Việc bác ất chết chìm dưới vàm sông làm cả giồng Cá Lóc bất ngờ, choáng váng, đau khổ. Xưa nay, bác ất vẫn được tiếng là người nghĩa dũng, võ hiệp, không biết sợ là gì, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Bác đã từng chống chọi với sóng to gió lớn ngoài khơi mấy ngày liền vì bị bọt nước cuốn đáy hàng khơi. Khi vào được tới bờ, người bác đã bị bợt ra do ngâm nước quá lâu. ấy vậy mà bác ất lại bị chết chìm nơi vàm sông thì ai mà tin được.
Bác ất vốn là tay cao thủ võ lâm, nức tiếng một vùng quê biển. Những bài quyền bác đi vun vút như tiếng gió, ai thấy cũng sững người, nể phục. Võ nghệ cùng mình là vậy mà tạng bác coi hiền khô. Bác hiền tới mức, một bận bác đang ngồi ăn trong tiệm, có đám thanh niên con cái nhà giàu có, ở đâu kéo vô thét lác, biểu bác dời qua bàn khác, lấy chỗ cho chúng ngồi ăn nhậu. Thấy bác không nhúc nhích đụng cựa gì, một thằng coi mòi bặm trợn nhất đám, trợn mắt chụp chai la ve hiệu con cọp, quật đánh bốp vào đầu bác. Chai la ve vỡ vụn, bia bọt trào đầy mặt mà bác vẫn lặng lẽ, điềm nhiên húp từng muỗng cháo, làm như không hề có chuyện gì xảy ra. Biết là đụng nhằm sư tổ, cả bọn nháo ra đường, thót lên yên xe đạp, dong tuốt luốt.
Giồng Cá Lóc giáp biển, chuyện ăn nhậu diễn ra như cơm bữa. Đám hạ bạc tứ xứ, mỗi lần cặp ghe lên cá, vẫn thường rà rê ăn nhậu ì xèo thâu đêm suốt sáng ở quán bà Xa Thon. Vốn quen ăn sóng nói gió, việc chòng gái của họ cũng bỗ bã, hùng hục như dùi đục phang lên tang trống. Một hôm, không biết giành giựt đứa cháu gái bà Xa Thon sao đó, hai đám hạ bạc của hai chiếc ghe xứ bạn, xoay ra xỉ vả nhau. Rồi thì vơ bàn, túm ghế, nện nhau tơi bời khói lửa. Trong lúc bà Xa Thon đang hu hu than khóc, van lạy ngoài đường thì bác ất lù lù xuất hiện, chụp khúc củi múa vù vù. Bác hét lên một tiếng, nghe còn rợn hơn cả tiếng thét của Trương Phi nơi cầu Trường Bản. Hai khúc củi múa tít, tạo thành hai vòng tròn đen thẫm, loa lóa. Hai vòng tròn đó cuộn vào nhau, che khuất người bác, lừ lừ từ ngoài sân tiến vô nhà. Có mấy tay cậy sức cơ bắp, chụp ghế chọi vô vòng xoáy. Vòng xoáy vù vù đánh bật văng trở lại mọi thứ, từ ghế ngồi tới tô chén, nghe đốp đốp, xoảng xoảng. Cứ như vậy, vòng xoáy lừ lừ tiến vào, lạnh lùng như gió lốc. Đám hạ bạc thất kinh, vắt chân lên cổ, ù té bỏ chạy như le le chạy hoảng.
Dân trong vùng, nhắc tới bác, bao giờ cũng khoác cho bác đủ thứ huyền thoại. Người ta đồn bác cầm tinh con rồng thủy, sinh đúng giờ thìn ngày thìn, tháng thìn, năm thìn. Người như vậy sống thì cao số, không làm quan cũng làm anh hùng thiên hạ; còn như chết đi thì linh khí thần thiêng, độ giúp cho ai, nhất định người đó sẽ thành đạt. Nhưng bác ất không làm quan cũng không làm anh hùng thiên hạ, bác chỉ đơn giản làm nghề bắt mạch hốt thuốc cho bà con, và dạy quyền cước cho một số môn sinh không đông lắm.
Một lần thằng sếp bốt tới nhà bác, chắp tay xá, xin được làm đệ tử. Nó năn nỉ mời bác vô đồn dạy võ cho đám đàn em.
Bác ất nói:
- Mấy người súng ống rầm rộ, còn sợ ai nữa mà học quyền cước cho nhọc xác.
Thằng sếp bốt khúm núm thưa:
- Dạ! Tụi con muốn được thọ giáo vài chiêu để phòng thân lúc cơ nhỡ ngoài đời.
Bác theo hắn vô đồn, biểu đám lính xếp thành hàng ngang để thử đòn. Từng thằng, từng thằng bị bác tung người đá văng lăn cù long lóc. Riêng thằng sếp, không biết bị bác đá sao đó mà mồm miệng sưng vều tới mấy ngày mới khỏi. Tụi lính biết bị bác chơi khăm trừng trị, nhưng phải nín khe chịu đựng, hy vọng được bác truyền nghề cho. Phần bác ất, mới đầu bác không muốn thâu nạp bọn lính làm môn sinh, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bác cũng nhận lời. Bác nhận lời dạy võ để qua đó dạy cho chúng đạo làm người.
Danh tiếng bác ất nổi như cồn. Cửa nẻo nhà bác, dẫu có bỏ ngỏ cả tháng, trộm cắp cũng không dám nhòm ngó. Trộm cắp sợ uy của bác như sợ cọp, bái phục bác như bái phục thánh sống. Chúng còn đồn đại khắp nơi rằng, bình sinh bác đã một lần nắm đuôi con cọp bạch chun ngủ trong bọng cây lôi ra. Bác lôi mạnh tới mức con cọp bị đứt đuôi, kêu rống thảm thiết. Biết nó sợ không dám chun ra, cuối cùng bác phải phóng lao đâm. Con cọp chịu đau không nổi phải chun ra. Nó vừa chun ra đã bị bác lừa thế đá văng xuống nước. Rồi hễ con cọp vừa ngoi được lên bờ lại lập tức bị bác tung người đá văng xuống nước. Gần cả buổi thì con cọp kiệt sức, chết chìm vì sặc nước.
Lính đồn thì kháo nhau, bác ất luyện khí công tới mức dao chém không trầy da, đạn nhọn bắn không lủng thịt. Chúng hống hách ở đâu, chứ về tới vùng giồng này thì sếp re cả đám, cấm đứa nào dám rục rịch sách nhiễu dân tình.
Hôm hạ huyệt cho bác, cả làng ai cũng có mặt, ai cũng khóc sụt sùi. Thằng sếp bốt cũng dẫn đám lính tới dàn hàng ngang trước mộ, nhất loạt bắn một tràng súng để tiễn bác về trời. Khóc to nhất là Bảy Tọt. Bảy Tọt khóc hù hụ, nhưng cũng kịp nói được với dân làng, bác ất chết vì tình.
Khó có ai lại đâm đầu đâm mặt đi tin lời Bảy Tọt. Hắn hót như khướu. Hắn trạng như ma. Hắn tán gái như tinh. Bản mặt hắn mới coi đã bắt ghét. Trán dô, mắt lé, cổ rụt, vai xuôi lợi, nước da thì mét mét như lông vịt xiêm lai. Ra đường, gặp đàn bà con gái, bao giờ hắn cũng lõ mắt dòm chòng chọc như ăn tươi nuốt sống người ta. Nhưng với gái đẹp thì bao giờ hắn cũng chỉ dòm chứ không bao giờ chọc ghẹo. Hắn nói, thứ gái đẹp chỉ giỏi làm tàng làm phách, giỏi nhõng nhẽo, chứ cái khoản kia thì có khác gì ai. Hắn ghét họ, bởi vì hắn biết, hắn không bao giờ rớ tới họ được. Hắn như con cáo chê chùm nho chín mọng trên cao. Đối tượng chinh phục của hắn là đám đàn bà con gái lẳng lơ. Theo hắn, phàm là các ả lẳng lơ, dẫu có õng ẹo ban đầu chút đỉnh, cứ mặt dày mày dạn đeo riết, thế nào cuối cũng các ả cũng dính cưa. Bài của hắn là hót nịnh hết lời. Mập thì khen khỏe. ốm thì khen thon. Đen thì khen giòn. Trắng thì khen mướt. Khen riết, đeo riết, cuối cùng thế nào cũng dính; không dính chỗ này cũng dính chỗ khác. Như cá dính câu đã mắc nhợ rồi thì muốn ăn sống hay ăn chín gì mà chẳng được. Có thể hắn đã câu dính nhóc nhách các bà các cô không đẹp mà lẳng lơ, bởi hắn vừa độc thân, vừa có của chìm của nổi từ đời ông bà để lại. Hắn cười hềnh hệch mà rằng, đêm hôm lùm bụi, mặt xấu hay mặt đẹp thì có nhằm nhò gì, hơn thua là cái chuyện kia; trò đời, có xấu dây mới tốt củ. Nhưng đời hắn, hắn cũng đã một lần dẫn được một cô xinh đẹp về làng. Cô ta chắc người ngoài thành. Trắng non nõn, mọng như son, ngon như xoài, thơm như mít. Hắn dính được cô ta trên một chuyến đò dọc, nhờ ngực áo hở ra sợi dây vàng mười to như sợi lòi tói. Và cũng nhờ miệng hắn phun ra hàng lô hàng lốc các câu ca dao mà hắn thuộc nằm lòng tới từng chữ.
Bà con lối xóm rỉ tai nhau, con nhỏ dám chừng làm nghề "ý". Đám độc mồm độc miệng còn nói thông thống vào tai hắn về cái nghề "ý" của con nhỏ. Nhưng mà hắn phớt. Nhưng mà hắn cứ vênh mặt lên. Thử chấp cả làng giồng này đốt đuốc đi tìm giáp đêm, coi thử có ai được một góc nhan sắc của cổ. Hắn bô bô với mọi người: tới Diêm Vương thấy cách cổ ngủ với hắn cũng còn nhỏ dãi, còn ghen lồng lên, nói chi cánh đờn ông có vợ thùi lụi như khoai môn nước.
Hắn sướng vừa vặn được năm ngày. Qua ngày thứ sáu, mới bửng hừng đông, dân làng đã thấy hắn ngồi cú rũ như gà mắc nước, với ve rượu trong veo trong vắt. Cô nàng thơm tho tặng cho hắn một đêm lử lã tới bã người ra mê mệt. Lúc hắn mở được tròng con ngươi thì cô nàng đã biến đi đằng nào cùng với sợi xích vàng của hắn. Nhằm nhò gì ba thứ lẻ tẻ. Cũng như hắn bỏ tiền vi vu trên thành thôi. Hắn cú rũ vì hắn tiếc cái khoản vừa phưng phức mùi mẫn, vừa sung tới lịm người của cổ. Hắn cú rũ còn vì hắn buồn. Buồn vì từ lúc gặp cổ, hắn thấy đám đàn bà lẳng lơ ở làng giồng sao mà tẻ nhạt, sao mà lôi thôi lốc thốc áo xống làm vậy. Phải chi cổ ráng ở với hắn thêm vài ngày để hắn trút cho cạn chỗ sinh lực còn thừa mứa trong người.
Bảy Tọt là người như vậy. Nhưng dân làng không ai ghét hắn. Hắn giỏi cả nghề đóng đáy. Hắn giỏi cả nghề ghe cào. Ai hữu sự chuyện gì, chỉ cần hắn biết là hắn lập tức nhào vô giúp đỡ. Hơn nữa, hắn là chỗ tình thâm với bác ất.
Cách đây lối ngoài mươi năm, có một ông già lụ khụ, ở mị mị tận xứ nào đâu, dẫn theo đứa cháu gái tới làng giồng, xin với hương quản cho mở lớp dạy sắp nhỏ con chữ, con tính. Ông lão cất cái nhà lá bằng cột chà là, vừa làm chỗ trú mưa nắng, vừa làm nơi dạy học. Nhà ông lão sát mí với nhà bác ất. Thường chiều chiều bác ất vẫn qua nhâm nhi với ông lão, nghe ông lão đánh đàn kìm, nói thơ Lục Vân Tiên, thơ Sáu Trọng, thơ thầy Thông Chánh. Hai người, một già một trẻ mà tâm đắc với nhau tới từng ngụm rượu. Vậy rồi đùng một cái, ông lão ra đi. Đó là vào một buổi chiều tháng hạ, trời khô khốc, hanh hao như sắp có giông. Ông lão đang ngồi dạy thì phát nhức đầu, phải cho ngừng buổi học. Khi đứa học trò cuối cùng đã ra khỏi ngõ, ông lão mệt nhọc vịn cột chà là đứng dậy, rồi nhắm mắt luôn trong tư thế ấy. Cô cháu bồ côi bồ cút phải dựa vào bác ất mà sống. Năm ấy bác ất đã bốn mươi ngoài, còn cô gái mới chớm qua tuổi mười tám. Kể về tuổi tác thì hai người quá cọc cạch. Nhưng kể về sức vóc thì bác ất còn trai tráng hơn cả trai làng. Mặt vuông vức. Cặp mắt xếch ngược. Cơ bắp cuồn cuộn. Người chắc lẳn như cối đá, da đỏ au như đồng điếu. Hai người ăn chung, sống chung với nhau hơn bốn năm, như cha với con, như bè với bạn. Mà có thể như vợ như chồng cũng vậy mà thôi.
Bấy giờ Bảy Tọt đã lớn, hắn nói uỵch tẹc:
- Bác cưới phứt cổ cho rồi. ở vậy người ta cũng dị nghị. Chi bằng cưới phứt cho rồi.
Bác ất cau mày nói với hắn:
- Mầy con nít, hỉ mũi chưa sạch, biết chi cái nghĩa ở đời.
Cô gái bị lật ghe, chết đuối ngoài cửa Đại An. Hôm đó cô chèo ghe lườn đi bán cá trở về, khi băng qua cửa biển thì một đợt sóng lưỡi búa ngoài khơi ầm ào kéo tới, nhấn chìm tức khắc cái ghe lườn mỏng mảnh. Xác cô biến mất đi đâu. Bác ất bơ phờ chèo ghe suốt mấy ngày đi tìm xác cô. Cuối cùng tìm không được, bác xây cho cô cái mả đá, quàn tất cả quần áo và đồ dùng vật dụng của cô xuống đất. Mộ cô nằm kế với mộ của ông lão, giáp mí nước sông cái, đêm ngày ầm ào sóng vỗ.
Mộ dựng qua một năm, bỗng dưng đất nổi lên, lùm lùm như gò. Gò đất mỗi ngày một lớn. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác. Cây cối mọc rậm rạp. Vượt lên là một cây bồ đề xanh tốt, cành lá rườm rà, bóng phủ rợp cả một vùng.
Khi bác ất mất, dân làng cũng an táng bác ngay trên gò. Cả ba ngôi mộ đêm ngày khói nhang nghi ngút. Mà cũng đã từ lâu khói nhang vẫn nghi ngút nơi đây. Nhang khói ấy là nhang khói thờ phượng sự hiển linh của cô gái. Người ta truyền tụng, linh khí của cô gái vẫn thường hiện lên hàng đêm, đi thơ thẩn dưới gốc bồ đề một lúc, rồi đi thẳng tới nhà bác ất, rồi biến mất. Những hôm sóng to gió lớn, lỡ ghe ai bị khốn khó ngoài vàm, linh khí cô gái lại hiện lên. Chân đạp trên sóng, tay dang rẽ nước cho ghe nương theo mà tấp vô bờ. Nay thêm linh khí bác ất đến ngụ, cái gò lại càng trở nên thâm thiêng, kỳ ẩn.
Bác ất mất được hơn hai tháng thì dân làng giồng thấy có người đàn bà dẫn theo mấy dân đinh lực lưỡng tới làng, xin Chánh quản cho mở võ đài thi đấu. Người đàn bà đã mấp mé tuổi sáu mươi, nhưng coi còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, với đôi mắt đầy thần khí. Họ tới và tá túc tại nhà Bảy Tọt. Bấy giờ trông Bảy Tọt lanh lẹ hẳn lên. Đi đứng thoăn thoắt, ăn nói oang oang. Và... đâm ra hay chuyện.
Hắn kể.
Hồi còn trai trẻ, bác ất đã từng khăn gói ra tận miền trung, lần vô núi thẳm tầm sư học đạo, học côn kiếm, quyền cước. Trong đám môn sinh có cô gái đen lẳn nhưng võ nghệ rất cao cường. Bác ất và cô, cả hai người suốt ngày chăm lo tập luyện và tu dưỡng từ khí công tới tâm công. Quyền cước của họ đã đạt tới trình độ siêu đẳng, có thể xuống núi thi thố tài năng, nhưng cả hai đều tự nguyện ở lại phụng dưỡng sư thầy. Cô gái đi bài long quyền như thăng sơn, ẩn thổ. Bác ất đi bài long quyền như cưỡi mây, lướt gió. Họ vẫn thường thượng đài thi đấu với nhau trước sự nể phục của đồng môn. Bước tiến, nước lui, đòn công, đòn thủ của họ xoắn xuýt vào nhau như mây vần gió giục. Không ai có thể tưởng ra được những thế đánh như tranh vẽ, những cú ra đòn như nghiêng trời bạt đất của họ. Ai cũng nghĩ hai người sẽ thành thân với nhau ai dè đất thấp trời cao, mây trôi bèo dạt, khi sư thầy khuất núi, hai người chia tay nhau, mỗi người một ngả. Một người về giồng biển. Một người lên Bảy Núi.
Người đàn bà với đám dân đinh về tá túc tại nhà Bảy Tọt chính là người bạn đồng môn với bác ất năm xưa. Bà tới vùng giồng để chuẩn bị thượng đài rửa nhục cho lò võ của mình.
Nghe tin hai lò võ danh tiếng sắp sửa đọ tài, dân miền hạ bạc kéo tới ì ì; tụi lính đồn cũng tới, có thằng quan ba Pháp trên quận cũng dẫn lính xuống coi. Trận hùng chiến diễn ra đã mấy ngày. Ngày nào cũng đông vui như hội. Tới ngày bà bạn bác ất thượng đài với tay tổ sư võ bùa thì cả sới như nín thở.
Chào sân với bài hổ quyền, bà bạn bác ất bái giáp bốn cửa. Đối thủ của bà cũng giáo đầu bằng một bài quyền lạ huơ lạ hoắc. Hết bài y đốt một thẻ vàng, thổi tàn vô cái chén tống, uống ực một hơi. Xong xuôi, hai người bái nhau, rồi vờn nhau, rồi ra đòn vun vút. Hai cái bóng bay lên hạ xuống loang loáng như gió, như chớp. Ba hiệp. Rồi năm hiệp. Rồi bảy hiệp. Vẫn chưa phân thắng bại. Nhưng rõ ràng ai cũng thấy người đàn bà đã xuống sức. Đòn công tấn ra không chuẩn. Đòn thủ đôi khi không kín miếng. Trong khi đó, đối thủ của bà vẫn hai tay vờn mềm như múa. Lúc bay lên thì đôi chân xé gió lia đòn. Lúc hạ xuống thì toàn thân như lướt trong sương. Cơ chừng này, người đàn bà khó lòng trụ nổi.
Ngày thi đấu bất phân thắng bại của hai người trôi qua trong nỗi bồn chồn lo lắng của dân làng giồng. Đêm xuống, cả làng đèn đóm lạnh tanh, đắm chìm trong phấp phỏng, đợi chờ, hồi hộp.
Riêng Bảy Tọt, nửa đêm một mình lặng lẽ mò ra gò bồ đề, đốt nhang, sụp đầu khấn bái trước mộ bác ất. Bảy Tọt khấn lâu lắm, thành tâm lắm. Rồi y nằm khoèo luôn ở đó mà ngủ một mạch cho tới sáng.
Hôm sau, trận quyết đấu lại bắt đầu. Lần này người đàn bà thượng đài có vẻ chậm và chắc hơn. Bà ít công hơn, bà thiên về thủ; bà thường mượn công năng của đối thủ, rồi nương theo đó mà phản đòn trở lại. Nhưng thủ thì làm sao mà thắng nổi công. Mỗi lần bà dính đòn, ai cũng thấy Bảy Tọt rên lên đau đớn. Y rên và y khóc. Khóc trào nước mắt. Y lo bà bị hạ nhục. Không chỉ mình Bảy Tọt, cả dân vùng giồng cá; cả đám lính đồn cũng vậy, cả thằng quan Tây cũng vậy. Đây là danh dự của cả một dòng võ tiếng tăm. Không khí cả đấu trường tê cứng tới ngợp thở. Vậy mà trong chớp mắt, nghe hự một tiếng không ai còn kịp thấy người đàn bà ra đòn lúc nào, chỉ thấy đối thủ của bà lộn nhào mấy vòng, mồm miệng ộc máu. Đợi mãi, đếm mãi cũng không thấy y gượng dậy được.
Cả trường đấu sôi ào lên như biển nổi giông. Người ta nhảy tung lên, quăng nón, quăng dép mù trời đất. Người ta khản cổ gào thét, hả hê như điên như dại. Tụi lính đồn rốp rốp kéo cò, nổ vang hàng tràng đạn lên trời. Người đàn bà, người bạn đồng môn của bác ất đã thắng. Thắng bất ngờ. Thắng oanh liệt, thắng chói lói. Thắng như nước thắng lửa. Thắng như có phép thần tiên của thánh nhân phù trợ. Bảy Tọt sướng cuồng lên. Y nhảy vọt vào sới đấu, bồng xốc người đàn bà lên, xoay mấy vòng liền. Rồi như người động cỡn, y cắm đầu cắm cổ chạy khắp xóm, mồm ngoác ra, la chỏi lỏi rum trời:
- Thắng rồi nghe bà con ơi! Thắng rồi nghen!
Tới kỳ cúng trăm ngày cho bác ất, người đàn bà đưa đám đệ tử từ Bảy Núi xuống viếng. Không hiểu sao bà chết đột ngột một cách rất lạ lùng. Khi bà quỳ chân cúi lạy hương hồn vong linh bác ất, tự dưng bà không đứng dậy được nữa. Mấy bó nhang đang ngún khói, bỗng phực lên, cháy phừng phừng lửa ngọn. Bảy Tọt thấy lạ, cúi xuống đỡ bà lên thì mới biết bà đã ra đi.
Bảy Tọt là một trong những người làng giồng theo đưa linh bà về Bảy Núi. Khi trở lại giồng cá quê nhà, y bỗng nhiên trầm tĩnh hẳn; nét mặt lúc nào cũng phảng phất nỗi u buồn. Bà Xa Thon phải cạy miệng Bảy Tọt hết mấy lít rượu, y mới tiết lộ.
Bác ất và bà bạn đồng môn từng yêu nhau say đắm, nhưng vì lời nguyền mở mang dòng võ của sư thầy mà mỗi người đành đi một ngả. Họ ngày đêm chăm lo mở mang dòng võ của sư thầy, không màng tới chuyện riêng tư, danh lợi. Khi tay tổ sư võ bùa xuất hiện, đăng đài chiếm hết vinh quang dòng võ của họ, họ đã xáp lại với nhau luyện các thế đánh. Trong khi chờ ngày thách đấu, một môn sinh của bác ất, vì nóng giúp thầy rửa hận, đã lén tìm tới tay tổ sư võ bùa thách đấu. Do cay cú rửa hận, anh ta xông vào ra đòn còn hơn cả hổ đói. Rốt cuộc, anh bị một đòn điểm huyệt, bại xuội hết nửa người.
Đang đêm, hay tin ấy, bác ất đập tay xuống sạp, than:
- Trời đất! Nó lại dại dột rồi. Đăng đàn mà hăng máu phục thù ắt sẽ mù quáng. Võ nghệ đâu phải để phục thù cho hả tức. Tâm phải tịnh trí mới sáng. Quyền cước là sức mạnh của tim óc. Có đâu nóng nảy được, con ơi!
Ngay trong đêm, bác khăn gói chèo ghe qua sông lớn để bốc thuốc cho đệ tử. Ai mà biết lúc đó tâm bác đã tịnh chưa. Chỉ biết, khi bác ra tới giữa dòng sâu thì một cơn lốc xoáy nổi lên. Bác chỉ có một cây dầm nhỏ, với chiếc xuồng ba lá nhẹ như lá tre. Lốc, sóng và xoáy cửa vàm đã nhận chìm cả bác lẫn chiếc xuồng giữa ầm ào mưa giông mịt trời.
Ba ngày sau người ta mới tìm thấy xác của bác tấp dưới gốc bần. Chẳng hiểu có phải vì cả đời luyện khí công hay không, mà dù đã ngâm dưới nước tới mấy ngày, thi thể bác ất vẫn còn nguyên vẹn, khi đưa lên bờ vẫn còn ộc ra một vụm máu.
Máu ấy là máu của bác ất làng giồng Cá Lóc. Nơi dòng sông gặp biển.