Ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ tư, có nhà họ Cao sinh hai người con trai giống nhau như hai giọt nước, đặt tên Tân và Lang. Hai anh em đều khôi ngô và trìu mến ít khi rời nhau. Bà mẹ nhiều khi cũng không phân biệt được đứa nào là anh, đứa nào là em. Khi hai anh em mới được mười lăm, mười sáu tuổi thì cha mẹ đều chết vì một trận hỏa hoạn thiêu rụi hết nhà cửa và của cải. Đôi trẻ mồ côi được ông quan họ Lưu nghĩ tình bạn đồng liêu với họ Cao thân sinh ra hai anh em, bèn đưa về nhà nuôi.
Họ Lưu có một cô con gái, tên là Xuân Phù đang tuổi dậy thì, định bụng gả cho một trong hai anh em. Nàng Xuân Phù không làm sao phân biệt được hai anh em giống nhau từ nét mặt đến tính tình, tài học. Hai anh em lại tranh nhau nhường nhịn, người này muốn cho người kia được lòng cô gái đáng yêu.
Một hôm, ông quan họ Lưu sai con gái dọn ra một mâm cơm để chọn rể, bày đầy thức ăn, hai cái bát, nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em liền cấm lấy đôi đũa đưa mời anh ăn trước. Ông quan họ Lưu nhìn nhận người anh làm rể.
Vì tình thương anh, Lang cũng dễ dàng thắng được mối tình đối với người con gái đã trở nên chị dâu mình.
Còn Tân thì mải mê theo tình duyên mới, hóa ra lơ là đối với em trai. Lang âm thầm đau khổ, xót xa anh vì tình vợ chồng mà quên tình ruột thịt, rồi đến một hôm không còn chịu đựng được nữa, Lang bỏ nhà anh chị ra đi.
Người em cứ thẳng trước mặt mà đi, đi mãi không kể mệt nhọc, cho đến khi tới một con sông lớn. Không vượt qua sông được, người em đành ngồi lại bên bờ, nghĩ đến số phận mình mà chết mòn trong đau đớn. Rồi người em hóa thành một hòn đá.
Người anh ở nhà lâu không thấy em về, đoán hiểu duyên cớ, lấy làm hối hận, vội vàng đi tìm. Đi được mấy ngày, người anh đến bờ sông, mệt nhọc ngồi xuống cạnh hòn đá, tựa đầu lên nghĩ nhớ thương em mà chết. Rồi người anh hóa thành một cây cao thẳng tắp có trái và lá ở ngọn.
Người vợ ở nhà, mòn mỏi trông chồng mỗi ngày mỗi biệt, cũng lên đường đi tìm. Nàng lê bước tới bờ sông, mệt nhoài ôm lấy thân cây cho khỏi ngã, rồi khóc lóc nghĩ nhớ thương chồng cho tới chết. Rồi người vợ hóa thành một thứ dây leo quấn lấy thân cây cao thẳng.
Dân chúng ở trong vùng được báo mộng, bèn dựng đền thờ vong linh ba người. Sau đó, gặp năm đại hạn, cây cỏ khắp nơi đều khô héo, chỉ riêng cây kia và dây leo quấn quanh là vẫn xanh tươi. Tin lạ đồn đi, khách thập phương kéo đến lễ rất đông.
Vua Hùng Vương cũng ngự tới nơi, nghe các bậc bô lão trong làng kể lại câu chuyện hóa thân của ba người, lấy làm cảm động bèn cho hỏi các quan theo hầu về việc lạ lùng kia. Một vị lão thần tâu:
"Tâu bệ hạ, lệ thường muốn biết sự liên quan máu mủ ruột thịt của hai người, thì chích lấy hai giọt máu của đôi bên mà hòa với nhau. Hễ hai giọt máu hòa trộn lại với nhau thì đúng là cùng một giòng huyết cha mẹ mà ra. Bệ hạ cho trộn lẫn lá dây leo kia với trái cây nọ dùng bột đá này để thử xem sao".
Vua nghe theo, ra lệnh nung đá thành vôi rồi tán nhỏ quệt trên lá dây leo nhai lẫn với trái cây kia thì thấy hóa thành một màu đỏ thắm như máu. Cho rằng đây là tình nghĩa của hai anh em và người vợ đã chết kết tinh lại, vua Hùng Vương truyền cho dân chúng đem hai thứ cây kia về trồng gọi tên là cau và trầu. Từ đó nước ta có tục lệ dùng trầu cau trong lễ cưới hỏi để nhắc nhở đến sự tích trên đây. Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thắm thiết giữa anh em, vợ chồng.