Ngày xưa, về thời nội thuộc nhà Hán, ở huyện Mê Linh, đất Phong Châu, có Lạc tướng họ Hùng sinh được hai người con gái, chị tên là Trắc, em tên là Nhị.
Trưng Trắc lấy chồng Thi Sách, thuộc giòng dõi Hùng Vương, cầm đầu châu Chu Diên. Viên thái thú đô hộ bấy giờ là Tô Định, tính tham tàn bạo ngược, thấy Thi Sách là người có chí khí yên nước và hai họ quý tộc Lạc Việt ở Mê Linh và Châu Diên giao kết có thanh thế lớn trong dân chúng, sợ có hại về sau, bèn lập mưu bắt Thi Sách giết đi.
Trước tình thế ấy, Trưng Trắc mới cùng em là Trưng Nhị hiệu triệu các nhà quý tộc trong nước và chiêu tập binh sĩ để dấy nghĩa. Sẵn lòng oán hận, bất bình những thủ đoạn tham tàn và chính sách đồng hóa của quan lại nhà Hán, các nhà quý tộc và dân chúng trong các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nổi lên hưởng ứng với Trưng Trắc ở quận Giao Chỉ.
Không bao lâu được hơn mười vạn quân, chị em bà Trưng Trắc phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Tô Định phải chạy ra biển Nam Hải mà trốn về Tàu. Thừa thế, hai chị em bèn đánh tràn quân nhà Hán, chiếm lại năm mươi sáu thành ở Lĩnh Nam, rồi xưng vương, vào năm Canh Tí (40 năm sau công nguyên) đóng đô ở Mê Linh.
Bà Trưng làm vua được hai năm, vua Quang Vũ nhà Hán sai viên lão tướng là Phục Ba tướng quân Mã Viện thống nhứt đại đội binh mã sang đánh. Hai chị em bà Trưng kéo quân ra nghênh chiến kịch liệt. Thấy khí thế quân Nam quật cường, liệu bề khó thắng, lại thêm có nhiều đội nữ binh dũng cảm của hai bà, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sĩ nhà Hán trần truồng mà giao chiến, làm cho các đội nữ binh trông thấy phải xấu hổ, ngượng ngùng quay đi thành ra mất nhuệ khí. Rồi lợi dụng chỗ đó, Mã Viện thúc quân xông tới làm cho quân của hai bà phải thua. Trưng Vương rút về giữ Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Yên), địch tràn tới, hai bà xua quân chống trả mãnh liệt. Quân Tàu lại giở trò quỷ quyệt trơ tráo khỏa thân để làm cho các đội nữ binh của hai bà phải bỏ chạy, rồi thừa thế đuổi theo. Cùng đường chạy đến Hát Giang, chị em bà Trưng cùng gieo mình xuống sông để thoát khỏi tay quân địch vây bắt.
Tục truyền rằng Trưng Trắc và Trưng Nhị nhảy xuống sông Hát thì hóa ra hai tượng bằng đá nổi trên mặt nước mà trôi đi. Dân các làng thấy vậy tranh nhau ra khấn để vớt về thờ. Hai pho tượng trôi đến làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì (thuộc Hà Đông), dân mới vớt lên được rồi lập đền thờ ở bãi sông làng. Trên bờ sông Hát, dân chúng nhớ công đức hai bà dựng đền thờ ở ngay chỗ hai chị em đã tuẫn tiết.
Người ta truyền tụng rằng đền thờ hai bà rất linh thiêng. Đời vua Anh Tông nhà Lý, gặp năm trời đại hạn, ruộng đất không cấy được, nhà vua sai Uy Tĩnh thiền sư đến đền thờ hai bà để cầu mưa. Quả nhiên giữa hôm ấy trời mưa tầm tã, vua thấy linh ứng hiển nhiên bèn ra lệnh cho xây lại đền thờ hai bà thêm nguy nga và phong tặng là Trinh Linh Nhị phu nhân. Đến đời nhà Tra6`n lại gia phong là Uy Liệt chế thắng thuần trinh bảo thượng lưỡng phu nhân.
Ngày nay đền thờ hai bà vẫn còn ở làng Đồng Nhân, hàng năm đến ngày mồng sáu tháng hai dân chúng trong nước vẫn nhớ làm lễ trọng thể.