hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-304.htm

Nguyễn Nhật Ánh

Mắt biếc

10

Thỉnh thoảng, Hà Lan vẫn về làng thăm con.

Mỗi lần về, nó ở quanh quẩn trong nhà, chẳng đi đâu. Tôi đến chơi, nằm đu đưa trên võng, bồi hồi ngắm 2 mẹ con xúm xít bên nhau. Hà Lan hỏi con đủ chuyện, Trà Long trả lời chẳng đâu vào đâu. Nó có vẻ kém hào hứng. Nó không thích loanh quanh trong nhà. Nó muốn mẹ dẫn đi chơi nhưng Hà Lan lại không hưởng ứng.

Trà Long không hài lòng mẹ, nó một mực kỳ kèo:

- Mẹ và chú Ngạn dẫn con vào rừng Sim chơi đi!

Hà Lan thở dài, liếc tôi. Tôi hiểu, Hà Lan giờ đã khác. Tôi chẳng mong đợi gì. Lòng nó bây giờ như chiếc lá khoai, tình tôi mưa xuống, nghìn giọt rơi nghìn giọt chảy ra ngoài. Nó sợ vào rừng Sim. Nó sợ kỷ niệm bủa vây. Trà Long giục nó hoài, nó nhìn tôi cầu cứu.

Tôi nhỏm người dậy, bảo Trà Long:

- Cháu muốn vào rừng chơi, chú sẽ dẫn cháu đi! Mẹ cháu mới ở thành phố về còn mệt để cho mẹ cháu nghỉ!

Trà Long ngúng nguẩy:

- Cháu không chịu đâu! Cháu muốn đi chơi với cả 2 người kìa! - Rồi nó nhe răng cười - Cháu đi giữa, mẹ một bên, chú Ngạn một bên!

Trước đòi hỏi quá quắt của Trà Long, tôi chẳng biết nói sao, bèn tìm cách lẻn ra khỏi nhà. Đi một quãng xa, tô còn nghe tiếng Trà Long gọi với theo:

- Chú Ngạn! Chú trốn cháu phải không? Cháu không thèm chơi với chú nữa đâu!

Tôi cắn chặt môi, bỏ đi luôn.

11

Trà Long lên lớp 6, ra trường huyện. Ngày rời làng, nó khóc như mưa bấc, nước mắt nó muốn trôi cả chợ Đo Đo. Nếu không có tôi đưa nó ra phố huyện, đi nửa đường dám nó thổn thức quay trở về ngồi trước thềm nhà khóc tiếp.

Ngày vào lớp 1, Trà Long gan lì, đi từ nhà đến trường không rơi 1 giọt nước mắt, sao hôm nay rời làng, lòng nó lắm mưa bay. Hay nó giống như tôi, nó giống như ông ngoại nó, khúc ruột liền với tình yêu quê xứ, mỗi bước xa đi là mỗi bước bận lòng.

Ra đến huyện, đôi mắt Trà Long còn đỏ hoe. Tôi đưa nó đến nhà ông chú chạy xe đò, nơi trước đây Hà Lan đã từng ở. Sắp xếp nơi ăn chốn ở cho nó xong xuôi, tôi quay xe về làng.

Nhưng Trà Long không cho tôi về. Nó níu tay tôi, khẩn khoản:

- Chú ở chơi với cháu thêm 1 ngày nữa đi!

Tôi nhìn nó, thấy tội tội. Lần đầu tiên ra phố huyện, lạ cảnh lạ người, chắc nó buồn lắm. Tôi gật đầu:

- ừ, chú ở lại, mai về. Bây giờ chú chở cháu đi chơi một vòng nghen!

Trà Long mừng lắm. Nó nhảy tót lên yên sau, ôm chặt lấy hông tôi, mặt mày hớn hở:

- Chú chở cháu đi mấy vòng cũng được!

Tôi chở Trà Long ngang qua trường huyện. Trường vẫn như xưa. Những dãy lớp đóng cửa im ỉm chờ ngày nhập học. Sân cỏ mênh mông, úa vàng vì nắng hè và hàng dương liễu thướt tha dọc hàng rào cát trắng.

- Trường cháu đây nè! - Tôi nói.

- Ôi, trường đẹp qúa hả chú? - Trà Long kêu lên - Hồi nhỏ chú và mẹ cháu cũng học ở đây phải không?

- ừ! - Tôi gật đầu và chỉ tay về phiá hàng rào - Hồi đó mẹ cháu hay ngồi chơi ở dưới gốc dương liễu này.

Nói xong, tôi giật mình. Tôi sợ Trà Long lại bảo: "Chú sao cứ nhắc đến mẹ cháu hoài!". Nhưng Trà Long vẫn ngồi im sau lưng tôi. Chắc nó đang tò mò ngắm nghía ngôi trường mới của mình.

Tôi ghé thăm bà Năm Tự. Thấy tôi, bà nhận ra ngay:

- ồ, Ngạn đấy hả? Lâu ghê mới gặp cháu! - Giọng bà mừng rỡ, rồi không kịp để tôi nói gì, bà vồn vã hỏi tiếp - Sao, cháu đã vợ con gì chưa?

Tôi mỉm cười, lắc đầu:

- Dạ chưa.

Bà Năm Tự quay sang Trà Long:

- Vậy chứ đứa bé nào đây?

- Dạ, đây là con gái của Hà Lan.

- Phải Hà Lan là con bé hồi trước vẫn thường tới đây học chung với cháu? - Bà Năm Tự nắm tay Trà Long kéo lại gần, xuýt xoa - Chà, con gái lớn quá hén!

Tôi nhìn quanh nhà, ngập ngừng hỏi:

- Anh Nhân đâu rồi, bà?

Bà Năm Tự chép miệng:

- Nó đi câu ngoài sông ngang. Nó buồn đời, suốt ngày ngồi bên bờ sông.

Anh Nhân là con trai bà Năm Tự. Anh đi lính tận Ban Mê Thuột, đánh nhau què giò, bị cưa một chân, thành thương phế binh giải ngũ về nhà. Ngày anh về, bà Năm Tự đốt nhang cảm ơn trời phật: "May mà nó không chết bờ chết bụi, cụt 1 chân đã là phúc, còn dẫn xác về nhà với mẹ". Nhưng từ ngày đó, anh Nhân đổi tính. Anh lầm lì, chẳng nói chuyện với ai, ngày nào cũng xách cần câu ra đi từ sáng sớm, tối mịt mới về. Bà Năm Tự buồn lại hoàn buồn. Khoái đi câu, ở làng tôi có thầy Cải. Nhưng thầy Cải khác anh Nhân. Thầy Cải đi câu vì niềm vui, anh Nhân đi câu vì nỗi buồn.

Sau một hồi trò chuyện, Bà Năm Tự kêu tôi và Trà Long ở lại ăn cơm. Tôi một mực từ chối. Tôi không sợ món cánh rau dền, tôi chỉ sợ ngồi chơi lâu, bà Năm Tự buộc miệng hỏi thăm ba của Trà Long thì khốn.

Tôi chào bà Năm Tự, chở Trà Long về nhà. Tối đó, tôi ngủ lại nhà ông chú nó. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đạp xe lặng lẽ về làng. Khi tôi đi, Trà Long vẫn còn ngủ.

12

Từ ngày Trà Long ra phố huyện, cuộc sống tôi trở nên quạnh quẽ. Tôi ngồi trên lớp dạy học trò, nhìn đứa bé nào cũng nhớ tới Trà Long. Những buổi chiều càng trống trải, dài lê thê. Hai mẹ con đi xuyên qua trái tim tôi, mỗi người về mỗi ngã, tôi ở lại làng chiều chiều đếm lá bàng rơi.

Đến nhà Trà Long, tôi chỉ biết leo lên võng nằm đọc sách. Đọc sách chán, chẳng biết làm gì, tôi lại ôm đàn ngồi gãy tích tịch tình tang dưới giàn hoa thiên lý, nghe xưa cũ v5ng về như mộng mị.

Tôi nằm trong cỏ ngó ra

Bóng ai thấp thoáng như là sương rơi

Tưởng người trong mộng về chơi

Nào hay lãng đãng một trời mưa giăng.

Mưa giăng kín hồn tôi từ dạo ấy, tiếng đàn run lên còn nghe ẩm ướt, lạnh muôn trùng, dẫu từ hồi về làng đến nay, tôi ít đụng tới cây đàn. Tôi treo đàn lên vách, chôn buồn thương xuống đáy lòng, tình yêu của tôi dồn vào việc chăm sóc và dạy dỗ Trà Long, hiện thân bé bỏng của người thương muôn thuở. Bây giờ, Trà Long ra đi, lòng tôi bỗng dưng hiu quạnh. Nhìn tới nhìn lui, chỉ còn cây đàn bụi giăng lớp lớp ở lại cùng tôi, người bạn đường đã theo tôi suốt cuộc tình buồn.

Cứ vậy, ngày nào cũng như ngày nào, đọc sách chán, tôi đi lang thang trong làng đến thăm các thầy cô và bạn bè cũ. Bạn bè năm xưa chẳng còn ai, mỗi đứa trôi dạt một phương trời, cũng có lúc tình hoài hương níu đôi người về lại nhưng cố xứ nghèo nàn chẳng giữ được ai lâu.Thầy cô thì tuổi tác chất chồng, áo cơm nặng gánh, chẳng mấy người lưu được nét xuân xưa. Thầy Cải trước đã hư một mắt, con mắt kia nay mây cũng kéo lòa, đành chia tay suối Lá. Bây giờ thầy ngồi nhà mò mẫn đan giỏ vừa kiếm miếng ăn vừa vui ngày tháng xế. Cô Thung hết than khát nước đến than tức ngực, nghi mình ho lao nên cũng giã từ bảng đen phấn trắng, bỏ lại đám học trò nheo nhóc nhớ thương cô.

Trường thiếu người phải mời thầy Phu ra dạy. Hôm nhận được tin, thầy xúc động rơm rớm nước mắt. Được dạy dỗ bọn trẻ con là hạnh phúc của thầy. Hạnh phúc đó đã tan thành mây khói khi trường tiểu học làng tôi mở thêm lớp 1. Bây giờ hạnh phúc đột ngột trở về, thầy Phu thay đổi hẳn. Nét khắc khổ trên mặt thầy biến mất. Hôm gặp nhau trên trường, thầy bắt tay tôi thật chặt, đôi mắt long lanh sau cặp kính lão. Tôi mừng cho thầy. Tôi còn mừng hơn nữa khi thầy khoe:

- Thằng Hòa đã về rồi, Ngạn ơi!

- Về luôn hả thầy?

- ừ, lần này nó về luôn!

Thầy Phu đáp bằng một giọng phấn chấn. Trong 2 đứa con của thầy, chị Hạnh biệt tích giang hồ. Chị ở đâu tít mãi phương Nam, lấy chồng, sinh con, lâu nay không thấy ghé về. Thằng Hòa cũng bỏ xứ đi làm ăn. Gặp hết thất bạn này đến thất bại khác, nó than bất phùng thời và phẫn chí khăn gói về làng trồng cây ăn trái. Thầy Phu kể với tôi như vậy. Và kết luận:

- Có nó bên cạnh cũng đỡ buồn!

Tôi nhìn thầy, chia sẻ. Cuộc đời đỡ buồn, còn mong mỏi nào hơn! Buồn thầy đã đở. Còn buồn tôi, biết đến bao giờ?

13

Chiều thứ 7 nào, Trà Long cũng đạp xe về làng, hệt như tôi và Hà Lan xưa.Hai năm đầu, thỉnh thoảng tôi phóng xe ra huyện đón nó về. Gọi là đón, thực ra 2 chú cháu mỗi người 1 chiếc. Tôi lững thững đạp xe bên cạnh Trà Long qua những nẻo đường xưa, cứ ngỡ mình đang trôi trong kỷ niệm. Tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ Xuân Diệu:

Thuyền qua mà nước cũng trôi

Lại thêm mây trắng trên trời cũng bay

Tôi đi trên chiếc thuyền này

Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi

Cái bay không đợi cái trôi

Từ tôi phút trước sang tôi phút này

Cuộc đời đã thực sự đổi thay. Có những đổi thay sâu sắc, những đổi thay mang màu sắc số phận mà thoạt nhìn không dễ nhận ra. Buổi chiều thứ 7 này với buổi chiều thứ 7 của 17 năm về trước có vẻ như một sự lặp lại đầy bí ẩn. Vẫn những tia nắng nhấp nháy nằm phơi mình trên các mái nhà và các ngọn lá hai bên đường không đậm hơn, không nhạt đi, vẫn những ngọn gió đến từ phía sau lũy tre xa, thổi ngang mặt đường làm bốc lên những đám bụi mờ, vẫn những con cánh quýt bay ra từ đám lá keo tây, kêu vù vù rồi lại chui vào những nách lá khuất, và trên con đường nứt nẻ, dài dặc, vẫn 2 người đạp xe bên nhau từ phố huyện về làng. Tôi vẫn tôi, dẫu tôi chẳng hồi xưa. Chỉ có Hà Lan biền biệt, để lại con mình thay chỗ lối đi quen. Buổi chiều chỉ khác đi một chi tiết mà khác biết bao nhiêu.

Rõ ràng Trà Long không phải là Hà Lan. Nhưng đến khi nó lên lớp 9, tôi lại không thể quả quyết về điều đó. Khi trở thành một cô gái, Trà Long giống mẹ như 2 giọt nước. Mỗi lần nó nhìn tôi, đôi mắt nó có khác nào mắt biếc năm xưa. Điều đó khiến tôi bối rối lạ lùng và bất giác tôi đâm ra sợ hãi. Tôi càng kinh hoảng hơn khi nhận ra mỗi khi đạp xe bên cạnh Trà Long, nghe nó ríu rít trò chuyện và thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt long lanh của nó, tôi quên bẵng tôi là một gã đàn ông 31 tuổi chồng chất trên vai. Tôi ngỡ tôi là cậu học trò lớp 9 đang cùng Trà Long rong ruổi những ngày xanh. Tôi vào rừng Sim lúi húi tìm bông dủ dẻ cho Trà Long. Tôi lại làm con khỉ trèo cây, hí hửng leo lên câh trâm năm nào hái cho nó từng chùm trái tím thẫm. Có phải tôi đang bơi ngược dòng thời gian để tìm lại những rung động đầu đời trong suốt như pha lê của gần 20 năm về trước, để đôi lúc ngẩn ngơ nhìn Trà Long, lòng bồi hồi mộng mị: "Hà Lan, có phải em đã về?.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com