. Hai chân ông ta từ từ khụy xuống.
- Ngươi hãy trả lời ta từng câu hỏi, không được trái lời. Thuốc độc, ngươi lấy ở đâu?
- Thưa, từ cây thuốc ở dòng họ tôi truyền lại.
- Ngươi đã dùng thuốc độc giết hại bao nhiêu người?
- Thưa, tôi cũng không rõ.
- Ngươi có giết hại người này không?
Trong bóng tối mờ mờ, Đại Tẩu thấy một người đàn ông đến trước mặt. Hắn nhận ra đó là người đàn ông bản Hin. Hắn líu lưỡi:
- Dạ, có... có... có... ạ?
- Vì sao ngươi giết anh ta và giết bằng cách nào?
- Vì tôi quá ghen. Tôi đã mời anh ấy lên nhà, rót rượu vào chén có thuốc độc rồi mời anh ấy uống.
Hắn dứt lời, người đàn ông biến mất.
- Ngươi có giết người này không?
Trước mặt hắn là một phụ nữ. Ôi, vợ hắn. Hắn định xô đến, ôm chầm lấy vợ, xin tha tội, nhưng người kia đã quát:
- Ngươi không được nhúc nhích. Hãy trả lời mau.
- Cô ấy là vợ tôi. Chính tôi đã dùng thuốc độc giết cô ấy vì cô ấy định tố cáo tôi giết người đàn ông khi nãy.
Vợ hắn lại vụt biến:
- Còn người này, ngươi có giết không?
Trước mặt hắn là một bé gái. Hắn nhận ra cái Hà. Dạ, tôi đã bỏ thuốc độc vào chảo canh của đám cưới chẳng may phải cháu. Tôi không định giết cháu.
Bé Hà lại biến mất.
- Vì sao ngươi định giết cả đứa con gái duy nhất của mình?
- Tôi bỏ thuốc độc vào khẩu lam, không ngờ con tôi ăn phải.
- Ngươi làm như thế để làm gì?
Dạ thưa, dòng họ tôi có lời nguyền: Hàng năm phải có người trúng độc, cây thuốc mới thiêng. Tôi làm theo lời nguyền đó.
- Ngươi có biết vì sao cha ngươi chết không?
- Dạ có. Cha tôi trước khi chết có cho tôi biết: Tối ấy tại một bữa tiệc rượu, ông cho thuốc vào chén rượu rồi đổi chén cho người khác, không ngờ người kia cũng làm như vậy, thế là cả hai cùng thiệt mạng.
- Ngươi có biết bản thân ngươi và cả dòng họ nhà ngươi, bằng cây thuốc này đã giết hại bao nhiêu người không?
- Dạ không?
- Vậy thì hôm nay ngươi sẽ biết.
Người ấy vừa dứt lời, Đại Tẩu thấy rất nhiều người rùng rùng tiến lại vây quanh hắn. Sợ quá, hắn vùng chạy, nhưng không sao chạy được. Hắn kêu thất thanh: "Cứu tôi với! Cứu tôi với!"...
- Cha ơi!
Sinh thấy cha trong cơn mê hoảng thì gọi. Tiếng gọi của cái Sinh đã kéo Đại Tẩu ra khỏi cơn mê. Toàn thân ông ta ướt đầm mồ hôi. Từ đấy đến sáng, Đại Tẩu không dám ngủ nữa. Nhưng thức cũng thật đáng sợ. Những hình ảnh trong cơn mê vừa rồi, cứ choán lấy đầu óc không sao xua đi được.
Rồi một đêm nặng nề cũng trôi qua. Sáng dậy, trông Đại Tẩu thật phờ phạc, tiều tụy. Ông ta nói lại với con về cơn mơ khi đêm. Cái Sinh nhớ lời cô Hiền : "Giấc mơ là sự tái hiện trong não người ta những việc đã làm, đã biết hay một ý nghĩ nào đó. Không ai mơ thấy những điều mình chưa biết bao giờ". Nó lại nhớ đến cây thuốc mà cha nó cúng hôm nọ. Cái Sinh lo lắng cha nó làm thuốc độc giết người thật. Nó tự hỏi: "Chẳng lẽ cha nó dùng thuốc độc giết mẹ, giết cái Hà thật sao?". Nó dè dặt hỏi:
- Vậy cha ơi, những chuyện trong mơ có thật không?
Cha nó nói với giọng rầu rầu:
- Có thật cả đấy. Chính cha đã làm như vậy...
Đại Tẩu chưa dứt lời thì cái Sinh đã xỉu. Ông ta cuống quít, nhưng cũng chẳng biết làm gì ngoài việc lay gọi cái Sinh. Cũng may nó đã tỉnh. Nó khóc, nó gọi mẹ, gọi cái Hà.
- Ôi cha độc ác quá!
- ừ đúng là cha độc ác, cha ngu xuẩn. - Đại Tẩu thừa nhận. - Bây giờ, cha phải chết thôi.
Nói rồi Đại Tẩu đến chỗ để dao, lấy con dao nhọn.
- Cha! - Cái Sinh kêu lên thất thanh. - Cha không được làm vậy.
Đại Tẩu từ từ buông rơi con dao, ngồi bệt xuống sàn nhà. Cái Sinh đến bên cha:
- Dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra rồi. Cha có tự chết cũng không xóa được tội lỗi của cha đã gây ra.
- Ôi, cha sợ lắm. - Đại Tẩu rên rỉ. - Vậy thì bây giờ cha phải làm gì? Con giúp cha đi.
Cái Sinh dìu cha nó lại giường rồi dịu giọng:
- Cha đã làm việc ác. Cha sẽ phải đau khổ suốt đời. Bây giờ cha phải thôi ngay, không làm việc ác nữa.
- ừ, cha sẽ chặt cây thuốc ấy đi.
Không, không nên chặt cây thuốc. Cha cứ để cây thuốc ấy lại, biết đâu nó chẳng có ích cho người. Chỉ cần cha đừng bao giờ dùng nó để hại người. Rồi cha đốt hương tạ tội với những người cha đã giết hại. Rồi...
- ừ, cha nghe lời con. Cha cũng trao lại cho con cây thuốc đó. Con sẽ thay mặt dòng họ trông nom cây thuốc.
Đêm ấy Đại Tẩu hy vọng sẽ bớt nặng nề, ngủ được. Nào ngờ, khi đặt lưng xuống giường, những người bị ông ta giết hại cứ như hiện lên trước mặt. Bỗng trên cây trẩu đầu nhà có tiếng cú kêu. Hồi bé, Đại Tẩu nghe mẹ nói: "Cú là sứ giả của thần chết. Cú mà hướng vào nhà ai kêu, nhà ấy sẽ có người chết". Ông ta lo sợ. Con cú lại kêu. Tiếng cú sao mà ghê rợn. Bất giác Đại Tẩu nhớ lại cái đêm đáng sợ ở Thiên Sơn. Kết cục là đêm đó cha của Đại Tẩu đã phải từ biệt cõi đời. Còn đêm nay? Ông ta tự hỏi rồi tự trả lời: Mọi việc đã được trời đất định đoạt. Nghĩ vậy Đại Tẩu dậy, rót một chén rượu, hòa vào một thứ gì đó rồi ông ta uống.
Sáng hôm sau, cái Sinh gọi mãi, nhưng không thấy cha thưa. Nó lay, cha nó cũng chẳng động đậy. Rồi nó khóc.
ít lâu sau, Sinh có giấy gọi học trường Đại học Dược. Ngày nó về trường, bà con, bạn bè lưu luyến tiễn nó. Người ta chỉ thấy nó để lại trong lòng mọi người bản Hin sự quý mến. Không ai biết nó còn để lại một cây thuốc. Cũng không ai biết nó mang theo một nỗi đau mà dòng họ nó đã gây ra rồi dồn nén lại trong lòng nó.