Hai năm liền ở Trung Lào, chịu đựng mùa mưa rồi mùa khô, trở về nước, đóng quân tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, quần áo tôi rách bươm, mảnh nâu mảnh trắng, bởi có chỗ phải dùng cả vải làm giẻ lau súng vá vào. Nhưng tai ác hơn là những cơn sốt rét rừng phục sẵn trong cơ thể bắt đầu vùng dậy. Ngày nào cũng lên cơn sốt. Mỗi cơn sốt trải qua ba thời kỳ: Trước hết là rét, rét như trên đời này chưa bao giờ có một lần rét như thế, rét tới mức gí cả hòn than đỏ vào cánh tay cũng chỉ nghe tiếng cháy xèo xèo. Hết rét là chuyển qua nóng, nóng như có ai nung lửa ở trong ruột, nóng mà không toát được mồ hôi, hơi nóng tụ lại trên da thịt có thể làm cháy lũ ruồi muỗi nếu chúng nhởn nhơ đậu vào... tiếp theo là nôn mửa, ruột gan như bị xáo tung, toàn thân quằn quại, dạ dày ngỡ trào lên cổ, nước xanh nước vàng bật ra khỏi miệng.
Cậu Khung, chiến sĩ công vụ, chạy hết nơi này nơi nọ xin được vài viên ký-ninh. Ký-ninh là loại thuốc chống sốt rét mầu vàng, cực kỳ đắng, đắng tưởng như rụt lưỡi, nếu khi uống không bọc bên ngoài một lớp giấy mỏng, kèm theo ca nước giúp cho viên thuốc lọt nhanh qua cổ họng. Vậy mà tôi ngậm ký-ninh như ngậm đường cho "đã" lúc cơn rét hoành hành.
Thấy tình trạng tôi như thế, mẹ Khảm chủ nhà nói: "Phải chữa theo lối thuốc nam. Chú Khung cứ đi tập luyện, để chú đây mẹ quản lý cho...".
Từ đó mỗi lần chớm cơn rét là mẹ lấy hết chăn, màn chiếu phủ kín người tôi, rồi bảo cô Kim, con gái mẹ, đang học lớp chín, ngồi lên. Những hôm Kim đi vắng, mẹ thay cô bằng chiếc chõng tre bốn chân rất chắc ấn chặt lấy người, mà tôi vẫn cứ run bần bật như động đất ở ba, bốn độ rích-te.
Dứt cơn sốt, mẹ Khảm bưng ra nồi nước xông thơm phức mùi hương nhu cộng với lá tràm, mẹ bảo tôi trùm chăn, ghé mặt vào nồi, dùng đũa cời lớp lá chuối bọc phía trên cho hơi nóng bốc từ từ... khi mồ hôi đã ra đều, mẹ đưa chiếc khăn, bảo tôi dùng nước đang xông để rửa mặt, lau sạch người, rồi ăn cháo. Bát cháo đỗ xanh với nếp, có thịt. Tôi nói với mẹ là đừng mua thịt, tiền đâu mà mua thịt, mẹ cho bát cháo bằng gạo cũng là quý lắm rồi. Nhà mẹ đã nghèo, con còn làm phiền thêm. Mẹ chỉ cười...
Về sau khi đã thân nhau, Kim cho biết, không phải là thịt lợn, thịt gà gì đâu, nhưng quý hơn cả thịt lợn, thịt gà, vì đó là thịt giun! Mẹ bảo Kim lên phía Cự Nẫm, sát bìa rừng đào giun mang về, dùng sợi nứa rạch đôi con giun rửa sạch bóp muối nhiều lần rồi thái nhỏ, phi hành mỡ, nấu với nếp và đỗ xanh. Lúc đầu Kim rất sợ, nhưng vì lo cho sức khỏe của tôi, hơn nữa mẹ cho biết thịt giun sạch lắm, chữa được sốt rét và một số bệnh khác, người con gái nào cũng phải hiểu để khi vào đời rồi, thiếu gì chuyện xảy ra.
Bát cháo nào cũng rắc nhiều hạt tiêu và muối mà sao tôi ăn vẫn thấy nhàn nhạt, người rã rời. Kim nói: "Em sẽ bổ sung cho anh một thứ nữa. Anh biết thứ gì không? Đó là ớt!"
Có lẽ đúng. Vì tôi đang ở trạng thái rét nhiều hơn nóng.
Quảng Bình là vùng đất người dân rất thích ăn ớt. Nhưng rồi chiến tranh, chỗ nào cũng bom đạn dội xuống, nên ớt ít dần và chỉ còn mọc ở những đồi hoang núi trọc. Thường là sau buổi học, dù đã mười hai giờ trưa, đói bụng, Kim vẫn đi thêm một quãng đường khá xa nữa, hái ớt giấu vào cặp sách, mang về trao cho tôi như trao một niềm vui. Khi tôi ăn cháo với ớt, Kim ngồi ở góc nhà, chỗ đặt chiếc bàn, mặt lộ rõ thú vị, chốc chốc khẽ cười, rồi cúi xuống ghi ghi chép chép hay vẽ vời gì đó.
Thấy tôi nhăn nhăn, cô hỏi: "ớt cay lắm à?" Tôi bảo: "Chẳng cay tí nào". Kim cười "ớt nào là ớt chẳng cay. Gái nào là gái chẳng hay..." Kim bỏ nửa chừng câu ca dao, cười nắc nẻ như trẻ con, Kim đang ở tuổi vô duyên, chân tay khẳng khiu chưa có bắp, ngực chưa nở, mắt không điệu đà, nghĩ gì là nói ra ngay. Cũng không hẳn thế. Rất trẻ con, nhưng cũng rất người lớn, có lúc Kim bó gối ngồi suy tư như đang chòng chành trước ngưỡng cửa cuộc đời.
- Anh thử ăn những quả ở phía đầu bị ngắt mất một ít xem có cay không?
Tôi hỏi:
- Làm sao lại bị ngắt như thế?
Kim giải thích:
- Đó là những quả ớt mà lũ sóc đã ăn. Khi đau bụng chúng chọn những quả cay nhất để chống nhiễm lạnh.
- Kiến thức về các loài vật của Kim cũng phong phú đấy chứ nhỉ?
Kim lắc đầu:
- Có gì là khó đâu anh. Cứ nhìn các loài trái cây như mít, ổi, nho, na, chuối... quả nào chim ăn là quả ấy rất ngon, cây ấy rất ngon.
Tôi lấy một quả như Kim bảo, cầm lên cắn thử, liền lắc đầu, bĩu môi:
- Chẳng cay tí nào cả. Có mà "sóc Kim" ấy!
Kim cười thú nhận:
- Đúng là "sóc em". Vì chẳng phải sóc cắn đâu, mà em cắn thử quả nào cay mới hái về. - Kim cũng cầm một quả đưa lên cắn, miệng nhấp nhấp, lộ vẻ ngạc nhiên: - ồ nhỉ, sao bây giờ không cay tí nào cả, lại còn ngòn ngọt nữa chớ!
Rồi Kim tự giải thích:
- Lúc nãy em lên phía núi, nơi nương rẫy bị bom Mỹ ném xuống, dân đã bỏ đi, cây cỏ mọc ngan ngát, ớt và rau tàu bay mọc nhan nhản. Có lẽ lúc đó một mình giữa cảnh hoang tàn, em sợ, nên cảm thấy ớt cay. Còn về đây có gia đình, có anh, cay đắng không bắt nạt nổi em.
Tôi đùa:
- Em chỉ "xạo" thôi. Chẳng biết bao giờ em trở thành người lớn.
Như nhớ ra điều gì Kim nói:
- à, ngày mai, em không lấy thứ ớt quả to nữa, em sẽ lấy loại ớt tiêu, ớt kim, cay đến điếc cả tai, anh ạ. Dạo nhỏ em ăn một lần, khiếp đến bây giờ.
Kim nói chuyện rất vui, rất hồn nhiên, lúc lúc lại cúi xuống bàn ngắm nghía cái gì đó. Tôi đi tới, Kim thu tờ giấy về phía lưng, ù chạy vào phòng trong. Đã có lần mẹ Khảm cho tôi biết là Kim thích vẽ lắm. "Em nó vẽ cả chú nữa đó".
Cũng có lúc hai anh em ngồi trò chuyện. Kim nói về tương lai, những mơ ước:
- Chà, ông Tề Bạch Thạch mới giỏi chứ. Anh biết ông ấy không?
Tôi đọc câu thơ ca ngợi Tề Bạch Thạch "vẽ cá thật hơn cá, vẽ hoa thật hơn hoa".
Kim reo lên:
- Vậy là anh cũng có tâm hồn cảm nhận nghệ thuật, chứ không phải chỉ biết đùng đoàng, hăng hái tiến lên...
Tôi nghiêm mặt:
- Em không được giỡn kiểu đó. Tất nhiên chẳng ai muốn chiến tranh. Chiến tranh là tai họa với dân tộc, với gia đình. Nhưng cũng vì dân tộc, vì gia đình chúng ta không từ chối chiến tranh.
Kim lè lưỡi:
- Eo ôi, anh nói nghiêm chỉnh quá. Chẳng có khe hở nào dành cho tình cảm cả.
Tôi nói:
- Chưa hết đâu, còn sự nghiêm chỉnh này nữa dành riêng cho em đây. Em phải tập trung vào học để tốt nghiệp cấp ba. Sau đó lấy chồng, đẻ một lũ con. Mẹ đang khỏe, mẹ sẽ nuôi cho. Bà cháu, mẹ con ríu rít thật là vui. Vẽ vời làm gì. Tài nghệ chẳng đến đâu. Hão huyền quá!
Kim cười:
- Ông anh nghĩ quẩn rồi. Em thì khác...
- Em định vào Trường cao đẳng Mỹ thuật chứ gì?
Kim ngập ngừng:
- Cứ mơ mộng như thế đã...
Tôi đưa tay như định ngăn một việc Kim sắp làm:
- Có người đã nói: "Mơ mộng để chỉ mà hưởng lạc, suy nghĩ là để làm việc. Lấy mơ mộng đặt vào suy nghĩ chẳng khác gì cho thuốc độc lẫn vào thức ăn". Em phải suy nghĩ trước cái thực tế khả năng của bản thân, của gia đình và suy nghĩ về chiến tranh. Em phải biết mình đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu. Với tư cách như một người anh trai, anh khuyên em đừng bồng bềnh...
Kim cười:
- Em không cần một người anh trai, em cần một người bạn cơ...
Cơn sốt rét lại đến nữa vào lúc nửa đêm, không muốn phiền gia đình, tôi cuộn chăn, lên hết gân cốt, nghiến chặt hai hàm răng, giữ cho người thăng bằng. Nghe có tiếng bước vào bước ra ngập ngừng. Chắc hẳn Kim biết tôi lên cơn sốt, nên đi tìm các thứ để đắp chăng? Nhà chỉ có một chiếc chăn, hai mẹ con đắp chung, khuya lạnh, không thể đánh thức mẹ dậy. Chắc là nghĩ vậy nên Kim đã luồn vào nằm chung, hai tay ôm lấy cổ tôi, ngực Kim ép vào ngực tôi như muốn truyền chút hơi ấm nhỏ nhoi, chia sẻ cơn rét cầm cập trong đêm dài một mình tôi chịu đựng.
Khi sức lực của tuổi trẻ đã phục hồi, những cơn sốt rét rừng bị xua đuổi, cũng là lúc tôi được lệnh cấp tốc về dự lớp bổ túc quân chính.
Định dành thời gian của buổi chiều thấy nhẹ nhàng và thanh thản nhất để kiểm tra việc học hành, cũng như nói chuyện cụ thể về tương lai với Kim, nhưng Kim đi đâu mãi đến chập choạng tối mới về. Qua ngõ cô chạy tạt vào nhà bếp, không rúc rích cười chào tôi như mọi lần. Tôi đến, mẹ Khảm mới cho biết cả buổi chiều Kim lên phía bìa rừng hái ớt, hái một gói to làm quà cho tôi ngày mai lên đường. Không may lũ máy bay trước khi ra biển đã trút nốt những quả bom còn lại cho nhẹ thân. Hơi bom nổ hất Kim vào bụi gai, quần áo bị xé rách tươm, ngực lưng và hai cánh tay xơ xước. Mẹ Khảm lấy bã chè, muối nhờ tôi xát vào những vết thương. Đêm không dám thắp đèn, sợ máy bay phát hiện, hai chúng tôi ra ngồi giữa sân, bầu trời đầy sao, không ánh trăng. Tôi nắm tay Kim chà muối lên những vết xước. Kim kêu oai oái trách tôi vô tình: "Cứ như anh xát muối vào vết thương cho con chó, con mèo, chứ không phải cho em". Tôi vuốt tóc em, mái tóc toát lên mùi nắng gió khô cằn của vùng đất chiến tranh. Kim lặng im một lúc, rồi cười răng rắc, nói tiếp:
- Anh gắng mang gói ớt đi, sốt rét chưa tha cho anh đâu, hơi mệt là nó vùng lên tức thì. Ngoài nớ ớt không cay bằng ớt trong này đâu. Nhớ biên thư về cho mẹ, cho em. Hằng ngày em cứ nhắc tên anh, đợi thư anh, để đi đâu hoặc làm gì trái ý em là anh bị vấp.
- Vậy, làm như thế nào là đúng ý em?
Kim ôm lấy cổ tôi hôn một tiếng "chụt" vào môi, rồi chạy vụt vào nhà, tạo thành vệt sáng nối liền từ mái tóc tới vô vàn thiên hà nhấp nháy.
Tôi bị bất ngờ, ngạc nhiên, thoáng chút xao động, đưa tay lên xoa môi, nói hơi to:
- Thật là trẻ con!
Vì phải cấp tốc rút kinh nghiệm những chiến dịch, những trận đánh thất bại và thành công đang nóng hổi ở chiến trường để bổ túc kịp thời cho chúng tôi, đồng thời tạo bản lĩnh cho người chỉ huy, nên chương trình bổ túc hết sức căng thẳng. Vận dụng lý thuyết quân sự cách mạng thể hiện trên sa bàn, thực địa, rồi hành quân diễn tập, hết đánh địch đổ bộ đường không, lại chuyển qua tác chiến vùng rừng núi, suốt ngày tranh cãi về nghệ thuật chỉ huy, vận dụng lý luận với thực tiễn chiến đấu, cộng với dự báo tương lai, nên người tôi rã rời, những cơn sốt rét rừng lại tái phát.
Tôi ăn bát cháo theo tiêu chuẩn trung táo do chiến sĩ nuôi quân nấu, dù có nhiều thịt, nhiều hành, có cả mì chính (thứ quý hiếm chỉ dành cho cán bộ cao cấp) mà miệng vẫn nhạt thếch. Tôi sực nhớ, phải chăng là do thiếu ớt? Tôi lấy gói ớt mà Kim đưa lâu nay để khô quắt trong ba lô, xé đến chục quả trộn vào cháo. Vì nghĩ rằng ớt vẫn ngọt như dạo nọ, nhưng khi xúc thìa cháo đưa lên thì chao ôi, cay ơi là cay, cay tưởng như bị a-xít thấm vào lưỡi. Tại sao thế nhỉ? Tại sao cũng chỉ quả ớt thôi mà thời này cay, còn thời kia lại ngọt?!
Chiến sĩ nuôi quân nhìn vào bát cháo ngạc nhiên nói: "Trời ơi, ông định tự tử bằng ớt à?".
Tôi mang gói ớt về nhà và nói với mẹ hãy rắc hạt theo bờ hàng rào, vì vùng ta sát đường chiến lược, bộ đội hay đi qua. Nhờ ớt mà con vượt qua được những cơn lạnh giá tưởng chết người. Hơn nữa đây là tấm lòng của một cô gái Quảng Bình.
Học xong lớp bổ túc, chúng tôi hăm hở ra trận, ngỡ như chiến trường không có mình sẽ bị địch uy hiếp, lấn chiếm đất đai và đồng bào miền Nam đang mỏi mắt chờ trông. Nhưng oái oăm thay, trong danh sách những người chưa ra trận lại có cả tôi.
Buồn quá, tôi tranh thủ về thăm nhà ít ngày, cơn sốt lại bùng lên, lại điệp khúc với lạnh, nóng, rồi nôn mửa. Dứt cơn sốt, nhạt miệng quá, thèm đưa cả nắm ớt vào miệng mà nhai ngấu nghiến. Tôi hỏi mẹ còn quả ớt nào không. Mẹ lắc đầu: "Hết cả rồi. Số ớt con mang về mẹ đã trồng khắp vườn. Cây rất tốt, lá xanh tươi, vừa chớm ra hoa".
Tôi được điều về làm phóng viên báo Quân khu Bốn, rồi báo Quân đội nhân dân, liên tục có mặt trên các chiến trường Quảng Trị, Lào, Thừa Thiên - Huế, miền Trung Trung Bộ, Campuchia... mỗi năm chỉ có mặt ở Hà Nội vài tháng, đủ thời gian giặt chăn màn, quần áo, viết vài truyện ngắn, bút ký... rồi lại ra đi... Mỗi một mùa ớt, mẹ tôi gửi cho tôi một túi tán nhỏ, hoặc còn tươi, bọc bằng lá chuối khô. Nhưng mùa ớt nào, tôi cũng không kịp ăn, vì bận bịu, cái chính là từ lâu tôi đã dứt cơn sốt rét và bắt đầu sợ ớt cay, dù ở dạng quả hay tán nhỏ thành bột.
Chiến tranh kết thúc tôi về Hà Nội. Thoáng một cái đã hết năm năm, bởi phải dồn thời gian cho sự hàn gắn Bắc Nam, khi chính quyền thu về một mối. Rồi chiến tranh hai đầu biên giới, phần tôi cũng muốn đi sâu vào nghề nghiệp, khi điều kiện hòa bình cho phép. Những tiếng òa lên, sung sướng, khi đồng đội tình cờ gặp lại nhau, trong đó có Khung, người chiến sĩ công vụ năm xưa. Khung ở quân đội lên đến tiểu đoàn trưởng thì được chuyển ngành ra ngoài, chuẩn bị cho chiến tranh kết thúc, nay là giám đốc một công ty ở ngoại thành Hà Nội. Cậu ta đến với tôi gần như là chiến sĩ đến với thủ trưởng, mặc dầu cả hai đếu muốn xóa nhòa ranh giới xưa kia, mà không xóa nhòa được, có lẽ do thói quen và có lẽ cũng do cái uy và cái tín của lớp cán bộ chỉ huy một thời được tạo nên bằng sự gương mẫu tuyệt đối và tinh thần xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khung hỏi:
- Thủ trưởng còn nhớ cái cô Kim ở Hà Trạch, ngày xưa hay đi lấy ớt về cho thủ trưởng ăn với cháo giun nữa không?
Tôi nói:
- Nhớ! Cô ấy bây giờ đang ở Hà Nội chứ gì?
- Thủ trưởng gặp lại rồi à? - Khung hỏi thế và nhìn vào mắt tôi với vẻ dò xét.
- Chưa gặp. Nhưng cảm thấy giữa mình và Kim cùng chung một tần số.
Có tiếng gõ cửa. Khung nhìn ra thấy khách tới, liền đứng dậy, xin phép về, hẹn dịp khác.
Khách là chị Thúy - nhà thơ. Chị có bài thơ "Sợi nhớ, sợi thương" sâu lắng, ân tình, ấm áp, lại được tài trí của Phan Huỳnh Điểu tạo thành dòng nhạc xuyên suốt tâm tư người lính mà tôi cũng như anh em cùng đơn vị rất thích: "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Bên nắng đốt, bên mưa quây... Em dang tay, em xòe tay chẳng thể nào xua tan mây. Chẳng thể nào che anh được...". Chị Thúy niềm nở vui vẻ:
- Này em, chị vừa hoàn chỉnh tập thơ mới, đang dạng bản thảo, sẽ đưa in vào tuần tới, có giấy phép xuất bản rồi. Bìa đã vẽ xong. Em xem thử và cho ý kiến.
Tôi cầm lên xem một lúc, rồi nói:
- Bìa đẹp, đạt tiêu chuẩn độc đáo và khám phá, nhưng hơi run rẩy, còn run rẩy ở chỗ nào, thì chính em cũng tìm chưa ra. Nó nằm nhiều ở cảm giác... mà cảm giác của em là tác giả bìa, hay tác giả thơ sắp có chuyện gì đó của số phận.
Hình như không để ý tới lời tôi nói, chị Thúy vẫn hồ hởi:
- Con bé này hay đáo để. Nó cũng biết cả em đấy. Hôm nào chị dẫn nó đến chơi với em nhé.
- Các cô gái Hà Nội không đi chơi vu vơ đâu, chị ơi, nhất là người có tài năng. - Tôi nói vậy và tiện tay lật mặt sau tấm bìa... nhìn thấy tên họa sĩ, mặt mày tôi xây xẩm, người lao đao.
Chị Thúy hốt hoảng hỏi:
- Em làm sao thế?
- Xin lỗi chị. Lâu lâu em lại bị sốt rét trở lại. - Nói xong, tôi nằm xuống giường kéo chăn đắp.
Chị Thúy về rồi, tôi nằm chờ cơn sốt rét và chuẩn bị đối phó với chu kỳ của nó - rồi nó sẽ dẫn đến hủy hoại hồng cầu, vàng vọt da thịt. Nhưng nằm mãi, nằm mãi vẫn không thấy gì. Tôi tung chăn ngồi dậy, bước ra ngoài, biết mình vừa qua cơn choáng váng không phải do bệnh tật, mà từ một khía cạnh sâu xa trong cuộc sống.
Đang công tác ở Vinh, tôi nhận được tin chị Thúy mất, từ một người con gái báo qua điện thoại, có lẽ cô ta cùng cơ quan với chị Thúy. Cái tin quá bất ngờ ấy làm tôi sững sờ đánh rơi cả chiếc máy điện thoại di động, lúc nhặt lên chỉ còn sự im lặng từ phía đầu kia.
Trở về Hà Nội, sau khi đến chia buồn với gia đình chị Thúy, người đầu tiên tôi gặp là Khung, Khung nói tiếp câu chuyện hôm nọ đang bỏ dở:
- Thủ trưởng nhớ được gì về cô Kim ấy nào?
- Cái cô Kim học theo phong cách sáng tác của Tề Bạch Thạch chứ gì?
- Con người ấy đã thành công đấy, thủ trưởng ạ. Thế mới phục chứ. Cô ta học Cao đẳng Mỹ thuật, tốt nghiệp, ở lại trường, rồi bỏ trường đi vẽ tự do.Vừa rồi tình cờ rẽ qua một phòng tranh - ấy là vì cơ quan em muốn mua một bức tranh theo trường phái Siêu thực để tặng khách nước ngoài - em đã nhận ra cô ta.
- Cô ta có nhận ra cậu không?
- Không. Nhưng về sau em tự giới thiệu. Cô ta "à" lên, mở to mắt, nhìn em như nhìn một quái vật.
- Nghĩa là thế nào?
- Em nói vui thôi, không phải nhìn một quái vật. Mà ngạc nhiên.
- Cô ta có biết mình ở Hà Nội không?
- Biết rành rọt lắm. Lúc đầu cô ta hỏi em là anh giờ ở đâu. Em nói dối là không biết. Cô ta trách em vô tình, tình cảm đồng chí, đồng đội xưa kia đã bị kinh tế thị trường làm cho mù lòa. Cô ta đưa cho em địa chỉ nhà riêng, nơi làm việc, số điện thoại của thủ trưởng, lại còn biết được cả con đường thủ trưởng đến cơ quan và nơi hay đến ăn trưa.
Như vô tình tôi hỏi:
- Chồng con thế nào?
- Đã lấy chồng. Chồng là cán bộ giảng dạy Trường cao đẳng Mỹ thuật, nhưng chia tay rồi, vì quan điểm sáng tác. Người chồng theo trường phái cổ điển, vẽ thực, còn cô ta, theo trường phái Dã thú màu sắc nguyên tươi, khỏe mạnh, sắc sảo, hơi man rợ, cũng là cách tìm tòi của nhân loại. Nếp sống riêng không phù hợp, nảy sinh từ câu chuyện cụ thể trong bữa ăn. Cô ta thích ăn ớt, món ăn nào cũng cho ớt vào, tỷ lệ nước chấm và ớt trong bát bao giờ cũng ngang bằng. ớt còn tràn ngập cả vào tranh vẽ, những chùm ớt lấp lóe, hoặc đỏ chót, ớt cài trên mũ, trên ba-lô và cả người lính sau cơn sốt rét cầm từng chùm ớt nhai ngấu nghiến ngon lành như ăn ổi, ăn táo, ăn sim... Đây là địa chỉ nhà riêng, cả số điện thoại. Còn đây là địa chỉ phòng tranh vừa khai mạc, mở độ một tháng... Người xem rất đông, mà người mua cũng nhiều.
Quan hệ của mình và Kim bây giờ là thế nào nhỉ? Tình quân dân, tình anh em? Đấy chỉ là nơi khởi đầu cho mọi chuyện khác. Tình yêu ư? Chắc là đã có, dù đơn phương hay đa phương, ôi cái thời mờ mờ, ảo ảo nhìn không rõ nét. Nhưng bây giờ đã muộn rồi, chẳng còn chỗ trong cuộc đời để đặt thêm một mối tình nữa, dù là vẫn đẹp, vẫn rất thơ mộng và đau đáu cả một nỗi niềm...
Không xác định được mối quan hệ hiện tại, nên tôi cứ nấn ná trong việc tới thăm Kim. Tuy vậy hôm nào cũng thế, tôi đi bộ qua đường Hàm Long đến phố Huế rẽ phải để đến chỗ ăn trưa, liêng liếc nhìn dòng người ngược chiều, hy vọng bắt gặp đôi mắt thân quen. Đầu óc luôn luôn phân vân: đến hay không đến. Và khi chân vừa chạm tới cửa hàng ăn, tôi quyết định không đến nữa, ném hết vào dĩ vãng cả sự giận dỗi là làm sao biết mình làm việc ở đây, đi đường này mà Kim lại né tránh.
Thấy chán, bỏ cả ăn trưa, quay ra, vừa lúc chiếc xe máy phanh đột ngột dừng lại trước lối tôi đang đi. Tôi khẽ gọi: "Kim". "Vâng, em đây!". Kim nói, rồi hỏi thêm: "Anh không ăn trưa à?" "Hôm nay thấy nhạt miệng quá". "Vậy là em đến đúng lúc. Vào đây anh em mình cùng ăn trưa". Kim nói tự nhiên như là chưa có khoảng cách mấy chục năm đặt giữa hai người.
Tìm đến chiếc bàn cuối phòng, tôi và Kim ngồi nhìn nhau, cả hai đều không nói, đăm đắm với xa xưa và cùng giật mình, khi cô gái trẻ mang đến thực đơn và lễ phép hỏi quý khách dùng loại bia gì, xin phục vụ.
Tôi gọi bia Tiger. Những món ăn hải sản xếp đầy trên mặt bàn. Bỗng dưng nhớ cái thời ăn cháo thịt giun và cô bé dạo ấy bây giờ đang ngồi trước mặt tôi, thời gian đã thu đi tuổi vô duyên, và giao lại cho cô khuôn mặt rạng rỡ, trắng hồng, đôi môi mịn và ấm, ngực nở, tay chân thon thả, một cơ thể hoàn chỉnh, hiện đại giấu trong lớp quần áo hợp thời trang với lối mặc hơi trễ tràng, bất cần.
Kim nhìn lướt qua thức ăn, rồi đứng dậy nói nhỏ điều gì với cô gái phục vụ, lát sau cô gái mang lên một bát ớt tươi đỏ chói. Kim dùng kéo xắt nhỏ ớt vào bát nước chấm và các đĩa thức ăn, rồi cứ thế Kim ngồi uống bia với ớt, hỏi những chuyện vui và hơi có chút giễu cợt:
- Từ ngày rời Hạ Trạch quê em, chắc anh được nhiều cô gái chăm sóc lắm nhỉ?
Tôi đùa:
- Một trăm người!
- Chị ấy bây giờ là ở trong số một trăm người đó?
- Không. Người thứ một trăm linh một.
- Ôi, sao anh tệ thế, bội bạc với cả một trăm người!
- Kết thúc chiến tranh, anh đã dành ra năm năm chờ đợi xem trong số một trăm người đó, có ai tìm lại anh không. Hoàn toàn không. Và anh phải tìm người thứ một trăm linh một.
- Anh ghép em vào số người nào?
- Không ghép vào số nào cả, nhưng cũng ghép vào tất cả.
- Cả số một trăm linh một?
- Thấp thoáng!
- Anh chỉ "xạo" thôi. Có bao giờ anh nghĩ đến em. Em chỉ là cô bé nhà quê vô duyên, bất tài, được mỗi chức năng lấy chồng, sinh con...
- Đã có lúc anh nói như thế. Chính là muốn em yên ổn cuộc sống.
- Còn em, câu nói của anh chi phối suốt cuộc đời em.
- Thôi em, bỏ qua cho anh!
Tôi nắm lấy tay Kim. Nhìn vào mặt Kim. Nhìn vào mái tóc bồng bềnh có thời nhuộm đầy nắng gió, bụi khói của chiến tranh, từ mái tóc ấy đang tỏa lên một tia lấp lánh. Tôi đứng dậy sờ vào mái tóc: "Ôi, tóc em đã có những sợi bạc". Tôi rứt một sợi tóc trắng đặt xuống mặt bàn, rồi ngồi về chỗ cũ.
Kim khóc, nước mắt nhỏ vào bát ớt đã được xắt nhỏ. Rồi cứ thế Kim uống bia với ớt, lúc từng lát mỏng lúc từng cả quả, không hề nhúng đũa vào thứ thức ăn xào rán nào.
Tôi đưa một lát ớt lên miệng, tuy hạt lưa thưa mà vẫn cay quá. Trào cả nước mắt. Đã từ lâu tôi không dám cho ớt vào nước chấm cũng như thức ăn. Có lẽ những gì xót xa và huy hoàng, những gì đắng cay của một thời mạnh mẽ, táo bạo đã qua đi theo tuổi trẻ. Bây giờ mình như hờ hững.
Kim gọi cô gái phục vụ, rồi nói:
- Anh đi, mẹ chết, ra học cao đẳng Mỹ thuật. Vào đời đầy bực bội. Trong em dồn lại muôn vàn đắng cay.
- Còn nhận ra đắng cay, là còn ham mê cuộc sống. - Tôi lầm rầm thế, rồi nói thêm: - Kế hoạch trưng bày tranh của em đến chiều nay là xong phải không?
- Vâng!
- Chiều nay, anh sẽ đến.
- Nhưng có còn tranh nữa đâu...
- Vì sao?
- Họ mua hết cả rồi. à, cũng còn, nhưng mà này, anh có rảnh không. Đi du lịch với em một chuyến về Hạ Trạch, vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi qua Thái-lan...
Chúng tôi đứng dậy. Trên bàn còn nguyên các đĩa thức ăn đã nguội lạnh, vài lát ớt như những chấm đỏ tô điểm chút rực rỡ vào hoàng hôn muộn màng. Tôi nắm tay em, nói một câu mà ngay cả bản thân mình cũng cảm thấy khó chịu vì chứa đựng sự tẻ nhạt:
- Để anh sắp xếp rồi trả lời em sau.
Trong đầu óc tôi hằn lên chương trình làm việc tuần này, tuần sau, tách ra một ngày cũng khó, huống gì cả một đợt dài dài. Đấy là chưa kể vừa bước chân đến cơ quan là tới tấp nào họp chi ủy, dự kiến đề bạt cán bộ, kế hoạch bồi dưỡng đảng viên mới, phân phối nhà ở ,v.v.... Nhìn lên đồng hồ đã bốn giờ chiều. Tôi vội vàng phóng xe như bay tới nơi trưng bày phòng tranh. Bà giữ xe bảo:
- Đã bế mạc từ lâu rồi. Chưa bao giờ thấy triển lãm tranh lại đông người đến xem như lần này. Họ mua nữa chứ. Toàn khách nước ngoài. Loại rẻ cũng trăm đô. Thôi, chú cứ để xe đó tôi trông giúp, chạy nhanh vào, may ra còn chút hơi hướm.
Trong phòng tranh thấy toàn các cô gái trẻ, có lẽ là học sinh của Kim đang ríu rít trò chuyện và đóng gói số tranh vừa dỡ xuống. Nền nhà đầy các loại hoa, khung gỗ, giấy mời, đinh, vải... Các cô gái trẻ cho biết Kim đang đi lấy vé máy bay để chuẩn bị vào thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hỏi: "Số tranh này định đưa đi đâu?". Các cô gái trả lời dấm dẳn: "Đóng gói giúp người mua". "Tôi muốn mua một bức tranh". "Hết rồi! à còn một bức trong kia kìa". Tôi bước vào góc phòng hơi tối, nơi cô gái chỉ tay. Quả là một bức tranh sơn mài khổ 0,9x1,3 mét treo hơi khuất. Nhìn kỹ, bức tranh thể hiện một người lính đang cầm chùm ớt đỏ chót. Còn tay kia đưa một quả ớt lên miệng. Người lính ngồi trên nền đất bao la với rừng thông, đồi trọc, làng hoang vắng, những con đường thoắt ẩn thoắt hiện. Tôi nhận ra đó là tôi. Người lính trẻ một thời giữa trận mạc chiến tranh. Những chùm ớt ngọt ngào, hấp dẫn, những ngày trẻ trung quý giá đến tột cùng và bây giờ cay đắng đến tột cùng.
Cô gái lúc nãy vỗ vào vai tôi nói:
- Xin lỗi chú, em nhầm, bức tranh này cũng không bán đâu. Chú ra ngoài giúp, để bọn em dọn cửa. Chiều muộn rồi. Một tháng qua vất vả lắm.
Tôi hỏi:
- Cô Kim tối nay đi đâu?
Vừa gỡ bức tranh, cô gái vừa trả lời:
- Tụi em cũng không rõ lắm. Rất nhiều người mời. Chẳng hiểu cô ấy nhận lời với ai.
Phòng tranh đã đóng cửa. Thành phố lên đèn. Trời chợt mưa lâm thâm. Tôi đứng lặng trước nhà triển lãm tranh, thấy cơ thể nhạt thếch, ớn lạnh, không hiểu do thời tiết hay do sốt rét sắp tái phát. Mưa nặng hạt dần, thấm vào mặt, vào da thịt, người run rẩy. Nhưng tôi không muốn bước đi, muốn đứng đây mãi mãi, tự mình trừng phạt mình, tự mình hành hạ mình... Hình như đường đã vắng, đêm đã khuya... Có ai đó đi bộ trên vỉa hè, ném chiếc áo mưa vào tôi, tôi quay lại: Ôi Kim! Tôi chợt òa khóc, người lảo đảo. Kim ôm lấy tôi, đỡ lấy tôi, như đỡ lấy những ngày xưa. Mưa vẫn rơi tí tách. Chúng tôi nép mình trong tấm áo mưa, sung sướng như đời không cần gì nữa hết. Không cần của cải, vật chất, nghệ thuật, vị trí... chỉ cần một tấm áo mưa này thôi...